Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Pháp Cú Vần Lục Bát

13/03/202114:43(Xem: 20166)
Kinh Pháp Cú Vần Lục Bát

Kinh Pháp Cú

____________
Dhammapada
____________

 

Chuyển vần lục bát : Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương

 Bản gốc :
Hoà Thượng Thích Thiện Siêu dịch từ bản chữ Hán

Hoà Thượng Thích Minh Châu  từ bản chữ Pali
Kinh-Phap-Cu-Van-Luc-Bat-000
Lời Giới Thiệu

của Hòa Thượng Thích Như Điển

Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu

Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế Giới

 

         Cho đến năm 2020, Kinh Pháp Cú đã được dịch ra tiếng Việt bằng nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch thẳng từ tiếng Pali sang Việt ngữ gồm 423 bài kệ trong 26 phẩm và có kệ gồm 4 câu 5 chữ, có kệ 5 câu 5 chữ và cũng có kệ 7 câu 5 chữ. Trong khi đó bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu thì được dịch từ chữ Hán sang Việt ngữ cũng gồm có 26 phẩm và 423 bài kệ tất cả.

Trên trang nhà của thuvienhoasen.com gần đây có Đạo Hữu Nguyên Thuận dịch sang tiếng Việt, bản dịch từ bản tiếng Phạn của Pháp Sư Chướng Ngại và những vị khác ở thế kỷ thứ 3 thì chia ra làm hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng có từ phẩm thứ 1 đến phẩm thứ 21 và quyển hạ từ phẩm thứ 22 đến phẩm thứ 39. Mỗi phẩm lại có nhiều bài kệ và mỗi bài kệ có 4 câu; mỗi câu 5 chữ. Ngoài ra thì cũng có Kinh Pháp Cú do Ngài Narada Maha Thera (người Tích Lan) dịch từ Pali sang tiếng Anh.

Sang trang nhà quangduc.com ở Úc, do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng điều hành, chúng ta thấy có Hòa Thượng Thích Minh Hiếu Trụ Trì Tổ Đình Minh Quang tại Sydney, Úc Châu đã căn cứ theo bản dịch Kinh Pháp Cú của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu chuyển sang thể thơ lục bát thuần Việt. Ở đây chúng tôi xin trích một phẩm đầu để xem cách dịch ra thơ lục bát của Hòa Thượng Thích Minh Hiếu và sẽ đối chiếu với bản dịch lục bát của Đạo Hữu Nhuận Tâm ở phần phía dưới đây.

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu.

Phẩm Song Yếu :

1.     Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe, theo vật kéo.

 

Thi hóa: Hòa Thượng Thích Minh Hiếu như sau:;

1.        “Thế gian tâm vốn đứng đầu

Là duyên kết nối là cầu tương giao

Nhiễm tâm sóng biển xôn xao

Sóng vang gào thét, nước trào bọt trôi.

Khổ đau trong kiếp luân hồi

Xe theo vật kéo đền bồi ngựa trâu.”

 

Đạo Hữu Nhuận Tâm thi hóa theo thể lục bát như sau:

1.     Dẫn đầu các pháp là Tâm

Tâm kia là chủ, là nguồn tạo sinh

Nói năng, hành động thường tình

Với Tâm ô nhiễm , nghiệp sinh khổ sầu

Tâm ô nhiễm, khổ theo sau

Như xe bò kéo lăn vào dấu chân.

 

Tôi có được nhân duyên là đọc hết 423 bài kệ nầy và mỗi bài kệ gồm 4 hay 6 câu theo thể thơ lục bát đặc thù của Việt Nam mà trên thế giới hầu như chưa thấy nước nào có. Ví dụ như của Nhật Bản có thơ Haiku thường thì 3 hay 5 chữ và lối gieo vần không giống với lối gieo vần của thơ tiếng Việt. Hoặc giả thơ Đường luật của Trung Hoa gồm có thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ, 4 câu) hay thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu). Thơ nầy thì dùng theo niêm luật rất khó; một bài thơ phải gồm đủ hai câu đề, hai câu thực, hai câu luận và hai câu kết. Dĩ nhiên là cũng phải vần với nhau, mới trở thành một bài thơ Đường luật được.

Đạo Hữu Nhuận Tâm là đệ tử tại gia quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới với Thượng Tọa Thích Quảng Đạo, đương kim Trụ trì chùa Khánh Anh tại Évry, Pháp Quốc, đã dành nhiều tâm lực và vật lực để hoàn thành bản Kinh Pháp Cú vần lục bát nầy. Thiết nghĩ đây là một việc làm quá sức hữu ích cho phần tâm thức của mọi người con Phật, dầu cho tu và học theo truyền thống nào của Nam, Bắc Tông hay Kim Cang thừa đi nữa thì cũng đều ích lợi cả.

