TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
78. Kinh SAMANAMANDIKÀ
( Samanamandikà sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ
Trú Xá Vệ, nước Ma-Ga-Tha (1)
Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na (1)
Dâng bởi A-Na-Tha-Pin-Đí-Kà (1).
Lúc ấy, Úc-Ga-Ha-Ma-Ná (2)
Con Sa-Má-Ná-Manh-Đi-Ka, (2)
Trú Tinh xá Man-Li-Ka (3)
Tại địa phương Ê-Ka-Sà-Lá-Ka (3)
Hàng cây Tin-Đu-Ka (3) khéo mọc
Để vây bọc Tinh xá nói trên,
Nơi này được xây dựng nên
Làm chỗ tranh luận, nêu lên vấn đề.
Ba trăm vị thuộc về du-sĩ
Chính tại đây các vị sống qua .
Thợ mộc Panh-Chá-Kan-Ga (4)
Vào buổi sáng sớm đi ra khỏi thành
____________________________
(1) : Thành Xá Vệ – Savatthi , thuộc vương quốc Magadha – Ma-
Kiệt-Đà . Nơi đây, vị Trưởng-giả Anathapindika – Cấp Cô Độc
đã dâng cúng ngôi Tinh Xá Kỳ Viên – Jetavanavihàra đến Đức
Phật để hoằng truyền Chánh Pháp .
(2) : Du sĩ Uggahamana , con của Samanamandika .
(3) : Tinh xá Mallika, tại Ekasalaka , có hàng cây Tinduka
bao quanh .
(4) : Vị Cư Sĩ làm nghề thợ mộc tên Pañcakanga .
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 038
Sa-Vát-Thi – lòng thành ý thiện
Muốn yết kiến Đại Giác Phật Đà.
Nhưng ông bỗng chợt nghĩ ra :
“ Nay không phải lúc để ta gặp Ngài.
Ngài hiện nay còn đang thiền tọa
Cần an tịnh. Đừng phá Thế Tôn.
Các vị Tỷ Kheo Sa-môn
Cũng đang thiền định, phải tôn trọng rồi !
Vậy ta hãy đến nơi Tinh xá
Của vị Man-Li-Ká ngoại gia
Tại Ê-Ká-Sá-La-Ka,
Gặp Úc-Gá-Há-Sa-Mà, thăm qua ”.
Rồi thợ mộc Panh-Cha-Kan-Gá
Đến Tinh xá của Man-Li-Ka.
Bấy giờ tranh luận xảy ra
Có Úc-Gá-Há-Sa-Ma, cũng là
Con Sa-Ma-Ná-Man-Đi-Ká,
Cùng tất cả du sĩ nơi đây
Theo như thường lệ, đến ngay
Tại chỗ các vị hằng ngày tập trung
Đang lớn tiếng để cùng bàn luận
Nhiều vấn đề lôi cuốn, sa đà
Phù phiếm – cãi vả nổ ra
Câu chuyện vua chúa, hoàng gia, đại thần,
Chuyện ăn trộm, thần dân bách tính,
Chuyện binh lính, chiến trận hãi hùng
Chuyện ăn uống, chuyện kiếm cung,
Giường nằm, đồ mặc, chuyện dùng vòng hoa,
Chuyện hương liệu, chuyện bà con họ,
Chuyện xe cộ, làng xóm, thị thành,
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 039
Chuyện thị trấn, chuyện chiến tranh,
Chuyện về quốc độ, chuyện dành đàn ông,
Chuyện đàn bà, rồi dông dài mãi
Chuyện lề đường, chỗ lấy nước dùng,
Câu chuyện về vị anh hùng,
Chuyện người đã chết, chuyện vùng biên cương,
Về hiện trạng đại dương, thế giới,
Chuyện tạp thoại lui tới lòng vòng,
Chuyện về hiện hữu và không …
Các du sĩ ấy nói trong ồn ào.
Thấy thợ mộc đi vào thong thả,
Úc-Ga-Há-Ma-Ná chợt nhìn
Liền khuyến cáo Chúng của mình :
– “ Các Tôn-giả ! Hãy lặng thinh, đừng ồn !
Nay đệ tử Sa-môn Sắc-Dá
Là thợ mộc Panh-Chá-Kan-Ga
Đang đến, nhìn thấy từ xa.
Đệ tử Áo Trắng Phật gia, hiện thì
Trú tại Sa-Vát-Thi nơi đấy.
Các vị ấy ưa mến lặng im,
Tu tập trong sự lặng im,
Tán thán trầm lặng và tìm tịnh ly.
Vị thợ mộc Bạch y Cư Sĩ
Có thể sẽ trực chỉ đến ta ”.
Các vị du-sĩ nghe ra,
Đều im lặng đợi Panh-Chà-Kan-Ga.
