Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp bút: Một Cõi Đi Về (tập 04)

22/12/202120:45(Xem: 10298)
Tạp bút: Một Cõi Đi Về (tập 04)

1_Mot coi di ve_Thich Phuoc Thai

 Một Cõi Đi Về tập 4
 Tạp Bút

 

Lời Đầu Sách

Chủ đề Một Cõi Đi Về tập 4 nầy, chúng tôi có thay đổi phần hình thức. Trong tập nầy, chỉ có phần văn xuôi, không có phần văn thơ như 3 tập trước. Vì phần văn thơ, chúng tôi cho in riêng trong Hướng Dương Thi Tập quyển 3. Phần văn xuôi nầy gồm có những chủ đề khác nhau. Những chủ đề nầy, chúng tôi đã lần lượt cho in trong tờ Đặc San Phước Huệ qua mỗi kỳ báo. Tờ báo mỗi năm phát hành ba kỳ vào những dịp đại lễ như: Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Do đó nên những bài viết có những tiêu đề đôi khi trùng hợp và nội dung có chút ít phần giống nhau. Tuy nhiên, mỗi bài đều có những sắc thái hương vị riêng của nó. Ngoài ra, có những bài viết với những tiêu đề khác không nằm trong phạm vi của những ngày đại lễ đặc biệt. Nay chúng tôi gom góp tất cả những bài viết đó lại để in chung thành một quyển sách tập 4 nầy. Do có nhiều chủ đề khác nhau nên chúng tôi vẫn để nguyên hai chữ Tạp Bút. Cũng như những quyển sách trước, sách nầy được hình thành ra mắt quý độc giả là nhờ sự ủng hộ đóng góp tịnh tài của những vị thí chủ phát tâm cúng dường in ấn. Chúng tôi xin chân thành tri ân và tán dương công đức của quý vị qua việc cúng dường pháp thí nầy. Đồng thời, chúng tôi cũng xin thành kính tri ân:

- Đại Đức Thích Phước Quảng đã tận tình giúp cho phần phát họa hình bìa.

- Thượng tọa Thích Phước Viên giúp cho phần trình bày và in ấn.

- Sư Cô Phước An và Phật tử Lệ Phượng đã giúp sửa bản in.

Xin tất cả nhận nơi đây lòng biết ân sâu xa của chúng tôi. Và chúng tôi cũng không quên nguyện cầu Phật lực gia hộ cho chư Tôn Đức và quý Đàn na thí chủ thân tâm thường an lạc, vạn sự kiết tường như ý.

 

Nguyện đem công đức pháp thí nầy hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Pháp Lạc Thất

Mùa Phật Đản

 Dương lịch 2021 - Phật lịch 2565

Trân Kính

Thích Phước Thái



Một Cõi Đi Về Tập 4

          

          Mục lục

 

1. Im Lặng Hùng Tráng

2. Nỗi Đau Thầm Lặng

3. Gieo gió gặt bão

4. Vu Lan Suy Niệm

5. Xuân Di Lặc

6. Quán Niệm Tự Thân

7. Xuân Qua Thiền Thi Kệ

8. Quyền Lực Và Hạnh Phúc

9. Vấn Đề Học Phật

10. Vu Lan Tùy Bút

11. Chung Quanh Ngày Lễ Hội Vu Lan Báo Hiếu

12. Hương Xuân

13. Vấn Đề Đi Chùa

14. Xuân Hoan Hỷ

15. Tâm Sự Của Covid-19

16. Cảm Nghĩ Về Ngày Phật Đản

17. Ngàn Tay, Ngàn Mắt

18. Nền Tảng Hiếu Đạo

19. Con Trâu Trong Nhà Thiền

20. Ngôi Chùa Trong Tâm Thức Người Việt

21. Tàm và Quý

22. Nghĩa Thú An Cư

23. Vấn Đề Vi Khuẩn ( Virus )

24. Hồi Đầu Thị Ngạn

 

 

 

Im Lặng Hùng Tráng

 

