Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật và các cõi siêu hình

06/11/201209:21(Xem: 4602)
Đức Phật và các cõi siêu hình

ĐỨC PHẬT VÀ CÁC CÕI SIÊU HÌNH
Toàn Không

ducphatvacoisieuhinh-toankhongI)- ĐỨC PHẬT VÀ THIÊN THẦN:

Một thời, Đức Phật giáo hóa tại Na Đà, xứ Kiền Trà, bấy giờ, Tôn giả A Nan Đà ngồi một mình trong tịnh thất im lặng suy nghĩ: “Thật là kỳ đặc, đức Thế Tôn thụ ký cho từng người làm cho họ được nhiều lợi ích, như đại Thần Già Già La sau khi chết, đức Thế Tôn ghi nhận vị ấy dứt được năm hạ phần kết sử, liền sinh về cõi Trời, khi hết tuổi thọ cõi Trời sẽ nhập Niết Bàn, không phải trở lại cõi này nữa.

Tỳ Già Đà Lợi Châu, Già Lâu, Tẩu Bà Đầu v.v..., các đại Thần này sau khi qua đời, đức Thế Tôn đều thọ ký cho họ đã đoạn trừ năm hạ phần kết sử được sinh lên cõi Trời, và sẽ diệt độ tại đó, không còn tái sinh lại đây nữa.

Lại có 50 người khác qua đời, đức Thế Tôn thụ ký là họ sạch hết ba hạ phần kết sử, chứng quả thứ hai là Tư Đà Hàm, chỉ còn tái sinh lại đây một lần là dứt sạch gốc khổ. Đồng thời cũng có 50 vị khác qua đời, đức Thế Tôn thọ ký họ chứng quả thứ nhất Tu Đà Hoàn, không còn bị đọa vào ác đạo, chỉ còn tái sinh vào cõi này 7 lần nữa, và cuối cùng sạch hết gốc khổ.

Hơn nữa, những đệ tử của Thế Tôn khi qua đời, Thế Tôn đều thụ ký cho họ rằng: người này sinh chỗ này, người kia sinh chỗ kia. Người Ương Già, người Bạt Kỳ, người Câu Tát La v.v..., 16 nước đều có người qua đời, Thế Tôn đều thọ ký cho họ cả.

Trái lại, người nước Ma Kiệt, đều là dòng dõi Vua Chúa, đã có những người qua đời không được Ngài thụ ký”.

Nghĩ rồi, Tôn giả A Nan Đà đứng lên đi đến chỗ Phật, cúi lễ rồi thưa:

- Vừa rồi, con ở trong tịnh thất, im lặng suy nghĩ: “Thật là kỳ đặc, đức Thế Tôn thụ ký cho từng người, trong 16 nước đều có người qua đời đều được Thế Tôn thọ ký, làm lợi ích cho họ, chỉ có nước Ma Kiệt, cũng có người qua đời nhưng chưa được Thế Tôn thụ ký”, cúi mong Thế Tôn thọ ký cho họ, để làm lợi ích cho tất cả Trời Người.

Lại nữa Vua Tần Bà Sa La, Bình Sa Vương, là Cư sĩ, hết lòng tin Phật, có nhiều sự cúng dàng Tam Bảo, nhưng chưa được Thế Tôn thọ ký, cúi xin Thế Tôn thụ ký cho ông ta để làm lợi ích cho chúng sinh, thưa xong, Tôn giả A Nan Đà vái lạy rồi lui đi.

Lúc ấy, đức Phật vào thành Na Già khất thực, xong Ngài đến khu rừng ngồi dưới gốc cây quán chiếu nơi thọ sinh của người nước Ma Kiệt đã qua đời. Khi đó có một vị Thần đứng cách không xa đức Phật, tự xưng tên mình và nói:

- Tôi tên là Xà Ni Sa, tôi là Xà Ni Sa, tôi thấy được dấu đạo.

Đức Phật hỏi:

- Ông có việc gì mà tự xưng là Xà Ni Sa, Ông có pháp gì mà nói là thấy dấu đạo?

Xà Ni Sa đáp:

- Không có việc gì khác, tôi vốn là một vị Vua ở trong giáo pháp của Như Lai, làm người Cư sĩ, nhất tâm niệm Phật khi qua đời, nên được sinh làm Thái tử của Tỳ Sa Môn Thiên Vương, được quả thứ nhất Tu Đà Hoàn, không còn đọa vào đường dữ nữa, và trong 7 đời liên tiếp sẽ thường gọi là Xà Ni Sa.

Lúc đó, đức Phật rời khu rừng ấy đến khu Na Đà xứ Kiền Trà, Ngài bảo một Tỳ kheo:

- Thầy đi gọi Tỳ Kheo A Nan đến gặp Ta.

Tỳ Kheo ấy thưa:

- Vâng.

Khi Tôn giả A Nan Đà đến vái lễ xong thưa:

- Hàng ngày con thấy Thế Tôn tịch tịnh, bây giờ Ngài nghĩ gì mà dung nhan Thế Tôn vui tươi khác lạ? Xin Thế Tôn cho con được biết.

Đức Phật bảo:

- Sáng nay, Thầy vì người qua đời nước Ma Kiệt, đến chỗ Ta cầu thỉnh thọ ký, rồi ra đi. Ta đi khất thực xong đến rừng ngồi dưới gốc cây quán sát chỗ thụ sanh của người Ma Kiệt sau khi qua đời. Lúc ấy, cách Ta không xa, có một vị Thần, tự xưng tên rằng: “Tôi tên là Xà Ni Sa, tôi là Xà Ni Sa”. A Nan, Thầy đã từng nghe tên Xà Ni Sa chưa?

