Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hiện tượng thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

25/12/202108:28(Xem: 7508)
Hiện tượng thơ Tôn Nữ Hỷ Khương


ton nu hy khuong-6


Hiện tượng thơ Tôn Nữ Hỷ Khương





Có thể nói nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã tạo nên một hiện tượng thơ, nhiều tập thơ của bà được in với số lượng lớn, tác quyền bà thường nhận sách mà không nhận tiền, những nơi in thơ cho bà vẫn dành cho bà những niềm ưu ái. Công ty Văn Hóa Sáng Tạo Trí Việt (First News) in tiếp hai năm hai cuốn Hãy Cho Nhau - Nước Vẫn Xanh Dòng (2004 - 2005).

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương - Ảnh: diendan.songhuong.com.vn
Năm 2006, First News đã đưa thơ Hỷ Khương lên lịch.

Đặc biệt năm 2008 có rất nhiều mẫu lịch in thơ bà. Trong đó có lịch Bloc treo, khổ A3 với nhiều bài thơ nhỏ viết dưới dạng thư pháp do Công ty An Hảo phát hành. Ngoài ra cũng có nhiều nhà sách in lịch đủ kiểu, 7 tờ viết thư pháp, lịch để làm 53 tuần, lịch 12 tháng để bàn, có nơi để tên, có nơi không để tên, có những cuốn agenda in toàn thơ Hỷ Khương không xin phép v.v…

Đặc biệt năm 2009, First News cho in loại lịch 7 tờ bài thơ Còn Gặp Nhau với số lượng rất lớn và rất đẹp. Những gian hàng viết thư pháp cũng viết thơ Hỷ Khương bán rất nhiều: trên lụa, trên mành trúc, trên giấy gió, trên dĩa v.v… các nhà hàng cũng treo rất nhiều thơ Hỷ Khương.

Cách đây 4 năm, một hôm nhà thơ nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ: “Chị Hỷ Khương ơi! Người ta khắc thơ của chị lên đá bán trong hội hoa xuân đẹp lắm, cứ mỗi tảng đá 200 dollars. Tôi muốn mua mà không đủ tiền, nhưng họ không đề tên”. Hỷ Khương hỏi lại: “Không để tên sao anh biết thơ Hỷ Khương”, người đàn ông trả lời: “Ai mà không biết”. Bẵng đi mấy tuần qua, một hôm tình cờ mấy bạn học cũ Đồng Khánh đi cúng 49 ngày Ni sư Trí Hải ở chùa, lúc về một bạn nói: “Mình có đem máy chụp hình, nghe nói hội hoa xuân hoa đẹp lắm mà ngày mai bế mạc rồi, chúng ta vào đó chụp vài tấm hình chơi”. Hỷ Khương nghe thế mới nhớ lại chuyện thơ viết trên đá… Hỷ Khương nói với bạn: “Nghe nói có gian hàng thư pháp lấy thơ Hỷ Khương khắc trên đá bán trong hội hoa xuân”. Thế là các bạn rất vui và cùng vào hội hoa tìm… chỉ rất nhanh các bạn đã tìm thấy một dãy đá có khắc hai câu thơ Hỷ Khương: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi - Chỉ có tình thương để lại đời!”. Giá bán mỗi bức 200 dollars. Có cả khung lồng kính, tranh thêu, cũng 2 câu thơ trên, giá một triệu rưỡi. Bỗng một người đàn bà xuất hiện: “Thưa chị, chị có phải là chị Hỷ Khương không?”. Hỷ Khương cười. Bà ta nói tiếp: “Em thấy chị trên sách, trên báo, trên ti vi… vợ chồng em nói ngày mai bế mạc sẽ chọn một viên đá đem biếu chị giữ kỷ niệm!”. Hỷ Khương chưa kịp trả lời thì một bạn đã nói ngay: “Chúng tôi có sẵn xe, xin chị cho đem ra dùm”. Thế là viên đá có hai câu thơ được đưa về nhà. Trên đường đi, năm người bạn nhìn nhau vừa cười vui mà vừa chảy nước mắt khi nghe một bạn nói: “Đây là Ni sư Trí Hải đưa chúng mình vào đây, và đem viên đá về cho Hỷ Khương, vì lúc sinh thời Ni sư vẫn bảo: “Thơ Hỷ Khương là thơ tải đạo…”. Viên đá ngẫu nhiên trở thành một kỷ vật đối với Hỷ Khương, ai đến thăm cũng chụp hình với đá. Bây giờ số người đã tăng gấp bội. Các bạn cứ trách nhà thư pháp không để tên, nhưng bây giờ Hỷ Khương thấy phải biết ơn người ấy: một vị kiến trúc sư rất tài hoa và nổi tiếng.

