Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gặp Lại Chính Mình (thơ)

07/09/202216:59(Xem: 3245)
Gặp Lại Chính Mình (thơ)
GẶP LẠI CHÍNH MÌNH
Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

 lotus 10

Gặp lại mình giữa tâm vô ngôn
Dừng bước lang thang – bặt tâm hành
Quên thuở vô minh theo huyễn ngã
(Cái “tôi” hư ảo cõi phù vân)

Quán tâm: vọng tưởng hoá chân như
Tuệ giác chiếu soi vạn nẻo đời
Hoà ánh Tâm Kinh vào tục luỵ
Truyền đăng tục diệm chốn luân hồi

Gặp lại mình giữa lúc định tâm
Im bặt nói năng tận đáy lòng
Giải thoát bao si mê chấp thủ
(Cái “tôi” mộng mị cõi vô thường)

Quán vọng tâm: hiện tiền chân ngã
Tịch lặng vầng trăng – sáng cửa thiền
Tri ngộ Tâm Không là diệu hữu
Tịnh độ khơi nguồn giữa đảo điên

Gặp lại chính mình – thôi quẩn quanh
Thôi lang thang cỏ nội mây ngàn
Gương đối gương: 
bổn lai diện mục…
Kính chào thánh thót tiếng chim xuân!


2014 (Thivien.net)

-------------  

 

KÍNH MỜI THAM KHẢO MỘT SỐ SƯU TẦM VỀ THIỀN:

 

TÂM TÌNH NGHI VẤN (nghi tình):

- Đại Ứng quốc sư nói: Chỉ có một câu mà thiền gia nên ra sức công phu và tìm thấy giải đáp chung quyết là “Bổn lai diện mục của ta là gì?”.

- Thiền sư Không Cốc Long nói rằng, thiền giả đừng quên mang vào mình cái tư tưởng này: “Tâm này còn tạo tác khi thân này còn tồn tại trong hiện hữu như huyễn của nó, nhưng nó sẽ an trú nơi đâu khi xác chết này ra tro bụi?”. Để thấy cái Một của vạn pháp rốt ráo ở đâu, người học phải phản quan tự chiếu và đặt nghi tình vào vấn đề để quyết định nơi chốn của nó là đâu.

- Thiền sư Lâm Tế giảng giải: “Chính vì tâm người mãi đuổi tìm mọi vật không biết kềm hãm lại ở đâu, vì vậy tổ sư dạy rằng: các người điên rồ mang đầu đi tìm đầu. Theo lời dạy, các người hãy hồi quang phản chiếu, không tìm cầu đâu khác, các người sẽ thấy ra rằng tâm mình cùng với Phật và Tổ không khác. Đến chỗ vô sự như thế mới gọi là đắc pháp”.

- “Ngộ là thước đo của Thiền” như một tôn túc đã nói. Ngộ không phải là một trạng thái an tĩnh không thôi; nó không phải là sự thanh thản mà là một kinh nghiệm nội tâm không có dấu vết của tri thức; phải là sự thức tỉnh nào đó phát khởi từ lãnh vực đối đãi của tâm lí, một sự trở chiều với hình thái bình thường của kinh nghiệm vốn là đặc tính đời sống thường nhật của chúng ta. Thuật ngữ của Đại thừa gọi đó là Chuyển y (Paravritti), quay trở lại hay lật ngược ra cái cơ sở tâm ý, ở đây toàn bộ kiến trúc tâm thức trải qua một cuộc đổi thay toàn diện. Điều kì diệu là một cái thấy của Ngộ (satori) có thể gây ra một lần tái tạo như thế trong cái nhìn của tâm linh. Nhưng các kí lục của Thiền minh chứng điều này có thực. Do đó sự phát khởi của Bát-nhã ba-la-mật, một biệt danh của Ngộ, là tinh yếu của Thiền. (Lời của Thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki).