Nay tôi xin trang trọng giới thiệu tác phẩm thi hóa Kinh Pháp Cú nầy của Đạo Hữu Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương và mong rằng chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như Quý Đạo Hữu Phật Tử sau khi đọc xong tất cả 423 bài kệ nầy rồi sẽ gặp được nhiều duyên lành trong vấn đề tu, học cũng như hoằng pháp trên mọi nẻo đăng trình ở trên thế gian, mà Đức Phật đã chỉ dạy cặn kẽ qua quyển Kinh giá trị nầy.

Viết xong lời giới thiệu vào ngày 6 tháng 12 năm 2020 tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

                                                        

 

 Hòa Thượng Thích Như Điển


Tri Ân

Nam Mô A Di Đà Phật 

Con xin thành kính tri ân :

  • Hòa Thượng Thích Như Điển

Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

  • Thượng Tọa Thích Quảng Đạo

Trụ Trì Chùa Khánh Anh, Évry, Pháp Quốc

mặc dầu rất bận rộn Phật sự, đã hoan hỷ dành thời giờ để nhiệt tâm chỉ dẫn, khích lệ, đọc, duyệt bản Kinh Pháp Cú vần lục bát này và hết lòng giúp đỡ cho sách Kinh được hình thành và tới tay các Phật tử.

                            

                               

                          Con, Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương

 

 

 

 

Lời dẫn nhập

 

Trong hơn 40 năm giảng Pháp, số lượng bài giảng của Đức Phật cực kỳ lớn. Ngay sau khi Phật nhập diệt, 500 Đại đệ tử đã tập hợp ‘Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất nhằm kiểm điểm lại các bài giảng của vị Bổn sư. Vì phương tiện viết và ghi chép thời đó còn rất sơ khai, tất cả các đệ tử có mặt đã tụng thuộc lòng để bảo tồn nội dung thống nhất các bài giảng.

Hơn 400 năm sau Đại hội kết tập kinh điển này cùng 3 Đại hội kết tập kinh điển nữa, các bài giảng của Đức Phật mới được ghi lại bằng chữ viết, với chữ Pali (Phật giáo Nam truyền) hoặc với chữ Phạn (Phật giáo Bắc truyền). Sách Kinh từ đó ra đời và một số vẫn còn được lưu trữ tới ngày nay. Nếu như Phật giáo Nam truyền vẫn theo kinh điển bằng chữ Pali qua nhiều thế hệ, thì Phật giáo Bắc truyền khi  đến Trung Hoa và Tây Tạng , các bản Kinh chữ Phạn đã được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) này (hoặc ‘Kinh Lời Vàng’ hay còn được gọi là ‘Lời Phật Dạy’) là quyển kinh thứ 2 trong 15 quyển kinh thuộc ‘Tiểu Bộ Kinh’ trong Kinh tạng Pali gồm tất cả 5 bộ kinh. Kinh Pháp Cú tạng Pali có 423 câu kinh, được sắp xếp trong 26 phẩm, trong khi Kinh Pháp Cú tạng Hán (dịch từ chữ Phạn) có thêm 13 phẩm nữa, tất cả là 39 phẩm với 752 câu kinh. Đây là một quyển Kinh Phật đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Riêng phần Anh ngữ, đã có khoảng 80 bản dịch của các học giả, các đại học danh tiếng Anh, Mỹ. Tại Việt Nam, Kinh Pháp Cú tạng Pali đã được Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001), cựu Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức-Nha Trang, là người đầu tiên đã dịch toàn bộ Kinh này sang tiếng Việt theo thể văn xuôi vào năm 1959, căn cứ trên bản dịch từ chữ Pali ra Hán văn của Pháp sư Liễu Tham. Đến năm 1969, Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), cựu Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Saigon, đã dịch Kinh Pháp Cú từ nguyên bản chữ Pali sang tiếng Việt, theo thể kệ 5 chữ.

Đó là hai bản Kinh Pháp Cú tiếng Việt được phổ biến rộng rãi nhất. Ngoài ra, thư tịch trên Internet có đề cập tới các bản bằng tiếng Việt theo các thể tản văn, thể thơ Việt như lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể v.v. của nhiều tu sĩ, cư sĩ hay thi sĩ, nhưng các bản này vẫn chưa được gom góp đầy đủ trên Internet để dễ dàng truy cập và tìm hiểu xem bắt nguồn từ bản gốc nào.