Khi thợ mộc ghé qua nơi ấy,
Nói những lời thân ái, xã giao.
Sau khi nói lời đón chào,
Thợ mộc liền được mời vào, ngồi bên.
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 040
Du-sĩ trên nói liền một dọc :
– “ Này thợ mộc ! Ta chủ trương rằng
Một người bốn pháp tựu thành
Được thiện-cụ-túc, thiện lành tối ưu,
Bậc thượng lưu Sa-môn thành đạt
Tối thượng, vô năng thắng tròn đầy.
Thế nào bốn pháp như vầy ?
– Không làm ác nghiệp đêm ngày về thân.
– Không nói năng những lời nói ác.
– Không tư duy về ác-tư-duy.
– Không sống với ác mọi thì.
Người nào có bốn pháp ni tựu thành
Sẽ đạt nhanh được thiện-cụ-túc,
Thiện-tối-thắng, là bực Sa-môn
Thành đạt tối thượng tối tôn,
Đạt vô-năng-thắng, chẳng còn sai ngoa ”.
Người thợ mộc Panh-Cha-Kan-Gá
Không hoan hỷ lời đã nói ra,
Nhưng không kích bác ông ta
( Là Úc-Gá-Há-Ma-Nà nêu trên )
Từ chỗ ngồi đứng lên, từ giã
Ra về, đã có nghĩ sẵn vầy :
‘Ta sẽ biết rõ điều này
Do đấng Điều Ngự trình bày sâu xa’.
Rồi thợ mộc Panh-Cha-Kan-Gá
Đến chỗ đấng Giác Giả Phật Đà
Sau khi đảnh lễ Phật Đà
Một bên ngồi xuống, thưa qua sự tình,
Chuyện giữa mình với vị du-sĩ
Về chủ trương du-sĩ đưa ra.
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 041
Nghe thuật vậy, đức Phật Đà
Bảo với thợ mộc Panh-Chà-Kan-Ga :
– “ Này Panh-Chá-Kan-Ga ! Nếu thực
Như lời Úc-Ga-Há-Ma-Na
Thời đứa con nít trong nhà
Vô trí, nằm ngửa chính là Sa-môn ?
Thiện-cụ-túc, tối tôn tối thắng ?
Thành đạt vô năng thắng, tối cao ?
Như lời du-sĩ rêu rao ?
Vì đứa con nít nó nào nghĩ sâu :
‘Đây là thân’, thì đâu làm ác.
Nghiệp về thân tạo ác mọi phần ?
Nó chỉ biết quơ tay, chân.
Đứa bé cũng chẳng một lần nghĩ qua :
‘Đây lời nói của ta’ ; như thế
Từ đâu nó có thể gây ra
Ác nghiệp về khẩu, gần xa ?
Trừ ra chỉ biết khóc la, đòi bồng.
Này thợ mộc ! Cũng trong thân thể
Một đứa bé vô trí đang nằm,
Nó không hề nghĩ âm thầm :
‘Đây tư duy’. Vậy thì nhằm vào chi
Nó có thể tư duy điều ác ?
Trừ động tác bập bẹ, bi bô.
Đứa con nít còn non thô
Làm sao có thể nghĩ vô chuyện là :
‘Đây là nghề để mà sinh sống’.
Sao nó sống nếp sống ác hành ?
Trừ ra bú mẹ là rành.
Nếu sự tình ấy phát sanh đúng vầy
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 042
Thời đứa trẻ ở đây, nằm ngửa
Và là đứa vô trí, thơ ngây
Sẽ được thiện-cụ-túc ngay,
Được thiện-tối-thắng, là thầy Sa-môn
Vô-năng-thắng tối tôn đạt kỹ
Đúng như lời Du-sĩ nói ra.
Thợ mộc ! Chủ trương của Ta :
Người thành tựu bốn pháp qua như vầy
Thời người này không thiện-cụ-túc,
Không có mục thiện-tối-thắng lành,
Không là Sa-môn đạt thành,
Không vô-năng-thắng sẵn dành cho y.
Như vậy, vì để xác chứng rõ
Đứa nít nhỏ vô trí, nằm ngay.
Thế nào là bốn ? Ở đây
Panh-Cha-Kan-Gá ! Như vầy được phân :
– Không làm ác về thân đủ thứ.
– Không nói lời ác ngữ mọi thì.
– Không tư duy ác-tư-duy.
– Không sống nếp sống ác si, mê tà.
Này Panh-Chá-Kan-Ga thợ mộc !
Ta chủ trương rằng một người nào
Thành tựu mười pháp thanh cao
Được thiện-cụ-túc thuộc vào đáng tôn,
Thiện-tối-thắng, Sa-môn thành đạt,
Vô-năng-thắng, là bậc thượng thừa.
Ta nói : ‘ Những pháp được đưa
Cần dược hiểu rõ phải chừa bỏ ra,
Hiểu đó là những bất-thiện-giới.
