Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Biết ơn giây phút này

08/02/201410:35(Xem: 2878)
Biết ơn giây phút này
hoa_hong (8)BIẾT ƠN
GIÂY PHÚT NÀY

Nguyễn Duy Nhiên

Trong đạo Phật tình thương là một năng lượng lớn, có thể ôm ấp và chuyển hóa được khổ đau. Sự giác ngộ không làm cho đức Phật trở nên dửng dưng bất động, không còn cảm xúc nữa, mà ngược lại, nó khiến tấm lòng của ngài trở nên rộng lớn hơn. Đạo Phật gọi đó là tâm từ,metta. Và tâm từ ấy cũng thường được biểu hiện bằng một thái độ biết ơn. Trong kinh có ghi lại rằng, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã đứng yên một khoảng xa để chiêm bái cây bồ đề trong suốt một tuần. Phật bày tỏ lòng tri ân sâu xa của mình đối với cây bồ đề đã che chở nắng mưa cho ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Có lẽ bài pháp đầu tiên đức Phật dạy cho cuộc đời, là một bài học về lòng biết ơn. Trong Kinh Tăng Chi bộ, đức Phật cũng thường khen ngợi những người biết nhớ ơn khi họ tiếp nhận một điều gì. Mà trong cuộc sống này chúng ta được tiếp nhận nhiều lắm, phải không bạn!

Lòng biết ơn mang lại hạnh phúc

Khi tâm từ tiếp xúc với khổ đau nó chuyển hóa khổ đau, khi tâm từ tiếp xúc với niềm vui nó làm tăng trưởng thêm hạnh phúc. Ông David Steindl-Rast là một tu sĩ người Áo, ông cũng đã từng theo học Zen với các vị thiền sư Nhật bản, như là Sōen Nakagawa thuộc dòng Lâm Tế và Shunryu Suzuki của dòng Tào Động. Ông Steindl-Rast nói, chúng ta ai cũng đều muốn đi tìm hạnh phúc. Ông đã gặp những người có hoàn cảnh rất thương tâm và nhiều bất hạnh, nhưng họ vẫn thật sự có hạnh phúc, và hạnh phúc ấy của họ lại còn lan tỏa đến những người chung quanh. Tại sao họ lại có thể được như vậy? Ông Steindl-Rast nói, “Vì họ biết nhớ ơn.” Ông tiếp, “Không phải vì ta có hạnh phúc mà ta biết nhớ ơn, nhưng chính vì lòng biết ơn mà ta có được hạnh phúc.” Xin bạn lắng nghe những chia sẻ dưới đây của ông David Steindl-Rast về năng lượng hạnh phúc của sự biết ơn.

Tiếp nhận giây phút này

“Bạn có nghĩ rằng hôm nay chỉ là một ngày nữa của đời mình chăng? Thật ra hôm nay không phải chỉ là ‘một ngày nữa’ thôi, mà nó là một ngày được riêng dâng tặng cho bạn. Ngày hôm nay. Được dâng tặng cho bạn. Như một món quà. Nó là một món quà duy nhất mà bạn có được trong giờ phút này. Và bạn chỉ có thể đáp lại một cách chính đáng nhất là bằng sự biết ơn của mình. Dầu cho bạn không làm gì hết, chỉ đáp lại bằng sự trân quý đối với món quà của ngày hôm nay, sống như đó là một ngày đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng của cuộc đời, thì bạn đã sống ngày hôm nay thật tốt đẹp rồi. Bạn hãy bắt đầu bằng mở mắt ra, và ngạc nhiên rằng bạn có một đôi mắt để nhìn.

Kìa một tia sáng với những màu sắc kỳ diệu, lúc nào cũng dâng tặng cho ta những niềm vui trong sáng. Hãy nhìn bầu trời, chúng ta hiếm khi nào ngước lên nhìn bầu trời. Thật ít khi ta lại chú ý đến những áng mây đẹp vẫn đang trôi ngang qua trong từng mỗi giây phút. Chúng ta có thấy được những sắc thái biến đổi của thời tiết khác nhau chăng, hay ta chỉ thấy thời tiết là xấu hoặc tốt mà thôi. Như ngay trong chính ngày hôm nay, thời tiết cá biệt này có thể sẽ không bao giờ trở lại một lần nữa. Những áng mây trắng với hình dạng ấy trên bầu trời, sẽ không bao giờ có mặt y như vậy một lần thứ hai. Bạn hãy mở mắt ra và nhìn cho kỹ đi…

Hãy nhìn vào những gương mặt của người bạn gặp. Phía sau mỗi khuôn mặt ấy là một câu truyện rất kỳ thường. Một câu truyện mà bạn không thể nào hoàn toàn hiểu thấu hết được. Không phải chỉ là câu truyện riêng của người ấy, mà còn là của tổ tiên, của nhiều thế hệ cha ông của họ. Quá khứ của mỗi chúng ta được bắt đầu từ một nơi rất xa xôi, một sự sống trải dài qua bao thời gian và biết bao không gian, và bây giờ nó có mặt ở nơi đây, trong giờ phút này. Bạn có thấy kỳ diệu không?