Trong các khóa tu dù ngắn hay dài hạn, chúng ta cần nên giữ sự yên lặng. Chúng ta cần phải thực tập cho kỳ được sự im lặng. Bởi "Im lặng" là một phương pháp tạo cho ta có thêm nguồn nội lực phong phú hùng tráng. Đó là một sức mạnh trọng đại của tâm linh. Im lặng không có nghĩa là chúng ta không được quyền nói. Ta được phép nói, nhưng chỉ nói trong giới hạn khi cần thiết. Và chỉ nói trong phạm vi ái ngữ, yêu thương và hòa kính. Không nên nói những lời có ác ý công kích chỉ trích phê bình, gây bất hòa tổn hại cho nhau. Nói trong sự ôn hòa nhỏ nhẹ từ ái. Đó là cách nói của người tu. Càng ít nói chừng nào thì càng tốt chừng nấy. Vì nói nhiều chỉ làm cho ta tiêu hao nhiều nội lực và rắc rối thêm mà thôi. Người nói nhiều tâm của họ luôn luôn xáo trộn loạn động bất an. Trước khi nói là phải suy nghĩ, mà suy nghĩ là đã loạn động rồi. Cho nên người biết tu, họ rất khôn khéo bảo tồn khí lực. Khi cần nói, đáng nói, thì mới nói. Nhưng họ nói trong ý thức và vừa đủ nghe. Xưa kia, lúc còn sinh tiền ở Tổ Đình Ấn Quang, cố Hòa thượng Giám đốc thượng Thiện hạ Hòa, mỗi lần có việc ngài sai bảo tăng ni hoặc nói chuyện với người khác, ngay cả anh đạp xích lô, ngài nói rất ít và chỉ nói cho đối tượng vừa đủ nghe. Người ta chưa bao giờ nghe ngài nói với ai lớn tiếng bao giờ. Ngài luôn giữ trầm lặng và khiêm tốn với mọi người. Đó là đức tánh ít có mà ai cũng tôn kính ngài. Nêu ra tấm gương như thế, để chúng ta bắt chước noi theo.

 

Trở lại vấn đề dự tu, khi đến dự tu ta cần phải gắng công thực tập. Thực tập cho ta có được từng bước đi và hơi thở chánh niệm. Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào náo loạn phức tạp. Những tiếng động ồn ào dường như lúc nào cũng xảy ra bên tai ta. Chúng phát ra từ những cái máy như: tủ lạnh, lò sưởi, quạt máy, ti vi, điện thoại, radio v.v... đến những tiếng động phát ra từ tiếng nói của con người và những tiếng động bên ngoài. Như vậy, suốt ngày lẫn đêm, không lúc nào chúng ta không tiếp xúc với những tiếng động ồn ào náo nhiệt ở bên ngoài. Đến như những tiếng động ồn ào trong tâm thức ta, đó là những suy nghĩ loạn tưởng tạp niệm của ta. Trong chúng ta ai cũng có cái đài phát thanh NST ( non stop thinking ). Đài phát thanh nầy phát thanh ra rã suốt cả ngày đêm, nó chưa bao giờ ngưng lại. Chính cái đài phát thanh nầy, nó làm cho người ta phải điên đầu nhức óc. Có người để nó phát thanh nhiều quá đến đổi căng thẳng thần kinh chịu không nổi nên phải mang chứng bệnh tâm thần. Bởi tâm loạn thì bảo sao thế giới không loạn. Cho nên người tu là người phải khéo biết điều chỉnh âm thanh của cái đài phát thanh nầy. Phương pháp điều chỉnh hay nhất là mỗi người chúng ta cần phải thực tập theo dõi hơi thở chánh niệm. Có thể nói chánh niệm là cột trụ là trái tim của khóa tu và cũng là xương sống của định và tuệ. Không có niệm thì làm sao có được định tuệ? Cho nên bước đầu tập tu, ta cần phải thực tập chánh niệm. Người tu phải ăn trong chánh niệm, nói trong chánh niệm, làm trong chánh niệm... Nói chung, là mọi sinh hoạt ta đều phải gìn giữ chánh niệm. Chánh niệm giúp cho chúng ta rất nhiều lợi lạc trong đời sống. Ngược lại với chánh niệm là thất niệm. Người thất niệm là người có quá nhiều suy nghĩ tạp loạn. Càng suy nghĩ họ càng đau khổ. Nói thế không có nghĩa là ta bặt dứt mọi suy nghĩ. Ta được quyền suy nghĩ, nhưng suy nghĩ của ta phải có mặt trời ý thức soi sáng. Khi nghĩ, ta biết là ta đang nghĩ gì. Nghĩ có lợi cho ta và người, thì đó là ý nghĩ tốt, là chánh tư duy mà ta cần nên duy trì và bảo dưỡng. Còn nghĩ mà chỉ mang lại sự thiệt hại cho ta và người, thì ý nghĩ đó là tà tư duy mà ta cần phải chuyển hóa loại trừ.

