Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quả báo (thơ)

13/06/201506:18(Xem: 9829)
Quả báo (thơ)


Tho cua Thai Ba Tan

QUẢ BÁO

Có nhân thì có quả.
Đó là luật của Trời.
Cũng là luật của Phật,
Ứng nghiệm với mọi người
Một lần, khi giảng pháp,
Với tôn giả, sư thầy,
Phật Thích Ca đã kể
Một câu chuyện thế này.
Có một con bò nọ,
Nhân khi vắng người chăn,
Đã xuống ăn ruộng lúa 
Của một người nông dân.
Ông này rất độc ác,
Tức giận, mắng con bò:
“Tao vất vả, nhịn đói,
Mà mày thì ăn no.
Mày phải trả giá đắt.
Tao sẽ cắt lưỡi mày,
Để mày phải ghi nhớ
Không ăn lúa từ nay!”
Nói đoạn, ông cắt lưỡi 
Con bò này đáng thương.
Nó không hiểu, nghĩ lúa
Là loại cỏ bình thường.
Còn ông nông dân ấy
Sau sinh ba người con,
Tất cả đều khỏe mạnh,
Cả thể xác, tâm hồn.
Có điều cả ba đứa
Không ai hiểu vì sao
Câm, suốt ngày lặng lẽ,
Không nói được tiếng nào.
Các thầy thuốc bất lực.
Ông bố thì buồn lo.
Và rồi ông chợt nhớ
Chuyện xưa cắt lưỡi bò.
Giờ hối thì đã muộn.
Ở lành thì gặp hiền.
Sống ác thì gặp ác.
Mọi cái có nhân duyên.
“Đời là thế, - Phật nói. -
Xưa nay chưa có người
Thoát được luật nhân quả.
Bởi đó là Luật Đời.”

Thái Bá Tân


TRUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ QUÉT RÁC

Thời ấy, ở Xá Vệ
Có một người đàn bà
Làm nghề quét đường phố,
Đất bụi bám đầy da.
Người bà luôn hôi hám,
Mọi người không dám gần,
Thế mà Phật đến gặp,
Nói chuyện như người thân.
Một người ngạc nhiên hỏi:
“Phật luôn dạy xưa nay
Phải cố sống sạch sẽ.
Sao Ngài gần người này?”
Phật đáp: “Sạch hay bẩn
Quan trọng ở tâm hồn.
Bà ấy bẩn vì rác
Khi làm sạch cho con.
Có người bẩn, nhưng sạch.
Trong khi đó nhiều người
Trông thì sạch, nhưng bẩn.
Thường vẫn thế ở đời.”
Thái Bá Tân

TRUYỆN NÀNG LIÊN HOA SẮC
1
Xưa có một cô gái,
Đẹp nết, đẹp cả người,
Thế mà phải nếm cảnh
Trớ trêu của cuộc đời.
Nàng ở thành Vương Xá,
Cùng thời với Thích Ca,
Vốn con nhà tử tế,
Có học và nết na.
Như các cô thời ấy,
Mười sáu tuổi, lấy chồng,
Rồi sinh được bé gái,
Đúng như nàng chờ mong.
Chẳng bao lâu bố chết,
Mẹ còn trẻ và xinh,
Nên thằng chồng đồi bại
Quyến rũ bà, vô tình
Nàng trở thành đầy tớ
Của mẹ và thằng chồng.
Một hôm, quá phẫn uất
Nàng bỏ đi, tay không.
Nàng đến Ba La Nại,
Sống cuộc đời nhỡ nhàng.
Mãi sau, một trưởng giả
Yêu và đã cưới nàng.
Họ sống rất hạnh phúc
Suốt cả chục năm trời.
Một hôm ông trưởng giả
Mang về nhà một người.
Đó là một cô gái
Ông bỏ tiền ra mua
Về nhà làm vợ lẽ.
Xinh đẹp, biết thêu thùa.
Nàng thoạt nhìn, suýt ngất,
Thấy chính là con mình,
Đứa con gái bé nhỏ,
Oan trái một mối tình.
Vậy là đời độc ác,
Giờ lại để chồng sau
Lấy con nàng chồng trước.
Nỗi đau chồng nỗi đau.
Lần nữa nàng lặng lẽ
Bỏ nhà, đi trong đêm.
Trái tim nàng hóa đá,
Trái tim vốn yếu mềm.
Đời với nàng như thế,
Nàng sẽ trả thù đời,
Sẽ trở thành gái điếm,
Thành giang hồ ăn chơi.
Nàng tô son, điểm phấn
Đến thành Tỳ Xá Ly,
Dấn thân vào tội lỗi,
Coi như không chuyện gì.