Hãy mở con tim của mình ra để tiếp nhận món quà nhiệm mầu mà nền văn minh này đã dâng tặng ta. Bạn bật một công tắc là đèn sáng ngay, bạn mở một vòi nước là tự nhiên có nước nóng hay nước lạnh tuôn chảy. Đó là những món quà mà hằng triệu và triệu người trên trái đất này có thể sẽ không bao giờ biết tới hay kinh nghiệm được. Và đó chỉ là một vài trong vô số những món quà tặng cho bạn, nếu như ta biết mở rộng con tim mình. Tôi cầu chúc cho bạn mở được lòng mình ra để tiếp nhận những may mắn và hạnh phúc này, và để cho chúng tuôn chảy qua bạn. Để rồi những người bạn gặp trên con đường mình đi cũng sẽ nhận được một hạnh phúc từ bạn. Chỉ cần qua ánh mắt của bạn, nụ cười, một sự xúc chạm của bạn, chỉ đơn giản bằng sự có mặt của bạn.

Hãy để lòng biết ơn ấy tuôn chảy thành những hạnh phúc tràn ngập chung quanh mình. Và ngày hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời. Và lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể nào trân quý những bạo động, chiến tranh, những sự hiếp đáp, và bóc lột trong cuộc sống. Và trên lãnh vực cá nhân cũng vậy, ta đâu thể nào hoan hỷ trước sự ra đi của một người thân, trước một sự phản bội, hay mất mát của nhau. Nhưng chúng ta hãy tiếp nhận những gì cuộc sống đang dâng tặng cho mình trong giây phút này. Chúng có thể là những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng ta nên chấp nhận và hãy làm những gì cần làm, để tiếp xúc với hạnh phúc. Đôi khi những kinh nghiệm khổ đau là cơ hội để chúng ta học bài học của mình. Mà nếu như ta không có khả năng để học lần này, thì rồi lần tới cũng sẽ có một cơ hội mới cho ta học lại mà thôi.”

Là hạnh phúc lớn nhất

Người biết tiếp nhận và biết ơn những gì xảy ra với một thái độ trong sáng, không bị lôi cuốn và xô đẩy bởi những thương ghét, người ấy sống tự tại và không sợ hãi. Ông Steindl-Rast chia sẻ, “Nếu bạn biết ơn, bạn sẽ không có sợ hãi. Nếu bạn không có sợ hãi, bạn sẽ không bạo động. Hành động biết ơn phát xuất từ một cảm nhận đủ đầy, chứ không phải từ một sự thiếu thốn nào, và ta sẵn sàng chia sẻ với tất cả mọi người.” Tôi nghĩ, có lẽ ông Steindl-Rast cũng đã đọc được đoạn này trong bài kinh Phước Đức, Mahamangala sutta,

Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ việc học đạo
Là phước đức lớn nhất.

Bạn thấy không, biết đủ và biết ơn, biết tiếp nhận những gì xảy đến cho mình như là một bài học trên con đường đạo, là một hạnh phúc. Và nó sẽ mang lại cho ta một phước đức lớn nhất. Và thái độ ấy thật ra không phải phát xuất từ một sự cố gắng nào của một cái tôi, mà chỉ là trở về với sự tĩnh lặng và trong sáng sẵn có của mình. Trở về để biết mà thôi.


Nguyễn Duy Nhiên
(http://nguyenduynhien.blogspot.com/)


BIẾT RÕ VIỆC ĐANG LÀM

Nguyễn Duy Nhiên

Trong bài kinh Tứ niệm xứ, Bốn lãnh vực quán niệm, đức Phật có dạy cách thực tập như sau,

“Khi đi, vị khất sĩ lại cũng ý thức rằng mình đang đi; khi đứng, ý thức rằng mình đang đứng; khi ngồi, ý thức rằng mình đang ngồi; khi nằm, ý thức rằng mình đang nằm. Bất cứ thân thể mình đang được sử dụng trong tư thế nào, vị ấy cũng ý thức được về tư thế ấy của thân thể…

Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng biết rõ việc mình đang làm; khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi mặc áo, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm.”

