Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sơ lược tiểu sử 4 đời tăng thống

10/07/201607:46(Xem: 12890)
Sơ lược tiểu sử 4 đời tăng thống


HT Tinh Khiet

Sơ lược tiểu Sử

Đức Đệ Nhất Tăng Thống

Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết

 

 

 

Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh năm Tân Mão (1890), tại làng Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là Cụ ông Nguyễn Văn Toán và Cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình, bẩm tính thông minh, năm 15 tuổi Ngài đã tinh thông Nho học, nhưng với chí khí xuất trần, Ngài đã xin phép song thân được xuất gia học đạo. Năm 1905, Ngài xuất gia tại chùa Tường Vân, Huế, với Đại Lão Hờa Thượng Thanh Thái là đệ Tam Tổ chùa Tường Vân, đời thứ 41 Thiền phái Lâm Tế. Ngài được ban pháp danh là Trừng Thông, pháp tự Chân Thường.

 

Với bẩm tính thuần thành, cốt cách đạo vị Ngài đã vượt mọi thử thách cam go trong bước đầu hành đạo, tinh cần học hỏi chánh pháp với các bậc thạc đức cao Tăng trong chốn thiền môn, chuyên tâm thực hành giới định tuệ. Đến năm 1910, Ngài đã thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia do Tổ Vĩnh Gia làm Đàn Đầu. Sau giới đàn, Ngài trở về trú xứ phát nguyện lạy bộ Vạn Phật, mỗi chữ một lạy, trong suốt ba năm liền.

 

Năm 26 tuổi (1916), Ngài nhận chức Trú trì chùa Phước Huệ, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1920 Ngài đắc pháp với Hòa thượng Bổn sư, được ban Đạo hiệu là Tịnh Khiết, kế vị Tổ đời thứ 42 thuộc Thiền phái Lâm Tế năm 32 tuổi (1922). Năm 44 tuổi Ngài Trú trì chùa Tường Vân, kế vị Hòa Thượng Tịnh Hạnh, anh ruột của Ngài vừa viên tịch. Năm 48 tuổi (1938), Ngài được cung thỉnh Chứng Minh Đạo Sư sáng lập An Nam Phật Học Hội. Năm 50 tuổi (1940), Ngài làm Giám đốc Đạo hạnh Viện Cao đẳng Phật học mở tại chùa Tường Vân và Báo Quốc. Năm 54 tuổi (1944), Ngài được cung thỉnh,làm Yết Ma Đại giới đàn tại chùa Thuyền Tôn, Huế. Năm 57 tuổi (1947), Ngài được suy tôn chức vụ Tòng Lâm Pháp Chủ Trung Việt. Năm 58 tuổi (1948), Ngài làm Đàn đầu Hòa Thượng Đại giới đàn mở tại chùa Báo Quốc, Huế.

 

Năm 1951, trong Hội Nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn làm Hội chủ. Năm 1952, Ngài được bầu làm Chủ tọa Đại Hội Phật Giáo Tăng Già toàn quốc, họp tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Năm 1956, Ngài cùng Hòa thượng Huệ Quang lãnh đạo phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tổ chức tại Tích Lan và chiêm bái Phật Tích tại Ấn Độ. Ngày 20.02.1962, Ngài đã ký cùng lúc hai văn thư gởi Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Quốc Hội để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo, kêu gọi Tăng tín đồ đoàn kết và cùng với chư Tôn đức khác lãnh đạo cuộc đấu tranh lịch sử nầy. Năm 1963, Ngài tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ tín ngưỡng. Đêm 20-08-1963 chính quyền Ngô Đình Diệm tấn công chùa Xá Lợi, Ngài bị bắt quản thúc, vẫn kiên tâm vững chí và cuộc đấu tranh bất bạo động này đã kết thúc thành công vào cuối năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị sụp đổ.

 

Năm 1964 Đại hội Phật giáo Việt Nam suy tôn Ngài lên ngôi vị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Cùng năm 1964, Ngài làm đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự Sàigòn. Năm 1968 làm đàn đầu Hòa Thượng Đại giới đàn tổ chức tại Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang.

