Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10_Tứ Hoằng Thệ Nguyện

02/04/202213:12(Xem: 10082)
10_Tứ Hoằng Thệ Nguyện


Tứ Hoằng thệ nguyện.

( Bài pháp thoại giải thích nghi thức đảnh lễ Tam Bảo của HT Thích Trí Thủ
do TT Thích Nguyên Tạng Livestream ngày 2/7/2020 trong mùa đại dịch COVID
Đây là kệ thứ 10 trong nghi thức như sau:

10/ Tứ Hoằng Thệ Nguyện
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
HÒA: Ngã kim phát nguyện thọ trì tam tụ tịnh giới, sở vị đệ tam nhiêu ích hữu tình giới nguyện hiện tại tận dĩ vị lai thệ độ nhất thiết chúng sanh. (1 lạy)


Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.

Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.

HÒA: Nay con phát nguyện thọ trì ba nhóm tịnh giới: Nhóm tịnh giới thứ Ba là “nhiêu ích hữu tình”; con nguyện từ nay cho đến vô tận đời vị lai: cứu độ tất cả chúng sinh. (1 lạy)


Theo đó HT Thích Trí Thủ đã đưa vào 4 câu kệ của Đức Bồ Tát Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm và sau này các tự viện thường dùng để hồi hướng mỗi ngày sau thời công phu .

Giảng Sư đã giải thích cho thính chúng hiểu được những thệ nguyện rộng lớn này sẽ mở rộng tâm mình đến chỗ không bờ mé, không giới hạn trong khi phàm phu chúng ta thường chỉ sống với tâm nhỏ hẹp, tâm chỉ biết bao quanh cái ngã bản thân.

