Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ngày cuối cùng bên Sư Ông (T. Pháp Quang)

07/09/201319:51(Xem: 18105)
Những ngày cuối cùng bên Sư Ông (T. Pháp Quang)
ThichMinhTam

Những ngày cuối cùng bên Sư Ông

Bài viết của Thích Pháp Quang

Do Phật tử Quảng An diễn đọc

Trong những ngày Tang lễ của Sư Ông tại Chùa Khánh Anh mới, vài vị Trưởng lão trong hàng Chư Tôn Đức động viên tôi, dạy rằng hãy cố gắng ghi lại những ngày cuối cùng được làm thị giả hầu Sư Ông. Đặc biệt trong đó có Sư Phụ Y Chỉ tôi, Thầy cũng khuyến khích, muốn tôi phải làm việc này. Trước lời dạy của Thầy Y Chỉ, của chư Tôn Đức, trong lòng tôi suy nghĩ phải y giáo phụng hành thôi. Nhưng thời điểm này thật khó mà làm nổi. Ý nghĩ chưa làm được ngay điều Sư phụ dạy trĩu nặng trong lòng, cộng thêm cái cảm giác chừng như luôn bị thôi thúc phải trả lời nhiều câu hỏi quan tâm của mọi người, phải viết lại những ngày cuối cùng bên giường bệnh Sư Ông…, tâm trí tôi chưa được sẵn sàng, dù biết điều ấy sớm muộn gì cũng là điều mình sẽ phải làm.

Ngồi vào bàn computer vài lần, thú thật mỗi khi bắt đầu định viết lại những gì mình đã chứng kiến, đã nghe, đã nhìn thấy trong vòng tuần lễ ảm đạm từ khi Sư Ông nhập viện lần thứ nhì đến ngày Ngài viên tịch, nghĩ nhớ về những phút giây, ngày tháng trời sầu đất thảm ấy, mắt tôi lại nhạt nhòa. Chữ nghĩa đi đâu, rơi rụng phương nào. Đầu óc miên man, lòng cứ xốn xang. Không ai vò mà rối. Hình ảnh Sư Ông hiền hòa nằm trên giường bệnh lại đầy ắp trong ký ức tôi. Nước mắt và nước mắt. Tôi không tập trung nổi, không thể viết được. Những năm về trước, khi còn làm việc trong khu Emergency tại Đan-mạch, đã chứng kiến biết bao lần những cảnh sinh ly tử biệt, những lúc đó, lòng cũng tràn đầy xót xa, thương cảm với bệnh nhân, với thân nhân còn lại của họ. Nhưng lần này, khác hẳn. Không thể nào có được trạng thái “professionel” đó. Đời sống của những người mang mảnh áo trắng trong bệnh viện là thế đấy. Có chuyên nghiệp cỡ nào đối với bệnh nhân, có bình tĩnh cách mấy trước những thân nhân của người bệnh, nhưng một khi mình là người trong cuộc, vừa mất mát bóng hình của người mình vô cùng tôn quý, vô vàn kính trọng thì bức tường chuyên nghiệp kia cũng sụp đổ. Suy tư, âu lo, muộn phiền cũng chẳng khác là bao so với những thân nhân còn lại của người bệnh.

Hôm nay, lễ Cung tống kim quan Sư Ông, lễ Trà tỳ đã hoàn tất trên cả tuần lễ, tôi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ tại Chùa Vạn Hạnh, Đan-Mạch. Trời cuối Hạ đã vào khuya. Yên lặng. Tĩnh mịch. Nhủ với lòng rằng, phải cố gắng tập trung ghi lại thật chi tiết vài kỷ niệm đáng ghi cuối cùng ấy của những ngày được gần bên Sư Ông, thị giả cho Ngài trong bệnh viện Turku, ở Phần Lan.

Ngưỡng bạch Giác linh Ngài xin chứng giám cho con!

Câu chuyện bắt đầu vào buổi trưa thứ Sáu ngày 2/8-2013.

Mùa hè Phần Lan ấm áp, dù giữa trưa nhưng những tia nắng ấm Bắc Âu vẫn dịu dàng, không gay gắt như tận miền Nam Âu châu. Sau buổi quá đường, trong ánh nắng vàng vọt trải dài trong sân trường nơi khóa tu học, tôi bước xuống văn phòng đánh nốt những đề thi của chư Tôn Đức gửi về để kịp cho đi in, vì ngày hôm sau các học viên sẽ làm bài thi cuối khóa. Công việc gần hoàn tất, Thầy Quảng Đạo bước đến bên tôi nói nhỏ: “Pháp Quang ơi, lên thăm bệnh Sư Ông, Sư Ông mình không được khỏe lắm.”

Biết Sư Ông những ngày qua, trong khóa tu học không ăn không uống được, nay nghe Sư Ông không khỏe, tôi cảm thấy thật lo. Vội vàng xếp tất cả mọi thứ dở dang lại và giao cho anh Long, anh Chữ, các anh em nhân viên văn phòng tiếp tục việc in ấn những đề thi. Còn tôi, với một phản xạ tự nhiên hỏi liền chị Hà, cũng là nhân viên văn phòng, nhờ chị giúp tìm cho cái máy đo huyết áp. Lúi húi một hồi, chị dúi vào tay tôi cái máy đo. Bước vội qua phòng nghỉ của chư Tăng, báo tin cho Thầy Viên Giác, lúc ấy Thầy đang nghỉ trưa. Nghe tin không hay về sức khỏe của Sư Ông, sư huynh tôi ngồi bật dậy tức thì, quơ tay, kéo nhanh chiếc áo dài, khoác vội lên người, hai anh em hối hả lên phòng Sư Ông.

Bước vào phòng Sư Ông. Căn phòng thật đơn giản cũng như các phòng nghỉ khác. Cũng cái bàn viết đơn sơ để làm việc và ba chiếc giường của khóa tu học giống như của các học viên. Ba chiếc giường được đặt nằm ở ba góc phòng. Phòng ốc giản dị, nhưng thật tươm tất. Tuy vậy, căn phòng được Ban Phòng Ốc của khóa tu học đặt cho cái tên thật dễ thương Phòng VIP 1. Ba vị Hòa Thượng trưởng lão: Ôn Thắng Hoan, Ôn Minh Tâm, Ôn Tánh Thiệt nghỉ ở đây.

Khi huynh đệ tôi vào, thấy Sư Ông đang ngồi trên chiếc giường nhỏ. Gầy guộc. Hai má hóp sâu. Hơi thở có phần nặng nhọc, gấp rút, mệt mỏi. Trong phòng lúc đó có Ôn Tánh Thiệt, Ôn Thắng Hoan, Thầy tôi - Thượng tọa Thông Trí và Thượng tọa Quảng Hiền. Quý Thầy lên thăm bệnh Sư Ông. Tôi bước vào ngồi dưới đất bên chân giường của Ngài, cầm nhẹ cổ tay trái của Sư Ông, kín đáo thử đếm nhịp đập của tim. Mạch đập nhanh quá. Tôi lại kéo nhè nhẹ cánh tay Sư Ông, dự định đo huyết áp của Ngài. Sư Ông nhìn thấy, lấy bàn tay đập khẽ lên vai tôi và nói một cách đầy thương mến của vị Thầy: “Đã bảo không được đo, mà vẫn đo”. Ngài là thế đó, không muốn ai phải bận tâm về sức khỏe và lo lắng cho Ngài. Thấy thế, Thầy tôi dạy Thầy Viên Giác hãy bóp chân cho Sư Ông. Chút sau, có thêm Ôn Tổng Thư Ký vào thăm Sư Ông. Hòa thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác, Đức quốc khuyên Ngài nhiều lần nên vào bệnh viện để khám chiều nay, tất cả quý Thầy cũng một lòng như vậy, nhưng Ngài vẫn không đồng ý.

Trở lại văn phòng tiếp tục các công việc còn dở dang. Đầu óc tôi miên man nghĩ về vị Thầy khả kính. Chừng khoảng giờ đồng hồ sau, Thầy Quảng Đạo cho biết bây giờ Sư Ông đã chịu đi bệnh viện và nhờ tôi thu xếp đi cùng với Sư Ông. Lúc đó, Thầy Y Chỉ của tôi cũng biết việc Sư Ông đã đồng ý, nên gọi riêng tôi lại và dạy cặn kẽ rằng phải theo hầu Sư Ông thật chu đáo. Vâng lời Thầy, vội vã, tôi lại bước về phòng của sư huynh Viên Giác báo tin. Hai anh em trở nhanh xuống phòng Sư Ông và anh Nguyễn Xuân Minh, Phật tử tại Turku giúp lái xe. Chúng tôi đưa Sư Ông vào khu Emergency của bệnh viện Turku, Phần Lan. Lúc đó khoảng 16 giờ ngoài.

Đây là lần thứ nhì, Sư Ông phải vào bệnh viện trong thời gian khóa tu học kỳ thứ 25 này.

Lần đầu, Sư Ông đi khám vào chiều ngày thứ tư 31/7. Hôm ấy sau khi đã thăm bệnh, bác sĩ cho Ngài truyền hai bịch sérum. Buổi tối, khoe khỏe được một chút, Ngài xin xuất viện trở về Khóa tu học cùng ngày, nghe Phật tử Minh kể lại như thế.

Chiều thứ Sáu ngày 2/8-2013.

Nhìn thấy Sư Ông thật yếu

Bước vào khu Emergency, sư huynh Viên Giác và tôi mỗi người một bên đỡ cánh tay Sư Ông, chầm chậm bước vào dãy ghế phòng đợi. Phòng khám cấp cứu hôm nay đầy bệnh nhân ngồi chờ. Phải lấy số thứ tự. Với số lượng bệnh nhân ngồi đợi đông như thế, nếu chờ đến số thứ tự của Sư Ông, chắc nhiều giờ đồng hồ Sư Ông mới được gọi vào. Kinh nghiệm cho biết, hầu như các phòng Emergency của Bắc Âu đều có nhân viên đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, gọi là Triage, nên chúng tôi đến liên lạc thẳng với cô Y tá tức thì, xin cô xếp Sư Ông được ưu tiên vào khám vì Ngài không được khỏe lắm. Cô Y tá bước liền đến thăm Ngài và đồng ý với nhận xét của chúng tôi, rằng Sư Ông đã khá mệt. Ngài được đưa vào khám liền. Hai huynh đệ chúng tôi lại nhẹ nhàng đỡ Sư Ông lên chiếc xe đẩy để Ngài bớt nhọc mệt khi bước vào phòng khám.

Quy luật của phòng Emergency nơi này chỉ cho bệnh nhân vào thôi, nhưng vì trở ngại về ngôn ngữ, chúng tôi nói cần có người phiên dịch, họ đồng ý để anh Minh theo vào. Huynh đệ chúng tôi vẫn chưa chịu, trình bày với họ rằng, Sư Ông là bậc Thầy của chúng tôi, Ngài chính là người cha của chúng tôi, nay đang yếu phải có chúng tôi theo hầu. Họ nghe nói cũng hợp lý và đồng ý, nhưng chỉ cho phép một Thầy được theo vào với Sư Ông thôi. Đứng trước sự lựa chọn này, sư huynh Viên Giác nói: “Sư đệ cũng là y tá bên Đan-mạch, hãy theo vào chăm sóc Sư Ông, vậy sẽ chu đáo hơn.”

Chúng tôi bước vào Phòng khám. Sư huynh Viên Giác đứng ngoài nhìn theo. Đôi mắt đỏ long lanh nhạt nhòa, tràn đầy âu lo hướng về bóng dáng Sư Ông. Sau này, tôi nghe kể lại, vị sư huynh này bên ngoài phòng đợi sốt ruột trong lòng, đứng ngồi không yên. Thầy đã ngồi chờ bên ngoài phòng đợi vài giờ đồng hồ, kiên nhẫn mong tin. Không nhớ số phone của sư huynh Viên Giác, nên đâu có liên lạc thông báo gì được với nhau đâu. Bên giường bệnh Sư Ông, tôi cũng có nhiều lần nghĩ về vị sư huynh này, biết Thầy ngồi một mình bên ngoài phòng đợi, chắc chắn lòng Thầy cũng như lửa đốt, cũng lo lắng lắm.

Sau khi Sư Ông mặc áo của bệnh viện, y tá vào đo huyết áp, nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở của Sư Ông. Số đo nào cũng hơi cao hết. Họ lại đo điện tâm đồ, tim Ngài đập không ổn định. Họ chích vào tay Sư Ông một kim luồn (venflon) để truyền sérum. Họ thử máu Sư Ông để định bệnh. Họ lại chích vào đầu ngón tay Ngài để đo đường. Những vết kim chích vào da thịt Sư Ông, Ngài hoàn toàn bình thản. Không một cau mày, không lời than vãn, không nói năng chi. Với Ngài, chừng như mọi việc không có gì xảy đến.

Rồi bác sĩ phòng cấp cứu nội khoa đến nghe tim, nghe phổi của Ngài và liền quyết định gửi Sư Ông tức thì qua phòng quang tuyến để chụp hình. Kết quả chụp quang tuyến, cả hai lá phổi, phần phía dưới có nước một chút khoảng 3 cm. Có nước trong màng phổi thì có nhiều lý do lắm. Bác sĩ cho biết, có thể là vì viêm phổi, nên mới tạo ra nước như vậy. Hình quang tuyến như thế cộng với kết quả thử máu vừa có, họ bắt đầu điều trị, truyền thuốc trụ sinh qua tĩnh mạch cho Sư Ông.

