Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận lý học Phật giáo của Nguyễn Khuê

15/08/202410:12(Xem: 1697)
Luận lý học Phật giáo của Nguyễn Khuê

Luan ly hoc Phat Giao-2
Luận lý học Phật giáo
của Nguyễn Khuê

 
(PGNĐ) -  Đức Phật đặt nặng vấn đề giải thoát khỏi khổ đau, hướng dẫn con người theo con đường tu tập, lấy trí tuệ để thể nhập chân lý tối hậu, Niết-bàn. Ngài phê phán những tri thức, những lập luận tranh cãi lý thuyết suông mà Ngài gọi là những thứ vô bổ, hý luận. Tuy vậy, Ngài vẫn dạy cho hàng đệ tử cách suy nghĩ, cách lập luận đứng đắn để có chánh kiến, phân biệt đúng sai để tự mình chứng ngộ và giúp người khác chứng ngộ chân lý. Kinh điển của Ngài là cơ sở cho luận lý học Phật giáo và về sau chư Đại Luận sư đúc kết thành Nhân minh luận Phật giáo.

Nhân minh luận được hình thành từ vài mươi thế kỷ trước ở Ấn Độ cổ do trường phái Ni-da-da Chánh lý Thắng luận (Nyayavaisesika), tương truyền là của Tổ Túc Mục (Aksapada) sáng lập. Đức Phật cũng đã công nhận Nhân minh luận của trường phái này và các kinh điển của Ngài vẫn nhắc   đến Nhân minh, ngoài những nội dung cơ bản cho luận lý học và nhân minh luận. Kinh Tăng Chi tập I ghi lời dạy của Đức Phật về cách đàm luận, về thái độ trả lời các câu hỏi của người khác; kinh Bồ-tát địa trì đề cập đến Ngũ minh gồm Nhân minh đến Thắng nghĩa đế; kinh Giải thâm mật nói về các nhận định đúng sai; kinh Lăng-già bàn về sự khẳng định, phủ   định, về sự phân biệt trong ngôn từ, ngôn ngữ; và các kinh như Kim Cương, Viên Giác, Pháp Hoa… tất cả đều thể hiện một thứ biện chứng siêu việt, khiến Luận lý học Phật giáo đạt vị trí nổi bật trong các hệ thống trí thức luận và luận lý học Đông Tây kim cổ. Tiếp theo là các Tổ sư Luận gia của Phật giáo đã triển khai giáo lý của Thế Tôn để hệ thống hóa luận lý Phật giáo: Long Thọ (Nagarjuna, thk.2,3), Thánh Đề-bà (Aryadeva, thk.2,3), Di-lặc (Maitreya, thk.2,3), Vô Trước (Asanga, thk.4,5), Thế Thân (Vasubandhu, thk.4,5), Trần-na (Dignaga, thk.5,6); Thương-yết-la Chủ (Samkarasvamin, thk.6,7), Pháp Xứng (Dharmakirti, thk.6,7), Huyền Trang (thk.6,7), Khuy Cơ (thk.7), Thanh Biện (Bhavaviveka, thk.7), Pháp Thượng (Dharmottara, thk.8), Tịch Hộ (Santaraksita, thk.8), Bảo Xứng (Ratnakirti, thk.9)…

Chư tôn túc, học giả Phật giáo Việt Nam viết về Nhân minh luận khá chậm, mãi đến nửa đầu của thế kỷ 20. Đó là các vị Hòa thượng Thích Trí Độ, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Đổng Quán, học giả Minh Chi… Nội dung các tác phẩm của chư vị đều rất bổ ích, căn bản về Nhân minh, căn cứ vào một số tác phẩm Hán văn trình bày Nhân minh luận của các ngài Trần-na, Pháp Xứng, Thương-yết-la Chủ và chủ yếu căn cứ vào bộ Nhân minh Nhập chánh lý luận (Nyayapravasa) của ngài Thương-yết-la Chủ chứ không căn cứ vào các tác phẩm của Tổ Trần-na, đặc biệt là bộ Nyayamukha, dù bộ luận này đã được ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh Hán dịch thành hai bản lần lượt là Nhân minh Nhập chánh lý môn luận bổn và Nhân minh Nhập chánh lý môn luận (Sau này dịch giả Nguyên Hồng đã Việt dịch bản của ngài Huyền Trang). Cuối năm 2012, tác giả Thích Kiên Định cho ra mắt tác phẩm Khảo sát Lịch sử và Tư tưởng Nhân minh luận (Nxb Thuận Hóa, Huế), một nghiên cứu khá đầy đủ và có giá trị cao.

Cuốn Luận lý học Phật giáo của tác giả Nguyễn Khuê (Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013) là một nghiên cứu căn bản về Nhân minh luận Phật giáo, rõ ràng, dễ hiểu, chính xác, mang tính khoa học cao. Ngoài phần Tổng kết, Đối chiếu thuật ngữ Anh-Việt, Sách dẫn, sách gồm ba phần: Phần I gồm bốn chương giới thiệu Tam đoạn luận và Nhân minh luận; phần II gồm bốn chương trình bày về Nhân minh mới; phần III là bản Việt dịch từ Hán bản Nhân minh Nhập chánh Lý luận Trực giải của ngài Trí Húc (1599-1655). Ngoài lời giải văn của ngài Trí Húc, dịch giả Nguyễn Khuê có thêm phần chú thích rất công phu của chính mình. Đây là bản Việt dịch đầu tiên về tác phẩm của ngài Thương-yết-la Chủ qua bản Hán dịch và giải của ngài Trí Húc.

