Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Phẩm “Chư Thiên Tử” (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

19/06/202007:54(Xem: 9694)
23. Phẩm “Chư Thiên Tử” (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

 


Pham chu thien tu-kinh bat nha

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 

 

PHẨM “CHƯ THIÊN TỬ”

Phần sau quyển 81 cho đến phần đầu quyển 82, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với quyển thứ 09,phẩm “Ảo Nhân Thính Pháp”, MHBNBLM)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc:  Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc:  Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 




 

 

 

Tóm lược:

 

- Khi Thiện Hiện trình bày ba vấn đề trên các Thiên tử hiện diện trong pháp hội nghĩ rằng “ngôn ngữ lời chú của hàng Dạ Xoa còn có thể hiểu biết được, nhưng luận giải của Tôn giả Thiện Hiện về Bát nhã Ba la mật, chúng tôi trọn chẳng hiểu chi cả”.

Thiện Hiện thầm biết tâm niệm của các Thiên tử, nên nói: Thiên tử các ngươi, những lời ta thuyết các ngươi chẳng hiểu được ư?

Các Thiên tử thưa: Đúng vậy! Bạch Đại đức!

Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo: Ta chưa từng thuyết một chữ, các ngươi cũng chẳng nghe, thời làm sao mà hiểu được. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật thậm thâm, văn tự ngôn thuyết thảy đều xa lìa. Nên trong đây, người thuyết, người nghe và kẻ hiểu đều chẳng khá được. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề, tướng ấy thậm thâm cũng lại như vậy.

Nầy các thiên tử! Như đức Phật biến hóa ra một hóa nhơn. Hóa nhơn nầy lại biến hóa ra bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, ở giữa bốn bộ chúng nầy, hóa nhơn thuyết pháp. Các ông nghĩ sao, trong đó có thuyết giả, có thính giả, có tri giả chăng?”

Chư thiên Tử nói: Dạ không! Bạch Đại Đức!

Cụ thọ Thiện Hiện nói: “Nầy các Thiên tử! Tất cả pháp đều như biến hóa. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

Các Thiên tử phải biết, như ở trong mộng, mộng thấy có Phật dạy bảo trao truyền cho Bồ Tát, Thanh văn. Các ông nghĩ sao? Trong ấy có thật kẻ năng thuyết, kẻ năng nghe và kẻ năng hiểu chăng?

Các Thiên tử thưa: Dạ không! Bạch Đại đức!

Thiện Hiện bảo rằng: Như thế, Thiên tử! Tất cả pháp đều như mộng vậy. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

Các Thiên tử phải biết, như có hai người ở trong một hang núi, mỗi người ngồi mỗi mặt, tán Phật Pháp Tăng, đồng thời phát ra tiếng vang. Các ông nghĩ sao? Hai tiếng vang này năng nghe lẫn nhau, hiểu lẫn nhau chăng?

Các Thiên tử thưa: Dạ không! Bạch Đại đức!

Thiện Hiện bảo rằng: Như thế, Thiên tử! Tất cả pháp đều như tiếng vang vậy. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

Các Thiên tử phải biết, như huyễn sư giỏi hoặc đệ tử y, ở giữa ngã tư đường hóa hiện bốn chúng và một thân Phật ngồi giữa thuyết pháp. Các ông hiểu sao? Trong ấy có thật kẻ năng thuyết, kẻ năng nghe và kẻ năng hiểu chăng?

Các Thiên tử thưa: Dạ không! Bạch Đại đức!

Thiện Hiện bảo rằng: Như thế, Thiên tử! Tất cả pháp đều như huyễn vậy. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được”. (Q.81, ĐBN)

- Khi ấy, các Thiên tử lại nghĩ thế này: Tôn giả Thiện Hiện, đối với Bát nhã Ba la mật này, tuy dùng các thứ phương tiện nói rõ, muốn cho dễ hiểu nhưng mà lý thú đã thậm thâm lại càng thậm thâm, đã mầu nhiệm lại thêm mầu nhiệm, khó thể đo lường được.

Thiện Hiện biết tâm niệm của họ liền bảo họ: Thiên tử nên biết! Sắc chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của sắc chẳng thế nắm bắt được; tánh thậm thâm mầu nhiệm của thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thiên tử nên biết! Mười hai xứ chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; mười tám giới cũng chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của mười hai xứ chẳng thể nắm bắt được; vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của mười tám giới cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thiên tử nên biết! Tứ Thánh đế chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; mười hai duyên khởi, mười tám pháp không, chơn như, pháp giới, pháp tánh, định pháp, trụ pháp, thật tế v.v… chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của tứ Thánh đế chẳng thể nắm bắt được, vì tánh thậm thâm mầu nhiệm mười hai duyên khởi cho đến thật tế v.v… chẳng thể nắm bắt được.