Nhưng tim đập vẫn còn hơi nhanh, huyết áp vẫn hơi cao, bác sĩ nơi này quyết định siêu âm (ultra sound scan) tim của Ngài. Bác sĩ cho biết kết quả tim Ngài hoạt động bình thường. Lạy Phật, nghe thấy thật mừng.

Lúc đó cũng khoảng gần 19 giờ. Bác sĩ khuyên Sư Ông phải nằm lại bệnh viện tối này không nên về. Cuối cùng, Sư Ông chấp thuận. Tôi liền nói với anh Minh giúp ra bên ngoài thông báo cho Thầy Viên Giác về tình trạng sức khỏe lúc đó của Sư Ông, cũng như giúp thu xếp xe, nhờ người đưa Thầy Viên Giác về lại khóa tu học.

Vài giờ đồng hồ sau đó, sau bình sérum thứ nhất, Sư Ông có phần khỏe được một chút. Nhưng hơi thở vẫn còn dồn dập. Bác sĩ lại đến thăm bệnh tiếp và cho biết sẽ gửi Ngài qua khu quang tuyến lần nữa để làm siêu âm CT (CT scan) phổi của Ngài. Họ muốn biết chắc phổi của Ngài không bị tắt nghẽn mạch máu nào – nói cách khác để chắc được rằng Sư Ông không có bị embolism.

Nằm trên giường bệnh, nhân viên họ đưa Sư Ông qua khu X-Ray. Minh và tôi đi theo phía sau. Trước lúc đưa Sư Ông vào máy CT scanning, Sư Ông vẫn tỉnh táo và vẫn nói vài câu khôi hài và kể lại rằng trước đây cũng đã có thử qua CT scanning bên Pháp rồi, nên Sư Ông sẽ không lạ gì với những tiếng ồn, khi máy siêu âm bắt đầu khởi động. Thấy Sư Ông vẫn vui vui, tôi mạo muội thưa với Ngài, xin phép được chụp vài tấm ảnh của Ngài nơi này để mai mốt cho Thầy Quảng Đạo xem. Sư Ông gật đầu đồng ý, nên tôi đã dùng máy điện thoại của mình chụp liền ba tấm ảnh. Ba tấm ảnh này là những tấm ảnh duy nhất mà tôi đã chụp trong suốt thời gian Ngài nằm điều trị ở bệnh viện Phần Lan. Chụp xong, có trình lên Sư Ông xem. Ba tấm ảnh trong khu CT scanning này, về sau, tôi có chuyển tiếp đến Thầy Quảng Đạo và cô Diệu Trạm như một kỷ niệm của ngày Sư Ông nhập viện lần thứ hai tại xứ Bắc Âu này

Xong bên khu quang tuyến, Sư Ông lại được đưa trở về Phòng cấp cứu nội khoa, bác sĩ vào cho biết kết quả siêu âm CT. Phổi của Sư Ông không có bị nghẽn một mạch máu nào cả. Lạy Bồ tát gia hộ, nghe mà thật vui, thật mừng thêm lần nữa.

Sau đó, Sư Ông ngồi dậy, hai bàn tay gầy yếu nắm hai bên thành của chiếc giường bệnh viện, Ngài nhỏ nhẹ cho biết lúc này cảm thấy đoi đói. Nghe Sư Ông nói vậy, thật là vui trong lòng. Giờ này, căn-tin của bệnh viện đâu còn mở cửa. Nhớ lại ngoài khu nhận bệnh khi chiều mới vào, tôi thấy có quầy tự động, chỉ cần bỏ tiền vào là có thể mua được. Tôi gọi Minh chạy nhanh ra ngoài ấy mua khúc bánh mì có kẹp fromage, có miếng xà lách, có lát cà chua thỉnh Ngài dùng. Sư Ông dùng một hơi hết khúc bánh mì và nói: “Sau bao nhiêu ngày, tối nay mới thấy khúc bánh mì này ngon miệng.” Nước mắt tôi rưng rưng. Mừng vì thấy Sư Ông khỏe được một chút. Thương Sư Ông quá.

Sau đó, nhân viên y tá cho biết bác sĩ đang liên lạc lên khoa nội trú tìm chỗ để Sư Ông nhập viện. Chờ đợi quyết định của bác sĩ chuyển Sư Ông lên khu điều trị nội trú rất lâu, tội nghiệp cho Minh; anh thanh niên trẻ này đã bắt đầu thấm mệt, Minh tìm một góc trong bệnh viện, nằm lăn trên những băng ghế dài ngoài phòng cấp cứu chợp mắt.

Gần 12 giờ đêm, y tá trở lại cho biết, Sư Ông sẽ được chuyển lên Khoa Phổi. Chúng tôi nhờ các cô y tá nơi đây thu xếp giúp, xin cho Sư Ông được nằm ở phòng một người và xin cho chúng tôi cũng được phép ở gần săn sóc Sư Ông. Họ đồng ý.

Minh đang mơ màng, tôi bước ra đánh thức. Nhờ Minh hãy ra ngoài mua thêm khúc bánh mì nữa để mang theo, phòng khi nếu nửa khuya, Sư Ông có cần thì mình có sẵn. Nghe tôi nói, Minh nhìn tôi bối rối, ngại ngùng, rồi khe khẽ nói: “Thầy ơi, mình không có tiền cắc nữa, máy bán đồ tự động không nhận tiền giấy”. Tôi bảo không sao, thôi để tôi thu xếp thử. Đến tìm các cô y tá nhờ giúp đổi ít tiền cắc. Tội các cô lắm, thông cảm hoàn cảnh lúc này, các cô nói chuyện với nhau bằng tiếng Phần Lan, mà tôi chẳng hiểu ất giáp gì. Sau đó, thấy các cô gom lại với nhau rồi đưa cho tôi một nắm tiền cắc 1 đồng Euro mà không chịu nhận lại tờ tiền giấy tôi đưa. Xin cảm ơn tấm lòng cảm thông và chia sẻ của các cô rất nhiều. Thế là Minh lại chạy ra ngoài mua thêm khúc bánh mì nửa đêm lần nữa…

Thứ Bảy ngày 3/8-2013

Gần 03 giờ sáng, Sư Ông được chuyển qua Bệnh viện A, Khoa Phổi, nằm ở lầu 8, phòng số 10.

Buổi trực đêm trong khu này có ba cô y tá. Cả ba vị đều đến chào Sư Ông. Họ đưa Ngài vào phòng bệnh dành cho một người (single room). Phòng ốc khá rộng rãi. Họ bắt đầu cho thêm thuốc trụ sinh giữa khuya truyền qua tĩnh mạch, theo dòng nước biển. Tôi giúp Sư Ông lau mặt buổi tối, và Sư Ông bắt đầu nghỉ ngơi một chút. Còn tôi, họ cho thêm một cái giường vào, được phép nghỉ lại trong phòng bệnh của Hòa thượng, để đêm hôm Ngài có cần gì thì có mặt liền. Riêng Minh thì họ cũng cho một cái giường để ngả lưng tạm bên ngoài phòng bệnh. Cám ơn sự chu đáo của các vị nhân viên này.

Ngoài 05 giờ sáng, nghe tiếng Sư Ông trở mình, tôi ngồi bật dậy, Sư Ông tươi tỉnh hơn nhiều. Ngài nhìn quanh căn phòng và khen điều kiện bệnh viện Bắc Âu tốt hơn bệnh viện bên Pháp. Cách khám và điều trị nơi này nhanh chóng, đặc biệt là chấp thuận cho phép thân nhân nghỉ lại trong phòng bệnh, chứ bên Pháp thì không được, Sư Ông nói thế.

Sáng sớm hôm nay, Sư Ông có phần khoẻ hơn hôm qua rất nhiều. Nhân viên bệnh viện đem thức ăn sáng vào, Ngài dùng được. Thật là yên tâm. Sau khi uống thuốc buổi sáng, bác sĩ đến thăm bệnh Sư Ông vào lối 10 giờ. Nghe tim nghe phổi Ngài cẩn thận, bác sĩ đồng ý để Sư Ông về lại Khóa tu học, chứng minh lễ bế giảng Khóa tu học 25 vào trưa thứ Bảy 3/8. Ý của Sư Ông cũng muốn trở lại khóa tu để thăm hỏi, để tạm biệt chư Tôn Đức và quý Phật tử học viên. Bác sĩ dặn, buổi chiều Ngài phải trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị tại Khoa Phổi….

Trước giờ bắt đầu của lễ Bế mạc Khóa tu học kỳ thứ 25, Sư Phụ Y chỉ tôi kêu tôi ra một góc trong trường và dạy rằng: “Sư Ông phải nằm lại bệnh viện, Pháp Quang hãy thu xếp tất cả mọi việc bên Đan-mạch, ở lại Phần Lan, hầu Ngài chu đáo cho đến ngày đưa Sư Ông về Pháp”. Tôi thưa lên Thầy: “Con xin vâng lời Thầy dạy và sẽ cố gắng làm tất cả những gì con có thể làm được trong việc thị giả Sư Ông, không phụ lời Thầy”.

Tôi biết Thầy tôi có việc quan trọng về giấy tờ phải đi về Hòa Lan vào ngày Chủ nhật, nên căn dặn tôi thật cặn kẽ như thế. Từ bao năm nay, tôi hiểu một ít những suy nghĩ của Thầy đối với Sư Ông. Rất kính thương Ngài, những việc Ngài chỉ dạy, Thầy tôi đều cố gắng hoàn thành, cho dù có vất vả đến đâu, có phải lái chiếc xe cỏn con hàng trăm cây số, Thầy vẫn không từ nan. Thì chắc chắn, hôm nay Sư Ông không khỏe, phải ở lại Phần Lan chưa về, Thầy tôi cũng chẳng đành lòng rời khỏi nơi đây, nếu chưa thấy có giải pháp nào tương đối tốt nhất. Còn riêng thân tâm tôi cũng đã suy nghĩ và phát nguyện thầm rồi. Đến phút cuối, tôi sẽ lên xin phép Thầy Y Chỉ, xin được ở lại. Đã từng săn sóc bệnh nhân trong bệnh viện nhiều năm, nay người bệnh chính là Sư Ông Chủ Tịch của mình, làm sao tôi đi về trước được. Nhưng thật hữu duyên, Thầy tôi đã cân nhắc mọi việc, nên đã kêu dạy tôi điều ấy trước khi tôi phải thưa lên.

Trưa nay, trong chương trình lễ Bế mạc Khóa tu học kỳ thứ 25, quý Ôn dạy tôi làm hướng dẫn chương trình cho buổi lễ. Nên tôi lại bước về văn phòng, loay hoay với cái máy in để in chương trình Lễ bế mạc, thì nghe tiếng Thầy Quảng Đạo. Thầy kêu tôi và nói Chư Tăng Ni, Phật tử Chùa Khánh Anh và chính bản thân Thầy Quảng Đạo nữa cũng nhờ tôi ở lại săn sóc Sư Ông. Thầy Đạo nói tiếp là Giáo Hội cũng xin giao công việc thị giả này cho tôi. Lúc đó Thầy Y Chỉ tôi cũng có hiện diện trong văn phòng. Tôi thưa với Thầy Đạo rằng, “Sư phụ con cũng đã có dạy con phải chu toàn việc thị giả như thế. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức mình”.

Dù trả lời với Thầy Quảng Đạo như thế, nhưng trong lòng tôi rất lo. Mai này, mọi người sẽ đi về hết, còn lại một mình, ngôn ngữ địa phương trở ngại, chỉ dùng số Anh ngữ hạn chế của mình hoặc phải nhờ các anh em giúp phiên dịch… Chắc hẳn công việc sẽ có ít nhiều khó khăn.

Sau đó quý Thầy sắp xếp, tối thứ Bảy 3/8 này, Thầy Quảng Định chưa trở về Hoa Kỳ, còn ở lại đêm cuối, nên Thầy được đề nghị làm thị giả cho Sư Ông một đêm trong bệnh viện và sáng Chủ nhật, tôi sẽ vào thay Thầy. Tôi tin chắc rằng Thầy Quảng Định cũng rất mong muốn được hầu Sư Ông như thế, vì Thầy cũng là đệ tử Y Chỉ của Sư Ông. Có lần tôi nghe Thầy Quảng Đạo kể, Thầy Quảng Định là đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm, mà giữa Sư Ông và Ngài Đức Niệm cũng có tình huynh đệ trong đạo, cho nên trước khi Ngài Đức Niệm viên tịch có di chúc các môn đồ y chỉ nơi Sư Ông. Nay đệ tử y chỉ thị giả cho Sư Phụ Y chỉ trong giờ phút Ngài không khỏe phải nằm trên giường bệnh, âu đó cũng là phước duyên của Thầy Quảng Định vậy.

Chủ nhật ngày 4/8-2013

Một Chủ nhật kinh hoàng.

