Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tuyết Điểm Đầu Non

07/07/201619:01(Xem: 8194)
Tuyết Điểm Đầu Non

Tuyết Điểm Đầu Non

 

Người ở vùng ôn đới không làm sao thấy tuyết, chứ đừng nói chi đến mục kích được tuyết rơi. Như vậy, người ở vùng nhiệt đới nói đến tuyết tưởng chừng như người hành tinh nào khác mới hạ xuống trần nói chuyện như trong mơ. Còn người vùng hàn đới mỗi lần nhìn thấy tuyết rơi quả là mòn vẹt, quá chán phèo, tầm thường, như người nông phu thấy đất sỏi, đất sét mà phát ớn làm bủn rủn cả tay chân.

Vạn là người thuộc hạng ngoại càn khôn, nắng mưa, gió bão, dông tố, sấm sét, tuyết sương... gì gì đều kỵ tuốt luốt hết trọi. Thế mà cũng hơi lạ, lần đầu tiên thấy tuyết rơi, chàng reo mừng, nhảy tưng tưng như con nít, thích như điên. Đứng từ trong cửa sổ nhìn ra bên ngoài trời chiều đang đổ tuyết, ban đầu chàng chú ý theo dõi những sợi tuyết trắng tinh mỏng nhẹ mong manh, bay là đà theo cơn gió, rồi dần dần những cụm bông tuyết dồn dập đổ trút xuống trắng xóa phủ trùm khắp sân vườn, cỏ cây, hoa lá... khiến chàng thanh niên phấn chấn lạ thường, như đang chiêm ngưỡng người đẹp trước tấm kính vạn hoa. Chàng say sưa ngây ngất, chụp vội chiếc áo bành tô khoác lên người rồi mở cửa bước nhẹ ra ngoài nhìn cho thoáng để đã con mắt. Rơi độ nửa giờ sau, tuyết bấy giờ mỗi lúc rơi càng dày hơn, trắng muốt, mềm mại như lông nhồi làm ngập cả lối đi, khiến lòng chàng rộn lên cảm giác đê mê, tê cóng vì thấm lạnh. Nhưng lại khoái như người ăn ớt, càng cay càng khoái tỉ. Ngôi nhà nằm trên đồi cao nhìn xuống một thung lũng xa, chỉ thấy toàn ngọn cây với một vài bóng dáng những căn nhà nhỏ li ti như hư như thực ấy ở dưới kia vào những hôm đẹp trời. Còn hôm nay, vào giờ này toàn khu vực như một biển nước trắng xóa mênh mông không còn thấy đâu là đường sá, bến bờ, ranh giới gì nữa cả! Vạn cảm thấy mình như nhỏ nhoi lạ thường trước cảnh thiên nhiên bất chợt cao rộng man dại như vầy, chừng như nuốt chửng con người và những sinh động vật khác, trong khoảng thời gian ngắn ngủi phù du. Bấy giờ tuyết như len lỏi tới khắp mọi nơi từ ngọn cây, vách đá, hang động, ngòi rạch... đều phủ toàn một màu trắng tinh anh, như lưới trời giăng bủa để mắc bẩy trần gian mà Vạn tự xem mình là nạn nhân không có lối thoát.

Thiên nhiên giúp Vạn rút tỉa được bài học Vô thường, Khổ không, Vô ngã (Tam pháp ấn) như lời kinh tạng, và như cũng để hãm bớt đà háo thắng của người thanh niên trước thời đại văn minh vật chất này, mà chàng là một đại diện bất đắc dĩ. Tuyết rơi mỗi lúc một dày thêm, làm chàng hiếu kỳ xúc những cụm hoa tuyết đắp nặn nên những hình nghệ thuật ngộ nghĩnh, mà Vạn ưa thích như chú Kangaroo, ngựa con, gấu bông v.v... xinh xắn dễ thương. Những mô hình sáng tạo này rất nhẹ nhàng về hai mặt trọng lượng và tốn kém, không đòi hỏi nhiều công phu và cũng không tốn tiền nhiều. Thế rồi một tiếng đồng hồ sau, trời trút xuống những trận mưa tầm tã, làm đám tuyết trước nhà cũng lần lượt cuốn gói rút êm theo dòng nước bạc không kèn không trống. Nhìn đám tuyết tan, rồi nhìn lại công khó nặn tượng của mình, Vạn mới rõ ra một điều, và nhờ vậy tỉnh thức rằng “Công dã tràng xe cát biển đông”, như câu nói của người xưa thường khuyên dạy con trẻ hồi chàng còn nhỏ. Cũng nhân cơ hội Vạn càng cảm thấy thấm thía, tự răn và hứa rằng từ nay trở đi chàng cố gắng kiểm soát tánh háo thắng, kiêu căng tự đắc, coi như ông trời con dưới thế của mình trước nay, phải khắc phục thành người hiền lương phúc hậu. Ở trên đời hễ cái gì dễ thành tựu cũng dễ hư rã như những bông tuyết chỉ qua trận mưa xóa sạch hết bao dấu vết, chỉ còn trơ lại cái tiêu sơ, ảm  đạm, tái tê buốt giá trong lòng là cần phải sưởi ấm.