Do một cơ duyên lành đặc biệt, chúng tôi đã tự nguyện làm công việc chuyển bản tiếng Việt Kinh Pháp Cú tạng Pali ra vần lục bát, dù biết mình không phải là thi sĩ hay chuyên gia về Phật học. Mục đích không phải để trình bày thêm một tập ‘thơ’ vì đã có nhiều tập thơ của các tu sĩ hay thi sĩ nổi tiếng. Và cũng vì chúng tôi quan niệm cõi ‘kinh’ và cõi ‘thơ’ là hai cõi khác biệt, không thể nào ‘kinh hoá’ thơ và lại càng không thể ‘thi hóa’ kinh. Đây chỉ là một cố gắng diễn đạt ý kinh với vần điệu lục bát, một thể điệu đặc biệt Việt Nam, đã có ít ra là từ thế kỷ 16 qua bản chứng tích “Cổ châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục” do thiền sư Pháp Tính (1470-1550) dịch ra tiếng Nôm qua thể lục bát, và thể này đã đi sâu vào tâm thức người Việt với cả một kho tàng ca dao, dân ca, hát ru con đã được được đặt nền móng trên thể loại này. Nguyện vọng chính là mong sao đưa được ý kinh vào tâm khảm mọi người một cách dễ dàng với thể loại quen thuộc này, để ý kinh thấm nhuần vào lòng người, càng nhiều người càng tốt, một cách tự nhiên, như câu ca dao hay câu hát ru con. Đồng thời, cũng để diễn đạt ý kinh theo cảm nhận của mình khi đọc bản dịch văn xuôi của Hòa thượng Thích Thiện Siêu.

Phương thức làm việc là chúng tôi cố tìm hiểu, thấm nhuần ý kinh với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình và sau đó kiểm lại với bản dịch theo thể kệ 5 chữ của Hòa thượng Thích Minh Châu xem chỗ nào đã có thể hiểu sai lạc hay chưa đúng ý kinh. Như vậy cũng kiểm chứng luôn được sự đồng nhất của ý kinh qua hai bản dịch, một thông qua bản chữ Hán, một trực tiếp từ bản chữ Pali. Sau đó, với tất cả tâm thành, cố gắng chuyển đạt những gì mình lãnh hội, cảm nhận được ra vần lục bát, cố giữ vần qua 423 câu Kinh và 26 phẩm để giữ tánh thuần nhất của quyển Kinh và giúp dễ nhớ toàn bộ Kinh. Và như đã nói, hoàn toàn không chú trọng vào tính ‘thơ’, mà cố gắng diễn đạt cho thật sát với ý kinh, tránh không thêm ý nào khác, dùng những chữ dễ hiểu, thông dụng, mộc mạc với những câu giản dị dùng thường ngày,  trừ khi phải đề cập tới những ý niệm đặc thù của Phật giáo thì giữ nguyên tên gọi, để có thể được truy cứu hoặc diễn giải sâu rộng hơn.

Những lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú thật thực tiễn, dễ ứng dụng trong đời sống đạo đức hàng ngày cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Sau hơn 2500 năm, những lời dạy đó vẫn hiện đại một cách khác thường, khiến cho người đọc có cảm tưởng như đang được Đức Phật giáo hóa trực tiếp trong thời đại này, với những ý tưởng thực dụng, gần gũi, thân thiết, dễ hiểu thì cũng thật dễ hiểu, mà vẫn mênh mông, bao la, đợi chờ những suy tư sâu sắc.

Mong rằng bản chuyển vần lục bát Kinh Pháp Cú này mang được những ý tưởng giáo hoá của Đức Phật tới gần thêm được càng nhiều Phật tử càng tốt. Đó là tâm nguyện của chúng tôi. 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.    

 

Sceaux, năm Canh Tý (2020), tiết Bạch Lộ, Phật lịch 2564

 

Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương



***

facebook-1


***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/04/2021(Xem: 7347)
Ông già quyết chí học thiền Tu hành tinh tấn nơi miền phương xa Đâu còn thiết đến cửa nhà Nên trao người cháu đứng ra thay mình
27/04/2021(Xem: 5733)
Chàng trai Phật tử thuận thành Lâu nay buồn chuyện gia đình mãi thôi Vì cha chàng tuổi cao rồi Vẫn ham làm việc suốt đời liên miên
27/04/2021(Xem: 5873)
Thấy đời bể khổ trầm luân Vui trong huyễn mộng, say bừng cơn mê Hôm qua lạc nẽo đường về Đi trong ảo vọng say mê bóng trần Ta bà một kiếp phù vân Tham sân si hận tấm thân khổ sầu Cuộc đời tựa chiếc bóng câu Thoáng qua vụt tắt còn đâu kiếp người Trăm năm cõi tạm ai ơi Gặp nhau duyên phận để rồi xa nhau
26/04/2021(Xem: 13511)
Đức Chuẩn Đề (1) vốn là Thất Cu Chi Phật Mẫu. Mười sáu tháng ba âm lịch, vía lễ thực thi (2) Ngài thường thuyết giảng Kinh Đà La Ni, Nguyện cầu tất cả trong Thế gian, Xuất thế gian đều thành tựu ... Khi nhìn biểu tượng Ngài ...khiến tâm tự nhủ (3) Uy lực từ bi vô biên với quần sanh Trí tuệ vĩ đại ...tay thứ chín ..Bát Nhã kinh Nguyện noi gương Bồ tát Long Thọ đọc 7 lần thần chú (4) Nam Mô Phật Mẫu Chuẩn Đề Đại Bồ Tát
23/04/2021(Xem: 9147)
Ai nghe Diệu pháp liên hoa Cũng bằng người ở đường xa mới về Pháp hoa Ngài nói nhiều ghê Khai thị ngộ nhập dạy bề chúng sanh Pháp hoa là pháp chân thành Ví dụ, Hóa thành mùi hương nhiều cây Ai nghe uống thuốc lời Thầy Nhờ có uống thuốc bệnh này bình an Người con phải có khôn ngoan Bỏ cha chạy mất không nhòm cục phân
20/04/2021(Xem: 19343)
Kính bạch chư Tôn Đức, Thưa chư Pháp hữu, nhân mùa Phật Đản PL 2565, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc có ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề Chuyển hóa Khổ đau để chào mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2645. Đặc San năm nay (lần thứ ba) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 3 họa sĩ trong và ngoài nước. Chúng tôi kính gởi đến quý Trang Nhà để nhờ phổ biến rộng rãi đến mọi độc giả gần xa. Độc giả muốn mua sách in có thể đặt trực tiếp trên mạng toàn cầu Amazon: https://www.amazon.de/gp/product/1716272939/ref=dbs_a_def_rwt_bibl_vppi_i7 Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật Kính Mail Nhóm Chủ Biên Phù Vân - Nguyên Đạo - Nguyên Minh
17/04/2021(Xem: 5607)
Sắc chẳng khác không, không nào khác sắc Sắc tức là không, "sắc không" đồng nhau Không ấy chẳng sanh, cũng chẳng diệt đâu Cho nên sắc ấy nào có sanh diệt
17/04/2021(Xem: 6205)
Dòng sông in bóng hàng dừa Chim kêu dẫn lối vào chùa tịnh yên Rồi kia: Phổ Tế cửa thiền Vùng quê Lư Cấm thân quen gốm nhà
16/04/2021(Xem: 6930)
Kính bạch Thầy, do các bài thơ trình pháp về Tổ Sư Thiền càng về sau càng đi về công án nên con rất thích sưu tầm và tư duy . Nhân có trong tay 43 công án của Vua Trần Thái Tông do Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh ghi lại con có bài thơ sau như bắt đầu tìm hiểu thêm . Kính mời Thầy xem cho vui vì con mới bắt đầu a b c để đi vào từng bước một . Kính chúc sức khỏe Thầy, HH Thượng đường giảng dạy chư Tổ Sư . Bao nhiêu công án ... quả không dư ! Tiếc ... trí vô sư chưa hiển lộ , Chừng nào rốt ráo được chữ NHƯ ? Giáo kinh, ngữ lục chưa niêm được ! Chưa hết phân vân ... vốn phàm tư! Khi nào vượt qua chỗ thấy biết Kệ tụng 4 câu ... ngộ THÁI HƯ !!!
14/04/2021(Xem: 12406)
Ai đã từng làm bạn với Lưu Linh, một anh chàng uống rượu như hũ chìm trong các điển tích thơ văn? Ai đã từng làm “thơ say“ truyền cảm xúc cho những người chưa từng biết uống rượu ? Kể ra chắc nhiều vô số! Nhưng siêu đẳng vẫn là thi sĩ họ Vũ tên gọi Hoàng Chương với bài thơ say bất hủ, chỉ cần đọc lên hai câu là đã thấy tinh tú quay cuồng rồi: Em ơi, lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi... say với ai?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]