 

Với ngôi vị Tăng Thống, Ngài đã vận dụng phương châm lấy “Từ bi xóa bỏ hận thù” để nói lên tiếng nói đích thực của Phật giáo đối với đất nước và nhân loại. Ngài truyền thừa một sứ mệnh cao cả mà chư Tổ tiền bối đã khéo léo vận dụng để hòa nhập và tồn tại với dân tộc qua những chặn đường lịch sử. Cuối năm 1972, Ngài rời Sàigòn về Huế để tiến hành việc tu sửa Tổ đình Tường Vân và chú nguyện đại hồng chung.

 

Sau vài ngày pháp thể khiếm an, như có linh cảm về sự ra đi của mình, Ngài ân cần phó thác cho Tăng Ni, Phật tử những lời di huấn tối hậu và Ngài đã an tường xả bỏ báo thân vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 23 tháng Giêng năm Quý Sửu (25-02-1973) trụ thế 83 năm, 64 Hạ lạp. Tháp của Ngài an trú tại Tổ đình Tường Vân, hiệu là Thanh Trai.

 

Ngài đã thể nhập vào cõi Niết bàn Tịnh lạc, nhưng đạo phong của Ngài vẫn tồn tại với non sông đất nước và trong lòng người con Phật.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế,  Trùng Hưng Tường Vân Tổ Đình, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Nhất Tăng Thống bảo vị, húy Thượng Trừng hạ Thông, tự Chân Thường, hiệu Tịnh Khiết Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

 



HT. Thich Giac Nhien
Sơ Lược tiểu Sử

Đức Đệ Nhị Tăng Thống

Hòa Thượng Thích Giác Nhiên

 

 

Ngài tên thật là Võ Chí Thâm, sinh ngày 07 tháng 01 năm 1878, tại làng Ái Tử, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Con của Cụ ông Võ Văn Xung và cụ bà Trần Thị Diều.

Năm lên 7, Ngài đã tinh thông Nho học. Nhờ túc duyên của nhiều đời, Ngài đã phát tâm xuất gia vớì Hòa Thượng Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên, Huế và được ban pháp danh là Trừng Thủy, pháp tự Chí Thâm, pháp hiệu là Giác Nhiên. Năm Canh Tuất (1910), Ngài thọ Cụ túc tại Giới đàn chùa Phước Lâm (Hội An). Đại giới đàn nầy do Ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu. Từ đó, giới đức tinh nghiêm, pháp thân thanh tịnh là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời hành hóa của Ngài sau này.

Năm 1932, Ngài cùng các Hòa Thượng Phước Huệ (Chùa Thập Tháp, Bình Định). HT Giác Tiên, HT Tịnh Hạnh, Cư Sĩ Tâm Minh, Cư Sĩ Trương Xướng…sáng lập Hội An Nam Phật Học, Hội đã Cung thỉnh Ngài đảm nhiệm chức vụ Chứng minh Đại Đạo Sư và kiêm nhiệm giám đốc Phật học đường Tây Thiên, Huế.

Năm 1934, Ngài làm Trú trì Quốc Tự Thánh Duyên (Tuý Vân, Huế). Năm 1936, Triều đình phong chức Ngài làm Tăng Cang. Cùng năm đó, Tạp chí Viên Âm, phương tiện hoằng pháp của Phật giáo, do Ngài và Hòa Thượng Giác Tiên chứng minh. Năm 1937, Ngài nhận chức Trú trì Tổ đình Thuyền Tôn, Ngài là đời thứ 8, dòng Thiền Liễu Quán.

 

Năm 1956, Ngài được Phật Giáo Trung phần cung thỉnh vào chức vụ Viện trưởng Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Từ năm 1958 đến 1962, Ngài liên tiếp đảm nhận chức Chánh Hội trưởng Tổng Trị Sự Hội PG Trung Phần trong suốt bốn niên khóa. Năm 86 tuổi, sức yếu thân gầy, trong tay chiếc gậy trúc, Ngài không từ nan, đích thân dẫn đầu cuộc biểu tình, vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng Tôn giáo năm 1963 (Quý Mão).

