Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc

22/10/201917:58(Xem: 13740)
Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc

Thời gian gần đây, “văn hóa đọc” dường như đã trở thành một mỹ từ thường xuyên được nhắc đến với nhiều bài viết rất tha thiết, rất nhiệt tình cổ xúy chuyện đọc sách giấy, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Thử vào Google và nhập từ khóa tìm kiếm là “văn hóa đọc”, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng loạt các bài viết loại này của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước. Mặc dù vậy, tác động thúc đẩy hay tạo chuyển biến trong thực tiễn dường như chưa được là bao.

Không cần nhìn đến những con số thống kê này nọ liên quan đến lãnh vực này, mà dường như lúc nào cũng “về phe” với những người không mấy khi đọc sách - vì chúng luôn nói lên rằng họ đang thuộc về đa số, chỉ cần tìm hiểu ngay từ các em trẻ tuổi quanh ta, ngay trong gia đình cũng như ngoài xã hội, có phần chắc chắn là quý vị sẽ thấy rằng việc gặp được những em thực sự ham mê đọc sách dường như là hết sức hiếm hoi.

Đã có quá nhiều những phân tích về nhiều nguyên nhân khiến thói quen đọc sách dần dần mai một trong thế hệ trẻ hiện nay, nên bài viết này sẽ không lặp lại. Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là sự nhìn nhận đúng về thực tế đang diễn ra và cùng nhau bàn đến những phương thức tích cực, hiệu quả để góp phần chuyển biến thực trạng hiện nay theo hướng tốt hơn.

Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể phải thừa nhận một thực tế là mọi khuynh hướng xã hội đều vận hành theo quy luật tự nhiên của nó, và những gì không còn phù hợp với hôm nay tất yếu phải bị cộng đồng đào thải. Nhìn lại trong lịch sử, khi Nho học bị đào thải bởi sự phát triển của chữ Quốc ngữ, một nhà Nho đã thống thiết kêu lên:

“Đạo học ngày nay đã chán rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.”
(Than đạo học - Trần Tế Xương)

Thế nhưng sự đào thải đó là tất yếu và không ai có thể cưỡng lại được. Xét cho cùng, xã hội phát triển được cũng chính là nhờ quy luật đào thải đó.

Tuy nhiên, sự suy thoái của văn hóa đọc lại cần phải nhìn từ một góc độ khác, bởi nó không phải là một sự “đào thải tất yếu” như “cái học nhà Nho” trong quá khứ. Nó là một hiện tượng không đang có mà thế hệ cha anh đi trước cần phải nhận về mình phần trách nhiệm là đã không duy trì được thói quen đọc sách vốn có của thế hệ mình để truyền lại đến thế hệ tiếp theo.

Một số độc giả có thể không tán thành với nhận định này và sẵn sàng đổ lỗi cho Internet, cho khối lượng thông tin ảo khổng lồ mà các em ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Tôi đồng ý một phần với những lý do này, nhưng xin quý vị một điều là hãy quay nhìn lại chính mình. Trong thời gian con em của quý vị lớn lên trong gia đình, có bao nhiêu lần các cháu, các em được nhìn thấy quý vị say mê đọc một cuốn sách? Và nếu thời gian này không nhiều lắm, xin đừng trách các em vì sao không có được một thói quen đọc sách ngay từ thuở nhỏ.

Nếu có quý vị nào trả lời theo hướng tích cực với câu hỏi trên, tôi xin nghiêng mình bái phục, nhưng trong đa số trường hợp tôi nhìn thấy, thì hầu hết người lớn chúng ta trong những năm qua dường như đã quá bị cuốn hút vào những thay đổi trọng đại trong đời sống. Hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, định chế sinh hoạt v.v... đã khiến cho những quyển sách dần dần xa rời hẳn tầm tay của chúng ta, không còn giống như khi ta còn trẻ. Đó là một thực tiễn. Và một trong những hệ quả của thực tiễn này là chúng ta đã không truyền lại được thói quen đọc sách cho thế hệ đi sau. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều lý do, nhưng tôi muốn nhắc đến vì nó là một lý do mà ta có thể thay đổi được.

