Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

127. Kinh A-Na-Luật

19/05/202011:32(Xem: 6401)
127. Kinh A-Na-Luật

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : honglacmai1@yahoo.com

127. Kinh  A-NA-LUẬT

( Anuruddha sutta )

     

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ

          An trú tại Xá-Vệ thành này

              Sa-Vát-Thí  cũng là đây

       Kỳ Viên Tinh Xá  hôm mai tịnh, hòa

          Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná   (1)

          Cấp-Cô-Độc Trưởng giả tín gia

             (A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka)   (1)

       Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.

 

          Một buổi mai, Panh-Cha-Kan-Gá  (2)

          Một thợ mộc, bảo gã người nhà :

 

        – “ Tôn-giả A-Nú-Rút-Tha 

       Đang ở Tinh Xá Chê-Ta-Va-Nà

          Hãy đến, nhân danh ta cung kính

          Cúi đầu đính lễ dưới chân ngài,

              Thưa rằng : ‘Thỉnh ngài ngày mai

       Cùng ba vị nữa thân lai đến nhà

          Của thợ mộc Panh-Cha-Kan-Gá

          Để thọ thực. Tôn-giả vui lòng

              Đến sớm vào lúc hừng đông

       Bởi vì Gia-chủ chính trong lúc này

          Nhiều việc phải làm ngay chẳng đợi,

          Nhiều bổn phận đối với Quốc-vương ”.

   ____________________________

 

(1) : Kỳ Viên Tinh Xá – Jetavana-vihàra  do Trưởng-giả Cấp Cô

     Độc – Anathapindika  dâng cúng đến Đức Phật.

(2) : Thợ mộc tên Pañcakanga.    

 

 

              Người nhà nghe nói tinh tường

       Vâng lời, đi đến Tăng đường Kỳ Viên

          Rồi đến liền tịnh thất an trú 

          Của Tôn-giả A-Nú-Rút-Tha   (1)

             (Tức là A-Nậu-Lâu-Đà

       Hay A-Na-Luật cũng là ngài đây).

          Đảnh lễ ngài rồi thưa tất cả

          Lời của chủ – Panh-Chá-Kan-Ga.

 

              Tôn-giả A-Nậu-Lâu-Đà

       Im lặng, là cách tỏ ra nhận lời.

 

          Đến hôm sau, lúc trời hừng sáng,

          Đêm đã mãn, Tôn-giả đắp y 

              Mang bát, cùng với ba vì

       Tỷ Kheo, rảo bước uy nghi đến nhà

          Của thợ mộc Panh-Cha-Kan-Gá

          Sau khi đến, an tọa nghiêm trang

              Chỗ đã được soạn sẵn sàng.

       Rồi vị thợ mộc cúng dàng thức ăn,

          Món quý trân loại mềm và cứng,

          Gia chủ đứng phục vụ hết lòng.

              Sau khi các vị ăn xong,

       Tay rời bình bát, rồi đồng đọc kinh

          Phúc chúc cho gia đình tín chủ.

    ____________________________

 

( ) :  Anuruddha  (còn có tên A-Nậu-Lâu-Đà, A-Nậu-Đà-La  hay

       A-Na-Luật ), một trong 7 vị vương-tử giòng Thích Ca xuất gia

       theo Phật khi Ngài đã thành đạo và trở về Kapilavatthu .

      Tôn-giả có tật hay ngủ gật khi nghe Phật thuyết pháp, bị Phật 

     quở trách, nên ngài phát nguyện không ngủ cho tới khi nào đắc

     quả.  Do sự cố gắng quá sức, nên hai  mắt ngài bị mù .  Sau đó

     ngài đắc quả A-La-Hán và được liệt vào Thập Đại Đệ Tử của

     Phật, bậc Thiên Nhãn Đệ Nhất.  