Sáu Ba la mật chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; 8 giải thoát, 8 thắng xứ, 9 định thứ đệ, 10 biến xứ cũng chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của sáu Ba la mật chẳng thể nắm bắt được, vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thiên tử nên biết! 10 lực của Phật chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; 4 điều không sợ, 4 sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, 18 pháp Phật bất cộng cũng chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của Phật mười lực chẳng thể nắm bắt được; vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của 4 điều không sợ cho đến 18 pháp Phật bất cộng cũng chẳng thể nắm bắt được.

Nhất thiết trí chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của Nhất thiết trí chẳng thể nắm bắt được; vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thanh văn thừa chẳng phải thậm thâm, chẳng phải mầu nhiệm; Độc giác thừa, Vô thượng thừa cũng chẳng phải thậm thâm, mầu nhiệm. Vì sao? Vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của Thanh văn thừa chẳng thể nắm bắt được; vì tánh thậm thâm mầu nhiệm của Độc giác thừa, Vô thượng thừa cũng chẳng thể nắm bắt được.

- Khi ấy, các Thiên tử lại nghĩ như vầy: Trong pháp Tôn giả Thiện Hiện đã thuyết chẳng thi thiết sắc, chẳng thi thiết thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì tánh của sắc uẩn v.v… là bất khả thuyết.

Trong pháp mà Tôn giả Thiện Hiện đã thuyết chẳng thi thiết 12 xứ; chẳng thi thiết 18 giới. Vì sao? Vì tánh của 12 xứ, 18 giới là bất khả thuyết.

Trong pháp mà Tôn giả Thiện Hiện đã thuyết chẳng thi thiết 8 giải thoát; 8 thắng xứ, 9 định thứ đệ, 10 biến xứ… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì tánh của tám giải thoát cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là bất khả thuyết.

Trong pháp mà Tôn giả Thiện Hiện đã thuyết, cũng chẳng thi thiết văn tự, ngữ ngôn. Vì sao? Vì tánh của văn tự, ngữ ngôn v.v… là bất khả thuyết.

Lúc bấy giờ, Thiện Hiện biết tâm niệm của các Thiên tử liền bảo: Đúng vậy! Như các ông nghĩ, các pháp cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, văn tự, ngữ ngôn đều chẳng đạt được. Cho nên đối với Bát nhã Ba la mật, không có người nói, không có người nghe, cũng không có người hiểu. Vì vậy, các ông ở trong các pháp nên theo điều đã nói, tu nhẫn kiên cố. Các hữu tình muốn an trụ, muốn chứng đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán cũng nương vào nhẫn này mà được cứu cánh. Các hữu tình muốn an trụ, muốn chứng Độc giác, đắc quả Giác ngộ tối cao cũng nương vào nhẫn này mà được cứu cánh. Như vậy, chư Thiên tử! Các đại Bồ Tát, từ sơ phát tâm cho đến cứu cánh, nên an trụ Bát nhã Ba la mật sâu xa vô thuyết, vô thính, vô giải, thường siêng năng tu học, chẳng nên xa lìa.

- Khi ấy, các Thiên tử lại nghĩ: Không biết Tôn giả Thiện Hiện muốn vì hữu tình nào và thuyết pháp gì?

Thiện Hiện biết tâm niệm của các Thiên tử, liền bảo với họ: Thiên tử nên biết! Nay ta muốn vì hữu tình như huyễn, như hóa, như mộng mà thuyết pháp như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Vì người nghe như vậy, đối với điều đã thuyết, không nghe, không hiểu, không có chỗ chứng.

Các Thiên tử tức thì hỏi lại rằng: Kẻ năng thuyết, năng nghe và pháp được thuyết ra đều là việc như huyễn, như hóa, như mộng ư?

Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Như lời các ngươi vừa hỏi. Hữu tình như huyễn, vì kẻ như huyễn thuyết pháp như huyễn. Hữu tình như hóa, vì kẻ như hóa thuyết pháp như hóa. Hữu tình như mộng, vì kẻ như mộng thuyết pháp như mộng.

Vì kẻ nghe như thế, đối với các pháp đã thuyết là không có nghe, không có hiểu, không có sở chứng.

Ngã như huyễn như hóa như mộng; hữu tình, mạng giả, sanh giả… cho đến tri giả, kiến giả như huyễn như hóa như mộng. Vì tất cả tự tánh đều không. (1)

Sắc như huyễn, như hóa, như mộng, thọ tưởng hành thức như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sắc uẩn thảy tự tánh không. Tất cả xứ, giới, các pháp Phật… tự tánh đều không, do duyên cớ nầy mà tôi tác thuyết: Hữu tình như huyễn, vì kẻ như huyễn thuyết pháp như huyễn; hữu tình như hóa, vì kẻ như hóa thuyết pháp như hóa; hữu tình như mộng, vì kẻ như mộng thuyết pháp như mộng.

Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nay Tôn giả chỉ thuyết chỗ thấy ngã thảy, sắc v.v… cho đến Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề như huyễn như hóa như mộng, hay cũng thuyết chỗ thấy mầu diệu vắng lặng rốt ráo Niết bàn như huyễn như hóa như mộng?

Thiện Hiện đáp: Các Thiên tử! Chẳng những thuyết chỗ thấy ngã thảy, sắc v.v… cho đến Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề như huyễn như hóa như mộng, mà cũng lại tuyên thuyết chỗ thấy mầu nhiệm vắng lặng rốt ráo Niết bàn như huyễn như hóa như mộng. Thiên tử phải biết, nếu lại có pháp nào cao hơn Niết bàn, tôi cũng thuyết là như huyễn như hóa như mộng. Vì huyễn hóa mộng cùng với tất cả pháp cho đến Niết bàn thảy đều không hai, không khác.

 

Thích nghĩa:

(1). Huyễn, hóa, mộng v.v... là 10 thí dụ (thập dụ) hiển bày các pháp “đều không và thân người vô thường”:

1- Mười thí dụ giải thích lý các pháp là không. 1. Huyễn dụ (Phạm: Màyà-upama): Dụ các pháp không thật có, như những vật do nhà ảo thuật làm ra. 2. Diệm dụ (Phạm: Marìci-upama): Dụ các pháp không thật có, như sóng nắng. 3. Thủy trung nguyệt dụ (Phạm: Udaka-candra-upama): Dụ các pháp không thật có, như bóng trăng trong nước. 4. Hư không dụ (Phạm: Àkàzaupama): Dụ các pháp không thật có, như hư không. 5. Hưởng dụ (Phạm: Pratizrutka): Dụ các pháp không thật có, chỉ như tiếng vang trong hang sâu, khe núi... 6. Kiện thát bà thành dụ (Phạm: Gandharva-nagara-upama): Dụ các pháp không thật có, như lâu đài trên mặt biển do hơi con thẩn (loại sò lớn) sinh ra. 7. Mộng dụ (Phạm: Svapna-upama): Dụ các pháp không thật có, như cảnh trong giấc mộng. 8. Ảnh dụ (Phạm: Pratibhàsaupama): Dụ các pháp không thật có, như bóng sáng, có đó mà không nắm bắt được. 9. Kính trung tượng dụ (Phạm: Pratibimba-upama): Dụ các pháp không thật có, như hình bóng trong gương. 10. Hóa dụ (Phạm: Nirmita-upama): Dụ các pháp không thật có, như các vật do sức thần thông biến hóa ra.

2- Mười sự tướng ví dụ thân người là không, là vô thường. 1. Thân này như đám bọt nước, không thể nắm bắt. 2. Thân này như bong bóng trên mặt nước, tồn tại không bao lâu. 3. Thân này như ngọn lửa, từ khát ái mà sinh. 4. Thân này như cây chuối, không cứng chắc. 5. Thân này như huyễn, từ điên đảo mà sinh. 6. Thân này như mộng, do hư vọng mà thấy.7. Thân này như bóng sáng, từ nghiệp duyên hiện. 8. Thân này như tiếng vang, thuộc các nhân duyên. 9. Thân này như đám mây nổi, tan biến trong chốc lát. 10. Thân này như tia chớp, biến diệt trong nháy mắt. (Phật Quang Tự điển)

 

Lược giải:

 

Quả thật, đây là một sự phủ nhận “trắng trợn” phải không? Nếu cho Niết bàn là huyễn, là mộng mị xa vời thì chúng ta còn có thể chấp nhận được. Vì Niết bàn dù sao cũng là cảnh giới vô vi. Còn chúng sanh hiện hữu bằng xương bằng thịt, có đi đứng nằm ngồi, có sống có chết mà cho là như huyễn như mộng? Kể cả sông núi, nhà cửa, cây cỏ... lúc nào cũng hiện diện sờ sờ trước mắt mà bảo là như huyễn như hóa như mộng thì thật là phi lý? Chính cái phi lý đó lại có lý, vì cái thân bằng xương bằng thịt có đi đứng nằm ngồi, có sống có chết, chỉ là giả hợp, vô thường nên mới cho là huyễn, là mộng. Sông núi, nhà cửa, cây cỏ... cũng thế. Nếu chúng thường hằng, bất biến thì không thể gọi là huyễn, là mộng!

Giữa người xem và trò huyễn, hay người nằm mộng với cảnh mộng có một liên hệ tình cảm và ý thức nào không? Dĩ nhiên là có: Người xem ảo thuật thấy thích, người nằm mộng thấy vui hay buồn. Đó là chỗ mất mát của tâm linh. Huyễn chỉ là huyễn và mộng chỉ là mộng khi đương nhân không thấy một chút chân thật dù bằng đầu mảy lông.