Đối với những ai không đồng ý với nhận định trên và vẫn cho rằng văn hóa đọc trong thời đại này thực sự không còn thích hợp, tôi xin trưng dẫn vài con số có tính toàn cầu trong biểu đồ sau đây:

Liên Phật Hội

Như được thấy trong hình (thống kê của năm 2018), bình quân mỗi người dân Ấn Độ hiện nay dành ra gần 11 tiếng đồng hồ để đọc sách trong một tuần lễ. Người Mỹ đứng ở cuối bảng trên, nhưng cũng có gần 6 giờ đọc sách mỗi tuần. Vậy mỗi người chúng ta, sau khi đọc qua những dòng này, hãy tự xét lại trong tuần qua bản thân mình đã có được bao nhiêu thời gian đọc sách? Nếu chúng ta vẫn đồng ý rằng đọc sách là một thói quen tốt và mong muốn con em mình đọc sách, vậy thì tự thân chúng ta không thể không nêu gương trước.

Và một lần nữa, vẫn là những con số thống kê. Người Mỹ đứng cuối bảng trong thống kê về thời gian đọc sách như trên, nhưng chúng ta hãy cùng xem qua các thống kê chi tiết hơn về thói quen đọc sách của họ:

Liên Phật Hội

Theo thống kê này, trong năm 2018 có 74% người Mỹ đã từng đọc ít nhất là một quyển sách và 67% đã đọc từ sách in trên giấy, không phải sách điện tử. Có 77% người Mỹ ở độ tuổi dưới 29 có đi mua sách trong năm 2018. Quả thật đây đều là những con số có thể xem là “lý tưởng” đối với tình hình đọc sách của người Việt chúng ta hiện nay, cho dù chúng ta chưa có được những con số thống kê cụ thể và chính xác về thói quen đọc sách của người Việt.

Như vậy, trong thực tế chúng ta có thể làm được gì để thúc đẩy thói quen đọc sách của tuổi trẻ hiện nay? Một trong những nỗ lực đáng trân quý nhắm đến mục đích này vừa được thực hiện tại San Jose vào ngày 19 tháng 10 vừa qua: Hội sách “Có Mặt Cho Nhau - Lần 2” - giới thiệu hơn 300 tựa sách của nhiều tác giả khác nhau, với số lượng có thể lên đến gần ngàn quyển.

Liên Phật Hội

Một góc Hội sách “Có Mặt Cho Nhau - Lần 2”

Theo Ban Tổ chức cũng như những người tham dự, Hội sách đã thành công trong nhiều khía cạnh, từ mục tiêu giới thiệu sách đến với độc giả cũng như tạo điều kiện chia sẻ tâm tình giữa các tác giả với độc giả của mình.

Mặc dù số lượng người đến tham gia trực tiếp khá khiêm tốn so với tầm vóc tổ chức, nhưng “Có Mặt Cho Nhau” đã thực sự thành công đúng như tên gọi của sự kiện vì tạo ra được một không khí ấm áp và thân tình trong suốt buổi chiều diễn ra sự kiện. Các diễn giả đều có cơ hội chia sẻ một phần kinh nghiệm và thao thức của mình đến với độc giả, và tất cả người tham gia đều được dành cho cơ hội để trực tiếp nêu câu hỏi với các diễn giả. Ngoài ra, sau khi chọn được những quyển sách vừa ý, người đọc còn có thể xin chữ ký trực tiếp từ các tác giả, và rõ ràng đây là một cơ hội hiếm hoi mà bất cứ người yêu sách nào cũng đều trân quý.

Liên Phật Hội

Độc giả chụp hình lưu niệm với các tác giả cũng là diễn giả trong Hội sách

Nhìn qua danh sách các diễn giả đều là những nhà văn, nhà Phật học, các giáo sư, tiến sĩ đã khá quen thuộc với độc giả qua hàng loạt tác phẩm đã lưu hành như thầy Thích Pháp Cẩn, Giáo sư Trần Kiêm Đoàn, Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, Nhà văn Trần Việt Long, Nhà văn Đào Văn Bình, Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến, Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng v.v...

