Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

32 Năm Ghi Dấu Một Chặng Đường của Tu Viện Quảng Đức

27/09/202220:30(Xem: 3159)
32 Năm Ghi Dấu Một Chặng Đường của Tu Viện Quảng Đức

tu vien quang duc


32 Năm Ghi Dấu
Một Chặng Đường của Tu Viện Quảng Đức

Bài viết: Phật tử Thanh Phi
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh




 

Thời gian! Khi nhắc đến 2 chữ “thời gian”, tức khắc chúng ta nghĩ ngay đến sự vận chuyển, mà sự vận chuyển này không bao giờ ngừng và đã tương tác đến toàn thể mọi sự vật trên trái đất. Thời gian thì vô hạn, nhưng đời người và mọi sự vật đều có giới hạn cho sự tồn tại của nó. Và cứ như thế, cuộc sống và mọi vật chung quanh chúng ta cứ theo dòng chảy vô tận của thời gian, để tiếp nhận bao đổi thay theo dòng biến chuyển sinh trụ hoại diệt.


Thời gian thay đổi và chúng ta cũng thay đổi theo thời gian
(Ngạn ngữ Đức)Ngày đi, tháng chạy, năm bay
Thời gian nước chảy, chẳng quay được về.

(Ngạn ngữ Nga)

Qua hai câu ngạn ngữ trên chúng ta thấy được tính chất của thời gian là như vậy. Cũng như Việt Nam ta có câu thành ngữ “Thời gian qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ”.

Thông thường chúng ta không cảm nhận được thời gian trôi nhanh như thế nào, nhưng một lúc nào đó nhìn lại những sự đổi thay, mất mát chung quanh chúng ta mới giật mình, vì khoảng thời gian mà chúng ta quên lãng, thoắt một cái đã 10 năm, 20 năm, 30 năm..., thế mà chúng ta chỉ tưởng như mới hôm nào.

Nhớ lại 22 năm trước khi tôi mới bước chân vào Tu Viện Quảng Đức, thì Chánh điện, nhà Đông, nhà Tây... đều rất cũ kỹ, bởi vì tất cả chỉ là biến chế lại từ những phòng ốc của một ngôi trường tiểu học vốn đã xuống cấp. Thế rồi từng giai đoạn, Chùa đã có sự thay đổi, từng khu vực lần lượt  được phá bỏ để xây mới lại, bắt đầu là Chánh Điện, kế đến là Tăng Xá, Tháp Tứ Ân, Pháp Xá, Phòng Trai đường, nhà bếp, khu vệ sinh, Giảng đường Hoa Sen, và gần đây nhất là công trình xây dựng khu Cư xá 2 tầng, bao gồm 12 phòng và phòng sinh hoạt cho Gia Đình Phật tử mới vừa hoàn tất, kịp cho ngày lễ Hoàn nguyện Tu Viện Quảng Đức 32 năm. Tất cả những công trình đó đã được tạo dựng xuyên suốt trong 20 năm, và giờ đây Tu Viện Quảng Đức đã trở nên rất khang trang có tầm cỡ trên xứ Úc này. Những ai biết đến Tu Viện Quảng Đức hơn 15 năm trước, chắc hẳn giờ đây nhìn lại sẽ thấy rõ sự thay đổi của TVQĐ hôm nay. Chúng ta vui mừng vì sự đổi thay này! Nhưng nhìn lại về phần nhân sự, chúng ta không thể không bồi hồi khi từng gương mặt những Phật tử thân thương của Tu Viện, từ từ phai mờ, vắng mặt trong mọi sinh hoạt. Các Cô Dì, Chú Bác, các Anh Chị là những người thuộc thế hệ trước, đến với chùa từ lúc mới khai sơn, cũng đã từng tham gia công quả cho mọi Phật sự, nhưng đã đến lúc phải ngừng vì tuổi già, bệnh hoạn không đến chùa thường được hay đã qua đời.