Và bây giờ mời các bạn cùng tôi theo sát và chú tâm lắng nghe lời giải thích của Giảng Sư qua từng lời thệ nguyện rộng lớn này .
1- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Thật ra theo những bài học ngày trước tôi được biết Tứ Hoằng Thệ Nguyện thực sự chỉ gồm có mỗi một câu“chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”; này là quan trọng nhất còn ba nguyện sau hoàn toàn nhằm để viên mãn cái nguyện thứ nhất này nên mới có nhưng khác với điều tôi đã học Giảng Sư luôn nhấn mạnh cho thính chúng về Sự và Lý khi nghe pháp thoại của Thầy …
Như vậy về Sự có nghĩa là Chúng ta cần mở rộng tâm lượng, thực sự giống như chư Phật, Bồ Tát: Tâm bao dung thái hư, lượng châu sa giới. nghĩa là phải khẳng định oán thân bình đẳng, mới có thể dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh trọn khắp pháp giới,
Nhưng về Lý để có thể thực sự làm được thì trước hết phải tu sửa chính mình. Bằng cách tận trừ những chúng sinh ẩn tàng, ràng buộc trong thân ngũ uẩn của chính chúng ta đó là những tâm tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, hồ nghi, ác kiến, …..hoặc những tâm vô tàm,vô uý, trạo cử, hôn trầm, bất tín , bất chánh tri….
Trong kinh Phật thường nói:“Bồ Tát tự kỷ vị độ, nhi năng độ nhân, vô hữu thị xứ”(Bồ Tát chưa thể độ mình mà có thể độ người, không có lẽ đó!)
Cũng như trong kinh Kim Cang “Tuy diệt độ vô lượng chúng sinh, mà thật ra không có chúng sinh nào bị diệt độ cả", và "Chúng Sinh không phải là Chúng Sinh, chỉ giả gọi là Chúng Sinh" vì sao vậy vì những chúng sinh này nằm trên bề mặt của Tự tánh thanh tịnh và lẽ dĩ nhiên muốn độ người thì trước hết phải độ mình, tức là thành tựu đức hạnh của chính mình. Tất nhiên khi độ được mình rồi thì sẽ độ được người khác dễ thôi ….
Người nghe cũng vui theo ký ức của Giảng Sư về người đệ tử ( đã qua đời ) hay lo cho người khác sai lầm mà chính bản thân mình đã đi kinh hành sai nhịp chân
Thày cũng dẫn chứng câu thơ của Tú tài Trương Chuyết mà bài giảng trước có nhắc đến :
Phá trừ phiền não trùng tăng bệnh
Thú hướng chan như tổng thị tà
Dịch việt là :
Muốn trừ phiền não càng thêm bệnh
Hướng đến chân như thảy đều tà
Nhưng trộm nghĩ còn là phàm phu trong sinh hoạt hằng ngày điều cần thiết nhất là hãy độ chúng sinh bên trong ta là tốt nhất để có đủ bản lĩnh mà giúp đỡ người khác vậy
2- Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn
Với căn bản Hán học (một ngôn ngữ tượng hình ) nên Thầy đã chỉ ra trong chữ Phiền đã có chữ Hoả ( tức là lửa = nóng bức ) do vậy bất cứ cái gì làm chúng ta nóng bức là đã gây ra phiền não rồi …
Lần đầu tiên tôi được nghe Thầy chúc mừng đến những ai trong 24 giờ mà tâm được tĩnh lặng không khởi lên điều gì phiền não thì đó là những người đại Phước …Theo Thầy chính vì có đủ Phước Đức nên mọi chuyện xảy đến cho người đó đều thuận duyên không chướng ngại, , ngoài ra Thầy cũng nhắc nhở rằng: “ Tuy Phật dạy người tu cần tạo Đức để được giải thoát nhưng Phước mới là nền tảng cho mình tiến lên vì luôn nhẹ nhàng phấn khởi và không bị chướng ngại trên đường tu tập ….
Với Phiền não Thầy cũng chỉ rõ thêm đâu là vòng tay 18 hạt Bồ đề , hỗ phách, và chuỗi hạt 108 mà Phật Tử thường dùng như món đồ trang sức .
Theo đó 18 tượng trưng cho 6 căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân , ý ) khi gặp 6 Trần cảnh bên ngoài ( Sắc, Thanh, Hương , Vị, Xúc , Pháp ) mà khờ lên 6 Thức phân biệt ( Nhãn, Nhĩ, Tỷ , Thiệt, Thân, Ý thức )[6+6+6=18 )
Tôi rất thích bài thơ Thầy ngâm ở cuối bài để nói về phương pháp thu thúc lục căn hầu buông bỏ mọi phiền não như sau:
Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày
Tai thích nghe tiếng mật đường dua nịnh
Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go
Thân tham dùng gấm vóc se sua
Ý mơ tưởng bao là vũ trụ
Bởi lục dục lòng tham không đủ
Lấp che dần trí tuệ từ lâu
Hôm nay con giác ngộ hồi đầu
Tâm sám hối phơi bày tỏ rõ
Nguyện tội ác từ nay rũ bỏ
Chuyển 6 căn ra khỏi lầm mê …
Kính đa tạ Giảng Sư , không chỉ riêng con mà hầu như thính chúng nghe được những câu thơ này sẽ quay đầu tỉnh thức …
Và đến chuỗi hạt 108 , nhiều người đã giải thích khác nhau nhưng tựu chung đều có ý nghĩa là sáu căn, sáu trần, và sáu thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18). Con số này nhân cho sáu phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thì số thành 108 (18x6=108).
Cũng trong đoạn phiền não này tôi mới ngưỡng phục sự viên thông của Thày về cách đoạn trừ phiền não theo bài kinh căn bản nhất của Trung Bộ Kinh “ TẤT CẢ LẬU HOẶC “ khi Giảng Sư nhắc đế 7 phương pháp đoạn trừ phiền não.
Kính xin mạo muội ghi chép lại theo sự hiểu biết của kẻ sơ cơ như sau :
1- Đoạn trừ phiền não do tri kiến 
Tri kiến là sự thấy biết, sự nhìn rõ. Chúng ta phải nhìn rõ khi nào thì phiền não khởi lên và thấy được nó bắt nguồn từ đâu. Biết được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể hóa giải phiền não.
2- Đoạn trừ phiền não do phòng hộ
Phòng có nghĩa là giữ gìn, ngăn ngừa. Hộ có nghĩa là bảo vệ, che chở. Để ngăn kẻ trộm vào lấy cắp tài sản, chúng ta đóng cửa thật chặt và khóa tủ thật kỹ. Đó gọi là phòng hộ.Phòng hộ không có nghĩa là nhắm mắt không nhìn, bịt tai không nghe, ngậm miệng không nói,… mà là lúc nào cũng chánh niệm, tỉnh giác. Chúng ta phòng hộ sáu căn bằng cách nhận biết niệm nào khởi, niệm nào diệt, niệm nào chính, niệm nào tà.
3-Đoạn trừ phiền não do thọ dụng
Là người tu học phải biết thiểu dục tri túc, phải biết buông bỏ. Càng buông bỏ thì càng ít phiền não, càng thọ dụng thì càng nhiều phiền não. Nhưng trong pháp này, đức Phật lại dạy rằng, phiền não có thể được đoạn trừ do thọ dụng.
Đó là những lúc quá đói quá lạnh hoặc bị bệnh, đơn cử là khi bị đau răng, chúng ta vô cùng khó chịu, nhiều khi cơn đau còn lên đến tận đầu và chúng ta sẽ thấy rất phiền não. Muốn đoạn trừ phiền não này, chúng ta phải uống thuốc giảm đau. Sau khi thọ dụng thuốc, cơn đau sẽ giảm dần.
Phật dạy các phương pháp khác nhau để đoạn trừ phiền não. Không phải loại phiền não nào chúng ta cũng diệt trừ bằng cách đối trị, nhiều khi phải thọ dụng, phải thuận theo từng loại phiền não mới có thể giải quyết được.
4-Đoạn trừ phiền não do kham nhẫn
Kham nhẫn nghĩa là chịu đựng. Phương pháp này giúp chúng ta tăng khả năng chịu đựng, cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách để đoạn trừ phiền não.
5- Đoạn trừ phiền não do tránh né
Tránh né nghĩa là không đối diện, không tiếp xúc, gần gũi với người, sự vật hoặc sự việc nào đó. Đức Phật dạy rằng có những phiền não có thể đoạn trừ do tránh né. Đó là khi thấy những con thú dữ, chúng ta nên tránh xa, vì khi đến gần chúng ta có thể bị tấn công. Hoặc đừng đến nơi cờ bạc, ăn chơi sa đọa, Và nhất là chúng ta nên tránh xa những người không phải thiện tri thức
6- Đoạn trừ phiền não do trừ diệt
Nghĩa là khi phiền não khởi lên, chúng ta phải lập tức đoạn diệt, không để nó dây dưa và phát triển.
Khi tâm khởi lên một ý niệm xấu, nếu được hóa giải ngay lập tức thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.
7- Đoạn trừ phiền não do tu tập
Đức Phật đã dạy cho chúng ta vô lượng pháp môn để tu tập, phải tùy theo căn cơ, trình độ của mình mà chọn pháp môn thích hợp để thực hành. Khi thực hành thuần thục rồi thì phiền não sẽ không còn cơ hội để phát triển nữa. Đó gọi là do tu tập mà đoạn trừ được phiền não.
