Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thái Tú Hạp: Làm Thơ Như Chép Kinh

21/03/202207:49(Xem: 6148)
Thái Tú Hạp: Làm Thơ Như Chép Kinh

z 0 bia sach Tho Thai Tu Hap
Thái Tú Hạp: Làm Thơ Như Chép Kinh
Nguyên Giác


Bạn đã từng yêu thơ, đã từng đọc thơ, đã từng làm thơ, đã từng say đắm với thơ... tôi tin rằng bạn sẽ đứng tim khi đọc tới những dòng:
cổng chùa khuya chưa khép
bầy sao rủ nhau về
soi trong hồ nước biếc
tiếng hạc buồn lê thê

Tôi đã đứng tim như thế, đã kinh ngạc đọc đi đọc lại các dòng thơ trên. Tôi đã nghiêng đầu, áp tai sát trang giấy để nghe xem tiếng hạc buồn lê thê thế nào. Tôi đã nghiêng trang giấy qua lại để xem có ngôi sao nào rơi ra từ giữa những dòng thơ. Khi đó, tôi đã thắc mắc vì sao có hình ảnh cổng chùa chưa khép trong thơ, có phải vì nhà sư thi sĩ đã đi lạc nơi phố chợ và quên mất lối về.

Đó là thơ Thái Tú Hạp. Đó là bốn dòng đầu của bài Sao Khuya trong tập thơ "Suối Nguồn Tâm Thức: Thơ Thái Tú Hạp." Tôi đọc tập thơ này từ hai năm nay, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc, và lòng tự dặn lòng rằng cần viết một bài về thi tập này nhưng cứ mãi chần chừ. Phần lớn, vì đã có quá nhiều người viết về thơ Thái Tú Hạp. Thơ của anh thu hút quá nhiều lời bình luận, trong khi tự thân tôi không thể nghĩ ra những gì hay hơn; mà nhìn cho đúng, mình chỉ là một nhà báo, không đủ tư cách phê bình gia, viết gì cũng không nói được như ý, không nêu lên được nhan sắc của những dòng thơ họ Thái.
Tôi mê thơ. Xin tự thú nhận như thế. Hễ mê cái gì cũng là cũng lụy. Một thời tôi tự nghĩ, mình chỉ giả vờ mê thơ, giả vờ thị hiện mê thơ, chỉ để làm quen với văn nghệ sĩ. Vì chúng sinh cần thơ, thì mình có thơ. Như thế, mê thơ chỉ nên xem đơn giản như mê trà, hay mê cà phê… cũng như mỗi ngày phải ăn cơm, uống nước… Nhưng thực sự là tôi mê thơ, và tôi tự biện hộ rằng thơ là một cõi Niết bàn của chữ. Rồi có lúc tự nhìn lại, nghiệm ra là vì lý luận luôn luôn làm cho chúng ta mệt nhọc, nhức đầu; trong khi thơ không hề lý luận. Do vậy, đọc thơ chỉ nên tự nhiên như khi uống trà, như khi nhìn ra bầu trời để xem chim bay mùa xuân, hay để ngó ngoài hiên xem gió lay cành trúc, hay để nghe lưng trời một tiếng chuông chùa… Tức là, tất cả những gì tới với chúng ta đều là thực tướng, là hiển lộ của Niết bàn. Nơi đó, thơ Thái Tú Hạp cũng là một cõi chân trời say đắm.

Tôi không muốn kể về tiểu sử Thái Tú Hạp. Rất nhiều người đã biết, anh nổi tiếng về thơ từ trước 1975, anh được rất nhiều nhà phê bình phân tích và ngợi ca. Không lẽ mình chép lại lời những người khác viết về thơ Thái Tú Hạp, trong đó có những người rất nổi tiếng. Thêm nữa, rất nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ anh, nghĩa là, nhạc tính trong thơ anh hẳn là phong phú, ý tứ trong thơ hẳn là gây xúc động cho nhiều nhà soạn nhạc…
Và do vậy, tôi nên trở về đúng vị trí của tôi: chỉ mở trang sách ra để đọc thơ Thái Tú Hạp thôi, cũng y hệt như mùa xuân bay qua để hiện lên những cánh đồng hoa bên đồi. Trong cõi đó, tôi ưa thích nhất, là những dòng thơ rất mực u hoài cổ tích của anh. Không gian thơ này là cái gì rất gần gũi với tôi: những mái chùa ở quê nhà, tiếng chim hót hòa vào lời kinh tụng. Đó là những hình ảnh không dễ tìm được nơi hải ngoại.