 

Từ ý nghĩ có ý thức soi sáng dẫn đến lời nói và hành động cũng đều như thế. Thế là ta đang sống trong sự bảo hộ che chở của chánh niệm. Chánh niệm là vị thần bảo hộ cho ta. Chánh niệm là ta chỉ biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Ta không nghĩ về quá khứ hay tương lai. Vì đó là hai ngục tù giam hãm ta không lối thoát. Ta cần phải mạnh dạn dứt khoát thoát ra hai ngục tù nầy. Chánh niệm là ta tiếp xúc với sự sống bằng sự có mặt đích thực của ta. Đó là giây phút thật là mầu nhiệm trong đời sống hiện thực. Bạn thử thực tập đi rồi bạn sẽ biết. Đây không phải là lời nói suông. Như tôi đang viết trao đổi chia sẻ với bạn những dòng chữ nầy là tôi cũng đang tiếp xúc với sự có mặt của bạn và của tôi. Hai chúng ta đều có mặt với nhau xảy ra cùng một lúc trong dòng sống. Dòng sống không thể ngăn cách chúng ta. Còn ngăn cách là còn chia rẽ và tạo nên sự kỳ thị hận thù. Con đường "Niệm, Định, Tuệ" là con đường vượt thoát mọi thứ tranh chấp nhị nguyên. Chính nó mang lại cho ta có nhiều ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Sống thiếu những yếu tố nầy là cuộc sống vô ý nghĩa và ta đang rơi vào vực thẩm hố sâu khổ đau không lối thoát. Sự im lặng là nguồn động lực giúp ta phục hồi lại năng lực. Nguồn năng lực mà lâu nay ta luôn bị chi phối mất mát bởi ngoại cảnh. Ta luôn bị lệ thuộc và làm tay sai cho vô minh vọng tưởng sai khiến. Ta luôn đánh mất ta trong mọi trường hợp. Ta không còn tự chủ để lấy lại chủ quyền trước mọi đối tượng thuận nghịch. Thuận và nghịch cảnh đều là những đối tượng thử thách lớn cho chúng ta. Ta cần phải vượt qua những đối tượng thử thách khách quan nầy. Có thể nói, các khóa tu giúp cho ta phục hồi lại con người thật của mình bằng con đường "Im Lặng Hùng Tráng" trong chánh niệm. Con người thật là con "Người bất tử" vượt ngoài đối đãi hai đầu. Sống được với con Người thật nầy thì ta mới thực sự hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.

 

Tôi mong rằng, bạn và tôi khi dự vào khóa tu, chúng ta hãy cố gắng dẹp trừ những thứ tập khí xấu. Mà trước tiên là tập khí nói nhiều. Bạn thử nghĩ, nếu tất cả ai cũng nói nhiều và to tiếng, thì sự ồn ào đó nó sẽ trở thành cái gì? Chắc bạn sẽ nói nó là cái "CHỢ" tu. Thế là trong ồn, ngoài ồn, thì còn gì là ý nghĩa của khóa tu. Đến dự tu, nếu không khéo cẩn thận, coi chừng chúng ta sẽ trở thành những người phá hoại khóa tu. Vì chúng ta đã làm mất hết ý nghĩa thực chất của nó. Bởi tu là con đường thực tập trong sáng. Khóa tu là môi trường tốt để chúng ta mỗi người tự nỗ lực thực tập. Khi có mặt chúng ta trong khóa tu, đủ nói lên ta là người đang tiến bước trên con đường giác ngộ. Đó là con đường rộng lớn thênh thang mà chư Phật, Tổ đã đi qua. Tuy rộng lớn thênh thang nhưng cũng không phải dễ dàng sấn bước. Đi trên con đường nầy nó đòi hỏi chúng ta phải bền chí kiên quyết và giữ vững lập trường kiên định vững chắc. Muốn thế, thì ta phải tập buông bỏ mọi thứ. Sự đau khổ của chúng ta là do chúng ta quá cố chấp. Những lời Phật dạy đều có công năng phá trừ tất cả mọi vọng chấp. Những vọng chấp tuy nhiều, nhưng không ngoài hai lối chấp lớn đó là: "chấp ngã và chấp pháp", mà trong Kinh Kim Cang Bát Nhã triển khai thành 4 lối chấp: "Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả".

