Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngọn Lửa Thiêng

14/07/201917:51(Xem: 5925)
Ngọn Lửa Thiêng

botatquangductuthieu

NGỌN LỬA THIÊNG

 

(…) Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại dõng dạc nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này (đèn tắt, cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u) ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm, những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to “đã thấy” (một que diêm được bậc lên) cả sân vận động vang rền “đã thấy”.

            Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm, cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tối tăm của nhân loại, y như vậy”.

            Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt, một giọng nói vang lên: “Tất cả những ai ở đây, có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên” (bỗng chốc cả sân vận động rực sáng…) John Keller kết luận: “Tất cả chúng ta cùng hợp lực nhau, có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, các hành độngác và oán thù … bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta”.

            Câu chuyện của John Keller tôi tình cờ đọc được trong một tập san Văn hóa Phật Giáo, qua câu nói đáng chú ý của tác giả viết tựa đề “Mỗi người một que diêm”, như thế này: “Chúng tôi viết cho nhau, cho vui thôi, đó cũng chỉ là những que diêm nhỏ, chia nhau chút ánh sáng, chút hơi ấm, giữa cuộc sống bộn bề và tẻ lạnh”.

            Rất thiết thực và cảm ơn những que diêm tươi mát nóng ấm tình nhân loại, và cũng chính từ câu chuyện này tôi liên tưởng đến ngọn lửa thiêng của Bồ Tát Thích Quảng Đức, tôi bồi hồi xúc động trước nghĩa cử rạng ngời chân lý bất diệt của một vị tu sĩ, noi gương Ngài Dược Vương Bồ Tát đốt thân cúng dường vì lợi ích cho Chư Thiên và loài người, xin đốt nén tâm hương kính cẩn đảnh lễ dâng lên Bồ Tát Thích Quảng Đức với tất cả lòng tri ân biết ơn, vì Ngài đã làm sáng ngời cho lý tưởng Phật Giáo.

            An nhiên tĩnh tọa dùng ngọn đuốc cúng dường lên mười phương Chư Phật và dóng tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại trước vận mệnh Phật Giáo, như lời nguyện của Ngài đã viết vào ngày 08-04-1963.

          “Kính dâng mười phương Chư Phật

          Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình

          Làm đèn soi sáng nẻo vô minh

          Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác

          Tro trắng phẳng san hô bất bình

          Thân cháy nát tan ra tro trắng

          Thần thức nương về giúp sinh linh

          Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng

          Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình”

            Với cử chỉ yên lặng bình thản trên khuôn mặt Hòa Thượng, Ngài niệm lớn tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật” thế rồi, Ngài bật một que diêm, ngọn lửa phừng phực bốc lên, phủ kín thân thể nhưng Ngài không hề lay động, trên tay vẫn cầm chuỗi hạt Bồ Đề, thân chìm trong ngọn lửa, an nhiên nhập vào thế giới Hoa Tạng, trong khi bên ngoài Tăng Ni Phật tử kính cẩn lệ rơi.

            Cố Ni Trưởng Diệu Không đã ta thán sau khi chứng kiến Ngài hóa thân giữa trùmg trùng cát bụi phù du.

                        “Thầy ơi con biết tính sao đây

                        Lễ kính lòng đau trước Thánh thây

                        Lửa dậy lưng trời thân chẳng động

                        Dầu loang trắng đất ý không lay

                        Tiêu diêu cõi Tịnh thầy theo Phật

                        Lận đận trần lao con nhớThầy

                        Phật tử Việt Nam còn nhớ mãi

                        Nét son lịch sử vẫn không phai”

            Nhà Thơ Vũ Hoàng Chương đã mô tả qua bài thơ bất hủ “Ngọn lửa từ bi của Bồ Tát Thích Quảng Đức” đã nói lên được ánh sáng chân lý mà Ngài đã thắp sáng, có khả năng soi sáng lương tâm như ngọn đuốc trí tuệ, bằng ngọn lửa từ bi bằng trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức trở thành “xá lợi trái tim” đầu tiên và duy nhất bất diệt với thế gian, là biểu tượng của tình thương chiến thắng bạo lực bằng chánh trí, một ngọn đuốc yêu thương công bằng và sáng ngời trí tuệ.