Tập thơ dày 740 trang là tuyển tập những bài Thái Tú Hạp ưa thích nhất trong 60 năm làm thơ. Một bước chuyển biến của Thái Tú Hạp là rời quê hương. Bài thơ Ta Vẫn Yêu Người nơi trang 129-130 sáng tác từ Hồng Kông năm 1979 cho thấy hình ảnh nhà thơ ra đi nhưng trong lòng vẫn vọng lại tiếng chuông chùa nghìn thu cổ tích, trích đoạn thứ tư như sau:

Lòng ta như tiếng chuông
giữa chùa xưa u tịch
trên đỉnh buồn đau thương
của nghìn thu cổ tích.

Ra đi hiển nhiên là tới đỉnh buồn đau thương, nhưng vẫn ủ trong ký ức là tiếng chuông chùa của những nghìn năm u tịch. Điều kỳ lạ nơi thơ Thái Tú Hạp, ngay cả khi làm thơ tặng hiền thê là nhà thơ Ái Cầm, độc giả vẫn thấy hiển lộ một không gian tự viện, như bài Doanh Doanh (trang 189-190) dài 6 đoạn, nơi đây trích đoạn thứ hai:

Giữa đời em sen ngát
khúc tiếu ngạo rong chơi
hồn Hoa Nghiêm rạng rỡ
sông núi mộng thơ ngây

Sen ngát là hình ảnh nhà Phật. Hoa Nghiêm là một bộ kinh lớn. Phải chăng thế giới hoa tạng đã hiện ra trước mắt nhà thơ Thái Tú Hạp… để rồi ngay cả sông núi cũng mộng thơ ngây.

Đối với Thái Tú Hạp, hình như làm thơ cũng là một pháp tu. Bởi vì có những dòng thơ như dường nhắc tới các pháp ấn. Như bài Một Thoáng Phù Vân dài 10 đoạn nơi trang 238-239, ngay nhan đề đã nêu lên pháp ấn vô thường. Nơi đây trích đoạn thứ tư trong bài, có vẻ như hình ảnh giao thừa là để nói sự chuyển hóa của tâm hồn, vì ghi rõ là “bất tận” theo sau, trong khi thi sĩ nhìn về đất Phật (Tây trúc) và niệm từ tâm giữa khắp trời gió thoảng, vốn là ngoài cõi tâm.

Đêm giao thừa bất tận
tây trúc ngàn dặm xa
niệm từ tâm giao động
cơn gió thoảng ngoài ta.

Có những lúc phải tự nhắc chớ quên chánh niệm. Thế là Thái Tú Hạp sáng tác bài thơ Cõi Tình Riêng Ta, dài 5 đoạn nơi trang 319-320. Khi anh nói “riêng ta” có nghĩa là thế giới tâm của nhà thơ, nơi tâm bản nhiên đó đã có sẵn tàng kinh mật ngữ -- nơi đây, chữ “tàng” với chữ “mật” là nói tới những gì khó thấy, khó nghe, khó nhận biết. Tuy là ẩn mật, nhưng thế giới tâm đó là một cõi dị sử kỳ hương, nơi đó thi sĩ trải qua kinh nghiệm được một pháp giới Bát Nhã Tâm Kinh rằng thân tâm thi sĩ đã đi từ không đến có, trong một chuyển biến rất mực hư huyễn như sương… và rồi nhắc nhau hãy từ tâm chánh niệm. Trích hai đoạn cuối bài như sau.

Bao nhiêu tàng kinh mật ngữ
bao nhiêu dị sử kỳ hương
ta đi từ không đến có
cuộc đời hư huyễn như sương.
.
ta vì em hẹn mấy kiếp
con đường hạnh đạo an nhiên
vừng trăng từ tâm chánh niệm
soi tình ta cõi chân nguyên.


Kinh Phật thường nhắc rằng các pháp vốn là như mộng, nghĩa là y hệt như giấc mơ thôi; các pháp vốn là như huyễn, nghĩa là y hệt như hư ảo thôi. Thơ Thái Tú Hạp ghi lại mộng và huyễn bằng hình ảnh thơ mộng của mây trắng bay, cho thấy mây hợp rồi tan, biến hình mây thành vô lượng cái được thấy trước mắt để nêu lên thực tướng vô thường và bất khả nắm bắt, nghĩa là thực tướng cũng vốn là vô ngã, và các pháp ấn này cần được đốn ngộ tức khắc ngay khi mắt thấy mây trắng ngàn phương. Thấy như thế, thơ sẽ không làm lụy thi sĩ, vì ngay như thơ cũng được sáng tác trong ngọn lửa của “không hề có cái gì của tôi” – và rồi, chỉ là chiêm bao thôi. Bài thơ Đâu Ngờ Chiêm Bao nơi trang 322 có 4 câu cuối bài như sau.