“Furthermore, when going forward and returning, he makes himself fully alert; when looking toward and looking away… when bending and extending his limbs…when carrying his outer cloak, his upper robe, and his bowl…when eating, drinking, chewing, and savoring…when urinating and defecating… when walking, standing, sitting, falling asleep, waking up, talking, and remaining silent, he makes himself fully alert.”

Biết rõ việc mình đang làm

Trong đoạn kinh ấy, Phật dạy chúng ta hãy đem chánh niệm vào tất cả những việc mình làm trong đời sống hằng ngày. Ngài không bỏ ra ngoài bất cứ một việc làm nhỏ nhặt nào hết, thận trọng và chú tâm mỗi khi làm một gì, dù có tầm thường đến đâu, “vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm”, he makes himself fully alert.

Theo như lời dạy thì trong bất cứ một hoàn cảnh nào, dù có thể là ngay giữa những khó khăn hay khổ đau, chúng ta cũng vẫn có thể tu tập được. Vì bất cứ một việc làm nào của ta cũng có thể giúp mình tiếp xúc được lại với sự kỳ diệu của sự sống. Điều kiện giác ngộ đang có mặt ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm” mà thôi.

Và có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, thật ra chúng ta đâu cần phải đợi chờ một hoàn cảnh thuận lợi, hay tìm kiếm một pháp môn đặc biệt nào, mà chỉ cần có mặt và thấy rõ những tư thế, phản ứng, cảm xúc, tâm ý của mình trong mỗi việc đang làm, ngay bất cứ nơi nào mà mình đang có mặt.

Ta có thể nào luôn biết được chăng?

Nhưng chúng ta có thể lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm” không, việc ấy có thể thực hiện được chăng? Trong đoạn kinh trên, đức Phật kể ra tất cả những hành động bình thường trong đời sống hằng ngày. Ngài không hề nói việc làm nào là quan trọng hơn việc nào, tất cả đều cần phải được biết rõ y như nhau.

Có lần trong một buổi nói chuyện, tôi có chia sẻ về đoạn kinh trên với mọi người. Sau đó, có một người bạn đến nói rằng, nếu như trong cuộc sống hằng ngày mà ta cứ phải liên tục chú ý đến mỗi hành động chi li của mình, thì việc ấy không thực tế chút nào, mà còn là chuyện bất khả thi nữa!

Tôi nghĩ nhận xét của người bạn cũng có phần nào đúng, chúng ta khó có thể nào mà cứ liên tục chú tâm đến mọi việc xảy ra. Nếu như “Ta” lúc nào cũng cứ phải chú tâm đến từng hành động, mỗi việc làm của mình, thì chắc chắn sẽ là mệt mỏi lắm. Nhưng chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn lời Phật dạy về việc “biết rõ việc mình đang làm”, và với một cái nhìn rộng lớn hơn.

Với một thái độ buông thư và rộng mở

Các vị thiền sư thường hay nói về một cái tánh biết sẵn có. Có lẽ là “Ta” sẽ không thể nào biết rõ hết mọi việc mình đang làm, nhưng “cái biết” tự nó có thể làm được việc đó. Khi ta biết để yên, thì cái biết của mình sẽ phát sinh lên tự nhiên thôi. Những sự cố gắng thường mang lại cho ta khó khăn và trở ngại, vì đó là sự dụng công của một cái Tôi, cái Ngã. Và thường khi hễ cái Ngã có mặt thì cái Biết sẽ vắng mặt.

Ta không thể “biết rõ việc mình đang làm” bằng một sự dụng công hay gắng sức nào, nhưng chỉ có thể bằng một thái độ buông thư và rộng mở, cho phép tất cả có mặt, để thấy được những gì đang xảy ra. Vì khi ta rộng mở ra, thì cái ngã của mình sẽ bớt đi năng lực kiểm soát của nó, và nhờ vậy mà cái biết của mình cũng sẽ khởi lên dễ dàng hơn trong giờ phút hiện tại.

Bạn biết không, thật ra ta không thể nào bước vào giờ phút hiện tại được, bởi vì hiện tại lúc nào cũng đang hiện hữu. Vấn đề khởi lên khi “Ta” cố gắng để có mặt trong giờ phút hiện tại này. Cũng như một con cá thong dong giữa đại dương lại cố gắng trở về lại với nước, hay con chim đang bay trong không trung lại muốn tìm kiếm một bầu trời.