Bất thiện giới cần được hiểu là
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 043
Từ đây mà được sinh ra’.
( I-Sô-Sa-Mút-Thá-Na – từ này ) ( Itosamutthana )
Những bất thiện giới đây, phải biết
Được trừ diệt, không có dư tàn.
Người ấy cần hiểu rõ ràng
Thực hành như vậy, dẫn sang điều này :
Diệt trừ ngay các bất thiện giới,
Và cần phải nói tới chẳng trừ :
Những pháp này cần hiểu như
Những thiện giới. Được sinh từ đây ra .
Cần hiểu là những thiện giới đó
Được diệt trừ, không có dư tàn.
Người ấy cần hiểu rõ ràng
Thực hành như vậy, dẫn sang điều này :
Diệt trừ ngay các thiện giới đấy.
Cần phải được người ấy kiến, tri
Là những bất thiện tư duy.
Cần hiểu bất thiện tư duy chính là
Từ nơi đây sinh ra ; cần thiết
Phải trừ diệt bất thiện tư duy
Không có dư tàn – tức thì.
Người ấy cần hiểu thực thi như vầy
Là thực hành đưa ngay đến việc
Là trừ diệt bất thiện tư duy.
Những pháp này cũng đồng thì
Là tư duy thiện, nơi ni sinh liền
Người ấy cần hiểu chuyên về việc
Cũng phải diệt các thiện tư duy.
Diệt được các thiện tư duy
Khiến không có dư tàn gì xảy ra.
* * *
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 044
* Thế nào là các bất thiện giới ?
Là nói tới bất thiện nghiệp thân,
Khẩu nghiệp bất thiện, bất nhân,
Và nếp sống ác – các phần nêu ra
Được gọi là những bất thiện giới.
Sự sinh khởi của chúng ra sao ?
Cần phải trả lời như sau :
Do tâm sinh khởi. Thế nào là tâm ?
Nhiều loại tâm : đa chủng, sai biệt,
Tâm dị biệt, có tham, sân, si.
Từ đây, bất thiện giới ni
Được sinh khởi. Và nó thì từ đâu
Bị diệt mau, dư tàn không có ?
Sự trừ diệt của nó được nêu.
Này thợ mộc ! Vị Tỷ Kheo
Sau khi thân ác hạnh đều diệt mau,
Tu tập vào điều thân-thiện-hạnh.
Sau khi khẩu ác hạnh diệt rày
Tu tập khẩu-thiện-hạnh ngay.
Sau khi ý ác hạnh đây diệt, thời
Tu tập nơi các ý-thiện-hạnh.
Nếp sống ác xa lánh, diệt nhanh,
Sống với nếp sống chánh, lành,
Những bất thiện giới sẵn dành khư khư
Được trừ diệt, tàn dư không có.
Thực hành nó như thế nào đây ?
Thực hành đưa đến diệt ngay
Các bất thiện giới đêm ngày dính đeo.
Này thợ mộc ! Tỷ Kheo khởi ý
Muốn nỗ lực, quyết chí, kiên tâm,
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 045
Với tinh tấn, sách tấn tâm :
– Khiến ác, bất thiện pháp thầm chưa sinh
Không được sinh khởi lên đâu cả.
– Ác, bất thiện pháp đã sinh rồi
Quyết tâm trừ diệt tức thời.
– Các thiện pháp thân, ý, lời chưa sinh
Phải nỗ lực để sinh khởi tới.
– Các thiện pháp sinh khởi rồi, thì
Cố gắng tăng trưởng, duy trì,
Cho được quảng đại, tu trì mãn viên.
Sự thực hành cần chuyên, chân thật,
Đưa đến bất thiện giới diệt mau.
* Thợ mộc ! Thiện giới là sao ?
Là thân hay khẩu, ý nào thiện lương
Nếp sống thường thanh tịnh, an lạc,
Gọi là các thiện giới thanh cao.
Thiện giới sinh khởi ra sao ?
Tự tâm sinh khởi. Thế nào là tâm ?
Nhiều loại tâm : đa chủng, sai biệt,
Tâm dị biệt, không tham, sân, si.
Thiện giới sinh khởi nơi ni.
Thợ mộc ! Những thiện giới thì từ đâu
Trừ diệt mau, dư tàn không có ?
Tỷ Kheo có giới hạnh tròn đầy
Và không chấp trước giới đây.
Tuệ tri như thật, vị này suốt thông
Tâm giải thoát, tuệ đồng giải thoát.
Ở đây, các thiện giới diệt trừ
Và không hề có tàn dư.
Này thợ mộc ! Thực hành như thế nào
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 046
Trừ diệt mau các thiện giới đấy ?
Tỷ Kheo ấy khởi ý muốn thầm
Nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm :
– Khiến ác, bất thiện pháp thầm chưa sinh
Không được sinh khởi lên đâu cả.