Huyễn chỉ là huyễn khi không có một liên hệ tình cảm hay ý thức nào trong thiên sai vạn biệt của tất cả pháp. Để ngăn chận cái nhìn dễ dãi, ngây ngô trên muôn sự muôn vật làm che mờ căn tánh, nên Phật mới thuyết các pháp như huyễn như mộng và người nào nắm bắt được ý nghĩa sâu xa đằng sau cái như huyễn đó thì có thể tháo gỡ được những sai lầm căn để của thế giới thông tục này.

Chìa khóa để hiểu phẩm này nằm ở câu nói của các Thiên tử: Trong pháp mà Tôn giả Thiện Hiện đã thuyết chẳng phải giả lập sắc, chẳng phải giả lập thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì tánh của sắc hay bất cứ pháp nào dù cao hơn Niết bàn đều là bất khả thuyết”.

Vì sao? Vì bất cứ pháp nào dù là ngũ uẩn hay gì gì đi nữa đều phi hữu, không thật, không có tự tánh, là không, là viễn ly, là tịch tịnh, vô tri giác(1) hay như huyễn như mộng, “bản tánh của chúng như vậy là như vậy”(2). Nên Kinh nói:Do duyên cớ này, các đại Bồ Tát trụ chỗ trụ như thị”, không sanh tác ý nọ kia nên nói là bất khả thuyết.

 

Để sáng tỏ giáo pháp như huyễn, không gì hơn chúng tôi trích dẫn lời bình giảng trí tuệ của Thiền sư D.T. Suzuki khi Ngài thuyết “Bát Nhã và Như Huyễn” và “Thực tại đảo ngược như Huyễn” trong triết học Bát nhã Ba la mật (Thiền Luận quyển hạ) để quý vị có dịp thưởng thức thêm:

 

1- Bát Nhã và Như huyễn:

 

“Một trong những thí dụ lừng danh được các nhà triết học Bát Nhã sử dụng khi họ muốn gây cho chúng ta một ấn tượng về học thuyết Tánh Không, đó là Như Huyễn (Maya). Các luận sư khác thường gọi họ là những nhà Thuyết huyễn (Mayavàdin). Như Huyễn có nghĩa là gì? Xin trích một vài đoạn Kinh để thấy ý nghĩa Như Huyễn.

Phật hỏi Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao, Huyễn (Maya) có khác với Sắc (rupam), Sắc có khác với Huyễn không? Lại nữa, ý ông nghĩ sao, Huyễn có khác với Thọ(vedana), Tưởng (samjna), Hành (samskara) và Thức (vijnana)? và Thọ, tưởng, Hành, Thức có khác với Huyễn không?

“Tu Bồ Đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, chúng không khác.

Nếu Sắc khác Huyễn, Sắc không phải là Sắc; nếu Huyễn khác với Sắc, Huyễn không phải là Huyễn. Huyễn là Sắc và Sắc là Huyễn. Thọ, tưởng, Hành và Thức cũng vậy.

“Phật: Này Tu Bồ Đề, ý ngươi nghĩ sao, năm thủ uẩn có phải là Bồ Tát hay không?

“Tu Bồ Đề: Bạch đức Thế Tôn! Không.

“Phật: Này Tu Bồ Đề! Ngươi nên biết rằng, năm thủ uẩn tức thị Huyễn. Tại sao? Bởi vì Sắc là như Huyễn, Thọ, tưởng, Hành và Thức cũng là như Huyễn; năm uẩn và sáu căn tức thị Bồ Tát, cho nên Bồ Tát cũng như Huyễn. Nếu ai muốn học Bát nhã Ba la mật-đa , hãy nên như Huyễn mà học... Những Bồ Tát sơ trụ Đại thừa, nếu theo các bậc thiện tri thức mà học, khi nghe pháp đó sẽ không sinh ra kinh hoàng và sợ hãi”.

Quả thực, nếu ai nghe bài pháp như thế mà không được một minh sư thấu triệt Bát nhã Ba la mật-đa thân hành hướng dẫn, sẽ bị đưa tới những điên rồ phóng đãng. Chúng ta hãy nghe thêm:

“Phật nói: Ví như huyễn sư (mayakara) ở giữa ngã tư đường dùng huyễn pháp của mình làm hiện ra một đám người đông đảo. Vừa hiện ra tức thì biến mất. Này Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao? Đám người huyễn đó có chỗ đến thực sự? Chúng có thực? Chúng thực có chỗ đi đến? Chúng biến mất thực?

“Tu  Bồ Đề nói: Bạch đức Thế Tôn! Không.