Sau buổi điểm tâm tại khóa tu học, tôi lên chào Sư Phụ Y chỉ để ở lại Turku. Thầy lại căn dặn thêm lần nữa, phải hầu Sư Ông thật chu đáo. Có chi cần thì có thể điện thoại liên lạc về Thầy. Lời Thầy dạy làm tôi vững tâm khá nhiều. Thường là thế, trước những công việc quan trọng, tôi luôn có được cảm giác, khi nào cần thì mình cũng có chỗ nương tựa, hoặc vào Ôn Bổn Sư của tôi bên nhà, hoặc vào Sư Phụ Y chỉ của tôi nơi này.

Bước vào bệnh viện thăm Sư Ông sáng nay, sư huynh Viên Giác cũng có theo vào. Anh còn ở lại khóa tu, vì chuyến bay của anh chỉ khởi hành vào sáng sớm thứ Hai 5/8.

Trước tiên, hai anh em trở lên lại phòng VIP 1 của Sư Ông để thu dọn hành lý của Ngài. Mọi vật trong căn phòng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng không khí đìu hiu, vắng vẻ làm sao. Hình bóng hiền hòa của Sư Ông trong những ngày đầu khóa học đã từng làm cho căn phòng nhỏ này ấm cúng, đầy sức sống, bây giờ tìm đâu. Mới ngày nào đây, căn phòng này rộn rã, có Ôn Thắng Hoan, có Ôn Tánh Thiệt, rồi có Thượng tọa Quảng Hiền, có Thầy Y Chỉ của tôi, có Thầy Viên Giác, có quý Ôn, quý Thầy khác, có các anh chị huynh trưởng trong Ban Hướng Dẫn Âu Châu của Gia Đình Phật Tử VN và lác đác vài Phật tử lên thăm Ngài, ngồi quanh bên Ngài, không khí căn phòng đầy sức sống ấy hôm nay đâu rồi. Không có Ngài, nơi này trống vắng, lạnh lùng, tẻ nhạt, quạnh hiu. Nhìn quanh quất căn phòng, hai huynh đệ bùi ngùi. Chúng tôi im lặng. Không khí ngột ngạt, trầm buồn, Sư huynh Viên Giác xách vội chiếc vali của Sư Ông, còn tôi thì xách hành lý của mình nhanh chân rời khỏi căn phòng ảm đạm và bước ra xe của anh Minh. Minh đưa huynh đệ chúng tôi vào bệnh viện, Khoa Phổi, nơi Sư Ông đang nằm điều trị.

Vào phòng bệnh, hai huynh đệ tôi chào Thầy Quảng Định và vội hỏi thăm sức khỏe của Ngài. Sư Ông cho biết tối qua ngủ được. Rồi câu hỏi đầu tiên của Sư Ông, hỏi thăm liền về quý Ôn, quý Thầy, quý Cô, ai còn ở lại chờ chuyến bay, và mọi việc sắp xếp di chuyển đưa các học viên Phật tử ra sân bay thế nào, có chu đáo không, có bỏ quên ai không… Nằm trên giường bệnh, giờ đó, tâm tư Ngài vẫn hướng về cả khóa tu học. Giọng Ngài vẫn nhẹ nhàng, đôi khi pha vào những câu nói vui vui, không khí đầm ấm lắm, ngập tràn tình cảm Thầy trò. Trong khi nói chuyện với các anh em, Ngài cũng có đề cập đến sự thâm hụt tài chánh của Khóa tu học Âu châu kỳ 25 quá lớn và nói lên hướng giải quyết của Giáo Hội, sẽ dùng số tiền dư của bốn khóa tu học Âu châu trước đó để đắp vào. Trách nhiệm của người lãnh đạo là thế. Quan tâm đến tất cả mọi việc, quan tâm đến tất cả mọi người, trên từ chư Tôn Đức, dưới đến cả hàng Phật tử, rồi sẵn sàng tìm phương án để giải quyết vấn đề. Lúc nào cũng lo cho đạo pháp. Nằm trên giường bệnh, Ngài cũng chỉ nghĩ suy về việc của Giáo Hội.

Dự định của Sư Ông sáng Chủ nhật hôm nay, sau khi bác sĩ thăm bịnh, Ngài sẽ xin về lại nơi khóa tu học ít giờ đồng hồ để thăm Ôn Thắng Hoan và chư Tôn Đức cũng như các Phật tử học viên nào chưa về, còn phải nán lại trường học chờ chuyến bay. Ôn là thế đó, sức khỏe có yếu thế nào thì vẫn luôn nghĩ đến mọi người.

Về sức khỏe của Sư Ông, Thầy Quảng Định cho biết sáng sớm, y tá vào đo huyết áp và nhịp tim của Sư Ông, thấy cao lắm. Nghe thế, tôi thử nắm nhẹ cổ tay của Sư Ông, để xem mạch như thế nào. Vâng, nhanh quá! Một cảm giác có điều chi không ổn trong đầu tôi. Tôi bước nhẹ ra văn phòng của y tá nhờ họ vào đo lại huyết áp, tim mạch cũng như lượng oxy trong máu của Sư Ông (saturation). Đúng thật, huyết áp thật cao khoảng 175-180/115-120, còn mạch thì trên 130 - 140. Tôi đề nghị y tá để lại máy đo, cho chúng tôi mượn để thỉnh thoảng đo thêm vài lần nữa. Lần đo nào cũng thế, vẫn là thật cao. Chúng tôi thưa lên với Ngài, xin Ngài đừng về Khóa tu học sáng nay, vì huyết áp và tim mạch cao như vậy, Ngài phải nằm nghỉ ngơi. Đi đứng nhiều không tốt. Cuối cùng, Sư Ông đồng ý. Tôi nghĩ, mà nếu Ngài có quyết định đi về Khóa tu học thăm mọi người, thì với nhịp tim mạch thế này, chắc chắn bác sĩ nào cũng vậy, cũng sẽ khuyên Ngài phải ở lại bệnh viện nghỉ ngơi thôi...

Trở ra văn phòng y tá, tôi đề nghị với các cô trong ca trực sáng nay, gọi gấp bác sĩ thăm bệnh Sư Ông cũng như đề nghị cho đo lại điện tâm đồ để sẵn, khi bác sĩ vào thì có. Y tá cho biết, hôm nay là ngày cuối tuần, nên một bác sĩ phải lo cho nhiều bệnh nhân, theo lịch thì họ sẽ đến thăm bệnh hơi trưa trưa một chút, tuy nhiên vì sức khỏe Sư Ông yếu, các cô y tá sẽ điện thoại gọi bác sĩ trực nội khoa liền.

Trong thời gian chờ bác sĩ, còn có Minh lo giúp việc lái xe, chúng tôi bàn với Thầy Quảng Định để Minh đưa Thầy Định về sắp xếp hành lý cho chuyến bay sớm ngày hôm sau. Chứ lát sau, e không có xe về lại khóa tu học. Phần còn lại ở bệnh viện thì đã có Thầy Viên Giác và tôi thị giả cho Sư Ông sáng này. Nghe như vậy, Sư Ông cũng đồng ý. Thầy Quảng Định cũng đồng ý, nhưng lòng thì quyến luyến, Thầy đưa mắt nhìn Sư Ông nhiều lần. Cuối cùng thì Thầy xá Sư Ông và tạm biệt chúng tôi rời bệnh viện.

Khoảng 30 phút sau, bác sĩ trực khoa nội đến thăm bệnh Sư Ông.

Nghe tim, phổi của Sư Ông cẩn thận, bác sĩ Khoa Phổi liên lạc tức thì với bác sĩ chuyên khoa về tim. Rồi họ cho biết bác sĩ tim đề nghị chuyển Sư Ông qua Khoa Tim sáng nay, đồng thời cũng thông báo Sư Ông phải nhịn ăn uống. Dự định của các bác sĩ, sau khi điều trị tim mạch Sư Ông ổn định, họ sẽ cho chuyển Ngài trở về lại Khoa Phổi.

Khoảng 11 giờ 30, Sư Ông được chuyển sang Khoa Tim.

Hai huynh đệ chúng tôi đi theo Sư Ông qua bệnh viện T, khu E 3, Phòng số 6.

Khoa Tim nằm bên khu vực mới của bệnh viện Turku. Thật tối tân. Muốn vào khu E 3 này, thân nhân người bệnh phải nhấn chuông, nhân viên ra nói chuyện, nếu bệnh nhân khỏe thì họ mới cho vào thăm. Bên khu tim, Sư Ông vẫn được xếp cho nằm ở phòng một người. Ngài nói bên này thật rộng rãi và sạch sẽ quá.

Tại đây, Sư Ông được nhân viên gắn lên người rất nhiều dây điện để theo dõi. Vừa huyết áp, vừa nhịp tim và biểu đồ của tim cũng như nhịp thở và lượng oxy trong người của Ngài. Nhân viên phòng xét nghiệm lại đến thử máu của Sư Ông thêm vài lần. Vẫn những mũi kim bén nhọn chích vào da thịt Ngài. Hai anh em chúng tôi nhìn nhau xót xa. Thầy Viên Giác chưa quen nhìn như vậy, nên đôi mắt có phần long lanh. Riêng Sư Ông nằm trên giường bệnh vẫn thản nhiên, chừng như chẳng có việc gì cả. Sau đó Ngài còn nói vài câu vui vẻ và dạy hai anh em: “Trưa rồi, đi tìm cái chi ăn đi.”

Chúng tôi gặp y tá, báo cho họ biết mình ra ngoài một chút. Họ nói cứ đi không sao, họ sẽ vào thăm Ngài thường xuyên.

Bước ra bên ngoài phòng bệnh, hai anh em đứng nhìn nhau. Nước mắt rớt rơi. Khóc và khóc. Thật lo cho sức khỏe của Sư Ông. Buổi ăn trưa ở căn-tin bệnh viện thật qua loa, chỉ ít phút sau huynh đệ tôi đã có mặt trở lại trong căn phòng bệnh của Sư Ông.

Huyết áp và nhịp tim của Ngài vẫn thế, rất cao. Nhưng Ngài vẫn tươi tỉnh. Vẫn thản nhiên. Thăm Sư Ông một chút, thì Ngài dạy Thầy Viên Giác hãy trở về khoá tu học lo chu đáo cho các em trẻ Na Uy mà Thầy dắt sang Turku. Các em này lần đầu tiên đi tham dự Khóa tu học Âu châu.

Khoảng 14 giờ 30, huyết áp Sư Ông tăng cao. Trên màn ảnh, nhịp tim tăng lên có khi 180, cũng có lúc đã lên đến kỷ lục 201 nhịp trong một phút. Lúc này có Minh vào thăm, phụ giúp thêm phần phiên dịch. Tôi và Minh nhìn nhau lo ngại. Lúc đó có hai bác sĩ chuyên khoa về tim trong phòng và một bác sĩ gây mê (anesthetist) cũng vừa đến. Họ thông báo cho Sư Ông nghe hướng điều trị để làm cho nhịp tim của Sư Ông trở về bình thường. Họ cho biết là sẽ gây mê trong thời gian ngắn để điều trị bằng “sốc điện” (DC conversion). Sư Ông cho họ biết, ngày xưa bên Pháp Ngài cũng đã từng được điều trị như vậy. Ngài cho bác sĩ biết, Ngài đồng ý cách điều trị này. Nhìn gương mặt Sư Ông lúc ấy, Ngài thật thản nhiên, không lộ vẻ lo âu, không chút gì sợ sệt. Còn tôi, đã bao lần thấy cách điều trị này tại bệnh viện Đan-mạch. Nên lòng nhiều băn khoăn, e ngại.

Nhìn bác sĩ gây mê chích thuốc ngủ dần dần vào tĩnh mạch Sư Ông, lòng tôi thật sợ hãi. Niệm Phật. Cầu Phật gia hộ Sư Ông chúng con.

Lần thứ nhất với “DC conversion”, cơ thể Ngài giật bắn người lên, mọi người dõi mắt trên màn hình. Nhịp tim của Sư Ông có thay đổi, nhưng vẫn không thuyên giảm bao nhiêu. Mọi người hy vọng, hy vọng, nhưng rồi nhịp tim cũng vẫn còn đập nhanh quá.

Bác sĩ quyết định điều trị lần thứ hai. Nhịp tim cũng giảm xuống chừng 150 – 160, vẫn còn nhanh quá. Đã hai lần điều trị, Bác sĩ quyết định đánh thức Sư Ông dậy, vì hiệu quả không được như ý muốn. Họ hỏi thăm Ngài thấy thế nào trong người, Sư Ông cho biết không thấy đau đớn gì cả.

Bác sĩ lại thông báo tiếp, vì nhịp tim Sư Ông còn cao quá, phải dùng thuốc tim, nhóm beta blocker điều trị. Sư Ông gật đầu đồng ý. Bác sĩ lại tiêm thuốc vào tĩnh mạch Ngài. Nhịp tim lần này cũng có giảm đi chút ít, nhưng vẫn chưa là bao. Bên cạnh đó thì vấn đề khác xuất hiện. Huyết áp của Sư Ông lại trụt xuống từ từ. Từ khoảng 170 – 180 (số trên của huyết áp), giờ đây giảm xuống 120, xuống 100, xuống 80, xuống 75. Nhìn thấy huyết áp trụt dần, trụt dần trên màn ảnh như thế, nước mắt tôi chảy dài. Không biết Sư Ông sẽ thế nào. Kinh nghiệm những năm trong bệnh viện, huyết áp trụt nhiều như vậy, nguy rồi. Cái gì cũng có thể xảy ra. Tôi nhìn Minh. Chắc Minh không hiểu vì sao tôi khóc. Thông cảm thôi, Minh đâu có làm trong ngành y tế. Nhìn thấy tôi lo lắng, chắc chắn Minh cũng lo nhiều vì ít nhiều cũng rõ tình trạng hiện tại rất nghiêm trọng.

