Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật về chuyến hành hương Âu Châu

08/09/201519:46(Xem: 10960)
Tường thuật về chuyến hành hương Âu Châu


Day_17_Du le Chua Khanh Anh (277)

ĐÔI DÒNG LƯU NIỆM CHUYẾN

HÀNH HƯƠNG ÂU CHÂU



Bài của Thanh Phi

Diễn đọc: Mộng Lan & Trọng Nghĩa

Kính mời quý vị đón xem DVD Hành Hương vào cuối tháng 12-2015

 ***

 

Hai năm trước, khi tin Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch lan truyền khắp năm châu, ai ai cũng ngỡ ngàng thương tiếc. Hầu như các tự viện trên thế giới đều tổ chức lễ tưởng niệm tri ân Ngài. Tu Viện Quảng Đức cũng không ngoại lệ, buổi lễ truy niệm đã được tổ chức một cách trang nghiêm, trọng thể. Sau đó TT Thích Nguyên Tạng đã lên chương trình Hành Hương Âu Châu vào cuối tháng 7 năm 2015, với mục đích chính là tham dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm HT Thích Minh Tâm, đồng thời dự lễ Khánh thành Chùa Khánh Anh. Phật tử TVQĐ thật hoan hỷ với tin này và đã cùng nhau lập ra kế hoạch tiết kiệm để tham dự chuyến Hành Hương Âu Châu.
Vieng tham Chua Nam Hoa Luc To Hue Nang (1)

Thời gian hai năm tưởng là lâu, nhưng thoắt một cái ngày đi đã gần kề, mọi người nô nức chuẩn bị hành trang để lên đường.

Phái đoàn Hành Hương có 83 người gồm:
Melbourne: 38 người
Sydney: 21 người
Perth: 9 người
Adelaide: 5 người
Canada: 2 người
Mỹ: 7 người

Ngoài các Phật tử, trong phái đoàn có sự tham dự của TT Thích Nguyên Tạng, Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Đạo, Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Trí và Ni Cô Thích Nữ Liên Hạnh.

Đúng 10pm ngày 31-7-15, nhóm Phật tử từ Melbourne rời phi trường và bay thẳng đến Quảng Châu, máy bay hạ cánh vào lúc 6am. Tại đây hội tụ thêm hai nhóm Phật tử đến từ Sydney và Perth. Sau khi hành lý được chuyển lên xe bus, phái đoàn gồm 68 người được đưa đi ăn sáng rồi thẳng đường đến Chùa Nam Hoa, nơi phát sinh Thiền Phái Nam Tông của Lục Tổ Huệ Năng và cũng là nơi có dòng suối Tào Khê mà TT Nguyên Tạng đã nhắc đến trong bài “Chén Trà Tào Khê”
Đoạn kết trong bài viết của Thầy: “Tóm lại dòng chảy giác ngộ và tỉnh thức kia đã bắt nguồn từ Hy Mã Lạp Sơn, Ấn Độ, rồi chảy xuống Trường An, Lạc Dương và nối kết với dòng suối Tào Khê ở Quảng Châu rồi chia thành 5 nhánh (1-Lâm Tế, 2-Quy Ngưỡng,3-Tào Động,4-Vân Môn,5-Pháp Nhãn), trong đó có nhánh chảy qua Triều Tiên, Nhật Bản, có nhánh chảy vào Việt Nam, rồi lan truyền đến các quốc gia phương Tây. Dòng suối mát Tào Khê hiện đã chảy vào các vùng đất lạ ở trên toàn cầu như Trung Đông và Châu Phi. Dòng suối mát Tào Khê chảy đến đâu đều mang đặc chất mát dịu, ngọt ngào và tỉnh thức đến đấy, ai đó có duyên may uống được ngụm trà Tào Khê này lập tức nhận ra được đường đi lối về của nhân quả, nghiệp báo để rồi lo tĩnh tu giác ngộ và giải thoát”. Lời lẽ và ý nghĩa của đoạn văn trên khiến cho người đọc bồi hồi xúc động, tưởng nhớ đến chư vị Tổ Sư đã dày công tạo nên dòng suối mát dịu, mà hầu như chúng ta, những người con Phật, ít nhiều gì cũng đã thưởng thức những giọt nước suối Tào Khê ấy. Giờ đây được đến tận nơi, nhìn tận mắt nơi phát sinh ra “dòng suối mát dịu” đang thực sự hiện hữu trên thế gian này, ai ai cũng nô nức.


Vieng tham Chua Nam Hoa Luc To Hue Nang (192)
Thầy Trưởng Đoàn và Đạo Hữu Phó Đoàn Tony Thạch
tại Tổ Đường thờ nhục thân Lục Tổ Huệ Năng tại Chùa Nam Hoa


Vieng tham Chua Nam Hoa Luc To Hue Nang (250)
Phái đoàn chụp hình lưu niệm tại suối nước Tào Khê, Chùa Nam Hoa


