Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếp Sức Đến Trường

01/09/201922:13(Xem: 4462)
Tiếp Sức Đến Trường


TIẾP SỨC ĐẾN TRƯỜNG

Ngọc Lãm

 

Tháng 7 âm lịch hằng năm, mưa trút hạt nơi đây, dày đặc, có khi cả ngày lẫn đêm không ngớt. Xứ này là một trong năm tỉnh thuộc Tây Nguyên. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thượng, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng,… nhưng lẫn trong chòm xóm ấy là cơ số người dân di cư từ các tỉnh miền Trung Việt Nam như Quảng Ngãi, Quảng Nam, và Huế. Họ sống thành từng cụm, đùm bọc lẫn nhau. Nguồn sống chính yếu của họ là trồng lúa nước và cà phê; tuy nhiên, canh tác vẫn còn thô sơ, không khác gì mấy chục năm về trước - thời mới ‘đi kinh tế mới’.

Cách đây chừng 20 năm, người viết khi ấy còn là một đứa trẻ lên bảy, gia đình thuần nông nên có dịp tiếp xúc, kề cận những con người lo chạy gạo từng bữa. Ba mẹ vốn dĩ là người gốc Quảng, nhưng ông bà hai bên di cư đã lâu, nên cũng có chút vốn liếng và đất đai. Ấy vậy, ngoài việc buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Thượng (danh từ dùng chung cho tất cả người dân tộc thiểu số ở đây), gia đình vẫn tá thêm đất ruộng của người Thượng để làm với giá trao đổi rất bèo bọt. Người viết vẫn còn nhớ, giữa khoảnh đất bạt ngàn, hai bên chỉ đứng nói với nhau vài câu, người Thượng đã thuận tình điểm chỉ lên tờ giấy bán mảnh đất vài mẫu tây của mình trong 10 năm như thế nào. Không phải người Thượng khờ, mà vì họ rất cần tiền để mua ‘văn minh’ từ người Kinh, để được sống như người Kinh, dẫu chỉ trong chốc lát họ cũng cam lòng. Mỗi mùa mưa đến, con đường khu người Kinh ở thì đặc quánh đất bùn đỏ; trong khi đó, khu người Thượng thì đặc sệt bùn lầy, đất trắng pha cát hoặc đất đen pha sỏi, cái nghèo khó bủa vây không chừa một ai. Khi ấy, không may mắn như trẻ em người Kinh, những đứa trẻ người Thượng vẫn chưa được đến trường, nếu em người Thượng nào được học hết cấp tiểu học là hy hữu lắm. 

Hai mươi năm đã qua, dù bây giờ các em đã được đến trường do chính sách miễn/giảm học phí, khích lệ đến trường học, nhưng vẫn còn đó những khó khăn khó thể diễn tả thành lời. Có những em, sáng đến trường, chiều lội ruộng bắt cua, hay đi sâu vào trong núi bẽ măng le về làm thực phẩm cho gia đình. Có những học sinh sáng lùa bò đi rẫy, trưa về không kịp tắm gội, nhịn đói đến trường. Có những em, vì nhà quá nghèo, lại cách xa trường học, nên cuốc bộ cả năm - bảy cây số, thậm chí hơn nữa để đến trường giữa trưa nắng mà đầu không đội mũ, chiều lại đi bộ về trong mưa tầm tã không có áo mưa. Có những em vì nhà quá nghèo, ba mẹ là thế hệ thứ 2/thứ 3 của dân di cư nhưng đều đi làm mướn, không đủ ăn từng bữa, nên đành bỏ dở chuyện học hành. Có những em học sinh, năm năm đi học, không biết đến bộ quần áo mới vào dịp khai giảng là gì; bởi ai cho gì mặc nấy. Trang phục đến trường của các em chủ yếu là từ các đoàn từ thiện quyên góp quần áo cũ và đem đến vào dịp sắp vào năm học mới… Còn rất nhiều nữa những điều thương cảm không thể biết và nói hết, bởi lẽ, người viết cũng chỉ là người đứng ngoài, chứng kiến một phân đoạn nhỏ cuộc sống của người dân nơi đây.