Tôi lắp bắp nói lên với ba vị bác sĩ “My master’s blood pressure…” Vừa nghẹn ngào nói, vừa với phản xạ tự nhiên, tôi kéo phần dưới của chiếc giường Sư Ông đang nằm lên cao tối đa. Giường của người bệnh thì mình có thể nâng phần đầu giường hay phần chân giường lên đều được cả. Chừng như chưa vừa đủ, tôi chụp thêm cái gối đặt bên dưới đôi chân của Ngài. Hầu làm cho cặp chân gầy guộc của Ngài được nâng cao lên để máu dồn nhiều về tim, giúp huyết áp lên cao phần nào trở lại. Các bác sĩ nhìn tôi nhè nhẹ gật đầu tán đồng. Sau này, nghĩ lại, vì mình quá lo sợ sự hiểm nguy của Sư Ông, chứ nhân viên ở đó, họ cũng đầy kinh nghiệm, sẽ sẵn sàng giúp đỡ Ngài trong tình huống cần thiết thôi.

Lạy Phật, Ngài gia hộ. Huyết áp của Sư Ông trụt xuống đến 75 rồi đứng dừng. Không trụt xuống thêm nữa. Lạ lùng. Trái lại huyết áp đang tăng dần. Tăng lên 90, rồi 100, rồi 105… Mọi người đều thở phào nhẹ nhỏm. Duy nhịp tim của Sư Ông vẫn còn cao. Tôi nhớ hình như 120 hoặc 130 gì đó.

Sư Ông tỉnh dần trở lại. Bác sĩ cho biết khoảng một, hai tiếng đồng hồ nữa, họ sẽ cho thêm thuốc nhằm giúp nhịp tim của Sư Ông xuống lại bình thường.

Buổi chiều, bác sĩ bắt đầu với thuốc làm nhịp đập của tim chậm lại lần thứ hai. Quả tình, sau khi bắt đầu điều trị lần này, nhịp tim đang dần ổn định. Huyết áp cũng xuống theo mức bình thường. Chỉ có nhịp thở (respiration frequens) của Sư Ông vẫn còn khá cao. Từ trưa đến giờ họ đã cho Ngài thở thêm dưỡng khí.

Sư Ông khỏe dần trở lại. Tôi bước ra ngoài cửa phòng, điện thoại liền cho Sư Phụ Y Chỉ tôi. Vừa nghe tiếng của Thầy tôi bên kia đầu giây, tôi không còn cầm lòng được nữa. Bao nhiêu căng thẳng, bao nhiêu lo sợ, bao nhiêu kinh hoàng tôi đều thưa lên Thầy những điều mình vừa chứng kiến. Nức nở. Qua làn nước mắt tôi thưa: “Thầy ơi con cứ ngỡ lúc nãy, Sư Ông mình đã ra đi rồi.” Thầy kiên nhẫn lắng nghe và an ủi tôi thật nhiều. Thầy dành cho tôi tất cả những phút giây mà tôi cần thiết. Sau đó, hồi tưởng lại, tôi nghĩ chắc chắn trong giây phút đó, hẳn lòng Thầy tôi cũng trĩu nặng, cũng âu lo vô cùng về sức khỏe của Hòa thượng Chủ tịch.

Lát sau, Thầy Viên Giác phone lại. Tôi kể anh nghe sức khỏe của Sư Ông chiều này, Thầy cũng lặng người trong điện thoại.

Lối 17 giờ, Sư Ông khỏe nhiều một chút. Nhân còn có Minh ở đây, tôi nhờ Minh đưa tôi ra một kiosque nhỏ mua ít bánh mì đen, một bịch fromage xắt thành từng lát và vài trái táo để nhỡ tối, Sư Ông cần có muốn dùng thì sẽ có sẵn. Vả lại, những ngày chăm bệnh của Sư Ông, thật sự tôi không dám rời khỏi phòng của Ngài. Do vậy, tôi cũng cần có chút bánh mì để sẵn trong phòng với chút cheese, khỏi phải đi xuống căn-tin hàng ngày.

Sau khi giúp đưa tôi ra quán mua ít đồ vặt vãnh như trên, Minh lái xe ra về. Anh chàng thanh niên này thật dễ thương, rất nhiệt tình, vừa giúp lái xe vừa giúp phiên dịch. Minh ít nói, nhưng lúc nào cũng tận tâm. Nhiều lần, Minh đang bận việc giúp thu dọn nơi khóa tu học hoặc đang nằm nghỉ ở nhà, nghe điện thoại tôi gọi, Minh tức tốc chạy vào bệnh viện tức thì. Điện thoại cho Minh, dù có là giữa khuya hay vào sáng sớm, lúc nào Minh cũng vui vẻ, sẵn sàng, không cau có, không phiền lòng. Mấy hôm nay chắc cũng mệt nhiều lắm, dù rằng Minh không nói. Minh lái xe về, còn tôi quay trở lên Khoa tim, phòng số 6.

Chừng lối 18 giờ, Sư Ông có vẻ khỏe hơn khi sáng nhiều lắm. Sư Ông nói không còn cảm thấy tim đập quá nhanh. Nhìn lên màn hình, tôi thấy đúng vậy. Bây giờ chỉ còn khoảng 70 – 80 một phút, chứ khi trưa thật dễ sợ. Tôi làm việc ở Đan-mạch trước đây, chưa hề thấy bệnh nhân nào mà tim đập 201 nhịp một phút cả. Tôi đã thấy những bệnh nhân với nhịp tim khoảng chừng 160 đến 170 là tối đa. Lúc ấy khu cấp cứu đã tìm cách giúp cho nhịp tim của họ xuống mức bình thường rồi, có đâu mà thấy được 200 như vầy. Ngồi mà tưởng tượng làm sao trong một phút đồng hồ, tức trong sáu mươi giây thôi, mình phải đếm cho xong được đến số 201. Chắc chắn phải đếm thật nhanh, phải đếm thật lẹ mới kịp được. Nghĩ như vậy mới thấy quả tim Ngài đã làm việc quá nhọc mệt trong những ngày qua.

Sau đó, y tá đem thức ăn chiều vào, Ngài dùng được một chút. Suy nghĩ, giá mà có được chén cháo để Sư Ông mình dùng chiều nay thì hay biết mấy. Nhưng ở đây, có quen biết ai đâu để mà nhờ.

Lát sau có điện thoại của Thầy Quảng Đạo. Thầy đã đưa đoàn Phật tử Pháp quốc mấy chục vị lên Helsinski để chờ chuyến bay sáng sớm hôm sau. Tôi kể Thầy nghe diễn tiến bệnh trạng của Sư Ông chiều nay. Thầy cũng xúc động lắm. Tôi thưa với Sư Ông là có điện thoại của Thầy Đạo, Sư Ông ra dấu tôi mang điện thoại đến. Sư Ông hỏi thăm Thầy Đạo và những Phật tử về Paris chuyến sáng có sót ai không, có quên ai không, vé lên máy bay thế nào. Ngài dặn dò Thầy Đạo chăm sóc kỹ cho các cụ lớn tuổi. Tôi nghe Sư Ông quan tâm từng ly, từng tí đến từng Phật tử ở giờ phút này trong khi bệnh trạng Ngài thật nguy kịch. Cảm động quá! Tấm lòng Ngài bao la thế đó. Nghĩ về người khác, nào nghĩ đến thân mình. Nằm trên giường bệnh, Ngài vẫn nhớ, vẫn nghĩ đến từng người.

Buổi tối, anh Phật tử Turku, Bảo Tuân đưa sư huynh Viên Giác trở lại thăm Sư Ông. Tối nay Sư Ông khỏe nhiều, nên Ngài nói chuyện với anh Bảo Tuân khá lâu. Anh Bảo Tuân kể về những tiến triển Phật pháp tại Turku, về những khó khăn tế nhị. Anh cho biết tin vui đã xin được chính quyền trợ giúp về kinh tế cũng như nhà cửa cho Thầy trụ trì Chùa Liên Tâm. Như vậy là tạm ổn. Trong buổi hầu chuyện với Sư Ông tối này, anh Bảo Tuân được nghe Sư Ông sách tấn và khuyên nhủ hàng Phật tử tại gia tại Phần Lan cố gắng hộ trì Tam Bảo và làm cho Phật pháp được phát triển tại địa phương.

Tối nay, ngồi bên giường Sư Ông, sư huynh Viên Giác xin bóp tay chân cho Ngài đỡ mỏi. Sư Ông im lặng đồng ý. Nhẹ nhàng kéo tay áo của Sư Ông lên để xoa bóp, nước mắt sư huynh tôi đã ứa ra khi nhìn thấy cánh tay gầy guộc của Ngài đầy ắp những vết bầm do những lần thử máu, những lần chích kim luồn vào tĩnh mạch để cho thuốc điều trị. Thầy Viên Giác kín đáo dụi nhẹ làn nước mắt. Tiếng Sư Ông nói chuyện với sư huynh thật điềm đạm, nhẹ nhàng, đầy trìu mến. Tôi nghe được câu Ngài dạy sư huynh tôi: “Viên Giác phải cố gắng, phải ráng lên.” Văng vẳng đâu đây, có tiếng nấc nho nhỏ. Hình như sư huynh tôi xúc động. Hình như anh đang khóc, bởi tôi thấy thêm lần nữa, sư huynh kín đáo đưa bàn tay dùi dụi cặp mắt đỏ hoe. Mà không xốn xang, không ứa lệ sao được. Bậc Trưởng lão Hòa Thượng trong lúc thập tử nhất sinh này, nằm trên giường bệnh vẫn nghĩ đến những mầm non của đạo pháp. Chăm sóc, sách tấn, nhắc nhở, động viên…. Có lẽ lời huấn dụ tối hậu này của Ngài nói cho sư huynh tôi đêm nay sẽ là hành trang quý báu trong suốt quãng đời tu tập của anh.

Sau khi sư huynh Viên Giác ra về, Y tá mang vào cho tôi ít tấm drap giường. Tôi trải xuống sàn nhà, kế bên chân giường Sư Ông, nằm nghỉ qua đêm.

Thứ Hai ngày 5/8-2013

Đêm qua, giấc ngủ của Sư Ông không tròn. Cứ nửa giờ, một tiếng, hoặc nhiều lắm là hai tiếng đồng hồ thì thức giấc. Mỗi lần nghe tiếng động của chiếc giường khi Ngài trở mình, tôi bật dậy. Có lúc Ngài cần ly nước, có khi Ngài cần chiếc khăn giấy. Hoặc có khi chỉ là trở mình đơn thuần, nhưng tôi vẫn ngồi nhìn Sư Ông thật kỹ. Thấy trên màn ảnh, nhịp tim, nhịp thở vẫn thường. Thở phào, Sư Ông vẫn còn khỏe. Trong tiềm thức tôi, vào những giây phút đó và suốt cả những ngày được hầu Ngài về sau, hình ảnh buổi chiều Chủ nhật, Sư Ông nằm trên giường bệnh, đôi mắt nhắm nghiền, huyết áp trụt dần trụt dần. Hình ảnh này cứ như cuộn phim quay đi và trở lại trong suy nghĩ của tôi liên hồi. Tôi lo sợ lắm. Mà không lo sợ sao được. Lạy Phật! Giáo Hội còn bao công việc, Tăng đoàn còn cần vô cùng hình bóng của Ngài. Hàng Tăng sĩ trẻ chúng tôi còn cần nơi nương tựa. Phật tử khắp nơi xa xôi như Bắc Âu xuống đến Trung Âu, Nam Âu còn cần bóng mát của tàn cây cổ thụ là Ngài.

Những giờ phút, ngày tháng qua, được hầu Ngài, gần Ngài, khi sức khỏe Ngài trong thời gian nguy kịch nhất, tôi càng thấy rõ sự vĩ đại của Ngài trước những biến đổi vô thường của thân ngũ ấm, với Ngài lúc nào cũng an nhiên tự tại. Khi nào cũng bình thản tự nhiên. Có đến có đi vẫn thế. Bao ngày nay, tôi chưa bao giờ nghe một tiếng rên la. Chưa bao giờ có một tiếng than phiền, trách cứ. Chưa bao giờ thấy Ngài có một biểu hiện không hài lòng về việc chi. Không có, hoàn toàn không có.

Giữa đêm trường tĩnh mịch, chỉ có tiếng nhịp thở, bao lần tôi đã bật dậy, chỉ cần nhìn thấy Ngài thôi. Thấy Ngài vẫn còn khỏe. Yên tâm. Trên màn hình nhịp tim, nhịp mạch vẫn đều đều. Chắp tay. Niệm Phật. Cám ơn Phật Đà.