Tôn giả A Nan Đà thưa:

- Con chưa từng nghe, nay con nghe tên ấy, con sinh lòng sợ hãi, lông tóc dựng ngược. Thưa đức Thế Tôn, vị Thần này chắc là có công đức lớn, nên có tên là Xà Ni Sa?

Đức Phật bảo:

- Rồi Thần ấy nói: “Tôi thấy được dấu đạo”. Trước hết Ta hỏi Thần ấy: “Ông do pháp gì mà tự xưng thấy dấu đạo?” Xà Ni Sa đáp: “Tôi chỉ vì trước kia là Vua người, là đệ tử và có lòng tin Phật, chứng quả Tu Đà Hoàn, khi qua đời sinh vào làm con Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Tôi không còn sinh vào cõi dữ nữa, chỉ sanh lại cõi Người 7 lần thì dứt hết gốc khổ. Trong 7 lần tái sinh đều có tên là Xà Ni Sa”

--- :: ---

Bấy giờ, các vị Trời Đạo Lợi tụ tập ở một nơi, khi đó Tứ Thiên Vương đều ngồi theo hướng của mình như sau:

- Đề Đầu Lại Tra Thiên Vương ngồi ở hướng Đông, quay mặt về hướng Tây, Vua Trời Đế Thích cõi Đạo Lợi ngồi trước mặt.

- Tỳ Lâu Nặc Thiên Vương ngồi ở hướng Nam, quay mặt về hướng Bắc, Vua Trời Đế Thích ngồi ở trước mặt.

- Tỳ Lâu Bác Xoa Thiên Vương ngồi ở hướng Tây, mặt hướng về phía Đông, Đế Thích ngồi ở trước mặt.

- Tỳ Sa Môn Thiên Vương ngồi ở hướng Bắc, mặt hướng về phía Nam, Đế Thích ngồi ở trước mặt.

Sau khi Bốn Thiên Vương ngồi xong, tới phiên Xà Ni Sa và các đại Thiên Thần ngồi. Các vị này, trước kia đều theo Phật tu hành, giữ giới, nên khi qua đời được sinh đến cõi Trời Đạo Lợi, được hưởng năm thứ phúc báo là:

1- Sống lâu,

2- Đẹp đẽ,

3- Người Trời,

4- An lạc,

5- Uy đức.

Khi ấy, chư Thiên Đạo Lợi đều hân hoan vui mừng và nói: “Chúng Thiên tăng lên, chúng Thần giảm xuống”.

Bấy giờ Vua Trời Đạo Lợi biết chư Thiên có tâm niệm vui mừng, liền nói kệ:

Vô số Thiên Đạo Lợi,

Cùng Đế Thích vui chơi,

Kính lễ đức Như Lai,

Đấng Pháp Vương tối thượng.

Chư Thiên được phúc báo,

Thụ, sắc, danh, lạc, oai,

Theo Phật tu phạm hạnh,

Nên sinh về cõi này.

Lúc đó Thiên Thần Xà Ni Sa nói: “Sở dĩ chư Thiên Đạo Lợi tập hợp tại Thiện Pháp Đường, là để cùng nhau thảo luận, suy tư, quán sát về những giáo lệnh ấy. Sau đó mới dạy cho Tứ Thiên Vương, bốn Thiên Vương nhận lãnh xong rồi theo hướng của mình mà ngồi.

Nhưng ngay khi đó có ánh sáng lạ chiếu cả bốn phương.

Chư Thiên Đạo Lợi thấy ánh sáng lạ đều kinh ngạc và nói: “Nay có ánh sáng khác thường này, chắc là có điềm lạ gì đây? Ngay cả chư Thiên có oai Thần, cũng cảm thấy sợ.

Lúc ấy, Vua Trời Đại Phạm hóa thành Đồng tử, đầu có 5 búi tóc, đứng trong hư không ở trên Thiên chúng, dung mạo tuyệt đẹp, vượt hẳn Thiên chúng cõi Đạo Lợi, thân màu sắc vàng tía, ánh sáng soi át hẳn ánh sáng chư Thiên.

Chư Thiên Đạo Lợi thấy, lặng yên, không chào không đón; Phạm Đồng Tử từ từ hạ xuống đúng chỗ mà ngồi một cách vui vẻ, vị Đại Phạm Thiên ấy vừa ngồi xong, liền biến ra một Đồng Tử khác ngồi ngay ngắn bất động trong hư không trên chư Thiên và nói kệ:

Đấng Điều phục vô thượng,

Đem ánh sáng cho đời,

Giảng nói pháp nhiệm mầu,

Phạm hạnh không ai bằng,

Khiến chúng sinh thanh tịnh,

Sinh về trời Tịnh Diệu.

Nay ta nói để quý vị biết điều này, các vị hãy lắng nghe: “Các vị Cư sĩ, đệ tử của Như lai ở nước Ma Kiệt qua đời, có người chứng quả vị thứ ba A Na Hàm, có người chứng quả vị thứ hai Tư Đà Hàm, có người chứng quả vị thứ nhất Tu đà Hoàn. Có người sinh đến cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, hoặc có người sinh đến cõi Trời Hóa Tự Tại, có người sanh đến cõi Trời Đâu Suất, cõi Diệm Ma, cõi Đạo Lợi, Tứ Thiên Vương, hoặc có người sinh lại cõi Người vào dòng Vua Chúa (Sát Đế Lợi), Quý tộc (Bà La Môn), được năm dục tự nhiên.

