Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuông Thần & Giếng Phật ở Chùa Thiên Ấn

12/07/201917:23(Xem: 6749)
Chuông Thần & Giếng Phật ở Chùa Thiên Ấn



Chuông Thần & Giếng Phật
ở Chùa Thiên Ấn

Thích Nguyên Tạng

 

Mùa An Cư của Giáo Hội năm nay được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, NSW, cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 30 phút lái xe, chùa do TT Thích Như Định khai sơn vào năm 1992, là một ngôi chùa nhỏ theo lối “cải gia vi tự” để sinh hoạt tạm. Đến đầu năm 2013, TT Như Định chính thức khởi công xây dựng Chánh điện Chùa Thiên Ấn (dài 36m, ngang 14m), Tăng xá (gồm 2 tầng, dài 32m, ngang 9m), dự kiến công trình xây dựng này sẽ hoàn tất vào năm 2020.

Lúc đầu, đơn vị Tự Viện Pháp Bảo (TT Phổ Huân) phát tâm đảm nhận trách nhiệm lo cho mùa An Cư năm nay, nhưng việc xây dựng Thiền Lâm Pháp Bảo không kịp,  nên cuối cùng đơn vị Chùa Thiên Ấn phải phát tâm thay thế. Mặc dù công trình xây dựng chưa hoàn tất, nhưng TT Hóa Chủ Thích Như Định vẫn mạnh dạn nhận lãnh trách nhiệm khó khăn này. Quả thật công đức phát tâm hộ trì Chánh pháp của TT Như Định không có bút mực, ngôn từ nào có thể chuyển tải cho hết được.

TT Như Định là người con của Quảng Ngãi, xuất gia từ nhỏ ở Chùa Thiên Ấn, bên dòng sông thơ mộng Trà Khúc. Thầy Như Định có duyên với Tổ Sư Thiền và có nhiều tâm đắc về pháp môn này, bản thân người viết bài này rất thích hầu chuyện với Thầy vì được Thầy kể lại những giai thoại nhà Thiền cực kỳ hấp dẫn và lôi cuốn. Người viết thật khâm phục về trí nhớ dai của Thầy. Thầy Như Định từng rủ người viết học thuộc lòng Kinh Pháp Hoa, nhưng tôi từ chối vì “ngã bất kham năng”, và chỉ chọn option dễ nhất để đua với Ngài, là đọc một mạch thuộc lòng mục lục 28 phẩm Kinh Pháp Hoa, và sau đó 2 Thầy trò chọn một option khác khó nuốt hơn Kinh Pháp Hoa là thi đua thuộc nằm lòng bộ truyện dài “Đường Xưa Mây Trắng” của Sư Ông Làng Mai. Hy vọng một ngày đẹp trời nào đó hai Thầy trò sẽ phô diễn trí nhớ để cống hiến với đại chúng về bộ truyện này.


Chua Thien An_Quang Ngai
                                                                             Chùa Thiên Ấn tại Quảng Ngãi

day2-hội-thảo-46

 

Chùa Thiên Ấn, Sydney, Úc Châu




Nói về TT Như Định là nói đến Chùa Thiên Ấn ở Sydney, mà nói đến Chùa Thiên Ấn ở Sydney là nhớ đến Chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi. Cổ đức từng nói: “Mộc tùng căn trưởng, thủy tự nguyên lưu”, nghĩa rằng: “Cây có cội mới đâm chồi nẩy lộc, nước có nguồn mới chảy khắp rạch sông”. Rõ ràng, nếu không có Chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi thì mãi mãi sẽ không có Chùa Thiên Ấn ở Sydney.

Quảng Ngãi, nơi Thầy Như Định chào đời, và hình ảnh ngôi chùa Thiên Ấn đã ăn sâu vào con tim, khối óc và hơi thở của Thầy ấy, nên khi sang Úc định cư, ra lập chùa mới, Thầy đã lạy Tổ xin dùng tôn hiệu Thiên Ấn ở quê nhà Quảng Ngãi để đặt tên cho ngôi chùa của Thầy ở Úc, để lưu giữ toàn bộ ký ức một thời về ngôi Tổ đình này.

Tổ đình Thiên Ấn tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, cách sông Trà Khúc và tỉnh Quảng Ngãi khoảng 3 km. Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa khai sơn vào khoảng năm 1694 (cuối thế kỷ XVII). Ngài tên là Lê Diệt, người Phúc Kiến, hiệu là Minh Hải Phật Bảo, sinh năm 1670, đã Trụ trì Chùa trong 60 năm. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1716, đời Vua Lê Dụ Tông ở Đàng Ngoài), Chúa Nguyễn Phúc Chu (Đàng Trong) là một người sùng đạo Phật, đã ban cho Chùa biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Như vậy, từ khi khai sơn đến nay, Chùa Thiên Ấn trải qua hơn 300 năm, đã 5 lần trùng tu (vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959) với 15 đời Trụ trì, trong đó có 6 vị được tôn là Sư Tổ, gọi chung là “Lục Tổ”.