Tim Sư Ông sáng thứ Hai này nhịp đập xuống hơi thấp, mạch khoảng 45 đến 50. Huyết áp thì ổn rồi khoảng 110/60. Nhịp thở còn hơi nhanh. Khoảng 25 đến 30 nhịp một phút. Bác sĩ thăm bệnh buổi sáng và cho biết trong ngày này sẽ phải đi chụp hình phổi trở lại.

Sáng nay, Y tá đem thức ăn điểm tâm vào, Ngài không dùng sáng. Tôi pha ít café sữa, Ngài chỉ nhấm vài hớp. Tôi dâng lên Ngài tách trà chanh có ít mật, cũng chỉ vài hớp, không hơn.

Chút xíu sau, có tiếng phone reo. Trước khi đưa đoàn Phật tử Chùa Khánh Anh ra phi trường Helsinski, Thầy Đạo có phone về thăm sức khỏe Sư Ông buổi sáng.

Những ngày này, chiếc phone nho nhỏ của Sư Ông reo gần như liên tục. Bác sĩ có nhắc đôi lần, Sư Ông rất yếu, Ngài cần nghỉ ngơi nhiều. Giảm điện thoại tối đa và hạn chế những cuộc viếng thăm tối đa. Đó là lời khuyên của Bác sĩ bên Khoa tim. Tôi có thưa lên Ngài điều này, Sư Ông gật đầu đồng ý lời khuyên ấy.

Ngoài ra, hàng ngày Chư Tôn Trưởng Lão trong Giáo Hội như nhị vị Hòa Thượng Phó Chủ tịch và Tổng Thư Ký, cùng các Thượng tọa Quảng Hiền và Thầy tôi điện thoại sang đều đặn thường xuyên. Quý Ôn, các Ngài dạy rất rõ phải chăm sóc sức khỏe Sư Ông thật kỹ. Để Sư Ông nghỉ ngơi. Những lời dạy của quý Ngài cũng như lời khuyên của bác sĩ, tôi cố gắng giữ gìn. Ngay cả điện thoại của các Ngài trưởng lão trong Giáo Hội Âu Châu hoặc từ Hoa Kỳ, Úc Châu, Gia-Nã-Đại cũng thế, khi điện qua, gặp lúc Sư Ông đang nghỉ, hoặc Sư Ông đang mệt, các Ngài vẫn khuyên tôi không được đánh thức Sư Ông, và dạy tôi chỉ thưa trình lên tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của Sư Ông trong ngày là được rồi. Chừng ấy thôi. Đủ rồi. Để Sư Ông nằm nghỉ. Rồi các Ngài cúp máy. Quý Ôn, quý Ngài trong Giáo Hội bốn châu là thế, luôn quan tâm đến sự an lành của Sư Ông. Sức khỏe của Ngài là hàng đầu.

Quả tình những lời dạy của quý Ôn rất hợp lý. Có ở bên giường bệnh Sư Ông những ngày này, mới thấy được một đêm, Ngài thức giấc cả chục lần, nên những giấc ngủ, khi Ngài ngủ được quý giá làm sao. Tận mắt nhìn được như vầy, chắc chắn mình sẽ thông cảm được lời khuyên của bác sĩ, lời dạy của Chư Tôn Trưởng lão cố gắng gìn giữ sự yên tịnh để Sư Ông ngơi nghỉ.

Sáng nay, khi nghe điện thoại của Thầy Đạo, Sư Ông dạy tôi chuyền điện thoại lên Ngài. Ngài dặn dò Thầy Đạo lo cho đoàn Phật tử về Pháp buổi sáng cho chu toàn. Rồi Ngài hỏi về đoàn Phật tử buổi chiều về Paris, lẽ ra đi theo với Ngài, nay ai là người sẽ giúp trên hai mươi vị lớn tuổi in vé, check in, đưa ra phi trường cho khỏi lạc. Thầy Đạo thưa có Bác Ngọc giúp rồi, Sư Ông yên tâm một chút. Tấm lòng Ngài giờ đó vẫn suy tư, lo nghĩ cho các Phật tử. Thật cảm động, tôi đã rơi nước mắt khi nghe lời Ngài dạy Thầy Đạo như trên qua điện thoại. Mai này chư vị Phật tử biết thêm về những suy tư, sự quan tâm, sự lo lắng cho mọi người của Ngài trong lúc đang bệnh nặng, chắc cũng không tránh khỏi ít nhiều bùi ngùi.

Khoảng 11 giờ trưa, bệnh viện mang thức ăn trưa vào, thức ăn Tây. Dọn lên Sư Ông, Ngài chỉ nếm qua một muỗng, không dùng nữa. Thưa với Sư Ông cách mấy, Ngài chỉ khoát tay lắc đầu. Thương Sư Ông quá! Nghĩ lại mấy ngày hôm nay, không có được chén cháo dâng Sư Ông thời, tôi buồn làm sao. Dự định, trưa nay sẽ nhờ Minh, hoặc sẽ liên lạc Thầy Đạo buổi chiều khi Thầy đến Paris, và nhờ Thầy liên lạc với một vị Phật tử thuần thành nào ở địa phương giúp cho việc này.

Trưa thứ Hai, lối khoảng 11 giờ 45, Ôn Thắng Hoan vào thăm Sư Ông. Nhìn thấy Ôn vào, lòng tôi rưng rưng. Quý Ôn mình là thế, thương yêu, quý mến lẫn nhau. Ôn Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ tuổi hạc đã cao, nghe Sư Ông Chủ tịch còn nằm viện, nên Ngài bước vào thăm và từ giã để hôm sau bay về Hoa Kỳ. Thầy Hạnh Bảo sau những ngày bận rộn công việc bên Chùa, công việc dọn dẹp trường học sau Khóa tu học 25, hôm nay thu xếp đưa Ôn Chánh Văn Phòng Hoa Kỳ vào thăm. Hai Ôn gặp nhau rất vui. Sư Ông nằm trên giường bệnh, lúc này cũng yếu nhiều, nét mặt Ngài chừng như sáng hẳn lên, tươi tỉnh hẳn ra, và có ít nhiều nét vui khi Ngài nhìn thấy Ôn Thắng Hoan bước vào thăm. Hai Ôn nói chuyện với nhau vài câu. Giọng Ngài yếu ớt, nhỏ nhẹ, nhưng tràn đầy sự trân quý. Thời gian hai Ôn thăm nhau quá ngắn ngủi, vì dưới Phòng X-ray ở tầng trệt, nhân viên bệnh viện đang chờ Sư Ông xuống để chụp hình kiểm tra lại phổi của Ngài.

Sau khoảng thời gian chừng 10 phút thăm hỏi ngắn ngủi đó, Sư Ông nằm trên giường được đẩy ra phía thang máy. Tôi chào Ngài Chánh Văn Phòng và bước theo sau chiếc giường Sư Ông. Chợt nhớ, tôi quay lại nói nhỏ với Thầy Hạnh Bảo, nhờ Thầy nhắn Phật tử nào chiều nay nấu cho Sư Ông chén cháo, Thầy gật đầu. Chân tôi tiếp tục bước đi, nhưng đầu thì ngoáy nhìn lại. Cố thu vào ký ức mình hình ảnh Ôn Chánh Văn Phòng như gốc cổ thụ già nua đứng lại trong phòng bệnh của Sư Ông, gương mặt trầm ngâm, dõi ánh mắt nhìn theo bóng Ngài Chủ tịch… Bên kia khung kính cửa sổ bệnh viện, ngoài đó nắng vàng nhợt nhạt, hắt hiu.

Buổi chiều, mới vừa đáp xuống phi trường Charles De Gaulle, Thầy Quảng Đạo điện liền tức thì sang Turku. Sư Ông không khỏe lắm, đang nằm nghỉ. Tôi kể nhanh một ít những tin tức sức khỏe của Ngài. Và từ Paris, cô Diệu Trạm cũng điện thoại nhiều lần để nghe sức khỏe của Sư Ông và kể cho tôi nghe dự định sẽ sang Phần Lan. Từ trưa đến giờ, Sư Ông thỉnh thoảng lại bị buồn nôn. Bác sĩ có cho thuốc chống nôn, tác dụng được vài giờ thì Ngài lại bị buồn nôn trở lại. Có lẽ vì thế, chiều nay, Sư Ông có phần mệt hơn khi sáng một chút.

Minh vào thăm Sư Ông chiều tối có mang theo cháo. Tôi sớt ra cái chén nhỏ thỉnh Ngài dùng. Sư Ông khoát tay không dùng. Tôi thưa, “Xin Sư Ông thương cho hàng Tăng sĩ trẻ chúng con, thương cho các Phật tử khắp nơi đang mong Ngài mau bình phục, xin Sư Ông chịu khó dùng chút cháo này”. Ngài nhìn tôi yên lặng, và tôi được phép đút cho Ngài đến muỗng thứ ba. Chỉ được ba muỗng thôi, Ngài lắc đầu ra dấu ngưng lại. Thương Sư Ông quá! Ngài vì hàng Phật tử nên đã ráng cố gắng thời ba muỗng cháo, mặc dù đang bệnh, trong bụng không muốn ăn chi.

Tối này, Ni Sư Diệu Trạm cũng có điện sang lần nữa. Sư Ông có phần đỡ mệt hơn khi trưa, tôi thưa lên Sư Ông. Lúc đầu thì Sư Ông khoát tay, ý Ngài muốn nằm nghỉ, nhưng sau lại dạy tôi mang điện thoại đến. Ngài nói ít tiếng với Ni sư Diệu Trạm. Trong phòng lúc đó cũng có Minh, chúng tôi nghe Ngài nói hai lần trong phone: “Khi nào cần thì Thầy sẽ gọi sang.” Đồng thời lúc ấy màn ảnh nhịp tim của Sư Ông đang ổn định từ 60 nhịp một phút nhảy lên tức thì trên 120 nhịp tim một phút. Minh và tôi nhìn nhau e ngại. Đồng thời Sư Ông cho biết Ngài lại đang buồn nôn. Ni Sư Diệu Trạm biết Sư Ông không khỏe lắm, nên nói nhanh qua điện thoại với tôi: “Thôi thôi để Sư Ông nghỉ ”. Buổi tối Ni Sư cũng điện lại cho tôi lần nữa báo tin đã đặt vé sang Phần Lan vào chiều thứ tư 7/8-2013, Ni Sư hỏi tôi và Sư Ông có cần chi thì Ni Sư sẽ mang sang. Chúng tôi bàn với nhau mang hờ theo vài bịch lúa mạch, cô Diệu Trạm cho biết sẽ mang theo bột khoai môn loại có thể pha nước sôi dùng liền. Riêng tôi thì thấy không có cần chi. Vì từ khi vào đây tôi đã có mua bịch bánh mì đen và một vỉ cheese cắt từng lát sẵn rồi, thế cũng đủ.

Buổi tối có Ôn Tổng Thư Ký đều đặn mỗi ngày lối 20 giờ Phần Lan, Ngài đều phone sang. Có khi Ôn thăm Sư Ông được ít phút. Những khi Sư Ông mệt, thì Ngài dạy tôi thưa lên tình trạng sức khỏe của Sư Ông. Tôi thưa từng chi tiết mà mình biết được. Ôn lắng nghe và thường dạy tôi cũng nhớ giữ sức khỏe để lo cho Sư Ông.

Buổi tối này, Thầy Đạo cũng điện từ Paris lần nữa, báo tin tất cả quý Phật tử trong đoàn của Bác Ngọc cũng đã về đến Paris bình an. Tôi thưa lên Ngài Chủ tịch điều này, Sư Ông vui lắm. Chứng kiến những điều này, lòng tôi vô vàn cảm phục Sư Ông. Lúc nào cũng quan tâm mọi người, không khi nào nghe Ngài nói điều chi về bản thân Ngài cả trong suốt thời gian nằm viện.

Thứ Ba ngày 6/8-2013

Tối qua, Sư Ông ngủ được nhiều hơn đêm trước chút xíu. Nhưng vẫn thức giấc rất nhiều lần.

Buổi sáng, Sư Ông vẫn còn đôi chút buồn nôn, nên Ngài không muốn dùng chi. Chỉ uống chút café sữa và một phần ba ly sữa tươi.

Buổi thăm bệnh sáng nay, bác sĩ cho Ngài biết kết quả chụp hình phổi trưa qua. Phổi bị viêm và có nước. Bệnh viện đã điều trị bằng trụ sinh và Ngài sẽ phải tiếp tục điều trị như thế cho đến khi hết viêm. Lúc đó, chắc nước trong phổi cũng sẽ hết.

Riêng sáng nay, Sư Ông lại gặp thêm một vấn đề khác. Từ chiều qua đến hôm nay, Ngài không có tiểu tiện. Trong buổi thăm bệnh này, bác sĩ cũng quyết định sẽ cho Sư Ông siêu âm vùng bụng. Họ cho biết khoảng trưa thì sẽ có bác sĩ chuyên khoa bụng đến khám cho Sư Ông.

