Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

51_Hộ Pháp Vi Đà (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng)

03/04/202223:35(Xem: 9078)
51_Hộ Pháp Vi Đà (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng)


Hộ Pháp Vi Đà & Tiêu Diện Đại Sĩ.

 

Bài pháp thoại giải thích kệ 50 trong nghi thức đảnh lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ biên soạn được TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng livestream ngày 12/8/2020 trong mùa đại dịch Covid-19.

 

 Thần công phả tắc, mật hạnh nan tư, thị dõng kiện ư thiên luân tồi tà phụ chánh, thọ di chúc ư Đại giác hộ pháp an tăng, ngưỡng khởi thần thông phủ thùy chiếu giám.

Nam mô tam châu cảm ứng Hộ pháp Vi đà tôn thiên bồ tát ma ha tát hộ giáo hộ giới già lam chư vị thiện thần giám trai sứ giả đại thánh khẩn na la chi thần,thiên long bát bộ nhất thiết oai linh,bổn xứ viễn cận chư vị thiện thần.

 Duy nguyện bất vi bổn thệ lân mẫn phàm tình, phóng đại oai quang mật thùy gia hộ, sử pháp luân chuyển xứ nội chướng ngoại chướng dĩ tiệm tiêu, tăng hải hòa thời ác hữu ác ma nhi vĩnh lỵ. Nhân nhân ngộ Tỳ Lô tánh hải, cá cá nhập Phổ Hiền hạnh môn, cung phụng đàn na quân triêm thắng ích.

 

HÒA: Nhất tâm đảnh lễ Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát ma ha tát. (1 lạy)

 

Dịch

Thần lực khôn lường, mật hạnh khó suy, uy dũng hơn trời rồng phá tà hiển chánh.

Vâng phó chúc của Phật hộ Pháp, an Tăng. Ngưỡng mong khởi thần thông rũ lòng xin chứng giám.

Kính lạy Đức Bồ Tát Hộ Pháp Vi Đà cảm ứng khắp ba châu, Bồ Tát giám trai Sứ giả Khẩn Na La thiên thần chư vị ủng hộ giáo pháp và giới luật nơi chốn già lam. Tam bộ chúng trời rồng cùng tất cả các vị thiền thần gần xa bổn tự, xin các Ngài không quên lời thề nguyện của chính mình xót thương chốn phàm trần phóng ánh sáng uy nghiêm thầm gia hộ khiến cho những nơi Chánh Pháp được lan truyền, nội ngoại chướng đều tiêu trừ, chúng tăng hoà hợp, bạn ác ma mỵ vĩnh viễn tránh xa. Người người ngộ biển tánh Tỳ Lô, nơi nơi nhập hạnh nguyện Phổ Hiền, cầu cho đàn na tín thí đều thấm nhuần lợi lạc.

 

Hoà: Nhất Tâm đảnh lễ Nam Mô Hộ Pháp Vi Đà Tôn thiên Bồ Tát, hộ giáo hộ giới chư vị già lam, chư vị thiện thần (1 lạy).

 

 

Kính bạch Giảng Sư,

 

Đã từ lâu, con vẫn tin tưởng có chư thiên hộ pháp thường hộ trì cho những người thiện lương và có tín tâm, nhưng thật ra trong con vẫn chưa hiểu một tí gì về oai lực uy dũng của quý Ngài tuy rất nhiều lần được cảm ứng nhiệm mầu khi còn làm công quả tại chùa. Mãi cho đến hôm nay sau khi nghe đi nghe lại bài pháp thoại này con mới lý ngộ được ...cho đến nay các Ngài vẫn hộ trì chúng sinh nào tin tưởng đến Ngài vì con vẫn thờ Ngài nơi thư viện bé tí của con.

Và con đã đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi được Giảng Sư giải thích từng câu trong kệ 50 này và con cũng kính xin mạn phép mang bài kệ tán về Vi Đà Hộ Pháp của HT Thích Nhật Tân mà Giảng Sư đọc ở cuối bài để bát đầu cho bài trình pháp hôm nay.

