Thích Thái Hòa
Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời, không như những vị thần linh và không hề mặc khải cho ai và cũng không hề để cho ai mặc khải, mà Ngài xuất hiện giữa cõi đời với tư cách của một bậc Giác ngộ hoàn toàn, nội hàm đầy đủ hai chất liệu đại trí và đại bi, đến và đi duyên theo đại nguyện.
Với chất liệu đại trí, Ngài có khả năng dẫn đường cho mọi người vượt ra khỏi đêm dài tăm tối; và với chất liệu đại bi, Ngài cùng đi với tất cả mọi người trên con đường dẫn đến nơi cao thượng.
Vì vậy, trong kinh A hàm và Nikàya nói rằng, ngày Phật Đản sanh là ngày gắn liền với bốn sứ mệnh như sau:
1- Hàn gắn lại những gì đã bị đổ vỡ: Do tri kiến sai lầm, con người đã vọng cầu về một bản ngã và do sự vọng cầu ấy, khiến cho đời sống con người bị phân hóa thành nhiều giai cấp, để thống trị, phân biệt kỳ thị, chiếm dụng và thanh toán lẫn nhau, khiến biển đời sôi sục, lửa hận bốc cao, tình người bị đổ vỡ, đời sống nhân loại bị bế tắt, khốn cùng. Nên, đức Phật ra đời là để tuyên dương giáo lý duyên khởi vô ngã, nhằm hàn gắn lại những gì đã bị đổ vỡ từ những tri kiến sai lầm của thế giới con người, khai thông lại những gì mà tư duy của thế giới con người đã bị bếtắt, đưa họ vượt qua sa mạc nóng bỏng, cô độc của kiếp người, trở về sống với nhau trong tinh thần tương thân, tương ái và sống chung hòa bình với nhau trong cùng một bản thể chân như. Biết nhìn nhận nhau, đồngcó Phật tính và không có sự khổ đau khác nhau, giữa những giọt máu đào cùng đỏ, giữa những giọt nước mắt cùng mặn.
2- Dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo: Do tà kiến, con người đã sống vàhành động theo một chiều, khiến cho mọi giá trị đạo đức, tâm linh đều bị nghiêng về một phía và sẽ dẫn đến sự xiêu vẹo, nghiêng đổ. Nên, đức Phật ra đời với sứ mệnh dựng đứng lại những gì giá trị đạo đức tâm linh cho thế giới con người vớichuẩn mực trung đạo, kêu gọi mọi người nên từ bỏ hai lối sống cực đoan. Một là từ bỏ lối sống ép xác khổ hạnh, vì nó không dẫn đến lợi ích đời này và đời sau. Hai là từ bỏ đời sống buông lung trong các dục, vì nó là đời sống đê tiện và hèn hạ, không có khả năng dẫn đến một đời sống chí thiện trong hiện tại và tương lai. Từ bỏ hai cực đoan ấy, con người có khả năng dựng đứng lại những gì trong đời sống đã bị tà kiến làm cho xiêu vẹo, lấy lại chủ quyền hay những giá trịcuộc sống mà tự thân con người đã bị đánh mất bởi những vô minh và thamvọng.
3- Bật đèn cho mọi người thấy: Do sống trong vô minh chấp ngã, nên con người không thấy rõ được sự thật về khổ đau, sự thật về nguyên nhân hay những tập khởi của khổ đau, sự thật của hạnh phúc, an lạc và sự thật về con đường diệt tận khổ đau. Nên, sứ mệnh của đức Phật ra đời là bật ngọnđèn chánh kiếncho mọi người thấy được bốn sự thật này, để có khả năng tri khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo, nhằm tự hoàn thiện đạo đức bản thân, gia đình và xã hội, khiến bản thân thăng hoa, gia đình hạnh phúc và xã hội an hòa.