Ngàn phương mây trắng thong dong
tâm chưa đốn ngộ em mong mỏi chờ
ta về gom lửa vào thơ
soi trong mắt biếc đâu ngờ chiêm bao.

Có bao giờ thiền sư động tâm? Một lần nhà thơ Thái Tú Hạp chợt nhìn thấy trong thơ anh hiện ra một thiền sư động tâm. Chỉ vi, khi nắng chiều chiếu lên trang kinh, những mùa nắng quê xưa hiện ra, và rồi hiện ra ngôi chùa cổ trên đồi, nơi vầng trăng nhiều đêm về ngủ nơi mái chùa. Bài thơ Giọt Nắng nơi trang 378, dài bốn đoạn, nơi đây trích hai đoạn đầu như sau.

Buổi chiều, trước công án
giọt nắng trang kinh nhòa
tâm thiền sư chợt động
những mùa nắng quê xưa
.
chùa cổ trên đồi cao
trăng về ngủ trên mái
trong vườn chim lao xao
mà hồn nghe tỉnh lặng.

Thế rồi khi nhà thơ xa mẹ. Bất kể là đã vào tuổi trung niên, bài thơ Nhớ Mẹ sáng tác năm 1985, dài sáu đoạn, nơi trang 379-380 cũng ghi lại hình ảnh người mẹ của những âm vang tụng Kinh xen với lời mẹ dặn, của những ký ức về một ngôi chùa im vắng tiếng chuông trong mùa đông nghèo lạnh buốt giá. Nơi đây trích đoạn một và đoạn năm của bài Nhớ Mẹ:

Sáu năm rời xa mẹ
lòng con đầy tiếng kinh
tuổi đời rêu nắng xế
lời mẹ thiết tha tình
….
Sáu năm rời xa mẹ
chùa im vắng tiếng chuông
mùa đông nghèo lạnh buốt
thân xác gầy yêu thương…

Thơ Thái Tú Hạp dẫn độc giả vào một không gian mới. Nơi đây thi sĩ không sống trong cõi năm, tháng, ngày, giờ… mà đang sống với từng sát na – một đơn vị đo thời gian rất nhỏ, rất ngắn ở mức không hình dung được bằng toán học. Nơi đây, pháp ấn vô thường được anh kể lại, như dòng sông nước cuốn, nhưng vầng trăng tâm vẫn bất động, vẫn không bị nước cuốn trôi đi. Nơi đây, anh làm thơ y hệt như đang ngồi chép kinh: trong sát na hạnh ngộ của người nhận ra bản tâm bất động trong dòng thời gian chảy xiết, và anh gọi là Niết bàn cõi Tánh không. Nơi đây, nhà thơ nói hôm qua hãy buông thôi, ngày mai đừng mơ tưởng và dược mất chỉ là khói sương. Bài thơ Sát Na Hạnh Ngộ dài năm đoạn, nơi trang 385, nơi đây chúng ta trích ba đoạn đầu như sau:

Dòng nước cuốn trôi đi
vầng trăng còn ở lại
nước thường hằng chia ly
trăng một lòng chung thủy
.
có không nào ai biết
hoa tuyết giữa hư không
trong sát na hạnh ngộ
niết bàn cõi tánh không
.
chuyện qua như gió thoảng
chuyện mai chưa lên đường
đừng ngại ngùng lo nghĩ
được mất dường khói sương.

Nhận ra thực tướng các pháp chỉ là hư huyễn, luân hồi chỉ là như các vở kịch thay nhau miên viễn, nhưng khi thấy vầng trăng nguyên thủy, tất cả các sinh diệt rơi trước mắt như bóng hoa, khi đó thi sĩ viết xuống lời mời chánh niệm. Bài thơ Mùa Tịnh An, dài tám đoạn, nơi trang 454-455, trích ba đoạn cuối bài như sau:

Ước mơ nào hư huyễn
vở kịch đời chưa xong
đùa chơi trò nhân thế
tâm nguyên thủy vừng trăng
.
mười phương nhòa cát bụi
giọt nước cõi giang hà
lúa reo bờ hữu hạn
sinh diệt nào bóng hoa
.
tìm nhau trong chánh niệm
hiện hữu tách trà thơm
mời em mùa an lạc
hương sen ngát hồng ân.