Một cô giáo trường mầm non từng tâm sự với người viết rằng: “Cô ước chi mình dư giả chút, để chỉ cần mỗi ngày các con tới trường, cô có thể bỏ thêm tiền túi mình ra, nấu cho các con bữa trưa đầy đủ hơn, bù đắp lại những bữa ăn thiếu thốn khi các con về với gia đình.” Đó chỉ là ước mơ nho nhỏ của cô, nhưng cũng đủ vẽ lại bức tranh hiện thực cuộc sống của các em đang ở trường. Cô còn kể, có những em hoàn cảnh rất đáng thương, ba do tai nạn mất đi, mẹ lấy chồng mới, em ở với ông bà già yếu, sống nhờ trợ cấp nhà nước, ngoài buổi đi học, buổi còn lại ở nhà chăm ông bà. Tới mùa gặt, em lại đi mót lúa, trong khi em chỉ mới là đứa trẻ lên 10, độ tuổi cần được sự chăm sóc của gia đình chứ không phải mưu sinh cho cái gọi là gia đình. 

Có thể, xét theo hệ quy chiếu không gian thì không ít người đọc những dòng trên sẽ nghĩ rằng: Hồi xưa, tôi cũng vậy, thậm chí còn khổ hơn nữa! Nhưng nếu xét đến thời gian, cách đây 20 năm hay 30 năm, thậm chí lâu xa về trước hơn nữa, trong cảnh người người nhà nhà đều phải chịu chung một sự thay đổi và sai lầm, lẫn sự mất mát, phải gầy dựng lại từ đổ vỡ, thì trong cảnh ấy chúng ta dễ dàng chấp nhận. Nhưng, trong đời sống có phần hiện đại hơn, khá giả hơn, ngày nay nếu còn những trường hợp thương tâm như vậy, thiết nghĩ, nếu có thể, hãy cùng nhau chìa tay ra “nắm lấy,” giúp đỡ các em phần nào, để các em thêm nghị lực sống, thêm chút phương tiện hiện hữu để các em đến trường, để ước mơ học hành của các em không bị dang dở. Vậy tại sao lại là giáo dục, tại sao đối tượng người viết hướng tới là các em học sinh mà không phải những trường hợp khác?

Người viết thiết nghĩ, trong trần gian vốn dĩ tạm bợ này, con người vì nghiệp lực sai biệt mà y báo lẫn chánh báo không đồng. Sẽ còn vô số những trường hợp thương tâm hơn, cần giúp đỡ hơn, nếu biết được những trường hợp ấy, trong khả năng của mình có thể, chúng ta đều sẽ giúp đỡ. Nhưng trước nhất và trên hết, người viết nhận thấy, giáo dục là sự “tái sinh,” là sự thay đổi vận mệnh con người và cả một thế hệ. Nếu giáo dục tốt, chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của dân tộc, vì lẽ, tương lai dân tộc đều trong tay thế hệ sau. Có thể, đời này, kiếp này, chúng ta không thể thay đổi được hiện trạng, nhưng nếu giáo dục đúng hướng, các thế hệ sau này sẽ có bước đột phá, dám nghĩ và dám hành động. Tại sao không? 

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ dám ước mơ mà không dám kỳ vọng cho những điều lớn lao như đã nói, chỉ xin nơi đây chút hy vọng vào sự thay đổi “số phận” của một con người. Bằng lòng thương cảm giữa người với người, bằng thuộc tính “người” luôn muốn chia sẻ và mong muốn cuộc sống tươi đẹp hơn, xin gửi đến quý Thầy, quý Sư cô và thiện hữu tri thức khắp nơi lời kêu gọi “tiếp sức đến trường.” Cụ thể là tặng xe đạp cho các em dân tộc thiểu số và thế hệ thứ 3/thứ 4 dân di cư miền Trung, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Ea Hiu, huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk; để mùa nhập học sắp tới, các em có phương tiện đến trường; cho các em biết và tin rằng: người với người sống để thương nhau.