Nhớ lại khoảng thời gian từ khi tôi về chùa, mỗi Chủ Nhật hay các ngày lễ lớn, tôi vẫn thường gặp Dì Tư Bạch Vân, Dì Ba Đức Ngọc, Dì Bảy Diệu Phước, Dì Bảy Diệu Thiện, Dì Tám, Dì Sáu Diệu Kim, Dì Nguyên Châu, Dì Mười Ngọc Hoa, Dì Mười Lời, Dì Tư Hương Ngọc... về chùa làm công quả. Nhưng nay thì chỉ còn lại Dì Mười Ngọc Hoa, Dì Bảy Diệu Phước, Dì Nguyên Châu, Dì Sáu Diệu Kim, những vị này tuổi đã ngoài 80, nên không còn đi chùa thường nữa, còn các Dì kia thì đã về với Phật. Và thời gian vài năm gần đây nhất, thì Cậu Độ Nguyên Lượng là vị Phật tử lão thành kỳ cựu của TVQĐ, chị Hữu, chị Quảng Niệm, Dì Diệu Ngộ, Đh Long Quân ... đều là những Phật tử thuần thành gắn bó với Chùa trong mấy mươi năm qua cũng đã theo Phật. Mỗi lần lên Chánh điện, thắp hương nơi bàn Linh, nhìn hình ảnh thân thương của các vị, một chút ngậm ngùi thương tiếc người đã khuất, và cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến một ngày nào đó chính mình cũng như vậy.

Riêng về phần các vị Tôn Túc thì trong nước Úc này, chúng ta đã mất đi vị Hòa Thượng khả kính thượng Như hạ Huệ, Người đã từng là Hội Chủ của GHPGVNTNHN UĐL-TTL trong suốt 16 năm, Ngài đã viên tịch hơn 6 năm rồi, có lẽ giờ đây hình ảnh của Hòa Thượng đã từ từ phai mờ trong tâm thức của một số người, nhưng chắc hẳn công trạng của Ngài đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và Úc châu nói riêng không bao giờ mờ phai. Cũng như các Danh Tăng Hòa Thượng Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại mà chúng ta từng nghe tiếng, trong thời gian gần đây cũng lần lượt quy Tây, chúng ta thấy rõ các Ngài ra đi chẳng mang theo được gì? Nhưng các Ngài đã lưu lại những tinh hoa sở học của quý Ngài để soi đường cho hậu thế tu học. Hành trạng của quý Ngài là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Tấm gương đó sẽ không bao giờ lu mờ cho dù hình ảnh quý Ngài đã từ từ nhạt nhòa trong tâm tưởng của mọi người. Và những công hạnh cũng như hành trạng của quý Ngài chắc chắn đã góp phần vào sự tồn tại của Phật giáo.

Thiết nghĩ hàng Phật tử chúng ta chưa có đủ phước duyên xuất gia, chưa đủ trí tuệ để thấu hiểu hết nghĩa lý nhiệm mầu của Pháp Phật, để có thể trực tiếp hoằng truyền giáo pháp, nhưng may mắn chúng ta có cái duyên được gần gũi hộ trì Tam Bảo. Làm công quả là một hình thức giúp chùa chiền, giúp chư Tăng Ni trong nhiều phương diện liên quan đến Phật sự, và như thế là chúng ta cũng đã gián tiếp góp phần vào sự duy trì đạo Pháp, bởi vì như lời xưa có nói: “Phật pháp trường tồn do Tăng già hoằng hóa, Thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”.

Chúng ta hiểu được Chư Tăng Ni là những người đã lìa bỏ thế tục, làm người vô sản, nguyện trọn đời chỉ tu học Phật Pháp, thúc liễm thân tâm, ngõ hầu đem giáo lý của đức Phật giảng truyền giúp cho Phật tử hiểu rõ về nhân quả nghiệp báo, nhận chân được nguyên nhân của sự khổ và hướng dẫn cách diệt khổ, để mọi người có được cuộc sống an lạc. Là Phật tử chúng ta có bổn phận phải quan tâm đến cuộc sống của các vị xuất gia về phương diện vật chất và tiếp tay quý Ngài trong các Phật sự. Hộ trì chư Tăng Ni cũng chính là hộ trì Chánh Pháp.

