Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

145. Kinh Giáo Giới Phú-Lâu-Na

19/05/202011:37(Xem: 10233)
145. Kinh Giáo Giới Phú-Lâu-Na

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


145. Kinh  GIÁO GIỚI PHÚ-LÂU-NA

( Puññovàda sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ

          Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ  – trú qua

              Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na (1)

       A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka (1) cúng dường.

 

          Vào buổi chiều, tà dương còn phủ

          Tôn-giả Pun-Nhá (Phú-Lâu-Na)  (2)

              Sau khi Thiền định trải qua

       Đứng dậy đi đến Phật Đà Thế Tôn 

          Đảnh lễ Ngài, một bên ngồi kế

          Rồi bạch đức Thiện Thệ như vầy :

 

        – “ Bạch Thế Tôn ! Tốt lành thay !

       Nếu Ngài giáo giới ở đây vẹn tròn

          Giáo giới con vắn tắt, khả dĩ

          Để cho con gẫm kỹ hành trình

              Không phóng dật, sống một mình

       Nhiệt tâm, tinh tấn, tâm minh tịnh nhàn ”.

 

    – “ Vậy Pun-Nha sẵn sàng nghe kỹ

          Suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng ra ”.

       – “ Thưa vâng, bạch đức Phật Đà ! ”.

     __________________________

 

(1) : Tinh xá Kỳ Viên – Jetavanavihàra do Trưởng-giả Cấp-Cô-

       Độc (Anathapindika ) cúng dường.

(2) : Tôn-giả Puñña – Phú-Lâu-Na, còn có tên Mantaniputta

     (Mãn-từ-tử) là vị Thuyết Giáo Đệ Nhất trong Thập Đại Đệ

     Tử của Đức Phật.    

 

       Tôn-giả vâng đáp Phật Đà trí bi.             

          Đấng Toàn Tri giảng cho Tôn-giả :

 

    – “ Này Pun-Nhá ! Có những Sắc mà

              Do mắt nên nhận thức ra

       Khả hỷ, khả lạc, thật là đáng yêu,

          Liên hệ nhiều đến dục, hấp dẫn, 

          Nếu Tỷ Kheo chấp nhận, tán dương

              Chấp thủ và an trú thường

       Trong ấy, thời bởi tán dương, vui mừng

          Chấp thủ cùng trú  – thời dục hỷ 

          Sanh đích thị. Và này Pun-Nha !

              Từ sự tập khởi xảy ra

       Của dục hỷ ấy, tức là ở đây

          Có sự tập khởi ngay của khổ.

 

          Này Pun-Nha ! Hiểu rõ tiếp vầy : 

              Các tiếng nhận thức do tai,

       Các hương do tự mũi này nhận ra,

          Các vị do lưỡi mà nhận thức,

          Các cảm xúc do thân nhận ra,

              Các pháp do ý nhận ra…   

       Khả hỷ, khả lạc, thật là đáng yêu,

          Liên hệ nhiều đến dục, hấp dẫn,

          Nều Tỷ Kheo chấp nhận, tán dương,

              Chấp thủ và an trú thường

       Trong ấy, thời bởi tán dương, vui mừng

          Chấp thủ cùng trú – thời dục hỷ

          Sanh đích thị. Và này Pun-Nha !

              Từ sự tập khởi xảy ra

       Của dục hỷ ấy, tức là ở đây

          Có sự tập khởi ngay khổ ấy.                      

          Này Pun-Nha ! Trái lại, các phần

              Sáu trần do bởi sáu căn

       Nhận thức, khả hỷ, vô ngần đáng yêu

          Liên hệ nhiều đến dục, hấp dẫn…

          Tỷ Kheo vẫn không hoan hỷ gì

              Dù khả ái, không khen chi

       Cũng không chấp thủ, không vì trú an,

          Thời dục hỷ diệt tan đi cả.