Kinh Kim Cang thường được tụng tại các chùa Việt Nam. Thái Tú Hạp trong bài thơ Thắm Tờ Kim Cang đã ghi lại hình ảnh về ngôi chùa cổ để nghe kinh, nơi đó chim trên cành líu lo hót, cũng như dường đang phụ họa cho lời kinh để làm sáng tỏ ý nghĩa sắc/không. Toàn bộ bài thơ dài tám câu, nơi trang 474 như sau:

Ta về cổ tự nghe kinh
suối mây chim hót trên cành tĩnh tâm
hoa vàng xưa gặp cố nhân
sợi tơ nhân ngãi trăm năm đợi chờ
vầng trăng từ cõi nguyên sơ
hỏi nhau lá trúc thắm tờ Kim Cang
bụi nào xóa dấu sắc không
nghe chuông đại nguyện hóa thân chim trời.

Cũng nói về trang kinh vô tự, nơi các dòng chữ biến mất khi nhà thơ ngộ ra ý nghĩa sắc không bất dị để rồi nhận ra nơi tự tâm một vừng trăng xưa, bài thơ Thanh Tịnh Khúc mười bốn dòng, nơi trang 483, trích bốn dòng cuối như sau:

Mai về khép cánh biển dâu
giở trang vô tự trắng nhòa sắc không
tìm nhau trong cõi vô thường
soi tâm tư hiện một vừng trăng xưa.

Tuyển tập “Suối Nguồn Tâm Thức” cũng có nhiều bài thơ được dịch sang tiếng Anh, và các bài nhận định về thơ Thái Tú Hạp từ sáu nhà phê bình --- Bùi Bảo Trúc, Cao Mỵ Nhân, Duy Lam, Luân Hoán, Nguyễn Vy Khanh và Vũ Ký. Mỗi người từ một góc nhìn khác nhau đã viết về thơ của chàng thi sĩ họ Thái.
Gấp lại các trang sách cuối, hình ảnh lưu giữ trong tôi về thơ Thái Tú Hạp là một chàng thi sĩ ngồi dưới mái chùa cổ, cẩn trọng viết lên các dòng thơ trang trọng như đang chép kinh, nơi đó chàng nhìn thấy ý nghĩa sắc/không như giọt nắng vô tự lung linh trên trang giấy, nơi đó từng chữ anh viết là lời mời chánh niệm để nhận ra vầng trăng nguyên sơ của tự tâm, nơi đó là Niết bàn tự tâm và xa lìa tất cả những bể dâu ly tán của cõi này. Không dễ để viết được như thế. Và không dễ để có một nhà thơ như anh trong cõi này vậy.