Chư Tôn Thiền Đức khi xuất gia thì đã phải nhận lãnh trách nhiệm “Truyền Đăng Tục Diệm, Tổ Tổ Truyền Thừa, Tiếp Dẫn Hậu Lai, Báo Phật Ân Đức” còn hàng Phật tử chúng ta thì sao? Hẳn nhiên là hàng Phật tử công quả cũng cần có sự truyền thừa, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi Thiền môn và Phật tử luôn gắn kết nhau, nếu thiếu một trong hai là Phật pháp sẽ không còn tồn tại. Và trong 22 năm qua tôi đã thấy rằng, ngay tại TVQĐ, trên chư Tăng đã có sự truyền thừa, đó là TT Thích Nguyên Tạng đã kế thừa ngôi vị Trụ Trì thay cho TT Thích Tâm Phương, đang ở cương vị Viện Chủ; còn về phía Phật tử công quả, thì theo như tôi biết đã có 3 thế hệ: thế hệ đầu là các Dì trên 80 tuổi đã kể ở trên; thế hệ thứ 2 gồm chúng tôi là những người ở độ tuổi từ 60 đến 80 vẫn còn tiếp tục công quả, nhưng năng lực đã yếu kém rồi. Và thế hệ thứ 3 với các em, các cháu ở độ tuổi 40 đến 60 đã bắt đầu tiếp nối trong 4,5 năm đổ lại đây. Đó là dấu hiệu của sự tiếp nối.

 Nhưng có một vấn đề nếu suy xét kỹ chúng ta mới thấy sự truyền thừa của hàng xuất gia có khác với hàng Phật tử, bởi vì trong cơ chế tổ chức của một ngôi chùa đã có qui củ rõ ràng, chư Tăng Ni đều phải tuân thủ những qui luật của Thiền môn, tất cả đều phải trải qua một qui trình học hỏi và tu tập đúng pháp Phật; có Phẩm vị phân biệt và người kế thừa phải được tuyển chọn kỹ càng. Nhưng đối với Phật tử về chùa làm công quả, thì chỉ là một tập thể mà ai cũng có thể gia nhập nên phức tạp hơn, vì không phải ai cũng là người hiểu đạo, không phải ai cũng thấy rõ giá trị của việc làm công quả về mặt tâm linh, nên không khỏi tránh được những bất đồng, những tranh chấp, tuy có vi tế nhưng vẫn ảnh hưởng đến tinh thần sinh hoạt chung của tập thể. Nhất là hiện tại chúng ta đang ở đất nước phương Tây, là nơi mà những tư tưởng quan niệm trong cuộc sống có phần khác với tập quán, văn hóa của người Á Châu chúng ta.

 Nếu tính từ năm 1975 là năm đất nước Việt Nam bắt đầu có người rời bỏ quê hương đi tìm tự do, đến nay đã là 47 năm, gần nửa thế kỷ, và trong gia đình người Việt chúng ta đã có được 4 thế hệ. Hai thế hệ đầu gồm những người từ 60 tuổi trở lên là những người được sinh ra và trưởng thành với sự giáo dục theo văn hóa, phong tục tập quán của người VN. Thế hệ thứ 3, thứ 4 đa phần là những người được sinh ra ở Úc, được giáo dục theo văn hóa phương Tây, hấp thụ sự tự do thông thoát hơn. Do đó chúng ta phải chấp nhận để có những cái nhìn thông cảm thay vì chê bai trách móc. Vì chính những lời dèm pha, phê phán là rào cản khiến cho các em các cháu cảm thấy chán nản khi đến chùa. Các em, các cháu thường là những người chưa hiểu đạo pháp, chưa rõ qui củ của chùa, họ đến với chùa vì một nhân duyên nào đó và tập tành làm công quả. Hẳn nhiên thái độ đối với chư Tăng Ni vì quá tự nhiên nên thiếu sự khúm núm mà theo các vị lớn tuổi như vậy là không có sự kính nể... và từ đó phát sinh ra nhiều vấn đề. Tất cả chỉ vì không có sự thông cảm cho sự khác biệt tư tưởng, quan niệm sống giữa hai thế hệ, và đó chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ khi mới đến chùa thì sốt sắng hăng say, nhưng chỉ sau một thời gian là từ từ rút lui, bởi vì không thể chịu được những cái nhìn soi mói, nghe những lời thị phi. Đó là mối lo lắng chung cho các chùa nơi hải ngoại.