Phái đoàn đến nơi vào lúc 1pm, sau khi dùng cơm tại quán chay trong khuôn viên chùa, mọi người đều tề chỉnh trong chiếc áo tràng lam, xếp hàng một, chắp tay nghiêm trang vừa đi vừa niệm Phật. Hình ảnh này đã gây sự chú ý của người chung quanh, và không ít người cũng chắp tay, miệng lẩm bẩm, có lẽ họ cũng đang niệm Phật theo ngôn ngữ của họ. Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, đoàn người vẫn kiên nhẫn rảo bước trên quãng đường dài xuyên qua Thiên Vương Điện, Ngũ Hương Đình rồi đến Đại Hùng Bảo Điện. Phái đoàn đã dừng tại đây tụng một thời kinh ngắn, cúng dường và tiếp tục sang Lục Tổ Điện, ở đó  chúng tôi được chiêm bái nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng đặt ở giữa điện, hai bên là nhục thân của Tổ Hám Sơn và Ngài Đơn Hà. Sau khi chụp hình lưu niệm phái đoàn tiếp tục ra sau hậu tổ chiêm bái suối nước Tào Khê, tại đây Thầy cho phép giải tán để mọi người tự do đi chụp hình. Đến lúc này tôi cũng đã khá mệt, mồ hôi đẩm ướt trán, tôi đi dọc trên chiếc cầu, bên cạnh là một dòng suối nhỏ nước không nhiều, chen lẫn là những cụm cây có lá xanh mướt khiến đôi mắt có cảm giác dịu lại dưới ánh nắng chói chang. Tôi thầm nghĩ có phải đây là suối Tào Khê? Sao thấy như chẳng có vẻ gì được chăm sóc. Đi qua khỏi cầu, thấy phía trước một nhóm đông người đang chen chúc hứng nước chảy ra từ một cái vòi. Mọi người đang hứng nước suối Tào Khê! Tôi chợt nhớ mình đã quên mang theo chai trống để đựng nước, may sao trong túi sách có một cái túi nylon, tôi hứng lấy một túi đầy, và cũng bắt chước mọi người vỗ nước lên mặt lên đầu, những giọt nước mát dường như làm dịu đi phần nào gương mặt đang hực nóng. Tôi thấy vui và tưng tiu ôm bọc nước đi lần xuống bãi đậu xe, chẳng màng đi đâu nữa. Đến khi lên xe, Thầy Trưởng Đoàn cho biết đã lấy được một bình nước Tào Khê ngay tại suối này để về cúng Tổ và Thầy còn cho biết thêm rằng suối Tào Khê ở tận mãi phía trên, rất đẹp được rào chắn cẩn thận, và khách tham quan chỉ được lấy nước tại chiếc vòi dẫn từ nguồn suối. Tôi cảm thấy nuối tiếc, cũng may ban nhiếp ảnh đã ghi lại các cảnh trí mà tôi đã không có duyên để đến, nên sau rồi thể nào cũng được xem.


nuoc tao khe-tuvienquangduc
3 bình nước Tào Khê do Thầy Trưởng Đoàn thỉnh về dâng cúng Tổ Đường Tu Viện Quảng Đức


Sau một đêm ngủ tại Quảng Châu, sáng ngày, phái đoàn được xe bus đưa đi một vòng thành phố Quảng Châu rồi ra phi trường để bay sang London.


Sau hơn 12 giờ bay, phái đoàn đã đến phi trường Heathrow vào lúc 3g30 chiều, tại đây phái đoàn đón thêm 7 Phật tử đến từ Mỹ, riêng hai Phật tử từ Canada, lẽ ra theo lịch trình chuyến bay là đã đến từ 10g30, nhưng vẫn chưa hiện diện, việc này đã khiến ban tổ chức rất lo lắng cho tìm kiếm khắp phi trường, mãi đến gần 5 giờ, sau khi xác định được hai vị có mặt trên chuyến bay đáp vào lúc 5g30, Thầy mới yên tâm cho phái đoàn rời phi trường để kịp buổi ăn chiều đã đặt trước. Tôi và cô tour guide ở lại đón 2 vị từ Canada, cuối cùng chúng tôi cũng đến kịp cùng ăn chiều với phái đoàn tại nhà hàng ở China Town, thủ đô London. Lúc này phái đoàn đã đủ 83 thành viên.

Ăn tối xong phái đoàn về nghỉ qua đêm và ăn sáng tại khách sạn Royal National Hotel, sau đó đúng 8g30 lên xe đi thăm London là thủ đô của Anh. Phái đoàn được đưa đi tham quan, chụp hình lưu niệm tại Quảng trường Tralfarga, Cung điện Hoàng gia Buckingham, Town Bridge, nhà thờ cổ Westminster, nhà thờ St Paul và phố Tàu… Đều là những kiến trúc nguy nga cổ kính. Đúng 3pm đoàn lên đường đến Bỉ bằng tàu điện. Phái đoàn ăn chiều và ngủ đêm tại Bỉ.

hanh-huong-chau-au-2-8-2015-41
hanh-huong-chau-au-3-8-2015-117
hanh-huong-chau-au-3-8-2015-190


Buổi sáng phái đoàn viếng thăm Cung điện Hoàng Gia, Quảng Trường Grand Palace … Tất cả đều là những kiến trúc cổ xưa, đồ sộ và hoành tráng với những hình tượng được điêu khắc rất tinh xảo, chúng tôi cũng tìm đến chụp hình lưu niệm với bức tượng “Chú bé đứng tè” (Manneken Pis). Nghe kể rằng: “Khi rút quân khỏi Brussels, quân Tây Ban Nha định dùng bộc phá cực lớn cho nổ đốt toàn bộ thành phố này. Đường dây dẫn để châm ngòi bộc phá đã được đốt, bỗng từ đâu có một chú bé chạy qua, ung dung đứng tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá. Ngay lập tức ngòi lửa bị tắt, quả bộc phá không nổ được. Và năm 1619 một điêu khắc gia người Bỉ đã nặn bức tượng chú bé này để tưởng niệm”. Bức tượng rất dễ thương, người dân Bỉ đã lấy hình tượng đó để làm thành những món quà và không ít các du khách đã mua những món quà lưu niệm mang hình ảnh chú bé đứng tè này.

Sau đó chúng tôi được đưa đến Atomium, được mệnh danh là “Tháp Eiffel của Brussels”. Đây là một công trình kỷ niệm rất nổi tiếng của Bỉ, được xây dựng vào năm 1958 để phục vụ cho Hội chợ quốc tế đầu tiên sau chiến tranh thứ hai diễn ra tại Bỉ. Atomium cao 102m, được kết hợp bởi 9 quả cầu biểu tượng cho 9 nguyên tử trong cấu trúc tinh thể của nguyên tố sắt. Chúng ta có thể đi bộ qua các cầu thang bên trong này để từ các cửa sổ nhìn bao quát toàn cảnh thành phố Bỉ. Sau khi rời nơi đây chúng tôi đi tiếp đến Amsterdam, Hà Lan.