“Phật nói: Bồ Tát cũng như vậy. Tuy độ vô lượng vô số chúng sinh đưa vào Niết bàn, nhưng kỳ thực không có chúng sinh được dẫn tới Niết bàn. Những ai không chút kinh sợ khi nghe những pháp như thế, đó đích thực là những Bồ Tát mình mặc giáp trụ Đại thừa”.

“Tu Bồ Đề nói với Mãn Từ Tử (Purna – Maitrayaniputra): Sắc của người huyễn không trói không mở; Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy, không trói không mở. Chân như sắc của người huyễn cũng vậy và bốn uẩn kia cũng vậy, không trói không mở. Tại sao? Vì vô sở hữu (asadbhutatvat) nên không trói không mở; vì viễn ly (viviktatvat) nên không trói không mở; vì bất sinh (anutpannatvat) nên không trói không mở.

Nếu Bồ Tát biết rõ như vậy thì là thực sự an trụ trong Đại thừa, mình vận giáp trụ Đại thừa.

“Rồi các Thiên tử (Devaputra) hỏi Tu Bồ Đề (Subhuti): Phải chăng tất cả chúng sinh cũng đều như huyễn?”.

“Tu Bồ Đề nói: Này các Thiên tử, hết thảy chúng sinh cũng đều như huyễn, và lại nữa, cũng đều như mộng (svapna).

Tại sao? Bởi vì hết thảy chúng sinh cùng với huyễn, mộng không hai không khác. Vì vậy, hết thảy chúng sinh đều như huyễn, như mộng. Bốn quả Thanh văn (sarvaka) và Bích chi Phật (Pratyekabuddha) cũng đều như huyễn như mộng. Cả đến Giác ngộ tối thượng cũng như huyễn như mộng.

“Các Thiên tử nói: Nếu thế, cho đến Niết bàn cũng như huyễn như mộng?

“Tu Bồ Đề: Quả thực, Niết bàn cũng như huyễn như mộng; huống chi các pháp khác!

“Các Thiên tử: Tại sao thế?

“Tu Bồ Đề: Dù có pháp nào cao hơn Niết bàn, tôi cũng nói là như huyễn như mộng. Bởi vì, huyễn mộng và Niết bàn, không hai không khác”(3).

Từ quan điểm này, đương nhiên những người tuân hành Bát nhã Ba la mật đa kết luận rằng: Phật chỉ là danh tự giả tướng (namadheya-matram). Bồ Tát chỉ là danh tự giả tướng; Bát nhã Ba la mật-đa cũng chỉ là danh tự giả tướng; vì hết thảy danh tự giả tướng đó vốn vô sinh (anabhinirvrita)”.

Danh tự chưa từng có sinh khởi thực thụ, chúng như hư không, không hề có dấu vết đến hay đi, và do đó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình danh sắc tướng. Nói cách khác, hư không (akasa) tức Tánh Không (Sunyata). “Pháp của Phật tùy thuận hết thảy các pháp, lìa hết thảy các chướng ngại, mà hết thảy các pháp vốn bất khả đắc. Cũng như hư không, lìa hết thảy các chướng ngại. Các pháp như hư không nên vượt ngoài hết thảy các ngôn thuyết. Các pháp là bình đẳng nên vượt ngoài mọi pháp phân hai. Các pháp vô sinh nên vượt ngoài pháp hiện khởi. Các pháp vốn vô diệt nên vượt ngoài pháp diệt tận. Các pháp vốn vô tướng nên vượt ngoài thủ tướng. Các pháp vốn vô xứ nên hết thảy xứ đều bất khả đắc.”

Từ những trích dẫn trên, người ta có thể cảm thấy như đang kéo ra kết luận rằng Pháp (Dharma) của các Kinh Bát nhã Ba la mật đa kỳ cùng là một thứ ảo ảnh, mộng mị, xa vời gần như đồng với vô thể. Nếu quán sát hết thảy các pháp tùy thuận Bát nhã Ba la mật đa tức quán sát chúng tùy thuận với Nhất thiết trí (Sarvajnata). Nếu quán sát hết thảy các pháp tùy thuận với Nhất thiết trí (Sarvajnata) tức quán sát chúng tùy thuận với bản tính hư không (akasa). Và nếu thế, giáo pháp của Bát nhã Ba la mật đa kỳ cùng đáng gọi là giáo pháp về không vô, vô sở hữu, đích danh là thuyết Như Huyễn” (Mayavada), học thuyết nói về tính phi thực của vạn hữu. Cho nên, đừng lấy làm lạ, Kinh không ngớt cảnh giác, độc giả chớ kinh ngạc, chớ sợ hãi, chớ khiếp đảm vì những nghĩa lý này, khi nghe về triết lý thậm thâm Bát nhã Ba la mật đa (gambhira-prajnaparamita). Rồi, với những lý do đó, chúng ta đã có thể tuyên bố rằng Bát Nhã là như huyễn, như mộng, giả danh, và Đại thừa là một lâu đài xây trên bãi cát, được chưa? Nó chỉ là một trò chơi chữ với bòng bong bóng và tiếng vang? Một số học giả đã kết luận cả quyết như vậy, nhất là các học giả Tây phương. Khó mà đứng trên khái niệm về tính bất thực của vạn hữu và cũng khó mà nắm vạn hữu trong thực tính như như của chúng. Hiểu rõ thuyết Như Huyễn là nhận được như như của vạn hữu.