Xưng tán Bồ Tát Hộ Pháp

                Tháng 8-2006

 

Nam Mô Bồ Tát Hộ Pháp

Chúng con phước mỏng tội dày

Không sanh vào thời Đức Phật

Khổ đau, nghiệp chướng, đọa đày

Chất chồng bi lụy đắng cay

 

Kính lạy Bồ Tát Hộ Pháp

Trong thời mạt pháp nhiểu nhương

Trong thời pháp nhược ma cường

Đạo đức suy vi ma chướng

Chánh tà hỗn tạp mà thương,

 

Kính lạy Bồ Tát Hộ Pháp

Thùy từ bảo vệ thiền môn

Thế đạo nhân tâm điên đảo

Quỷ ma bức bách kinh hồn

Chúng sanh sơ cơ ngơ ngác

Cao tăng thạc đức hao mòn,

 

Kính lạy Bồ Tát Hộ Pháp

Thùy từ chấn tích trùng quang

Phá tà hiển chánh đường đường

Thiện ác một lòng qui nhiếp

Trước tòa Điều Ngự Pháp Vương

Cho ánh đạo huy hoàng

Cho nhân thế hòa vang

Cho ánh đạo huy hoàng

Cho phạm vũ trang nghiêm.

 

Và như Giảng Sư đã cho biết: thường trước chùa đứng bên ngoài cổng vào của chánh điện hai bên tam cấp bước lên có hai vị thường bảo vệ già lam (Security Officer), đó là Ngài Hộ Pháp Vi Đà đứng bên phải cầm chùy kim cang và bên trái là Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ mặt đen có lưỡi dài xuống giữa ngực.

 

Riêng lời tạm giải thích của Giảng Sư đã giải thích thật khéo cho câu hỏi còn đang bỏ ngỏ khi có người thắc mắc vì sao chúng ta thường học có Tứ Châu bao quanh núi Tu Di là: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Bắc Câu Lô Châu, thế nhưng tại sao câu kệ được tụng là  NAM MÔ TAM CHÂU CẢM ỨNG VI ĐÀ TÔN THIÊN BỒ TÁT vì lẽ Bắc Câu Lô Châu là một nơi  gọi là Thắng Xứ vì địa lý và con người rất sung sướng no đủ không biết lo nghĩ gì về chữ Khổ, cũng không cần phải hỗ trợ giúp sức gì cho Tâm linh họ chỉ biết thọ hưởng dục lạc nên không có cầu nguyện thì làm gì có sự linh Cảm và Ứng hiện. Con đã rất tâm đắc và tán đồng với lý lẽ này.

 

Tìm về nguồn gốc Hộ Pháp Vi Đà Bồ Tát cũng như nhiều tài liệu khác, Giảng Sư đã cho biết như sau: Ngài Vi Đà Tôn Thiên, vốn là thiên thần từ cõi trời Đao Lợi phát tâm xuống trần gian bảo vệ Phật Pháp. Ngài Vi Đà có thần thông chạy như bay.

 

Tương truyền sau khi Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhập Đại Niết bàn, Chư Thiên, thiện thần đều tham dự và chiêm bái hỏa táng kim thân Phật và giúp bảo vệ Xá Lợi của Ngài. Vì đã được Đức Thế Tôn chấp thuận cho một chiếc răng xá lợi để đem về thờ tại Đao Lợi Thiên nên Trời Đế Thích đã cầm bình thất bảo đến chỗ trà tỳ, thì bổng đâu có quỷ La sát bay đến và thừa lúc không ai chú ý đã trộm lấy chiếc răng Phật. Vi đà Tôn Thiên trông thấy liền đuổi theo và đã bắt kip lấy lại chiếc răng xá lợi và trao cho Trời Đế Thích, chư thiên đồng ngợi khen và tán dương công đức Vi Đà.

 

Từ đó về sau, Vua Trời Đế Thích sai bảo Vi Đà Tôn Thiên ở lại thế gian để hộ trì Phật Pháp.

Ngài có công năng xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật Pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ già lam, tự viện của Phật Giáo nơi cõi Nam Diêm Phù Đề.

 

Cũng trong câu kệ này chúng ta cũng sẽ nghe được hai truyền thuyết về Bồ Tát Giám Trai Sứ Giả Khẩn Na La Vương như sau:

Ngài là thiên thần trông nom việc ăn uống cho chúng Tăng. Vì có công đức hộ pháp, giữ gìn chốn già lam nên được tôn xưng Bồ tát. Giám Trai sứ giả thường được thờ ở trai đường hoặc nhà trù trong các chùa viện ở Trung Hoa và Việt Nam. Tôn hiệu của Giám Trai được chư Tăng xưng niệm mỗi ngày trong lễ cúng Ngọ: Nam mô Giám Trai sứ giả Bồ tát.

 

Hình tượng của Giám Trai rất đa dạng, hình dạng thiên thần kì dị và uy dũng. Tại chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc) tượng Giám Trai có mặt đen, tay cầm búa, mạnh mẽ, võ nghệ siêu phàm  Nhưng Giám Trai ở các chùa Việt thì có hình dáng bình dị gần gũi với con người. Giám Trai Ngài ngồi tư thế nghỉ ngơi, một tay tì lên cán búa dựng trước ngực, có khi là cây khiêu hỏa côn.