Ngọc Lãm
     (30/7/2019)

 

ĐÁP ỨNG CỤ THỂ

NHU CẦU "TIẾP SỨC ĐẾN TRƯỜNG"

Vĩnh Hảo

 

Ngọc Lãm là bút hiệu của một sư cô sinh quán tại tỉnh Đắc Lắc, tốt nghiệp cử nhân Triết học Phật giáo, Khóa XI, tại Học Viện TP. HCM năm 2018; hiện đang hành đạo tại Sài-gòn. Sư cô tiếp xúc với các thầy cô giáo ở xã Ea Hiu, nghe được nhiều câu chuyện thương tâm, nhiều hoàn cảnh khó khăn, bức ngặt của các em học sinh miền núi; cảm thương mà viết bài này để kêu gọi "tiếp sức" cho các em.

Có gia đình nghèo cha mẹ đều đi làm mướn, thay nhau chăm sóc con gái bị teo cơ, bại liệt nằm một chỗ. Bé có 2 chị đang đi học trung và tiểu học. Lần cô giáo đến thăm thì người mẹ vừa đi bán tóc để lấy tiền mua tập vở cho con đến trường. Niềm hy vọng đổi đời của bậc cha mẹ nghèo khó dường như chỉ còn đặt nơi sự học của con cái. Tập vở đi học mà còn không có tiền để mua, thử hỏi một chiếc xe đạp 1 triệu 600 nghìn đồng VN (khoảng từ 75 đến 80 đô Mỹ) có phải là điều mơ ước quá xa vời không!

Đó chỉ là một trường hợp trong hàng ngàn, hàng trăm ngàn trường hợp nghèo khó khác trên các buôn làng cao nguyên, tây nguyên.

Để đáp lời sư cô Ngọc Lãm, xin kêu gọi sự ủng hộ của chư tôn đức Tăng Ni và quý bạn đạo: trước mắt hãy giúp cho khoảng 20 chiếc xe đạp để tặng cho các em học sinh nghèo tại xã Ea Hiu, huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk. Một số xe đạp sẽ trao tặng tận nhà các em (như trường hợp gia đình bé gái bị bại liệt), số khác sẽ được trao tặng tại trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh và trường Trung học cơ sở Ea Hiu.

 Xin chân thành tri ân chư tôn đức Tăng Ni và quý bạn đạo "tiếp sức" cho chương trình này.

California, ngày 30 tháng 7 năm 2019

Vĩnh Hảo

 

 ***

THÔNG BÁO VỀ VIỆC TẶNG XE ĐẠP VÀ TẶNG QUÀ

CHO HỌC SINH NGHÈO XÃ EA HIU, ĐĂK LĂK:

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa quý bạn đạo,

 

Như thư kêu gọi ủng hộ chương trình "Tiếp sức đến trường" đăng ngày 30/7/2019, chúng tôi có nêu nhu cầu trước mắt cho đợt tặng xe đạp tại xã Ea Hiu, tỉnh Đăk Lăk là 20 chiếc; nhưng chỉ trong vòng 1 tuần lễ, chư tôn đức Tăng Ni và quý bạn đạo đã đóng góp gấp đôi số xe đạp dự trù phát tặng.