2
Một tối nọ nàng thấy
Khi đang đứng bên đường,
Một nhà sư to lớn
Có dáng vẻ khác thường.
Nhà sư ấy đi lại,
Ân cần nói với nàng:
“Nhìn qua ta đã biết
Con là người cao sang.
Vậy vì sao nên nỗi,
Con phải làm nghề này?
Phải chăng con uất ức,
Đang hận đời gì đây?”
Lúc ấy nàng không biết
Ông là Mục Kiền Liên,
Đại đệ tử Đức Phật,
Có biệt tài nhìn xuyên.
Lời nói của tôn giả
Thân ái và dịu dàng
Như nước cam lồ mát
Rót qua tâm hồn nàng.
Lập tức nàng trở lại
Cô gái ngoan, nhà giàu
Nhưng gặp nhiều bất hạnh.
Nàng tấm tức hồi lâu,
Rồi nói: “Đời ác độc
Và điên loạn, bạch thầy.
Xô con vào tội lỗi.
Con biết làm gì đây?”
“Hãy làm lại tất cả.
Làm lại từ ban đầu,
Và hãy sống thật tốt,
Vượt lên trên buồn đau.
Người thực sự mạnh mẽ
Là người không hận đời,
Vấp ngã rồi đứng dậy
Để tiếp tục làm người.”
Những lời dạy chí lý
Của sư Mục Kiền Liên
Đã làm nàng chợt tỉnh,
Và nàng đã đứng lên.
Nàng xuất gia, nhập Phật,
Nhờ giúp đỡ của ông,
Chứng quả A La Hán,
Thành Ni chúng thần thông.
Thái Bá Tân
QUẢ BÁO CỦA GÃ ĐỒ TỂ
Có một gã đồ tể
Tục danh là Cun Đà
Sống bằng nghề mổ lợn.
Lò mổ ấy không xa
Nơi Đức Phật đang sống
Trong tịnh xá Trúc Lâm
Cùng các đại đệ tử
Và tỳ kheo nhiều năm.
Hắn mổ lợn bằng cách
Vật con vật xuống nhà,
Dùng gậy đập vào gáy
Rồi banh miệng nó ra
Rót nước sôi vào họng,
Rồi lấy lửa thui lông,
Rồi dùng dao mổ bụng,
Rồi móc lấy bộ lòng.
Nói chung, thật khủng khiếp.
Suốt ngày tiếng lợn kêu
Từ cái lò mổ ấy,
Hết sáng lại đến chiều.
Một hôm gã đồ tể,
Đổ bệnh, kêu váng nhà.
Kêu eng éc như lợn,
Bò vào lại bò ra.
Suốt bảy ngày liên tục
Bò như lợn, tồng ngồng,
Kêu như bị chọc tiết,
Như đốt lửa thui lông.
Người nhà phải nhốt hắn
Như nhốt lợn trong chuồng.
Lấy giẻ nhét vào miệng,
Hắn dãy dụa điên cuồng.
Một tỳ kheo bảo Phật:
“Nhà Cun Đà dạo này
Bỗng dưng giết nhiều lợn,
Liên tục suốt bảy ngày.”
Phật đáp: “Gã sắp chết,
Hiện đang chịu cực hình
Vì phải gánh quả báo
Về việc làm của mình.”
Thái Bá Tân
THẦN GIÀU CÓ VÀ THẦN NGHÈO ĐÓI
Một người phụ nữ đẹp,
Mặc chiếc áo lụa dài
Bước vào một nhà nọ.
Chủ hỏi: “Bà là ai?”
“Ta là Thần Giàu Có!”
“Xin mời, xin mời bà, -
Ông chủ vui mừng nói. -
Mời bà vào trong nhà!”
Lát sau, một người khác
Cũng vào nhà ông này.
Rách rưới và đói khát
Như một mụ ăn mày.
“Bà là ai?” ông hỏi.
“Thần Đói Nghèo là ta.”
“Bà không được chào đón.
Xin mời bà đi ra!”
Nữ thần kia rách rưới
Đã đáp lại thế này:
“Đói nghèo và giàu có
Luôn là bạn xưa nay.
Ông không muốn Nghèo Đói
Thì tôi ra khỏi nhà.”
Lát sau ông chủ thấy
Giàu Có cũng đi ra.
Phật dạy Sống và Chết
Luôn đi liền với nhau.
Cũng vậy Tốt và Xấu,
Cũng vậy Nghèo và Giàu.
Chỉ những người thông tuệ
Mới chấp nhận cả hai.
Sống vô lo, bình thản
Vượt nỗi khổ trần ai.