 

          Rồi Gia chủ thợ mộc nói trên

              Lấy ghế thấp ngồi một bên

       Hướng về Tôn-giả, thưa lên như vầy :

 

    – “ Bạch Tôn-giả ! Ở đây một dạo

          Các Tỷ Kheo Trưởng Lão nói rằng :   

             ‘Này Gia chủ ! Hãy tinh cần

       Vô-lượng-tâm giải-thoát năng tu trì’.

          Cũng có một số vì Trưởng Lão

          Thì lại bảo : ‘Hãy tu hằng ngày

              Đại-hành-tâm giải-thoát này’.

       Kính bạch Tôn-giả ! Như vầy phải chăng

          Hai pháp vừa khác văn, khác nghĩa

          Hay đồng nghĩa, khác biệt về văn ? ”. 

 

        – “ Này Gia chủ ! Chính từ tự thân

       Thế nào ông nghĩ về căn bản này ?

          Hãy nói ngay điều ông nghĩ ấy,

          Vấn đề đấy xác thật cho ông ”.

 

       – “ Thưa Tôn-giả ! Tự trong lòng

       Con nghĩ : ‘Hai pháp này đồng nghĩa nhau

          Nhưng khác văn. Thế nào tôn ý ? ”.

 

    – “ Này Gia chủ ! Phải nghĩ như vầy :

             ‘Vô-lượng-tâm giải-thoát đây

       Và đại-hành-tâm giải-thoát này, cả hai

          Những pháp này chúng vừa khác nghĩa

          Vừa khác văn, chặt chịa điều này’.

              Gia chủ cần hiểu như vầy,

       Hiểu đúng với pháp môn đây trình bày.

          Cư Sĩ này ! Thế nào hiểu đạt

          Vô-lượng-tâm giải-thoát thanh cao ?

              Tự thân vị Tỷ Kheo nào

       An trú biến mãn nhằm vào một phương,

          Tâm an tường với Từ câu hữu.

          Cũng như vậy, câu hữu phương hai

              Phương thứ ba, thứ tư này

       Cùng khắp thế giới, trong, ngoài, dưới, trên,

          Cả bề ngang, mọi bên phương xứ

          Khắp vô biên… an trú với Từ

              Quảng đại, vô biên, an như,

       Không sân, không hận, quảng từ, vô biên.

          Này Cư Sĩ ! Gọi liền chẳng khác

          Vô-lượng-tâm giải-thoát là đây.

 

              Còn thế nào để hiểu ngay

       Đại-hành-tâm giải-thoát này hành theo ?

          Ở đây, vị Tỷ Kheo cho tới

          Một gốc cây trú với lạc yên

              Biến mãn, thấm nhuần vô biên

       Cho đến vậy, khi tu Thiền trải qua

          Được gọi là đại-hành-tâm ấy

          Giải thoát vậy. Lại nữa xảy ra

              Tỷ Kheo cho đến hai, ba

       Gốc cây – trú, biến mãn qua, thấm nhuần

          Cho đến luôn khi Thiền định vậy.

 

          Hoặc vị ấy cho đến một làng,  

              Cho đến hai, ba ruộng, làng,

       Một đại vương-quốc – trú an, biến đầy,

          Thấm nhuần lớn, đến ngay như vậy

          Khi vị ấy tu Thiền trải qua,

              Tỷ Kheo cho đến hai, ba

       Đại vương-quốc như vậy mà trú an,

          Biến mãn toàn, thấm nhuần lớn đại, 

          Cho đến vậy, trong khi tu Thiền,

              Vì thế, nó được gọi liền :

      ‘Đại-hành-tâm giải-thoát’ riêng như vầy.

 

          Gia chủ này ! Phải nên hiểu rõ

          Hai pháp đó – khác nghĩa, khác văn.

              Gia chủ ! Có bốn hữu-sanh

      (Bốn sự sanh khởi) là danh mọi thời

          Cho một đời sống mới – nghĩa đó.

 

          Sao mà có bốn hữu-sanh vầy ? 