Rồi Phạm Đồng Tử nói kệ:

Bà tắc nước Ma Kiệt,

Những người đã mệnh chung,

Tám muôn bốn nghìn người,

Ta nghe họ đắc đạo,

Chứng quả Tu Đà Hoàn,

Không sinh vào cõi ác,

Đi trên đường chân chính,

Chứng đạo hay cứu tế,

Những hạng chúng sanh này,

Giữ gìn các công đức,

Trí tuệ, lìa ân ái,

Hổ thẹn, lìa vọng ngữ,

Ở giữa chư Thiên ấy,

Phạm Đồng nói như thế,

Họ được Tu Đà Hoàn,

Chư Thiên đều hoan hỷ.

Tỳ Sa Môn Thiên Vương nghe bài kệ xong vui mừng nói:

- Đức Như Lai nói pháp chân thật, thật là kỳ diệu chưa từng có, ta vốn không biết Như Lai xuất hiện ở thế gian nói như thế, đồng thời khiến cho Chư Thiên Đạo Lợi hoan hỷ.

Lúc ấy Phạm Đồng Tử bảo Tỳ Sa Môn Thiên Vương:

- Đức Như Lai dùng sức phương tiện để nói về pháp thiện (lành) và bất thiện (ác) một cách đầy đủ, nhưng không có được pháp ấy (Chư Thiên không có pháp thiện ác); đồng thời Ngài nói pháp không tịch như có được pháp này (Chư Thiên có pháp này), đây là pháp vi diệu cũng như đề hồ (thức ăn bổ ích).

LỜI BÀN:

Đọc đoạn Kinh trên, chúng ta nên tìm hiểu:

1)- Sạch hết ba hạ phần kết sử là gì?

Kếtlà tụ lại, Sửlà sai sử, ràng buộc, Kết sửlà bị trói buộc. Sạch hết ba kết sửlà người tu đã dứt hết ba thứ như sau:

1- Tham ái dục:Tham ái là tham muốn nhục dục, luyến ái sáu trần, dính mắc bởi “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Chúng là những cái mạnh nhất trói buộc con người vào vòng sinh tử. Muốn tận diệt chúng, phải nhận thức mối nguy hại của chúng, kiên trì quán sát mối nguy hại, kiểm soát sáu căn “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”. Đây là những con rắn độc giết hại tâm thanh tịnh.

2- Sân hận:Sân giận, hận thù, oán hờn, tật đố ganh ghét, hành giả phải quán sát để thấy rõ nguồn gốc xấu xa tệ hại của nó mà trừ bỏ xa lià nó. Đây là ngọn lửa dữ thiêu đốt con người, hành giả dùng tâm Từ Bi để đối trị, khi đã trừ bỏ xa lià được rồi, lòng sẽ nhẹ nhõm, dễ dàng tiến tới tâm định tĩnh vắng lặng.

3- Hôn trầm, thùy miên: Hôn trầm thùy miên là dã dượi, uể oải, không vui, ăn nhiều, ợ ngáp, lười biếng, muốn ngủ nghỉ, không muốn hành thiền, không muốn tinh tấn. Hành giả phải cố gắng ngăn chặn bằng cách suy nghĩ đến sinh tử vô thường đến lúc nào không biết, không còn kịp nữa; lại một kiếp trôi lăn không biết sẽ về đâu, nên phải cố gắng tỉnh thức, kiên trì.

Người dứt tham ái dục, xa lìa hết sân giận và hết hôn trầm là sạch ba hạ phần kết sử, chứng quả thứ hai là Tư Đà Hàm, người này chỉ sinh lại cõi người một lần, rồi tu tiếp sẽ dứt hết khổ.

2)- Sạch hết năm hạ phần kết sử là gì?Là người đã dứt ba kết sử ở trên, còn dứt luôn hai kết sử sau đây:

4- Trạo hối, phóng dật: Là hối tiếc, có trạng thái buông xuôi, chao động của tâm khi đã làm những điều bất thiện, hành động ác ấy đưa đến sự lo âu hối tiếc đã để xảy ra việc bất thiện. Cũng có tình trạng lo âu khi việc thiện để qua mất không làm nên đưa tới buông thả, lại có đủ thứ khoái lạc ở đời, nên thường nhớ nghĩ không dứt được, đối trị trạo hối phóng dật bằng cách tự hứa hẹn sẽ không để tình trạng như thế xảy ra nữa. Quyết dứt bỏ xa lìa các điều lo âu và các điều vui thích ở đời, để đưa tâm trở lại an ổn trong việc hành thiền.

5- Nghi ngờ:Nghi ngờ là do dự trong quá khứ, tương lai, và hiện tại, là nghi pháp hành trì, nghi Thiện tri thức giảng dạy, nghi chính mình không đủ khả năng. Khi nghi ngờ sẽ có tâm bất định làm cho việc hành trì bị trở ngại, hành giả phải chú tâm quán sát, tỉnh thức theo dõi, quán sát để ra khỏi sự bất định của nghi ngờ.

Người dứt năm hạ phần kết sử, tức là chứng quả thứ ba A Na Hàm, sau khi qua đời sinh lên cõi Trời, rồi ở đó tiếp tục tu cho tới khi qua đời sẽ nhập Niết Bàn.