 

 Ngài đã nhiều lần làm Đàn đầu Hòa Thượng truyền giới cho đồ chúng xuất gia, tại gia qua các Đại Giới Đàn: Giới Đàn Hộ Quốc tại Phật học viện Trung phần Hải Đức, Nha Trang (1956), Giới Đàn Vạn Hạnh tại Chùa Từ Hiếu, Huế (1965), Giới Đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẳng (1970). Sau khi Đức Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiêt viên tịch, vào ngày 10-12-1973 Ngài đã nhận chức Đệ nhị Tăng Thống do Đại Hội Phật Giáo kỳ V suy tôn, đây là chức vụ vừa tối cao và cũng là cuối cùng của đời Ngài.

 

Năm 102 tuổi, pháp thể tuy có gầy ốm nhưng Ngài vẫn đi đứng bình thường, dáng đi mạnh mẽ khoan thai, oai nghiêm đỉnh đạc không hề dùng đến gậy. Phải chăng nhờ công hạnh tu trì của Ngài đã làm thay đổi được những triệu chứng thường tình của thế nhân. Ngần ấy đức tánh đặc hữu nơi Ngài đủ làm cho chúng ta kính phục và tăng trưởng đạo tâm. Chỉ vỏn vẹn sau vài giờ pháp thể khiếm an, Ngài đã an nhiên xả báo thân vào lúc 6 giờ 30 ngày 06 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, 01-02-1979. Thọ thế 102 tuổi đời, 69 Hạ Lạp. Bảo Tháp của Ngài hiện tôn trí tại khuôn viên Tổ Đình Thiền Tôn, Huế. Ngài ra đi, để lại mối cảm hoài vô hạn trong lòng người con Phật.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế,  Thiền Tôn Pháp Phái, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Nhị Tăng Thống bảo vị, húy Thượng Trừng hạ Thủy tự Chí Thâm, hiệu Giác Nhiên Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

 


htdonhau

Sơ lược tiểu Sử

Đức Đệ Tam Tăng Thống

Hoà Thượng Thích Đôn Hậu

 

Đại Lão Hòa Thượng thế danh Diệp Trương Thuần sinh ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1905) trong một gia đình nề nếp, thuần thành theo Phật tại thôn Xuân An, xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Thân phụ là Cụ ông Diệp Văn Kỷ, Thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Cựu năm Quý Hợi (1923) Ngài xuât gia tại chùa Tây Thiên với Tổ Sư Tâm Tịnh. Năm Giáp Tý 1924 Ngài được đặc cách thọ Tam Đàn Cụ túc tại Giới Đàn Từ Hiếu do chinh Bổn sư của Ngài làm Đàn Đầu Hòa Thượng với pháp danh Trừng Nguyên pháp hiệu Đôn Hậu. Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, mở trường Trung học, Đại học Phật giáo tại Tây Thiên, Ngài tiếp tục theo học chương trình Đại học tại đây và tham gia dạy bậc Trung học tại Phật học đường Tây Thiên. Sau đó làm giáo thọ cho Phật học đường Bảo Quốc và Ni Viện Diệu Đức, Huế. Năm 1940 và 1942, Ngài đã 2 lần sang thuyết giảng ở một số tỉnh có đông Việt kiều tại Lào.

Năm 1945, Ngài giữ chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học Thừa Thiên và Trú trì Quốc Tự Linh Mụ. Năm 1947, Chùa Linh Mụ cũng bị Pháp chiếm đóng, Ngài bị Pháp bắt, tra tấn. Năm 1948, Ngài làm Cố Vấn đạo hạnh Hội phật học Trung Phần và làm Tuyên Luật Sư Giới Đàn Báo Quốc, Huế. Năm 1949, Ngài giữ chức Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học. Năm 1951, Ngài làm Đàn Đầu Hòa Thượng giới đàn tại chùa Ấn Quang. Năm 1952, Ngài được suy cử làm Giám Luật Tăng Già toàn quốc. Năm 1956, Ngài thành lập và làm chủ nhiệm Liên Hoa Văn Tập. Năm 1958, đổi tên Liên Hoa Văn Tập thành Liên Hoa Nguyệt San và cũng chính Ngài làm chủ nhiệm. Năm 1963, Ngài tham gia phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đêm Pháp nạn 20 tháng Tám năm 1963. Ngài bị bắt tại chùa Diệu Đế và bị đưa đi giam giữ. Năm 1964 Đại Hội Thống Nhât Phật Giáo tại Sàigòn Ngài được bầu làm Chánh Đại Diện miền Vạn Hạnh. Năm 1965, Ngài làm Yết Ma Đại giới đàn Từ Hiếu, Huế. Năm 1966, Ngài hướng dẫn Tăngg Ni tín đồ miền Trung tranh đấu cho Pháp nạn lần thứ hai dưới chế độ Thiệu, Kỳ. Năm 1968, Ngài đứng lên vận động Chư Tôn Đức thành lập lớp chuyên khoa Phật Học 4 năm tại Chùa Linh Quang, Huế và chinh Ngài dạy luật cho lớp chuyên khoa này.