Dân Ấn lừng danh về tài huyễn thuật, đương nhiên các triết gia đạo Phật muốn vẽ ra bản chất mong manh của đời sống cũng dùng các lối huyễn thuật. Nhưng đừng hiểu lối nói của họ qua nghĩa đen. Chúng ta phải cố đạt tới ý nghĩa trung thực của nó. Như đã nhắc nhở nhiều lần, sức mạnh luận chứng mà Kinh Bát Nhã chọn nhắm đối trị mê lầm căn để trong cái nhìn của chúng ta thường ném vào thế giới thông tục cái nhìn duy thực ngây ngô. Khuôn mặt thực của thứ duy thực đó là coi thế giới như một thực tại thường trụ vĩnh viễn và nằm trơ ra đó ngược với những gì được nhận như là thế giới nội tại của tư tưởng, tình cảm và cảm giác, một thế giới được điều động bởi ngã linh hồn cô lập với những cái khác và tranh sống với chúng. Một trong những khí giới tuyệt hảo để hủy diệt sức mạnh của óc duy thực ngây thơ là tuyên bố rằng tất cả như Huyễn, và rằng không có trật tự vĩnh viễn cố định trong thế gian, rằng khái niệm phân đôi về hiện hữu nội tại và ngoại tại, hữu thể và vô thể v.v... là ảo tưởng, và rằng muốn đạt tới căn cơ chân thực của hiện hữu thì phải thức tỉnh Trí Bát Nhã nắm được cái bất khả đắc. Bởi vì chỉ bằng vào Trí Bát Nhã mới có thể điều chỉnh tất cả mọi thứ chấp thủ, dù tri thức hay tình cảm; và cũng nhờ đó mới có thể nhận chân như tính của hiện hữu và hành động theo đó. Kinh Bát nhã Ba la mật đa luôn luôn nhắm tới công dụng này cho nên triết lý của nó bất chấp tưởng tượng bốc cao, bất chấp bí nhiệm như sương mù.

Đạo Phật mà có ý nhận một nền triết lý nào đó, chỉ vì để bứng gốc rễ của phiền não (klesa) đã từng chôn chặt hoạt dụng thong dong vô ngại của Trí Bát Nhã. Phiền não bao giờ cũng nghiêng lệch, và tạo ra mọi hình thái chấp trước, rồi do phiền não và chấp trước mới tạo ra các hành vi tội lỗi qua ba ngã đường thân, miệng và ý, rồi chúng lại dẫn tới những tội diễn biến bất tận y như thế. Cho nên, chúng ta biết rằng những khoái lạc và đau khổ đang phải hứng chịu đây, chẳng có bản tính thường hằng nào cả; các đối tượng của khoái lạc và đau khổ cũng vậy, chúng giả tạm và biến thiên như huyễn. Hoàn toàn không có thực tại bất biến. Chúng chỉ là những giả tưởng, và phải thấy chúng là giả tướng chứ không có giá trị nào nữa. Đối với các giả tướng, chúng đang ở đó, và sự kiện đó đừng bao giờ quên lãng. Nhưng bám vào chúng lấy làm những cùng đích, người trí biết rõ lắm, vì con mắt Bát Nhã của họ đã mở rồi, rọi thẳng vào hang sâu của thực tại. Theo Ngài Long Thọ (Nagarjuna) trẻ thơ thấy mặt trăng trong nước, trong lòng nổi dậy ước muốn vớt trăng lên, rồi duỗi tay vào nước. Nhưng nào có nắm được nó đâu, nên quá đỗi phiền muộn. Bấy giờ người khôn mới dạy cho rằng cái thấy trong nước đó không thể nắm đuợc. Cũng vậy, không phải phủ nhận thế giới của những giả tướng; chỉ phủ nhận tính chất khả thủ khả đắc của nó. Thế giới sai biệt có đó, trước mặt kẻ trí cũng như người ngu; khác nhau chăng ở chỗ, trí thấy nó mà tâm không ôm cứng lấy, còn ngu thì dời xa một chút không nổi. Bồ Tát đã nhận ra bức màn Như Huyễn như thế; chỉ những ai đang còn trong vòng trói buộc mới cho nó là có thực.

