Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm nghĩ khi đọc một số bài thơ của Sư trưởng Như Thanh

01/04/201320:49(Xem: 11504)
Cảm nghĩ khi đọc một số bài thơ của Sư trưởng Như Thanh

Su_Ba_Nhu_Thanh


Cảm Nghĩ Khi Đọc Một Số Bài Thơ Chữ Hán
Của Sư Trưởng Như Thanh

Trần Tuấn Mẫn


Sư trưởng Như Thanh đã sáng tác, biên soạn và dịch thuật khoảng 20 tác phẩm Phật học. Riêng về thơ, Sư trưởng cũng có ít nhất 8 tập với các đề tài về đạo, về khuyến tu, về sự cảm nhận thực tại của một nhà tu sĩ đã thấm nhuần và thể nghiệm giáo pháp của Đức Thích Ca. Thơ của Sư trưởng gồm nhiều thể loại: thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát, song thất, Đường luật. Đặc biệt mới đây tôi có được đọc tập thơ chữ Hán, gồm 25 bài mà tôi rất tâm đắc. Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin nói đến một đề tài khá đậm nét trong tập thơ, đó là sự thể nghiệm sâu sắc về cái thực tại rất mực cụ thể, rất mực sinh động, hồn nhiên lại vô cùng vi diệu của nhất như, bất nhị, bình đẳng, "ngay ở đây và bây giờ" và vẫn như thế từ vô thỉ đến vô chung.

Trước hết, là một vũ trụ quan của tính Không (Sunyata) làm căn bản cho cái nhìn về thế giới duyên sinh, hữu vi đầy những chuyển biến, đầy tính đa thức của vọng tình phân biệt. Chỉ có đứng trên quan điểm tính Không, tức cái thực tướng của Chân không, cái Không tuyệt đối và vô cùng mầu nhiệm, bất khả tư nghì rồi thì mới thấy cái ảo hóa của Có, Không đối đãi để rồi hợp nhất đúng vào tổng thể Chân như:

Chân không thực tướng lộ nguyên hình,

Sắc sắc, không không liễu liễu mình.

Tức sắc, tức không, chân thể hiện,

Phi không, phi sắc, vạn duyên trình.

(Thực tướng)

Vì Không tính là pháp tính, vì tính của pháp là Không thì tướng của pháp dù có muôn hình vạn trạng vẫn chỉ là biểu hiện của cái Không tuyệt đối, tức là mọi sự vật chỉ hình thành do duyên mà thôi:

Pháp tướng vô biên vạn sự thành,

Trùng trùng vật sắc tự duyên sanh.

(Pháp tướng)

Cái thế giới vô lượng vô biên của pháp tướng mà ta quan niệm đối đãi bao gồm tâm - cảnh, ta - người luôn luôn chuyển biến được gọi là thế giới tâm vật lý hay thế giối hiện tượng. Nó được gán vào bao nhiêu là ý niệm, bao nhiêu là tên gọi khởi từ những cảm thọ của ta. Nó là thế giới của phân biệt (vikalpa) như kinh Lăng Già tuyên bố "Tam hữu duy phân biệt".

Do kết quả tu tập lâu dài, tác giả lĩnh hội, thể nghiệm về một cái nhìn vượt qua thế giới của phân biệt và đề nghị ta nên có cái nhìn ấy. Chỉ có như thế ta mới thấy được "thế giới đúng như nó là". Như thị, như như, nhất như, chân như, chân thực đều là những từ Hán dịch từ Phạn ngữ Tatwam, hay Tathà, hay Tathàta. Vì là Chân như nên thế giới dù mang vẻ đa phức, vẫn là thể hiện của cái chân tính nhất như, bất dị hay bất nhị (Advaita, Advaiya) và bình đẳng (Sama), bất sinh (Anutpanna):

Pháp phá nguyên lai bổn thể đồng,

Bất sinh bất diệt vạn duyên thông.

Như như bình đẳng vô nhân ngã,

Thị thị chơn thường, tuyệt sắc không.

(Pháp tính)

Chỉ bằng bốn câu thơ trên, Sư trưởng Như Thanh đã khẳng định một thế giới quan đúng đắn chân thực: Một sự vật đều cùng một bản thể, thỉ chung vẫn như thế, không sinh diệt, luôn bình đẳng không hề có phân biệt ta với người, sắc với không, hay nói một cách khác là bất nhị. Đó là Pháp tính (Dharmata) vậy. Vậy, tất cả mọi việc đều như thị, như thế, là đồng là bình đẳng, vô phân biệt.