Tác phẩm Luận lý học Phật giáo của Nguyễn Khuê khiến chúng ta liên tưởng đến sách Buddhist Logic của Th. Stcherbatsky vốn gồm phần giảng rất chi tiết về luận lý học Phật giáo và phần Anh dịch từ Phạn bản tác phẩm Nyayabindu của ngài Pháp Xứng (Dharmakirti) kèm thêm lời giải thích của ngài Pháp Thượng (Dharmamotta). Thể cách trình bày của Stcherbatsky và của Nguyễn Khuê có phần giống nhau, trong mức độ nội dung dịch phẩm khác nhau. Buddhist Logic được giới học giả thế giới đánh giá rất cao. Riêng đối với tôi, tôi thấy Luận lý học Phật giáo của Nguyễn Khuê có giá trị riêng của nó: căn bản, rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh nghiên cứu của số đông học giả Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Khuê với kinh nghiệm giảng dạy Văn học và Hán học tại các Đại học Sài Gòn, TP.HCM, các Học viện, Cao đẳng, Trung cấp và Trung tâm Hán Nôm của Phật giáo Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, lại là một nhà nghiên cứu Phật học thâm sâu, và đã cho xuất bản gần 20 tác phẩm giá trị. Đối với tác giả, tôi có mối thâm tình từ sáu thập kỷ qua, có sự kính trọng như người anh cả, như một tấm gương tận tụy, kiên nhẫn và đầy năng lực đạo đức, trí tuệ trong tu học, trong nghiên cứu.

Do tác giả hỏi về nhận xét của tôi đối với cuốn sách này, tôi rất cảm kích và có mấy dòng trên đây. ■„

 

TRẦN TUẤN MẪN

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 184




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/09/2024(Xem: 865)
Này các con của Mẹ Đang đắm nhiễm lầm than Hãy mau mau thức tỉnh Tay thôi lấm vết chàm. Đời người không vĩnh cửu Sao cứ mãi tranh đua Tham vọng gây tội ác Hơn thua kết oán thù.
18/09/2024(Xem: 901)
Sức tàn phá của thiên nhiên thật khủng khiếp. Chiến tranh và hận thù giữa con người với nhau đôi khi cũng có thể gây ra những niềm đau đáng tiếc. Nếu trận bão Yagi lưu lại những vết thương trên dải đất quê hương, thì chúng ta cũng cứ hãy dìu nhau trong gió trong mưa… Con người với nhau Thơ : Hoang Phong
18/09/2024(Xem: 1061)
Bà cụ ngồi ôm gối Nhìn khắp nơi vùng đất lở Tay bà chỉ : Hướng trái, vớt được 9 xác người phủ bùn lầy Hướng phải, 2 chân người nhô lên Mắt xa xôi, Cầu mong tìm được xác người Bà không còn nước mắt! Tất cả đã đổ nát! Đằng xa kia người vớt được cánh tay, còn quờ quạng trong đám bùn lầy Chiếc quần Jeans nửa thân người
18/09/2024(Xem: 844)
Có Điều Gì Đất Trời Muốn Nói Mà ta vẫn vô tình chưa hiểu Ôi Katrina Ôi Rita Các nàng đến tự trời cao để bao gia đình khổ đau Đổ nát Và trên những xa lộ thênh thang miền Nam nước Mỹ Tìm về nơi đâu? Trú ẩn phương nào? Những con tim âu lo Vất vưỡng trong đêm tối Mịt mờ
14/09/2024(Xem: 957)
Hôm nay Thầy giảng về tâm Cái tâm loạn động tối tăm con người Bao nhiêu ác nghiệp trong đời Tích luỹ do bởi ta bơi xuôi dòng Như trâu ngựa hoang ngoài đồng Kéo ta lẩn quẩn trong vòng tử sanh
13/09/2024(Xem: 1047)
Ảo tưởng là cơn mê ngày…rất nguy hiểm Đâu biết rằng: chính tự mỗi con người, phải hoàn bị trôi tròn Trách nhiệm , bổn phận thật chu đáo mỗi ngày hơn Với tất cả tâm thành trong nhân cách, tài năng đích thực! Và động lực xuất phát giá trị sâu xa ấy luôn được tiếp tục !
09/09/2024(Xem: 1034)
Ngày nắng rồi lại ngày mưa Làm sao cho hết những mùa phôi pha Nhân hòa gió thuận triền xa Đầu non gánh nỗi ta bà khói sương Đượm buồn mắt lệ hoài thương Đồng hoang cỏ biếc vô thường chân mây
08/09/2024(Xem: 1469)
Khởi đầu mới cũng là ngày kết thúc Chu kỳ tròn số bảy lúc khởi nguyên Trong tâm linh số bảy thật thiêng liêng Tôn giáo nào cũng dè kiêng như thế. Tây quan niệm ngày nghỉ ngơi thượng đế Xứ ta thì ngày để mọi người vui Nên đến chùa lễ Phật ngập tiếng cười Hay vào khóa tu cho đời huân tập.
08/09/2024(Xem: 1702)
Nắng rọi, trời hồng trải mọi miền Lung linh hoa vẫn nét trinh nguyên Nồng nàn mùi đất nhiều năm trước Bước nhịp chuyển đều theo cách riêng Ước nguyện dù đường ngàn nẻo lối Bờ này, bờ kia đâu chẳng thiêng Tịnh độ trần gian khơi nguồn Đạo Thắp sáng chân tâm, dấu ấn Thiền!
05/09/2024(Xem: 859)
Kiếp người này ai chẳng đeo mang Ghét thương tham ái lắm buộc ràng Nút thắt ân tình luôn trói chặt Tìm đâu cửa thoát đến bình an. Đeo mang vì sở hữu thêm nhiều Ham muốn khiến lòng bị đốt thiêu Theo đuổi tìm cầu vì sợ mất Biết rằng tạo nghiệp cứ phải liều.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]