Thế mà có lắm người yêu thích tuyết không chịu nổi như thiếu người tình mới lạ chứ! Nhất là bọn thiếu niên, thanh nam thanh nữ của nhiều quốc gia, nhiều sắc tộc trên thế giới, hay ngay cả người các xứ lạnh cũng đua nhau đi trượt tuyết vào mùa băng tuyết. Người ta biết lợi dụng thú vui chơi ít tốn tiền này để khai thác ngành du lịch tại nhiều nơi như Yoshumite gần Fresno, Minnepolus, Seattle, Superior lake, Chicago, Michigan, Buffaloo của Hoa Kỳ; Ontario, Montreal, Saskatoon, Regina của Canada; Snow mountains, Blue mountains, Mt Buller... của Úc. Ở những nơi khí hậu nóng người ta còn tạo tuyết giả cho khách mộ điệu vui chơi thỏa thích. Ngành trượt tuyết lại phát sinh ra nhiều dịch vụ khác như phương tiện chuyên chở máy bay, tàu lửa, ghe thuyền, xe cộ, quần áo, giày dép, nón mũ, dây an toàn, khách sạn, nhà hàng... để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ở nhiều nơi tuyết dày đóng thành băng trên sông hồ thành một lớp cứng dày như tại bang Minnesota, New York, Hoa Kỳ; đến độ người ta dựng lều ngay tại chỗ vui chơi giải trí, và chờ cầu may bắt được cá lên nướng, và thưởng thức khi lớp băng tan, như là một thú vui lâu đời của dân bản địa. Chỉ mới nghe qua vài mục hấp dẫn thôi, ai chẳng thích và muốn thử qua một lần cho biết! Như đã nêu, ngành du lịch nhờ vậy mới sống còn được chứ! Cũng như những người đam mê tuyết có thêm thú vui tiêu khiển và thêm việc để làm đấy mà! Nhưng bạn có biết đâu những rủi ro chờ đợi, cướp đi nhiều nhân mạng vào mùa trượt tuyết ở những tụ điểm tuyết dày xảy ra tại nhiều nơi. Đặc biệt, tuyết chỉ một màu trắng duy nhất chứ không có màu nào khác pha lộn. Vì vậy, người giàu trí tưởng tượng còn trang điểm thêm hoa lá cành bằng tĩnh từ “bạch” vào gọi nghe kêu là bạch tuyết. Thật ra, dù có thêm vào tĩnh từ “bạch” hay không, khi nghe đến tuyết, ta liền liên tưởng đến mái tóc bạc trắng phau của cụ lão niên rồi còn gì nữa. Thế nhưng nếu như phân tích kỹ giữa hai màu bạc này có sự khác nhau khá rõ. Nói về đặc tính, tuyết rất dễ tan khi gặp nắng gắt, mưa nặng hột, lửa hồng chẳng hạn, là tan ngay thành nước luân lưu theo như câu nói: “Trời đất xoay vần, đi giáp vòng rồi trở lại” (Thiên địa tuần hoàn, châu (chu) nhi phục thỉ). Tuy vậy, cũng có những cụm tuyết như nuối tiếc điều gì cứ nằm ỳ ra đó, chẳng chịu tan cho người ta nhờ, nhất là trong thành phố đường xe chạy rất khó khăn vì trơn trợt, hay ruộng vườn hoa màu sắp tới mùa thu hoạch, các chủ nhân nóng lòng muốn tống khứ cả đi cho nhẹ bớt nổi lo. Vì nằm ở chỗ khuất, tuyết như có cái gì che chắn bên trên mới còn sót lại thôi, chứ đâu có lý nào bạch tuyết mềm mại, dòn bở đủ sức cưỡng lại được sức ép của nắng, mưa chứ? Lúc này, ta mới thấy cảnh bầy hầy, nhớt nhát, tươm rỉ chất muối vung vãi khắp mọi nơi, làm cho người đi lại có phần hơi chùn bước. Còn ngòi rãnh tha hồ tiếp nhận lượng nước đầy đặn lùa nhau theo dòng xuống sông, ra biển ngoằn ngoèo như con rắn trườn lượn rướn mình chậm chạp

