Nghiên cứu do ông Chris Dickman, Đại học Sydney dẫn đầu, cho biết nhiều động vật trong số 480 triệu động vật có vú, chim và bò sát có thể chết trực tiếp do đám cháy ở Australia hoặc gián tiếp do mất môi trường sống.
"Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ở những khu vực bị đốt cháy nghiêm trọng, việc thiếu nơi trú ẩn, thiếu thức ăn và sự xâm nhập của những kẻ săn mồi - cáo đỏ và mèo hoang - dẫn đến việc giảm số lượng động vật mạnh mẽ một cách gián tiếp", ông Dickman cho biết hôm thứ Sáu (3/1).
Hình ảnh thảm thương của động vật bản địa Australia, khi những con vật bị thương hoặc chết - gồm gấu túi koala và chuột túi - tràn ngập các phương tiện truyền thông xã hội khi đám cháy dữ dội quét qua miền Đông Nam nước này, phá hủy nhà cửa và các vùng đất rộng lớn.
Số người chết từ khi mùa cháy bắt đầu nhiều tháng trước ở khu vực tăng lên 20.
Koala là loài bị ảnh hưởng đặc biệt, theo Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley. Có tới 30% số lượng Koala ở bờ biển phía Bắc bang New South Wales có thể đã chết. Nhà sinh thái học của Hội đồng Bảo tồn Thiên nhiên, Mark Graham cũng nhấn mạnh hoàn cảnh của koala vào tháng 12/2019. "Khi những đám cháy lan rộng, koala thực sự không di chuyển đủ nhanh để chạy thoát... Hiện tại có một khu vực rộng lớn vẫn đang cháy và có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy xác của chúng."
Việc giải cứu động vật hoang dã trong đại thảm họa cháy rừng ở Úc diễn ra như thế nào?
Tracy Burgess là một tình nguyện viên của Trung tâm Thông tin, Giải cứu và Giáo dục động vật hoang dã tại Úc - một trong những đơn vị đã đóng góp rất nhiều công sức vào công cuộc giải cứu những loài động vật hoang dã khỏi đại thảm họa cháy rừng đang diễn ra. Và mới đây, cô đã xuất hiện trên chương trình As It Happens để kể lại về những trải nghiệm của mình khi tham gia giải cứu các cá thể động vật hoang dã.
Số liệu thống kê cho thấy đã có khoảng nửa tỉ động vật hoang dã bỏ mạng bởi cháy rừng, và con số này thực sự rất... đau lòng. Là người trực tiếp nhìn thấy những đám cháy, cô nghĩ sao về những con số thống kê đã được đưa ra?
Đó là một con số rất đáng buồn, và thực tế là chúng tôi không nhận được nhiều cá thể động vật hoang dã bị thương lắm đâu - bởi rất nhiều động vật đã bị những đám cháy rừng thiêu chết. Tôi có được nghe vài câu chuyện từ bên phòng cháy chữa cháy của New South Wales, và họ kể rằng đã nhìn thấy xác hàng trăm con chuột túi Wallaby giữa những đám cháy rừng.
Ngoài chuột túi Wallaby ra, còn những loài nào đã trở thành nạn nhân cháy rừng vậy?
Trong số những loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cháy rừng có chồn possum, thú lông nhím echidna, gấu túi, koala, cũng như rất nhiều loài chim khác. Ngoài bị lửa thiêu, nhiều loài động vật còn chết vì ngạt khói cũng như vì không chịu được nhiệt độ cao ở khu vực xung quanh các đám cháy.
Cô có thể kể lại trải nghiệm giải cứu động vật hoang dã khỏi cháy rừng của mình được không?
Hôm trước, tôi đã cứu được một chú gấu túi wombat khỏi khu vực cháy rừng, với sự giúp đỡ của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Họ đi cùng để đảm bảo an toàn cho tôi trong quá trình cứu hộ động vật hoang dã. Lúc ấy xe cứu hỏa ở khắp mọi nơi, khói thì mù mịt, còn tôi thì chỉ muốn cứu chú gấu túi tội nghiệp kia càng nhanh càng tốt.
Về phần chú gấu túi, may mắn là nó không bị cháy hay bỏng gì, nhưng nó cũng bị thương do bị cành cây rơi vào người.
Những loài động vật được giải cứu thì sẽ ra sao?
Chúng tôi sẽ đưa chúng về nhà để chăm sóc và chữa trị các vết thương, rồi trả chúng về tự nhiên sau khi hồi phục. Chúng đều là động vật hoang dã, nên cần được trả về môi trường sống tự nhiên càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, tình hình cháy rừng diễn biến như hiện tại khiến điều này trở nên hết sức khó khăn. Chúng tôi không thể trả chúng về những cánh rừng đang cháy được. Thế nhưng càng chăm sóc động vật hoang dã lâu, thì sẽ càng khó để trả chúng về với thiên nhiên hoang dã hơn, bởi bản năng của chúng bị thui chột đi.
Vậy những loài động vật hoang dã phản ứng như thế nào?
Có một cô chồn possum bị bỏng rất nặng, nhưng vẫn bám trụ trên một cái cây bị cháy ba ngày liền. Không ai đến cứu nó, bởi tất cả đều cho rằng nó đã chết. Thế nhưng đến ngày thứ tư, nó đã trèo xuống và tìm tới trước cửa một căn nhà tại Clarence.
Theo kinh nghiệm của tôi, rất nhiều loài động vật khi biết mình gặp nguy hiểm sẽ tìm đến con người. Tôi cũng không hiểu tại sao, nhưng có vẻ bản năng sinh tồn cho chúng biết nên tìm tới con người để được cứu sống.
Thế nên, tôi nghĩ là cô chồn này hiểu rằng tôi đang cố gắng chữa trị cho nó, nên dù không thích thì nó cũng không phản ứng thái quá kiểu như cào cấu hay cắn tôi trong quá trình điều trị. Điều này khác hẳn với phản ứng hung dữ của loài chồn possum mỗi khi bị thương.
Thông thường, chúng tôi sẽ lưu ý mọi người hạn chế tối đa việc thường xuyên cho các loài động vật hoang dã ăn, vì không muốn chúng quá quen với việc ỷ lại vào con người mà quên đi khả năng kiếm ăn. Tuy nhiên điều kiện hiện tại không cho phép, thế nên chúng tôi cũng nhờ một số gia đình sống gần các khu rừng bị cháy để dành một ít thức ăn cho các loài động vật hoang dã.
Vậy cô đánh giá sao về nguy cơ mà các loài động vật hoang dã gặp phải nếu những đám cháy như vậy còn tiếp diễn trong tương lai?
Về cơ bản, những cánh rừng rồi sẽ hồi sinh sau những đám cháy, tuy nhiên chúng tôi cũng đang hết sức lo lắng. Bởi lẽ, hệ sinh thái luôn diễn ra quá trình tự cân bằng giữa cây cối và các loài động vật. Tuy nhiên, đám cháy này đã giết quá nhiều động vật hoang dã, đến mức chúng tôi không biết là liệu hệ sinh thái tự nhiên tại đây có còn có thể cân bằng lại được như trước hay không nữa. Úc là một quốc gia nổi tiếng với sự đa dạng về môi trường hoang dã, nhưng sau thảm họa cháy rừng này thì, thật khó mà biết tương lai sẽ ra sao.
Theo cbc