Chùm Tứ cú lục bát về "Hoa & Lá"
QUÊN
Trăm năm ngắn ngủi đời người
Sương rơi đọng lá, lá rơi đọng thềm
Chớp nguồn, mưa tạnh, nắng lên
Nhâm nhi hữu hạn mà quên vô cùng.
REO & RƠI
Nhạc reo từ độ lá vàng
Lá rơi từ độ thu sang mắt buồn
Mắt rơi từ độ sầu buông
Tranh rơi xuống đọng giữa tuồng mưu sinh!
ĐÀN TRĂNG
Đêm nghe nhoi nhói vĩ cầm
Kéo dài nỗi nhớ, níu gần nỗi thương
Dạt dào rung lá rơi sương
Trái tim len lỏi ra vườn ngắm trăng.
QUÁCH TẤN
Đường thi nét bút giai nhân
Trăng ma lầu Việt dấu chân lặng buồn
Bóng ngày qua xứ trầm hương
Lá rơi cùng bước lãng du miệt mài.
TRĂM SẮC BỐN MÙA
Vẽ trăm hình sắc bốn mùa
Hạ lòe hoa phượng, thu lùa lá rơi
Đông tàn ngôn ngữ tả tơi
Suối nguồn xuân ướt cuộc chơi thi đàn.
ĐẮM
Đánh đường say đắm tìm hoa
Bâng khuâng thế thái, xuýt xoa nhân tình
Sương long lanh đọng lá cành
Giữa đêm ngắm nghía rớt thành giọt châu.
KHÔ VÀNG
Gửi em lá bẽ lá bàng
Những mùa thu cũ khô vàng dấu môi
Tắc kè kêu giữa chơi vơi
Nửa đêm thành phố còn tôi ngồi buồn.
LẠC
Lạc chân vào cõi mơ màng
Mới hay lá úa vườn hoang đợi chờ
Lạc từ tập tễnh bơ vơ
Nay về gieo chữ ngồi chờ lá xanh.
GOM MANG
Đỏ tươi rực thắm cánh buồm
Xanh tươi mướt lá cánh rừng ai qua
Sắc màu rạng rỡ ngàn hoa
Gom mang hốt hết về nhà mà chơi!
U HOÀI
Thiên đường khoảng mát trên cao
Chùa xưa gió cuốn xạc xào lá xanh
Đầu non đón bước yên lành
Hồn nhiên tuổi ngọc, cố nhân u hoài.
RƠI
Cuối mùa sương vẫn chưa tan
Bóng người thấp thoáng, hương loang nhạt nhòa
Dưới tàn cây đếm sương sa
Lá xanh chợt thấm mặn mà tình rơi.
ĐỐ
Đố ai quét sạch lá rừng
Rừng đang trụi lủi thì đừng đố ai
Đố ai tuốt sạch lá mai
Mai chưa mọc lá đừng ai vặt giùm.
RỪNG
Ngàn cây thủ thỉ đêm trường
Chồi đâm lá rụng giỡn nguồn suối reo
Nai vàng ngắm ánh trăng treo
Bình yên nghe tiếng gió thều thào thơ.
TRẢI RỘNG
Mắt cay cay những cảnh đời
Ngày trưa say nắng, tối trời đẫm sương
Cửa lòng toang mở xót thương
Tình yêu trải khắp nẻo đường lá xanh!
PHẾ & HƯNG
Bãi hoang, thành phố lạc loài
Tình người bung nở lộc chồi yêu thương
Nụ cười ủ lá đọng sương
Bình minh ngày mới sân vườn tươi hoa.
Tâm Không Vĩnh Hữu