Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghệ thuật trang trí trên văn bia Thiệu Trị ở Chùa Diệu Đế

15/01/202317:01(Xem: 4450)
Nghệ thuật trang trí trên văn bia Thiệu Trị ở Chùa Diệu Đế


bia thieu tri (6)
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ

TRÊN VĂN BIA THIỆU TRỊ CHÙA DIỆU ĐẾ

Tác giả: Thích Nhật Tấn

Hình ảnh: Đức Thịnh

 

Thiệu Trị là vị hoàng đế thứ ba của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi khi tình hình đất đất nước đã đi vào ổn định, được thừa hưởng một di sản rất lớn, nền chính trị ổn định, vững chãi do vua Gia Long và Minh Mạng đã dày công vun đắp, cải cách và phát tiển. Vì vậy, trong thời gian 7 năm trị vì ngắn ngủi của mình, ông cũng không có cải cách gì mang tính đột phá mà chỉ là người tiếp nối đường lối trị nước của hai vị tiên vương như đúng tên của ông. Ngoài thành tựu về mặt văn học nghệ thuật, trong thời gian trị vì của vua Thiệu Trị còn nổi bậc lên với thành tựu về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên đá đã đạt đến trình độ đỉnh cao so với các đời vua trước.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu chạm đá thời Nguyễn nhưng vẫn còn một số công trình chưa được đề cập đến. Hoặc có thì các công trình chỉ nghiên cứu về khía cạnh nội dung hay lịch sử thuần túy mà chưa thật sự đi sâu vào việc nghiên cứu đánh giá, khai thác các giá trị của trang trí chạm khắc một cách chi tiết. Trong phạm vi của bài viết với đề tài Nghệ thuật trang trí trên văn bia vua Thiệu Trị chùa Diệu Đế, chúng tôi mong muốn người đọc có một góc nhìn mới về nghệ thuật trang trí trên đá, một loại hình nghệ thuật đương thời vang bóng của vương triều Nguyễn.

Phong cách trang trí trên văn bia Thiệu Trị

Từ chất liệu đá xứ Thanh, với tay nghề đạt đến độ tinh xảo của nghệ nhân, bia chùa Diệu Đế xứng đáng là một trong nhiều sản phẩm thể hiện nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến chỗ hoàn mỹ. Sự hoàn hảo về nghệ thuật chạm khắc của bia được thể hiện qua ba phần: Trán bia, thân bia và đế bia.

Phần trán bia

          Khác với trán bia thời Lê-Mạc với đơn thuần chỉ là theo hình bán nguyệt, trán bia vương triều Nguyễn cũng dựa vào hình thức bán nguyệt nhưng cách điệu thành dạng đám mây, các chi tiết được bo tròn làm cho người nhìn cảm nhận được sự ấn tượng từ tạo hình uyển chuyển. Bên cạnh đó, diềm bia thời Lê-Mạc bao quanh từ thân bia đến trán bia, diềm bia thời Nguyễn chỉ nằm phần thân, không liên hệ đến phần trán bia.

           Hình tượng trang trí trên trán bia chùa Diệu Đế là tổng thể nhiều họa tiết trang trí kết hợp hài hòa với nhau gồm hoa văn vân xoắn, hoa văn rồng theo kiểu thức ngang (hổ phù), hoa văn hoa sen.

          Hoa văn vân xoắn

Thực chất loại hoa văn này là hình tượng quen thuộc trong văn hóa nông nghiệp của người Việt từ xưa. Vào thời Lý, họa tiết vân xoắn đã có nhiều dạng như hồi văn hoặc vân hình chữ S. Thể thức này chủ yếu xuất hiện trên đầu rồng mà không thấy xuất hiện ở đâu khác. Đến thời Trần, hoa văn này vuốt cong phần đuôi thành dạng đao, dạng dựng đứng hình dấu hỏi và tồn tại đến cuối thế kỉ XIV. Sang thế kỷ XV thời Lê sơ, văn xoắn không tạo hình dấu hỏi riêng lẻ mà đã bắt đầu kết hợp chung với nhau một cách trật tự tạo nên một khung trời đầy mây cuộn với nhịp điệu và bố cục hợp lý. Đến thế kỷ XVI thời nhà Mạc, vân xoắn vẫn được kế thừa từ thời Trần và Lê sơ nhưng có vẻ khoáng đạt và tự do hơn.