 

Sư cô Ngọc Lãm và các thầy cô giáo xã Ea Hiu vô cùng mừng vui và cảm động trước lòng từ bi và tấm chân tình của quý liệt vị đã dành cho học sinh nghèo vùng sơn cước. Sư cô và quý thầy cô giáo sẽ bổ túc danh sách học sinh được nhận quà và sẽ tiến hành việc phát tặng trong những ngày sắp tới, trước ngày khai giảng của các trường trong nước. Và để ổn định việc lập danh sách, sắp xếp đặt mua xe đạp, mua tập vở, bút mực và quà cho các em cũng như các gia đình khó khăn, chúng tôi xin tạm ngưng nhận tịnh tài ủng hộ chương trình "Tiếp sức đến trường" cho xã Ea Hiu kể từ ngày hôm nay, 06/8/2019.

 

Tất nhiên với hảo tâm của chư liệt vị, việc phước thiện dành cho người nghèo khó sẽ không bao giờ ngừng nghỉ; vì sự đói nghèo, khổ đau của con người thì vô hạn. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận sự ủng hộ của quý liệt vị sau ngày 06/8/2019, nhưng sẽ dành cho những đợt phát quà, tặng xe đạp, xe lăn trong những lần sau - không nhất thiết là riêng xã Ea Hiu, tỉnh Đăk Lăk, mà còn rất nhiều nơi đói nghèo, thiếu thốn tương tự trên khắp quê hương chúng ta.

 

Xin chân thành tri ân chư tôn đức Tăng Ni và quý bạn đạo đã nhiệt tâm ủng hộ chương trình này.

 

California, ngày 06 tháng 8 năm 2019

Vĩnh Hảo

 

Ghi thêm ngày 31.8.2019:

Trong thời gian chờ đợi lấy danh sách cẩn thận, cũng như phải chờ lắp ráp và chở xe đạp đầy đủ từ thị trấn chở lên xã Ea Hiu, Sư cô Ngọc Lãm cho biết vẫn còn kịp để đón nhận sự đóng góp của quý vị mạnh thường quân gửi sau ngày 06.8.2019 (như thư thông báo trên); vì vậy, toàn bộ danh sách và số tiền ủng hộ đều đã chuyển về VN để tổ chức phát tặng cùng ngày 01.9.2019. Số xe đạp sẽ trao tặng đợt này là 54 chiếc, ngoài sự mong đợi của Sư cô và quý thầy cô giáo.

 

Được biết, thời tiết ở Đăk Lăk hiện nay mưa nhiều, đường sá lầy lội, không thể phát tặng riêng từng nhà cho các em, cũng như không thể phân phối cho 3 trường cách xa nhau được; vì vậy, Sư cô Ngọc Lãm cùng các thầy cô giáo tại địa phương sẽ tổ chức buổi phát tặng xe đạp cho học sinh nghèo tại nhà cộng đồng của buôn Jắt A, xã Ea Hiu. Danh sách học sinh nghèo đã được tuyển chọn kỹ lưỡng, là những học sinh đang học tại Trường Tiểu Học Nguyễn Đức Cảnh, Trường Tiểu Học Hùng Vương và Trường Trung học Cơ Sở Ea Hiu. Hình ảnh và bài tường thuật sẽ được đăng lên mạng nay mai.

 

Một lần nữa, chân thành cảm tạ hảo tâm của chư tôn đức Tăng Ni và quý bạn đạo khắp nơi đã gửi niềm thương về cho các mầm non đất nước.

 

DANH SÁCH ỦNG HỘ XE ĐẠP KHUYẾN HỌC ĐỢT 8:

TÊN  ỦNG HỘ NGÀY
 NI TRƯỞNG THÍCH NỮ GIỚI CHÂU (MỸ) $200 USD 30/07/2019
 CHIÊU HÀ & BẢO TẠNG (MỸ) $100 USD 30/07/2019
 TT. THÍCH TÂM HÒA (CANADA) $500 USD 31/07/2019
 DIỆU TỊNH (MỸ) $800 USD 31/07/2019
 NI TRƯỞNG THÍCH NỮ CHÂN ĐẠO (MỸ) - để mua tập vở, bút chì, chì màu và gạo cho học sinh nghèo. $500 USD 01/08/2019

