Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu Viện Giác Hải...

24/09/201407:36(Xem: 14628)
Tu Viện Giác Hải...

Chua Giac Hai Ninh Hoa (10)

TU VIỆN GIÁC HẢI:

CHỐN GIÀ LAM ĐẦY ẮP THI CA VÀ HUYỀN THOẠI


 

         Ngọn núi nhỏ Phổ Đà, còn được gọi là Núi Ông Sư, thuộc địa phận làng Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh- tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố biển Nha Trang khoảng 50 cây số về hướng Bắc, có hình thù của một “ông Tượng” nằm giữa một vùng mây nước hữu tình, tứ bề sơn thủy làng mạc bao bọc tạo nên một bức tranh phong cảnh bàng bạc thơ mộng và thiêng liêng ấm cúng.

          Vào năm 1956, Sư Viên Giác- pháp danh Tâm Trí, pháp hiệu Chiếu Nhiên, một môn đồ xuất chúng của Bích Không Đại Sư (tức Hòa thượng Thích Giác Phong)– sau nhiều năm hoằng pháp khắp các tỉnh miền Trung và cao nguyên, đã chọn nơi đây để tạo lập nên một chốn già lam thanh tịnh mang tên Giác Hải. Tu viện mang một hình hài mộc mạc, kiến trúc đơn sơ, không nguy nga tráng lệ, không đồ sộ cầu kỳ, nhưng hiển hiện giữa một vùng hoang sơ thanh vắng vào thời điểm đó, đã nghiễm nhiên trở thành một danh lam của xứ trầm hương Khánh Hòa. Đặc biệt nhất là Điện thờ Quan Âm Nam Hải được kiến tạo ngay trên đỉnh núi, bên trái phía sau ngôi chánh điện, với thánh tượng Bồ tát bằng thạch cao trắng muốt đứng nhìn ra hướng Đông có vịnh Vân Phong biển xanh biên biếc, mênh mang mây trời, đã đi vào huyền thoại với bao câu chuyện linh ứng nhiệm mầu… Năm 1972, bên chân tượng của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, Sư Viên Giác đã ra đề thơ cho Nữ sĩ Tâm Tấn cảm tác, và thi phẩm “Giác Hải đêm huyền” được ra đời:

 

“Hải Đăng trăm ánh… ngoài khơi sâu lấp lánh Phò Nguy

Tinh Tú huyền vi… đêm tỏa sáng đường đi Cứu Khổ

Sóng Nam Hải run run nép sợ

Mây Phổ Đà nín thở, cúi đầu

Ngày… chim thuần lý ngàn câu

Gió hòa Pháp ngát nhiệm mầu mười phương

Đêm… hoa cây cỏ nhuần sương

Thấm trăng Phổ Độ, ướp hương Đại Từ.

Khi hướng thượng gồm thu Tịnh Pháp,

Hạnh Từ Bi sáng khắp linh tòa

Quán Âm muôn vạn sát –na

Soi đèn Trí Huệ, châm hoa siêu phàm;

Khi hạ hóa Bi vang sấm động

Phủ hạnh Từ chiếu rộng mây lành,

Cảm thương tiếng khóc nhân sinh

Ba-mươi-hai ứng Thân… hành Nguyện chung.

Ban uy lực vô cùng vi diệu

Hải Triều Âm… nhạc diệu siêu linh

Nhành Dương dập lửa vô minh

Cam Lồ một giọt muôn hình hoàn sanh.

Niềm suy tưởng long lanh Tinh Tú

Trăng hào quang mơ phủ lên đầu!

Không gian thoáng hiện vòng cầu

Nhập miền linh giác quy hầu Phổ Môn”

 

          Bài thơ sau đó được lưu truyền trong giới Phật giáo, đã được chư Tăng Ni, cũng như những Phật tử yêu văn chương thi phú tán thán, nhất là hai câu: “Sóng Nam Hải  run run nép sợ; Mây Phổ Đà nín thở, cúi đầu, như một câu đối tuyệt diệu để tôn kính ngợi ca vẻ uy nghiêm thánh thiện của một vị Bồ Tát được cư dân ở khắp các miền biển, ở những làng chài chạy dài theo miền duyên hải của đất nước bao đời thờ phụng quy kính…

          Huyền thoại về chốn già lam Giác Hải thì có rất nhiều, đã lưu truyền trong dân gian, và đi vào cả thi ca, sử sách, trong đó còn có câu chuyện về giếng nước trong vắt được đào sâu vào lòng núi đầy đá cứng đất khô…

“Vạn Ninh có núi Phổ Đà

Có chùa Giác Hải, có tòa Quan Âm

Non Vô Thượng, Giếng Thậm Thâm

    Quên mùi tục lụy, cõi lòng hân hoan!”