Sang thời Nguyễn, trên tinh thần “cư Nho mộ Thích”, vân xoắn đã được cách điệu thành hình tượng ngọc Như Ý của Nho giáo. Trên trán bia chùa Diệu Đế, họa tiết vân xoắn cách điệu Như ý được chạm khắc tinh xảo và chiếm hầu hết không gian trên trán bia.

Hoa văn hình rồng[1]

Trong những loài vật được đưa vào nghệ thuật trang trí, rồng đứng đầu trong Tứ Linh. Đây là linh thú được sử dụng nhiều nhất. Trong cung vua, rồng là biểu tượng cho uy quyền của hoàng đế. Ngoài ra, hình tượng này còn xuất hiện trong các ngôi chùa và dinh phủ tư. Điểm đặc biệt về rồng của vua chúa là cách thể hiện qua chân năm móng vuốt, các khu vực khác chỉ được phép sử dụng tối đa bốn móng mà thôi.

Với ước muốn thoát khỏi ý thức hệ Nho giáo của phương bắc, khẳng định vị thế độc lập tự chủ, nhà Lý đã chọn Phật giáo làm điểm tựa về ý thức hệ của đất nước. Rồng thời lý ra đời gắn liền với Phật giáo, thường xuất hiện nhiều ở các ngôi chùa. Rồng thời Lý biểu tượng cho hạnh phúc, có hình dáng rất uyển chuyển và tự do.

Thời nhà Trần, rồng có phần mập khỏe, khúc thân theo đường lượn nhẹ, nét chạm dứt khoát, đầy tự do trong khát khao thoát khỏi sự ràng buộc. Tuy nhiên rồng nhà Trần vẫn còn nhiều chi tiết ảnh hưởng rồng Trung Hoa.

Thời Lê sơ và Mạc, nét phương bắc ngày càng sâu đậm. Từ rồng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo thành rồng mang hơi hướng của Nho sĩ. Mắt rồng thời kỳ này có phần sắc bén hơn như có dao từ trong đôi mắt vậy. Thân rồng mập mạp, đuôi rồng tạo thành hệ thống đao mác với mũi dài.

Sang thời Nguyễn, rồng đã loại bỏ hết đao mác mà chuyển thành đuôi nheo trơn, thân vẫn mập mạp nhưng điểm khác với rồng thế kỷ trước là hai chiếc đao mắt như râu cá trê, một nét của rồng Trung Hoa, đôi khi nó còn cuộn thành hình lò xo.

Trên trán bia chùa Diệu Đế, hình tượng rồng nhà Nguyễn chiếm vị trí trung tâm của bia, với cách thức chạm khắc mềm mại, thanh nhã mà chắc khỏe của nét và hình đạt đến trình độ tinh xảo của bậc thầy chạm đá. Rồng kết hợp với vân xoắn tạo thành hình tượng rồng ẩn hiện trong mây, tạo nên một bức tranh vừa bí ẩn vừa hùng tráng, tạo ra một không gian rộng lớn và khoáng đạt. Sự kết hợp giữa hai họa tiết này, thuật ngữ chuyên môn gọi là Long ẩn vân hay Long ẩn. Điểm đặc biệt của rồng trên trán bia này là việc xuất hiện chân với năm móng vuốt. Thông thường ta chỉ thấy xuất hiện trong các tác phẩm hay công trình trong hoàng cung. Hiện tượng này cũng dễ lý giải vì Diệu Đế là ngôi Quốc tự do vua cải tạo từ tiềm để của mình. Vì thế, rồng ở trán bia xuất hiện chân năm móng là điều hiển nhiên.