              Này Cư Sĩ ! Như ở sđây

       Một người với hào quang nay có chừng

         (Có hạn lượng) và từng an trú

          Biến mãn đủ, thấm nhuận muôn trùng,

              Sau khi thân hoại mạng chung 

       Được sanh và cộng trú cùng Chư Thiên

          Thiểu Quang Thiên. Rồi có vị khác

          Hào quang đạt vô lượng, trú an 

              Biến mãn, thấm nhuần vô vàn

       Sau khi thân hoại mạng chung, sinh liền

          Cõi Vô Lượng Quang Thiên, cộng trú.

 

          Này Gia chủ ! Lại nữa, có người 

              Hào quang tạp nhiễm chẳng rời

       An trú, biến mãn mọi nơi, thấm nhuần,

          Sau thân hoại mạng chung, sinh tới

          Cộng trú với Tạp Nhiễm Quang Thiên.

 

              Rồi lại có người thiện hiền

       Hào quang thanh tịnh và liền trú an

          Biến mãn toàn, thấm nhuần như vậy,

          Khi vị ấy thân hoại mạng chung

              Được sinh cộng trú ung dung

       Chư Thiên Biến Tịnh Quang, cùng nơi đây.

          Bốn loại hữu-sanh này là vậy.

 

          Một thời ấy, Chư Thiên các vì

              Tập họp tại một chỗ, thì 

       Thấy sự sai khác nhiều khi sắc màu,

          Không sai khác thuộc vào ánh sáng

          Của hào quang. Như dạng có người

              Cần nhiều đèn dầu đồng thời   

       Ung dung đi thẳng vào nơi một nhà

          Khi vào nhà, các cây đèn ấy

          Ngọn lừa cháy được thấy khác nhau

              Nhưng không có sai khác nào

       Về ánh sang các đèn dầu nói trên.

 

          Cũng vậy, nên hỡi này Cư Sĩ !    

          Có một thời các vị Chư Thiên

              Tập họp tại một chỗ, liền

       Thấy sự sai khác về duyên sắc màu

          Cũng thấy mau có sự sai khác

          Về hào quang của các vị Thiên.

              Các vị ấy không phan duyên

       Không nghĩ điều đó thường xuyên, thường còn,

          Thường hằng và sắt son thường trú,

          Nhưng Chư Thiên an trú chỗ nào

              Thời tại chỗ ấy trước sau

       Chư Thiên cùng sống với nhau thuận hòa,

          Sống thoải mái, như là ví dụ

          Các con ruồi trú ngụ la đà

              Trên đòn gánh, trong giỏ hoa

       Chúng không có nghĩ như là chính đây

          Thường còn hay thường hằng, thường trú              

          Cho chúng tôi cư ngụ lâu nào !

              Nhưng ruồi an trú nơi đâu

       Chỗ ấy chúng thoải mái vào sống an ”.

 

          Nghe nói vậy thì hàng Tôn-giả

          A-Phi-Dá Kách-Chá-Na (1) đây  

              Cùng đi thọ trai với ngài

       A-Nú-Rút-Thá. Vị này thưa ngay :

 

     – “ Tốt lành thay ! Thật là xác thực

          A-Na-Luật Tôn-giả trình bày 

              Ở đây, tôi có câu này

       Cần phải hỏi rõ, xin ngài giảng thêm.

          Thưa Tôn-giả ! Chư Thiên đây đó

          Các vị có phát ra hào quang,

              Đều có hạn lượng hào quang

       Hay một số có hào quang vô lường ? ”.

 

    – “ Này Hiền-giả ! Tùy trường hợp cả !  

          Ở đây đã có nhiều Chư Thiên

              Hào quang vô lượng vô biên,

       Nhưng một số vị do duyên không toàn

          Có hào quang hạn lượng được tả ”.

 

    – “ Thưa Tôn-giả A-Nậu-Lâu-Đà ! 

              Do nhân & duyên gì xảy ra   

       Nên dù các vị sinh qua cõi Trời

          Một số thời hào quang hạn lượng,

          Một số có vô lượng hào quang ? ”.

 

        – “ Này Hiền-giả ! Hãy sẵn sàng !