Vì vậy, phải tựa trên hậu cứ của Tánh Không hay Chân như mà hiểu thuyết Như Huyễn. Nếu không, Huyễn vẫn y nhiên là Huyễn, và những người theo đạo Phật sẽ không bao giờ biết đặt chân vào đâu, mặc dù không ai dám nói đặt chân vào cõi phân biệt. Nếu không giảng luận ra như thế, Như huyễn sẽ hoàn toàn vô nghĩa trong giáo pháp của Bát nhã Ba la mật đa. Câu nói: Cho đến Niết bàn cũng như huyễn như mộng, sẽ không hơn một câu trào lộng. Như huyễn là một chỉ điểm viên. Ai theo nó một cách thông minh sẽ thấy đằng sau màn bạc có một thế giới của những huyền diệu không thể tả và những thực tại “bất khả đắc”. (4)

 

2- Thực tại đảo ngược như Huyễn:

 

Để kết luận cho phẩm nầy không gì hơn, chúng tôi xin trích dẫn thêm một luận giải khác của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận III nói về “Thực tại đảo ngược Như huyễn”:

“Nhìn qua, Bát nhã Ba la mật hình như phủ nhận các thực tại, tuyên bố chúng là những hiện hữu Như huyễn; rồi Không và Như huyễn được dùng như đồng nghĩa. Trong việc thấu hiểu Kinh Bát Nhã, đây có lẽ là một trong những điểm khó nhất, như thường xuyên được nêu ra.

Theo Kinh: Vạn hữu đều Như huyễn, 5 Uẩn Như huyễn, vì hết thảy các pháp không có chướng ngại, nghĩa là không có tự thể. Không những hết thảy các pháp là Như huyễn, Phật pháp cũng Như huyễn, Niết bàn cũng Như huyễn, cho đến có cái gì cao hơn Niết bàn, cái đó cũng là Như huyễn; vì Niết bàn và Như huyễn, không có phân biệt. Tuy nhiên như thế, đừng hiểu Như huyễn theo nghĩa đó là ảo tưởng hay bất thực như khi chúng ta nói rằng tất cả là mộng. Theo nghĩa của đạo Phật, Như huyễn có nghĩa rằng Bát Nhã Trí không ở nơi 5 Uẩn cũng không lìa năm Uẩn, và phải tìm Bát Nhã “nơi sở thành của Tu Bồ Đề”. Chừng nào người ta còn nhìn thế giới trong mặt tĩnh, không có thực tại nào đằng sau nó, nó là Như huyễn; phải nắm thế giới y như nó “đang đi”; như đang biến hành, đang trải qua từng trạng thái của hữu. Khi vận hành đó bị dừng lại, bấy giờ là một tử thi. Khi vận hành được coi như là cái khác với chính nó và ở ngoài những sự thể biểu thị hiện hữu của nó, nó không còn ý nghĩa gì hết. Hiểu như thế, Như thực tri kiến(yathabhutam), tức là Bát Nhã.

Người ta ai cũng sợ hãi khi nghe nói rằng thế giới là một ảo giác, và tưởng tượng rằng nếu như vậy thì đời sống của mình không có giá trị gì và rồi họ có thể làm bất kỳ thứ gì tùy sở thích mà khỏi chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Đây là một trong những giải thích lệch lạc về thuyết Như huyễn (Maya-vada). Khi các nhà Đại thừa tuyên bố cái đó, không phải họ không biết tới một số định luật nào đó đang điều động Như huyễn. Dù cho tất cả như huyễn, vẫn có những định luật trong đó, và không thứ gì thoát khỏi các định luật này. Tất cả phải phù hợp với chúng. Thuyết Như huyễn không giải phóng một ai đang ở trong đó thoát ra khỏi sự kiểm soát của chúng. Chỉ những ai đã tìm ra một cõi thực nào đó trong Như huyễn, dù vậy vẫn không bị tác động, mới có thể chế ngự nó và những định luật của nó. Chỉ những ai đã thấy được chân lý như vậy mới có thể tuyên bố rằng tất cả đều Như huyễn.

Cho nên, các nhà Đại thừa là những người tùy thuận chân lý Tánh Không, trụ trong Bát Nhã, từ chối không tìm gốc rễ của mình trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức, cũng không tìm trong thế giới Hữu vi hay Vô vi. Trụ xứ đó được gọi là trụ xứ vô sở trụ. Vì lý do này, trụ trong Bát Nhã, theo bất cứ ý nghĩa nào khác, đều trụ nơi chấp thủ, và cái đó phải tránh nếu người ta muốn tự mình tác chủ. Khi có trụ điểm cố định, ở đâu đó, dù ở trong Bát Nhã, đấy là một kết quả nó trói buộc chúng ta, và chúng ta không còn độc lập trong tri thức, đạo đức hay tâm linh. Bát nhã Ba la mật-đa như thế dạy chúng ta quét sạch mọi trụ điểm cố định có thể có, hay quét sạch mọi vọng tưởng. Khi đạt được thế giới không còn những vọng tưởng, đấy là vô trụ xứ hay trụ trong Tánh Không. Phật hay Bồ Tát nói ra giáo pháp của mình từ chỗ vô trụ xứ đó; cho nên, trong đó, không có người thuyết, không có pháp được thuyết cũng không có người nghe thuyết. Đấy là ý nghĩa của Như huyễn (Maya)”.