                        “Ngọc hay đá chẳng cần ai tạc

                        Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi

                        Chỗ người ngồi một thiên thu kiệt tát

                        Trong vô hình sáng chói nét từ bi”

                        “Lửa lửa cháy ngất tòa sen

                        Tám chín phương nhục thể trần tâm

                        Hiện thành thơ quỳ cả xuống

                        Hai vầng sáng rưng rưng

                        Đông Tây nhòa lệ ngọc

                        Chắp tay đón một mặt trời mới mọc

                        Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên! Dâng lên!”

                                                (Trích đoạn ngọn lửa từ bi)

            Khơi nguồn Bồ Tát Quảng Đức tiếp nối, hàng chục Thánh Tử Đạo coi nhẹ cái chết nguyện theo dấu chân Ngài thắp sáng ngọn đuốc của tình thương, hòa cùng trái tim bất diệt của Ngài làm nền tảng tâm linh cho cuộc sống nhân sinh, cho chúng ta rút ra một bài học nhập thế phụng sự chúng sanh hành Bồ Tát Đạo.

            Trong Phật Giáo thông thường nói đến lửa là đề cập đến tham ái, được Đức Thế Tôn diễn tả trong bài Kinh Pháp Cú 146 “Cười sao được, sướng vui sao nổi” khi lửa tham cháy rụi thế gian Đức Phật dạy: “Ngoài sự trói buộc của dục ra, ta không thấy một sự trói buộc nào khác trói buộc chúng sanh khiến cho luân hồi mãi mãi”. Phật ví dục như nhện sa lưới dệt, dục như hố tham, như tầm kéo kén càng buộc càng bền v.v…

            * Như Vua Trụ đứng trước sắc đẹp nghiên thành của Đắc Kỷ mà cơ nghiệp thênh thang theo đó sụp đổ.

            * Dương Quý Phi không kiềm nổi dục vọng phải thông tư với con nuôi là An Lộc Sơn

            * Lữ Bố tướng đời Đông Hán thắng nổi muôn binh ngàn tướng được người đời tôn là anh hùng đệ nhất, nhưng vì đối đầu với Điêu Thuyền vì tước lộc danh quyền mà phải giết cha nuôi là Đổng Trác.

            * Đại Đế Asoka đạt đến đỉnh cao của quyền lực thống lãnh một vương quốc hùng mạnh, nhưng sau một trận chiến, ông chống gươm nhìn lại và tự hỏi: “Đây có phải là chiến thắng không? Đây có phải là điểm dừng của sự thỏa mãn và hạnh phúc không?” chính lòng dục mà ông đã thất bại chính mình mặc dù thắng được kẻ thù.

            Đúng vậy Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng mình”.

            “Đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại” chỉ có ánh sáng của trí tuệ mới quán chiếu rõ bản chất thật của thất tình lục dục và hạnh phúc chỉ có được khi con người vất bỏ được những nhu cầu ham muốn, thì mới thoát khỏi những phiền não khổ đau giữa cuộc đời đầy vạn biến.

                        “Lửa nào bằng tham dục

                        Ngục nào bằng tâm sân

                        Lưới nào hơn mê đắm

                        Sông ái dục nhận chìm”

            Đời sống phạm hạnh trong sáng thuần tịnh đã un đúc tinh thần bi trí dũng của Ngài từ lúc phát tâm Bồ Đề cho đến ngày viên mãn hạnh nguyện.

                        “Nền Phật dò lần kiếp trả vay

                        Phủi tay rửa sạch nợ trần gian

                        Tránh đàng danh lợi tìm nơi tịnh

                        Niệm chữ từ bi lánh cửa quan

                        Chuỗi hột tay lần khuya với sớm

                        Kệ kinh tụng niệm vái rồi van

                        Một lòng thành kính lòng mình nguyện

                        Tịnh Độ từ đây rất ở an”

            Ba mươi năm hạnh nguyện tròn đầy, dấn thân phục vụ vì lý tưởng giải thoát giác ngộ, Ngài để lại một trái tim bất diệt, một biểu tượng vô giá mà thế gian không có được.

            Bóng tối trong sân vận động ví như sự vô minh ngàn đời của con người đắm chìm trong dục lạc trầm luân trong sanh tử khổ đau không khi nào thoát ra được.