hanh-huong-chau-au-4-8-2015-212
hanh-huong-chau-au-4-8-2015-268

Trên tuyến đường từ Bỉ sang Hà Lan, hai bên đường là những cánh đồng bát ngát trồng toàn bắp nối tiếp nhau. Có người nói: “Người ta trồng bắp nhiều quá sao không thấy chỗ nào bán bắp?” Ừ nhỉ! Nếu lúc đó có một gian hàng bán bắp luộc chắc chắn sẽ được chiếu cố tận tình. Khi xe tiến dần vào lãnh thổ Hà Lan, những màu sắc rực rỡ của các cụm hoa được trồng dưới bệ cửa sổ của từng căn nhà đã khiến cho chúng tôi xuýt xoa khen ngợi “Đẹp quá!” Chúng tôi đến tham quan cơ xưởng đóng giày gỗ và làm phô mai, là những sản phẩm nổi tiếng của Hà Lan. Nghe kể rằng: “ Ngày xưa, địa thế ở Hà Lan mặt đất thấp hơn mực nước biển nên hầu hết đất trồng trọt đều tích lũy nước lầy lội, những người nông dân nghèo không có tiền mua giày để mang nên dùng gỗ khoét đục thành những chiếc guốc có mũi vểnh lên như chiếc thuyền, để bảo vệ đôi chân trong những ngày mưa gió tuyết lạnh. Guốc gỗ đã trở thành một phần quan trọng trong trang phục dân tộc của người Hà Lan”. Đồng thời chúng tôi cũng tạt qua làng Cối Xay Gió, vì không có thời gian để tham quan ở bên trong, chúng tôi chỉ đứng từ xa, chụp hình lưu niệm. Những chiếc cối xay với những cánh quạt khổng lồ, là một công cụ hữu ích cho người dân Hà Lan từ việc xay lúa, bơm nước và phát điện. Xuyên qua xứ sở Hà Lan chúng tôi cũng được biết với ý chí sắt đá, người dân Hà Lan đã lập nên một kỳ công là trong vòng 5 năm (1927-1932) họ đã tạo dựng một con đê dài 32km để ngăn Biển Bắc ( North Sea) tạo ra Hồ Ijsselmeer và biến đổi thành hồ nước ngọt cung cấp nước cho toàn thành phố, và nghe nói nước vòi ở Hà Lan rất ngon.
Sáng ngày 5-8, sau khi điểm tâm, chúng tôi rời Hà Lan và cũng với phương tiện xe bus, chúng tôi đến Hamburg, Đức quốc. Mục đích đến nơi này là để viếng thăm Chùa Bảo Quang do Sư Bà Diệu Tâm khai sơn và nay do Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm trụ trì. Đối với Sư Bà Diệu Tâm, tôi có một chút duyên, một chút kỷ niệm nên lòng cũng nôn nao. Đó là vào năm 2003, Tu Viện Quảng Đức tổ chức lễ Khánh Thành, phái đoàn của Sư Bà từ Đức sang gồm có 5 vị. Đêm đó 1g30 khuya Thầy Trụ Trì đi đón Sư Bà, tôi vẫn còn thức làm việc, chợt nghĩ phái đoàn đến khuya như vậy chắc đói bụng lắm, nên tôi đã xuống bếp chuẩn bị rau và nước sôi để khi phái đoàn về có đói thì ăn mì gói. Và thật may, khi về đến nơi Thầy Trụ Trì kêu tôi lấy mì cho phái đoàn dùng thì tất cả đã sẵn sàng. Tôi nhớ Sư Bà hỏi tôi tên gì, tôi trả lời: “Con tên Nguyễn Ngọc Yến, pháp danh Thanh Phi” Sư Bà cười và nói: “À, Yến Phi”, tôi cười nghĩ rằng có lẽ Sư Bà ghép tên và pháp danh của tôi. Nhưng hôm sau tôi kể cho Hoài là một Phật tử thân quen với Sư Bà nghe, Hoài mới nói cho tôi biết là lúc trước có một Phật tử tên là Yến Phi tự thiêu ở Nha Trang. Có lẽ khi nghe tên và pháp danh của tôi Sư Bà chợt nhớ đến người Phật tử đó mà buột miệng nói như vậy. Còn chút duyên tôi có được với Sư Bà là khi Sư Bà rời Melbourne, Sư Bà có để quên một cái áo vạt hò, tôi đã xin giữ lại, rồi từ Sydney Sư Bà đã gởi cho tôi cái quần để cho đủ bộ. Bộ đồ của Sư Bà tôi mặc thật vừa, những mong nhờ phước của Sư Bà để có thể sớm dứt bỏ nợ trần nương nhờ vào cửa Phật, nhưng nghiệp xưa quá nặng, bộ đồ của Sư Bà vẫn còn nguyên và tôi vẫn còn nguyên là một Phật tử còn lòng thòng nợ con, nợ cháu... Gặp lại Sư Bà, Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm cùng chị Mai tôi rất vui. Sau khi Phái đoàn đã tề tựu trong chánh điện, Thầy Nguyên Tạng cho tụng một thời kinh ngắn, tặng quà, cúng dường cho Sư Cô Trụ Trì và được Sư Cô đáp lại lời chúc nguyện bình an cho phái đoàn. Hôm đó Sư Cô đã đãi cho Thầy trò chúng tôi một bữa cơm ngon, nhất là được ngồi dưới bóng mát của chiếc rạp vừa mới được dựng cốt để che mát cho phái đoàn, bên cạnh đó là dòng sông nhỏ với những tàng cây lớn bên bờ, khiến cho không ít người nhớ về quê nhà VN. Trong tác phẩm “Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe. Nếp chùa Việt trên đất khách” tác giả Văn Công Tuấn đã viết “…miếng đất lại nằm kề sát ngay dòng sông thơ mộng, nhánh sông tuy nhỏ nhưng gợi Sư Bà trụ trì Diệu Tâm nhớ lại ngôi chùa Bảo Thắng, cũng nằm cạnh một dòng sông ở Phố Cổ Hội An, nơi Sư Bà lúc tuổi còn rất trẻ đã xuống tóc thế phát.”  Và đây là một trong những yếu tố khiến Sư Bà đã quyết định chọn để xây dựng Chùa Bảo Quang bên cạnh dòng sông này. Không phải ai cũng có duyên may trên đất khách quê người mà có thể được ở nơi chốn giống quê nhà. Sư Bà thật có phước duyên.