*****

Một điểm chúng ta biết Vua Tần Bà Sa La, hiệu Bình Sa Vương, nước Ma Kiệt sau khi chết vì người con tàn ác muốn giết cha để đoạt ngôi, nhưng bị bắt quả tang, Vua cha đã không trừng trị, còn trao ngôi Vua cho. Thế mà khi lên ngôi lại ra lệnh giam cha trong ngục tối không cho ăn bỏ đói. Lại nữa, nếu không có người ngăn cản, còn giết luôn mẹ mình vì người mẹ lén mang thức ăn vào dâng Vua cha!

Nhờ thần lực của đức Phật và sự tinh tấn hướng về Phật mà Vua chứng được quả Tu Đà Hoàn là quả thứ nhất, nhưng cái chết của Bình Sa Vương thật là thảm khốc do người con thấy lâu ngày rồi mà người cha chưa chết, nên ra lệnh cho người thợ cạo đến dùng dao sắc bén gọt gót chân, bôi dầu, muối rồi hơ trên lửa cho đến chết, thật là thê thảm! Khi Vua Tần Bà Sa La chết rồi được sinh làm con của Tỳ Sa Môn Thiên Vương là một trong Tứ Thiên Vương. Chúng ta tiếp tục xem Phạm Thiên Vương nói về Phật pháp:

II)- ĐẠI PHẠM VƯƠNG VÀ PHẬT PHÁP:

1)- Đại Phạm Thiên giảng về Phạm âm:

Phạm Đồng tử nói kệ xong bảo Chư Thiên Đạo Lợi: “Âm thanh của Chư Thiên có năm thứ thanh tịnh, cho nên gọi là phạm âm (khuôn phép của âm thanh lời nói), Năm thứ ấy là gì?

1- Âm thanh chính trực, (đúng như thật, không dối trá).

2- Âm thanh hòa nhã, (êm dịu, không chói tai).

3- Âm thanh trong trẻo, (không lanh lảnh, cũng không quá trầm).

4- Âm thanh sâu xa đầy đủ, (ý nghĩa cao siêu).

5- Âm thanh cùng khắp, (chỗ nào cũng nghe thấy).

Phải đầy đủ 5 đặc điểm này mới gọi là phạm âm.

2)- Đại Phạm Thiên giảng về Tứ Niệm Xứ:

Rồi Đại Phạm Vương Đồng Tử lại bảo Chư Thiên:

- Các vị hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ về vấn đề này, ta vì quý vị mà nói, Đức Như Lai chí chân khéo phân biệt và thuyết về Tứ Niệm Xứ. Bốn Niệm Xứ là gì? Đó là:

1- Quán Thân:Chuyên cần, chuyên chú không quên, để trừ tham lam buồn phiền, gồm:

- Quán thân trong thân: Sau khi quán thân xong, sẽ sinh Tha Thân Trí(biết rõ thân).

- Quán thân ngoài thân.

- Quán thân trong ngoài thân.

2- Quán Thụ(quán các cảm giác): Sau khi quán thọ sẽ sinh Tha Thụ Trí(biết rõ cảm thọ).

3- Quán Tâm(ý nghĩ tưởng nhớ): Sau khi quán Tâm sẽ sinh Tha Tâm Thông(biết rõ tâm mình, biết rõ tâm người khác).

4- Quán Pháp:(vạn vật): Sau khi quán Pháp xong sẽ sinh Tha Pháp Trí(biết rõ vạn vật như thật).

Đó là Bốn Niệm Xứ, quý vị phải suy nghĩ ghi nhớ và thực hành.

3)- Đại Phạm Thiên giảng về Thất Định Cụ:

Đại Phạm Đồng Tử giảng tiếp:

- Này chư Thiên, các vị hãy lắng nghe ta nói tiếp, Đức Như Lai khéo có thể phân biệt nói về Thất Định Cụ, Bảy Định Cụ là gì? Đó là:

1- Chính kiến (thấy đúng, thấy như thật),

2- Chính tri (suy nghĩ đúng, biết đúng),

3- Chính ngữ (nói đúng, không sai lệch),

4- Chính nghiệp (hành động chân chính),

5- Chính mệnh (làm nghề chân chính),

6- Chính tinh tấn (siêng năng cần mẫn),

7- Chính niệm (nhớ nghĩ điều chân chính).

Quý vị nên ghi nhớ và thực hành kiên cố sẽ được giải thoát.

4)- Đại Phạm Thiên giảng về Tứ Thần Túc:

Này Chư Thiên, lại nữa, Như Lai khéo có thể phân biệt nói về pháp Tứ Thần Túc(Bốn Như Ý Túc), Bốn Thần Túc là gì? Đó là:

1- Ý chi quyết tâm:Nhờ quyết tâm tu tập mà diệt trừ được tham ái dục, thành tựu sự tu tập Thần Túc.

2- Tinh tấn:Nhờ tinh tấn tu tập mà diệt trừ được hành nghiệp, thành tựu tu tập Thần Túc.

3- Nhất tâm nhất ý:Nhờ tu tập ý định mà diệt trừ được hành nghiệp thành tựu tu tập Thần Túc.

4- Quán sát:Nhờ quán sát tư duy mà diệt trừ được hành nghiệp, thành tựu tu tập Thần Túc.

Này Chư Thiên, các Sa Môn, Bà La Môn trong quá khứ và hiện tại dùng vô số phương tiện, hiện vô lượng Thần Túc, đều do Tứ Thần Túc phát khởi. Giả thử trong tương lai có ai dùng vô số phương tiện, hiện vô lượng Thần Túc cũng đều do Bốn Thần Túc này phát khởi.