Chỉ khi nào thấy tất cả pháp như huyễn như mộng… là không, là thấy chơn như thật tướng của tất cả pháp tức nhập được pháp giới mà giác ngộ.

 

Kết luận:

 

Phật nói các pháp như huyễn là để chúng sanh đừng chấp nhận một cách dễ dãi cái thân hiện hữu do tứ đại duyên hợp giả có nầy là trường tồn bất biến mà mang nhiều khổ lụy khi có phân ly phi tán. Kinh Viên Giác lại nói: “Mỗi thứ đều trả về cho tứ đại, khiến ngộ được sáu căn giả hợp đều là huyễn diệt, để hiển bày cái không huyễn diệt”. Chính cái giả hợp kể cả con người hay vạn hữu gọi là huyễn và một khi cái huyễn diệt rồi thì cái không huyễn (tức chân) sẽ hiển bày.

Phật bảo: “Vì huyễn thân diệt cho nên huyễn tâm cũng diệt. Vì huyễn tâm diệt cho nên huyễn trần cũng diệt. Vì huyễn trần diệt cho nên cái “huyễn diệt” cũng diệt. Vì cái “huyễn diệt” cũng diệt cho nên cái phi huyễn hiện bày”. Phi huyễn tức chân (5).

Vì vậy, mà :

“Bồ Tát nương nơi huyễn thân, tu như huyễn pháp môn, dứt huyễn ái kiến, độ huyễn hữu tình, chứng huyễn thánh quả. Do thấy thân như huyễn hóa toàn hư vọng, không có ái trước nơi thân, nên phiền não không sanh, không ái trước nơi thân, thì khỏi vì thân mà thối thất đạo hạnh. Thọ vô lượng thân, tu hành tri qua vô lượng kiếp, không có một mảy may niệm tưởng là có thọ thân cùng có xả thân. Mảy niệm còn không huống gì có số kiếp, nên có câu: Thọ thị khổ... số kiếp phi số kiếp”(6).

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Phẩm “Tịnh Đạo”.

(2). “Bản tánh các pháp như vậy là như vậy”: Câu nói này nằm trong phẩm “Vô Sở Đắc”, quyển 69, Hội thứ I, ĐBN.

(3). Đoạn Kinh này chúng tôi thiết nghĩ Thiền sư D.T. Suzuki trích dẫn ở phẩm “Chư Thiên Tử”, quyển 82, Hội thứ I; phẩm “Thiên Đế”, quyển 499, Hội thứ III và phẩm “Đế Thích” quyển 539, Hội thứ IV, ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch.

(4). Chúng tôi thường trích dẫn tư tưởng của một số đạo gia, những nhà luận giải trí tuệ để giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề hơn. Các tác giả thường tránh né vấn đề này, vì họ sợ mang tiếng là “đạo văn”, chúng ta chỉ cần ghi chú xuất xứ của các tư tưởng đó là đủ. Làm như vậy là chúng ta biết ơn và đồng thời xiển dương tư tưởng của người khác, chẳng có gì phải mặc cảm. Xin đừng bao giờ bỏ qua nếu có dịp nêu lên những tư tưởng tuyệt vời của những vị ấy. Đó là kho tàng tư tưởng chung của nhân loại, đừng để mai một!

(5). Kinh Viên Giác.

(6). Phật Học Phổ Thông của HT. Thích Thiện Hoa.

 

Sau đây là câu chuyện Thiền về:

Thiên tử rải hoa cúng dường Tu Bồ Đề với lời bình luận của Tuyết Dậu trong tắc thứ sáu “Một Ngày Đẹp của Vân Môn”, như sau: Tu Bồ Đề đang ngồi trầm tư một mình trong hang đá, chư thiên rải hoa trời để tán thán Ngài. Ngài hỏi:

 

“Ai ri hoa đó?

Chúng tôi là thiên tử.

Các ngươi rải hoa để làm gì?

Chúng tôi tán thán Ngài đang giảng thuyết Bát nhã Ba la mật.

Ta chẳng hề thuyết Bát Nhã.

Ông không thuyết thì chúng tôi không nghe”.

 

Không nói, không nghe chính là chân tông Bát Nhã. Tuyết Dậu mới tụng rằng:

 

Mưa lạnh, mây quang, nắng bừng lên

Núi non như vẽ, vời vợi xanh

Tu Bồ Đề ngồi hang, không biết,

Hoa trời như mưa đất rung rinh”./.

 

---o0o---

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]