• Trần Đan Hà
Hạ tuần tháng mười vừa qua, HT Thích Như Điển Phương trượng chùa Viên Giác về hướng dẫn khóa tu Bát Quan Trai Giới tại tỉnh Reutlingen. Nhân dịp nầy, Thầy mang quà tặng về cho Phật tử địa phương, đó là tác phẩm thứ 63 của thầy với tựa đề: “Hiện Tượng của Tử Sinh”. Đồng thời thêm một quà tặng của Bào huynh thầy: Thi phẩm “Hạt Cát Mịn” của Sông Thu (Bút danh của HT Thích Bảo Lạc).
Chúng con xin cung kính đảnh lễ và cảm niệm Công đức của nhị vị Ân Sư. Cũng như xin trân trọng những tấm lòng từ bi đối với tha nhân qua những lời nguyện ước. Như người làm từ thiện chỉ biết cho, với cái tâm mong cầu mọi người đón nhận sự hỷ lạc:
“Nếu có được niềm hỷ lạc nào sau khi quý độc giả xếp tập thơ lại; đó là món quà tinh thần cao đẹp mà quý vị dành tặng tác giả. Kính nguyện tất cả chúng ta sống an lạc hạnh phúc trong tin yêu và xây dựng một đời sống tốt đẹp giải thoát. (trích Lời mở đầu).
Thông điệp nầy chẳng những ví như tấm lòng của các vị Bồ tát luôn nghĩ đến tha nhân và cầu mong cho vạn loại chúng sinh được sở cầu như nguyện. Đồng thời còn đi tìm mọi pháp nuôi dưỡng và chuyển hóa tự thân và tha nhân trong tình thương yêu đồng đạo. Thế nên con xin mạo muội ghi lại những cảm nghĩ sau khi đọc xong thi phẩm; cũng như những đồng cảm của mình và trân trọng xin giới thiệu đến độc giả khắp nơi.
***
Theo thiển nghĩ, Thi phẩm “Hạt Cát Mịn” như bản tóm lược, hay nói khác thì đây là công trình “Thi Hóa Duy Thức Học” để làm tài liệu tu học. Một môn học quan trọng bậc nhất đối với người học Phật. (Ngày xưa Thầy Tuệ Không đã thi hóa Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Cú thành Kinh Hiền và Kinh Ngọc. Đến bây giờ là Thầy Bảo Lạc, với môn Duy Thức). Một việc làm hết sức khó khăn mà tác giả vẫn kiên trì thực hiện. Có lẽ nhờ vào những trợ duyên như đã ghi lại trong “Lời mở đầu”: Khung cảnh hùng vỹ của núi đồi Blue Mountain, nơi có ngôi già lam Đa Bảo cùng với sự đóng góp công quả của những Phật tử địa phương. Như bìa sách do Thầy Nguyên Tạng và họa sĩ Quảng Pháp Tấn - Ngọc Minh trình bày. Cùng các PT. Tâm Quảng, Chúc Ý, Văn Tính, Châu Ngọc góp phần in ấn.
“Hạt Cát Mịn” có thể ví như hóa thân của các tư tưởng lớn trên thế giới, được phân tích từ Thân và Tâm của con người qua những phạm trù như Lý trí và Tình cảm. Đây là những lãnh vực hết sức phức tạp không thể nghĩ bàn. Nhưng chỉ được rút gọn lại trong thể loại thơ Lục Bát của Việt Nam. Cho nên không thể tránh khỏi những “nghịch cảnh và chướng duyên”. Trước tiên là phạm trù ngôn ngữ: “Thơ Lục bát là loại thơ mềm mại uyển chuyển, nên cần nhiều từ vận Bằng. Thế nhưng trong Ngôn ngữ học của các đề tài như Phân Tâm Học, Duy Thức Học bao gồm rất nhiều từ vần Trắc như: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ, Vô tưởng định, Diệt tận định, hòa hợp tánh, Bất hòa hợp tánh, Tưởng thọ diệt, Bất động diệt, Vô thường Vô ngã…Thứ hai, đã gọi là Luận thì không thể bỏ ý thêm lời, điều nầy lại trái ngược với việc làm thơ. Thế nhưng tác giả đã vượt thắng mọi chướng duyên để thực hiện được thi phẩm nầy. Có lẽ tác giả là một tu sĩ với bản nguyện là “Hoằng Pháp độ sanh” chỉ xem tất cả là phương tiện (đã gọi là phương tiện thì khi đạt đến cứu cánh rồi, thì phương tiện ấy cũng vứt bỏ). Thế cho nên mỗi câu thơ như một bài pháp để hướng dẫn việc tìm ra nguyên nhân căn bệnh để đối trị. Khi đã tìm ra nguyên nhân, thì cần phải luận bàn về công việc tương tác, tương tức với ngoại cảnh, để sống hòa cùng thiên nhiên vạn vật. Như đi tìm chiếc chìa khóa mở cánh cửa để bước vào cảnh giới hạnh phúc an lạc. Đó là mục đích của người tu học theo Phật giáo. Ví dụ như tìm hiểu về “Tâm Hành” để dẫn dắt con người đì về hướng chân thiện mỹ. Hay là thực tập những pháp môn để đưa tâm về với thế giới bình an. Vì cổ đức có nói “Tâm bình thì thế giới bình”.