Nói xong, Đại Phạm Thiên Vương Đồng Tử liền biến thân mình thành thân Trời Đạo Lợi, ngồi cùng chư Thiên Đạo Lợi và bảo:

- Ông muốn thấy năng lực thần biến của Ta không?

- Vâng, muốn thấy.

- Ta cũng do Tứ Thần Túc, nên có thể biến hóa vô số kể.

Lúc ấy, Chư Thiên Đạo lợi đều tự nghĩ: “Nay chỉ Phạm Đồng Tử ngồi ở chỗ ta nói lời nói ấy, nhưng khi Phạm Đồng Tử ở chỗ ta nói thì các hóa thân Phạm Đồng Tử ở chỗ khác cũng nói, khi một hóa thân im lặng thì hóa thân khác cũng im lặng.”

5)- Đại Phạm Thiên giảng con đường đến ngôi Chính Giác:

Rồi Vua Trời Đại Phạm thu nhiếp Thần Túc ngồi vào chỗ của Vua Trời Đế Thích mà bảo chư Thiên:

- Ta nay sẽ nói, các vị hãy lắng nghe! Đức Như Lai chí chân đã tự sử dụng năng lực của Ngài để mở bày ba con đường hầu đến ngôi Chính Giác, ba con đường đó là:

1- Hoặc có chúng sinh thân cận tham ái dục, thực hành pháp bất thiện, chúng sanh ấy sau lại được thân cận Thiện Tri Thức (hiểu biết nhiều điều hay lẽ phải), được nghe lời chỉ bảo. Lúc đó, họ rời bỏ tham ái dục, lìa xa các điều ác, được tâm vui vẻ an nhiên tự tại. Lại ở trong trạng thái an nhiên tự tại ấy sinh đại hoan hỉ. Đây là con đường thứ nhất.

2- Hoặc có chúng sanh nhiều sân hận, không từ bỏ nghiệp ác về thân miệng ý. Nhưng về sau, chúng sinh ấy gặp được Thiện Tri Thức, được nghe lời hay lẽ phải, nên lìa bỏ những hành động ác về thân miệng ý. Vì bỏ những ác hành về thân miệng ý nên sinh tâm hoan hỉ, lại ở trong trạng thái an lạc sinh đại hoan hỉ. Đây là con đường thứ hai.

3- Hoặc có chúng sanh si mê không biết phân biệt thiện ác, không biết như thật về khổ (Khổ), không biết như thật về nguyên nhân gây ra khổ (Tập), không biết như thật cách diệt khổ (Diệt), không biết như thật con đường đạo phải theo (Đạo). Chúng sinh ấy, sau gặp được Thiện Tri Thức, được nghe lời dạy, nên hiểu được đâu là thiện, đâu là ác, hiểu biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo. Khi hiểu rồi, chúng sinh ấy từ bỏ các điều bất thiện, tâm sinh hoan hỉ, lại ở trong trạng thái an lạc ấy mà phát sinh đại hoan hỉ, đó là, đức Như Lai mở bày con đường tắt thứ ba.

Đại Phạm Thiên Vương Đồng Tử nói Phật pháp này, Tỳ Sa Môn Thiên Vương nói chính pháp này, Thiên Thần Xà Ni Sa ở trước Phật nói pháp này, Đức Phật vì Tôn giả A Nan Đà nói pháp này, Tôn giả A Nan Đà vì bốn chúng và chúng sinh đời sau nên nói pháp này.

LỜI BÀN:

Chúng ta thử phân tích sâu rộng một số điều Đại Phạm Thiên Vương dạy các vị Trời Đạo Lợi dưới đây:

1) - VỀ TỨ NIỆM XỨ:

Bốn Niệm Xứ là gì? Đó là:

1- Quán Thân:Chuyên cần, chuyên chú không quên, để trừ tham lam buồn phiền.

Thế nào là quán Thân?

Là chú ý quán sát biết rõ cả cơ thể đang chuyển biến như thế nào. Tỉnh táo ghi nhận thấy rõ ràng từng bộ phận, mỗi cơ quan trong và ngoài của thân thể, và những diễn biến mỗi thứ của thân thể đang hoạt động ra sao.

- Quán thân trong thân là sao?

Quán thân trong thân là quán những bộ phận trong con người mình như ruột, gan, phổi, óc v.v...

- Quán thân ngoài thân là sao?

Quán thân ngoài thân là quán những pháp bên ngoài như tay chân, da, tóc, v.v..; cũng có nghĩa là quán những pháp bên ngoài thân như quán con chim, cái bàn, bông hồng v.v…

- Quán thân trong ngoài thân là sao?

Quán thân trong ngoài thân như tương quan giữa tai trong và tai ngoài, tương quan giữa miệng lưỡi và dạ dày, tương quan giữa mũi và phổi v.v...; cũng có nghĩa là những gì tương đồng giữa mình và người.

Quán thân tới nơi tới chốn sẽ đạt được Tha Thân Trí, nghĩa là thấy biết rõ thân thể mình, ví như có bệnh hay không, có bệnh ở chỗ nào v.v...

2- Quán Thụ.

Thế nào là quán Thụ?

Quán thọ là quán sát cảm giác, biết rõ cảm giác của mình về một sự việc gì. Chú ý xem cái cảm giác ấy ra sao, nó vui sướng thích thú, khoái cảm đê mê, hay nó buồn khổ, bực bội khó chịu, dễ ghét không ưa, hay nó không vui không buồn v.v….