(Thiền luận II; D. T. Suzuki; Tuệ Sỹ dịch).
------------

THI-KỆ TRỰC NGỘ TÁNH KHÔNG
(Tánh Không: Tánh Viên Giác, Tâm Không, Tâm vô ngã, bản thể vô tướng của vũ trụ, trường tiềm năng, Như Lai tạng, cội nguồn thực tính Chân-Thiện-Mĩ, Niết bàn, Phật tính, tri giác như thực, Chân Không-diệu hữu, định-tuệ bất nhị).

1.
Trên nghìn đỉnh núi một gian nhà
Một nửa cho mây một nửa ta
Đêm rồi gió thổi mây đi mất
Tính lại sao nhàn bằng lão gia.

(Thiền sư Quy Tông; sư trụ trì tại một thảo am cô tịch trên Lư Sơn. Theo Thiền Luận-quyển trung; thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki; thượng toạ Tuệ Sỹ dịch).
-----

2.
Mưa tạnh mây quang nắng bừng lên
Núi non như vẽ vời vợi xanh
Tu Bồ Đề ngồi hang, không biết
Hoa trời như mưa đất rung rinh.

(Thiền sư Tuyết Đậu; theo sách đã dẫn. “Không biết” mang tâm ấn của Thiền, đừng hiểu theo nghĩa “không biết” thông thường).
-----

3.
Lão Bàng không cần gì trong thế gian
Tất cả đều Không, một chỗ ngồi cũng Không
Cái Không rốt ráo ngự trị trong nhà ông
Không tất cả vì không tài sản

Khi mặt trời lên ông đi trong Không
Khi mặt trời lặn ông ngủ trong Không
Ngồi trong Không ca một bài ca Không
Vài bài ca Không vang dội trong Không

Đừng kinh ngạc vì cái Không rất Không
Vì Không là chỗ ngồi của chư Phật
Người thế gian không hiểu được Không
Nhưng Không là kho tàng chân thật
Nếu bảo là không có Không
Tức là huỷ báng chư Phật.

(Thiền sư cư sĩ Bàng Uẩn; theo sách đã dẫn. Xin đừng hiểu “không tài sản” theo nghĩa thông thường; đó là cái thấy của trạng thái tâm vô ngã, không chấp về ngã sở).
-----

4.
Ba chục năm nay tìm Kiếm khách
Bao hồi lá rụng với cành trơ
Một lần từ thấy hoa đào đó
Cho đến ngày nay hết cả ngờ.

(Thiền sư Linh Vân; theo sách đã dẫn).
-----

5.
Thánh đế rỗng thênh
Làm sao biết trúng

Đối trẫm là ai
Lại bảo chẳng biết

Nhơn đây đêm sang sông
Há khỏi sanh gai góc

Người cả nước mời chẳng trở về
Muôn đời ngàn đời nhớ nhau rỗng

Thôi nhớ nhau
Gió mát khắp nơi nào có tột.

(Thiền sư Tuyết Đậu. Trích trong Bích Nham Lục; thiền sư Thích Thanh Từ dịch và giảng).
--
(Công án: Lương Võ Đế hỏi Đại sư Đạt Ma: Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa? Đạt Ma đáp: Rỗng thênh không Thánh. Vua hỏi: Đối trẫm là ai? Đạt Ma đáp: Chẳng biết. Vua không khế hội. Đạt Ma bèn sang sông đến Nguỵ. Sau vua đem việc này hỏi Hoà thượng Chí Công. Chí Công tâu: Đây là Quan Âm Đại sĩ truyền tâm ấn Phật. Vua hối hận sai sứ đi thỉnh trở lại. Chí Công tâu: Chẳng những bệ hạ sai sứ đi thỉnh chẳng được, dù người trong cả nước đi thỉnh y cũng chẳng trở lại).
--
(Bích Nham Lục và một số sách Thiền kể lại rằng, ngài Bồ Đề Đạt Ma đến nước Nguỵ, ẩn cư nơi cô tịch, “diện bích” chín năm. Sau đó truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, rồi “lẻ dép về quê bặt dấu luôn”. Ngài được tôn vinh là Sơ tổ Thiền tông.
Bài kệ nổi tiếng của Ngài: “Bất lập văn tự / Giáo ngoại biệt truyền / Trực chỉ nhân tâm / Kiến tánh thành Phật”).
------

Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn sưu tầm.
--
Và xin góp thêm vài lời sau đây:

“Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn. Ngài muốn cho chúng ta BIẾT và THẤY năm uẩn. Thế giới loài người của chúng ta là sự hiện hữu của năm uẩn. Và trừ khi chúng ta BIẾT và THẤY được năm uẩn này, nếu không thì chúng ta không thể hiểu rõ lời dạy của đức Phật”.
(Biết và Thấy; thiền sư Pa-auk Sayadaw-thiền sư Phật giáo Nam tông; dịch giả: Pháp Thông).
Được như vậy, chúng ta sẽ biết “Quán tâm nơi tâm”, theo kinh điển PG nguyên thuỷ. Rồi sẽ nhận ra “thiền ngôn” độc đáo của các thiền sư đốn giáo Bắc tông (PG Bắc truyền); vọng thức vọng tưởng không còn có chỗ nắm bắt. Rồi sẽ nhận ra: “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là Thiền, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống.
----------------

LỜI “TRỰC CHỈ NHÂN TÂM” (“QUÁN TÂM NƠI TÂM”) CỦA NGÀI JIDDU KRISHNAMURTI

"(...) Ngài có thấy sự kiện thực tế đó, không phải ý tưởng mà cái thực tế là: ngài chính là tính nết của ngài, cơn giận của ngài, lòng ganh tị của ngài, sự ghen tuông của ngài, lòng hận thù của ngài, sự bất an của ngài, sự bấn loạn của ngài... - rằng ngài là thế đó? Đừng chỉ biết nó bằng lời hay đồng ý miệng - vì như vậy chúng ta sẽ không hiểu nhau - MÀ THỰC SỰ THẤY SỰ KIỆN NÀY VÀ TRỤ LẠI VỚI NÓ. Được không? Khi ngài trụ lại với nó, như thế ngụ nghĩa gì? CHÚ TÂM - đúng không? Không có động thái nào trốn khỏi nó. Chỉ trụ lại với nó. (...). Lúc đó không có xung đột, lúc đó ngài phá vỡ được lối mòn của trí não. (...) Ngay lúc mình nhìn thấy được sự kiện này thì MỌI VIỆC SẼ HOÀN TOÀN KHÁC HẲN. (...).
--
(...) Có điều gì lạ thường hiện hữu ở đây rồi, mà vì nó - nếu như nó hiện hữu - mình phải HIẾN CẢ TÂM TRÍ, CẢ TẤM LÒNG để gìn giữ. Ngài có thấy vậy không thưa ngài?
(...) Tôi đang hỏi, Panditji, liệu có điều gì đó trường tồn, không bị bó buộc bởi thời gian, sự tiến hoá và các thứ. Nó phải hết sức linh thiêng. Và nếu nó hiện hữu, mình phải dâng hiến cả đời mình cho nó - không phải bằng học thuyết hay tri thức, mà bằng sức truyền cảm của nó, chiều sâu của nó, vẻ đẹp của nó, sức mạnh vô song của nó. (...).
--
(...) Ngài chưa từng NƯƠNG VÀO CÁI TOÀN THỂ, TUÂN THEO CÁI ĐANG LÀ. (...) Chúng ta chưa hề trụ ở đó. Chúng ta luôn luôn di chuyển, dịch chuyển. Đúng không? Tôi là thế này, tôi sẽ là thế kia - đó là sự lánh xa khỏi cái đang là.
--
(...) Mọi thời gian nằm trong cái bây giờ, ngay phút giây này. Đây thực sự là điều phi thường nhất: nhìn ra rằng tương lai, quá khứ là cái bây giờ. Đó có phải là một sự kiện, không phải ý tưởng về sự kiện? (...).
Đó có thể là điều phi thường nhất, nếu ngài tìm hiểu sâu vào. Đó có thể là BẢN THỂ CỦA LÒNG TRẮC ẨN. Đó có thể là BẢN THỂ CỦA SỰ THÔNG MINH LẠ THƯỜNG không thể tả. Ngài không thể nói mọi thời gian là bây giờ nếu đó không phải là một thực tế. (...).
Tôi thấy rằng nếu hôm này tôi tham lam, hôm nay ganh tị, ngày mai tôi sẽ tiếp tục tham lam và ganh tị, trừ phi có gì đó xảy ra bây giờ. Vậy tôi có thể thay đổi, biến đổi ngay bây giờ?