            Đó là bài thơ rất ít ai được biết là của chính Cư sĩ Tôn Thất Tán ở Nha Trang thường hay ra Vạn Ninh làm Phật sự đã hạ bút cảm tác, hai câu đầu “thi phẩm tứ tuyệt” này đã được truyền khẩu và trở thành ca dao địa phương, bất tử với thời gian …

            Lần giở các cuốn địa chí Khánh Hòa như “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn, hay “Non Nước Khánh Hòa” của Nguyễn Đình Tư, đều thấy có nhắc đến ngôi chùa huyền thoại nằm bên vịnh Vân Phong hình bán nguyệt xanh biếc này. Bao thi nhân vãn cảnh sinh tình, hết người này lưu bút, đến vị khác đề thơ:

 

“Viếng cảnh Xuân Sơn yết Phật đài

Xa lìa bể khổ, sạch trần ai

Núi mây ba phía êm đềm nhỉ

Thiền viện mấy tòa đẹp đẽ thay!

Nói Pháp giảng kinh luôn sớm tối

Hồi chuông gầm sóng suốt đêm ngày

Khen ai khéo chọn nơi tu dưỡng

                     Độ được mình, thêm độ được người!”(Mai Phong)

 

                Hay bài thơ xướng:

 

“Phổ Đà có phải cõi Tây Thiên

Tượng núi Quan Âm phép diễm truyền

Đá hãy gật đầu si tánh Phật

Hạc còn quỳ gối trước hài Tiên

Trăng mây Biển Giác nên câu kệ

Mượn nước Sông Nha rửa tấm phiền

Là giống hữu tình đâu chẳng gặp

                           Tu hành e cũng có căn duyên!” (Đào Chi Tiên)

 

                  Và, chính Sư Viên Giác đã hạ bút họa lại:

 

“Chính đây, phải lắm, cảnh Tây Thiên

Thắng tích danh lam tự cổ truyền

Đế Thích hằng lai chiêm Thọ Phật

Quán Âm thường hiền độ Na Tiên

Xưa nay Biển Giác ly câu kệ

Sẵn nước Ma Ha chẳng não phiền

Thanh tịnh một mầu, đâu dễ gặp

Ngậm vành trăng sáng cũng tùy duyên!”

 

             Hòa thượng Thích Viên Giác là một vị cao tăng đạo hạnh đã đóng góp nhiều tâm huyết trong công cuộc chấn hưng, bảo vệ và hoằng dương Phật  pháp. Trước khi khai sơn lập tự Tu viện Giác Hải, Ngài đã từng đảm đương chức vụ Giám đốc Phật Học Đường Khánh Hòa  đồng thời trụ trì chùa Hải Đức ở Nha Trang(1954), cùng chư Tôn Đức thành lập Phật Học Viện Trung Phần từ chùa Hải Đức (1956), thành lập và điều hành trường Bồ Đề Tuệ Quang (Đà Lạt), lập trường Phật học cho Tăng sinh tại Tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh). Sau Pháp nạn năm Quý Mão(1963), Ngài giữ chức Thư Ký Tổng Vụ Hoằng Pháp trực thuộc Viện Hóa Đạo, rồi về giảng dạy tại Phật học viện Trung phần và Ni viện Diệu Quang (Nha Trang). Là một tăng nhân yêu văn chương thi phú, trong thời gian dài về sau này, Ngài không chỉ chuyên tâm dịch kinh, trước tác nhiều tác phẩm quý giá, mà còn sáng tác những thi phẩm mang đậm giáo lý Phật Đà. Kinh sách Ngài để lại cho đời gồm: Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp, Đại Thừa Kim Cang kinh luận, Phẩm Phổ MônQuan hệ tư tưởng, Tìm hiểu Quán Thế Âm Bồ Tát, Lịch sử phong cảnh chùa Giác Hải, Khuyên niệm Phật (tập thơ)…  Vào sáng ngày 14 tháng 7 năm 1976 (Bính Thìn), Ngài thâu thần thị tịch ngay tại chùa Giác Hải, hưởng thọ 65 tuổi đời, 28 hạ lạp, được chúng đệ tử an táng và xây bảo tháp thờ phụng nghìn thu trên triền đồi gần bên Điện Quán Thế Âm linh thiêng huyền thoại. Trên tấm bia của một mặt bảo tháp, còn lưu khắc thi phẩm “Hướng về Thầy” của Thích Tịnh Từ, một  thi nhân đệ tử của Ngài:

 

“Giả thân Thầy đã xa rồi

Tinh anh còn đó bên đồi tịch liêu

Lắng nghe mõ sớm chuông chiều

Bâng khuâng hải đảo, sóng triều lặng yên

Buồm ai ngược gió chèo thuyền

Qua bờ giác ngạn, vượt miền trầm luân

Lời Thầy con trẻ gọi nhuần

Đức Thầy lưu hiện ma quân quy đầu”