Thái Bá Tân
TRUYỆN CẬU BÉ MÙ VÀ CHIẾC ĐÈN ĐÃ TẮT
Đức Phật kể câu chuyện
Về cậu bé đáng thương
Không may mù hai mắt,
Phải chống gậy dò đường.
Một đêm, đến nhà nọ,
Chủ nhà, vốn rất hiền,
Lúc quay về, cẩn thận,
Đưa cho cậu chiếc đèn.
“Dạ thưa, cháu mù mắt,
Thì cần đèn làm gì?”
“Để người ta thấy cháu
Liệu đường mà tránh đi!”
Vậy là trong bóng tối,
Cậu cầm đèn ra về.
Thế mà có ai đó,
Vấp cậu ngã, ẩm ê.
Cậu kêu lên: “Thật lạ,
Tôi cầm đèn cơ mà.”
Người ấy đáp: “Đèn cậu
Tắt từ lâu, xê ra!”
Đức Phật rất thâm ý
Khi kể câu chuyện trên.
Có đèn là quan trọng.
Quan trọng hơn - ánh đèn!
Thái Bá Tân
TRUYỆN THÁI TỬ TU ĐẠI NOA
1
Xưa, ở một nước nọ,
Có tên là Diệp Ba.
Vua là ông vua tốt,
Nước giàu, rộng bao la.
Vợ thì nhiều vô kể,
Con chỉ một, buồn sao.
Khỏi nói ông vua ấy
Yêu Thái tử thế nào.
Cũng khỏi nói cả việc
Chàng xinh đẹp, tài ba.
Sau cái tên Thái Tử,
Chàng là Tu Đại Noa.
Thật may, dù con một,
Nhưng Thái Tử không hư.
Ngược lại, chàng rất tốt,
Lại cực kỳ nhân từ.
Năm tròn mười sáu tuổi,
Vua lấy vợ cho chàng -
Lại khỏi nói xinh đẹp,
Thông minh và dịu dàng.
Thái Tử có tính lạ:
Cái gì cũng muốn cho.
Một hôm chàng xin phép
Đức vua mở các kho
Để chàng ban bố thí
Cho tất cả mọi người.
Thế mà vua đồng ý,
Môt ông vua lạ đời.
Lập tức, người trong nước,
Thậm chí cả nước ngoài,
Kéo đến xin phát chẩn.
Chàng không bỏ sót ai.
2
Ai xin gì cho nấy.
Không ai về tay không.
Tiếng tăm càng vang dội,
Người kéo đến càng đông.
Hay tin, nước bên cạnh,
Thù địch với nước chàng,
Với ý định đen tối,
Liền cử tám người sang.
Nước Diệp Ba hùng mạnh
Là nhờ đoàn tượng binh,
Nhất là con voi trắng,
Từng làm giặc thất kinh.
Biết Thái Tử đã hứa
Ai xin gì, cho ngay,
Mà hứa trước thần, Phật,
Nên chúng sang lần này
Để xin con voi ấy,
Được xem quí hơn vàng.
Thế mà chàng cho chúng,
Kẻ thù của nước chàng.
Làm từ thiện là tốt.
Đem của mình cho người
Cũng là điều không xấu,
Nhưng tùy cái, tùy người.
Cho mất con voi trắng,
Nước Diệp Ba từ nay
Không còn ai bảo vệ.
Rất nghiêm trọng điều này.
Vua biết tin, tức giận,
Cho gọi Thái Tử vào.
Gọi các quan cùng đến.
Việc này xử thế nào?
Về lý - đáng xử trảm.
Về tình - tính sao đây?
Cuối cùng vua quyết định
Chàng phải bị đi đày.
Đày ở núi Đàn Đặc,
Đúng mười hai năm trời.
Đó là nơi hẻo lánh,
Hoàn toàn không có người.
Chàng chỉ xin ở lại
Bảy ngày trong kinh thành
Để phân phát cho hết
Số tài sản của mình.
3
Thế là đi Đàn Đặc
Cùng vợ là Mạn Trà
Cùng hai con còn nhỏ
Và một con ngựa già.
Ngày hôm sau, thật tiếc,
Có một bác nông dân,
Buột mồm khen ngựa đẹp
Và là cái bác cần.
Thái Tử không do dự,
Liền tháo ngựa cho ngay.
Rồi chàng thế chỗ nó,
Kéo xe đi suốt ngày.
Đi thêm một ngày nữa,
Có người xin cái xe.
Chàng cũng đem cho nốt.
Cuối cùng, giữa trời hè
Cả nhà phải đi bộ.
Công chúa bế con em
Thái Tử cõng thằng lớn.
Dân làng kéo đến xem.