Tưởng cần nói rộng thêm một chút, ở đây nêu dẫn một ví dụ trang điểm tuyết qua địa danh Tuyết Sơn hay từ quen gọi là Himalaya hoặc Hymavat hay còn gọi là Tuyết lãnh. “Dãy núi băng qua miền Tây Bắc Ấn Độ, quanh năm tuyết phủ nên gọi là Tuyết Sơn. Xưa nay có nhiều thuyết nói về Tuyết sơn. Có thuyết cho là núi Hi Mã Lạp Nhã (Hymalaya), có thuyết bảo núi này nằm ở phía Tây Nam Thông Lĩnh, là tên gọi chung dãy núi Hưng Đô Khố Thập (Hindukus). Tại các biên quốc ở vùng này vào thời đại Vua A Dục (thế  kỷ III trước Tây lịch), Phật giáo đã được truyền đến. Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa quyển 2 có ghi việc Đại Đức Mạt Thị Ma (Majjhima) đã đến bên rặng Tuyết Sơn tuyên giảng Kinh Sơ Chuyển Pháp Luân, có 8 ức người đắc đạo, 5000 người xuất gia. Còn phái căn bản Thượng Tọa Bộ thì đã đến Tuyết Sơn để tuyên dương giáo nghĩa, vì thế có tên là Tuyết Sơn Bộ.

Vùng này từ xưa đã là con đường phải trải qua, nếu đi từ Trung Quốc đến Nepal. Năm Trinh Quán 15 (641), khi Công chúa Văn Thành đến Tây Tạng có đi qua Tuyết Sơn (Phật Quang Đại Từ Điển, Hòa Thượng Quảng Độ dịch, tập 6 trang 6582 do Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn, Đài Bắc xuất bản năm 2000).

Tuyết Sơn là rặng núi xếp hạng nhất nhì thế giới, cao gần 8000 mét, sau rặng Everest cao 8, 851 mét; tuyết phủ quanh năm nên gây cho người ta dấu ấn thích thú lẫn khiếp sợ. Sao lại có sự đảo ngược trái cẳng ngỗng như thế? Chỉ cần bạn chịu khó suy nghĩ một chút nhé. Tuyết Sơn xưa nay nghe ra như một huyền thoại, đã có nhiều vị Đạo sĩ ẩn tu tại đó, ngay cả người Tây phương, như vào thập niên 60 của thế kỷ 20, Ni sư Tenzin Palmo người Anh Cát Lợi đã mạo hiểm vào ẩn tu tại đó 12 năm từ 1960 đến 1972. Cho tới lúc cảnh sát Nepal biết cô ở nơi không an toàn, thiếu an ninh họ buộc lòng mời cô xuống núi. Hiện giờ Ni sư là Giám viện điều hành Ni Viện Donyu Gatsal Ling với trên 70 Ni sinh ở Dharamsala gần nơi Ngài Dalailama cư trú tại bang Himachal Pradesh Ấn Độ rất thành công. Ngày 23 tháng 10 năm 2014, Ni sư có ghé lại giảng ở chùa Pháp Bảo, Sydney một thời pháp vào buổi trưa về Bồ Đề Tâm thật thâm trầm, dễ hiểu mà số người tham dự hôm đó lãnh hội được. Trước Ni sư không lâu, tại dãy núi huyền thoại này đã có hai học giả trứ danh Tây phương là Govinda (1898 – 1985), tu sĩ người Đức, chuyên nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng và Evans-Wentz (1878 – 1965), học giả người Mỹ, chuyên nghiên cứu các tôn giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Họ chưa phải là những người Tây phương đầu tiên mạo hiểm tới ẩn cư tại ngọn núi thiêng này. Lui lại 2600 năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ tất cả mọi địa vị cao sang của một hoàng tử, xuất gia học đạo, Ngài ẩn mình trong núi sâu hang vắng cũng tại nơi đây trong 6 năm. Sau Ngài chứng quả Vô Thượng Bồ Đề thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni tại Budgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), là Giáo chủ của Đạo Phật. Từ đó cho tới nay hay trước đó nữa có cả hàng trăm, hàng ngàn bậc Đạo sư, Đạo sĩ từ bỏ cõi đời trần tục dấn thân vào đường đạo tu hành nơi ngọn Tuyết Lãnh ngàn năm linh thiêng này. Nơi đây được ghi nhận là dấu ấn vàng son của Phật giáo nói riêng, và nhân loại nói chung, qua công hạnh tu chứng của các bậc Thánh nhân, lưu lại cho hậu thế một kho tàng tư tưởng triết học đồ sộ mãi về sau.