 

          Này Pun-Nhá ! Lời Ta nói ra 

              Sự diệt tận dục hỷ là

       Diệt tận đau khổ trải qua hằng hà.

 

          Này Pun-Nha ! Sau này hóa độ

          Ông sống ở quốc độ nào đây ?

              Sau khi lời giáo giới này

       Như Lai vắn tắt như vầy giảng ra ? ”.

 

    – “ Bạch Phật Đà ! Con nay duyên phước

          Nên đã được chính đức Phật Đà

              Giáo giới vắn tắt dạy qua.

       Có quốc độ Su-Na-Pa-Ranh-Tà  (1)

         (Tức Tây Phương Du-Na quốc độ)

          Con sẽ sống ở đó độ tha ”.

 

        – “ Pun-Nha ! Người của quốc gia  

       Tên Su-Na-Pá-Ranh-Ta vốn là

          Tánh hung bạo, tỏ ra ác nghiệt,

          Nếu như họ mắng nhiếc ông hoài

              Nhục mạ, chưởi rủa đêm ngày

       Thời ông phản ứng việc đây thế nào ? ”.

    ________________________

 

(1) : Xứ Sunaparanta – trong kinh điển Hán dịch thường được

       gọi là Xứ Du-Na. 

 

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Gặp vào chuyện đó

          Nếu Du-Na dân có mắng con,  

              Nhục mạ hay chưởi rủa con,

       Con nghĩ là họ vẫn còn thiện tâm

          Vẫn còn tốt, không tầm đánh đập

          Khiến thân con bầm dập – bằng tay

              Bạch Phật ! Con nghĩ như vầy ”.

 

 – “ Nhưng nếu họ lấy chân tay đánh nhầu  

          Ông nghĩ sao trường hợp như vậy ? ”.

 

    – “ Bạch Phật ! Nếu họ lấy tay chân

              Đánh con đau đớn bội phần

       Con nghĩ : Họ vẫn còn chân thiện nhiều

          Thật là điều chí thiện hiếm có

          Vì rằng họ đánh bằng chân tay,

              Không lấy đất đá ném ngay.

       Bạch Phật ! Con nghĩ ở đây như vầy ”.

 

    – “ Pun-Nha này ! Nếu họ lấy đá 

          Ném vào để hành hạ ông đau

              Thời ông sẽ nghĩ thế nào ? ”.

 

 – “ Bạch Phật ! Nếu việc ấy dầu xảy ra

          Dân chúng Su-Na-Pa-Ranh-Tá

          Lấy đất đá ném mạnh vào con,

              Con nghĩ : Dân đây vẫn còn

       Thật là hiền thiện, có lòng biết bao !

          Vì họ không lấy dao mà chặt,

          Bạch Đức Phật ! Con nghĩ như vầy ”.

 

        – “ Pun-Nha ! Nếu dân nơi này 

       Dùng dao mà chém ông ngay tức thì

          Ông nghĩ gì về trường hợp đó ? ”.

 

    – “ Con nghĩ họ dù sao vẫn là

              Thật chí thiện, thật hiền hòa

       Vì họ không lấy dao mà giết con ”.

 

    – “ Này Pun-Nha ! Vẫn còn điều khác :

          Nếu dân đó hung ác trong lòng

              Lấy dao sắc bén đâm ông

       Khiến ông mất mạng, thì trong việc này

          Ông nghĩ sao điều đây xảy tới ? ”.

 

    – “ Bạch Phật ! Với trường hợp xảy ra

              Dân Su-Na-Pá-Ranh-Ta

       Giết con, con nghĩ suy qua điều là :

         ‘Những đệ tử Phật Đà thỉnh thoảng

          Ưu phiền và nhàm chán thân này,

              Nếu mà sự chết đến ngay

       Thì thoát được khổ đọa đày tấm thân.

          Nay không cần tự tìm cái chết

          Mà họ giúp ta chết được đây !’

              Bạch Phật ! Con nghĩ như vầy,

       Thế Tôn ! Con sẽ nghĩ ngay như vầy ”.