Chùa Thiên Ấn, được xem là một danh lam thắng cảnh và là một niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi. Núi Thiên Ấn xưa kia có tên là núi Hó, cao khoảng 105m, đỉnh núi bằng phẳng, rộng độ 10ha. Từ phía Đông nhìn lên, núi trông giống như cái ấn trên sông. Xưa kia, ở núi có nhiều đá son dùng mài mực son chấm quyển chữ Nho. Từ thời Nguyễn, Thiên Ấn đã được liệt vào hàng danh thắng, vì chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi.

Chùa Thiên Ấn không chỉ là nơi đào tạo Tăng tài cho PGVN, mà ngôi chùa này còn nổi tiếng trong dân gian với giai thoại Chuông Thần và Giếng Phật, cùng nhiều câu ca dao sâu đậm nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Kỳ bí về chiếc Chuông Thần: Tương truyền vào năm 1845, vị Tổ thứ ba của chùa Thiên Ấn là Thiền sư Bảo Ấn, khi Ngài đang tham thiền thì thấy có một vị Hộ Pháp mách bảo đến làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về chùa. Nguyên do lò đúc chuông này có một quả chuông đã đúc từ lâu mà chuông không phát ra tiếng, bị gọi là chuông câm. Nhưng lạ thay, khi được thỉnh về chùa, Thiền sư Bảo Ấn gióng lần đầu tiên thì chuông phát ra tiếng ngân vang khắp cả dân làng đều nghe, nên thiên hạ cho đây là “Chuông Thần”, có nghĩa là do Thần Hộ Pháp giúp cho tiếng chuông ngân vang ra sau một thời gian dài bị câm lặng, và tiếng chuông linh thiêng mầu nhiệm này đã giúp chữa bệnh cho hàng vạn người dân ở Quảng Ngãi, hễ ai có bệnh gì, nhất là bệnh tà, bị ma quỷ quấy phá, đem lên chùa cho ngồi dưới quả chuông, Thầy Trụ trì vừa trì chú Đại Bi, chú Dược Sư, chú Chuẩn Đề và gióng vào “Chuông Thần” bảy tiếng thì lập tức người ấy khỏi bệnh. Hiện tại quả Đại hồng chung này vẫn đang được an trí tại Tổ Đường Chùa Thiên Ấn.


Chuong than Chua Thien An                                                                         

Chuông Thần tại Chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi



 Bí ẩn về Giếng Phật:
Một giai thoại lừng danh khác ở Chùa Thiên Ấn mà khi nhắc đến ai ai cũng thích thú, đó là Giếng Phật. Câu chuyện xoay quanh việc xuất hiện của cái giếng này rất ly kỳ bí ẩn, pha lẫn chút thần thông diệu dụng của các Tổ sư Chùa Thiên Ấn. Chuyện kể rằng Giếng Phật là giếng mở nguồn cho sự sống của người dân ở vùng núi Thiên Ấn, đem lại nước uống cho người dân vùng này.