 

                       Từ sau khi Sư Viên Giác viên tịch đến nay, đệ tử của Ngài là Thượng tọa Thích Tịnh Diệu, đã cùng với sư huynh đệ đồng môn từng bước trùng tu lại ngôi chánh điện, điện Quan Âm Nam Hải, cổng tam quan, tường rào bao bọc, kiến thiết thêm nhiều công trình mang đậm nét nghệ thuật như nhà chuông, tượng đá… hòa cùng với cây cảnh đủ sắc màu, tạo nên một chốn già lam thắng tích danh bất hư truyền…

            Về với Tu viện Giác Hải hôm nay, cảnh cũ người xưa đã biến đổi rất nhiều, vườn thiền cảnh tịnh luôn rộng mở đón đưa lữ khách thập phương ra vào trong không khí im ắng trong lành. Từng bước chầm chậm lên những bậc tam cấp lặng im giữa các cặp sư rồng nghinh chầu, đứng ngắm nhìn nụ cười đầy hỷ lạc của bức tượng Di Lặc Tôn Phật bằng đá phía trước chánh điện, vào trong một sảnh đường ngắm nhìn “Bản kinh Phẩm Phổ Môn” được viết tay trên giấy khổ rất lớn lồng trong khung kính treo trên vách (có thể là một kỷ lục của Phật giáo Việt Nam chưa được phát hiện và xác lập), lững thững vòng ra khoảnh sân rợp bóng mát để chiêm bái hình tượng Thủy Nguyệt Quan Âm ngồi trên phiến đá nhìn trăng trong nước với phong thái ung dung thanh thoát, xuống lại đến sân dưới dừng chân trước hai gốc me cổ thụ già vài trăm tuổi, hay bước vào đứng giữa gốc xoài nhiều nhánh tỏa vươn lên cao như những cánh tay của thánh nhân khổng lồ; lang thang ra phía trước ven theo dãy tường rào để bắt gặp một hồ nước rộng thênh có tung tăng cá lội, nếu hữu duyên thì được leo ngồi trên chiếc thuyền con, tự tay cầm mái chèo quẫy nước ra đến một ốc đảo nho nhỏ giữa hồ để bái lễ thánh tượng Quan Âm Nam Hải và Thiện Tài Đồng Tử, đó chính là pho tượng Quán Thế Âm mà thuở khai sơn lập tự từng an vị trên đỉnh núi đã được dời xuống với cảnh mới chẳng khác nào tiên cảnh bồng lai… Trở vào lại bờ, qua một lối đi nhỏ trải đầy những cánh hoa phượng đỏ au, vượt lên con dốc được màu xanh cây lá bao phủ bên trên để đến trước Nam Hải Quan Âm Đại Điện uy nghiêm trầm mặc… Đứng nơi đó, quay nhìn về hướng mặt trời mọc, một bức tranh thiên nhiên thủy mặc tuyệt mỹ với non nước biển thuyền của vịnh Vân Phong hiện ra trước mắt, mênh mang trời xanh mây trắng, lồng lộng gió mát hương loang, lữ khách ắt sẽ thấy hết muốn trở về với “sơn hạ hồng trần hung mãn mộng” (dưới núi bụi hồng đầy mộng dữ)… Cuối năm 2001, lặng lẽ về nơi xưa chốn cũ, Nữ sĩ Tâm Tấn đã đứng nới đó, lòng rung cảm xúc, ý thơ tuôn trào, để rồi lưu lại thi phẩm “Thăm lại chùa xưa” vào kho tàng thi ca của chốn già lam huyền thoại này:

 

“Quanh Điện Các non trùm uy lực

Trước Ngôi Thiền biển trải Đại Bi

 

Ngắm Vịnh Vân Phong, nhớ bóng Thầy

Ngày xưa… vin gậy ngắm trời mây

Câu Thơ phá Thạch, Thơ xưng tán

Ý Đạo khai Sơn, Đạo hiển bày.