Một giai thoại khác khá thú vị. Một hôm Hỷ Khương đi ăn cơm tại một nhà hàng ở Sài Gòn với gia đình GS-NS Hoàng Cương, Giám đốc Nhạc viện thành phố. Lúc này có ca sĩ Bích Hồng cũng là giảng viên khoa thanh nhạc. Bích Hồng bỗng nhiên vui câu chuyện và đọc: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui!”. Bên kia bàn có đôi nam nữ ăn mặc thời trang đang ăn. Bất ngờ chàng thanh niên đứng dậy đọc tiếp: “Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời”. Quá đổi ngạc nhiên, Bích Hồng hỏi: “Sao em lại thuộc bài thơ này?”. Chàng trai nhẹ nhàng trả lời: “Tết vừa rồi em tới viếng chùa, một vị sư cho em bao lì xì, trong đó có 4 câu thơ, thấy hay, em học thuộc”. Hỏi ra mới biết thanh niên này là một Việt kiều về làm việc tại Việt . Rồi vào ngày hội Nguyên Tiêu 2007, Hỷ Khương dự hội thơ Thành phố, tổ chức tại Thảo Cầm Viên. Vì có việc, Hỷ Khương phải về sớm. Ra ngõ, lên taxi, người lái xe hỏi: “Cô ơi! Ở đó làm gì mà ca vui vậy?”. Hỷ Khương trả lời: “Hội nhà văn Thành phố tổ chức hội thơ”. “Thưa cô, em có nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tôn Nữ gì đó Còn gặp nhau…”. Hỷ Khương hỏi: “Anh muốn có bài thơ đó không?”. “Muốn quá chớ, nhưng làm sao mà có được?” Người lái xe trả lời. Tới nhà Hỷ Khương mời anh này vào nhà, tặng sách, có ghi tên Lê Quang Trung hẳn hoi, anh ta vô cùng xúc động và cám ơn rối rít khi biết được người khách đi xe chính là tác giả bài thơ anh thích.

Ông Mai Chí Thọ, một vị đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị đương thời trong một bức thư gởi cho Quốc hội ngày 16.11.2006, đăng báo Người Đại Biểu Nhân Dân: “Với niềm cảm xúc và niềm tự hào dân tộc trào dâng, không thể kìm chế được, tôi xin nêu thêm mấy dòng thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương, nhà thơ nữ đương thời mô tả nét cao đẹp của nền văn hóa đạo đức Việt Nam bằng những lời thơ tuyệt vời, khó có thể đôn hậu và nhân văn hơn thế nữa:

Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm.
Và nhất niệm báo ân đừng báo oán.

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi.
Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,
Tình người muôn thuở vẫn còn vương.
Chắt chiu một chút tình thương ấy,
Gửi khắp muôn phương, vạn nẻo đường.

Có thể kể ra đây nhiều giai thoại về thơ Hỷ Khương. Năm 2004 thơ Hỷ Khương lên lịch. Một người Hà Lan sang Việt làm từ thiện, thấy lịch đẹp với hình ảnh con đò trên sông cùng những dòng chữ bay bướm vui mắt, ông mua mấy cuốn. Về nước gặp một người Việt gốc Huế lấy chồng Hà Lan. Cô này giảng giải ý nghĩa bài “Còn gặp nhau”. Cô là học trò của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Trong dịp về thăm Huế cô kể cho thầy An nghe. Thầy cho cô mượn những tập thơ của Hỷ Khương photocopy và cho địa chỉ của Hỷ Khương. Ông bạn Hà Lan cùng cô này dịch bài thơ ra tiếng Hà Lan với niềm thích thú. Gửi về cho Hỷ Khương những bức thư đầy chân tình và trân trọng. Cũng năm 2004, khi tập thơ “Hãy Cho Nhau” ra đời, nhà giáo Thân Trọng Sơn đã dịch ra tiếng Pháp, được rất nhiều người khen tặng. Trong số này có một vị giáo sư người Bỉ, nguyên cố vấn sư phạm Hiệp hội Pháp Ngữ TP. Hồ Chí Minh đã vô cùng xúc động và ngợi ca những tư tưởng trong tập thơ.

“…Tôi đọc bản dịch của anh (dịch thơ Tôn Nữ Hỷ Khương) thích thú vô cùng, thích thú với hai điều tâm đắc: cảm động trước sự ân cần của anh và tìm thấy trong tuyển tập cái hồn Việt mà tôi tưởng đã có thể tiếp cận trong vòng 5 năm qua…”.

Một vị hòa thượng nói: “Phật dạy sắc sắc không không”, đôi khi có vẻ cao siêu, người đời có thể không hiểu thấu. Thơ của Hỷ Khương cụ thể hơn nên dễ đi vào lòng người”.