 

Sử liệu thứ nhất thì Giám Trai là hiện thân của La hán Tân Đầu Lô Phả La Đoạ (Pindola Bhàradvàja). Theo Đạo An truyện thì việc thờ Thánh tăng Tân Đầu Lô trong trai đường bắt nguồn từ ngài Đạo An (312-385): “Đạo An pháp sự mộng thấy một nhà sư người Hồ (Ấn) tóc bạc mày dài,nói rằng: Cứ hàng ngày dọn cơm cho ta ăn, về sau sẽ có Luật Thập tụng. Đạo An biết ngay rằng đó là La hán Tân Đầu Lô bèn dựng bệ thờ trong thực đường, đặt thức ăn cúng đường. Về sau, các chùa lấy đó làm phép tắc”.

Còn một tích sử khác thì cho rằng Ngài là một vì thần Gia Lam thủ hộ chùa Thiếu Lâm (thời Tam Quốc), có công đánh đuổi giặc cướp. Vị lão tăng ở Thiếu Lâm tự suốt ngày chỉ bổ củi, nấu cơm nhưng khi đối diện với giặc cướp thì công thủ phi phàm, bảo vệ bình yên ngôi Tam bảo rồi sau đó mai danh ẩn tích. Vì thế, chư Tăng chùa Thiếu Lâm tạc tượng ngài sắc mặt đen, tay cầm búa để thờ trong trai đường và nhà trù, xưng Giám Trai sứ giả đồng thời còn tôn xưng Khẩn Na La Vương Bồ tát. 

 

 

Cũng nhân chuyện Ngài Giám Trai Sứ giả thính chúng đã biết được Giảng Sư là một người rất trọng ân nghĩa, một khi đã thọ bất cứ một ân nhỏ nào, Ngài nhớ mãi không quên như chuyện Cô Bảy và Thầy Huệ An lúc Giảng Sư còn làm điệu tại Hải Đức Nha Trang học viện. Thật là quý hóa quá đáng làm gương cho chúng đệ tử của Ngài.

 

Kính mời nghe bài tán của HT Thích Nhật Tân:

Xưng tán Bồ Tát Giám Trai

                   Tháng 8-2006

Nam Mô Bồ Tát Giám Trai

Gia trì đại chúng không ai não phiền

Đẹp thay chiếc áo phước điền

Một trăm mảnh vá nối liền đẹp thay

 

Nam Mô Bồ Tát Giám Trai

Đại chúng hòa hợp lòng Ngài thảnh thơi

Đạo mầu là đạo cứu đời

Cứu cho tứ chúng thời thời hỷ hoan

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Trăng tròn mười sáu trăng tròn đẹp không

 

Nam Mô Bồ Tát Giám Trai

Nhìn trông nước chảy về sông

Sông đi ra biển, biển trông về nguồn

Trầm hùng tiếng mõ lời chuông

Chan hòa đại chúng tròn vuông vuông tròn

Đá vàng đem thử sắt son

Trang nghiêm thanh tịnh đẹp hơn đá vàng

Cũng nhờ Bồ Tát Giám Trai

Thiền gia sứ giả xin Ngài chứng tri

Nam Mô Bồ Tát Giám Trai

Nam Mô Bồ Tát Giám Trai

 

 

Sang đến Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, có hình thù rất dữ tợn: “thủ phụ tam sơn khẩu diệm phun hỏa” cũng nhân dịp này Giảng Sư đã giới thiệu tác giả BỘ DU GIÀ DIỆM KHẨU THÍ THỰC KHOA NGHI văn từ trác tuyệt chính là Đức Tăng Giáo Trưởng Ht Thích Huyền Tôn và có thể nói đây là tác phẩm để đời của Ngài trong việc chẩn tế bạt độ cô hồn.

Cúi xin thỉnh Bồ Tát Diện Nhiên Vương,

Đầu lớn ba non trời đất động

Miệng phun lửa cháy quỷ thần kinh

Từ bi hoá hiện thân pháp lạ

Quang giáng đạo tràng độ âm linh

Nam Mô Thị Hiện Diện Nhiên Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần, 3 boong)

Cũng từ câu chuyện của Ngài A Nan khi ngồi thiền bị ma quỷ quấy rối mà Phật cho rằng chính Bồ Tát Quan Thế Âm đã hóa thân ra con quỷ để Phật thuyết DU GIÀ DIỆM KHẨU kinh.