Sư Bà rất yếu, đi phải có người dìu đỡ, nhưng Sư Bà cũng tiễn đưa phái đoàn ra tận ngoài đường, thật là cảm động. Chắp tay lạy chào giã biệt Sư Bà, không biết còn có dịp gặp lại không? Chúng con chân thành cảm ơn Sư Bà, cảm ơn Sư Cô và quý Phật tử đã cho phái đoàn một bữa ăn no với nhiều món ngon. Và còn gởi quà cho nữa.

hanh-huong-chau-au-5-8-2015-244

Thầy Trưởng Đoàn dâng quà lưu niệm đến Sư Bà Diệu Tâm


Rời Chùa Bảo Quang, phái đoàn đến thăm Hải Cảng Hamburg, nhưng hai tài xế của đoàn (người Hy Lạp) không rành đường; trước đó trong lúc đoàn vào Chùa lễ Phật, hai tài xế đã nói chuyện với người láng giềng của Chùa là bà người Đức tốt bụng, bà là chủ xưởng mộc sát hàng rào của Chùa, bà vui mừng khi nhìn thấy đông đảo Phật tử từ phương xa đến thăm viếng chùnên bà bước sang hỏi thăm, bà được 2 tài xế hỏi đường ra bến cảng, và thay vì bà lật bản đồ chỉ đường, thì bà đích thân lái xe riêng của bà dẫn đường. Khoảng cách từ Chùa Bảo Quang đến hải cảng Hamburg khoảng 30 phút lái xe, khi xe bus theo sau bị kẹt đèn đỏ, bà đã l chạy qua bên kia đường rồi, bà phải bật đèn báo hiệu xe của bà đang bị hư để các xe theo sau bà phải quẹo qua lằn đường khác, xe của bà vẫn cứ đậu giữa đường một cách tự nhiên để chờ 2 xe bus của đoàn xuất hiện bà mời tắt đèn hiệu và cho xe tiếp tục chạy, mọi người trên xe bus đều cười ồ khi phát hiện bà người Đức này xử lý tình thế khẩn cấp theo kiểu tinh nghịch như vậy, bà phải làm “động tác giả” này đến 2 lần trước khi đoàn đến được hải cảng. Đến nơi Thầy Trưởng Đoàn đại diện đoàn cảm ơn bà và chụp hình kỷ niệm, Bà căn dặn nhớ gởi hình cho Bà. Vẫy tay chào phái đoàn, Bà hứa hẹn sẽ có ngày viếng thăm Úc.

hanh-huong-chau-au-5-8-2015-461



Cảng Hamburg nằm trên sông Elbe, nhưng vẫn là cảng biển vì nơi đây là cửa sông Elbe đổ vào Biển Bắc, là cảng lớn nhất nước Đức và đứng hàng thứ hai ở Âu châu, thường được gọi là “Cửa ngõ vào thế giới của Đức”. Tại đây chúng tôi được tham quan và chụp nhiều hình lưu niệm tại khu phố mua sắm sầm uất nhất Hamburg, khu nhà thờ cổ và lộng lẫy hơn hết có lẽ là tòa nhà Thị Chính được xây trên mặt nước. Nhớ lại hôm đó, đứng trước pho tượng một triết gia thân hình gầy ốm, tay chống cằm với gương mặt suy tư được dựng hướng mặt về phía tòa nhà Thị Chính, chị Diệu Thanh đã bắt chước bộ dạng bức tượng đó với bàn tay chống cằm chỉa về tòa nhà và nói: “Sao mà tốn kém thế!”, nhìn tòa nhà rộng lớn, tráng lệ, chúng tôi đã bật cười vì bộ dạng và ý nghĩ ngộ nghĩnh của chị.
Trước khi rời cảng Hamburg, quay nhìn lại những tòa nhà cao hiện đại xen lẫn với những hàng cây xanh ngát rũ cành trên dòng nước, chúng tôi không khỏi tiếc đã không đủ thời gian tham quan thêm nhiều cảnh trí ở nơi đây. Cũng nghe nói cái tên Hamburger của chiếc bánh kẹp thịt là phát xuất từ thành phố Hamburg này.
hanh-huong-chau-au-5-8-2015-228

Sáng ngày 6-8 sau khi điểm tâm xong, với trang phục áo dài (nữ), âu phục (nam), chúng tôi ngồi xe bus đến Chùa Viên Giác ở Hannover do HT Như Điển khai sơn từ năm 1978 và hiện nay do ĐĐ Thích Hạnh Giới trụ trì. Từ xa xa đã thấy cổng chùa thật đẹp, xuống xe, phái đoàn xếp hàng một chắp tay niệm Phật, chân bước đều hướng về Chánh điện ở tầng lầu trên. Điện thờ thật thoáng rộng và trang nghiêm, HT Như Điển đã đứng sẵn bên trong đón chúng tôi. Tất cả chắp tay quỳ gối, TT Nguyên Tạng dâng lời tác bạch, kính ngưỡng công đức HT đã dày công tạo dựng ngôi Viên Giác tự có tầm vóc trên xứ sở trời Âu này, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc hoằng truyền chánh pháp và phát triển Phật giáo trên các nước thuộc khối Âu châu. Công đức của HT thật là to lớn. HT vui vẻ nói đôi điều khuyến tấn và tặng sách cho phái đoàn. ĐĐ Hạnh Giới sau khi nhận quà cúng dường từ Thầy Nguyên Tạng, cũng đáp lễ vài lời rồi xin cáo từ để xuống bếp tiếp tục nấu spaghetti đãi phái đoàn. Để kịp giờ về ăn trưa, HT Như Điển hối thúc phái đoàn nhanh chóng lên xe để Hòa Thượng hướng dẫn đến chỗ bán pate chay nổi tiếng của Đức. Hôm đó tiệm bán đồ chay trúng mối lớn vì hầu như mọi người trong phái đoàn ai cũng mua, có người mua đến mười mấy, hai chục hộp.

Tham chua vien giac-ngay 6 (1)Tham chua vien giac-ngay 6 (23)Tham chua vien giac-ngay 6 (75)
Tham chua vien giac-ngay 6 (122)

Chúng con thành tâm cảm ơn Hòa Thượng đã bỏ thời gian quý báu hướng dẫn chúng con đi shop và nhất là đã tiên đoán trước dặn chủ shop order thêm pate, nếu không hôm đó chúng con chẳng có đủ để mua. Hòa Thượng cũng đã chu đáo tranh thủ khi đi ngồi xe số 2 khi về ngồi xe số 1 để có thể giải thích cho tất cả mọi người hiểu đôi điều về nước Đức. Từ giã Hòa Thượng chúng con hy vọng sẽ được gặp lại Ngài một ngày không xa trên đất Úc. Chúng con cũng chân thành cảm ơn Thầy Hạnh Giới đã không quản nhọc nhằn đích thân nấu đãi cho chúng con một bữa spaghetti thật ngon, đã vậy còn được ăn kem, ăn trái cây và Thầy cũng không quên chuẩn bị nước suối mà HT đã nhắc nhở mọi người lấy đem theo uống. Và chúng con cũng xin lỗi quý Sư Cô vì thời gian gấp rút nên ăn xong chúng con phải đi liền, không thể phụ dọn rửa để Quý Cô phải làm, thật là thất lễ.