4- Dẫn đường cho mọi người đi: Phật đạo là con đường dẫn đến đời sống giảithoát và giác ngộ. Giải thoát sanh tử và giác ngộ vô minh. Dù giàu có và sang trọng đến mấy, mà chưa thấy được biên cương của sanh tử, thì vẫnmê mang và chuyển lưu trong trục xoáy luân hồi; và dù tri thức cao thủ đến cỡ nào, mà vẫn còn vọng tưởng về tự ngã, thì vẫn mù lòa với tự tánh chân như; và vẫn còn kẹt mắc giữa đôi bờ có không, sinh diệt. Nên, sứ mệnh của đức Phật ra đời là để dẫn đường cho mọi người đi đến phương trời rộng lớn của giải thoát và giác ngộ của Phật đạo, không còn bị kẹt mắc bởi tri kiến nhị biên, bởi ý chỉ tông môn, giáo phái. Phật đạo là con đường duy nhất để chấm dứt tri kiến nhị biên, đoạn tận khổ đau sanh tử và dẫn đến đời sống tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Nên, Phật đạo là biển cả để cho mọi sông rãnh tìm về hội nhập.
Hômnay Phật Đản, Phật lịch 2557 lại trở về với hành tinh chúng ta, đây là cơ hội để cho hàng đệ tử Phật khắp nơi trên thế giới làm lễ kỷ niệm ngàyđản sanh của Ngài, nguyện tiếp tục kế thừa và phát huy bốn sứ mệnh cao cả ấy đến cùng khắp nhân loại và muôn loài, nhằm hàn gắn lại những gì trong cuộc sống đã bị đổ vỡ, dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo, bật ngọn đèn chánh pháp cho mọi người cùng thấy và chỉ đường cho mọi người cùng đi về nơi giải thoát và giác ngộ.
Kỷniệm Phật Đản năm nay, trùng vào năm mươi năm pháp nạn tại Việt Nam, nhắc lại pháp nạn 1963, không phải để trách móc, khơi gợi sự tủi nhục hay vinh quang của một thời, mà nhắc nhở những người lãnh đạo tôn giáo và chính quyền cần phải cẩn trọng trong mọi hành xử, đừng để rơi vào bấtcứ sự thiên lệch nào và đừng bao giờ để những sự kiện đáng tiếc ấy xảy ra và tái diễn trong lịch sử của thế giới con người, như đã từng xảy ra ởcuối thế kỷ mười hai của Phật giáo Ấn Độ, đời Tam võ của Phật giáo Trung Quốc, ở thế kỷ XVI của Phật giáo Tích Lan, ở thế kỷ XIX của Phật giáo Miến Điện và thời cận đại cách đây năm mươi năm của Phật giáo Việt Nam.
Kinhnghiệm lịch sử cho thấy, dù Phật giáo được đối đãi trọng hậu, người conPhật cũng không lấy đó làm sự vinh quang và dù Phật giáo bị đối xử bạc đãi, người con Phật cũng không lấy đó làm sự tủi nhục. Người con Phật cảm thấy tủi nhục, khi tự thấy mình không làm được gì đúng như bậc Đạo sư của mình đã từng dạy và đã từng làm; và người con Phật cảm thấy vinh quang và hạnh phúc, khi thấy thế giới con người biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, biết tôn trọng những phẩm giá cao quý của cuộc sống, biết bảo vệ quyền sống của con người và thiên nhiên, biết sống chung với nhau trong hòa bình, nhằm nâng cao phẩm chất Trí tuệ và Từ bi để trang nghiêmcuộc sống.
Bằngtất cả tâm nguyện tiếp nối những sứ mệnh ấy của ngày Phật đản, hàng đệ tử Phật chúng ta khắp nơi nơi, tùy theo cơ duyên và điều kiện của mình, cùng nhau đốt nén tâm hương, dâng lên cúng dường ngày đản sanh của đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, ngưỡng nguyện Thế Tôn phủ thùy chứng giám.