Ngoài ra còn rất nhiều tác giả gửi sách đến trưng bày giới thiệu tại Hội sách lần này nhưng không trực tiếp đến tham dự được như Nhà văn Nguyễn Duy Nhiên, Nhà thơ Hà Nguyên Du, Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, Hòa thượng Thích Như Điển, Nhà văn Nguyên Giác, Nhà văn Như Hùng, Nhà văn Vĩnh Hảo v.v...

Một số tác giả nổi tiếng từ lâu trong lãnh vực Phật học cũng được giới thiệu trong Hội sách lần này như Thầy Thích Tuệ Sỹ, Thầy Thích Nhất Hạnh, Thầy Thích Từ Lực v.v...

Dẫn chương trình là Giáo Sư Tiến Sĩ Phan Mẫn, một Giáo sư Khoa trưởng Đại học đến từ Sacramento.

Có thể nói, quy mô của Hội sách tuy không lớn lắm nhưng số lượng sách trưng bày và giới thiệu lần này đã khiến người tham dự phải hết sức ngạc nhiên và thích thú. Những giây phút gặp gỡ và trao đổi thân tình giữa các tác giả với độc giả là những giây phút vô cùng đáng nhớ cho cả đôi bên. Sức mạnh kết nối của những câu chữ, ngôn từ dường như được thể hiện một cách vô cùng cụ thể và sinh động khi những độc giả lần đầu tiên trực tiếp gặp mặt tác giả mình yêu thích nhưng đôi bên đều cảm thấy như vô cùng thân quen và gần gũi.

Liên Phật Hội

Xem sách, chọn sách là niềm vui trong hội sách

Đó là nói về những gì đã thực sự diễn ra trong Hội sách “Có Mặt Cho Nhau” tại San Jose vào ngày 19 tháng 10 năm 2019 vừa qua. Vấn đề còn lại là tiếng vang của sự kiện trong lòng độc giả, những người đến tham dự và kể cả những người không có điều kiện đến tham dự. Liệu những ảnh hưởng tích cực của sự kiện này có thể lượng định đến mức nào và chúng ta có thể làm được gì để cải thiện hơn nữa trong những lần tổ chức về sau?

Theo suy nghĩ chủ quan của người viết bài này, đã tham gia hội sách như một tác giả, thì hạn chế lớn nhất của lần tổ chức này là khả năng tiếp cận với độc giả. Như đã nói, số người trực tiếp đến tham dự hội sách là quá khiêm tốn đối với tầm vóc của sự kiện, xét từ góc độ công phu mà Ban Tổ chức đã bỏ ra để chuẩn bị cũng như từ góc độ quy tụ được các tác giả, diễn giả đến tham gia đều là những nhà văn, nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ mà tên tuổi đã được khẳng định qua thời gian với những cống hiến của họ cho văn hóa Phật giáo.

Ba ngày trước khi khai mạc sự kiện này, chúng tôi đã có một buổi hội luận nhỏ gồm anh Trần Việt Long (San Jose), Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Sacramento), anh Phan Trung Kiên (San Diego) và cá nhân tôi ngồi tại Westminster. Chúng tôi đã trao đổi sơ qua một vài vấn đề liên quan đến hội sách nhằm mục đích giới thiệu đến với người xem ở nhiều nơi. Buổi hội luận được phát trực tiếp qua Facebook cũng như được lưu lại trên YouTube và tính đến hôm nay, khi tôi viết bài này, đã có hơn 1.400 lượt xem. Con số người tiếp cận thông tin này lớn hơn rất nhiều chục lần số người trực tiếp đến tham dự Hội sách.

Liên Phật Hội

Các tác giả tham gia Hội luận trước ngày khai mạc

Điều này nói lên một thực tế trong điều kiện hiện nay. Đó là, việc dành thời gian trực tiếp đến tham gia sự kiện thường rất khó khăn đối với nhiều người, ngay cả khi đó là một ngày nghỉ cuối tuần, nhưng việc tiếp cận thông tin qua mạng Internet thì dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị thực tiễn vô cùng quý giá của những giây phút trực tiếp gặp gỡ giữa độc giả và tác giả hoặc giữa các độc giả với nhau, nhưng nếu như song song với sự kiện này chúng ta có thể ghi lại đầy đủ diễn tiến của sự kiện và phát đi trực tiếp qua mạng Internet cũng như lưu giữ lại, thì chắc chắn số lượng người tiếp cận thông tin sẽ tăng lên rất nhiều, qua đó hiệu quả quảng bá cũng như sự thúc đẩy tích cực của sự kiện này chắc chắn càng được nâng cao hơn nữa.