 GĐ. ĐẠO HỮU TUỆ ĐỨC (MỸ)

$500 USD

01/08/2019

 TÂM TỊNH (MỸ)

$100 USD

03/08/2019

 SC. DIỆU HƯƠNG (MỸ)

$800 USD

06/08/2019

 TRẦN MỸ DUNG & TRẦN KIM ANH (MỸ)

$200 USD

06/08/2019

 NGUYỄN THỊ KIM DUYÊN (MỸ)

$200 USD

06/08/2019

 ĐỨC PHÁT (MỸ)

$100 USD

06/08/2019

 NGUYỄN THỊ THÙY - HƯƠNG THANH (MỸ)

$200 USD

06/08/2019

 NGUYỄN MINH (CANADA)

$200 USD

07/08/2019

 KIMME THU HẰNG (MỸ)

$200 USD

09/08/2019

 PHẠM XUÂN DUNG (MỸ)

$100 USD

09/08/2019

 QUẾ TIÊN & LAMI (MỸ) từ đợt 7 đưa sang

$300 USD

18/08/2019

 NGUYỄN CHI - QUẢNG MINH (MỸ) từ đợt 7 đưa sang

$100 USD

18/08/2019

 HỒ THU THỦY (MỸ)

$200 USD

31/08/2019

TỔNG CỘNG:

    $5,300 USD

www.vinhhao.info

 

Sau đây là một số hình ảnh ghi lại từ chuyến thăm xã Ea Hiu của Sư cô Ngọc Lãm:

tiepsuc 1_vhaotiepsuc 2_vhaotiepsuc 3_vhaotiepsuc 5_vhaotiepsuc 6_vhaotiepsuc 7_vhaotiepsuc 8_vhao