       Tôi hỏi Hiền-giả – nếu kham nhẫn, thời 

          Hiền-giả sẽ trả lời theo ý,

    ______________________

 

 ( ) : Vị Tôn-giả Abhiya Kaccana.

 

          Hiền-giả nghĩ thế nào điều này ?

              Tỷ Kheo cho đến một cây

       Thấm nhuần, biến mãn đủ đầy, trú an

          Trong khi đang tu Thiền tâm trụ.

          Hay Phích-Khú cho đến hai, ba

              Gốc cây – biến mãn đủ đầy

       Thấm nhuần, an trú như vầy, trong khi

          Đang tu Thiền, vậy thì căn cứ

          Trong hai sự tu tập tâm này

              Tu tập nào rộng lớn đây ? ”.

 

 – “ Thưa Tôn-giả ! Tỷ Kheo đây như vầy

          Cho đến hai gốc cây & ba, bốn

          An trú, biến mãn lớn, thấm nhuần

              Trong khi tu thiền tập huân

       Sự tu tập đó đơn thuần hơn xa ”.

 

    – “ Hiền-giả Kách-Cha-Na ! Như vậy

          Tỷ Kheo ấy cho đến ruộng làng

              Một, hai hay ba ruộng làng

       Thấm nhuần, biến mãn, trú an như vầy,

          Cho đến ngay một đại vương-quốc

          Hai, ba đại vương-quốc – trú an

              Biến mãn, thấm nhuần vô vàn

       Cho đến như vậy khi đang tu thiền,

     … Cho đến tận hải biên xa thẳm

          Biến mãn và nhuần thấm, trú yên

              Xảy đến khi đang tu thiền,

       Như vậy tu tập tâm liền trước sau

          Sự tu tập tâm nào hơn cả ? ”.

 

    – “ Thưa Tôn-giả A-Nậu-Đà-La !

              Tỷ Kheo cho đến rất xa

       Giải đất tận hải biên mà trú an

          Biến mãn toàn, thấm nhuần rộng rãi

          Cho đến vậy khi đang tu thiền

              Trong hai sự tu tập trên

       Cho đến đất tận hải biên như vầy

          Sự tu tập tâm này hơn cả ”. 

 

    – “ Hiền-giả Kách-Cha-Ná ! Đó là

              Do nhân & duyên này xảy ra

       Chư Thiên ấy tuy sinh ra Thiên đường

          Một số thường hào quang hạn lượng,

          Một số có vô lượng hào quang ”.

 

        – “ Thưa Tôn-giả ! Tôi hiện đang

       Có một câu nữa cầm mang hỏi ngài :

         ‘Về hào quang hiển bày Thiên-chúng

          Có phải đúng tất cả hào quang

              Là tạp nhiễm hay hào quang

       Thanh tịnh của một số hàng Chư Thiên ? ”.

 

    – “ Này Hiền-giả ! Tuy nhiên ở đó

          Nhiều vị Thiên cũng có hào quang

              Tạp nhiễm. Nhưng cũng có hàng

       Chư Thiên có hào quang toàn tịnh thanh ”.

 

    – “ Thưa Tôn-giả ! Phát sanh như vậy

          Do nhân & duyên gì thấy rõ ràng

              Chư Thiên hoặc có hào quang

       Tạp nhiễm, hoặc có hào quang tịnh lành ? ”.

 

     – “ Này Hiền-giả ! Có nhanh ví dụ

          Nhờ ví dụ, người trí hiểu ngay

              Ý nghĩa của lời nói này :

       Như cây đèn cháy với đầy dầu dơ

          Tim đèn cũng đen dơ như vậy,

          Cây đèn ấy cháy rất mù mờ

              Vì dầu, tim đèn đều dơ.

 

       Cũng vậy, Phích-Khú xưa giờ trú an

          Biến mãn, thấm nhuần toàn thất niệm

          Với hào quang tạp nhiễm đêm ngày

              Thân dâm hạnh của vị này

       Không khéo chấm dứt, luôn hay hôn trầm,

          Thụy miên không quyết tâm chấm dứt

          Trạo cử, hối quá thực dẫy đầy

              Không được khéo nhiếp phục ngay.