Thấy họ nhếch nhác quá,
Chàng cho mấy món đồ.
Áo quần con đang mặc,
Xin chàng, chàng cũng cho.
Có người cười, thầm nghĩ:
Anh chàng này chắc điên.
Không, chàng rất tỉnh táo.
Đó chỉ là tiền duyên.
Kiếp trước chàng vơ vét,
Giành giật hết của người.
Kiếp này chàng hối cải,
Mà trả lại cho đời.
Sau mấy tháng đi bộ,
Hết giãi nắng dầm mưa,
Họ đến được Đàn Đặc,
Đang hè, đúng giữa trưa.
Họ ngạc nhiên khi thấy
Họ vừa đi đến đâu
Là cây mọc đến đấy
Che bóng mát trên đầu.
Thú rừng thì vội vã
Mang cho họ trái cây,
Đứng xung quanh túc trực,
Chờ hầu hạ suốt ngày.
Số là Phật trước đó
Đã thấu hiểu lòng chàng,
Nên sai chúng giúp đỡ
Giữa chốn này hồng hoang.
Hai vợ chồng từ đấy
Vui cuộc sống điền viên
Giữa núi rừng hoang vắng,
Tụng kinh và định thiền.
Một ngày nọ, bất chợt
Có vị Bà La Môn
Tìm đến chơi, trò chuyện,
Xin chàng hai đứa con.
Dẫu lòng đau như cắt,
Chàng đem con cho ông.
Nàng Mạn Trà lúc ấy
Đang bận tắm dưới sông.
Lúc về thì con mất,
Chỉ biết khóc, vì nàng
Trước đây đã trót hứa
Không bao giờ cản chàng.
Một lúc sau lại thấy
Có một người vào nhà.
Sau một lúc trò chuyện,
Ông xin nàng Mạn Đà.
Chàng cúi đầu im lặng,
Rồi nói: “Vâng, xin mời.
Tôi chỉ dám từ chối
Cho bố và mẹ tôi.”
Khi chàng đứng dậy tiễn
Ông khách và vợ mình,
Thì bỗng trời nổi gió:
Đức Phật hiện nguyên hình.
Cùng Ngài là người vợ
Và hai con của chàng.
Cả nhà lại đoàn tụ,
Ôm nhau khóc, ngỡ ngàng.
Đức Phật nói: “Rốt cục,
Con không phụ lòng ta.
Các thử thách đã hết.
Hãy chuẩn bị về nhà.”
Ngày hôm sau chợt thấy
Có xe đến đón chàng.
Về đến nơi, lập tức
Chàng từ chối ngai vàng.
Sau khi phân phát hết,
Chẳng còn gì để cho,
Chàng qui y, tu Phật
Trong hang đá ven hồ.
Thái Bá Tân
ĐỐI THỦ LỚN NHẤT
1
Xưa có anh chàng nọ
Được trời ban nhiều tài.
Rất thông minh, mẫn tiệp,
Khỏe mạnh và đẹp trai.
Ấy là chưa nói chuyện
Anh học gì cũng nhanh.
Chỉ một thời gian ngắn
Đã hơn hẳn thầy mình.
Rốt cục, tuy còn trẻ,
Văn võ đã toàn tài.
Không môn gì không giỏi,
Chưa bao giờ thua ai.
Chẳng còn gì để học.
Anh ta thôi tìm thầy
Mà đi tìm đối thủ,
Tìm khắp hết đó đây.
Vậy mà tìm chẳng thấy.
Quả người giỏi không nhiều.
Nghĩ mình tài giỏi nhất,
Anh ta bắt đầu kiêu.
Một hôm, giữa đồng vắng,
Anh gặp một ông già
Tay ôm bát khất thực,
Người mặc áo cà-sa.
Thấy ông cụ đạo mạo,
Anh hỏi cụ là ai?
Ông cụ đáp là Phật.
“Là Đức Phật Như Lai?”
Đức Phật đáp: “Đúng thế.”
“Nghe nói Phật thần thông,
Tôi tìm người thách đấu.
Phật có nhận lời không?”
“Bây giờ ta đang bận
Chiến đấu với chính mình.
Đối thủ đang gờm nhất
Chính là bản thân anh.
Khi nào thắng được nó,
Anh hãy đến tìm ta.”
Nói đoạn, Phật đi tiếp.
Biến mất giữa nắng tà.
Anh chàng vô địch ấy
Đứng nhìn theo hồi lâu.
Lời nói của Đức Phật
Âm vang mãi trong đầu.
Đối thủ đang gờm nhất
Chính là bản thân ta.
Bao năm tìm đối thủ,
Thế mà tìm không ra.