Tâm cảnh, sắc không đồng nhất thể,

Chân không thực tướng lô nguyên hình

(Thực tướng)

Một khi đã thông hội với thực tướng của chân không thì lý bình đẳng bất sinh lại càng được hiển lộ: tất cả đều hòa đồng, đều thuận hợp. Vì pháp tính vốn là Không nên không cảnh, không tâm, không đây, không đó, chỉ có sự khế hợp mà thôi vậy. Ý niệm về hạnh phúc, khổ đau, về phàm, thánh, về Niết bàn, trần thế chỉ còn lại sự tịch lặng trong diệu dụng của nhất như:

Phi cảnh, phi tâm, phi bỉ thử,

Khế thời, khế sự, khế tây đông.

(Pháp tính)

Hay:

Nhân tâm, vật cảnh vô sai biệt,

Thành ý, phàm tình tự giả không.

(Diệu dụng)

Và:

Cực lạc, Ta bà đồng nhất phẩm.

Pháp thân thanh tịnh thể an nhiên.

(Pháp thân)

Chính vì không phân biệt, hành giả đạt được tự tại, thong dong của sự thể hiện Đạo viên mãn, dứt triệt mọi ranh giới chia cách của nhị biên, điều mà tác giả gọi là tính vô ngại của sự dung hợp viên mãn:

Viên đạo dung thông vạn pháp thành,

Ngã nhân, tâm pháp bất tương tranh.

Đề huề khế hợp Không hòa Sắc,

Tương tức tùy duyên nhiễm hóa thanh.

(Viên dung vô ngại)

Vô ngại là diệu dụng của một quá trình công phu tu tập để thâm nhập thực tại. Chân như bàng bạc khắp thời gian và không gian nằm sâu kín bên trong, lại bao trùm cả vạn pháp hữu vi. Cho nên, sự tùy nghi là một thuộc tính của tự tại giải thoát. Tâm này là Phật, Phật ấy là tâm, gặp duyên là lập tông chỉ, gặp chỗ là làm chủ nhân, đâu cũng là nơi để mình làm người điều ngự, đâu cũng là chân lý, ngay đây là đúng, ngay đây là an lập:

Đương tâm tức Phật, thị tâm thị Phật,

Ngộ duyên tức tông, tùy xứ tác chủ.

Tuỳ xứ tác chủ, lập xứ giai chân,

Đương xứ tức chân, tùy xứ an lập.

(Danh ngôn danh lý)

Đoạn thơ hùng hồn, mãnh liệt, lại thong dong thoải mái nghe như bản tuyên ngôn về một thái độ sống đạo, tự do và giải thoát tâm linh. Chính trên lập trường này mà hành giả càng lúc càng thấy ra cái ý nghĩa kỳ diệu của Chân như tịch mịch vốn dĩ vô cùng tha thiết thâm trầm, vốn tự bao giờ đã hiện hữu, lừng lựng và từ đó hành giả nhận ra rằng: Khổ đau là do sự phân biệt của một cái tâm điên đảo chứ thực tại có làm gì đâu! Hoa nở, chim về, gió thổi, mây bay, trăng sáng, nước trôi thực là nhẹ nhàng, thi vị, đâu có ý nào, đâu có lời nào! Tất cả là những bóng dáng của nhất như, rất tự nhiên, rất cụ thể, lại vô cùng linh diệu:

Nhạn tự vô tâm khứ

Phong nguyên bất trước lại.

(Thiền đạo)

Hay:

Thuỷ tại hải trung vô ý thuyết,

Nguyệt lưu thiên thượng bất ngôn trang.

Xuân lai đông khứ uyên nguyên lộ,

Nhạn ngữ hoa ngôn ảo diệu tràng.

(Ngộ đạo)

Từ đó, niềm vui sống đạo của hành giả trở nên trong sáng, hành giả thể nhập lý Không, tức là tâm cảnh vô phân biệt trong thái độ vô chấp

Thiền duyệt an tâm lạc cảnh đồng,

Liễu tri vạn sự tất giai không.

Chân linh nhất phiến vong nhân ngã,

Diệu thể vô ngôn tuyệt tổ tông.