Rời chùa Viên Giác, phái đoàn được xe đưa đi một vòng thăm thành phố Hannover trước khi có cuộc hành trình dài đến nước Áo.

Phái đoàn đi đến hôm nay là ngày thứ 8 rồi, không gian và thời gian đã tương đối ổn định. Khí hậu ôn hòa, múi giờ không còn thay đổi nên mọi người cảm thấy khỏe khoắn, giấc ngủ được tròn đầy hơn. Có lẽ nhờ vậy mà trên đường đi chúng tôi tỉnh táo để có cơ hội thu nhận được những cảnh đẹp thiên nhiên với núi đồi trùng điệp bao quanh. Tại Áo, chúng tôi tham quan tòa nhà có mái vàng ( Golden Roof), nhà thờ St James, cung điện Hoàng Gia và Tòa án Giáo Hội Thiên Chúa. Điểm đặc biệt là lối kiến trúc ở đây đều theo hình thể vuông góc và góc nhọn, nên khi nhìn thấy có vẻ rất thứ tự lớp lang và sắc nét đẹp như tranh vẽ. Sau khi chụp hình lưu niệm chúng tôi đi dùng cơm chiều và nghỉ đêm tại Innsbrusk. Chiều đó chúng tôi có dịp chúc mừng sinh nhật thứ 60 của Như Trí, một Phật tử ở Perth (Úc). 

Sang ngày thứ 9, sau khi điểm tâm, chúng tôi ngồi xe bus đến thành phố Venice (Ý). Chúng tôi đã đi tàu để đến thành phố được xây dựng trên nước này, nơi mà được dự đoán trong tương lai xa vài trăm năm tới sẽ chìm dần trong lòng biển. Tại đây chúng tôi mục kiến được Quảng Trường San Marco rộng lớn bao quanh bởi những tòa nhà cổ kính, nhà thờ, các đài Tưởng niệm, viện Bảo tàng… Tất cả đều có kiến trúc cổ kính, tinh xảo mà cả hàng trăm năm nay không hề thay đổi. Ngoài ra ở đây cũng không thiếu những sinh hoạt mua bán, phục vụ giải trí cho đa phần là khách du lịch. Chúng tôi vì thời gian có hạn nên chỉ kịp viếng thăm nơi chế tạo những phẩm vật bằng thủy tinh, mua sắm một số đồ lưu niệm rồi vội vã lên tàu trở vào đất liền để kịp giờ ăn chiều và nghỉ đêm tại Bologna. Tại đây chúng tôi lại được chị Đồng Ngọc Minh, Phật tử ở Adelaide (Úc) mời ăn bánh sinh nhật mừng chị 63 tuổi.

Day 10_Florence (36)hanh-huong-chau-au-10-8-2015-185

Ngày kế tiếp chúng tôi đi thăm quan phố cổ Florence, Quảng Trường Piazza Signoria… là những di tích lịch sử của thành phố Florence (Ý). Sau đó là đến Rome.

Tại Rome, nơi mà hầu hết các du khách đến đây đều muốn viếng thăm đó là Tòa Thánh Vatican. Vatican là một quốc gia độc lập có diện tích 44 hecta với khoảng 840 dân số, dưới sự điều hành: Đứng đầu là Đức Giáo Hoàng,  kế tiếp những viên chức cao cấp đều là những Giáo sĩ thuộc Giáo Hội Công Giáo Roma xuất thân từ nhiều quốc gia khác nhau.
hanh-huong-chau-au-10-8-2015-276

Nơi đây khách thăm viếng thật là đông, sau một số thủ tục kiểm soát, chúng tôi vào bên trong để chiêm ngưỡng những công trình điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi, sắc sảo và hoành tráng. Chúng tôi cũng được thấy qua nhục thân của 3 vị thánh được lưu giữ từ 100 năm, 50 năm. Một điều mà ai cũng công nhận là Tòa Thánh Vatican quả là một nơi có kiến trúc cổ kính qui mô và thật tinh xảo, khó có tổ chức tôn giáo nào sánh kịp.
Rời Tòa Thánh, chúng tôi viếng thăm Đấu Trường La Mã, nơi mà xưa kia, những phạm nhân bị án tử thường được cho chiến đấu với những con sư tử bị bỏ đói, nếu họ chiến thắng, họ được giữ lại mạng sống của mình.
Day 12_pisa (123)
Đêm đó chúng tôi ngủ tại Pisa (Ý), sáng hôm sau tiếp tục tham quan tháp nghiêng Pisa cũng là một di tích đáng xem khi đến Ý.

Sau 3 ngày ở Ý, chúng tôi lên đường sang Thụy Sĩ. Phải công nhận rằng tuyến đường từ Ý sang Thụy Sĩ là tuyến đường đẹp nhất so với những nơi đã đi qua. Thỉnh thoảng trên xe lại có tiếng trầm trồ “Đẹp quá!”, nhìn ra cửa là hình ảnh trùng trùng của núi đồi xen lẫn nhau, màu xanh đậm của cây rừng, màu xanh nhạt hơn của đồi cỏ mượt mà, một khóm nhà xinh xắn chụm lại dưới chân đồi, trên là bầu trời trong xanh, nhìn chẳng khác nào một bức tranh vẽ; đôi khi là một dòng suối trên cao đổ xuống, có nơi dường như là thành phố với hai bên là núi và biển, nhìn từ xa thật là đẹp.
Qua đoạn đường dài 524km, chúng tôi đến Lucerne, Thụy Sĩ. Chúng tôi lại một phen trầm trồ vì quang cảnh xinh đẹp và không khí trong lành ở nơi đây, nhà cửa cũng có lối kiến trúc như ở Áo, nhà nhà đều trồng hoa trên các bệ cửa sổ rất đẹp. Tại đây chúng tôi được tham quan và chụp hình lưu niệm tại Phố cổ Lucerne, ngôi nhà thời Trung cổ, Đài tưởng niệm Lion (Tượng đài được xây dựng vào năm 1821 để tưởng nhớ 760 lính canh Thụy Sĩ đã hy sinh trong lúc chống cự đám người bạo loạn để bảo vệ Hoàng Gia trong cuộc Cách Mạng Pháp năm 1792).