Nên tác giả đã không ngại khó, không sợ chướng duyên mà ra tay nghĩa hiệp. Nhờ vào thắng duyên như có nơi chốn tịnh lạc để tĩnh tu với khung cảnh: “Sáng nghe chim ca hót. Quen thuộc tiếng gọi mời. Vừng hồng vừa lộ hiện. Ngày mới rộn tinh khôi” (Ngày tinh khôi). Phong cảnh hữu tình đối với những tâm hồn thoát tục. Như cuộc sống của những đạo sĩ chọn nơi chốn thuận tiện để an thân lập mạng. Chiều chiều với gậy trúc vân du, hay những đêm trăng ngồi uống trà thưởng nguyệt. Hoặc chiêm nghiệm cuộc đời để tìm ra chân lý, để thấy được chân như. (Như ngày xưa Tất Đạt nhiều đêm ra ngồi bên dòng sông soi bóng để tìm lại “Bản lai diện mục” trong Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse)
Nơi đây đã cho tác giả cảm hứng đối với việc suy niệm về cuộc đời. Về những câu hỏi làm nát óc biết bao nhiêu nhà tư tưởng lớn của nhân loại: “Ta từ đâu đến? Và sẽ đi về đâu”? Hình như tác giả cũng mong muốn đi tìm một câu trả lời thỏa đáng, nên đã dụng công hình thành tác phẩm nầy để làm phương tiện, giúp cho những ai đang mong cầu tu học theo đạo giải thoát và giác ngộ của đức Từ phụ Thích Ca.
Xin lược qua những phần quan trọng của nội dung thi phẩm: Thi phẩm Hạt Cát Mịn được chia ra năm tiểu mục với những chủ đề như sau: Thức Tâm. Sắc Trần. Tâm-Vật lý. Thân phận. Phong cảnh.
Ba phần đầu, tác giả cố công tìm hiểu sự hình thành, tương tức và tương tác qua sự vận hành của con người hay vũ trụ. Vì con người hay vũ trụ cũng từ trong cát bụi mà ra. Như lời một bản nhạc của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi trở về cát bụi…”. Hay trong Kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả cái trùng trùng duyên khởi: “Tam thiên Đại thiên Thế giới chỉ nằm trong hạt cải mòng”. Hay “một là tất cả, và tất cả là một”.
Thức tâm gồm 100 pháp duy thức là: Trăm pháp. Tâm thường như. Chuyển thức thành trí. Tâm vương. Tâm sở. Tâm bất tương ưng. Vô vi pháp. Căn bản phiền não. Tùy phiền não. Các tâm sở thiện. Còn phần sau như một phụ trang diễn tả thân phận và cuộc sống của con người đối với bản thân và xã hội; những cảm tác về phong cảnh thiên nhiên, qua những lần Thi nhân đi chiêm quan phương ngoại.
Xin trích dẫn một phần nhỏ của những đề mục chính trong “Trăm Pháp”.
1)- Trăm pháp: Chuyển dịch Đại thừa Bách pháp Minh môn (lời luận của Thế Thân Bồ tát về Tâm pháp). Sau đây là phần luận về Tâm vương ví như một vị vua điều hành các Bộ các Ngành. Để đem lại thanh bình thịnh trị cho quốc gia xã hội.