Có điều rất vui và thật bất ngờ, sáng ngày 23.12.2007, tôi mở máy nhận điện thư thì trong hộp thư có bài Còn gặp nhau. Bạn tôi, một võ sư từ nửa vòng trái đất gửi về cho tôi thay lời mừng Noel và năm mới.

Hơn 20 năm trước, tôi gặp chị Tôn Nữ Hỷ Khương tại nhà nữ sĩ Mộng Tuyết, đường Nguyễn Trọng Tuyển (TP.HCM). Trong không khí trầm mặc của Vương Giả Hương Đình còn vương hơi thở thi sĩ Đông Hồ, cô Bảy Mộng Tuyết cho tôi biết câu hò Chiều chiều trước bến Văn Lâu là của cụ Ưng Bình và Hỷ Khương chính là nàng quận chúa, con gái bậc vương tôn thi nhân đó. Được cô Bảy cho đọc thơ xướng họa của hội thơ Quỳnh Dao mà Hỷ Khương là thành viên trẻ nhất, tôi nhận ra nàng quận chúa vương triều cuối mùa là người có hồn thơ, có tấm lòng nhân hậu.

Năm tháng qua đi. Rồi một lúc nào đó, tôi nhận ra: Hỷ Khương đã tự làm nên hiện tượng thơ. Dù muốn, dù không, đó cũng là một hiện tượng. Thơ Hỷ Khương là chỉ dấu chia thơ Việt thành hai dòng. Một bên là những nhà thơ hàn lâm, bác học với siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức… ngất ngưởng trên đỉnh Thi sơn, chen vai thích cánh bước vào Điện Panthéon Giao Chỉ. Một bên là thơ ca dân dã, tự nhiên nhi nhiên, như con chim thấy lòng vui thì hót. Những nhà thơ vô danh của dân lân dân ấp tìm được nàng quận chúa làm người phát ngôn cho mình: những vần thơ chân chất, hồn hậu. Tôi không dám cho thơ nào cao hơn, sang hơn thơ nào nhưng hiểu rằng: Chính Hỷ Khương tạo nên một định nghĩa của thơ. Hình như điều này kéo thơ ca gần lại hơn với cuộc đời?

Tới đây, những câu hỏi nảy sinh: tại sao những người có chỗ đứng rất khác nhau trong xã hội lại yêu thơ Hỷ Khương? Và bài thơ nào của bà được yêu thích nhất? Câu thứ nhất phải cân nhắc. Câu thứ hai đạt đồng thuận cao: Còn gặp nhau! Bài thơ không hề có đổi mới cách tân gì về ngôn từ, vần điệu. Cả đến ý nghĩa cũng xưa như trái đất. Bạn và tôi, có lẽ không biết bao lần chúng ta từng nghĩ gần như thế, chuyện tưởng xưa cũ không còn gì để bàn. Nhưng rồi Còn gặp nhau xuất hiện, chúng ta như tỉnh ngộ mà nhận ra rằng đó là cách đơn giản nhất, chân thành nhất nhưng chính xác nhất nói lên niềm sâu thẳm của tâm linh Việt. Và ta bỗng nhớ ra, ta đã từng nghĩ gần như thế, nói gần như thế! Vì vậy, bài thơ là của ta, thuộc về ta. Yêu thơ Hỷ Khương cũng chính là ta yêu ta! Điều này lý giải cho câu hỏi đầu.

Không khỏi có người cho rằng, chỉ là sự ăn may, bài thơ làm quá dễ, không hề dụng công! Ít dụng công thì có thể. Nhưng ăn may thì không. Hỷ Khương đã dụng cái lớn hơn ngàn lần dụng công: dụng Tâm! Có lẽ bà phải tu cả đời hay nhiều đời nên mới có được tâm Phật để nói lên lời Phật!

Phải chăng đó cũng là cái ý nghĩa của sự tồn tại của bà với tư cách nhà thơ trên cõi đời này? Với những câu thơ đi vào lòng người như vậy, thơ Hỷ Khương đã có hộ khẩu thường trú nơi cõi vĩnh hằng, giống như những câu “Chiều chiều trước bến Văn Lâu” của thân phụ bà. Âu, đó cũng là lẽ công bằng của tạo hóa huyền vi!

Một sáng chủ nhật bạn tôi, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thị Thanh Xuân, ở tuổi xưa nay hiếm, từ phía đông thành phố Sài Gòn gọi cho tôi: “Buồn quá. Mình cảm thấy đời quá chừng vô nghĩa. Sống như vậy để làm gì nhỉ?!...”. Đã trải qua những cảm giác hư vô về cuộc đời, tôi an ủi bạn. Lát sau bạn tôi nói: “Hỷ Khương tài thật đấy. Làm sao mà cô ấy sống hồn nhiên yêu đời như vậy được? Mà cuộc đời cô ấy có sung sướng gì đâu. Phải hàng chục năm nuôi mẹ già ốm, lại thằng con bệnh tật. Vậy mà cô ấy vẫn sống vui. Mỗi khi gặp cô ấy, mình như được xua đi bao phiền muộn!”.