Và cũng từ nhận định trên đã đưa chúng tôi đến suy nghĩ rằng, tại sao chúng ta không thường xuyên tổ chức những buổi trao đổi, hội luận thời lượng ngắn với các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu v.v... để giới thiệu về những quyển sách có giá trị cao, được chọn lọc kỹ? Như trong phần phát biểu của mình tại Hội sách, tôi có nêu rõ nhược điểm lớn nhất hiện nay của truyền thông đại chúng là nó cung cấp cho người đọc một lượng thông tin quá lớn và quá dễ dàng tiếp cận, dẫn đến tính chọn lọc rất thấp và người đọc rất dễ bị mất thời gian vô ích vì những quyển sách kém giá trị. Nếu chúng ta có thể thường xuyên giới thiệu đến người đọc những quyển sách hay theo cách như trên, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy văn hóa đọc. Và đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được với điều kiện kỹ thuật thông tin trong hiện tại, vì các tác giả, diễn giả có thể ngồi tại nhà để tham gia hội luận vào một ngày giờ định trước mà không phải mất thời gian di chuyển.

Nếu thực hiện theo cách này, số lượng người tiếp cận thông tin sẽ được nâng cao và từ đó giúp cho hiệu quả truyền bá được nâng cao. Và hơn thế nữa, trong phương thức này, mỗi người chúng ta đều có thể góp phần tích cực, chẳng hạn như bằng cách chia sẻ đường link các buổi “giới thiệu sách online” này đến với bạn bè của mình trên mạng xã hội. Với sự góp sức của nhiều người, tính lan tỏa của những sự kiện này sẽ càng được nâng cao hơn nữa. Và đây có thể là phương thức khả thi tốt nhất trong hiện tại.

Một khía cạnh thứ hai cần đề cập ở đây là sự nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa đọc. Rất nhiều người hiện nay chưa hiểu hết hoặc chưa trực tiếp trải nghiệm được những khía cạnh tích cực của thói quen đọc sách, do đó mà tự bản thân họ không thường xuyên đọc sách cũng như không quan tâm đúng mức đến việc thúc đẩy, khuyên bảo con em mình đọc sách.

Tuy nhiên, những ai đã tự mình trải nghiệm niềm đam mê đọc sách đều có thể cảm nhận rất rõ ràng sự khác biệt giữa việc đọc một trang sách trên giấy với việc thu thập hàng loạt thông tin trên không gian ảo. Trong khi những thông tin có được từ không gian ảo chỉ nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu một vấn đề nào đó, thì việc đọc một trang sách giấy mang lại nhiều sự thú vị tinh tế mà sách điện tử không bao giờ có được.

Khác biệt thứ nhất là về độ tin cậy. Trong khi những thông tin có được từ không gian ảo không hề có được một sự bảo chứng đáng tin cậy nào, ngay cả tên tác giả cũng có thể thường xuyên bị ghi nhầm, thì một bản in trên sách giấy luôn có độ tin cậy cao hơn và thường tạo được sự quen thuộc cho độc giả ngay từ lúc nhìn vào tên tác giả mà mình yêu thích. Mỗi bản sách in luôn được các tác giả nâng niu trau chuốt từ lúc mới hình thành cho đến lúc lưu hành, trong khi đó có rất nhiều bài viết trên mạng chỉ hình thành qua đêm hoặc thậm chí tức thời, ngẫu hứng, nên không bao giờ có thể là chỗ dựa đáng tin cậy để mở mang tri thức.