Sau khi ăn trưa, chúng tôi tiếp tục đi đến Titisee để xem thác Rhine. Quang cảnh ở đây thật là tuyệt vời, mọi người đua nhau chụp hình dưới những vòm hoa màu rực rỡ. Sau đó là đi thăm cơ xưởng làm đồng hồ và mua sắm quà lưu niệm. Đi đến đâu cũng thấy những cụm hoa đủ màu trên đường phố và trên cửa sổ. Thầy Nguyên Tạng nói: “Đi Âu Châu kỳ này học được cách trồng hoa”, hy vọng trong tương lai Tu Viện Quảng Đức sẽ có những bồn hoa đẹp như vậy.

hanh-huong-chau-au-3-8-2015-301hanh-huong-chau-au-3-8-2015-302

Rời Thụy Sĩ, chúng tôi đến Freiburg (Đức) nghỉ đêm tại đó và sáng hôm sau đi đến Luxembourg, một nước nhỏ nhất Âu Châu với 500.000 dân. Tại đây chúng tôi đi tham quan thành phố cổ Luxemburg, đi mua sắm và chụp hình lưu niệm trước tòa nhà Quốc Hội của Liên Minh Âu Châu.

Sáng ngày 14-8 sau khi ăn sáng, chúng tôi rời Luxembourg vượt đường xa 387km để đến Paris, Pháp quốc, nơi mà ai cũng nôn nóng muốn đến. Tới nơi chúng tôi liền được đưa đi tham quan Lâu Đài Versailles, là nơi ở của các đời Vua và Hoàng Hậu: Louis XIII, Louis XIV, Louis XV và Louis XVI. Đây là một công trình kiến trúc cực kỳ đồ sộ và lộng lẫy, được công nhận là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất Âu Châu cũng như trên thế giới. Thật là không bỏ công đã đến đây, sau khi mãn nhãn ở nơi này, chúng tôi đi ăn chiều và về khách sạn nghỉ ngơi để ngày mai có sức đi tham quan thắng tích của Paris.

Hôm nay 15-8, có lẽ đang là thời điểm giao mùa, nên có một chút gió lạnh, thỉnh thoảng lất phất một cơn mưa nhẹ, hai bên đường lác đác vài cụm lá vàng. Mùa Thu đang dần tới! Trên đường khi đến Tháp Eiffel, chúng tôi được lướt xem qua nhà hát Opera, nhà thờ Đức Bà, Quảng Trường Concorde…đều là những kiến trúc cổ xưa nhưng rất đồ sộ và mỹ thuật. Đến Tháp Eiffel, chúng tôi xuống xe để đi tham quan, vì không mặc đủ đồ ấm nên chúng tôi hơi bị lạnh khi lên phía trên cao của tháp và những cơn mưa bất chợt cũng đã khiến chúng tôi ngại ngùng khi phải đi ra thật xa mới có thể chụp lấy cảnh toàn diện của ngôi tháp, vốn dĩ là một trong những kiến trúc nổi tiếng trên thế giới và cũng là một kiến trúc giữ vị trí cao nhất thế giới trong suốt 40 năm.

Day 16_thap Eiffel (97)
Suốt mười mấy ngày qua, trưa nào tại các trạm dừng chân chúng tôi chỉ được ăn thức ăn của người Âu, hôm nay được đưa đến quận 13 ở Paris mà đa số các quán ăn là của người Việt. Với tiết trời se se lạnh, hình như ai cũng muốn được ăn một tô phở hay một tô bún nóng hổi. Thầy Nguyên Tạng kêu tôi đi kiếm phở chay, đi hỏi hai ba tiệm không có, đến một quán phở tôi hỏi cầu may thì được trả lời có phở chay, tôi mừng quá mời Thầy và hai Ni Trưởng cũng như thông báo cho những người ăn chay biết, tiệm đang vắng khách thấy đông người vào họ rất mừng.Thấy họ đi từng bàn lấy order, sợ không kịp thời gian, nên tôi đi đến chỗ bếp, định kêu họ làm luôn cho 30 tô, nhưng khi nhìn vào trong bếp thấy toàn là thịt, tôi mới hỏi: “Phở chay thì bỏ cái gì vào?” Họ trả lời: “chỉ có bánh phở và nước súp”, tôi lại hỏi “nước súp nào?” Câu trả lời là nước súp phở. Thế là tôi xin lỗi và cùng kéo nhau sang một tiệm khác ăn hủ tiếu xào rau cải. Cũng may!
Buổi chiều chúng tôi được tự do đi mua sắm tại trung tâm Galeries Lafayette. Đây là một trung tâm thương mại rất lớn bao gồm nhiều mặt hàng từ quần áo, giày dép của đàn ông, đàn bà và trẻ em; các loại túi sách thời trang và mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt đồ mua ở đây du khách được miễn 12% thuế, nghĩa là được lấy lại 12% tổng số tiền đã mua. Số tiền này có thể lấy tại phi trường. Sau mấy tiếng shoping, chúng tôi trở lại xe để đi ăn cơm chiều. Ăn xong có một số người đi xem chương trình ca múa đặc biệt khá nổi tiếng của Paris ( Moulin Rouge show) số còn lại trở về khách sạn thu xếp hành lý. Trong bữa cơm chiều hôm đó chúng tôi được chị Diệu Huệ ( Phật tử ở Melbourne) mời cùng chị hát mừng sinh nhật cho chồng chị là anh Minh Đăng. Anh cảm động cho biết từ hồi nào đến giờ, đây là lần đầu tiên anh được tổ chức sinh nhật, anh được chị tặng một chiếc bánh sinh nhật thật đẹp. Một kỷ niệm đáng nhớ cho anh chị.
Ngày 16-8 là ngày quan trọng nhất của chuyến hành hương. Vì hôm đó chúng tôi sẽ đến chùa Khánh Anh tham dự lễ Đại Tường của HT Minh Tâm và lễ Khánh Thành chùa. Ăn sáng xong chúng tôi về phòng thay đổi quần áo chỉnh tề, nữ mặc áo dài, nam mặc veston. Đến chùa, từ xa chúng tôi xếp hàng một, vừa đi vừa niệm Phật theo tiếng khánh rất trang nghiêm, nhưng tiếc thay khi vừa đến khu vực hành lễ mới biết buổi lễ đã bắt đầu, nên ngoài Thầy Nguyên Tạng, hai Ni Trưởng và Ni Cô Liên Hạnh được vào bên trong còn tất cả đều đứng ở ngoài. Có một chút buồn và nuối tiếc, cũng may hôm đó tôi có hẹn với vợ chồng người anh hiện đang ở Nantes đi cùng với nhóm đệ tử của Thầy Nguyên Lộc lên phụ nấu cho chùa Khánh Anh. Đồng thời cũng có hẹn gặp mặt hai chị Nhật Hưng và Hoa Lan là hai cây bút nữ của báo Viên Giác nói riêng và Âu Châu nói chung, mà tôi được quen biết khi cùng làm chung một số việc, nên cũng vui khi được trò chuyện. Hôm đó tôi đã hân hạnh được làm quen với anh Phù Vân, vợ chồng anh Văn Công Tuấn, đều là những nhà báo, nhà văn và là đệ tử thuần thành của HT Như Điển.