Buổi cơm trưa nay, nhân viên đem vào, Ngài không dùng. Minh xách tô cháo lên, Ngài cũng không thời. Sư Ông nằm đó, mắt lim dim. Có phần nhọc mệt. Chúng tôi không dám làm ồn để Ngài nghỉ. Tôi bước vội ra ngoài cửa phòng bệnh, điện về Thầy tôi thưa lên tình trạng sức khỏe của Sư Ông và cho biết là tôi lo quá. Vừa nói vừa khóc. Thầy an ủi tôi và động viên tinh thần tôi rất nhiều. Chút sau đó, tôi cũng có thưa chuyện qua điện thoại với Thượng tọa Quảng Hiền bên ngoài phòng bệnh. Thầy cũng lắng nghe bệnh tình của Sư Ông. Tôi nghe tiếng Thầy đôi khi cũng lạc đi. Hình như Thầy Quảng Hiền cũng khóc thì phải. Bên này, tôi vừa thưa chuyện với Thầy Quảng Hiền, tôi cũng vừa nức nở. Thầy động viên tôi thật nhiều. Cũng như Thầy Y chỉ tôi, khuyên tôi cố gắng lo cho Ngài Chủ tịch. Vâng, con xin nghe lời quý Thầy dạy. Con sẽ cố gắng hết mình, hết lòng, tôi thầm nhủ.

Lối 14 giờ trưa, bác sĩ bên khoa bụng sang khám cho Sư Ông. Họ ấn vào những vùng bụng của Sư Ông xem có đau nơi nào không. Sư ông cho biết là không có đau. Họ khám thật kỹ. Họ siêu âm qua vùng thận xem có vấn đề chi không, thì thấy thận bình thường. Họ siêu âm qua vùng gan. Siêu âm khá lâu, khá kỹ, họ cũng cho biết không thấy có gì đặc biệt, không có gì lạ. Siêu âm lại giữa vùng bụng, thì họ thông báo với Ngài rằng động mạch chính của vùng bụng hơi phình ra một chút. Khoảng 4,5 cm (aneurism), họ khuyên Sư Ông sau này về Pháp nên thường xuyên đi tái khám mỗi sáu tháng một lần.

Sau đó, các vị bác sĩ nói, vì thận không hoạt động lọc các chất thải và tạo nước giải từ ngày qua đến giờ, cộng với kết quả siêu âm cũng không thấy có nước thải trong bàng quang, họ đề nghị điều trị bằng thuốc lợi tiểu (diuretics). Sư Ông gật đầu đồng ý. Trong lòng tôi thật bấn loạn, lo sợ. Tim vừa mới ổn định một chút, nay qua đến vấn đề của thận. Đã âu lo, tôi càng thêm âu lo đưa mắt nhìn, quan sát Sư Ông rất nhiều lần. Gương mặt của Ngài vẫn thản nhiên, không một vẻ gì lo lắng, Ngài vẫn an nhiên. Mọi người xôn xao, Ngài vẫn bình thản chừng như chẳng có việc gì xảy ra. Tôi thán phục Ngài. Bao năm làm việc trong khoa cấp cứu trước kia, biết bao lần tôi đã nhìn thấy sự hoảng hốt, kinh sợ của những người bệnh. Biết bao lần tôi đã nghe tiếng khóc than, rên rỉ của người bệnh, còn nơi này, một chút dao động, một lời than vản, tôi không nghe, tôi không thấy. Hoàn toàn không có.

Sau đó, họ lại cho thử máu. Thử thật nhiều loại khác nhau. Thử về các chất khoáng Natrium, Kalium, thử về các chỉ số của gan, thử về hồng huyết cầu, bạch huyết cầu….và nhiều loại khác nhau nữa. Kết quả thử máu tạm thời cho thấy lượng Kalium trong người của Ngài khá cao, đến mức số 6. Trong khi đó, số maximum được chấp nhận chỉ là 4,8. Họ cho Ngài uống thuốc (Resornium) để làm lượng Kalium trong người xuống mức bình thường trở lại.

Tối này Sư Ông hơi mệt. Từ chiều qua đến hôm nay, Mẹ của cư sĩ Minh, cô đã nấu cháo gửi vào để Sư Ông dùng. Nhưng, chén cháo buổi chiều nay cũng như chén cháo khi trưa vẫn còn nguyện vẹn. Thưa thỉnh Ngài dùng mấy lần, nhưng Ngài đưa tay từ chối, Ngài chỉ uống vài hớp trà có sữa và mật. Lo quá!

Thứ Tư ngày 7/8-2013

Sáng nay, Sư Ông có nhiều nét mệt mỏi trên gương mặt. Suốt đêm qua, Ngài chợp mắt rất ít.

Thức ăn điểm tâm nhân viên bệnh viện đem vào. Ngài chỉ nếm qua cho có nếm, rồi không dùng thêm.

Sáng sớm hôm nay, có phone của Thầy Quảng Đạo. Thầy hỏi cặn kẽ tình trạng bịnh cũng như sức khỏe của Sư Ông ngày này. Sau đó Thầy muốn thưa chuyện thăm Sư Ông. Sư Ông gật đầu, tôi mang điện thoại qua dâng lên Ngài. Tôi nhìn thấy trên gương mặt Sư Ông điểm một nụ cười mỉm khi Thầy Đạo hỏi: “Sao sáng nay, con nghe Thầy nói tiếng khó nghe một chút”. Nhưng rồi chợt nghĩ lại, Thầy lại thưa: “Có phải Sư Ông đã không có mang hàm răng giả?” Đây là một trong những lần hiếm hoi, tôi được nhìn thấy nụ cười hiền hòa, nhè nhẹ của Sư Ông trong những ngày Ngài nằm trên giường bệnh. Quả thật đúng như vậy, tối qua khi tháo răng giả ra để tôi đem rửa cho sạch, sáng nay Ngài chưa kịp đặt lại vào miệng thì có điện thoại. Thầy Đạo thính tai nên đoán được giọng nói của Ngài sáng nay có phần khác hơn những ngày khác là vậy. Trong cuộc thăm hỏi điện thoại này, tôi còn nghe được Sư Ông hỏi Thầy Đạo về căn phòng của Thầy đã được sửa chữa xong chưa. Ngài là thế đó, luôn quan tâm và suy nghĩ đến mọi người, nghĩ đến đời sống, đến sự sinh hoạt tu tập của đại chúng cho dù thân Ngài đang yếu ớt, đang kiệt sức, đang có bệnh.

Buổi sáng này, cũng có điện thoại của Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Hoa Kỳ điện sang. Lúc đầu nghe có phone của Ôn, Sư Ông dạy tôi thưa với Hòa Thượng lát nữa khỏe một chút, Ngài sẽ điện lại. Nhưng rồi nghĩ sao, Ngài thay đổi ý kiến, dạy tôi mang phone lại liền. Sau buổi nói chuyện, Ngài có kể lại tôi nghe Hòa Thượng Thắng Hoan mới từ Âu châu đặt chân về đến Hoa Kỳ, lúc đó khoảng 02 giờ sáng bên USA. Ngài không ngủ được, nên điện sang thăm Sư Ông. Trong buổi nói chuyện giữa hai Ngài, tôi có nghe được một câu Sư Ông nói với Ngài Thắng Hoan. Hôm gặp Ôn Trưởng lão Chánh Văn Phòng của Hoa Kỳ trong Tang lễ của Ngài Chủ tịch tại Khánh Anh, Paris, tôi có trình lên Hòa Thượng dự định của mình sẽ viết ít dòng về những ngày cuối gần bên Sư Ông, đồng thời xin phép Ngài cho được ghi lại câu nói của Sư Ông lúc hai Ngài nói chuyện điện thoại. Ôn Thắng Hoan gật đầu cho phép. Vậy, tôi xin ghi lại lời của Sư Ông Chủ tịch vào sáng thứ Tư hôm ấy như sau: “Đầu tàu phải ở lại, đuôi tàu sẽ phải đi trước rồi.” Hôm nghe Ngài nói với Ôn Chánh Văn Phòng Hoa Kỳ như vậy, hai chân tôi bủn rủn. Đầu óc tôi quay cuồng. Phải chăng đây là lời từ giã? Phải chăng đây là lời vĩnh biệt? Dù mệt mỏi trong giai đoạn này - những ngày cuối cùng, Ngài vẫn dạy tôi chuyển điện thoại lên Ngài, để Ngài trực tiếp thăm Ôn Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ, hay là để Ngài từ giã? Như vậy là Tăng đoàn sẽ phải sắp mất đi một cội tùng già? Như vậy là chúng ta sắp phải mất đi một bậc đáng tôn kính? Mai này sinh hoạt Tăng đoàn sẽ ra sao? Hàng Tăng sĩ trẻ chúng tôi sẽ thế nào?...

Từ khuya ngày qua đến sáng hôm nay, thận của Sư Ông hoạt động tốt trở lại. Sự bài tiết các chất thải đã bình thường trở lại. Chức năng hoạt động của thận không còn phải lo lắng. Trong thời thăm bịnh sáng nay, bác sĩ cũng khẳng định thận của Sư Ông lọc những chất giải để thải ra ngoài bình thường. Riêng kết quả thử máu của chiều qua không được tốt. Đặc biệt là kết quả thử máu về gan. Một trong những chất trong gan, số Alat rất là lớn. Alat đến 5.403, trong khi đó số bình thường phải nằm trong mức giới hạn, tối thiểu là 10 và tối đa chỉ được lên đến 70. Còn nay kết quả cho thấy trên 5.000. Riêng số Bilirubin là 156, trong khi số bình thường phải nằm dưới con số 21. Không biết tai mình có nghe lầm không. Tôi hỏi lại lần nữa. Vâng, chính xác là như thế. Xốn xang. Hãi hùng. Mặt trời trong tôi hôm nay ảm đạm quá, mặc dù ngoài kia khung cửa kính bệnh viện nắng vẫn vàng vọt. Đưa mắt nhìn ra bên ngoài, vài cánh chim non nhảy nhót, nhưng lòng tôi lúc này như sóng dậy, đớn đau, âu lo, sầu thảm. Ngước nhìn lên gương mặt hiền hòa, đầy khả kính của bậc Thầy, Ngài vẫn nằm đó trên chiếc giường nệm trắng của bệnh viện, vẫn an nhiên, vẫn tự tại. Gương mặt Ngài cũng thế, bình thản, nhẹ nhàng. Sự bình thản của ngày hôm nay, cũng không khác chi với ngày mới vào viện. Nếu có khác chăng, chỉ là sự gầy gò và nét mệt mỏi của thân người bệnh in hằn nhiều hơn so với những hôm còn trong khóa tu học 25.

Bác sĩ Khoa tim cho biết vừa mới liên lạc xong với bác sĩ bên Khoa bụng. Bác sĩ chuyên khoa về gan sẽ sang khám cho Sư Ông vào trưa hôm nay, chúng tôi được thông báo như thế. Giờ thì họ cần phải thử máu thêm lần nữa để kiểm soát những chỉ số của gan ngày hôm nay. Sư Ông gật đầu đồng ý. Lại là những mũi kim bén nhọn chích vào da thịt của Ngài. Ngài vẫn lặng thinh chấp thuận. Không một nét thay đổi sắc diện nào trên gương mặt Sư Ông.

Hôm nay, cả buổi trưa và buổi chiều, Minh đều có mang cháo vào. Nhưng Sư Ông hoàn toàn không dùng đến. Những chén cháo này vẫn còn nguyên vẹn. Mâm thức ăn của bệnh viện do nhân viên mang vào vẫn còn nằm nguyên đấy. Thỉnh thoảng, Ngài chỉ uống vài hớp nước nhỏ. Sợ Ngài khô miệng, mỗi ngày một đôi lần, tôi đã lấy những que rơ miệng có mùi chanh của bệnh viện để rơ chung quanh và thấm ướt miệng của Ngài. Những ngày này, cơ thể Ngài chủ yếu nhờ những dịch truyền trực tiếp vào tĩnh mạch thường xuyên….

Buổi trưa, bác sĩ chuyên khoa gan tới. Sau khi khám Ngài thật cẩn thận, họ nói gan Ngài yếu nhiều, có thể sẽ phải thay gan. Tưởng chừng mình nghe lầm, tôi hỏi lại lần nữa, họ vẫn nói vậy. Tôi kinh hoàng. Lạy Phật. Toàn thân tôi rúng động, cổ tôi nghẹn lời. Có lý nào, có lý nào… Tôi cố thu hết sức mình để giữ lại bình tĩnh, để không bật thành tiếng khóc. Tôi nắm chặt bàn tay xương xẩu, gầy guộc, ấm áp của Ngài. Nhìn Ngài thật kỹ. Nhìn Ngài thật lâu. Vẫn nét an nhiên như chẳng việc gì xảy đến. Trên gương mặt già nua, gầy ốm của Ngài không hề có một chút gì hoảng hốt, không hề có một chút gì hoảng sợ. Vẫn nét điềm đạm, hiền hòa trong ánh mắt bao dung đó.

Bác sĩ cho biết họ cần xem những hồ sơ bệnh lý, những giấy tờ liên quan, hoặc những thông tin về bệnh tình của Sư Ông trước đây tại Pháp, tôi cho biết chiều tối nay, có người đệ tử của Ngài sẽ đến Phần Lan, cô ấy biết rõ hơn tôi rất nhiều.