 

Năm 1975, Ngài được cung thỉnh làm Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo. Năm 1977 Đại Hội Kỳ VII của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Ấn Quang, Ngài được suy cử chức vụ Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Năm 1979, Đức Đệ Nhị Tăng Thống Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Chùa Thuyền Tôn, Huế viên tịch. Đại Hội Kỳ VIII chưa tổ chức được để suy cử Đức Đệ Tam Tăng Thống, do đó Hội Đồng Lưỡng Viện cung thỉnh Ngài kiêm nhiệm luôn chức vụ Xử Lý Viện Tăng Thống.

 

Năm 1977 và 1981 đến 1983, Ngài 3 lần làm Đàn Đầu Hòa Thượng các Đại Giới Đàn tại chùa Báo Quốc và Trúc Lâm. Năm 1978, Ngài chính thức lên tiếng phản đối chính quyền Hà Nội trong việc bắt bớ giam cầm trái phép những nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong đó có Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Tthượng Thích Quảng Độ…

 

Đặc biệt từ năm 1976 đến năm 1986, Ngài không ngừng giảng dạy Kinh Luật cho Tăng Ni ở Huế tại các chùa Linh Mụ, Báo quốc và Linh Quang. Ngài đã có công nuôi dạy tác thành cho tất cả Tăng Ni, Phật tử trong đó có các vị học thức cao, hữu dụng cho Phật Pháp và xã hội như HT Trí Chơn, (Hoa Kỳ), Thầy Trí Siêu tức Lê Mạnh Thát v.v…

 

Năm 1986, HT lâm trọng bệnh tưởng chừng không qua khỏi, nhưng sau ba tháng chữa trị, sức khỏe dần dần bình phục nhưng thể trạng của Ngài bị yếu hẳn so với trước. Ngài về Linh Mụ an dưỡng, tịnh tu cho đến giờ phút cuối cùng.

 

Năm 1991, Ngài đã gởi một bức tâm thư đến Tăng Ni đang tu học và hành đạo tại hải ngoại, kêu gọi toàn thể chư Tăng Ni hãy đoàn kết hòa hợp để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của bậc Chúng Trung Tôn mà Phật Pháp và lịch sử đang giao phó.

 

Chư Tăng Ni tại hải ngoại đã đáp ứng tinh thần Tâm Thư Ngài, đó là một bức Thông Điệp gồm có 04 điều khuyến thỉnh vô cùng khẩn thiết cho một nền Phật Giáo Thống Nhất tại Hải Ngoại.

 

Sau một tháng pháp thể khiếm an, Ngài đã an tường thị tịch vào lúc 8 giờ tối ngaỳ 23 tháng Tư năm Nhâm Thân 1992, tại Tổ Đình Linh Mụ, Huế.

 

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế,  Trùng Hưng Linh Mụ Quốc Tự, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tam Tăng Thống, húy Thượng Trừng hạ Nguyên hiệu Đôn Hậu Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng thùy từ chứng giám.