Nếu như ta bớt đi sự dụng công tìm kiếm của mình thì hiện tại chỉ là một sự trở về thôi. Hiện tại đâu phải là một khoảng không gian hay thời gian đóng kín hay giới hạn nào, mà ta phải cố gắng mới có thể bước vào. Chỉ cần biết buông thả ra thì hiện tại nhiệm mầu sẽ có mặt.

Chánh niệm và tỉnh giác

Tôi nhớ có lần nghe Thầy Viên Minh chia sẻ về hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm và tỉnh giác là hai yếu tố khác nhau về tính chất và tác dụng, nhưng chúng lại bổ túc và hầu như luôn đi đôi với nhau như hai mặt của bàn tay. Chánh niệm thuộc về định, và tỉnh giác thuộc về tuệ. Chánh niệm giữ tâm trọn vẹn trên đối tượng, và tỉnh giác soi sáng đối tượng.

Ví như cây đèn pin, giữ yên hướng chiếu đúng trên đối tượng là chánh niệm, chiếu sáng để soi thấy đối tượng là tỉnh giác. Nếu không giữ đủ vững ta sẽ không thấy, và nếu đèn không đủ sáng thì cũng không thấy. Giữ không yên thì tâm chưa đủ định, nhưng giữ quá yên không di động được, thì bỏ mất đối tượng luôn chuyển động, như vậy là chánh niệm không đúng mức.

Và tôi nghĩ, nếu như ta muốn lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm”, chúng ta đừng nên cố gắng giữ quá chặc “cây đèn pin” ở một chỗ, mà nên buông thư và để cho nó vận dụng tự nhiên, được như vậy nó có thể soi sáng việc nào cần thiết. Và vì vậy, “biết rõ việc mình đang làm” thật ra đòi hỏi nơi ta một sự buông thư tự nhiên, hơn là một sự dụng công mệt mỏi.

Buông bỏ ý muốn kiểm soát

Đoạn kinh trên kể lại hết tất cả mọi kinh nghiệm nào có mặt trong đời sống hằng ngày của mình. Dường như Phật có ý muốn khuyên ta đừng nên cố gắng kiểm soát bất cứ một việc gì đang khởi lên, mà chỉ cần “biết rõ” hết tất cả.

Và muốn “biết rõ” được tất cả, chúng ta cần phải có một thái độ tiếp nhận trong sáng, đừng có một ý riêng muốn thay đổi chúng khác hơn. Ta không nắm giữ mà cũng không xua đuổi một kinh nghiệm nào, không mong cầu và cũng không chối bỏ một điều gì, chỉ thật sự có mặt trọn vẹn với tất cả. Vì khi ta có ý định muốn kiểm soát hay thay đổi, cái thấy của ta sẽ bị lu mờ đi vì một cái Tôi muốn điều khiển của mình.

Nhưng buông bỏ sự kiểm soát không có nghĩa là ta sẽ không còn cần phải làm gì hết. Mà vấn đề là ta làm với một cái biết trong sáng và rộng mở, hay bằng một cái tôi muốn kiềm chế và nhỏ nhen.

Trong đoạn kinh ấy có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, ta có thể đạt đến sự tỉnh giác trong khi làm những công việc thường ngày. Ta vẫn có thể làm những gì cần làm với một thái độ trong sáng, và không bị điều khiển bởi bản ngã.

Thường khi làm một việc gì, là ta có ý muốn thành tựu một mục tiêu nào đó. Nhưng cũng vì ý muốn ấy mà ta có thể vô tình đánh mất đi thực tại trong lúc làm việc. Như khi pha một ly cà phê chẳng hạn, ý muốn và sự toan tính của ta về tách cà phê ấy có thể làm mất đi sự sống đang có mặt. Hành động pha cà phê của ta cũng quan trọng y như sự thành tựu được chính ly cà phê ấy vậy.

Hạnh phúc là con đường

Ông A. J. Muste nói, There is no way to peace; peace is the way. Ta không thể nào tách rời được con đường mình đi ra khỏi với lại nơi mình sẽ đến. Trong công việc mình làm, bạn hãy cẩn thận và chú tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh ta, âm thanh của cốc cà phê đặt trên dĩa, hơi nước nóng, cảm giác an vui, ánh nắng và lá xanh bên ngoài khung cửa sổ… hãy cho phép sự sống có mặt ngay trong công việc mình làm. Tách cà phê ngon đã có mặt từ giọt nước thơm trong đầu tiên.