Do vậy chúng ta là những người thuộc thế hệ đi trước, đã có may mắn hiểu đạo phần nào, nên cần phải suy nghĩ, quan tâm đến thế hệ sẽ tiếp nối chúng ta tiếp tục nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo.

Chúng ta là những người may mắn được hiểu đạo qua kinh sách, qua lời giảng dạy của chư Tôn Đức, từ đó chúng ta phát tâm đến chùa làm công quả đúng theo ý nghĩa của nó nên chúng ta có được sự kham nhẫn khi gặp điều trái ý nghịch lòng. Nhưng các em các cháu vì được sinh sống trên xứ Úc, đôi khi tiếng Việt được coi như là ngôn ngữ phụ, nên để thông hiểu lý đạo qua kinh sách là điều rất hiếm. Các em không phải vì đã hiểu đạo để đến với chùa, mà đến vì từ những nhân duyên khác như gia đình có chuyện buồn, có tang sự... Nhưng nếu khi các em hòa nhập vào sinh hoạt của chùa, các em nhận được sự dẫn dắt, được chỉ bảo cho điều nào nên làm, điều nào không nên làm với tấm lòng chân thật của người đi trước, và nhất là các em thấy được cái hòa khí của không gian sinh hoạt thì các em mới phát sinh sự cảm mến, và chính sự cảm mến này sẽ giữ chân các em ở lại với chùa để rồi có cơ hội học hỏi phật Pháp nhiều hơn. Và có lẽ bài học đầu tiên mà các em bắt đầu là từ thân giáo của những vị Phật tử lớn tuổi, các em cần cảm nhận được sự gần gũi, dẫn dắt, chỉ bảo chân tình của những người đi trước; thấy được sự hòa hợp tương kính của mọi người, từ đó các em mới hội nhập được vào tập thể và ý thức được rằng, nơi này chỉ có làm việc vì Phật sự chung, chứ không vì danh vọng quyền lợi riêng. Nếu hàng Phật tử chúng ta làm được điều này là chúng ta đã góp phần vào việc duy trì Chánh pháp. Bằng ngược lại nếu chúng ta chỉ vì cái tôi của mình, chỉ vì cái danh, cái quyền, mà áp đặt người khác phải theo ý mình, nếu không vừa lòng thuận mắt thì dèm pha chỉ trích, nói xấu nhau thì đó sẽ là mối họa cho chùa. Bởi thế hệ trẻ ngày nay không thể chấp nhận như vậy, các em, các cháu chỉ có thể tự thay đổi từ sự cảm phục kính mến đối với người trên chứ không vì sự áp đặt. Chúng ta là những Phật tử có duyên may đến với chùa, có cơ hội được đóng góp vào việc duy trì Chánh pháp, chúng ta hãy trân trọng việc chúng ta đang làm, việc của người khác đã và đang làm, bởi vì tất cả cũng chỉ là với mục đích hộ trì Tam Bảo. Tất cả dù giàu hay nghèo, giỏi hay dở đều bình đẳng với nhau ở cái tâm hộ trì Tam Bảo. Công việc ở chùa thì có đủ mọi mặt, ai có khả năng nào thì đảm nhận việc đó. Mọi công việc đều tương tác với nhau mới có thể hoàn thành được nề nếp sinh hoạt của một một ngôi chùa, nên chẳng có việc nào trọng, việc nào khinh. Do đó mọi người cần phải biết hỗ trợ nhau để hoàn thành công việc theo khả năng của mình có thể, chứ không nên có sự phân chia cách biệt, và càng không nên dùng cái quyền nào đó để áp dụng trong sinh hoạt. Bởi làm công quả là xuất phát từ tâm của mọi người chứ không phải vì quyền lợi, tiền bạc, nên vui thì làm, không vui thì bỏ mặc mà không ai có quyền nói. Trong phép đối xử, hàng Phật tử chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau: người nhỏ thì kính nể, lắng nghe sự hướng dẫn chỉ bảo của người đi trước; người lớn thì thương yêu dẫn dắt kẻ đến sau. Tất cả đối với nhau bằng sự chân thật, cảm thông để có thể hòa đồng trong công việc, giao tiếp nhau bằng sự chân tình không hề ngăn ngại thì công việc hộ trì Tam Bảo sẽ được hoàn hảo hơn.