 

 


hthuyenquang
Sơ lược tiểu Sử

Đức Đệ Tứ Tăng Thống

Hòa Thượng Thích Huyền Quang

 

Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân ngày 19 tháng 9 năm 1920 (Canh Thân), tại Háo Đức, Nhơn An, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Lê Vy pd Như Hương, Thân mẫu là Cụ bà Ngô Thị Tư pd Như Tâm cùng ở làng Háo Đức. Ngài vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1934, vì thấy tư chất thông minh của Ngài, cụ thân sinh cho Ngài đến chùa Vĩnh Khánh học Đông Y với Cố Hòa Thượng Chơn Đạo, là một vị Đông Y nổi tiếng. Hòa Thượng thấy Ngài có khả năng chữ Nho giỏi lại viết chữ đẹp, thông tuệ khác thường nên không dạy thuốc mà dạy kinh luật, rồi cho Ngài xuất gia tu học.

 

Năm 1935, Ngài đầu giáo với Cố Hòa Thượng Chơn Đạo, được Ngài ban cho pháp danh Như An, pháp tự Giải Hòa, Ngài thọ Sa Di Giới tại Đại giới đàn năm 1935 và cũng trong năm này Bổn sư của Ngài là Hòa Thượng, Thượng Chơn Hạ Đạo viên tịch.

 

Năm 1937, Ngài đầu giáo với Hòa Thượng Chơn Giám, Trú trì Chùa Bích Liên làm Bổn Sư và được phú pháp hiệu Huyền Quang, pháp danh Ngọc Tân pháp tự Tịnh Bạch. Ngài được thọ giới Cụ túc tại Giới đàn chùa Hưng Khánh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định do Hòa Thượng Chơn Hương, làm Đường đầu.

 

Từ năm 1938 đến 1945, Ngài theo học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh, sau đó Ngài ra Huế học với Hòa Thượng Trí Độ.

Năm 1955, Ngài hướng dẫn đoàn Tăng sinh Bình Định vào Phật học đường Chùa Long Sơn, Nha Trang, cũng từ năm 1955 đến 1957, Ngài được thỉnh cử làm Giám Đốc Phật Học Đường này thay thế vị tiền nhiệm là Ngài Thích Định Tuệ do sự phát triển từ năm 1957, Phật Học Đường Long Sơn Nha Trang và Phật Học Đường Báo Quốc Huế hợp nhất thành Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang.

 

Năm 1958, cùng với chư Tăng Bình Định, Ngài khai sơn Tu Viện Nguyên Thiều và thành lập Phật Học Viện Nguyên Thiều. Từ đó, Ngài giữ vai trò Giám Viện cho đến cuối đời. Năm 1962: Ngài làm phó Hội Trưởng Hội Phật Học Trung Phần kiêm Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế.

 

Năm 1963, Ngài tham gia cuộc vận động cho quyền bình đẳng Tôn giáo dưới chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đòi hỏi yêu sách xóa bỏ Dụ số 10. Từ ngày 31-12-1963 đến 04-01-1964 Đại Hội Phật Giáo toàn quốc tổ chức tại Saigòn, qua Đại Hội này GHPGVNTN đã ra đời. Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ.

 

Năm 1964, Ngài hành hương chiêm bái các thánh tích Phật Giáo tại Thái Lan. Năm 1970, Ngài đại diện Viện Hóa Đạo tham dự Đại Hội các Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình lần thứ nhất tại Nhật bản. Năm 1972, Ngài tham dự Đại Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới tại Geneve, Thuỵ Sỹ. Tại Hội Kỳ 6 của GHPGVNTN tổ chức vào ngày 27-12-1974, Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.

 

Từ năm 1975-1978, Ngài cho tiến hành điều tra và phúc trình các vụ bắt bớ, chiếm dụng chùa chiền và cơ sở Giáo Hội của chính quyền Việt Nam. Ngày 06-04-1977, Ngài bị bắt và bị biệt giam tại nhà số 4 Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh, Sàigòn. Sau 18 tháng tù, Ngài bị đưa ra tòa xét xử kêu án 2 năm và quản chế tại chỗ.