Himalaya còn gọi là mái nhà của thế giới như chúng ta được biết, có lẽ các nhà nghiên cứu có lý khi sử dụng cụm từ này và không là điều quá đáng. Do ảnh hưởng nhiều mặt của nó đối với các nước Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ, nhất là về thiên nhiên, nguồn nước... đem lại đời sống tiện ích cho dân chúng quanh vùng. Tuyết Sơn vì vậy, không còn hạn cuộc ở Ấn Độ hay Nepal mà ngày nay như đã thành địa danh quen thuộc đối với thế giới.

Nói tới tuyết hẳn là ta còn nhớ bài thơ ngũ ngôn (bài 4 câu thơ mỗi câu 5 chữ) bất hủ của Cụ trạng Mạc Đĩnh Chi (đời Trần thế kỷ 12). Bài này chỉ 5 câu, trước mỗi câu với chữ NHỨT thật là độc đáo: Một áng mây treo lơ lửng trên nền trời xanh, một cụm tuyết lạc loài rơi nhằm lò lửa hồng, một cành hoa vừa chớm nở trong vườn ngự uyển, một vành trăng ảnh hiện nơi cung Dao Trì nơi những nàng tiên say sưa thưởng ngoạn. Có thể xem đây là một bài thơ xuất thần trên thi đàn Việt Nam xưa nay.

            Thanh thiên nhứt đóa vân

            Hồng lô nhứt điểm tuyết

            Thượng uyển nhứt chi hoa

            Dao Trì nhứt phiến nguyệt

Ôi! Vân tán! Tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Dịch:

            Một áng mây trời nhẹ bay

            Lò hồng một điểm trắng phau tuyết nhồi

            Thượng uyển một đóa hoa cười

            Một vành trăng khuyết Dao Trì dạo chơi

            Tuyết tan, mây tán, hỡi ơi!

            Hoa tàn trăng lặn muôn đời vẫn nguyên.

                                                            (thể lục bát)

Hoặc:

            Trời xanh thoáng điểm một cụm mây

            Một bông tuyết phủ vây lửa hồng

            Một cành hoa nở vườn ngự uyển

Một vành trăng ảnh hiện Dao Trì

            Ôi! Mây tan, tuyết rã đi

            Hoa tàn, trăng lặn còn gì nữa đâu!

                                                (T. Bảo Lạc dịch)

Kiếp hồng nhan bạc phận quá mong manh, tàn phai qua các hình ảnh cụ thể: Mây, tuyết, hoa, trăng, từ xa đến gần, làm cho ta liên tưởng tới đời sống thật là phù du ngắn ngủi, chóng vánh, vô tình... Đời có gì đâu mà bám víu, chấp giữ cho thêm nhiêu khê, phiền toái. Nhờ đó, người Phật tử tín tâm mượn như phương tiện trong hành trình tiến tu đạo mầu giải thoát.