       Vì những cớ ấy, vị này xem như

          Đèn cháy lên lừ đừ, yếu mãi.

          Khi thân hoại, sinh tới cõi Thiên

              Cộng trú cùng với Chư Thiên

       Có hào quang tạp nhiễm, duyên là vầy.

 

          Hiền-giả này ! Khi ngọn đèn ấy

          Được đốt cháy với cái tim đèn

              Và dầu sạch sẽ không đen

       Ngọn lửa tỏa sáng từ đèn dầu đây.   

          Hiền-giả này ! Tỷ Kheo an trú

          Biến mãn, thấm nhuần đủ như vầy

              Với hào quang thanh tịnh đây,

       Khi thân dâm hạnh vị này dứt ngay,

          Hôn trầm, thụy miên này dứt cả

          Và trạo cử, hối quá ở đây

              Được khéo nhiếp phục đêm ngày,

       Chính do vì vậy, vị này được xem

          Đã cháy lên ngọn lửa tỏ sáng,

          Khi thân hoại, đã mãn trần duyên    

              Được sinh cộng tru Chư Thiên

       Hào quang thanh tịnh lan truyền tỏa xa,.

 

          Kách-Cha-Na ! Trả lời Hiền-giả

          Do nhân này và cả duyên này

              Giữa Chư Thiên kể ở đây

       Cùng một Thiên-chúng, nhưng hay bất toàn

          Một số có hàn quang tạp nhiễm,

          Nhiều vị Thiên ưu điểm có ngay

              Hào quang thanh tịnh như vầy ”.

 

       Khi nghe nói vậy, thì ngài cùng đi

          Là A-Phi-Dá Kách-Cha-Ná

          Hướng Tôn-giả A-Nú-Rút-Tha

              Thưa rằng : “ Lời giảng sâu xa

       Lành thay ! A-Nậu-Lâu-Đà Đại-sư !

          Chính Đại Sư đã không khẳng định

         ‘Như vậy chính tôi nghe’ lời này

              Hay ‘Sự việc đúng như vầy’.

       Trái lại Tôn-giả ở đây nói là :

         ‘Chư Thiên này đã là như vậy’,

         ‘Chư Thiên kia như vậy’ nói ra.

 

              Thưa Tôn-giả ! Tôi nghĩ là

       Tôn-giả A-Nú-Rút-Tha – vị này

          Chắc chắn đã sống rày trước đó

          Đã đàm thoại trước đó nhiều thời

              Với Chư Thiên các cõi Trời ”.

 

 – “ Kách-Cha-Na Hiền-giả ! Lời của Sư

          Đến gần như là điều thách đố

          Để ta phải tuyên bố ra lời.

              Nhưng nay ta sẽ trả lời :

       Từ trước ta đã có thời sống qua,

          Đã đàm luận thật là tâm đắc

          Với Chư Thiên ở khắp gần xa ”. 

 

              Sau khi đã được nghe qua

       Lời vị Tôn-giả tại nhà Tín-gia

          Là thợ mộc Panh-Cha-Kan-Gá

          Thì Tôn-giả Kách-Chá-Na đây

              Nói với người thợ mộc này :

 

 – “ Thật là lợi ích tròn đầy cho ông !