 

Ngày 25-02-1982 Ngài bị trục xuất khỏi Thành phố Sàigòn và bị đưa về quản thúc tại Chúa Hội Phước tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1983-1995, Ngài dành thời gian để đọc toàn bộ Đại tạng Kinh tại nơi bị lưu đày. Ngày 23-04-1992: Ngài ra Huế dự tang lễ của Đại Lão hòa Thượng Thích Đôn Hậu và lời di chúc của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Đứng trước Kim quan Đức Đệ Tam Tăng Thống, Ngài dâng lời Tác bạch thể hiện nội dung đầy đạo tình đối với bậc lãnh đạo tối cao của Giáo Hội và trình bày khẩn thiết tâm nguyện phục hồi GHPGVNTN.

 

Cũng theo di huấn của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và hiến chương của Giáo Hội ngài đã tiếp tục Phật sự trong cương vị quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống.

Ngày 05-11-994, Ngài bị chính quyền Quảng Ngãi dời chỗ quản thúc từ Chùa Hội Phước thị xã Quảng Ngãi lên Chùa Quang Phước huyện Nghĩa Hành là một miền núi xa xôi để họ dễ quản lý hơn.

Sau Đại Hội bất thường tại Tu Viện nguyên Thiều ngày 01-10-2003, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTNHN tổ chức Đại Hội bất thường GHPGVNTN tại hải ngoại. Thừa hành ý chí này, Chư Tôn Đức Giáo Phẩm Tăng Ni và Phật tử lãnh đạo GHPGVNTN hải ngoại đã tổ chức Đại Hội bất thường mở rộng tại Tu Viện Quảng Đức, thành phố Melbourne, Úc Châu vào tháng 10 năm 2003. Đại Hội công bố đầy đủ những sự lãnh đạo Giáo Hội trong nước và hải ngoại cũng trong Đại Hội này, toàn thể Tăng, Ni và Phật tử hải ngoại suy tôn Ngài lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN.

 

Ngày 27-05-2008, vì bệnh tim tái phát, Ngài được đưa vào Bệnh Viện Đa Khoa Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, để điều trị, nhưng như cổ xe đã già cổi, thân tứ đại suy kiệt vì tuổi đời đã cao. Bệnh hoạn thường xuyên cho nên sức khoẻ của Ngài không thể bình phục. Đến 1 giờ 15 phút chiều ngày 05-07-2008, Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch tại Phương Trượng Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Ngài trụ thế 89 năm và 69 Hạ Lạp.

 

Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất một vị Thầy tôn kính, Giáo Hội mất một nhà lãnh đạo tối cao tài đức vẹn toàn, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc Cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng, Ni và Phật tử. Dù biết rằng, sinh tử như phù vân, bậc thượng sĩ đến đi như cánh nhạn giữa trời xanh bát ngát, nhưng làm sao chúng ta tránh khỏi sự tiếc thương vô hạn đối với một bậc Thầy tôn kính hiếm khi xuất hiện giữa thế gian.

 

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông tứ thập nhất thế, Nguyên Thiều Tu Viện Khai sơn Phương Trượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống, húy Thượng Như Hạ An, tự Giải Hòa, hiệu Huyền Quang Đại Lão Hòa Thượng Giác linh 


NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ

 

1/ Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế,  Trùng Hưng Tường Vân Tổ Đình, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Nhất Tăng Thống bảo vị, húy Thượng Trừng hạ Thông, tự Chân Thường, hiệu Tịnh Khiết Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

 

2/ Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế,  Thiền Tôn Pháp Phái, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Nhị Tăng Thống bảo vị, húy Thượng Trừng hạ Thủy tự Chí Thâm, hiệu Giác Nhiên Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

 

3/ Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế,  Trùng Hưng Linh Mụ Quốc Tự, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tam Tăng Thống, húy Thượng Trừng hạ Nguyên hiệu Đôn Hậu Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng thùy từ chứng giám.

 

4/ Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông tứ thập nhất thế, Nguyên Thiều Tu Viện Khai sơn Phương Trượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống, húy Thượng Như Hạ An, tự Giải Hòa, hiệu Huyền Quang Đại Lão Hòa Thượng Giác linh 


5/ Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế, Pháp Hoa Tổ Đình Phương Trượng, Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại Chứng Minh Đạo Sư bảo vị, húy thượng Như hạ Huệ, tự Giải Trí hiệu Trí Thông Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]