Nó là lòng tự phụ,
Mình tưởng mình nhất đời,
Và bao thói xấu khác
Thuộc bản năng con người.
2
Anh chàng này nghe nói,
Sau xuống tóc xuất gia,
Sống trong chùa lặng lẽ
Cho đến tận tuổi già.
Một lần có người hỏi:
“Tài nghệ ông rất cao,
Mà sao tôi không thấy
Ông thi đấu lần nào?”
Ông đáp: “Tôi đang bận
Thi đấu với chính mình.
Hy vọng tôi sẽ thắng
Để được hưởng yên bình.”
Thái Bá Tân
TRUYỆN CHÀNG ĐĂNG CHỈ
1
Ngày xưa ở Vương Xá
Có gia đình phú ông,
Rất giàu, gì cũng có,
Nhưng con cái lại không.
Cuối cùng cầu tự mãi,
Họ sinh đứa con trai,
Bình thường, nhưng thật lạ,
Các ngón tay rất dài.
Hơn thế, các ngón ấy
Tỏa sáng như ban ngày,
Vì thế gọi Đăng Chỉ,
Tức “Ngọn đèn trên tay”.
Tướng mạo cậu rất đẹp.
Các thầy tướng nhiều lần
Khẳng định cậu chắc chắn
Sẽ trở thành thánh nhân.
Phú ông nghe, thích lắm,
Mở lễ trai bảy ngày,
Bố thí khắp thiên hạ,
Mong hưởng ân sau này.
Năm tròn hai mươi tuổi,
Chàng lấy vợ, một nàng
Vừa môn đăng hộ đối,
Lại xinh đẹp, dịu dàng.
Cậy bố mẹ giàu có,
Chàng sống thật vô lo,
Tiêu tiền hơn cỏ rác,
Bày vẻ đủ các trò.
Nhưng khi bố mẹ mất,
Do trước không học hành,
Không biết quản gia sản,
Nên tiền bạc hao nhanh.
Lại thêm bọn ăn bám,
Cả trong lẫn ngoài nhà,
Cùng hăng hái vơ vét
Tài sản của ông cha,
Nên một hôm, dễ hiểu,
Chàng thấy mình trắng tay.
Vợ bỏ về đằng ngoại,
Nhà rác rưởi vứt đầy.
Bọn đầy tớ trốn hết.
Bè bạn và người thân
Tự nhiên biến đâu mất
Đúng lúc chàng rất cần.
Thế mà mấy tháng trước,
Ấy là khi còn tiền,
Chúng bám như đỉa đói,
Ai cũng muốn làm quen.
2
Ngày nào còn công tử,
Con phú ông cực giàu,
Thế mà giờ nghèo đói,
Không cả mũ trên đầu.
Các ngón tay, thật lạ,
Trở lại như bình thường.
Chúng không hề tỏa sáng,
Lại còn gầy trơ xương.
Thế là chàng Đăng Chỉ
Vác bị đi ăn mày.
Nhưng ăn mày cũng khó,
Nên cuối cùng, một ngày,
Chàng phải làm cái việc
Mà mọi ngưới tránh xa,
Là vác tử thi mướn.
Thật ê chề, xót xa.
Lần nọ, chàng phải vác
Xác chết ra nghĩa trang.
Đến nơi, cái xác ấy
Không chịu buông cổ chàng.
Chàng gỡ mấy cũng chịu.
Nó cứ bám không tha.
Không còn cách nào khác,
Chàng phải cõng về nhà.
Vừa tới cửa, lập tức
Cái xác rời khỏi chàng.
Chàng cúi nhìn, chợt thấy
Tay nó cầm cục vàng.
Chàng lấy cục vàng ấy,
Thì lập tức, trong tay
Lại có thêm cục khác.
Cứ thế, đúng nửa ngày,
Chàng có cả một đống
Những cục vàng rất to.
Cuối cùng, chàng ngồi thở,
Cả vừa mừng, vừa lo.
Tất nhiên mừng là chính.
Chàng đem số tiền này
Xây lại nhà tráng lệ,
Giàu hơn cả trước đây.
Có tiền rồi, lập tức,
Mọi người đến rất đông.
Cả người thân bè bạn,
Cả cô vợ bỏ chồng.
Cuộc đời là thế đấy,
Chàng lắc đầu xót xa.
Không một chút do dự,
Chàng đuổi hết khỏi nhà.
Có bao nhiêu tiền bạc
Chàng cho hết người nghèo,
Mở lễ trai, cúng Phật,
Nuôi hàng nghìn tỳ kheo.
Chàng đã ngộ ngũ dục,
Ngộ cả Tham, Sân, Si,
Chẳng bao lâu xuống tóc
Nhập thiền rồi qui y.