Hoa văn hoa sen

Hoa sen là loài hoa được nhiều nước tôn thờ. Người Ấn Độ xem hoa sen là biểu tượng của quyền lực sáng tạo của thiên nhiên, của lửa và nước. Với người Ai Cập, hoa sen là hóa thân của các vị thần. Trong văn minh lưỡng hà, hoa sen biểu trưng cho vũ trụ[2]. Đối với đạo Phật, hoa sen có ý nghĩa rất lớn vì nó tượng trưng cho những đức tính cao thượng như tính thanh tịnh không ô nhiễm, đầy đủ sắc hương, tượng trưng cho lý nhân quả…

Hoa văn hoa sen, thời Đinh và tiền Lê chỉ thấy xuất hiện trên gạch và gốm với hình dạng với 8 cánh, 14 cánh, 16 cánh hoặc không cố định thường khắc chìm. Sang thời Mạc, các cánh hoa thường được làm nổi hẳn lên khiến cho ta thấy được tổng thể của một hoa sen được ghép từ nhiều cánh hoa riêng lẻ. Sang thời hậu Lê, đây là giai đoạn phát triển đỉnh cao của hoa văn cây cỏ nói chung và hoa sen nói riêng, đã xuất hiện hoa và lá ken nhau theo trật tự đường nét. Sang thời Nguyễn, hoa văn hoa sen đã đạt đến trình độ đỉnh cao nhất, sen bắt đầu được cách điệu hóa thành nhiều hình tượng khác nhau trong cuộc sống như sen hóa rồng, sen dây…với giá trị nghệ thuật rất cao. Hoa sen thời này là biểu tượng thanh cao gắn liền với Phật giáo.

Trên phần trán bia chùa Diệu Đế, họa tiết hoa sen được thể hiện qua hình thức “keng” với những cánh sen được cách điệu hình vân xoắn đao rất tinh xảo, nằm theo thứ lớp nối nhau từ trung tâm hoa sen đến viền ngoài cùng hai bên. Dạng sen keng sáng tạo như thế này làm cho bố cục bia trở nên liên kết hơn, hài hòa hơn và đặc biệt tạo nên sự liền mạch từ trán bia xuống thân bia. Sen keng ở vị trí này đóng vai trò tương tự như một “vân kiên[3]” thường thấy trong các y phục phong kiến Trung Hoa và Việt Nam, tạo nên điểm nhấn ấn tượng trên tổng thể bố cục văn bia.  

Phần thân bia

Trên văn bia Thiệu Trị, phần thân bia là vị trí chứa nội dung văn bản nên các họa tiết hoa văn có phần giản lược. Thân bia chủ yếu là phần diềm bia và các họa tiết góc nách của bia.

          Diềm bia là hệ thống hoa văn chữ T cách điệu dạng hồi văn[4] chạy xuyên suốt quanh khung thân bia, tạo thành vòng tròn khép kín mới mục đích nhấn mạnh cho nội dung được khắc bên trong.

          Họa tiết góc nách bia là bộ phận phụ thẩm mỹ, giúp sự tiếp giáp giữa trán bia và thân hay thân bia với đế bia trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Phần họa tiết góc giáp với trán bia là dạng hoa văn góc với lá, hoa vân xoắn được cách điệu một cách tinh tế và vô cùng nghệ thuật. Phần họa tiết góc giáp với đế bia là 9kiểu thức vân mây hóa rồng tương tự với các kiểu thức hoa hóa rồng, mai hóa rồng, tùng hóa lân… thường thấy trong nghệ thuật trang trí triều Nguyễn.

Phần đế bia

          Phần đế được trang trí theo motif  sập gụ trổ chân quỳ, được chia làm ba phần với mặt, cổ và chân quỳ. Đế bia chùa Diệu Đế tập trung trang trí phần chân quỳ.