Có ba loại Niệm thụ là: Thụ vui như trong lúc ngồi thiền cảm thấy thoải mái nên vui, thụ khó chịu như trong khi ngồi thiền có nhiều tiếng ồn ào, và thụ không khổ không vui như trong khi ngồi thiền có tiếng chim hót hay gió thổi lá xào xạc, đó là hoạt động bình thường không có cảm giác bực bội hoặc cảm giác thích thú v.v…

Sau khi quán thọ đúng mức rồi sẽ đạt Tha Thụ Trí, nghĩa là biết rõ ràng các cảm thọ. Tỉ dụ khi đau tại chỗ nào biết rõ ràng là đau cơ quan nào, không cần phải chụp hình dò dẫm như các Bác Sĩ thường làm.

3- Quán Tâm:

Thế nào là quán Tâm?

Tâm là ý nghĩ, tư tưởng, Quán tâm là quán sát chú ý biết ý nghĩ, tư tưởng khởi lên, gọi chung là vọng tưởng, như nhớ ngày xưa đi học, hay nghĩ đến tương lai v.v…

Có muôn nghìn ý nghĩ, tư tưởng, vọng niệm, nhưng đại loại có thể chia ra làm ba loại:

- Vọng tưởng tốt lành, tức những điều suy nghĩ việc thiện như nghĩ đến việc giúp đỡ người, bố thí cho kẻ nghèo, cúng chùa v.v…

- Vọng tưởng dữ độc, tức những điều suy nghĩ việc ác như nói xấu người, thù hằn không đội trời chung, nghĩ đến việc lừa đảo, trộm cắp, tà dâm v.v…

- Vọng tưởng không thiện không ác, tức là nghĩ đến những việc không lợi hại, không thiện ác như nghĩ đến vẻ đẹp của một đóa hoa và sự tàn dần của hoa, nghĩ đến đám mây trôi và sự vô định của mây, nghĩ đến biển cả và sóng vỗ vô tận của nó v.v…

Sau khi quán Tâm nhu nhuyễn rồi sẽ đạt Tha Tâm Trí, nghĩa là biết rõ tâm mình, biết rõ tâm người là thật thà hay dối trá, biết rõ người khác hiền lành hay ác dữ v.v...

4- Quán pháp

Thế nào là quán Pháp?

Quán pháp là quán sát chú tâm để biết đối tượng của tâm, đối tượng của tâm là pháp, nếu không có pháp ta không thể thấy tâm, cũng như không có tâm ta không thể thấy pháp.

Có mấy loại quán Pháp:Có bốn loại:

- Năm Triền Cái:Là năm cái ngăn che làm cho mê mờ gồm có: Tham dục, sân hận, hôn trầm (mờ mịt u tối như ăn nhiều, ợ ngáp, yếu đuối, không vui, lười biếng), trạo cử (không yên, phóng dật), nghi hối (nghi ngờ, do dự, lưỡng lự).

- Năm Uẩn:Là năm thứ cấu tạo nên thân, gồm: “Sắc, thụ, tưởng, hành, thức”. Sắc là thân; Thụ, tưởng, hành, thức là tâm.

- Sáu căn:Là năm giác quan gồm “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân”, và ý vô hình tướng; năm giác quan có năm đối tượng trần là “sắc, thanh, hương, vị, xúc”, và ý có đối tượng là “pháp”.

- Bảy giác chi:Là bảy phần biết gồm: “Niệm (nhớ, nghĩ, biết, chú ý, tỉnh thức v.v..), trạch pháp (chọn lựa), tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả.

Cách quán Pháp như thế nào?

- Quán sát Năm Triền Cáilà năm thứ hiện tượng ngăn che, như khi có ý muốn tham dục xuất hiện. Ta phải ý thức tỉnh táo quán sát biết nó xuất hiện và lià bỏ nó. Khi sân hận nổi lên ta phải chú ý biết sân hận nổi lên, nhìn kỹ nó, nó sẽ tự biến; khi mờ mịt tối tăm xuất hiện (hôn trầm xuất hiện), ta phải tỉnh táo, hôn trầm sẽ tự dứt; khi xao động không yên, ta chú ý xem, biết ngay nó là trạo cử, nó liền yên ổn; khi nghi ngờ điều gì, ta chú ý biết là đang nghi hối điều không đâu, nghi liền tự xả.

- Quán sát Năm Uẩnlà những thứ tạo nên thân tâm: Sắc thân cấu tạo bởi “đất nước, gió, lửa” hợp lại; xương, tóc, móng, thịt do đất mà thành; hơi thở do khí gió mà nên; hơi ấm do lửa mà có; máu, nước tiểu, nước bọt làm thành bởi nước, quán sát như thế biết rõ ràng sắc chẳng phải là ta, sắc là của đất nước gió lửa, sắc chẳng phải là của ta, nên xả được cái thân dễ dàng.

Tâm gồm tất cả thụ tưởng hành thức. Quán sát thụ là do cảm giác vui buồn không vui không buồn mà có, lìa cảm giác đâu còn có thụ nữa. Tưởng là nhớ nghĩ, là tri giác việc nọ việc kia, cái nọ cái kia, tưởng luôn biến đổi không ngừng; không nhớ nghĩ sẽ không có tưởng. Hành là hoạt động có tác ý, có mong muốn, không còn tác ý mong muốn sẽ không có hành; thức là sự nhận thức phân biệt khi căn tiếp xúc với trần, không có sự tiếp xúc căn trần thì không có thức.