Khác biệt thứ hai là sự tương giao sống động giữa người đọc và người viết. Một tác phẩm in ấn khi đến tay người đọc, nếu được chấp nhận thì có thể trở thành cầu nối giữa người đọc với tác giả đó. Người đọc luôn có được cảm giác giao tiếp sống động giữa người với người qua từng câu chữ, hoàn toàn khác với những bản sách điện tử vốn chỉ là những tín hiệu vô hồn. Đặc biệt là khi người đọc có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với tác giả viết sách, thì những quyển sách trong tay họ sẽ không chỉ đơn thuần là quyển sách nữa, mà nó thực sự trở thành một phương tiện tương giao sống động giúp họ cảm thấy gần gũi hơn với những tư tưởng, cảm xúc được tác giả truyền tải trong tác phẩm.

Mối quan hệ tương tác giữa tác giả và độc giả là một điều rất thật mà hầu hết những người viết sách đều đã từng cảm nhận. Trong thực tế, tôi đến San Jose lần này là lần thứ ba và hai lần trước đây là vào năm 2016. Trong cả ba lần ghé lại thành phố này, những người hân hoan chào đón tôi, dành cho tôi những tình cảm thắm thiết cũng như chăm lo việc ăn ở cho tôi chính là những độc giả đã từng đọc sách của tôi. Trước khi được kết nối với nhau qua những quyển sách, chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ, không hề biết đến nhau. Chính những câu chữ, đoạn văn trong sách đã giúp chúng tôi trở thành bạn hữu và dành cho nhau những tình cảm chân thành cũng như sự trân quý lẫn nhau. Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ có được nếu như mọi người chỉ biết đến tôi qua các bài viết trên mạng Internet.

Tất nhiên, còn rất nhiều điểm khác biệt nữa mà chỉ những ai có được thói quen và niềm đam mê đọc sách mới có thể nhận biết hết được. Đáng tiếc thay, thói quen hay niềm đam mê quý giá này lại không phải là điều tự nhiên có được, mà thường phải trải qua sự rèn luyện, hun đúc từ thuở nhỏ. Trong khi đó, hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay đều không quan tâm đúng mức đến việc dạy dỗ, khuyên bảo hay uốn nắn con em mình ngay từ thuở nhỏ để khi lớn lên chúng có được tài sản quý giá này. Chính vì vậy, việc ngày nay chúng ta lên tiếng ca ngợi và cổ xúy văn hóa đọc đã trở thành một nỗ lực khá muộn màng và thường không mấy hiệu quả.

Điều thứ ba tôi muốn nói đến trong bài viết này là đối tượng nhắm đến khác nhau của từng loại sách. Trong một bài viết ngay sau Hội sách này, anh Trần Kiêm Đoàn có ý “trách nhẹ” việc nhiều tác giả chỉ luôn chú ý đến những “thuyết giảng cao vời”, những điều “quá uyên thâm” hoặc “cao xa vời vợi” mà không nghĩ nhiều đến những nhu cầu gần gũi, dễ hiểu hơn của tuổi trẻ. Trong thực tế, Hội sách này có hơn 20 tựa sách của riêng tôi viết cho tuổi trẻ như Thắp ngọn đuốc hồng, Hát lên lời thương yêu, Đừng đánh mất tình yêu, Hoa nhẫn nhục, Những tâm tình cô đơn, San sẻ yêu thương v.v... Nhưng chính tôi khi dạo tìm cũng rất khó khăn mới nhận ra được những quyển sách này, vì chúng nằm lẫn trong nhiều quyển sách khác thuộc trình độ cao như anh Trần Kiêm Đoàn đã nhắc đến. Nên chăng, trong những lần tổ chức về sau, Ban Tổ chức cần có sự sắp xếp phân loại rõ ràng, khu vực nào là sách nghiên cứu, khu vực nào là sách Phật học chuyên sâu, sách Phật học căn bản, và đặc biệt là những sách dành cho tuổi trẻ. Như vậy sẽ dễ dàng hơn cho độc giả trong việc chọn mua sách.