          Khiến cho ông đoạn trừ nghi hoặc

          Những thắc mắc từ trước đến nay

              Được dịp nghe pháp môn này

       Từ A-Na-Luật là ngài Thánh Tăng ./- 

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*  *   *

 

( Chấm dứt Kinh số 127 : A-NA-LUẬT

–  ANURUDDHA  Sutta )



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 10498)
Rừng im mây đầy ôm núi ngủ Cỏ mềm xanh mướt ngập bờ hoang Thoang thoảng đêm huyền hương thạch nhũ Đầu hoa nhụy ứa gió lên ngàn.
10/04/2013(Xem: 9499)
Một bông hồng xin dâng Mẹ Một bông hồng xin dâng Cha Đền ơn hiếu hạnh những là thấm đâu Công Cha phải nhớ làm đầu Nghĩa Mẹ phải nhớ là câu trau mình
10/04/2013(Xem: 7239)
Thơ là nhạc lòng, là tình ca muôn thuở của ý sống, của nguồn thương, của mầm xuân mơn mởn được thể hiện qua âm điệu vần thơ, qua câu hò, tiếng hát, lời ru, ngâm vịnh,..v..v.... mà các thi nhân đã cảm hứng dệt mộng, ươm tơ. Những vần thơ của các thi sĩ nhả ngọc phun châu là những gấm hoa sặc sỡ, những cung đàn tinh xảo, những cành hoa thướt tha kết thành một bức tranh đời linh hoạt, một bản nhạc sống tuyệt trần, một vườn hoa muôn sắc ngát hương làm tăng thêm vẻ đẹp cả đất trời, làm rung cảm cả lòng người xao xuyến. Đối tượng của vần thơ là chất liệu men đời được sự dung hợp của đất trời, sự chuyển hoá của vạn vật và sự hoà điệu của lòng người qua khắp nẻo đường trần biến thể, có lúc mặn nồng bùi ngọt, có khi chua chát đắng cay, tủi hờn chia ly, thất vọng chán chường sau những cuộc thế bể dâu, những thăng trầm vinh nhục, chính là nguồn suối mộng rạt rào của các nhà thơ say mơ. Tôi mặc dù không phải là thi sĩ, nhưng cũng biết thiết tha ho
10/04/2013(Xem: 12917)
Nhật Bản là đất nước của ngàn thơ, vì trước hết đó là đất nước của ngàn hoa... Hoàng Xuân Vinh
08/04/2013(Xem: 8671)
Đất tâm như quả địa cầu, Chứa đầy hạt giống hoa mầu hành vi. Tâm là dòng suối nghĩ suy, Tâm và hạt giống có gì khác đâu. 5. Tâm không tu phải khổ đau, Như vượn chuyền nhảy không sao đặng dừng, Xuống lên ba cõi trầm luân, Từ thời vô thỉ con đường mênh mang.
08/04/2013(Xem: 49505)
Mỗi thế hệ thi ca đều xuất hiện những tâm hồn đặc biệt của các nhà thơ qua từng thế hệ. Phần nhiều, tâm hồn xuất phát từ cảm tính của thi nhân qua mọi sinh hoạt của xã hội. Tập thơ Hoa Song Đường của nhà thơ Mặc Giang vượt ra ngoài cái vòng tâm tư hiện hữu xưa nay, nó mang tính chất triết lí nhân sinh, chứa chất mọi quy luật sinh tồn mà con người và vũ trụ cố gắng tranh đấu để bảo tồn lẽ sống cùng với vạn hữu.
08/04/2013(Xem: 13040)
"Ở đâu cũng có anh hùng Nơi đâu cũng có kẻ ngu người hiền, Anh hùng gặp gái thuyền quyên Ở ngay trong chốn trận tiền hiểu nhau Tình thương không có đối đầu Không phân trận tuyến không cầu mong chi Thực hành nghĩa cử Từ Bi
08/04/2013(Xem: 7296)
Chợt thấy xuân mời, vào một sáng ngồi rơi im lặng, hơi thở bay vào trong phong bão, cơn say tỉnh cơn gió mỉm cười, lay cánh mai
05/04/2013(Xem: 16684)
Lịch sử luôn trao tận tay từng số phận thuận nghịch của duyên trần (biệt nghiệp) để từ đó hòa mình vào vận mạng chung của cộng nghiệp.
03/04/2013(Xem: 9731)
Được rồi Mất, Khen rồi Chê Vinh liền tới Nhục, Sướng kề Khổ đau Gió đời tám ngọn trước sau Luôn gây loạn động, đua nhau dâng trào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567