Chàng tu luyện chăm chỉ,
Với trí tuệ hơn người.
Chứng quả A La Hán,
Nguyện ra tay giúp đời.
Các ngón tay lần nữa
Phát sáng như ban ngày.
Chàng lại thành Đăng Chỉ,
Với “Ngọn đèn trên tay”.
3
Thấy cuộc đời Đăng Chỉ
Rất kỳ lạ, người ta
Không ít lần tìm đến
Hỏi Đức Phật Thich Ca.
Ngài nói: Bố Đăng Chỉ
Kiếp trước giàu như vua.
Cậu rất hay đi lễ.
Nhà lại cạnh ngôi chùa.
Một hôm thấy tượng Phật
Có ngón tay gãy ngang,
Cậu liền thay ngón khác
Được đúc toàn bằng vàng.
Vì thế ngón tay cậu
Khi được sinh kiếp này
Phát ra những tia sáng
Rực rỡ như ban ngày.
Có người hỏi sao cậu
Phải khổ một thời gian.
Phật đáp lúc còn nhỏ
Cậu làm việc quấy càn.
Số là một lần nọ
Cậu chơi khuya, về nhà,
Sốt ruột chờ cửa mở,
Cậu nói hỗn với cha.
Nói hỗn với cha mẹ
Là cái ác nhất đời.
Gieo ác phải gặt ác.
Đó là luật làm người.
Thái Bá Tân
NÓI NHIỀU CÓ HẠI
Lúc ấy ở Xá Vệ,
Trong vườn Cô Độc Kỳ,
Đức Phật đang trò chuyện
Cùng tăng sư, tăng ni.
Có nhà sư vừa chết,
Mới làm lễ hỏa thiêu.
Phật nói: Ông ấy chết
Một phần do nói nhiều.
Các kiếp trước cũng vậy,
Ông phải chết nhiều lần
Cũng vì cái tật nói
Quá nhiều và không cần.
Rồi Ngài kể câu chuyện
Tiền kiếp của sư này.
Không phải không có ý
Nhắc nhở sư ngày nay.
*
Nghìn vạn kiếp về trước,
Khi Phạm Ma Đạt Đa
Làm vua Ba La Nại,
Đất nước rộng bao la,
Có một vị Bồ Tát
Giáng sinh thành con trai
Một đại thần thế lực
Trong vương quốc của ngài.
Đứa bé ấy khôn lớn,
Khỏe mạnh và thông minh,
Được phong làm tể tướng,
Đứng đầu trong triều đinh.
Vua cai trị lúc ấy
Dẫu uyên bác, hiền tài,
Nhưng mắc bệnh thích nói.
Nói không nhường phần ai.
Vua là tấm gương sáng
Để muôn dân trông vào.
Tể tướng muốn can gián
Mà chưa biết cách nào.
Thời ấy, trên đỉnh núi
Dãy Hy Ma Lay A
Có một chiếc hồ nhỏ
Và một con rùa già.
Một đôi vịt trời nọ
Đến hồ tìm thức ăn
Gặp rùa, thành quen biết,
Rồi nhanh chóng thành thân.
Một hôm, hai bạn vịt
Rủ rùa đến nhà chơi.
Ở một ngọn núi khác,
Cao lưng chừng giữa trời.
Rùa đáp: “Tôi muốn lắm,
Chỉ tiếc không biết bay.”
“Không lo, đã có cách.
Bác sẽ bay thế này…”
Chúng lấy một đoạn sậy,
Hai con giữ hai đầu.
Con rùa ngậm ở giữa,
Rồi cùng bay với nhau.
“Bác phải giữ im lặng,
Không được nói lời nào!”
Vịt dặn đi dặn lại.
Thế mà rồi lên cao,
Khi bay qua cung điện
Vua Phạm Ma Đạt Đa,
Con rùa không kìm được,
Kêu: “Đẹp quá, ái chà!...”
Lập tức nó rơi xuống.
Thật tội nghiệp con rùa.
Thân vỡ thành nhiều mảnh
Ngay trong sân cung vua.
Vua lấy thế làm lạ.
Lập tức cho mời ngay
Quan tể tướng Bồ Tát
Đến giải thích chuyện này.
Tể tướng nhân dịp ấy
Quyết định can nhà vua
Về cái tật hay nói,
Qua chuyện của con rùa.
Giải thích xong, tể tướng
Liền nói thêm: “Thưa ngài,
Nói thừa, không cần thiết
Là tai họa lâu dài.”
Vua hiểu, và từ đó
Bỏ được thói lắm lời.