Có điều lạ là khi tuyết thấm vào da thịt, tay chân một hồi mình tự cảm thấy nó cứng đơ tê cóng như vô cảm vậy đó! Thế mà, những nhà tu khổ hạnh tự giam mình dưới tuyết mới là việc phi thường ít có người làm được. Chẳng hạn, đệ nhị Tổ Thiền Tông Trung Hoa, Ngài Huệ Khả cầu pháp với Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma là một chứng minh hùng hồn tâm cầu pháp bất thoái của người xưa. Thử nêu lên mấy điểm đặc biệt của Tổ Huệ Khả (494- 601) qua việc cầu pháp hy hữu này:

-  Ngài đứng giữa mưa tuyết qua nhiều giờ trong đêm khuya vắng vẻ, nếu như người thiếu ý chí kiên nhẫn cũng khó mà vượt qua nổi.

-  Sự im lặng của Bồ Đề Đạt Ma, dù biết rằng đằng sau mình có người đang cầu pháp, là một sự thử thách rất lớn, nếu không, đương sự đã thua cuộc đầu hàng.

-  Dám hy sinh một cánh tay dâng lên trước mặt trình Thầy, chứng tỏ cho thấy một hành động dứt khoát phi thường của bậc thượng trí, vì muốn cầu pháp.

-  Chứng kiến một sự kiện quá bất ngờ đầy xúc động, Tổ Đạt Ma quay lại trấn an; học nhân tỏ bày tâm nguyện: Tâm con bất an, xin Thầy an tâm cho con. Qua đó, Ngài bảo Thần Quang đưa tâm để Ngài an cho. Trong một phút định thần, học nhân tự thấy mình tìm mãi tâm mà không được. Bấy giờ Tổ bảo: Ta đã an tâm cho người rồi.

-  Sau cuộc trắc nghiệm gay go, Thần Quang được Tổ đổi tên thành Huệ Khả, Ngài kế thừa Đệ nhị Tổ Thiền Tông Trung Hoa, và làm hưng thạnh Thiền Tông Đông Độ.

Thế nên, sưởi ấm hay tình thương là chất liệu nuôi dưỡng con người và vạn vật tươi vui, phấn chấn, yên lành thật cần thiết để vươn lên sức sống, bảo vệ giống nòi, di lưu huyết hệ hầu tiếp tục cuộc tồn sinh phát tiết ở hiện tại và tương lai, làm phong phú cho đời, nở hoa cho cuộc sống: Thế là Vạn của hôm nay không còn giống như trước kia nữa. Anh đã ớn quá rồi và ngán ngẫm những gì phù phiếm, đãi bôi trong lời nói hay trong ý nghĩ như con dao hai lưỡi tự hại mình mà thôi. Anh tâm sự: Xa Mẹ lâu ngày không còn được nghe những lời khuyên răn nhắc bảo quý giá của Mẹ. Vạn rất cảm ơn Mẹ đã hun đúc cho anh có một miềm tin vững chắc về Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Anh hứa với Mẹ sẽ trân trọng giữ gìn thân xác này, cũng tức là đền ân sanh thành dưỡng dục của Mẹ. Nhưng cao trọng hơn, anh cũng xin nói nhỏ bí mật với Mẹ điều này, anh đã vào tu ở một tu viện trên núi cao, do một vị Thiền Sư già hướng dẫn. Cứ mãi chần chừ dành cho Mẹ một sự ngạc nhiên thích thú, nhưng anh không còn giữ được nữa rồi, nay sự bí mật kia đã thành bật mí.

 

Mùa đông năm nay, thủ phủ Melbourne của tiểu bang Victoria lạnh buốt, giá băng nhiều hơn, giữa mùa An Cư Kiết Đông của Giáo Hội, như phủ màu tang khó, vì một cội cổ tùng đã không còn nữa. Trưởng lão Hòa Thượng Thích Như Huệ, Chứng Minh Đạo Sư của Giáo Hội vừa quảy dép về Tây mới hai tuần trước. Trong lễ khai mạc, tứ chúng đạo tràng an cư, ai nấy đều bùi ngùi xúc động, khi di ảnh của Hòa Thượng Nguyên Hội Chủ được thỉnh tọa vị trước hội chúng để chứng minh pháp hội, khiến cho cõi lòng tác giả cảm thấy xốn xang tắt nghẹn, chỉ có hình chân dung, còn con người bằng xương bằng thịt của Người thì nay đã nhẹ hẩng như tuyết điểm đầu non.

 

Nam Mô A Di Đà Phật
Viết tại Trường Hạ Quảng Đức kỳ 17

HT Thích Bảo Lạc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]