Có một vận động không thuộc thời gian (tâm lí) xảy ra nếu như có một biến đổi căn cơ. Ngài thấy chứ thưa ngài? Hai triệu rưỡi năm về trước chúng ta là người man rợ, bây giờ chúng ta vẫn man rợ: muốn có quyền lực, địa vị, giết chóc lẫn nhau, ganh tị so sánh, và mọi thứ. Ngài đã đặt ra thách đố cho tôi: mọi thời gian là bây giờ. Tôi không có lối thoát, tôi không có cửa thoát khỏi sự kiện chính yếu này. Tôi tự nói: Trời ơi, nếu bây giờ mình không thay đổi, ngày mai cũng sẽ như vậy. Vậy có thể nào tôi biến đổi ngay bây giờ không? Tôi nói rằng có đấy.

(...) Đừng hỏi cách nào, thưa ngài. Ngay lúc ngài hỏi cách nào, ngài đã ở trong tiến trình thời gian rồi. (...) NGÀI LÀ CÁI NGÀI ĐANG LÀ BÂY GIỜ.
--
(...) Có một trật tự khác thường trong vũ trụ. Lỗ đen là một phần của trật tự đó. Bất cứ khi nào con người bước vào là hắn gây hỗn loạn. Vậy tôi hỏi, có thể nào tôi, với vị thế một con người nhưng đồng thời cũng là toàn thể nhân loại, tạo ra được trật tự trong chính mình trước tiên? TRẬT TỰ NGỤ NGHĨA LÀ VÔ TƯ LỢI”.
------
(Danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti. Trích trong Lời Cuối Bình Yên của nhà biên dịch Mộc Nhiên).
---------------

THAM KHẢO THÊM

* “Bất động (tâm vô niệm) chính là toàn thể mọi chuyển động, là bản thể mọi hành động, sinh động mà không hình bóng, tư tưởng; kẻ tạo ra hình bóng thì không có cách nào định lượng được sự bất động đó”.
(Bút hoa-The Krishnamurti’s notebook; dịch giả: Ẩn Hạc).

* “Gọi là Thượng Đế hay Chân Lí đều như nhau. Chân Lí là giải thoát tâm trí khỏi mọi gánh nặng của trí nhớ (tâm lí)”.
(Krishnamurti ở Carmel; một phỏng vấn).

* “Trong các môn tu học của đạo Phật, tập thiền là trước hết. Nếu tâm không an thiền tĩnh lự, hành giả sẽ khôngbiết làm sao để đương đầu với giờ phút nghiêm trọng có thể hiện đến. Muốn tìm hạt châu dưới nước, đừng làm cho nước chao động; sóng nổi lên thì khó mà mò ra hạt châu. Hãy làm cho dòng nước thiền định lắng trong, hạt châu của tâm linh sẽ phát hiện. Vì vậy kinh Viên Giác có nói: “Trí tuệ vô ngại và thanh tịnh do định mà có”; và kinh Pháp Hoa nói: “Ở nơi vắng vẻ tu nhiếp tâm mình, an trụ bất động như núi Tu di”.


Như vậy chúng ta biết rằng con đường chắc chắn sẽ siêu phàm, vượt thánh tất nhờ duyên của định. Và người xưa, ngồi mà đi, đứng mà chết, thảy đều do định lực. Một đời đôn đáo, còn sợ chậm, huống lại chần chờ thì lấy gì mà địch với nghiệp? Người xưa nói: “Nếu không thành đạt sức mạnh của thiền định để đủ sức phá huỷ cõi chết, thì sẽ phải trở lại cõi đời này với đôi mắt mù và với công trình dang dở.