 

    – “ Lành thay ! Lành thay ! Này Pun-Nhá !

          Quốc độ Su-Na-Pá-Ranh-Ta

              Ông có thể sống trải qua

       Khi mà quyết chí tỏ ra như vầy,

          Sự nhiếp phục đủ đầy, an tịnh.

          Này Pun-Nhá ! Dự định ra sao

              Ông hãy thực hiện đúng vào

       Những điều ông nghĩ trước sau hợp thời ”.

 

          Nghe những lời giáo giới cao cả 

          Của Phật Đà, Tôn-giả hân hoan

              Tín thọ Thế Tôn lời vàng

       Đứng dậy và đảnh lễ hàng Đạo Sư,

          Hữu nhiễu, rồi giã từ Đức Phật,

          Về tịnh thất dọn dẹp sàng tòa,

              Lấy y bát rồi đi qua

       Nước Su-Na-Pá-Ranh-Ta này liền

          Với bản tính khoan hiền, kham nhẫn

          Ngài lần lượt hướng dẫn độ qua

              Dân Su-Na-Pá-Ranh-Ta          

       Ngày càng thuần tính, hiền hòa hơn xưa.

          Nội trong mùa an-cư năm đó

          Ngài nhiếp phục được họ quy y

              Năm trăm Thiện nam, đồng thì

       Năm trăm Tín nữ, hộ trì Săng-Ga.        (1)

 

          Tôn-giả Phú-Lâu-Na sau đó

          Chứng Tam Minh, sáng tỏ lý mầu. 

              Một thời gian nữa không lâu

       Ngài đã viên tịch, nhập vào Vô Dư.  (2)  

 

          Một số đông vị Sư (Phích-Khú) 

          Đến nơi ngụ của đức Phật Đà

              Đảnh lễ Ngài rồi ngồi qua

       Một bên cạnh Phật, thưa qua chuyện là :

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Thiện gia nam tử 

          Là Tôn-giả Pháp tự Pun-Nha

              Sau khi được đức Phật Đà

       Giáo giới vắn tắt, đã qua nơi là

    _______________________________

 

(1) : Sangha  –  Tăng-Già – là đoàn thể xuất gia trong Đạo Phật

       gồm từ 4 vị Tỷ-Kheo (đã thọ Cụ-túc-giới) giới đức trong sạch.

(2) : Một vị đã chứng đạt Tam Minh và Lục thông nhưng còn mang   

       xác thân tứ đại, ngũ uẩn được gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Khi

      các ngài xả bỏ tấm thân tứ đại gọi là nhập Vô Dư Y Niết Bàn.  


 

          Su-Na-Pá-Ranh-Ta quốc độ

          Rồi Tôn-giả hóa độ chúng dân

              Cải thiện thành những hiền nhân

       Thiện-nam Tín-nữ chánh chân tu hành.

          Bạch Phật ! Sanh thú của vị ấy

          Và đời sau vị ấy thế nào ? ”.

 

         – “ Này các Tỷ Kheo ! Hiểu mau   

       Pun-Nhá là bậc thanh cao trí hiền

          Vị ấy chuyên thực hành chánh pháp

          Và tùy-pháp tinh tấn, an hòa.

              Vị ấy không phiền nhiễu Ta

       Với những câu hỏi dựa qua pháp gì.

          Thiện nam tử hành trì nhuần nhã

          Là Pun-Nhá đã nhập Niết-bàn ”.