Tóm lại ta ghi nhận để biết tất cả những cấu tạo, hoạt động của thân tâm, do đó không còn dính mắc, dứt, xa lià, xả bỏ sẽ được thân khỏe tâm an.

- Quán sát Sáu Cănlà “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”, và đối tượng của sáu căn là sáu trần “sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp”.

- Mắt thấy hình sắc, ta không để bị lôi kéo hay ghét bỏ bởi hình sắc đẹp xấu.

- Tai nghe âm thanh, ta không để bị quyến rũ hay chê bai bởi âm thanh hay dở.

- Mũi ngửi mùi, ta không để bị đam mê hay khó chịu bởi mùi thơm tho hay hôi thối.

- Lưỡi nếm vị, ta không để bị vị dính mắc hay từ chối bởi ngon hay không ngon.

- Thân tiếp xúc, ta không để bị tùy thuộc ở cảm giác trơn nhám, êm dịu v.v…

- Ý tiếp nhận pháp trần, ta không để bị phân biệt điên đảo.

Như vậy ta được yên ổn: Sau khi quán pháp nhu nhuyễn tới mức rồi sẽ đạt Tha Pháp Trí, tức là biết rõ hết vạn vật vũ trụ thế gian.

2) – VỀ THẤT ĐỊNH CỤ:

Chúng ta thấy Bảy Định Cụ này đức Phật dạy chư Thiên giống như Ngài dạy loài Người về Tám Chính Đạo, chỉ thiếu có Chính Định, có lẽ đối với chư Thiên không cần đến, nên Ngài không nói tới.

3) - VỀ TỨ THẦN TÚC:

Tứ Thần Túc là gì?

Tứ Thần Túc là Bốn Thần Túc, còn gọi là Bốn Như Ý Túc là bốn điều được như ý muốn, bốn cách làm cho thiền định được kết quả mĩ mãn đầy đủ, là bốn nẻo đường dẫn tới thần thông; khi được định đầy đủ mỹ mãn rồi, tức là ở trong chính định, đã ở trong chính định sẽ thành tựu thần thông. Để giúp cho người tu hành tiến tới đạo quả, Phật đã chế ra “Bốn Thần Túc”, mà người tu hành cần phải học và hành khi thiền định để đi đến giải thoát, khi đạt được tới đích, sự thù thắng do nơi định mà thành tựu.

Có bốn loại như ý túc chúng ta sẽ phân tích dưới đây:

1- Ý chí quyết tâm mong muốn:

Là ý chí mạnh mẽ, quyết tâm thực hành, mong mỏi đạt mục đích tối thượng, nó giống như chí thệ nguyện, quyết tử, luôn luôn nhớ nghĩ trong lòng, không lúc nào xao lãng quên, luôn luôn để hết tâm tư vào việc mình đang theo đuổi, đang tu hành. Việc này cũng như mèo rình chuột chỉ một bề ngó vào hang chuột, không nhòm ngó chỗ nào khác. Người hành thiền cũng vậy, quyết tâm, nhất chí, mong mỏi, chú ý, không suy nghĩ chuyện gì khác ngoài việc đang làm đang thiền, các việc khác đều quên hết thảy, có tiếng động, giọng ca đâu đó cũng không nghe, có bóng người (đẹp) qua ngay trước mặt cũng không thấỵ.

2- Tinh tấn:

Tinh tấn là tăng tiến dũng mãnh, chuyên cần siêng năng chăm chỉ không lười nghỉ, không thoái lui, không bỏ cuộc. Khi tinh tấn thì cần mẫn theo đuổi liên tục cho tới khi đạt mục đích mới thôi. Người tinh tấn luôn luôn có nghị lực mạnh mẽ, dẻo dai bền bỉ. Cũng ví như gà chim ấp trứng luôn luôn nằm tại ổ để cho trứng được ấm, đủ điều kiện cho trứng nở thành con, nếu gà hay chim ấp trứng chốc chốc lại bỏ ổ đi kiếm ăn, để cho trứng nguội lạnh, tất trứng không thể nở thành con được, lúc ấy trứng bị ung thối; người tu hành cũng vậy, phải tinh cần hành trì không ngưng, mới có triển vọng đạt tới đích.

3- Nhất tâm nhất ý:

Tất cả chỉ chú tâm vào một vấn đề đang tu, nhất tâm chú ý vào chủ đề, nhất ý để tâm vào một việc; không ôm đồm nhiều việc, không suy nghĩ hết việc này tới chuyện khác; không cho tư tưởng khác khởi lên, không cho tưởng nhớ điều nào khác, nghĩa là không cho các suy nghĩ vọng tưởng xen vào, chỉ chú tâm vào một việc thiền định mà thôi, tại sao? Vì khi suy nghĩ tưởng nhớ điều này việc nọ thì tâm bị tán loạn, sẽ không thể vào định được; khi tâm lặng tức là những vọng tưởng đều không có không còn, chỉ còn có nhất tâm, cái một tâm này là tâm thiền về một vấn đề, khi được một tâm rồi việc vào định sẽ dễ dàng nên việc.

4- Quán sát:Khi đã vào định được, ở trong định hành giả dùng trí tuệ sáng suốt để quán sát các pháp. Do định sinh trí huệ, dùng trí huệ này quán sát các pháp sẽ thấy biết như thật, quán sát vũ trụ vạn vật đúng như nó là, không sai sót mảy may. Khi đã quán sát đúng chân thật vạn vật, như thế là hết Vô minh được giải thoát.