facebook
youtube



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/09/2010(Xem: 10738)
Trước khi viết loạt bài thơ trong phần 1 (Hương Đạo Pháp) của thi tập này, tôi đã có gần 900 bài thơ, xoay quanh các đề tài như quê hương đất nước, lịch sử, địa lý, giáo dục, cuộc sống hiện thực, triết lý sắc không, nhân sinh quan - vũ trụ quan Phật giáo, xưng tán Phật và Bồ-tát….. Tôi đang tạm thời dừng lại công việc sáng tác và chuẩn bị làm một số công việc chuyên và không chuyên khác. Nhưng chợt nhớ lại nhiều năm trước đây, thỉnh thoảng có trao đổi với vài vị thân, quen, những người đã đọc gần hết thơ tôi. Họ nói, trong số gần 900 bài thơ đã đọc qua, tuy cũng có nhiều bài khuyến tu, nhiều bài mang tính giáo lý sâu sắc, có khả năng tịnh hóa lòng người, tuy nhiên những bài đó nằm tản mạn chưa tập trung. Hơn nữa cũng cần một loạt bài có nội dung giáo lý căn bản với thuật ngữ, danh từ, pháp số thông dụng, nếu có thể cho thành một tập riêng biệt thì càng tốt.
06/09/2010(Xem: 9083)
Phù Sinh Nhiễm Thể Ca, TNT Mặc Giang
06/09/2010(Xem: 9625)
Mùa hạ mà hơi lạnh xông ướp cả gian phòng. Tắt điện, thắp lên ngọn bạch lạp cắm vào một quả thông, nhựa sống vẫn còn mơn man đâu đây, nồng nàn. Mấy mươi năm hiên ngang sừng sững, một cơn bão thổi qua, thông bật gốc ngã quỵ, vương vãi xác xơ. Có gì tồn tại mãi đâu! Rồi tất cả, cũng bị thiêu rụi như ngọn bạch lạp đang cháy dỡ…
06/09/2010(Xem: 11324)
Được sinh ra, lớn lên, đi vào trường học, đi vào trường đời, rồi dong ruổi muôn phương, và dù có ra sao, Quê Hương vẫn Còn Đó ! Từ thuở phôi sinh xuất hiện Lạc Hồng, Hùng Vương - Văn Lang, xuyên qua chiều dài lịch sử, cấu thành mảnh dư đồ Chữ S, với Bắc Nam Trung gấm vóc, với núi non hùng vĩ, biển rộng sông dài, với những tên gọi thân yêu Huế - Sài Gòn - Hà Nội, với từng thời kỳ dù có qua đi, không gian dù có biến đổi, và dù cho vật đổi sao dời, Quê Hương vẫn Còn Đó !
06/09/2010(Xem: 9384)
Người phương tây thường nói “trẻ ước mơ, già hoài niệm”, nhưng sau khi đọc xong tập thơ Hành Trình Quê Mẹ, tôi thấy tác giả, một nhà thơ ở tuổi tri thiên mạng, nhưng lại luôn ghi lòng tạc dạ, nâng niu trân trọng các giá trị được tài bồi bởi tiền nhân; tác giả còn hoài bảo, mơ vọng một hướng sống thiết thực cho người Việt Nam nói chung. Với Mặc Giang, hoài niệm và ước mơ nào có hạn cuộc bởi tuổi tác. Hoài niệm và ước mơ ấy đã trở thành chất liệu tài bồi cho dòng thơ với chủ đề Hành Trình Quê Mẹ tuôn chảy không mỏi mệt, để nguồn thơ của thi nhân vốn nhào nặn từ cuộc sống, trở lại phụng sự cuộc sống ấy, trở thành niềm tự hào kiêu hãnh của trào lưu thi ca hiện đại.
06/09/2010(Xem: 11795)
Qua năm mươi năm, tiếp bước tiền nhân tôi trót vào con đường khảo cứu lịch sử văn học dân tộc. Tôi đã đọc rất nhiều thơ và cũng làm được một số việc cho các thế hệ thơ ca. Nhưng khi may mắn được đọc tập thơ Quê Hương Nguồn Cội (và khoảng 650 bài khác nữa) của nhà thơ Mặc Giang, một tập thơ chan chứa tình quê hương dân tộc, với tâm hồn bao la, sâu rộng bằng trái tim và dòng máu của người Việt Nam, tập thơ đã làm cho tôi hòa đồng trong tác phẩm không còn phân biệt được tâm tư và cảm giác của mình và chỉ còn là một con tim, một dòng máu chung của dân tộc trộn lẫn vào sự cấu tạo chung trải qua mấy ngàn năm lịch sử của núi sông.
06/09/2010(Xem: 9492)
Nhịp Bước Đăng Trình, TNT Mặc Giang
01/09/2010(Xem: 12438)
Theo dòng diễn tiến của những cuộc du hóa qua những quốc gia trên thế giới, giàu và nghèo, Đông và Tây, chúng tôi đã từng thấy con người say sưa với niềm vuisướng, và những con người khổ đau. Sự phát triển của khoa học kỷ thuật dường như có đạt được thêm một ít đường nét, một số cải tiến; phát triển thườngcó nghĩa thêm ít nhiều những tòa nhà ở thành thị.
31/08/2010(Xem: 11383)
Em có về cồn phượng là tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Hiển.(Tên thật Trần Ngọc Hiển) Sinh năm 1942 tại Phú Lý, Hà Nam. Di cư vào Sài Gòn năm 1954. Cựu học sinh Chu Văn An. Sinh viên Luật khoa (dở dang). Sinh viên ban Triết Tây, Đại học Văn Khoa (cũng dở dang). Tốt nghiệp khả năng Sư Phạm Trung Cấp, ban Văn Chương. Giáo sư văn chương các trường trung học Côn Sơn, Ngô Quyền, Minh Đức, Trí Đức Sài Gòn và Kỷ Thuật Biên Hòa.
30/08/2010(Xem: 10543)
Nửa đời người tôi hiểu được Vô thường - ấy lẽ thường nhiên Và ta chỉ là chiếc lá Trong rừng nhân loại vô biên..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]