Trong Bách pháp quan trọng nhất là Tâm vương:
“Thử xem tám pháp Tâm vương
Như vua một nước đảm đương trị vì
Bao gồm các Bộ, Sở, Ty
Điều hành sắp đặt thực thi chế tài”
-Tâm sở:
Tưởng là nghĩ ngợi lo xa
Suy lường tưởng tượng non già thiệt hơn
Tự lo xét nét nguồn cơn
Do ý hành động thiện chơn đẹp lòng
Năm điều bốn chuyện bên trong
Biến thiên pháp giới khắp cùng hư không
-Tâm bất tương ưng:
Bất tương ưng hành hửng hờ
Hai mươi bốn món dựa nhờ Tâm vương
Đắc là đạt được ứng tương
Phá ngã chấp Pháp thoát đường lầm mê
- Vô Vi Pháp:
Pháp Vô vi thật khó lường
Không hình vô tướng dễ thường cân đo
Pháp tuyệt đối pháp thẩm sâu
Lìa sanh diệt ứng hiệp ngay Niết Bàn.
Các pháp hữu vô lược qua
Muôn hình vạn trạng quả là rộng dung
Từ phàm tới thánh cộng thông
Cùng tu đồng chứng Pháp thân Bồ Đề.
-Căn bản phiền não:
Căn bản phiền não bẩm sinh
Theo ta như bóng với hình sánh đôi
Đầu thai chuyển kiếp luân hồi
Thoát vòng tăm tối chào đời hài nhi
-Tùy phiền não:
Nhóm tùy phiền não theo sau
Gồm hai mươi món như bao lá cành
Ba phẩm thứ tự hợp thành
Tiểu tùy mười món phần hành khác nhau
Phẩn hay giận dỗi nhớ dai
Hận luôn ghim gút thù ai khó hòa
Phú che dấu tội tối đa
Não luôn tâm trạng tỏ ra buồn phiền
-Các tâm sở thiện:
Hoàn toàn tâm lý hiền lành
Ưa làm lợi ích chúng sanh giúp đời
Giác ngộ giải thoát tuyệt vời
Thế hay xuất thế đồng thời dựng nên
-Các yếu tố của tâm thiện:
a)- Tinh tấn là hạnh chuyên tinh
Siêng năng thắng lướt ngoại hình quản chi
Ác chưa sanh quyết trừ đi
Sanh rồi diệt sạch dứt truy đến cùng
b)-Tàm là tự xấu hổ riêng
Tôn trọng danh dự thiêng liêng của mình
Không làm thương tổn ô danh
Giữ gìn thể diện tiếng lành đồn xa
c)-Quý cùng e thẹn người bên
Lo sợ dư luận kịp kềm dừng tay
Đối trị vô quý dứt ngay
Ngăn ngừa việc ác khó mà phát sanh
d)-Vô tham là hạnh đẹp xinh
Của tiền bố thí hòa bình ngoài trong
Thái độ thân thiện ân cần
Phấn chấn vui vẽ phát tâm Bồ đề
e)-Vô sân là liều thuốc thần
Chửa bệnh nóng giận trị căn thù hằn
Dù gặp nghịch cảnh trái ngang
Tâm luôn bình tỉnh vui an tròn đầy
Chận ngay đóng bít sân trào
Để cho thiện niệm dạt dào phát sinh
g)-Vô si có vẽ đàn anh
Ung dung thư thái tâm thành sáng trong
Chẳng cho mê muội lạc lầm
Một bề sáng suốt kiếm tìm minh sư
h)-Khinh an nhẹ bước vân du
An nhiên tự tại tâm thư thái hòa
Điềm tỉnh trước mọi vấn đề
Họa tai biến cố chưa hề động giao.
i)-Bất phóng dật thật thiện toàn
Không buông lung ấy mới trang anh hào
So tài đấu trí thấp cao
Lồng trong khuôn khổ nhà giao đức dày
k)-Hành xã mọi việc thỏng buông
Hành mà không chấp in tuồng khó thay
Không quan tâm đến khen chê
Không tự hào cũng chẳng hề nêu công
Tứ chúng giác ngộ chăng là
Cũng xem như gió thoảng qua bầu trời
Con người tự tại thanh mai
An vui giải thoát gót hài nhẹ lâng
l)-Bất hại tâm lý sau cùng
Không làm thương tổn muổi mòng sinh linh
Tâm từ trải rộng thênh thênh
Tôn trọng sự sống vững bền chúng sanh.
Cỏ cây đất đá vô tình
Núi sông biển cả môi sinh cũng vầy
Phần II:-Sắc trần:
1) Sắc pháp
Chủng loại sắc pháp bao hàm
Năm căn chung với sáu trần kết nên
Sinh lý về phần năm căn
Đổi trao vật lý dò phăng sắc trần
2) Thanh trần:
Thanh trần là tiếng nhân gian
Xưa nay tiếp diễn nhịp nhàng trước sau
Cũng vì mê luyến đắm say
Bao người vướng víu thoát ngay được nào.