Chúng ta không hề đánh mất hiện tại hay xem thường tương lai, nếu như ta hoàn toàn sống và trãi nghiệm việc đang mình làm, chứ không chỉ chú trọng đến mục tiêu và nơi đến. Và khi ta ý thức rằng nơi đến không phải là mục tiêu duy nhất, con đường mình đi sẽ trở nên thênh thang và tốt đẹp hơn, và nếu như có việc gì bất ngờ xảy ra ta cũng sẽ giải quyết được chúng dễ dàng, vì không bị ràng buộc.

Điều kiện giác ngộ đang có mặt ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm.” Nhưng đó không phải là một sự dụng công hay cố gắng nào, mà chỉ là một sự rộng mở và buông xả thôi, vì đó là điều kiện cho một cái biết trong sáng có mặt.


Và được như vậy rồi thì đi vào nơi nào hay trở về từ đâu, ta cũng có một cơ hội để sống trong tỉnh giác, “when going forward and returning, he makes himself fully alert…”


Nguyễn Duy Nhiên
(http://nguyenduynhien.blogspot.com/)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2013(Xem: 1512)
Bế đứa con trai vừa mới chào đời lên, bà mẹ nhè nhẹ đong đưa đôi tay và hát: Thương con mẹ thương con Yêu con mẹ yêu con Yêu suốt một cuộc đời Ðến ngày con lớn khôn... Ðứa bé càng lúc càng lớn lên. Khi được hai tuổi, nó chạy chập chững bước thấp bước cao nô đùa quanh nhà, lôi sách vở trên kệ xuống để nghịch phá.
28/05/2013(Xem: 1449)
Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi. Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học.
28/05/2013(Xem: 1488)
Trong một trại phong cùi nọ, các bệnh nhân hầu như đều bị bỏ rơi trong quên lãng, họ sống lầm lũi trong đau khổ cả thân xác lẫn tâm hồn. Những tháng ngày còn lại trên trần gian chỉ là những tháng ngày vô vọng, buồn tẻ và cô đơn. Duy chỉ có một người đàn ông luôn mỉm cười, vui tươi và hạnh phúc.
28/05/2013(Xem: 1350)
Một con chuột nhìn qua vết nứt của vách tường và trông thấy một bác nông dân cùng với vợ đang mở một chiếc hộp. “Hẳn là có đồ ăn gì trong hộp?” - con chuột tự hỏi. Nhưng liền sau đó, nó hốt hoảng khi phát hiện ra đó lại là cái bẫy chuột. Chuột ta bèn chạy ra ngoài vườn và la làng la xóm: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”
28/05/2013(Xem: 1425)
Một cơn bão vừa tàn phá thị trấn nhỏ gần thành phố của chúng tôi làm nhiều gia đình phải sống trong cảnh khốn khó.Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất. Có một bức ảnh làm tôi xúc động. Một phụ nữ trẻ đứng trước ngôi nhà đổ nát của mình, gương mặt hằn sâu nỗi đau đớn.
28/05/2013(Xem: 1648)
Trong vùng ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn bên bàn ăn, bao quanh là cả gian nhà đang ngủ yên trong bóng đêm, tôi lặng lẽ ngồi khóc một mình. Cuối cùng, tôi cũng đưa được hai đứa con lên giường ngủ. Là một ông bố mới vừa chịu cảnh gà trống nuôi con, tôi phải vừa làm bố, vừa làm mẹ của hai đứa con nhỏ.
28/05/2013(Xem: 1591)
Một chàng trai trẻ đến gặp một chuyên gia về đá quý và nói về ước mong được trở thành một nhà nghiên cứu về đá quý. Chuyên gia nọ từ chối vì ông sợ rằng chàng trai không đủ kiên nhẫn để theo học. Chàng trai cầu xin một cơ hội. Cuối cùng, vị chuyên gia đồng ý và bảo chàng trai: “Ngày mai hãy đến đây”.
28/05/2013(Xem: 2264)
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “ Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất.
28/05/2013(Xem: 2050)
Cuộc đời giống như một chiếc hộp trống mà ta phải lấp đầy sao cho thật ý nghĩa. Bạn đang có gì trong “chiếc hộp đời”? Người đời thường giới hạn sự chọn lựa và đôi khi bỏ đầy vào hộp với chỉ một thứ. Đó là thứ gì? Đối với một số người đó là công việc.
28/05/2013(Xem: 2169)
Một ngày kia, đám yêu tinh họp nhau lại để tìm cách phá hoại cuộc sống của loài người. Yêu tinh đầu đàn lên tiếng: “Với loài người, hạnh phúc là thứ quí giá nhất. Vậy chúng ta hãy đánh cắp thứ quí giá nhất của họ và giấu ở nơi mà họ không thể tìm thấy được. Các ngươi thấy sao?”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567