Day_17_Du le Chua Khanh Anh (54)
Sau khi buổi lễ hoàn mãn và quý Thầy thọ trai xong, phái đoàn chúng tôi chụp vài tấm hình lưu niệm rồi cáo từ xin về. Phái đoàn chúng tôi được tặng một số Kỷ Yếu của HT Minh Tâm. Trên đường về tôi chợt thoáng một chút buồn! Lúc trước được đọc những bài viết nói về công trình xây dựng, cũng như được xem qua một số hình ảnh của chùa Khánh Anh, lòng thầm mong được đến đó trước là đảnh lễ Hòa Thượng, sau là chiêm bái những công trình mà Ngài đã dày công xây dựng trong suốt 20 năm. Nhưng cuối cùng vì hoàn cảnh lúc đó ngoài ý muốn của ban Tổ chức, chúng tôi đã không được tham quan, ngay cả xin vào chánh điện lễ Phật cũng không được vì bên trong đang chuẩn bị lễ đàn để Chẩn Tế. Thật đáng tiếc.

Day_17_Du le Chua Khanh Anh (280)

Rời Chùa còn sớm chúng tôi lại được anh Tony cùng hai anh tour guide hướng dẫn đoàn đi du thuyền trên sông Seine  để ngắm những kiến trúc nổi tiếng: Tháp Eiffel, Quảng Trường Concorde, Nhà Thờ Đức Bà Paris, Bảo Tàng Louvre, Đại lộ Champs Elysees và Khải Hoàn Môn; hầu hết các kiến trúc này đều tập trung dọc theo bờ sông Seine. Tiếp đó chúng tôi đến chụp hình lưu niệm tại Khải Hoàn Môn nằm cuối Đại lộ Champs Elysees, một đại lộ dài gần 2km, rộng 70m bắt đầu từ Quảng trường Concorde với những hàng cây xanh hai bên bờ lộ, là nơi tổ chức các sự kiện đặc biệt và cũng là nơi người dân Paris đón mừng Giáng sinh và Năm mới. Giã từ Paris, giã từ những thắng tích nổi tiếng đã tạo ra những cảm xúc để được lưu truyền qua các vần thơ, dòng nhạc. Có lẽ những nơi này sẽ đẹp hơn, lộng lẫy hơn với ánh đèn rực rỡ vào ban đêm.
Day_17_Du le Chua Khanh Anh (477)

Sau đêm cuối cùng ngủ tại Paris, sáng ngày 17-8 sau khi điểm tâm phái đoàn ra phi trường Paris, tại đây nhóm Phật tử từ Mỹ và Canada từ giã để đáp chuyến bay trở về bổn xứ, riêng các nhóm tại Úc cùng nhau lên chuyến bay sẽ hạ cánh tại phi trường Quảng Châu. Đồng thời tại đây chúng tôi cũng nói lời cảm ơn và chia tay với hai vị tour guide đã hướng dẫn chúng tôi trong thời gian ở Âu Châu. Anh John, gốc người Miên, anh biết 5 ngôn ngữ, là tour guide ngồi trên xe số 1 của chúng tôi, Anh đã làm tour guide gần 30 năm nên anh rành rẽ kể lịch sử từng nơi chốn đi qua, có điều tiếng Việt anh không rành lắm nên thỉnh thoảng anh khiến chúng tôi cười rộ lên vì cách phát âm của anh làm sai nghĩa câu nói, hoặc thỉnh thoảng phải giúp anh thay đổi từ cho đúng trong câu nói. Anh rất nhiệt tình hướng dẫn, chăm sóc, lo lắng thức ăn cho chúng tôi trong các bữa ăn và anh cũng không bao giờ quên nhắc nhở chúng tôi đi toilet ở mỗi trạm dừng chân, điều mà dù trước đó không định, nhưng khi nghe anh nhắc tự dưng có nhu cầu, do vậy chúng tôi luôn thủ bạc cắc trong túi, vì ở Âu Châu đi toilet phải trả 0,50 Euro.

hanh-huong-chau-au-10-8-2015-185
Anh John và Thầy Trưởng Đoàn



nhung cay but au chau

Hình tác giả (thứ ba từ bên trái) cùng các cây bút của Báo Viên Giác:

Chủ bút Phù Vân (bìa trái), nhà văn Nhật Hưng, Hoa Lan  & Nguyên Đạo Văn Công Tuấn (bìa phải)




Đến Quảng Châu sau 12 giờ bay khá mệt mỏi, nhưng chúng tôi cũng tranh thủ sau khi đi ăn sáng, trực chỉ đến Chùa Quang Hiếu, nơi Lục Tổ Huệ Năng được Pháp Sư Ấn Tông xuống tóc cho thế phát nhưng sau đó Pháp Sư lại nguyện thờ Lục Tổ làm Thầy. Tại đây chúng tôi cũng xếp hàng chắp tay niệm Phật đi từ bên ngoài vào chánh điện lễ Phật, cúng dường, chụp hình lưu niệm tại tháp thờ tóc của Ngài Huệ Năng, sau đó mua Phật cụ và dùng cơm trưa tại chùa.