          Mặt chính diện của chân quỳ

          Phần chân quỳ mặt chính diện có cách thức trang trí đơn giản hơn so với phần trán và thân bia. Toàn bộ bề mặt là hệ thống với các họa tiết hoa lá cách điệu thành hình vân xoắn, cách điệu thành đầu rồng (dây lá hóa rồng). Tuy bộ phận này ít chi tiết phức tạp nhưng không kém sự tinh tế của nghệ nhân điêu khắc. Bên cạnh đó là hệ thống các dây lá dạng hồi văn[5] bao trùng mặt chính của chân quỳ.

          Mặt bên của chân quỳ

          Nội dung của mặt bên chân quỳ cũng giống như mặt chính diện với hoa, lá, rồng và hồi văn cách điệu. Điểm đặc biệt là họa tiết rồng phun nước nơi góc tiếp giáp giữa mặt chính và mặt bên. Rồng ở vị trí này giúp kết cấu chân quỳ và họa tiết trang trí được liền mạch hơn, tăng cường mức độ thẩm mỹ theo cách tự nhiên.

Yếu tố Nho Phật trong trang trí văn bia

Nhìn tổng thể bố cục toàn văn bia, ngoài nội dung chính, các họa tiết trang trí chính là điểm nhấn về nghệ thuật tạo hình của các nghệ nhân thời Nguyễn muốn chuyển tải. Đi cùng với chủ trương “cư Nho mộ Thích” của vương triều nhà Nguyễn, nghệ thuật trang trí cũng hòa vào dòng chảy tư tưởng ấy mà cho ra đời những tác phẩm mang hơi hướng của sự kết hợp này. Trên văn bia chùa Diệu Đế, thật dễ dàng nhận ra sự kết hợp hài hòa này trong toàn bộ bố cục văn bia.

Rồng vừa là biểu trưng của vương quyền, vừa biểu trưng cho sự quy ngưỡng đối với Phật Pháp[6], kết hợp với hoa văn vân xoắn cách điệu ngọc Như Ý của Nho giáo tạo nên sự dung hòa tuyệt mỹ. Rồng ẩn vào mây để tạo nên sự bí ẩn của quyền uy trong không gian mây bao phủ.

Sen keng là hình ảnh đặc trưng của Phật giáo, nằm ví trí liên kết giữa trán và thân bia, vừa có tác dụng nối kết vừa là đường giao thẩm mỹ. Sự tiếp giáp này với ý nghĩa Phật giáo sẽ làm cầu nối giữa vương quyền với quần chúng, sẽ làm phương tiện hàn gắn dân tộc.

Kết luận

Văn bia chùa Diệu Đế là một trong hai[7] bia mà vua Thiệu Trị đích thân phụng đề. Tuy rằng mức độ quy mô không bằng bia Thiên Mụ nhưng đứng về mặt nghệ thuật thì không thua kém. Văn bia chùa Diệu Đế được khắc chạm vào ngày lễ Vu Lan năm 1844 sau khi hoàn thành sứ mạng “cải gia quy tự”. Bia chùa phân làm ba phần với trán bia, thân bia và đế bia. Trong đó, trán bia là khu vực được chạm khắc tinh xảo và kỳ công nhất. Toàn bộ kết cấu họa tiết trang trí bia được chạm khắc là những họa tiết thông dụng, gắn liền với đời sống nông nghiệp, vương quyền và tôn giáo. Một số hoa văn tiêu biểu được sử dụng cho việc trang trí như hình tượng rồng, hoa văn vân xoắn vuốt thành dạng đao hoặc dạng Như ý, như hoa sen dạng ken, hoa văn chữ T, hồi văn…Từ những hoa văn trên, ta có thể nhìn thấy yếu tố Nho Phật tồn tại song hành trên từng phần của văn bia.

Như vậy, nghệ thuật trang trí văn bia Thiệu Trị chùa Diệu Đế đã từng bước được giải mã qua từng phần trong nội dung chính của bài viết. Ngoài những án thơ bất hủ của vua Thiệu Trị, qua từng họa tiết nghệ thuật, chúng ta dường như sống lại không khí sáng tạo vì nghệ thuật không ngừng của các nghệ nhân thế kỉ XIX. Đồng thời, mỗi người cũng nhìn thấy rõ dòng chảy tư tưởng xuyên suốt của nghệ thuật thời nhà Nguyễn theo chủ trương kết hợp hài hòa Nho và Phật.