3)-Hương trần:
Mùi hương phảng phất dễ ưa
Ai mà chẳng thích thoáng vừa nhẹ lâng
Phân thành sáu loại hương trần
Càng thêm ý vị tăng phần gấm hoa
Ba điều sáu chuyện vừa nêu
Cơ quan khứu giác mủi đều ngất ngây
Mùi hương chiên đàn nhẹ bay
Hương người đức hạnh ngược quay gió ngàn
Hương giải thoát ngát trần gian
Thơm lừng pháp giới Niết Bàn tinh nguyên
4)- Vị trần:
Vị trần gồm có mười hai
Mặn, ngọt, chua, đắng, lạt, cay, nồng nàn
Vị vừa ý, vị cường toan
Khó mong đáp ứng vẹn toàn dưới trên
5)- Xúc trần:
Xúc ưa đụng chạm mịn trơn
Mỏng nhẹ, láng mướt, chập chờn làn da
Thích nghi hoàn cảnh tối đa
Muốn thân sung sướng hóa ra khổ nhiều.
Phần III:- Tâm - Vật lý: Tâm-Vật lý trước thời đại.
Do nhiều phần tử hợp nên
Nhiều phe phái mượn gióng lên tranh giành
Sanh ra xâu xé phân tranh
Chủng tộc, xã hội hình thành quốc gia…
(Là sự tổng hợp tư tưởng triết gia từ Đông sang Tây, từ những triết học cổ La Hy trước Công Nguyên như Aristotle (384-322) đến Decartes (1596-1650)-Newton (1643-1727)-Galileo (1564-1642)- Albert Einstein…)
Trong công việc tương tác ấy, tác giả cũng đã bắt gặp những ý tưởng hay, được lồng vào trong những câu thơ đẹp, qua: “Các yếu tố của tâm thiện”:
“Chận ngay, đóng bít, sân trào
Để cho thiện niệm dạt dào phát sanh”
“Điềm tỉnh trước mọi vấn đề
Tai họa biến cố chưa hề động giao”
“Không quan tâm đến khen chê
Không tự hào cũng chẳng hề nêu công”
“Con người tự tại thanh mai
An vui giải thoát gót hài nhẹ lâng”
“Tâm từ trải rộng thênh thênh
Tôn trọng sự sống vững bền chúng sanh
Cỏ cây đất đá vô tình
Núi sông biển cả môi sinh cũng vầy”
“Giữ tâm thiết thạch kiên trinh
Không hề nao núng thế tình thị phi
Ung dung tự tại duy trì
Kiện toàn tổ chức phát huy pháp mầu
Ngàn xưa mãi đến ngàn sau
Tâm không, vật cũng nhuốm màu hư không”
Phần VI và V: “Thân phận và Phong cảnh” gồm những bài thơ “độc lập” như góp vào những bông hoa làm nên hương sắc cho đời, hương sắc giải thoát:
“Cùng tu cùng học đồng hành
Đồng giải nghiệp lực tử sanh luân hồi
Tỏ tường lóng gạn khúc nôi
An vui tự tại cảnh đời tịnh an
Đẹp xinh chín phẩm sen vàng
Di Đà từ phụ phóng quang rước về…”
“Thành tâm khấn nguyện Như Lai
Đạo vàng bền vững hoằng khai rạng ngời
Cõi người, cõi thánh, cõi trời
Địa ngục, ngạ quỷ đồng thời súc sanh
Tin sâu, niệm vững, chí bền
Đồng tu đồng chứng đồng lên Niết Bàn”
Để rồi cuối cùng đi đến một lập nguyện:
“Đường giải thoát nguyện bước lên
Đơm hoa bát nhã kết nên sen hồng”
Là gói ghém tất cả những tâm nguyện của Thi nhân, với một tấm lòng hướng đến giác ngộ và giải thoát. Cho nên thơ cũng được giải phóng khỏi thế giới đời thường. Như cố Thi sĩ Vũ Hoàng Chương diễn tả:
“Chữ bay từng cánh chim ngàn.
Mỗi câu là một Niết Bàn hóa thân”.
Muốn có tập thơ “Hạt Cát Mịn” xin liên lạc về:
Chùa Pháp Bảo
148- 154 Edensor Road,
St Johns Park, NSW 2176 Australia.