Được biết bắt đầu từ năm 1670, Thiền sư Minh Hải Phật Bảo khai sơn ngôi Chùa Thiên Ấn trên hòn núi Hó này, lúc đầu Ngài chỉ tu trong một cái am nhỏ bằng cỏ, Ngài chỉ ăn lá cây và củ rừng. Sau một thời gian tu hành, Ngài bị một nhóm tiều phu đốn củi phát hiện ra. Nhóm tiều phu lên núi đốn củi và bất chợt phát hiện một nguồn suối nước trong vắt, đoàn người dừng lại uống nước, và khám phá thêm một con đường mòn dẫn họ lên đỉnh ngọn núi, nơi có vị Đại sư đang tọa thiền. Đó là mở đầu cho nhân duyên bắt nhịp giữa Thiền sư và đoàn người đốn củi, mở ra con đường tâm linh sùng kính đạo Phật cho đến ngày nay. Nhóm người tiều phu này nhìn thấy Thiền sư tướng hảo quang minh tỏa sáng, khác phàm, giữa núi rừng mà gặp được một người như vậy là một điều rất linh thiêng, họ xem Ngài như một vị Phật, vị Bồ Tát. Có cái gì đó thu hút họ như nam châm. Họ ở lại kề cận bên Ngài, cùng Ngài trò chuyện không muốn đi đâu nữa, chỉ muốn ngồi nghe Sư thuyết pháp về đời sống tâm linh tu hành đạt đạo giải thoát. Nhưng chiều tối đoàn người phải trở về vì nơi đây rất nhiều cọp, thú dữ. Một câu hỏi đặt ra, tại sao cọp không ăn thịt vị Thiền sư? Một vị tu hành đắc đạo, với tâm từ bi phát ra oai lực lớn, phước đức lớn, không những không bị chúng ăn thịt mà trái lại còn có công năng cảm hóa cọp, rắn, beo phủ phục dưới chân mình. Khi đoàn đốn củi xuống núi, trở về làng mạc, họ truyền miệng về một vị tu sĩ như một vị Phật, vị Bồ Tát linh thiêng, để rồi dần dần một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn…cứ thế dân làng tò mò lũ lượt lên núi đảnh lễ vị Thiền sư, nghe Sư giảng Pháp. Số lượng người càng ngày càng đông. Dòng nước suối trong vắt kia càng ngày càng vơi không đủ cung cấp cho dân làng, và sự khó khăn đưa nước dưới đồng ruộng lên núi là nguyên do dẫn tới việc Thiền sư phát nguyện đào giếng.


gieng Phat Chua Thien An


Giếng Phật tại Chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi


Thiền sư Trụ trì lúc ấy phải mất nhiều năm mới hoàn thành việc đào giếng. Khi đào đã khá sâu, Đại sư hy vọng sắp được có nước, nhưng rồi thất vọng khi gặp phải tảng đá to lớn chắn ngang. Đêm về nằm ngủ, Ngài được thần Hộ Pháp về báo mộng là phía dưới tảng đá có mạch nước ngầm. Sáng hôm sau, đột nhiên lại có một vị Sư trẻ đến viếng chùa và xin phép Ngài Trụ trì giúp sức việc đào giếng. Thế là hai Thầy trò miệt mài đục đá để đào giếng. Vị Sư trẻ ở dưới giếng đục đá, vị Sư già đứng ở trên để kéo đất đá lên, cuối cùng cũng xuyên qua tảng đá nằm ngang và bắt được mạch nguồn, nước phun lên xối xả. Hòa Thượng Trụ Trì vô cùng sung sướng vục mặt vào mạch nước uống thỏa thích, đến khi bình tâm lại thì nhìn xuống giếng không thấy vị Sư trẻ đâu cả, vị ấy biến mất tự bao giờ. Đêm ấy Ngài được báo mộng là có Phật, có Bồ Tát đến giúp đỡ việc đào giếng, nên dân gian truyền tụng đây là “Giếng Phật” và có câu thơ nói về sự kiện hy hữu này:

"Ông Thầy đào giếng trên non

Đến khi có nước không còn tăm hơi".

Từ ngày có Giếng Phật, thiên hạ khắp nơi đổ xô về nơi đây chiêm bái, xin nước giếng này để uống, để trị bệnh, bệnh gì uống vào cũng khỏi. Có người nói rằng nước giếng này có công năng giúp người kéo dài tuổi thọ, trường sanh bất lão.

Ngày nay, giếng Phật vẫn còn hiện hữu và được Chùa làm hàng rào bảo quản cẩn thận pháp khí quý báu này. Trụ trì Tổ Đình Thiên Ấn hiện nay là Hòa Thượng Thích Hạnh Trình cho biết, Giếng Phật sâu 21m và nước giếng không bao giờ cạn nước, dù múc hay dùng máy bơm cũng vậy, nước luôn trong xanh, mát và ngọt ngào.

Nếu như bên Quảng Đông, Trung Hoa có nước suối Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng, thì ở Quảng Ngãi, Việt Nam chúng ta có nước Giếng Phật Chùa Thiên Ấn, cả hai đều có công năng như nhau, nước mát ngọt ngào, uống vào hết bệnh, hết phiền não. Người viết bài này đã từng viếng thăm Tổ Đình Thiên Ấn, chụp hình bên cạnh Giếng Phật và rất tự hào rằng dòng chảy giác ngộ của Đức Thế Tôn vẫn tuôn trào từ đầu nguồn Hy Mã Lạp Sơn cho đến tận Quảng Ngãi, Việt Nam, dòng chảy ấy vẫn đang tưới mát cho nhân thế khổ đau, phiền lụy trong cuộc đời này./.

 

Nam Mô A Di Đà Phật
Viết tại Trường Hạ Thiên Ấn 2019
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]