Buổi chiều tối, Sư Ông được chuyển qua khu chuyên khoa về gan khoảng 19 giờ 30. Ngài cũng được Khoa gan dành cho một phòng riêng khá rộng rãi. Trong phòng, nhân viên khoa này có cho thêm chiếc giường “extra”. Khu gan cho phép người theo săn sóc nghỉ lại trong phòng. Sư Ông đưa mắt nhìn khắp căn phòng và khen sự dễ dãi, cảm thông của nhân viên làm việc nơi này.

Bên đây, bác sĩ chuyên khoa bắt đầu cho thuốc điều trị về gan. Sư Ông vẫn còn rất tỉnh táo và minh mẫn. Tuy nhiên, những nét mệt mỏi ít nhiều, nhìn kỹ thì vẫn thấy hằn in trên ánh mắt, trên gương mặt cằn cỗi của sau gần tuần lễ nằm viện.

Buổi tối chừng độ 20 giờ 30, Ni Sư Diệu Trạm tìm đến được Phòng chuyên khoa điều trị về gan thăm Sư Ông. Cô Diệu Trạm mới từ Paris đến Helsinski chiều nay. Phật tử địa phương ra phi trường thủ đô đón Ni Sư đưa thẳng về Turku, rồi đưa ngay vào bệnh viện thăm Ngài. Mọi người cứ nghĩ, Sư Ông còn nằm bên khoa điều trị về tim, nên sang bên đó trước, không tìm được Ngài. Sau đó được chỉ dẫn mới tìm được sang Khoa gan. Với chiếc vali nho nhỏ, Ni Sư bước vào phòng bịnh của Sư Ông, nhìn được Ngài trong những giây phút này, nét xúc động hiện rõ trên gương mặt Ni Sư Diệu Trạm, đôi mắt đỏ hoe. Ni Sư đã cố đè nén những tâm tư, dằn xuống những xúc động. Bước khe khẽ đến bên giường bệnh Ngài, Ni Sư thưa với Ngài rằng cô mới vừa sang.

Từ Pháp qua, Ni sư Diệu Trạm có mang theo được ít gói bột lúa mạch, bột khoai môn để pha với nước sôi dùng liền. Sau khi pha tách nước bột khoai môn, cô Diệu Trạm đút cho Sư Ông được ba muỗng. Rồi bỗng dưng chúng tôi nghe tiếng: ”More”. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau không hiểu gì. Có lẽ nhìn thấy sự kinh ngạc trên gương mặt chúng tôi, Sư Ông nói lại lần nữa rõ ràng hơn “one more”. Giọng Ngài có vẻ vui vui, trêu chọc. Bây giờ thì chúng tôi đã hiểu. Chúng tôi đều cười thật vui. Thật mừng, vì Ngài vẫn tươi tỉnh, minh mẫn vô cùng, vẫn có những câu thật khôi khài, thật có duyên độc đáo! Ni Sư Diệu Trạm nói: “Hôm nay Sư Ông nói tiếng Anh!” Ngài mỉm cười, nhìn chúng tôi với ánh mắt cho thấy Ngài cố tình trêu ghẹo làm cho không khí vui tươi. Ngài lập lại câu “one more” ba lần. Cứ mỗi lần “one more” Ni Sư Diệu Trạm lại múc thêm muỗng nước khoai môn dâng lên Ngài thời. Không khí toàn khu bệnh viện này mang nét trầm lặng tiêu biểu của một nơi những người bệnh nặng cần ngơi nghỉ, cần sự yên tĩnh. Nhưng không khí trong phòng bệnh của Ngài ngược lại đầy sức sống, đầy tươi vui. Rất nhiều lần tôi cứ ngỡ chừng như không khí này là không khí tươi vui của phòng một người bệnh đã được chữa lành, đang chờ đến giờ bác sĩ cho xuất viện về nhà thì đúng hơn.

Sư Ông thời thêm vài muỗng nước khoai môn nữa, rồi khoát tay ra dấu cho Ni Sư Diệu Trạm rằng, Ngài thôi dùng.

Trong những giờ phút sức khỏe thật yếu này, Ngài vẫn còn nguyên những nét dí dỏm thật có duyên. Ngài nằm đó, trên giường bệnh, mà hình như không có bệnh - rất nhiều lần tôi đã suy nghĩ như thế. Rõ ràng trong tâm tư Ngài rất nhẹ nhàng. Mọi việc chừng như chẳng có gì quan trọng xảy đến. Không biết có được mấy người bệnh nhân, nếu cùng hoàn cảnh thế này, với tình trạng sức khỏe nguy kịch như Ngài, vừa phổi có nước, vừa huyết áp cao, vừa nhịp tim quá nhanh – nhanh đến độ kỷ lục; rồi vừa gặp vấn đề thận, vừa gặp vấn đề gan, nhiều căn bịnh cùng một lúc, vấn đề nào cũng trầm kha - ấy thế mà tâm tư vẫn luôn nhẹ nhàng, vẫn đầy những nét khôi hài, trào phúng độc đáo. Nhiều năm làm việc trong bệnh viện, tôi chưa hề thấy người bệnh nhân nào như thế. Có lẽ tìm thì cũng có người như vậy, nhưng chắc chắn là rất hiếm hoi.

Đối diện với cuộc sống và cái chết cận kề, Ngài không dao động. Đối diện với những căn bịnh ngặt nghèo, Ngài vẫn thản nhiên. Chuyến viễn hành cuối cùng này với Ngài chắc chắn cũng là sự tự nhiên như đói thì ăn, như khát thì uống. Cái đến và cái đi không làm Ngài quan tâm, tôi nghĩ như thế. Nếu không bằng sự dày công tu tập từ nhiều năm, nhiều tháng thì khó lòng có được sự bình thản khi mà mạng sống mong manh đang treo trên đầu sợi chỉ. Hình ảnh Ngài những ngày này nằm trên giường bệnh, có phải chăng là hình ảnh của một vị tu tập sâu dày, dù thân có bệnh, nhưng tâm lúc nào cũng an vui. Hình ảnh này có phải là hình ảnh của một bậc tu tập phải cố gắng đạt được như lời Đức Thế Tôn đã từng dạy trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Phẩm Khổ Lạc, rằng: “Ta tu tập thế nào để nhỡ mai này nếu thân có không vui, mang nhiều căn bệnh, nhưng tâm thì vẫn luôn giữ được sự an vui, bình thản”. Những ngày cuối cùng bên Ngài, được hầu Ngài, tôi đã cảm nhận được điều đó rất sâu sắc ở nơi Ngài vậy.

Trời đã bắt đầu vào khuya, không gian trong bệnh viện đã yên tịnh lại càng tĩnh lặng vô cùng. Chừng khoảng giữa đêm, Sư Ông dạy chúng tôi: Hai người, một người nên đi nghỉ. Ni Sư Diệu Trạm cũng rất quan tâm đến tôi, nhìn tôi với nhiều cảm thông, Ni Sư đề nghị rất nhiều lần rằng tôi nên đi nghỉ trước, vì đã nhiều hôm bên Sư Ông chắc có nhiều mỏi mệt. Nhưng nhìn Sư Ông đêm nay, nghĩ đến tình trạng sức khỏe của Ngài, chúng tôi không ai muốn đi nằm nghỉ liền cả.

Lát sau, Sư Ông nói với Ni Sư Diệu Trạm hãy tìm một chỗ bên ngoài để nghỉ qua đêm. Cô Diệu Trạm xin phép Ngài được cùng ở lại trong phòng bệnh của Ngài tối nay. Sư Ông im lặng cho phép. Căn phòng bệnh này thật ra là căn phòng bệnh dành cho hai bệnh nhân nên khá rộng rãi. Đủ chỗ cho cả hai người thị giả Sư Ông nghỉ lại. Nghe Ngài dạy thế, tôi liền đề nghị Ni Sư Diệu Trạm đôi lần, xin nghỉ trên chiếc giường extra trong phòng, còn tôi sẽ trải tấm drap trên sàn kế bên chân giường của Ngài. Nhưng cô Diệu Trạm không chịu, và đề nghị rằng cô sẽ nghỉ dưới chân giường bịnh của Ngài. Ni sư còn nói thêm với tôi: “Thầy Pháp Quang đã vất vả nhiều ngày, hôm nay có Diệu Trạm phụ hầu Sư Ông, xin Thầy cứ nằm nghỉ.” Rất chân thành cảm ơn sự quan tâm của Ni Sư. Tôi đi nghỉ lúc đó khoảng 03 giờ sáng trên chiếc giường kế bên. Sư Diệu trạm cũng ngả lưng một chút trên những tấm drap trải dưới chân giường Ngài. Nhưng Ni Sư Diệu Trạm cũng chẳng nằm được là bao. Đứng lên nằm xuống rất nhiều lần, lúc quạt hầu Sư Ông, khi bưng ly nước nhỏ dâng Ngài.

Thứ Năm ngày mùng 8 tháng 8 năm 2013

Một ngày ảm đạm nhất trong những ngày ảm đạm.

Như lời thông báo của nhân viên bệnh viện về phản ứng phụ của thuốc điều trị gan, rằng có thể làm cho bệnh nhân phải bị tiêu chảy. Quả tình, đúng như vậy. Buổi tối khuya này, Ngài đã bị ba lần như thế. Nên đã mệt, Ngài càng có nhiều nét mệt mỏi hơn thêm. Dù vậy, trong từng lời nói, cử động, lúc nào Ngài cũng nghiêm trang, đầy những oai nghi, chánh niệm.

Trời hừng sáng, chừng khoảng 04 giờ, nghe giường bên Sư Ông có tiếng động, tôi mở mắt ra nhìn, Ngài đang từ từ ngồi dậy. Ngài ngồi dậy một mình. Từ đầu hôm đến giờ, cứ mỗi khi Ngài muốn ngồi lên, Ngài gọi, hoặc Ni Sư Diệu Trạm, hoặc tôi, hoặc có lúc cả hai chúng tôi cẩn thận, nhè nhẹ đỡ Ngài. Thế mà bây giờ, Ngài nhè nhẹ, từ từ, hai bàn tay già nua, yếu ớt nắm hai bên thanh giường, chỉ một mình Ngài tự ngồi lên. Tôi quan sát xem Ngài có cần chúng tôi giúp không. Không cần thiết. Hình như Ngài đang cần sự yên lặng. Nhìn lên gương mặt khô gầy của Ngài, tôi thấy đôi môi Ngài đang cử động. Tôi đoán chắc là Ngài đang niệm Phật hoặc cầu nguyện với Phật - cũng như đã vài lần tôi thấy trong những ngày trên giường bệnh trước đây. Khuya nay, sau thời tĩnh lặng ngắn ngủi này, Ngài rất thong thả, rất từ tốn, rất nhẹ nhàng, Ngài nói nho nhỏ, nhưng rất rõ ràng: “Phật Pháp Nhiệm Mầu.” Rồi chỉ với cánh tay phải, Ngài đưa lên chậm rãi, xá xuống một lần, cùng một lần cúi đầu. Rồi tiếp tục lần thứ hai, Ngài vẫn nói: “Phật Pháp Nhiệm Mầu”. Cũng một lần xá, một lần cúi đầu nữa. Sau cùng lần thứ ba vẫn vậy: “Phật Pháp Nhiệm Mầu.” Lại thêm lần nữa cánh tay phải gầy guộc xá xuống, và một lần cúi đầu cuối cùng. Nhìn Ngài lúc này, thấy tất cả sự thành tâm, sự trang nghiêm. Có điều gì thật thiêng liêng khi Ngài cầu nguyện với Phật, mà ngôn từ hạn hẹp của tôi không thể diễn tả nổi được. Phải tự nhìn thấy, phải tự chứng kiến thì mới thấy, mới cảm nhận phút giây thiêng liêng đó. Sau đó, Ngài nhẹ nhàng nằm xuống trở lại. Hình ảnh những giây phút này, ngay thời điểm tôi đang ghi lại những điều này, chừng như vẫn còn rõ ràng trước mắt tôi. Và âm thanh bốn chữ tán thán “Phật Pháp Nhiệm Mầu” của Ngài, tôi vẫn tưởng chừng như mới nghe Ngài vừa cất lên đâu đó.

Hôm nay, có Ni Sư Diệu Trạm phụ phần chăm sóc, nên tôi yên tâm tiếp tục nằm xuống, chợp mắt một chút. Tôi thiếp đi lúc nào không rõ. Buổi sáng thì có nghe Ni Sư kể lại, chừng lối 05 giờ sáng, Ngài cũng một mình tự ngồi dậy trên chiếc giường bệnh của mình mà không cần chúng tôi đỡ. Ni Sư thấy Ngài, hai bàn tay nhẹ nhàng vẫy vẫy và miệng thì nói: “Mời quý Ôn, quý Thầy vào đây.” Sư Diệu Trạm thưa với Ngài, khóa học đã chấm dứt, quý Ôn, quý Thầy đã ra về, rồi Ni Sư thỉnh Ngài nằm xuống trở lại. Nhưng khi đỡ Ngài nằm xuống, Ni Sư kể tiếp, Ngài lại gượng ngồi lên tức thì. Bằng một sức lực thật mạnh, Ngài trở lại tư thế ngồi như cũ. Rồi vẫn với đôi bàn tay gầy, Ngài nhè nhẹ vẫy vẫy và Ngài nói lần thứ nhì: “Mời quý Ôn, quý Thầy vào đây.” Ni Sư Diệu Trạm thưa: “Bạch Thầy, để làm gì?” Bằng hai chữ duy nhất, ngắn gọn, đơn giản, rõ ràng, Ngài nói: “Tụng kinh.”