*Sắm sửa trai diên

-Do ngài A-nan khởi

-Quán Âm cứu khổ

-Hóa hiện Đại Diện Nhiên

-Niệm danh hiệu Phật

-Mầu nhiệm đức vô-biên

-Cứu tế cô-hồn

-Thỉnh thọ cam-lồ vị.

Vì vậy các chùa thường dùng nghi thức Biến Thực, Biến Thủy, và Phổ cúng dường trong cá buổi cúng ngọ hay cúng cháo.

*Biến thực chơn ngôn: (Quán tưởng hoá cơm cháo đầy khắp hư không, 1 biến ra vô lượng. Đói được no đủ, khổ được giải thoát. Tột đến chổ không phải 1, cũng không phải vô lượng, mà 1 mà vô lượng mới gọi là thí vô giá. Kiết ấn cam-lồ [ngón cái chận móng ngón vô danh giữ cong lại sát vào lòng bàn tay] trên các món ăn).

-Nam Mô Tát Phạ Đát Tha Nga Đa, Phạ lồ chỉ đế, Án tam bạt ra, tam bạt ra Hồng (3-7 lần)

 

*Cam lồ thủy chơn ngôn: (lấy hương khoanh 2 vòng tròn theo chiều phải trên chén nước và viết chữ Lam)

-Nam Mô Tô Rô Bà Da, Đát tha nga đa da, Đát điệt tha, Án, Tô rô Tô rô, Bát ra tô rô, Bát ra tô rô, Ta Bà Ha. (3 lần)

 

*Phổ Cúng dường chơn ngôn  (chú cúng dường khắp các cõi)

*Án Nga Nga Nẳng, Tam Bà Phạ phiệt, nhựt ra hồng (3 lần)

Tương truyền, Tiêu Diện Đại Sĩ chính là một hình tướng khác của Bồ tát Quan Âm dưới  hình dáng đáng sợ, hung tợn, sẵn sàng diệt trừ cái ác. Tiêu diện đại sĩ thống lãnh cô hồn. Đặc trưng nhất của ông chính là chiếc lưỡi dài đáng sợ. Cõi ma quỷ rất nhiều thế lực hung ác. nếu hiện tướng hiền từ, từ bi thì chắc ko giáo hóa được ai. bồ tát phải dùng tới hình tướng hung bạo, chế ngự và dẫn dắt các dân quỷ ngưng làm các việc ác, làm các việc lành, tích lũy phước đức, dần dần thoát khỏi con đường ác, tái sanh vào các cõi trời, người và tu tập.

(Chúng ta  được nghe tích truyện do ông nội của Giảng Sư kể lai)

 

Hình tượng Tiêu Diện Đại Sĩ được thể hiện là một hình tướng nam, dáng điệu oai nghiêm, mặc trang phục võ tướng, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị với ba cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài thượt. Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.


Lời kết:

 

Kính đa tạ Giảng Sư đã ban cho thính chúng đệ tử một bài pháp thoại tuyệt vời và đã sách tấn “Mọi đệ tử Pháp chính là Vi Đà Hộ Pháp – Hãy gắng tu để làm tròn sứ mệnh –Phật pháp trường tồn là do tăng đoàn hoằng hóa và Thiền môn hưng thịnh do chính đàn việt phát tâm”.

  

Kính chúc Giảng Sư pháp thể khinh an và tất cả Phật sự đều viên thành.

 

Kính trân trọng,

 

Kính ngưỡng Đức Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ

Với nghi thức đảnh lễ Ngài Hộ PhápVi Đà

Cùng tán dương Giám Trai Sứ giả Khẩn Na La

Chúng đệ tử hậu học thọ nhận nhiều lợi lạc

 

Từ biện tài nhạo thuyết, quảng kiến uyên bác

Kính đa tạ Giảng Sư .. nhiều tích truyện ly kỳ

Học gương Ngài  mọi ân đức được ban tặng mãi... ghi!

Từ lúc xuất gia...và trong suốt sự nghiệp hoằng hóa!

 

Sẽ tự là một Vi Đà Hộ Pháp...gắng trả

Quyết trau dồi... ngộ được biển tánh Tỳ lô

So với định luật thiên nhiên...

Nghiệp chỉ là những đợt sóng nhô (1)

Buông chấp ngã chấp pháp..thong dong tự tại!!!

 

Nhất tâm đảnh lễ Nam mô Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát.

 

Huệ Hương kính trình pháp


(1) Lời dạy của HT Viên Minh trong bài học về Tứ Niệm Xứ   

 



***
 
Mục lục: 108 bài kệ lễ Tam Bảo
cong duc le Phat-thich nguyen tang
***

Mục lục 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa

to su long tho
***


Trở về mục lục bài giảng của TT Nguyên Tạng
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]