Thậm chí rất ít nói,
Chỉ thỉnh thoảng mỉm cười.
*
Con rùa là một kiếp
Của Cổ Cát Ly Ca,
Một vị sư đáng kính
Vừa mới chết hôm qua.
Thái Bá Tân
BÁN MÌNH CÚNG SƯ
1
Xưa có một người nọ,
Tên là Kệ Di La,
Sống cực kỳ nghèo khổ
Với bà vợ đã già.
Không đủ ăn, đủ mặc,
Người chẳng ra hình người,
Nhìn thiên hạ no đủ,
Họ chỉ biết than trời.
Bà vợ nói: “Không lẽ
Do các kiếp trước đây
Ta tham lam, keo kiệt
Nên bây giờ thế này?”
Và rồi họ nghĩ bụng,
Để kiếp sau không nghèo,
Bây giờ phải cũng Phật,
Bố thí cho tỳ kheo.
Khốn nỗi, ăn chẳng có,
Muốn cho, biết lấy đâu?
Cuối cùng họ quyết định
Bán mình cho nhà giàu.
Cả hai làm đầy tớ
Cho một nhà phú thương.
Số tiền họ kiếm được
Lập hội trai cúng dường.
Hội trai rất hào phóng,
Kéo dài những bảy ngày.
Họ hy vọng số phận
Sẽ đổi thay sau này.
Ni sư và dân chúng
Đến ăn đông và lâu.
Mọi việc rất tốt đẹp
Trong suốt sáu ngày đầu.
Bước sang ngày thứ bảy,
Thì Đức vua cúng chùa.
Mà theo lệnh, tất cả
Phải nhường chỗ cho vua.
Nhưng còn một ngày nữa
Lễ trai họ mới xong.
Bỏ giở là hỏng hết.
Kệ Di La quyết không.
Vua ngạc nhiên khi thấy
Có kẻ trái ý mình.
Bèn cho bắt đến hỏi.
Ông kể hết sự tình.
Vua nghe, rất xúc động
Chuyện hai vợ chồng nghèo
Bán mình làm người ở,
Lấy tiền cúng tỳ kheo.
Vốn là người hào phóng,
Ngài ban tặng hai người
Nhiều đất đai, tiền bạc.
Nhờ thế, họ đổi đời.
Thái Bá Tân
ĐỨC PHẬT VÀ CON CHÓ
Một sáng nọ, nắng đẹp.
Đầu tỏa ánh hào quang,
Đức Phật khoan thai bước,
Mặc áo cà-sa vàng.
Ngài sống bằng khất thực,
Giờ đến nhà Đế Đô,
Người giàu sang bậc nhất,
Nhưng mắc bệnh ky bo.
Ông chủ hiện đi vắng.
Có con chó giữ nhà.
Nó nhe nanh giận dữ
Rồi sồng sộc lao ra.
Đức Phật giơ tay cản.
Nó phủ phục dưới chân.
Ngài xoa xoa đầu nó
Rồi cất tiếng ân cần:
“Thôi đi bà, bình tĩnh.
Trước cướp của người ta
Như thế đã quá lắm,
Giờ còn sủa váng nhà.
Ít ra cũng tích đức
Cho ông con bây giờ.
Bà hãy giúp ông ấy
Tránh được cái đang chờ.”
Con chó nghe, gục mặt.
Đức Phật lại ra đi.
Nó nhìn theo, thểu não,
Nhìn mà chẳng thấy gì.
Từ đấy nó khác hẳn.
Bỏ ăn, nằm co ro.
Chủ nó và con nó,
Tức là lão Đế Đô
Hỏi, mới biết vì Phật,
Liền chạy đến tìm Ngài,
Buông cả lời thóa mạ,
Nhưng Phật bỏ ngoài tai.
Khi được Ngài cho biết
Con chó là mẹ mình,
Lão không tin, giận dữ
Bắt Ngài phải chứng minh.
“Vậy thì về đào xới
Chỗ con chó thường nằm.
Có một hòm châu báu
Nó giữ suốt nhiều năm.
Mẹ ngươi đã chôn nó,
Nhưng không kịp mang đi.
Hãy đào lên mà lấy,
Còn đứng đây làm gì!”
Đế Đô về, quả thật,
Tìm được rất nhiều vàng.
Thế mà lão lại khóc,
Ôm chó khóc muộn màng.
Giờ thì lão đã hiểu
Quả báo và luật đời.
Đức Phật bèn khuyên lão
Hãy bố thí giúp người.
Đúng khi lão phát hết
Gia tài lão khổng lồ,
Con chó bỗng nhiên chết,
Chỉ còn lại dúm tro.