Tôi hiểu, trong người phụ nữ nhỏ nhắn mà bạn tôi cảm phục mang chiều sâu của cả một nền văn hóa.


HÀ VĂN THỦY
(252/02-2010)
http://tapchisonghuong.com.vn/hue/p0/c3/n4915/Hien-tuong-tho-Ton-Nu-Hy-Khuong.html



***
facebook
youtube




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/09/2024(Xem: 865)
Này các con của Mẹ Đang đắm nhiễm lầm than Hãy mau mau thức tỉnh Tay thôi lấm vết chàm. Đời người không vĩnh cửu Sao cứ mãi tranh đua Tham vọng gây tội ác Hơn thua kết oán thù.
18/09/2024(Xem: 901)
Sức tàn phá của thiên nhiên thật khủng khiếp. Chiến tranh và hận thù giữa con người với nhau đôi khi cũng có thể gây ra những niềm đau đáng tiếc. Nếu trận bão Yagi lưu lại những vết thương trên dải đất quê hương, thì chúng ta cũng cứ hãy dìu nhau trong gió trong mưa… Con người với nhau Thơ : Hoang Phong
18/09/2024(Xem: 1061)
Bà cụ ngồi ôm gối Nhìn khắp nơi vùng đất lở Tay bà chỉ : Hướng trái, vớt được 9 xác người phủ bùn lầy Hướng phải, 2 chân người nhô lên Mắt xa xôi, Cầu mong tìm được xác người Bà không còn nước mắt! Tất cả đã đổ nát! Đằng xa kia người vớt được cánh tay, còn quờ quạng trong đám bùn lầy Chiếc quần Jeans nửa thân người
18/09/2024(Xem: 845)
Có Điều Gì Đất Trời Muốn Nói Mà ta vẫn vô tình chưa hiểu Ôi Katrina Ôi Rita Các nàng đến tự trời cao để bao gia đình khổ đau Đổ nát Và trên những xa lộ thênh thang miền Nam nước Mỹ Tìm về nơi đâu? Trú ẩn phương nào? Những con tim âu lo Vất vưỡng trong đêm tối Mịt mờ
14/09/2024(Xem: 957)
Hôm nay Thầy giảng về tâm Cái tâm loạn động tối tăm con người Bao nhiêu ác nghiệp trong đời Tích luỹ do bởi ta bơi xuôi dòng Như trâu ngựa hoang ngoài đồng Kéo ta lẩn quẩn trong vòng tử sanh
13/09/2024(Xem: 1048)
Ảo tưởng là cơn mê ngày…rất nguy hiểm Đâu biết rằng: chính tự mỗi con người, phải hoàn bị trôi tròn Trách nhiệm , bổn phận thật chu đáo mỗi ngày hơn Với tất cả tâm thành trong nhân cách, tài năng đích thực! Và động lực xuất phát giá trị sâu xa ấy luôn được tiếp tục !
09/09/2024(Xem: 1038)
Ngày nắng rồi lại ngày mưa Làm sao cho hết những mùa phôi pha Nhân hòa gió thuận triền xa Đầu non gánh nỗi ta bà khói sương Đượm buồn mắt lệ hoài thương Đồng hoang cỏ biếc vô thường chân mây
08/09/2024(Xem: 1469)
Khởi đầu mới cũng là ngày kết thúc Chu kỳ tròn số bảy lúc khởi nguyên Trong tâm linh số bảy thật thiêng liêng Tôn giáo nào cũng dè kiêng như thế. Tây quan niệm ngày nghỉ ngơi thượng đế Xứ ta thì ngày để mọi người vui Nên đến chùa lễ Phật ngập tiếng cười Hay vào khóa tu cho đời huân tập.
08/09/2024(Xem: 1702)
Nắng rọi, trời hồng trải mọi miền Lung linh hoa vẫn nét trinh nguyên Nồng nàn mùi đất nhiều năm trước Bước nhịp chuyển đều theo cách riêng Ước nguyện dù đường ngàn nẻo lối Bờ này, bờ kia đâu chẳng thiêng Tịnh độ trần gian khơi nguồn Đạo Thắp sáng chân tâm, dấu ấn Thiền!
05/09/2024(Xem: 859)
Kiếp người này ai chẳng đeo mang Ghét thương tham ái lắm buộc ràng Nút thắt ân tình luôn trói chặt Tìm đâu cửa thoát đến bình an. Đeo mang vì sở hữu thêm nhiều Ham muốn khiến lòng bị đốt thiêu Theo đuổi tìm cầu vì sợ mất Biết rằng tạo nghiệp cứ phải liều.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]