“Hữu Xạ Tự Nhiên Hương" là một thành ngữ rất quen thuộc của người Việt Nam để nói về mùi hương xuất phát từ bất cứ đâu, từ hoa lá cây cỏ hay bất cứ cái gì, hễ thơm thì tự nhiên sẽ lan tỏa. Còn nghĩa bóng chỉ về người hay sự vật để nói về người có tài, đức, không cần phô trương khoe khoang, với thời gian cũng được nhiều người biết đến.
Hôm nay, tôi muốn nói đến “mùi hương" này sau khi tình cờ đọc bài viết “32 Năm Ghi Dấu Một Chặng Đường của Tu Viện Quảng Đức" của chị Thanh Phi, cô bạn đạo, bạn văn xa lắc tận nước Úc, còn tôi thì ở Âu Châu nhưng có duyên lành quen biết nhau nhờ cùng nhau làm việc lành mà gặp nhau.
Trong bài, chị kể giai đoạn chị sinh hoạt với Tu Viện Quảng Đức thủy chung từ mấy chục năm nay gắn bó không rời (kính mời bạn đọc, sẽ rõ) nhưng tôi chú ý nhất câu cuối cùng đã đánh động trái tim tôi để có bài viết hôm nay.
Chị viết: “Công hạnh và đức độ của Thầy Viện Chủ Thích Tâm Phương và Thầy Trụ Trì Thích Nguyên Tạng không chỉ Phật tử ở gần mới cảm nhận được, mà đã lan tỏa ra khắp nơi nên đã nhận được nhiều sự tiếp tay ủng hộ từ các Phật tử ở phương xa, nhờ đó mà có được Tu Viện Quảng Đức khang trang như ngày hôm nay“.
Thật vậy, lời chị nhận xét quả không sai, chính tôi là bằng chứng, việc thật, người thật. Từ Thụy Sĩ xa xôi, tôi lại có cái duyên thân thương gắn bó với Tu Viện Quảng Đức. Nhân duyên đó, phải kể từ Thầy Trụ Trì Thích Nguyên Tạng, mà cho đến giờ tôi nhận định, Thầy là người, vì đại cuộc vì công việc chùa của mình đã không ngại ngùng, dù xa xôi bất cứ đâu hễ thấy "người hiền“ là "chiêu hiền, đãi sĩ“. Hành động đó chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng của một minh chúa, minh quân hay minh sư tha thiết cầu hiền mà thôi. Rồi từ sự ân cần, đãi ngộ đã cảm kích "người hiền“ hết lòng hết dạ tận tụy với mình. Bài học ngoài cuộc sống trong lịch sử Trung Hoa, hẳn chúng ta đã biết, Lưu Bị vì quốc gia đại sự đã "chiêu hiền“ Ngài Khổng Minh như thế nào để Ngài Khổng Minh tận tụy với mình đến hơi thở cuối cùng.
Tôi có nhân duyên với Thầy Thích Nguyên Tạng qua trang nhà Quảng Đức khi Thầy biết tôi là người cầm bút rồi mời cộng tác (xem bài). Qua trang nhà và theo dõi mọi sinh hoạt của Tu Viện, ngoài nhìn thấy ngôi chùa khang trang, bắt mắt, điều mà tôi chú ý là Thầy "xây“ được nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ trong lòng Phật tử ngay tại nước Úc và cả những người ở xa vạn dặm, để họ...thủy chung đến hơi thở cuối cùng như trong bài chị Thanh Phi kể, và chính chị, cũng là một trong những người đã mấy chục năm trời tận tụy hỗ trợ chùa không mệt nghỉ. Qua sự kiện đó, cho tôi có cái nhìn, vị lãnh đạo phải thế nào để "giữ chân“ Phật tử mới có được như vậy.