Sư Diệu Trạm có kể tôi nghe rất nhiều lần về giây phút này. Chúng tôi nghĩ, có lẽ trong tâm thức Ngài lúc đó vẫn chỉ nghĩ đến sự hòa hợp của Tăng đoàn, vẫn chỉ nghĩ đến việc tất cả mọi người cùng ngồi lại với nhau trong sinh hoạt của Giáo Hội, trong tu tập, và vẫn chỉ nghĩ đến việc gây dựng tín tâm cho tất cả hàng Phật tử các nơi…

Sáng sớm tinh mơ, Ngài nằm trên giường, vẫn rất minh mẫn. Ngài hỏi mấy giờ rồi. Chúng tôi thưa với Ngài rằng gần 06 giờ sáng. Ngài dạy: “Buổi sáng phải công phu.” Ngưng một chút Ngài dạy tiếp: “Nhưng ở đây, phòng này chật hẹp thì thôi” Lòng tôi rung động. Chắc Ni Sư Diệu Trạm cũng không khác gì. Lạy Phật, tâm Ngài quá bao la. Ngay những phút này mà Ngài vẫn nghĩ đến sự tu tập, vẫn nghĩ đến hàng Tăng sĩ trẻ chúng tôi mà sách tấn, khuyên bảo. Phải chăng ý Ngài là muốn nhắc nhở, dạy điều thiết thực cho một hành giả trên chặng đường dài tu tập? Phải hạ thủ công phu. Lời Ngài dạy sáng này, dù chỉ có hai người nghe được, nhưng dường như đó là lời huấn thị, nhắc nhở, sách tấn, khuyên bảo tối hậu của bậc Trưởng Lão cho tất cả chúng ta, hàng Tăng sĩ trẻ hậu học. Kính bạch Giác Linh Ngài, chúng con xin hứa y giáo phụng hành. Sau đó có phone của HT Thích Bảo Lạc từ Úc gọi sang thăm HT, Ngài trả lời đôi câu rồi nằm nghỉ.

 

Sáng nay, Sư Ông mệt, mệt nhiều lắm. Buổi sáng, nhân viên bệnh viện vào xem Ngài có cần chi thì họ sẽ mang vào. Giờ phút này, biết Ngài không thể dùng chi được, chúng tôi nói khi nào Thầy chúng tôi có cần chi, chúng tôi sẽ ra báo xin nhờ họ giúp.

 

Trong lúc ưu tư về sức khỏe của Ngài, chúng tôi nghe có tiếng điện thoại reo lên. Kể từ khi Ni Sư Diệu Trạm đến được Turku tối qua, tôi giao lại chiếc điện thoại nhỏ của Sư Ông. Ni Sư bắt phone. Điện thoại của Thượng tọa Tâm Phương từ Úc gọi sang. Sau khi ngắn gọn kể về tình trạng sức khỏe của Sư Ông, Ni Sư Diệu Trạm có kê máy phone vào sát tai Ngài. Thượng tọa Tâm Phương trực tiếp thưa vài lời thăm hỏi Sư Ông. Sư Ông lúc ấy khá mệt, lắng nghe và trả lời yếu ớt. Nhìn gương mặt Ngài khi ấy, chúng tôi nghĩ chắc Ngài có nghe rõ lời thăm của Thượng tọa. Đó là cuộc điện thoại cuối cùng của chư Tôn Đức trước khi Ngài thị tịch vậy.

 
HT Minh Tam_tham tvquangduc

Ngoài 09 giờ sáng, nét mệt mỏi hằn trên gương mặt Ngài càng thêm rõ ràng. Hơi thở sáng nay khá dồn dập, mặc dù Ngài vẫn được cho sử dụng thêm dưỡng khí. Bác sĩ trưởng khoa và bác sĩ điều trị về gan đều có mặt trong phòng. Họ chỉ bước ra ngoài phòng khi có điện thoại. Chừng khoảng sau 09 giờ 30 Thầy trú trì Chùa Liên Tâm cùng vài Phật tử địa phương vào thăm Ngài. Nhìn thấy tình trạng sức khỏe của Sư Ông nguy kịch, chắc mọi người rất lo, rất xúc động. Mọi người đều nhìn Sư Ông thật sâu, thật kỹ. Hình như cố gắng thu hết những hình ảnh cuối cùng của Ngài vào tâm thức. Có vị còn muốn lưu giữ những hình ảnh cuối cùng này lâu hơn, nên cầm máy ảnh hoặc cầm Iphone hướng về Sư Ông để chụp hình hoặc quay phim Ngài. Tôi có đề nghị không nên chụp ảnh, quay phim lúc này, vì những hình ảnh của Sư Ông trong tình huống thập tử nhất sinh, tư thế nằm không ngay ngắn lắm, tay chân dây chuyền nước biển, trên mũi thì dây dưỡng khí v.v… Những hình ảnh thế ấy chụp lên sẽ không hay. Ngoài ra, e những người khác sau này nhỡ có xem hình sẽ hiểu lầm cho là mình thiếu phần kính trọng bậc Tôn túc Trưởng lão. Vả lại, còn có nhân viên bệnh viện người bản xứ đang đứng đâu đó trong phòng bệnh và trước cửa phòng Ngài nhìn vào, nếu thấy mình chụp ảnh, chắc chắn họ cũng sẽ không cho phép, rồi có thể họ hiểu lầm không hay về người Việt mình khi đứng trước những giờ phút nguy kịch của người bệnh…

Chừng khoảng 10 giờ, mọi người đi ra bên ngoài phòng bệnh. Còn lại Ni Sư Diệu Trạm đang đứng phía bên đầu giường săn sóc Sư Ông, và tôi đứng phía cuối giường cùng với hai vị bác sĩ. Họ đang nói về tình trạng sức khỏe vô cùng trầm trọng của Sư Ông. Họ nói về việc thay gan. Rồi họ cho biết tiếp với tình trạng quá yếu như vậy của Sư Ông thì rất khó lòng…. Sau này nghĩ lại thì thấy có lẽ các vị bác sĩ nơi này, trong cách nói chuyện của họ, là chuẩn bị tinh thần cho chúng tôi. Họ thông báo tình trạng thực tế lúc đó của Sư Ông và rồi họ nói tiếp một câu bằng Anh ngữ: “Your master will die.” Tôi chỉ nhớ mình đã hỏi lại họ trong cơn hốt hoảng, khá to tiếng: “What?” Họ lập lại. Tai tôi lùng bùng. Tôi không tin. Tôi không tin. Bàng hoàng. Toàn thân tôi lúc đó bủn rủn. Thế giới quanh tôi quay cuồng. Nghiêng ngửa. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, tôi kêu nhỏ: “Ni Sư Diệu Trạm, Ni Sư Diệu Trạm, có nghe bác sĩ nói gì không? “Cô Diệu Trạm nói: “Diệu Trạm không nghe gì cả, Thầy nói lại cho Diệu Trạm biết với.” Vì lúc đó, Ni Sư vừa rất chú tâm niệm Phật, và vừa đang lo cho Sư Ông, nên cô không để ý nghe bác sĩ nói gì. Kín đáo, tôi ra dấu cô bước hướng về phía cửa phòng bệnh, xa giường của Sư Ông, tôi nhắc nhỏ lại lời bác sĩ vừa nói cho nghe về tình trạng nguy kịch của Ngài. Ni Sư sửng sờ. Nghẹn ngào. Đôi mắt đỏ hoe. Nước mắt ứa trên bờ mi. Cả hai chúng tôi bậm môi để không bật thành tiếng khóc. Lòng tôi se thắt. Tim tôi như ai bóp nát. Không ai dần mà chừng như đau thấu tâm can. Giờ phút đó, chắc chắn trong lòng Ni Sư Diệu Trạm cũng đớn đau không phải là ít. Hôm nay, ngồi ghi lại những giây phút kinh hoàng, sầu khổ, long trời lở đất này trong cảnh lặng yên của Chùa Vạn Hạnh Đan-Mạch, lòng tôi vẫn còn dấy lên nhiều cơn sóng. Nước mắt vẫn còn thấm ướt. Bài viết này được thành hình trong bao nỗi bi ai, đã được viết trong làn nước mắt tưởng nhớ vị Thầy khả kính, mà nay không còn nữa.

Sau đó, các bác sĩ nói với chúng tôi, họ vừa liên lạc tức thì lên Trung tâm chuyên khoa về gan ở Helsinski, nhưng trên này cho biết với sức khỏe và tuổi cao của Sư Ông không thể nào chịu nổi cuộc thay gan. Họ cho biết tiếp, theo tiêu chuẩn của toàn Âu châu, người ta không thay gan cho những người lớn tuổi được.

Lối 10 giờ 20 phút, Sư Ông nằm im, hơi thở thật yếu. Tôi đứng bên phía vai phải của Ngài. Nhìn Ngài. Nấc nghẹn. Cố gắng niệm Phật. Tôi nhớ, trong phòng lúc ấy chỉ còn mình tôi. Ni Sư Diệu Trạm bận chạy ra bên trước cửa phòng bệnh nói chuyện với bác sĩ về những cách điều trị cho Sư Ông. Đồng thời Ni Sư cũng gọi điện thoại về cho Thầy Quảng Đạo, nhắn đại chúng Khánh Anh tập trung lên Chánh Điện để niệm Phật cầu nguyện cho Ngài.

Đứng bên Ngài, tim tôi chợt thót lên, tôi hốt hoảng, tôi kinh hoàng khi nhìn thấy Ngài nằm đó, màu sắc, làn da trên gương mặt như dần dần thay đổi. Kinh nghiệm những tháng năm trong bệnh viện, đây là dấu hiệu không tốt, hoàn toàn không được tốt rồi. Sư Ông mở mắt nhìn tôi. Tôi lặng người, nhìn Ngài thật kỹ. Linh tính cho biết có điều gì bất an. Tôi vội gọi Ni Sư Diệu Trạm trở lại. Ni Sư vào kịp, cùng bước lên, chúng tôi cùng đứng bên cạnh phía bên vai phải của Ngài. Chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn Ngài. Nhìn Ngài thật sâu. Miệng chúng tôi niệm Phật. Chúng tôi cố gắng thu hết những hình bóng hiền hòa, tự tại của Ngài trong giờ phút này vào ký ức. Chúng tôi thấy Ngài cũng nhìn chúng tôi lần cuối. Thời gian như ngưng đọng lại. Không gian như chùng xuống. Đúng 10 giờ 29 phút sáng, giờ Phần Lan, Ngài an nhiên thị tịch. Gương mặt Ngài nhẹ nhàng, bình thản, thanh thoát. Vẫn tràn đầy những nét từ bi, vĩ đại của một bậc Thầy.

Sau đó, Ni Sư Diệu Trạm cầm chiếc điện thoại nhỏ bé của Ngài, cô run run bấm số. Bên trời Paris, chư Tăng Ni và Phật tử Chùa Khánh Anh đang quy tụ trong ngôi Đại Hùng Bảo Điện, tất cả mới bước vào phần khai kinh. Nghe điện thoại reo vang. Tất cả sửng sờ, bàng hoàng nghe cú điện thoại thứ nhì của Ni Sư Diệu Trạm. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, xúc động, Ni Sư báo hung tin: “Sư Ông vừa viên tịch”. Sau những giây phút hãi hùng tiếp nhận ai tín, Thầy Minh Phú, Thầy Quảng Đạo cùng toàn thể đại chúng Khánh Anh đã cố nén lòng, dằn cơn xúc cảm ngồi lại thật chánh niệm trên điện Phật tại Bagneux, niệm Phật cầu nguyện cho vị Thầy tôn quý của mọi người. Tiếng niệm Phật cứ thế liên tục, liên tục nhiều tiếng đồng hồ hòa với hương trầm ngào ngạt quyện đầy không gian chánh điện Chùa Khánh Anh… Lời Thầy Quảng Đạo về sau kể cho tôi nghe về những giây phút trong Chùa Khánh Anh hôm ấy, hôm nay chừng như còn vang vọng bên tai tôi…

Còn nơi đây, trong căn phòng bệnh viện Khoa gan, nhục thân Ngài nằm đó an bình, tự tại chừng như đang chìm trong giấc ngủ dài.

Qua lớp cửa kính của bệnh viện, ngoài kia trên bầu trời Phần Lan sầu não với vài áng mây ảm đạm lác đác trôi qua. Ánh nắng mùa hạ của Turku, Bắc Âu hắt hiu, nhạt nhòa.

Đã hơn ba tuần trôi qua, câu chuyện trong lòng tôi vẫn cứ tưởng chừng như mới vừa xảy ra hôm qua, hôm kia.

 

Thành kính tưởng niệm Giác Linh Ngài.

Thành phố Odense, Đan-mạch, những ngày cuối hạ mây mù.
Viết xong đầu tháng 9 năm 2013
Thích Pháp Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]