 

Bạn thử nghĩ lại xem, xưa kia, đức Phật trước khi thành đạo có phải Ngài hằng sống trong im lặng tỉnh thức không? Suốt 49 ngày, Ngài ngồi dưới cội Bồ đề tư duy quán sát lặng lẽ một mình, đó có phải là Ngài "Im Lặng trong hùng tráng" không? Tu là trở về sự "Tỉnh Lặng". Nếu tu mà còn nhập cuộc vào sự ồn ào náo động thì làm sao thấy được lẽ đạo? Lẽ đạo, tức thực thể bất sanh, bất diệt, nó vượt ngoài cái ồn và lặng. Ồn và lặng, cả hai cũng nằm trong đối đãi nhị nguyên. Tuy nhiên, nếu chúng ta chưa được như thế, thì tốt nhứt, chúng ta cần nên dẹp trừ hai cái ồn: "Nội ồn và ngoại ồn". Nội ồn là trong tâm luôn xáo trộn toan tính suy nghĩ rối loạn bất an. Không còn nội ồn là tâm ta trở lại yên tịnh, mà yên tịnh đó chính là Định. Hễ có Định tất nhiên là có Huệ. Nói theo Kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ dạy: Định và Huệ đồng thời. Mà định là mục đích của người tu nhắm tới. Định là tên khác của Nhứt tâm bất loạn. Khi trong tâm vắng lặng, thì bên ngoài cũng vắng lặng theo. Bởi cảnh tùy tâm. Tâm yên thì cảnh yên. Tâm động thì cảnh động. Chính vì thế, nên Kinh Duy Ma Cật nói: "Tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh, dục tịnh Phật độ, tiên tịnh kỳ tâm". Câu nầy có nghĩa là, khi tâm mình tịnh, thì cõi Phật tịnh, mà muốn cõi Phật tịnh, thì trước tiên là tâm mình phải tịnh. Khi tâm bạn có an lạc, thì hạnh phúc sẽ có mặt dưới gót chân bạn. Bạn không cần phải tốn công nhọc sức tìm kiếm ở đâu xa. Người ta hay có khuynh hướng là mong mỏi tìm cầu hạnh phúc ở bên ngoài. Bên ngoài làm gì có hạnh phúc? Người ta nói, khoa học kỹ thuật dù có tiến bộ đến đâu, cũng không thể làm cho con người chấm dứt mọi sự lo âu buồn khổ, tuyệt vọng và sợ hãi. Như thế thì khoa học cũng không thể mang lại hạnh phúc thực sự cho con người. Tốt nhứt là bạn hãy quay lại tìm hạnh phúc ngay trong tâm bạn. Bạn chỉ cần hít thở vài hơi trong chánh niệm, lập tức bạn sẽ có hạnh phúc ngay. Vì lúc đó mọi sự lo âu toan tính, ganh ghét, hận thù, sợ hãi, tuyệt vọng ...của bạn không còn có mặt với bạn. Thế là bạn đã tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời rồi. Hạnh phúc mà bạn không cần phải tốn một đồng xu nào.