Điều tất nhiên là vẫn còn rất nhiều việc cần làm và chúng ta có thể chung tay cùng làm để hướng đến một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta trong lãnh vực này. Tuy nhiên, một sự kiện như “Có Mặt Cho Nhau” quả thật là rất đáng ngợi khen và khích lệ. Những khuôn mặt trẻ tích cực trong sự kiện này như Bạch Xuân Phẻ, Nguyễn Xuân Hiệp, Phan Mẫn... chắc chắn sẽ là những hạt nhân tốt để tiếp tục quy tụ ngày càng nhiều hơn nữa những tài năng trẻ với thiện chí sẵn sàng đóng góp vì cộng đồng. Và hơn thế nữa, với sự chung tay góp sức của nhiều người, mong rằng trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm nhiều sự kiện như vậy với sự tổ chức hoàn thiện hơn, với quy mô lớn hơn và mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn Ban Tổ chức Hội sách, những người đã âm thầm nỗ lực trong suốt thời gian dài để chuẩn bị cho sự kiện đáng nhớ này. Xin cảm ơn tất cả những độc giả đã đến tham dự cũng như cả những người không đến tham dự được nhưng vẫn luôn dành nhiều tình cảm khích lệ cho những người tổ chức. Và với tất cả sự lạc quan tin tưởng, xin hẹn gặp tất cả mọi người ở “Có Mặt Cho Nhau” lần thứ 3.

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Source: https://www.rongmotamhon.net/xem-sach_Tu-Hoi-sach-San-Jose-_gkgtkdqg_show.html





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2010(Xem: 8698)
Thuở ấy lòng tôi thơ thới quá Hồn thơ nguyên vẹn một trời hương Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại Êm ái trao tôi một vết thương
02/10/2010(Xem: 9505)
Miền Nam quê hương tôi Ruộng lúa phì nhiêu, cò bay thẳng cánh Đò dọc đò ngang, sông nước hữu tình Thuyền nối sóng thuyền, lạch nối bờ kinh Hương thắm tình nồng, thơm thơm bông lúa Tiếng hát câu hò, tin yêu chan chứa
02/10/2010(Xem: 7650)
Trên bãi cỏ ấy, Có ngọn cỏ rất xanh. Đâm vào bàn chân người con gái. Đâm vào bàn chân người con trai. Bốn bàn chân trần truồng, Trên bãi cỏ rất xanh.
01/10/2010(Xem: 12376)
Vâng lời Thầy con đi quét lá Lá vàng rơi lả tả khắp nơi Lá khô rơi như một kiếp con người Giờ phút cuối là về cùng cát bụi
01/10/2010(Xem: 14426)
Có, không chỉ một mà thôi, Tử, sinh đợt sóng chuyển nhồi tạo ra. Trăng nay, trăng cũng đêm qua, Hoa cười năm mới cũng hoa năm rồi. Ba sinh, đuốc trước gió mồi, Tuần hoàn chín cõi, kiến ngồi cối xay. Tới nơi cứu cánh sao đây ? Siêu nhiên tuệ giác, vẹn đầy “Sa ha” (Thích Tâm Châu dịch )
25/09/2010(Xem: 9195)
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên Cây me ríu rít cặp chim chuyền Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá Thu đến nơi nơi động tiếng huyền
20/09/2010(Xem: 8910)
Tôi về Phước Tích đêm nay Hôn trăng gỗ quí nghe đầy tiếng chim
19/09/2010(Xem: 10457)
Gót tu sĩ bốn phương trời rảo bước Cõi Ta bà, đâu chẳng phải nhà ta Một mình đi với bình bát ca sa, Đói xin ăn, dưới gốc cây nằm ngủ Mùi phú quý mặc tình ai hưởng thú, Bả vinh hoa ta nào có xá gì; Chỉ một lòng cho trọn đạo từ bi Diệt phiền não cõi lòng thường thanh tịnh...
19/09/2010(Xem: 9203)
Sàng tiền minh nguyệt quang Nghi thị địa thượng sương Cử đầu vọng minh nguyệt Đê đầu tư cố hương
19/09/2010(Xem: 9375)
Đứng lên đi em, tiếp tục hành trình... đừng quỵ ngã, Dẫu gai đời đâm rướm máu đôi chân. Những con đường em qua, dẫu mịt mù, mịt mù... gió bụi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]