Hàng Phật tử làm công quả vì bận rộn với công việc, ít có thời gian để tham dự vào các buổi giảng pháp, tụng kinh bái sám, nhưng trong môi trường làm việc nếu chúng ta thực thi được tinh thần lục hòa: Là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Hòa ở đây là hòa với mục đích tiến tới sự cao đẹp, đến con đường giải thoát toàn thiện toàn mỹ, chứ không phải hòa một cách nhu nhược, thụ động, ai nói quấy cũng ừ, ai nói phải cũng gật. Hòa ở đây cũng không phải là phương tiện trong giai đoạn để thắng lợi về mình, rồi lại chiến. Hòa ở đây nhằm mục đích làm lợi cho tất cả, gây hạnh phúc cho tất cả, trong ấy có bóng dáng “tự và tha” không có so đo “ta và người”, là chúng ta cũng đang tu. Là Phật tử  cùng chung nhau sinh hoạt tu tập dưới một mái chùa, là nơi để chúng ta tu sửa chứ không phải là nơi để tranh quyền, đoạt vị. Chúng ta nên học hỏi những cái ưu của nhau, và thông cảm, chấn chỉnh những cái khuyết điểm nếu có. Tất cả đều vì một mục đích chung là hộ trì Tam Bảo, nên phải lấy cái hòa khí làm đầu, không nên chia phe phái, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô, mạnh ai nấy được. Và luôn nhớ lời Chư Tổ dạy: “Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe”, đừng suy diễn theo cái thành kiến mà mình đã áp đặt, tạo ra những điều thị phi không đáng. Được như vậy thì vai trò công quả, hộ trì Tam Bảo sẽ được trọn phần công đức. Mà hộ trì Tam Bảo chính là góp phần vào việc bảo tồn mạng mạch truyền thừa giáo pháp của Như Lai.

Là những người con Phật, chúng ta biết rõ rằng cái danh, cái lợi mà chúng ta bằng mọi cách để có được, cuối cùng khi xuôi tay cũng không đem theo được gì, bao nhiêu sự kính tưởng nể vì cũng chỉ tồn tại đến một lúc nào đó, và rồi sẽ dần dần quên lãng trong lòng mọi người theo thời gian.

Trong Từ Bi Thủy Sám Pháp có đoạn viết:Chư Phật Bồ Tát đã phát lời thệ nguyện tu hành phước trí và hồi hướng, chúng con cũng xin phát nguyện tu tập phước trí và hồi hướng như vậy. Cõi hư không có thể cùng tận, cõi chúng sanh có thể cùng tận, nghiệp báo của chúng sanh có thể hết, phiền não của chúng sanh có thể diệt, nhưng sự tu hành hồi hướng của chúng con không bao giờ cùng tận.”