 

Khi tâm yên lặng thì trong, ngoài đều an định cả. Các hành giả giữ được như thế, thì sẽ đem lại lợi ích cho mình và cho khóa tu rất lớn. Có thế, thì việc khai giảng mỗi khóa tu mới thực sự có ý nghĩa thiết thực. Và người thực sự có tâm tu, người ta mới thích ham tu. Chớ tu mà chỉ nghĩ đến gặp nhau để trò chuyện mua vui không thôi, vô tình chúng ta chẳng những không có lợi ích, mà người chung quanh ta cũng chẳng có được lợi lạc gì. Người thật tu là phải giữ trong ngoài đều yên tịnh cả. Có thế, thì bản thân ta không phí phạm thời gian trong khi dự tu, mà còn giúp thức nhắc cho người khác luôn ý thức như ta. Đó là phước đức và công đức rất lớn. Trái lại, đến dự tu mà ta không ý thức lại còn gây thêm tội lỗi cho ta và người, thì thật là uổng phí công lao của ta quá! Và chúng ta cũng đã phụ lòng tốt công lao của những người đứng ra tổ chức và hướng dẫn chúng ta tu học.

 

Bài viết nầy, như là một tâm tình, cốt yếu là để góp chút thành ý xây dựng hơn là chỉ trích phê bình. Người viết chỉ thật lòng mong được trao đổi chia sẻ với các bạn đồng tu. Người viết không có ý chỉ trích hay phê bình ai cả. Chúng tôi vẫn biết rằng, nói lên điều nầy chỉ có lợi đối với những người thật tâm cầu đạo tha thiết tu hành, còn đối với những ai chưa thật sự hướng đời mình trong sự tu tập, thì có thể không mấy hài lòng. Dù vậy, ở đây, chúng tôi chỉ có một tấm lòng muốn trao đổi chia sẻ xây dựng với nhau trong khi tu tập, mà trước hết chúng tôi cũng tự thức nhắc lấy mình. Nếu có được sự đồng cảm của các bạn đồng tình nào đó, thì quả đó là một vinh hạnh lớn lao cho chúng tôi. Còn nếu không thì chúng tôi cũng xin được tạ lỗi, vì lời thật bao giờ cũng dễ mích lòng. Thời của Tổ Quy Sơn cách nay hơn ngàn năm mà Ngài còn than: "Trung ngôn nghịch nhĩ". Nghĩa là lời ngay bao giờ cũng trái với cái lỗ tai của người nghe.

 

Sở dĩ chúng tôi nói lên điều nầy, vì qua những kinh nghiệm trong nhiều khóa tu mà chư Tôn đức Tăng, Ni mở ra, chúng tôi xét thấy còn có nhiều sơ suất khuyết điểm ngay bản thân mình và những người bạn đồng tu khác. Nhất là không giữ đúng những quy luật mà khóa tu đã đề ra. Và những điều gì mà những vị có trách nhiệm hướng dẫn nhắc nhở chỉ bảo thì chúng ta lại thờ ơ xao lãng không quan tâm thực hiện. Nhất là về những vấn đề oai nghi và giữ gìn chánh niệm. Đó là những việc trong khả năng mình có thể làm được, mà mình còn không giữ được thì nói chi đến những việc cao xa và khó khăn hơn.  Điều mà quý thầy quan tâm nhắc nhở nhiều nhất là không nên nói chuyện lớn tiếng gây ồn ào làm mất đi sự thanh tịnh trong chốn thiền môn. Xét lại mình thấy thật xấu hổ, vì không giữ tròn lời dạy thức nhắc của quý thầy. Lần nào dự tu, thấy các bạn đồng tu ai cũng ham tu hiếu học, nhưng cái tập khí nói chuyện nhiều, ( thế gian gọi là tật già hàm ), quả thật đa số không bỏ được. Ngoại trừ những giờ hành lễ bái sám ra, còn lại những giờ khác, nhất là vừa bước ra khỏi chánh điện, thì chao ôi! khác nào như ong vỡ tổ. Mỗi người một tiếng làm cho không khí nơi chốn tôn nghiêm không còn trang nghiêm thanh tịnh nữa. Không lẽ quý thầy cứ theo nhắc nhở mình hoài, khi đến phát nguyện dự tu thì mình cần phải ý thức. Mỗi tu sinh dự tu có ý thức tôn trọng cao, thì lo gì khóa tu không mang lại nhiều lợi lạc kết quả tốt đẹp. Mong sao mỗi khóa tu mỗi người chúng ta nên tự ý thức và có tiến bộ hơn trong việc thúc liễm thân tâm và trau dồi giới hạnh. Có thế, thì sự tu học của chúng ta mới thực sự tiến bộ và mang lại niềm an vui hạnh phúc lợi lạc lớn lao cho tất cả chúng ta.