Bước sang câu kệ thứ ba “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học “ tôi rất tâm đắc khi Giảng Sư không đồng ý với nhiều học giả cho rằng làm gì mà học nhiều đủ pháp môn , sao không chuyên về hoặc chỉ Thiền mà thôi hoặc, chỉ chuyên về Tịnh hay đi thẳng vào Mật thừa .
Trộm nghĩ Pháp là cửa để mở vào biển Tuệ sao lại đi đóng, như thuốc trị bệnh không thể tham chấp; nếu chấp pháp môn rời tự tánh thì tám vạn bốn nghìn pháp môn pháp nào cũng khó..
 ( căn cứ vào trình độ nhận thức , năng lực học tập và tố chất tự thân của đệ tử khác nhau mà cho họ những chỉ dẫn khác nhau; người thầy lựa chọn phương pháp học tập thích hợp với đặc điểm của đệ tử để chỉ dạy sao cho thích hợp với
họ phát huy những sở trường , bù đắp những chỗ thiếu sót , kích phát niềm hứng thú xây dựng lòng tin , từ đấy mà xúc tiến người đệ tử phát triển toàn diện )
Tu mà không học là tu mù, học đúng pháp môn sẽ thành tựu trí huệ, thành tựu năng lực giúp đỡ người cần mình độ .
Và thệ nguyện cuối cùng là PHẬT ĐẠO VÔ THƯỢNG THỆ NGUYỆN THÀNH
Hãy bắt chước Đức Phật dù trải qua muôn ngàn khổ đau chướng ngại, nhưng Đức Phật vẫn nhắm thẳng mục tiêu cứu cánh niết bàn, bất thối chuyển. Từ đó Ngài mới có đủ phương tiện lực độ tha, cứu vớt muôn loài và thành tựu đại nguyện. Nếu không được vậy thì thệ không thành Phật.
Tôi rất tâm đắc khi Giảng Sư giải thích rõ chữ Đạo trong hai câu sau đây :
Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ
Con dốc lòng vì Đạo hy sinh
Theo đó Đạo là con đường Tu của chúng ta, là con đường để bước vào thế giới tâm linh của mỗi người . Đừng hiểu nghĩa Đạo theo Sự là chùa chiền , tự viện mà phải hiểu theo nghĩa Lý là con đường …
Hãy noi gương Đức Phật siêu việt của chúng ta, Ngài có tất cả, rồi Ngài rủ bỏ tất cả và cuối cùng Ngài đã đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ( A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề )
Lời kết :
Kính tri ân Giảng Sư …con rất trân quý lời dạy bảo khi Thầy kết luận lại yếu chỉ của Tứ Hoằng thệ nguyện như sau : “ Đây là lẽ nhiệm mầu vi diệu mà người tu học cần cố gắng để buông bỏ mọi phiền não nhiễm ô và con đường ngắn nhất cho người tu học là thu thúc lục căn để “trong cái Thấy chỉ là cái Thấy và trong cái Nghe chỉ là cái Nghe “ thì sẽ tha thứ bao dung cho tất cả mọi người và mình cũng được tịnh lạc mọi thời mọi lúc “
Kính chúc Giảng Sư luôn dồi dào sức khỏe để hướng dẫn đạo tràng online ngày thêm tinh tấn hơn trên đường Đạo .
Kính trân trọng,
Lời giải thích nghi thức đảnh lễ sao thâm thuý quá !
Luôn nhắc nhở hai nghĩa “ SỰ, LÝ” viên dung
Bốn lời thệ nguyện cao cả muôn trùng
Người học đạo bản thân phải nguyện….
……“ Thọ trì Tam tụ tịnh giới “
Kính đa tạ Giảng Sư …
“Biết rời bỏ sẽ có niềm vui phơi phới “
Đó là “LY SANH HỶ” ba chữ Thầy truyền trao
Tài sản tâm linh …khó tạo làm sao
Cần miên mật cố gắng thực thi hạnh của Phật !
Từ hiện tại đến vị lai chỉ thu thúc lục căn là …Nhất
Kính tri ân Giảng Sư ….”chớ có tu mù “
Gương Ngài A Nan đa văn …
nguyện không biến mình là kẻ phàm phu
Sẽ dốc lòng học mãi …vượt bờ mê chướng ngại !
Tứ hoằng thệ nguyện …nghi thức 10 kính lạy !
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát .
Huệ Hương kính trình pháp


***
 
Mục lục: 108 bài kệ lễ Tam Bảo
cong duc le Phat-thich nguyen tang
***

Mục lục 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa

to su long tho
***


Trở về mục lục bài giảng của TT Nguyên Tạng
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]