Các thiện hữu thân mến, xin hãy đọc đi đọc lại những lời này, để rồi (nhờ định lực), lợi mình và lợi người, cùng thành chánh giác”.


(Toạ thiền nghi; tác giả: khuyết danh. Trích trong Thiền luận-quyển trung; D. T. Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
-----------------------

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/01/2011(Xem: 9385)
Tuổi cao không già giặn Thân ở chốn trần lao Nếu tâm không vững chắc Nam Bắc thành phân chia
22/01/2011(Xem: 14506)
Thắng Hội Vu Lan nhớ Mẹ hiền Noi gương hiếu hạnh Mục Kiền Liên Thanh trai lễ vật lòng tha thiết Nguyện Đức Từ Bi cứu đảo huyền
22/01/2011(Xem: 8315)
Từ đây ở cõi Ta Bà Chúng sanh nối bước Phật Đà từ bi Thắp lên ngọn đuốc cùng đi Trên đường giải thoát viễn ly vọng tình Đoạn trừ phiền não vô minh
19/01/2011(Xem: 9659)
Bài thơ tám câu, tám dòng chữ nhỏ, Tám dòng sông miền núi trong lành. Đường tới biển, tới thơ gian khó, Nhưng hãy hòa với biển xanh. Bài thơ tám câu, tám dòng chữ nhỏ, Tám chàng trai miền núi yêu đời. Các anh đi trên trăm đường gian khó, Mũ của mình đừng để rơi!
15/01/2011(Xem: 9155)
hỏng tay ra phố một mình Đêm ba mươi xả buông giành áo cơm Mặc người chộn rộn lo toan Ta tìm ta giữa ngổn ngang dập dìu Phàm phu chen với cao siêu
14/01/2011(Xem: 10753)
Vạt nắng vui đùa cơn gió thoảng nụ cười hoa nở lúc xuân sang chân tình từng bước ru hoang dại mở cánh mai vàng đón ước mơ ta đi tìm đến cửa thiên thanh từ thưở lòng son ngủ giấc dài bao thiên niên kỷ, nhìn mây nước giật mình, thấy bóng vẫn không phai..
14/01/2011(Xem: 8265)
Đã lâu rồi, gặp lại nhau, chúng mình đều già hết. Người bạn thân ở lúc nào đó, nay nhìn lại, cũng khó nhận ra. Mái tóc đã bạc, vầng trán có nhiêu gạch dài, đôi mắt vẫn hoang vu như ngày nào. Tôi mỉm cười vì ngày xưa, anh cũng từng nhìn đôi mắt tôi, thăm dò. Lúc đó, cao hứng làm sao, tôi vội trả lời bằng hai câu thơ nhí nhố của tuổi trẻ “ mắt tôi chứa cả bầu trời. Mắt tôi ôm cả một đời thương yêu”..Thế mà thời gian đã vội trôi qua, phong trần đã cướp đi nhiều thứ trong anh, trong tôi..
11/01/2011(Xem: 10594)
Hôm ấy vào ngày hoa sen nở, Lòng tôi lơ đãng lạc phương nao? Trên tay giỏ hoa dường trống rỗng...
05/01/2011(Xem: 8391)
Chiều đông lạnh đứng trên thềm gạch cũ, Lòng nao nao nhớ lại thuở huy hoàng. Khi Đức Phật và Tăng đoàn tựu đủ, Từ nơi này truyền đạo khắp nhân gian. Bao mùa hạ nơi Trúc Lâm Tịnh Xá, Phật vẫn thường lui tới ngụ dưỡng an. Một tịnh cảnh nằm giữa thành Vương Xá,
05/01/2011(Xem: 10541)
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư Học hành không thiếu cũng không dư Năm nay tính lại chừng quên hết Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]