Bài Kinh trên chứng tỏ rằng Phật Pháp không chỉ đang lưu hành tại cõi Người mà cũng đang lưu hành trên một số cõi Trời nữa, những bài Kinh đức Phật dạy ở cõi Người, Ngài cũng dạy cho Chư Thiên, tùy theo sự cần thiết hay không cần thiết mà Ngài thêm bớt, như chúng ta đã thấy trong Kinh này.

Sáu cõi Trời Dục giới chỉ có hai cõi Đâu Suất và Đạo Lợi có Phật Pháp thôi, còn 18 cõi Sắc giới thì hầu như đều có Phật Pháp, cõi Phạm Thiên tương ưng với Sơ Thiền thì chắc chắn có Phật Pháp như trong Kinh này chúng ta đã biết. Còn các cõi khác cao hơn tương ưng với Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, đều là những vị đã tu hành sinh lên, thiết nghĩ, các vị này sinh tới các cõi đó tiếp tục tu để tiến tới giải thoát vậy.

Toàn Không

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2013(Xem: 3688)
Nói đến hồ Tịnh Tâm ở cố đô Huế, mọi người liên tưởng ngay đến sen. Một loài hoa tinh khiết, cao quý nhưng lại được mọc lên từ đất bùn nơi các ao hồ. Suốt cả một thời gian dài trong năm, mặt hồ Tịnh Tâm lặng lẽ chỉ có gió nước, nắng mưa, bèo và rau muống, không hề thấy dấu vết của sen hồng, sen bạch. Cuối mùa xuân, những tia nắng vàng giúp cho những cuống lá sen dần dần mở ra, trải rộng những hình tròn màu lục non với vô số đường gân mơ hồ vàng trắng đan lồng nhau như tơ trời, gợi lên những kỳ vọng về một tương lai thanh bình của loài người. Qua mùa hạ, sắp đến mùa Phật đản chúng ta sẽ thấy những phép lạ từ mặt hồ Tịnh Tâm.
28/05/2013(Xem: 3753)
Hoàng hậu Mahamaya sinh Siddhartha một cách rất dễ dàng. Trên con đường về quê ngoại để sinh nở, bà và đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ ngơi ở vườn Lumbini.
27/05/2013(Xem: 5446)
Bài này tìm học rõ ngày sinh của đức Phật. Trên thế giới ngày nay có năm tôn giáo lớn: đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, đạo Ấn Độ, đạo Do Thái và đạo Phật. Hai tôn giáo có tính cách cục bộ là đạo Ấn Độ (Hinduism) và đạo Do Thái (Judaism). Đạo Ấn Độ vào đầu thiên niên kỷ Ba đếm 700 triệu tín đồ, tức là 13% dân số thế giới. Đạo Do Thái rất ít tín đồ, 18 triệu người trên dân số thế giới gần 7 tỉ, thế nhưng ảnh hưởng bao la trên lịch sử, chính trị và kinh tế thế giới.
25/05/2013(Xem: 6984)
Thật chẳng có gì mỉa mai hơn khi giới thiệu một vị thầy đã thấy rõ cái giả tướng, hư vọng của đời sống và truyền trao cho đời những giáo pháp từ đơn giản, dễ hiểu, lên đến những thâm sâu, uyên áo bằng những lời chỉ dạy có giải đáp rõ ràng, mà lại được giới thiệu, bắt đầu bằng một câu chuyện thần thoại, hoang đường, có đầu mà không có kết: Một hài nhi vừa mới ra đời đã vươn dạy, đi đứng quen thuộc, tuyên bố lời dị thường, rồi sau đó không lẽ lại rùng mình ngã trở lại vào vòng tay nâng đỡ của thường nhân? hay là gì khác (chẳng thấy kể ra)? hay chỉ tan vào hư ảo như lúc nó xuất hiện?
22/05/2013(Xem: 3528)
Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời, không như những vị thần linh và không hề mặc khải cho ai và cũng không hề để cho ai mặc khải, mà Ngài xuất hiện giữa cõi đời với tư cách của một bậc Giác ngộ hoàn toàn, nội hàm đầy đủ hai chất liệu đại trí và đại bi, đến và đi duyên theo đại nguyện.
18/05/2013(Xem: 5711)
Trong kinh điển Pāli không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả(26)của H.W. Schumann, là một luận điểm võ đoán, nếu không nói là chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử. Gần mười năm trước, lần đầu tiên tiếp cận tác phẩm Đức Phật lịch sử(1)của H.W. Schumann qua bản dịch của cô Trần Phương Lan, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự kính phục về độ uyên bác của tác phẩm cũng như sự dấn thân khoa học của bản thân tác giả. Lời giới thiệu tác phẩm của HT.Thích Thiện Châu trong bản dịch tiếng Việt cũng đồng quan điểm này, khi ngài cho rằng: H.W. Schumann đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của Đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Độ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H.W. Schumann về Đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về Đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào
10/04/2013(Xem: 4556)
Chúng ta kỷ niệm đại lễ Phật Đản, tức là chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày ra đời của Đấng Thích Ca Mâu Ni, Đức từ phụ của chúng ta. Ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong cõi Diêm Phù Đề này có những ý nghĩa trọng đại và sâu xa như sau...
10/04/2013(Xem: 7163)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567