PHỤ LỤC

bia thieu tri (7)
Nhà bia, nơi lưu trữ bia đá lớn khắc những bài thơ của vua Triệu Trị

 bia thieu tri (1)

 


1. Tổng thể bia Thiệu Trị

 

 

 bia thieu tri (2)


2. Trán bia

 

 bia thieu tri (3)

 


3. Viền và tai bia 

 

 

 bia thieu tri (4)
bia thieu tri (5)


4. Đế quỳ


[1] Theo truyền thống Trung Hoa, rồng là loại vật có sừng hưu, đầu lạc đà, rau cá chép, đôi mắt của quỷ thần, cổ rắn, bụng cá sấu, vảy cá, móng chim ưng, tai bò và cặp sừng là cơ quan thính giác của nó. Trong văn hóa nông nghiệp, rồng là loài vật linh thiêng có khả năng hô mưa gọi gió, gây ra lũ lụt thiên tai, là biểu thị cho quyền uy tuyệt đối.

[2] Nguyễn Du Chi (2019), Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr 205

[3] Vân kiên thuở ban đầu là những mảnh vải nằm trên áo choàng phụ nữ Trung Hoa với mục đích giữ sạch cổ áo và vai. Về sau trở thành phục sức không thể thiếu trong trang phục của người xưa. Vân kiên có nhiều dạng nhưng phổ biến là dạng “ Tứ hợp như ý”, bao gồm bốn phần chia làm hai tầng, mỗi tầng có kiểu dáng khác nhau, phần mép được may viền. Trong đó chủ đề trang trí ở mỗi phần thường là hoa cỏ hài hòa với nhau.

[4] Có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại du nhập vào.

[5] Một cách gọi của hoa văn triện

[6] Trong văn hóa Phật giáo, rồng là một trong tám loại phi nhân (không phải loài người) đã quy y và hộ trì Phật pháp. Tám loại ấy gồm Thiên (Deva), Long(Naga), Dạ-xoa (Yaksha), Càn-thát-bà (Gandharva, Apsara), A-tu-la (Asura), Khẩn-na-la (Kinnara), Ca-lâu-la (Garuda), Ma-hầu-la -già (Mahoraga).

[7] Bia thứ hai đặt tại chùa Thiên Mụ.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Trần Lâm Biền (chủ biên) (2018), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[2] Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (2021), Mỹ thuật thời Mạc, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội.

[3]  Nguyễn Du Chi (2019), Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[4] Trần Thị Hoài Diễm (2015), “Một số phát hiện mới về nghệ thuật chạm khắc đá thời Nguyễn”,Tạp chí Thông tin Mỹ Thuật (lưu hành nội bộ), số 3, tr 36-43.

[5] Nguyễn Hữu Thông (2019), Mỹ thuật Nguyễn, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.