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/09/2021(Xem: 7574)
Đôi lời tao ngộ Quý vị đang cầm tác phẩm này trên tay là kết quả của mấy mươi năm học hỏi cũng như tu luyện. Quý Thầy Hạnh Bảo và quý Thầy Giác Ân, Giác Tri đã có ý hay là nên sưu tập những câu nói của tôi được đăng tải đó đây trên các bài viết, tạp chí hay sách vở trong 30 năm qua, nhằm đánh dấu một chặng đường đã đi qua và làm cơ bản cho chặng đường sắp tới của những người đệ tử. Suốt 30 năm trời (1978-2008) là một chuỗi thời gian quá ý nghĩa đối với tôi. Vì đời đã cho tôi một cơ hội để học hỏi. Đạo đã dạy cho tôi biết học hai chữ nhẫn nhục cũng như tánh không. Rồi đây tất cả ai trong chúng ta cũng phải ra đi; nên để lại một cái gì đó cho đời một món quà tinh thần thật ý nghĩa.
01/10/2020(Xem: 4011)
Người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi hãy đến xứ Nam truyền giáo của chúa Nguyễn là linh mục Buzomi, người Ý, có thể xem Buzomi là người chính thức đặt nền móng cho công cuộc rao giảng phúc âm ở xứ Đàng Trong.
25/04/2020(Xem: 4944)
Lần về Việt Nam, tôi đã được một nhóm bạn rủ đi tham dự ngày “Quốc tế công tác xã hội“ được tổ chức tại đường Tôn Đức Thắng, quận nhất. Chủ đề của buổi họp mặt là “Gặp gỡ yêu thương“, khách được mời chính là các em khiếm thị thuộc “Mái ấm Thiên Ân“ quận Tân Phú và Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Một chương trình khá hay, rất cảm động đầy lòng nhân ái và chủ đề buổi họp mặt thật thấm thía, mang ý nghĩa sâu xa vô cùng!
29/04/2019(Xem: 4689)
Những ý tưởng trong một bài viết ngót 30 năm trước bỗng hiện về trong giấc mơ đêm qua, cùng với hình ảnh người bạn từng chung bước trên chặng đường tranh đấu cho nhân quyền, khi thuyền nhân trong các trại tỵ nạn đang bị cưỡng bức trả về Việt Nam. Người bạn đó là cố nhạc sỹ Việt Dzũng. Sao giấc mơ lại tới trong thời điểm cuối tháng tư? Với tôi, không phải là tình cờ, vì chính bài viết này lại là một, trong những bài mà Việt Dzũng đã chia sẻ rằng “Xúc động lắm! Những rung cảm này thật quá! Thầm lặng mà lại rõ nét qúa! Chị cho Dzũng gom những bài viết khác của chị lại, in thành sách nhé!” .
14/11/2018(Xem: 4607)
Cách thành phố Mishima không xa có một ngọn núi không cao nhưng rất đẹp. Đó là núi Kanuki. Từ đây có thể ngắm núi Phú Sỹ rất tuyệt vời. Chính tôi đã một lần đi thiền hành lên đây, lên tận đỉnh, trèo lên 2 đài quan sát rất cao, cao nhất, để phóng tầm mắt về 4 hướng. Nhất là ngắm Phú Sỹ lúc buổi chiều. Hôm đó đã rất ấn tượng đối với tôi. Thật khó quên.
20/10/2018(Xem: 3036)
Bão mạnh và sóng thần ở châu Á khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn người mất tích; tàn phá nhà cửa, tài sản công và tư, thiệt hại vô kể. Bão lớn quét qua miền Đông và Đông nam nước Mỹ cũng lấy đi mạng sống của ba mươi người và hàng ngàn người còn mất tích… Hàng trăm ngàn người vẫn còn phải chịu đựng sự lụt lội, mất điện, lạnh giá, thiếu nước uống. Trong khi đó, gió Santa Ana như mọi năm đã thổi về, mang hơi nóng hầm hập sau cơn mưa rỉ rả một ngày một đêm của miền Tây nam.
09/10/2018(Xem: 2646)
“Không. Dứt khoát là không. Mấy đứa con của tôi không cần chữ nghĩa mà vẫn sống khoẻ mạnh, khôn lanh chẳng thua kém con nhà ai trong xóm này!”
27/09/2018(Xem: 2068)
Tôi vẫn hay mang bức ảnh chụp chúng tôi ngồi với nhau ở văn phòng công ty sách Thái Hà tại TP HCM trên đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận chụp cùng với doanh nhân Đặng Quang Trí và một vài anh em chiến hữu doanh nhân khác ra ngắm lại. Gặp nhau bên chiếc bàn giản đơn và bàn về ý tưởng của Trí: tặng 10.000 cuốn sách “Quản lý nghiệp”. Ngày xa xưa là thế đấy.
08/02/2014(Xem: 2902)
Trong đạo Phật tình thương là một năng lượng lớn, có thể ôm ấp và chuyển hóa được khổ đau. Sự giác ngộ không làm cho đức Phật trở nên dửng dưng bất động, không còn cảm xúc nữa, mà ngược lại, nó khiến tấm lòng của ngài trở nên rộng lớn hơn. Đạo Phật gọi đó là tâm từ,metta. Và tâm từ ấy cũng thường được biểu hiện bằng một thái độ biết ơn.
06/10/2013(Xem: 3062)
Thấm thoát cũng đã bảy năm kể từ khi con trai tôi Ryan qua đời. Ryan bị bệnh hemophilia (bệnh máu khó đông), và thằng bé nhiễm bệnh AIDS (bệnh liệt kháng) từ sản phẩm máu mà người bệnh xử dụng để giúp cho quá trình đông máu hoàn chỉnh. Việc này xảy ra trước khi con người thật sự hiểu biết nhiều về căn bệnh liệt kháng. Khi được chẩn đoán nhiễm bệnh con tôi chỉ mới mười ba tuổi. Các bác sĩ đã bảo với chúng tôi là may mắn lắm thì Ryan mới sống được thêm sáu tháng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567