Mọi sự vật trên thế gian này chẳng có gì tồn tại mãi với thời gian. Tất cả đều theo dòng chảy của thời gian mà thay đổi và hủy hoại, ngay cả chính ta hôm nay còn, nhưng rồi cũng có ngày trở về với cát bụi chẳng mang theo được gì, duy chỉ có chân lý của Như Lai là tồn tại mãi mãi với thời gian. Như thế, là Phật tử chúng ta có nhân duyên được hộ trì Tam Bảo, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, ta làm công quả là làm cho chính mình chứ không phải làm cho ai, và tất cả mọi người ai cũng thế. Nên đến với chùa thì cần phải có tinh thần bình đẳng, hòa hợp, người nghèo hay giàu, giỏi hay dở chỉ là riêng cá nhân của họ thôi, còn trong công việc hộ trì Tam Bảo thì tất cả đều rất cần thiết. Chúng ta cần phải cố gắng làm sao để biết chắc chắn là mình đã góp phần vào việc bảo tồn Chánh pháp. Đó chính là điều chúng ta còn lại được trong một kiếp người, và sẽ được tồn tại mãi mãi theo với sự trường tồn của Phật pháp. Mong sao hàng Phật tử chúng ta đời đời kiếp kiếp luôn được gặp Phật Pháp nhờ nhân duyên thành tựu sứ mệnh hộ trì Tam Bảo của đời này.

Đạo tràng Tu Viện Quảng Đức sắp tới đây là lễ mừng Chu Niên 32 năm. Ba mươi hai năm là một chặng đường dài, với bao gian nan, vất vả, nhưng từng bước, từng bước một, Thầy trò cùng đồng cam cộng khổ vượt qua mọi lao nhọc để giờ đây Quảng Đức Tự từ một ngôi nhà nhỏ, đã trở thành ngôi Tu Viện Quảng Đức trang nghiêm bề thế. Được như vậy là nhờ đức độ của quý Thầy khiến cho đệ tử phát sinh lòng thương kính. Thầy Viện Chủ như một người Cha, tuy có nóng tánh nhưng bên trong Ngài là người tình cảm trọng nghĩa ân, luôn bận tâm lo lắng chuyện trong ngoài, lớn nhỏ. Còn Sư Phụ Trụ Trì như một người Mẹ hiền hòa ít nói, Ngài không trực tiếp la rầy, Ngài chỉ vận dụng giáo lý Phật để khuyên răn đệ tử với sự ân cần tha thiết nên đệ tử chạnh lòng tự nhận biết cái sai của mình mà sửa đổi. Tính cách của quý Thầy là như vậy nên dù có thế nào hàng đệ tử vẫn kính thương mà đồng tâm hiệp lực, để hộ trì Tam Bảo trong suốt 32 năm qua.

Công hạnh và đức độ của Thầy Viện Chủ Thích Tâm Phương và Thầy Trụ Trì Thích Nguyên Tạng không chỉ Phật tử ở gần mới cảm nhận được, mà đã lan tỏa ra khắp nơi nên đã nhận được nhiều sự tiếp tay ủng hộ từ các Phật tử ở phương xa, nhờ đó mà có được Tu Viện Quảng Đức khang trang như ngày hôm nay.

Mong rằng Thầy trò của Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức luôn gắn bó như đã từng, để có thể chu toàn hạnh nguyện tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho dù đến vài trăm năm sau, Tu Viện Quảng Đức này có thể tàn hoại theo thời gian, nhưng công hạnh của quý Thầy và hàng Phật tử sẽ còn tồn tại mãi mãi vì Tu Viện Quảng Đức đã là chiếc cầu để dẫn dắt chúng sinh đến với giáo lý Phật, góp phần vào sự phát triển để cho Phật đạo được tồn tại mãi mãi, như đã từng tồn tại hơn 2600 năm qua.

Trải qua lắm nỗi gian nan
Giờ đây Quảng Đức Đạo Tràng vang danh
Là nơi tu tập thiện lành
Ngày sau ghi nhận sử xanh lưu truyền
Phật Đạo giáo lý uyên nguyên
Cùng nhau gìn giữ chân truyền muôn năm.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Melbourne, 27/9/2022
Phật tử Thanh Phi

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]