pdf-download
Một Cõi Đi Về (tập 04)_Thích Phước Thái

***

youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/04/2020(Xem: 5514)
NƠI BÌNH YÊN. Thế gian trọng của qúy quyền, Trọng danh trọng sắc lắm tiền đeo mang. Ai bằng giác ngộ an nhàn, Trọng tâm cao thượng xóm làng mới yên. Ngày ngày ngày phát triển tâm thiền, Hành thâm tánh Phật tự nhiên an bình. Hi TMH Brisbane 23/4/2020. KTTT
22/04/2020(Xem: 8659)
Hai tay Bốn túi Không đồng An tâm bước đến Cửa Không nhận quà Không đồng Nên cứ bước qua Sớt sang gói bọc một nhà chia nhau Chẳng là to tát gì đâu
22/04/2020(Xem: 7716)
Cảm tác khi đọc được tin, xem được hình ảnh quý Thầy, quý Chú chùa Giác ngộ đang vác gạo vào kho để "Tiếp sức cho người khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19"
21/04/2020(Xem: 8441)
Có hai phương cách thông thường Thực thi tôn giáo cõi dương trần này Một là hãy sống xa đây Xa nơi trần tục như thầy tu thôi Nhắm vào mục đích ở đời Là mong chứng nghiệm những lời cao xa Con đường Đạo Pháp thăng hoa Hoàn toàn giải thoát lìa xa luân hồi.
21/04/2020(Xem: 7173)
Có những con người Nghe như huyền thoại Chỉ tấm thân gầy Sấm dậy tư duy Vẫn đôi mắt sâu Nhìn tan quái ngại Đến lúc mở lời Ngọt suối từ bi
21/04/2020(Xem: 6737)
Khi nào hiểu Từ Bi tâm Bồ Tát ? Muốn cho người phân biệt rõ ràng , Làm sao tẩy xoá tri chướng lang thang . Cần tinh tấn trong từng thiện niêm!
17/04/2020(Xem: 6249)
Đêm khuya nhạc lạnh ngẫm suy đời Được mất đau buồn nói chẳng vơi Lúc trẻ khôn lanh tâm dõi mộng Khi già lú lẫn bệnh đeo người Trăm năm gió bụi hồn quay cuộn Một kiếp phong trần phách ngả rơi Trách móc than phiền thêm khổ luỵ Chi bằng hướng Phật chuyển duyên thôi!
16/04/2020(Xem: 5795)
Kính bạch Thày , có lẽ thời gian trống vắng nhiều quá mà con thì chưa thể Cư Trần Lạc Đạo như Ngài Trần Nhân Tôn nên khi thì dao động lúc lại bâng khuâng lo lắng có lẽ những tàn dư tập khí chứa từ bao đời nay có dịp xuất hiện trong môi trường hiện tại này nên kính gửi đến Thày và các bạn đọc hai trạng thái khi mình có nhiêu thì giờ để soi rọi tâm và thấy ra như cách học pháp . Kính HH
15/04/2020(Xem: 7067)
Quán tưởng Phật đừng tham Quán tưởng Pháp đừng sân Quán tưởng Tăng đừng si
14/04/2020(Xem: 7431)
Kính bạch Thầy thật rùng mình khi học lại đoạn kinh trong Pháp diệt tận và thấy có nhiều sự trùng hợp cho thế kỷ này và lại ngưỡng mộ vì sao Thầy mỗi sáng lại livestream cho chúng con thọ trì kinh Lăng Nghiêm . Kính xin Thầy cho con trích đoạn trong “Phật Học tinh yếu “ và bài thơ này để cùng bạn hữu thấy được Ân Đức của Thầy Tổ đã đem lời dạy của Phật đến cho hậu thế và công ơn của Tăng thân đã dìu dắt hàng hậu bối chúng con . Kính HH Đường vào biển pháp qua bao lĩnh vực. Trước tiên là vững chắc một niềm tin , Ngày ngày chuyên cần học luật, luận, kinh . Rồi chiêm nghiệm thực hành tự mình thân chứng!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]