– Ác, bất thiện pháp đã sinh rồi
Quyết tâm trừ diệt tức thời.
– Các thiện pháp thân, ý, lời chưa sinh
Phải nỗ lực để sinh khởi tới.
– Các thiện pháp sinh khởi rồi, thì
Cố gắng tăng trưởng, duy trì,
Cho được quảng đại, tu trì mãn viên.
Sự thực hành cần chuyên, chân thật,
Đưa đến bất thiện giới diệt mau.
* Bất thiện tư duy là sao ?
‘Dục tư duy’ đó đứng đầu, nghĩ suy
‘Sân’ và ‘hại tư duy’ diễn tiến
Là ‘bất thiện tư duy’ trước sau.
Được sinh khởi như thế nào ?
Trả lời : Từ ‘tưởng’ dẫn vào khởi sinh.
Giải thích rành thế nào là tưởng ?
Nhiều loại tưởng : đa chủng, khác nhau,
‘Dục tưởng’, ‘Sân’ & ‘Hại tưởng’ sâu,
Tư duy bất thiện khởi đầu từ đây.
Thợ mộc này ! Tư duy bất thiện
Từ đâu khiến bị diệt hoàn toàn
Mất sạch, không có dư tàn ?
Tỷ Kheo ly dục, lạc an tịnh hòa
Ly bất thiện pháp, và chứng, trú
Đệ Nhất Thiền cảm thụ toại tâm,
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 047
Trạng thái hỷ lạc âm thầm
Sinh do ly dục, với tầm & tứ ni.
Những bất thiện tư duy bị diệt.
– Thực hành sao để diệt trừ đi
Tất cả bất thiện tư duy ?
– Nỗ lực thực hiện bốn chi Chánh Cần.
Này thợ mộc ! Còn phần diễn tiến
Thế nào là các ‘thiện tư duy’ ?
Đầu tiên ‘Ly dục tư duy’,
‘Vô sân’ & ‘Bất hại tư duy’ kể vào.
Thiện-tư-duy thế nào sinh khởi ?
‘Tưởng’ sinh khởi. Tưởng đó thế nào ?
Tưởng có nhiều loại như sau
Đa chủng, sai biệt thuộc vào tế, thô,
‘Ly dục tưởng’ và ‘vô sân tưởng’,
‘Bất hại tưởng’. Từ đó khởi sanh
Những thiện-tư-duy’ an lành.
Thợ mộc ! Những tư duy lành từ đâu
Được diệt mau, dư tàn không có ?
– Tỷ Kheo đó diệt tứ, diệt tầm,
Chứng, trú Nhị Thiền âm thầm
Trạng thái hỷ lạc do mầm định sanh,
Không tầm & tứ, nhất tâm nội tĩnh.
Ở đây, chính những thiện tư duy
Không dư tàn khi diệt đi,
Thực hành sao để diệt đi điều này.
Tứ Chánh Cần sâu dày thực hiện
Như vậy khiến được diệt trừ đi
Tất cả các thiện-tư-duy.
Panh-Cha-Kan-Gá ! Mọi thì hoằng dương
Trung Bộ (Tập 3) Kinh 78 : SAMANAMANDIKÀ * MLH – 048
Ta chủ trương một người thành tựu
Mười pháp này trường cữu tối tôn
Được thiện-cụ-túc vuông tròn,
Thiện tối thắng, bậc Sa-môn thiện lành,
Vô-năng-thắng, đạt thành tối thượng
Vị Tỷ Kheo nhất hướng tựu thành
Vô học Chánh đạo tám ngành
Là ‘chánh tri kiến’ tựu thành chẳng ly,
‘Chánh tư duy’, ‘chánh ngữ’, ‘chánh nghiệp’,
‘Chánh mạng’, tiếp ‘chánh tinh tấn’ thành,
‘Chánh niệm’, ‘chánh định’ tựu thành,
Thuộc vô học pháp tịnh lành thanh cao.
‘Vô học chánh trí’ mau thành đạt,
‘Vô học chánh giải thoát’ đạt rồi.
Ta chủ trương rằng một người
Thành tựu mười pháp này thời đương nhiên
Sẽ đạt liền thiện-cụ-túc thật,
Thiện-tối-thắng, là bậc Sa-môn
Thành đạt tối thượng, đáng tôn,
Bậc vô-năng-thắng suốt thông tròn đầy ”.
Nghe Thế Tôn pháp này giảng kỹ
Vị Cư Sĩ Panh-Chá-Kan-Ga
Tức người thợ mộc tín-gia
Hoan hỷ tín thọ Phật Đà kim ngôn ./-
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3L )
( Chấm dứt Kinh số 78 : SAMANAMANDIKA – SAMANAMANDIKA Sutta )
***