            Ngọn đuốc của Bồ Tát Thích Quảng Đức được đốt lên cho chúng ta nhận ra được thật tướng ngàn đời của vạn hữu, ngọn đuốc được đốt lên để thấy ánh sáng của chân lý bất sanh bất diệt, ánh sáng của trí tuệ và tình thương lân mẫn như que diêm trên tay của John Keller ví đóm sáng nhỏ như một hành động của lòng nhân ái vị tha.

            Nữ sĩ Hồ Cầm có nói: “Ngọn lửa và trái tim bất diệt của người là một dấu ấn khó quên trong lòng biết bao thế hệ Tăng Ni Phật tử. Ngọn lửa đại từ đại bi của bậc xuất trần thượng sĩ là một bài học vô giá, tạo dựng niềm tin bất diệt về chánh pháp ở cõi thế gian này”.

            Nói đến đây tôi liên tưởng đến câu chuyện Vô tận đăng, Ma Ba Tuần đem mười hai ngàn tiên nữ đến dâng cho Ngài Trì Thế Bồ Tát, Trì Thế Bồ Tát hoảng hốt nói: “Kiều Thi Ca tôi là Sa Môn Thích Tử, ông đừng yêu cầu tôi nhận những thứ không đúng với pháp tu hành, điều đó trái với luật nghi của tôi”.

            Lúc ấy Ngài Duy Ma Cật đến đúng lúc nói: “Chẳng phải Đế Thích đâu! Đó là Ma Ba Tuần đến quấy rối Ngài đó”. Rồi quay sang nói với Ma Ba Tuần rằng: “Các nàng này có thể tặng cho ta, ta bằng lòng thâu nhận” Duy Ma Cật sẵn lòng, Ma Ba Tuần miễn cưỡng giao các nàng cho Duy Ma Cật, ông liền theo chỗ thích hợp mà thuyết pháp với các nàng, khiến cho tất cả đều phát đạo ý rồi nói: “Nay các nàng nên phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có những điều vui theo đúng chánh pháp để tự vui lấy, chẳng nên vui với năm dục nữa.

-       Các Tiên nữ nhao nhao nói: “Những gì là vui theo đúng pháp”

-       Đáp: “vui thường tin Phật, vui muốn nghe pháp, vui cúng dường Tăng, vui lìa năm dục, vui quán năm ấm như oán tặc, vui quán bốn đại như rắn độc”.

-       “Rồi sau đó chúng tôi sẽ làm gì khi ở nơi chốn cung ma?” Các nàng hỏi.

-       Duy Ma Cật nói: “Này các cô, có một phép tu gọi là đèn không dứt” (vô tận đăng). Các cô nên học phép tu ấy. Đèn không dứt có nghĩa là như từ một ngọn đèn, mỗi ánh sáng ra trăm ngàn ngọn đèn liên tiếp. Những chỗ tối đều trở nên sáng, mà ánh sáng không bao giờ dứt (…) các cô tuy ở cung ma, hãy dùng phép tu đèn không dứt này mà làm cho vô số Thiên Tử và Thiên Nữ đều phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

Phải chăng ngọn đuốc của Bồ Tát Thích Quảng Đức, hay que diêm trong sân vận động và vô tận đăng của các nàng Ma Ba Tuần đã gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh, một thông điệp sáng ngời lý tưởng giác ngộ giải thoát như Ngài Duy Ma Cật nói: Nhân vì Bồ đề phát khởi lòng từ, nhân vì cứu độ chúng sanh phát khởi tâm đại bi, nhân vì giữ gìn chánh pháp phát khởi tâm hỷ, nhân vì nhiếp thâu trí tuệ thi hành pháp xả, vì giáo hóa chúng sanh mà quán triệt lẽ không, vì chẳng bỏ pháp hữu vi mà khởi lẽ vô tướng, vì thị hiện thọ sanh mà khởi lẽ vô tác, do hộ trì chánh pháp bèn khởi sức phương tiện … để thành tựu chúng sanh và thành tựu chính mình (những lời của các vị quyền thừa Bồ Tát thật sảng khoái biết bao).

 

TKN Thích Tâm Lạc  
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]