Trước khi phải có mặt tại phi trường vào lúc 6 giờ chiều, chúng tôi có được mấy tiếng tự do đi shop. Đến 4 giờ, mọi người tập họp như lời dặn, sau khi kiểm tra thì thấy thiếu một người, đó là vị Phật tử ở Sydney đã 70 tuổi. Ban tổ chức lại một phen lo lắng, các tour guide phải tủa ra đi kiếm trong khu vực shop khá rộng lớn, đến hơn 5 giờ vẫn chưa tìm được, vì không thể để mọi người trễ chuyến bay, nên phái đoàn phải đi đến phi trường, chỉ một mình anh Tony ở lại tiếp tục tìm. Đến khi có người làm xong thủ tục để vào bên trong phi trường thì phát hiện bác ấy đã có mặt ở đó, tin báo ra ngoài, mọi người đều nhẹ nhõm và anh Tony cũng đã đến kịp chuyến bay. Nghe kể lại, khi biết mình bị lạc, bác ấy đã đưa vé máy bay ra nhờ taxi đưa đến phi trường và nhờ người giúp bác làm thủ tục vào bên trong.

Sau khi chia tay với 2 nhóm ở Sydney và Perth chúng tôi lên chuyến bay về Melbourne. Sau 8 giờ bay chúng tôi về đến nơi bình an vào lúc 9 giờ sáng, kết thúc một chuyến hành hương 19 ngày.


 Được biết tất cả thành viên phái đoàn đã chung tay đóng góp chút ít tịnh tài để cúng dường Tam Bảo trong chuyến hành hương này với tổng số tiền là $15,000 Úc Kim, đoàn đã chia ra cúng dường các ngôi Chùa mà đoàn đã viếng thăm như sau: Chùa Nam Hoa Lục Tổ Huệ Năng: $500; Chùa Quang Hiếu Quảng Châu: $500; Chùa Bảo Quang (Hamburg): $2000; Chùa Viên Giác (Hannover): $2000; Chùa Khánh Anh (Paris): $10,000; đồng thời tặng cho các tour guide và tài xế.


Sau chuyến hành hương có vài ý tưởng so sánh chuyến đi này không bằng những lần trước, có lẽ cũng không sai. Nhưng xét ra mặt thua kém ở đây không phải về mặt tổ chức, vì vấn đề phương tiện di chuyển, ngủ nghỉ và ăn uống cũng trên mức trung bình, ngoại trừ những vị hơi khó ăn còn hầu như mọi người qua những thức ăn có được, đều đủ cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể con người trong một ngày, có thể còn dư nữa là khác. Điểm không bằng ở đây chỉ có thể là những cảm xúc về mặt tâm linh. Những nơi chúng ta đi qua đa phần chỉ là những cảnh đẹp, những di tích nổi tiếng, chúng ta đã trầm trồ khen ngợi, nhưng những nơi đó không có giá trị để tồn tại trong tâm thức chúng ta, bởi chúng ta đã không có những cảm xúc trào dâng biến thành dòng nước mắt như khi chúng ta viếng thăm Phật tích ở Ấn Độ, Tứ Đại Danh Sơn ở Trung Hoa, là những nơi mà từng bước chân trên đó, chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của Đức Phật và sự thị hiện của chư vị Bồ tát là có thật. Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, cũng dần vào quên lãng, nhưng những cảm xúc tâm linh luôn tồn tại trong ta mà mỗi khi nhớ đến chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động.

Nhưng dù sao thì chúng ta cũng được chiêm ngưỡng những công trình mà từ nhiều trăm năm trước, con người đã có những khối óc, bàn tay tuyệt vời để tạo dựng nên những kỳ quan, những kiến trúc mà nếu không tận mắt nhìn thì không thể nào cảm nhận được sự tinh xảo và hoành tráng của nó, vì không có bút mực nào diễn tả được.

Qua 3 tuần bận rộn, hôm nay ngồi ghi lại những gì mình nhớ, những mong lưu lại kỷ niệm một cuộc hành hương, để sau này còn có thể nhớ những nơi chốn đã đi qua.

Trong chuyến đi này điều mà không thể quên là rất cảm ơn các anh, em cánh đàn ông trong phái đoàn đã tận tâm hàng ngày giúp đỡ chuyển tải hơn 100 cái valy lên xuống xe bus. Thật dễ thương, các vị đã cười vui vẻ và tự đặt tên cho mình là “Ban bốc vác” đã vậy có vị còn phải kiêm luôn việc kiếm người đi lạc hoặc quên giờ về mà hầu như lần nào được đi tự do cũng xảy ra.

Chúng con cũng xin chân thành tri ân Thầy Nguyên Tạng đã không ngại vất vả để cùng anh Tony tổ chức chuyến hành hương với số người đông như vậy.

Du lịch Âu Châu, nơi qui tụ những kiến trúc cổ xưa, nhưng lại rất đồ sộ hoành tráng nổi tiếng từ hàng trăm năm trước mãi tận đến bây giờ và chắc chắn sau này cũng vậy. Nơi mà ai nghe nói đến cũng mơ ước được viếng thăm. Chúng ta có phước duyên được đến nơi chốn ấy, nên dù có điều gì không như ý, thì cũng nên bỏ qua để trọn vui với những gì mình có được.

Viết đến đây rồi mới chợt nhớ đã quên tuyên dương công trạng ban nhiếp ảnh của phái đoàn gồm Jordan, Hoàng Lan và Thục Đức, cả 3 đều là những người ốm yếu, nhưng đã chịu khó mang vác những chiếc máy nặng nề không quản nắng mưa để lưu lại cho phái đoàn những tấm hình đẹp và nhờ đó mỗi ngày Thầy Nguyên Tạng đều post hình lên trang nhà Quảng Đức, để người không đi có thể thấy biết được nơi chốn phái đoàn đã đi qua. Xin cảm ơn thật nhiều. Sắp tới, Jordan cậu bé 17 tuổi sẽ cho chúng ta thấy lại hành trình của chuyến Hành Hương qua những video mà Jordan đã quay. Mong lắm thay!

Melbourne 8-9-2015

Thanh Phi

 

 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]