[6] Chu Quang Trứ (2012), Mỹ Thuật Lý-Trần mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/09/2010(Xem: 14384)
Chuyển ngữ: Sư Ông Làng Mai Xướng kệ: Thầy Pháp Niệm Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
10/09/2010(Xem: 60074)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
08/09/2010(Xem: 9001)
Mười con nhạn trắng về tha Như Lai thường trụ trên tà áo xuân Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
08/09/2010(Xem: 9281)
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
06/09/2010(Xem: 11659)
Văn Tế Thiên Thái Trí Giả Tác giả Đại Sư Tuân Thức Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm *** 1. Nhất tâm đảnh lễ Thiên Thai Trí Giả trong núi Đại Tô tu Tam Muội Pháp Hoa Tâm tâm tịnh thường lại qua pháp giới Như mặt nhật trên không chẳng trụ không Ba ngàn thật tướng tức khắc viên thông Tám vạn trần lao đều đồng chân tịnh. Xưa hội kiến Linh Sơn còn hoài niệm Nay toàn thân bảo tháp thấy rõ ràng Nếu chẳng cùng sư Nam Nhạc tương phùng Ai biết được tướng thâm sâu thiền định?
06/09/2010(Xem: 11361)
Trước khi viết loạt bài thơ trong phần 1 (Hương Đạo Pháp) của thi tập này, tôi đã có gần 900 bài thơ, xoay quanh các đề tài như quê hương đất nước, lịch sử, địa lý, giáo dục, cuộc sống hiện thực, triết lý sắc không, nhân sinh quan - vũ trụ quan Phật giáo, xưng tán Phật và Bồ-tát….. Tôi đang tạm thời dừng lại công việc sáng tác và chuẩn bị làm một số công việc chuyên và không chuyên khác. Nhưng chợt nhớ lại nhiều năm trước đây, thỉnh thoảng có trao đổi với vài vị thân, quen, những người đã đọc gần hết thơ tôi. Họ nói, trong số gần 900 bài thơ đã đọc qua, tuy cũng có nhiều bài khuyến tu, nhiều bài mang tính giáo lý sâu sắc, có khả năng tịnh hóa lòng người, tuy nhiên những bài đó nằm tản mạn chưa tập trung. Hơn nữa cũng cần một loạt bài có nội dung giáo lý căn bản với thuật ngữ, danh từ, pháp số thông dụng, nếu có thể cho thành một tập riêng biệt thì càng tốt.
06/09/2010(Xem: 9662)
Phù Sinh Nhiễm Thể Ca, TNT Mặc Giang
06/09/2010(Xem: 10200)
Mùa hạ mà hơi lạnh xông ướp cả gian phòng. Tắt điện, thắp lên ngọn bạch lạp cắm vào một quả thông, nhựa sống vẫn còn mơn man đâu đây, nồng nàn. Mấy mươi năm hiên ngang sừng sững, một cơn bão thổi qua, thông bật gốc ngã quỵ, vương vãi xác xơ. Có gì tồn tại mãi đâu! Rồi tất cả, cũng bị thiêu rụi như ngọn bạch lạp đang cháy dỡ…
06/09/2010(Xem: 11785)
Được sinh ra, lớn lên, đi vào trường học, đi vào trường đời, rồi dong ruổi muôn phương, và dù có ra sao, Quê Hương vẫn Còn Đó ! Từ thuở phôi sinh xuất hiện Lạc Hồng, Hùng Vương - Văn Lang, xuyên qua chiều dài lịch sử, cấu thành mảnh dư đồ Chữ S, với Bắc Nam Trung gấm vóc, với núi non hùng vĩ, biển rộng sông dài, với những tên gọi thân yêu Huế - Sài Gòn - Hà Nội, với từng thời kỳ dù có qua đi, không gian dù có biến đổi, và dù cho vật đổi sao dời, Quê Hương vẫn Còn Đó !
06/09/2010(Xem: 9825)
Người phương tây thường nói “trẻ ước mơ, già hoài niệm”, nhưng sau khi đọc xong tập thơ Hành Trình Quê Mẹ, tôi thấy tác giả, một nhà thơ ở tuổi tri thiên mạng, nhưng lại luôn ghi lòng tạc dạ, nâng niu trân trọng các giá trị được tài bồi bởi tiền nhân; tác giả còn hoài bảo, mơ vọng một hướng sống thiết thực cho người Việt Nam nói chung. Với Mặc Giang, hoài niệm và ước mơ nào có hạn cuộc bởi tuổi tác. Hoài niệm và ước mơ ấy đã trở thành chất liệu tài bồi cho dòng thơ với chủ đề Hành Trình Quê Mẹ tuôn chảy không mỏi mệt, để nguồn thơ của thi nhân vốn nhào nặn từ cuộc sống, trở lại phụng sự cuộc sống ấy, trở thành niềm tự hào kiêu hãnh của trào lưu thi ca hiện đại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]