(Thiền duyệt)

Nhưng để có được niềm vui Thiền, để có được cái chân linh, thông hội được cái diệu thể của vô ngôn trong lòng cái thế giới hữu vi vô thường (Nhàn khan thế giới tùy duyên hiện) thực không phải dễ dàng. Sư trưởng Như Thanh, gần suốt một đời, với gần 70 hạ lạp đã trăn trở, thao thức, đã nghiền ngẫm kinh luận, đã thực hành giới hạnh và thiền định trong nỗ lực tinh tấn liên tục. Quá trình này đã được Sư trưởng bày tỏ qua nhiều pháp ngữ thiền thi:

Học nghiệp tinh thần tự đảm đương,

Thời thời ôn cố trí tư lương.

Thân tâm tĩnh định trí nhân lực,

Trí huệ minh khai ngộ phước hương.

(Cảm đề)

Bốn câu thơ trên là cả một quyết tâm hạ thủ công phu, thực hành Giới Định, Huệ làm tư lương cho cuộc hành trình tìm về thực tại. Sư trưởng nhấn mạnh đến nguyện, đến hạnh, đến sự xả bỏ tham dục, đến quyết tâm tinh tấn, nuôi dưỡng thần khí:

Nguyện thâm, hạnh đại, khí tịnh, thần thanh.

Hay:

Ly dục tịch mịch, đoạn hoặc chứng chân,

Nội thủ công thâm, thần minh khí tịnh.

(Danh ngôn chân lý)

Quá trình tu tập như trên là một kinh nghiệm thâm sâu và cụ thể của Sư trưởng, cũng là pháp ngữ về sự tiến tu cho mọi người nhất là cho hàng lậu học. Đây là cái công phu mà mỗi người phải thực hiện bằng chính tự mình, xa rời hai cực đoan của sự chạy rông truy tìm chân lý bên ngoài và của sự kiêu mạn xem mình là bậc tu chứng tự tri, để rồi kiếp kiếp phải lang thang qua những đau thương mịt mùng trong cuộc mê du vô tận.

Trên đây, là những dòng ngẫu cảm qua một số bài thơ trong tập thơ chữ Hán của Sư trưởng Như Thanh. Cái khí vị lưu lại trong tôi ngoài nội dung súc tích của tập thơ là những lời lẽ trang nghiêm thuần hậu, thâm trầm như một tỏ bày tâm sự, tự nhiên, tự tại như tiếng nói của mây, nước, đất, trời; lại thâm thiết như lời giáo huấn của bậc Tôn sư đầy bi nguyện. Cao quý, chân thực và đẹp đẽ thay những bài thơ chữ Hán của Sư trưởng Như Thanh !

---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2012(Xem: 17448)
Ánh sáng từ trái tim trong sáng (clear heart) của vị thiền sư đang thiền định từ nửa đêm đến gần rạng sáng đã trở thành ánh trăng, và bởi vậy, trăng vẫn sáng...
13/01/2012(Xem: 13793)
Xuân pháo đỏ cúc vàng bánh tét Con thơ cười giữa tiếng trống lân Khói nghi ngút giữa nhan và pháo Chan hòa trong nắng ấm tình xuân
03/01/2012(Xem: 6667)
Bánh Chưng bánh Tét vui Xuân đến Hoa Cúc hoa Mai mừng Tết sang Thềm Xuân gió thoảng mưa rơi nhẹ Tâm bình thanh thản chúc an khang
03/01/2012(Xem: 10039)
Nửa mùa tóc trắng bơ vơ, Mắt xanh mòn mỏi chợt mơ vô thường...
01/01/2012(Xem: 15941)
Chớ vương vào có, mơ có có ! Học đạo không không, phải thật không Có có mà chi đeo với có ! Đã không, thì chớ cột vào không. Luân hồi sanh tử, ôi có có !
11/12/2011(Xem: 9629)
Ra đi khắp bốn phương trời Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa Ta về gặp lại tình ta Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân.
05/12/2011(Xem: 11472)
Kính thành đốt nén tâm hương Chúc cho muôn loại ánh dương chan hòa Đại đồng thể tánh bao la Gia đình vô kỷ, thăng hoa xuất trần Tân xuân tươi sáng trong ngần Niên niên đoạn hết những phần trắc nan An vui cùng khắp thời gian
28/11/2011(Xem: 24380)
Xin chắp tay hoa mỉm miệng cười Hoa Ưu Đàm Bát nở xinh tươi Xanh vàng đỏ trắng sen thơm ngát Phiền não, Bồ đề, một niệm thôi
26/11/2011(Xem: 20694)
Đất lành còn đó dư hương Xuân thu đông hạ hằng vương vấn lòng Ngày về mòn mỏi ngóng trông Nào ai hiểu được thuyền không nước buồn
24/11/2011(Xem: 7940)
Chiếc Bóng Như Lai
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]