Thái Bá Tân

KHÚC GỖ VÀ CON RÙA MÙ
1
Xưa có một người nọ,
Gặp chuyện buồn trong lòng,
Bực mình, vứt khúc gỗ
Xuống biển sóng mênh mông.
Khúc gỗ ấy khá lớn,
Có một lỗ hổng to.
Nước và cá có thể
Chui qua rất tự do.
Mà biển thì nhiều gió.
Lúc từ Đông sang Tây,
Lúc thì Nam sang Bắc,
Lúc ngược lại suốt ngày.
Thành ra, tội khúc gỗ,
Không lúc nào được yên.
Luôn nay đây mai đó
Giữa biển cả vô biên.
Có con rùa trong biển.
Nó mù, một trăm năm
Mới ngoi lên mặt nước
Một lần, lúc trăng rằm…
Phật đang kể câu chuyện,
Nổi tiếng và rất hay,
Chắc nhiều người đã biết.
Rồi Phật hỏi thế này:
Vậy bao lâu có thể
Ngẫu nhiên con rùa già
Gặp được khúc gỗ ấy,
Thấy lỗ rồi chui qua?
Chắc phải lâu, lâu lắm.
Có thể chẳng bao giờ.
Phật nói: “Người cũng vậy,
Khi rơi xuống bùn nhơ
Thì trở lại chính đại
Sẽ vô cùng khó khăn,
Hệt như con rùa ấy
Một trăm năm một lần
Mới ngoi lên mặt biển,
Ngẫu nhiên gặp khúc cây
Rồi chui qua cái lỗ,
Thì quả khó lắm thay.
Ấy là nói người ấy
Không chịu khó chân tu,
Cam tâm sống dưới đáy
Hệt như con rùa mù.
Thái Bá Tân

Thai Ba Tan2
NGHIÊM TÚC!
Thầy nghĩ mỗi gia đình Việt Nam nên có một cuốn THƠ PHẬT trong nhà để các thế hệ cùng đọc. Nó giúp hiêu biết, hướng thiện và tâm lành.
Đây là tác phẩm quan trọng và lớn nhất trong chương trình PHÁP THÍ của thầy, tức là góp phần đưa ánh sáng Chánh Pháp Phật đến với moi người, giúp mọi người sống thiện và tâm an lạc.
Bác nào không muốn mua thì mời vào THAIBATANEBOOK tải về mà đọc. Kiểu gì cung được, miễn là đọc và theo đó mà tu tập bản thân mình.
Thầy đang tạo duyên lành để mọi người đến được với Phât và Chánh Pháp của Ngài.
A Di Dà Phật!
PS
Nhiều bác hời hợt và lười suy nghĩ lắm, Cứ cố tìm hạnh phúc đâu đâu mà không biết ở ngay trong Chánh Pháp Phật và trong TÂM của mình Thật tiếc. Hãy dừng lại mấy phút suy nghĩ về điều này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/07/2011(Xem: 9366)
Đất ơi, ngươi xinh đẹp biết bao, và siêu phàm biết mấy! Hoàn hảo biết bao khi ngươi vâng lời ánh sáng...
03/07/2011(Xem: 13349)
Một ngày rồi ta, trả Hơi về Gió Một ngày rồi ta, trả Thân về Đất Một ngày rồi ta, trả từng hạt Nước Cho những dòng Sông.
03/07/2011(Xem: 10597)
Trăm năm mặc chuyện có, không; trên đầu chữ Phật trong lòng chữ tâm; Gương huyền chiếu giữa tòng lâm...
27/06/2011(Xem: 8540)
Mỗi năm cứ độ thu về, tiếng chuông buồn da diết, trên cành cây khô trụi lá, ve sầu rỉ rả giọng ai oán thê lương như đa mang, như chất chứa nỗi niềm trong cô tịch...
25/06/2011(Xem: 7639)
Ai đem nước đổ ra sông Để cho con nước bềnh bồng trôi đi Nước kia có tội tình gì Đừng buôn đừng bán đừng vì lợi danh
25/06/2011(Xem: 7546)
Xin ngắt một cành hoa Dâng lên công đức Mẹ Xin ngắt một cành hoa Dâng lên công đức Cha Nhớ thương cửa cửa nhà nhà
20/06/2011(Xem: 25700)
Tôi sưu tập những vần thơ hiếu hạnh Nguyện mọi người đừng làm Mẹ khổ đau. Minh Chiếu
19/06/2011(Xem: 6734)
Đi ở, hồn nhiên giữa cõi người Mỗi ngày hương sắc mỗi hoa tươi Tỏa – cho ngây ngất trời phương viễn Ủ - để mơn man đất ngạch trường...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]