Chuyện chùa chiền thì ai cũng biết rồi. Tuy là nơi thanh tịnh nhưng cũng là nơi ta bà để Phật tử tìm về tu tập. Có người "đắc đạo“ có người...chưa. Vàng thau lẫn lộn thì vô cùng phức tạp. Nhất lại nơi đó nhiều phụ nữ, đến Đức Phật ngày xưa đã nhìn thấu tâm tư phụ nữ "lắm chuyện“ cũng phát...ớn đến nỗi...mời các chị đi chỗ khác chơi, cấm các chị không cho đến chùa, không cho tu tập, mãi đến khi thị giả của Ngài là Ngài A Nan khẩn khoản cầu xin, Đức Phật mới mở rộng lòng cho phép nhưng cũng lắc đầu, sẽ làm giảm giáo Pháp của Ngài đến 500 năm. Do vậy, ngày nay, ngôi chùa nào mà ...yên được để trên dưới đề huề, ít đụng chạm, vui vẻ sinh hoạt với nhau đến...hơi thở cuối cùng, nhất định vị lãnh đạo đó là MINH SƯ!
Tôi không sinh hoạt gần gũi với Thầy Viện Chủ Thích Tâm Phương, chỉ gặp một lần khi tôi qua Úc tham dự khóa tu và ghé thăm chùa, nhưng tôi nhận thấy, cùng theo dõi diễn tiến hành hoạt của Thầy từ lúc chân ướt chân ráo đến Úc cho đến ngày nay, ngoài sự tận tụy chịu khó vun bồi từng bước cho chùa, với khuôn mặt chơn chất hiền từ tôi nhận ra đó là người đức độ đầy Phước báu, nhờ đó, mới có duyên lành bảo lãnh người em từ Việt Nam sang là Thầy Thích Nguyên Tạng đầy tài năng làm Trụ Trì hỗ trợ cùng anh tô bồi ngôi tu viện ngày càng phát triển thêm lên. Xưa nay, tài và đức hợp tác lại thành công là chuyện hiển nhiên đã thể hiện qua 32 năm duy trì và phát triển ngôi tu viện ngày càng hưng thịnh cho đến ngày nay.
Thầy Nguyên Tạng cho rằng: “Là Trụ Trì, người lãnh đạo không nên khó khăn, khó tính quá thì Phật tử bỏ chạy hết“. Nhờ vậy, Phật tử cảm thấy thoải mái, tự nhiên, không câu nệ e dè quá đáng khi gặp Thầy hay đến chùa. Tuy nhiên, nói như vậy, nhưng thực sự Thầy không dễ dàng như ta tưởng để Phật tử tung hoành muốn làm gì thì làm. Gặp điều trái ý, bất bình; hết sức tế nhị, Thầy nhẹ nhàng khuyên răn với nét mặt hoan hỷ, lời nói tuy nhẹ mà có sức mạnh ngàn cân để Phật tử vì cảm mến, nể vì mà vâng lời.
Hôm nay tôi viết bài này với cảm xúc chân thành xuất phát từ lòng ngưỡng mộ cảm mến về ngôi Tự Viện Quảng Đức tại Úc với nhị vị lãnh đạo nói trên, chứ không phải là, như ai đó có lần đánh giá tôi là "bồi bút“ khi tôi ...ca ngợi hết mình về ngôi Chùa Viên Giác tại Đức quốc mà vị lãnh đạo tối cao là Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển cũng vô cùng tài đức đã đưa Phật giáo không chỉ tại Đức mà khắp Âu Châu phát triển vượt bực. Rõ ràng không ai "thuê“ tôi viết cả, mà với tấm lòng của một Phật tử, hễ thấy sự phát triển của Phật giáo, của bất cứ ngôi chùa nào mà mình có nhân duyên biết đến, tôi đều hoan hỉ viết bài tán dương. Bên cạnh hai ngôi tự viện tôi có nhân duyên, cũng còn rất nhiều Sư, nhiều ngôi chùa cũng thành công không kém, chỉ tiếc là, tôi chưa đủ nhân duyên biết sâu vào chi tiết để có thể giới thiệu rộng rãi cùng bàng dân thiên hạ.
Nhưng thôi, nếu "Hữu Xạ Tự Nhiên Hương“ thì không cần tôi viết, mùi hương cũng lan tỏa khắp nơi nơi!
Trần Thị Nhật Hưng