 

              Thế Tôn thuyết giảng nghiêm trang

       Chúng Tăng tín thọ lời vàng, hân hoan ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*

*  *

 

(  Chấm dứt Kinh số 145 :  GIÁO GIỚI PHÚ-LÂU-NA  – 

Puññovàda  Sutta  )  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/02/2013(Xem: 9609)
Nối truyền Đức Tổ Minh Quang Du Tăng Khất Sĩ dẫn đoàn hoá duyên, Xưa Tổ hành đạo khắp miền Nay ta noi dấu trọn nguyền kiếp tu.
07/02/2013(Xem: 18210)
Nửa thế kỷ Tôn Sư vắng bóng, Ánh Đạo Vàng tỏa rộng muôn phương Hôm nay tổ chức huy hoàn Hằng năm kỷ niệm, đàn tràng tôn nghiêm. Môn đồ Tứ chúng ngưỡng chiêm,
06/02/2013(Xem: 10491)
Bước đi từng bước vào chánh niệm Dáng khoan thai uy lực vô cùng Phật kinh hành đất chuyển trời rung Oâi! Huyền diệu bước chân giải thoát
06/02/2013(Xem: 7677)
Xuân về thăm lại cố hương Cây đa bến cũ thân thương mái chùa Ngô khoai hương lúa bốn mùa Dòng kinh biến đổi đất chua ngàn đời Nhạn về én lượn nơi nơi Mái chèo khua nước sao rơi đầy thuyền Cô thôn nữ hát đưa duyên Giao mùa nắng ấm hoa viền cành xuân
04/02/2013(Xem: 11475)
Trên đỉnh Phù Vân Đường lên Yên Tử mây dìu bước Qua suối Giải Oan đá dẫn đường Hoa yên dấu ấn thời Điều Ngự Bảo Sát âm vang một cõi Thiền Rừng tháp đây rồi lưu chấn tích Mái chùa che cả một giang sơn Chùa Đồng vang dội linh thiêng núi Cột đá uy nghiêm đứng giữa dòng Hàng tùng che mát lòng nhân thế Gốc sứ nhả hương giữa bụi trần Sỏi đá rêu phong còn biết nói Người đời sao nỡ để ai quên
04/02/2013(Xem: 13315)
Không được gọi là nhà thơ nhưng rất nhiều người VN vẫn có thể làm thơ. Thơ phổ biến khắp nơi với đủ loại người. Thơ không đọc bình thường như văn mà ngâm lên du dương trầm bổng, lại thêm các loại đàn sáo, tranh, bầu... sau thêm đàn nguyệt phụ họa nên ngâm thơ là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, thuần túy VN. Ai cũng có thể đọc thơ một cách diễn cảm nhưng để ngâm thì phải biết cách. Bồng mạc, sa mạc, lẩy Kiều... Để nắm những cách thức ấy phải là người chuyên môn, thường xuyên luyện giọng chứ không phải tự nhiên ai cũng ngâm được.
30/01/2013(Xem: 11415)
Thi tính phản ảnh thật rõ nét qua kinh sách cũng như phong cách của những người tu hành đãảnh hưởng sâu đậm đến các sinh hoạt văn hóa của hầu hết các quốc gia Phật Giáo ÁChâu. Thi phú nói chung có khả năng khơi động những xúc cảm sâu kín và thanhcao nơi con người giúp họ vượt lên trên các bản năng thô thiển và trói buộc củasự sống.
29/01/2013(Xem: 10286)
Áo này mẹ dệt cho con Nắng mưa hai buổi gánh mòn bờ vai Áo một mảnh tình chia hai Mai này áo rách không phai lời nguyền Áo giải thoát, áo phước điền Áo che mát cả nhân thiên bốn loài.
26/01/2013(Xem: 10727)
Cận cảnh tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương khủng ở Việt Nam
25/01/2013(Xem: 7862)
Nầy hỡi dân tộc Việt Nam ! Tổ quốc ta gần Năm Ngàn Năm Văn Hiến. Lịch sử oai hùng, dựng nước bởi Minh Quân Con cháu ngàn đời, nguyền nối tiếp Tiền nhân Vươn trổi dậy từ tinh thần bất khuất. Người Việt nam chơn chất Mà tự hào, son sắt đậm tình quê. Già trẻ gái trai, khi quốc biến nguyện thề.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]