 

Chấp Pháp danh môn hàng kế thừa

Truyền lưu thông tuệ bậc Uyên ưu

Triền non Tháp Tổ tờ mây trải

Trăng Bút Lăng-Già ấn Sử xưa…”

             Và, còn nhiều hơn như vậy nữa. Nếu hữu duyên đến vãn cảnh Tu viện Giác Hải,  chúng ta sẽ nhận ra một điều: chính chốn già lam đầy ắp thi ca và huyền hoại này đã là một bài thơ bất tuyệt không cùng, đâu cần  phải viết ra văn tự…

 

                                                                               TÂM KHÔNG - VĨNH HỮU




 

 Chua Giac Hai Ninh Hoa (2)Chua Giac Hai Ninh Hoa (3)Chua Giac Hai Ninh Hoa (6)Chua Giac Hai Ninh Hoa (10)Chua Giac Hai Ninh Hoa (12)Chua Giac Hai Ninh Hoa (13)

Ý kiến bạn đọc
05/09/201801:48
Khách
Nam mô Phật!
Thật là thiếu sót khi đến hôm nay TKVH mới đọc được những dòng nhắn giử hỏi thăm của bạn Trần Đỗ Yến Nhi. TKVH cùng chỉ là hàng hậu sinh, nên cũng không biết rõ lắm về Cố HT. Thích Viên Giác.
Phước thay, người biết rất nhiều về HT là mẫu thân của TKVH, hiện vẫn đang còn hiện hữu, năm nay đã 98 mà vẫn còn minh mẫn sáng suốt, cho nên TKVH sẽ hỏi xin thêm thông tin về HT. Viên Giác từ nơi Mẹ.
Để tiện liên hệ thông tin, bạn TĐYN cứ gọi số phone của Vĩnh Hữu 0902 0107 63, đang ở Nha Trang- Khánh Hòa- Việt Nam.
Chúc mọi sự An Lành.
29/09/201618:25
Khách
Cảm ơn thật nhiều cho bài viết này. HT. Thích Viên Giác là Bác ruột của Ba của con (Trần Đại Trình), cho nên khi tìm được thông tin của HT. Thích Viên Giác trên mạng con cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Xin hỏi có thể nào cho Nhi email hoặc số DT của TÂM KHÔNG - VĨNH HỮU để Nhi liên lạc và tìm hiểu thêm về HT Thích Viên Giác được không? Nhi sẻ cảm kích thật nhiều. Nhi đang sống ở Hoa Kỳ nên không đến chùa thăm viếng được. Mong là sẻ cò cơ hội trong thời gian tới đây.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2010(Xem: 10554)
Nửa đời người tôi hiểu được Vô thường - ấy lẽ thường nhiên Và ta chỉ là chiếc lá Trong rừng nhân loại vô biên..
28/08/2010(Xem: 10735)
Chén cơm trong chốn lao tù, Con xin cúng Phật con tu quá đường ! Thế gian huyết hận đau thương ! Nghẹn nào lệ nhỏ vô phương kêu gào !.
12/08/2010(Xem: 9674)
Nằm ngủ ôm vầng trăng Đồi Cù nghiêng nghiêng mộng Đà Lạt chảy trong thân Tôi như rừng thông im bóng. Em như sương trăng áo mộng Đêm thu xưa quyến hớp hồn tôi.
04/08/2010(Xem: 9478)
Để hướng về Mùa Hiếu Hạnh Thiêng Liêng Để tưởng nhớ công ơn Công Đức Sinh Thành Để cùng nhau nhắc nhở Con Hiền Cháu Thảo Để đền đáp trong muôn một công đức Cha Mẹ Và lễ tạ Thù Ân Bốn Ơn Trọng cưu mang. Chúng tôi xin viết, cảm ơn quý vị đón nhận và phổ biến. Trân trọng, TNT Mặc Giang [email protected]
04/08/2010(Xem: 8617)
Quê tôi còn đó dòng sông Nước đi nước đến chờ con nước về Quê tôi còn đó sơn khê Sắt son tô thắm ước thề không phai Ơn sâu nghĩa nặng tình dài Đường quê lối nhỏ hoa cài thơm hương Tin yêu hòa ái mến thương Chia mưa sẻ nắng gió sương không màng Quê tôi còn đó đò ngang Chờ người lữ thứ miên man chưa về
04/08/2010(Xem: 9527)
Quê Cha ngàn dặm mù khơi Đất Mẹ vạn lý một đời chia xa Thương non, ôm ấp mái nhà Nhớ núi, sầu mộng sơn hà chờ ai Thương sông, con nước chảy dài Nhớ biển, sóng vỗ miệt mài trùng dương Ra đi, vạn lý mù sương Rong rêu in bóng dặm đường phân ly Nhớ xưa, mấy thuở kinh kỳ Mà nay cũng lắm tư nghì hồn đau “Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều”
04/08/2010(Xem: 9262)
Rằng xưa, có Mục Kiền Liên Tu hành giác ngộ, chứng liền lục thông “Thiên nhãn”, “Thiên nhĩ” vô cùng “Tha tâm”, “Thần túc” thỉ chung rõ ràng “Túc mệnh”, “Lậu tận” vô can Đường xuôi lối ngược dọc ngang đi về Mục Liên bèn nhớ Mẫu hề
04/08/2010(Xem: 10051)
Bảy tình (thơ)
16/07/2010(Xem: 15202)
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sĩ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.
28/06/2010(Xem: 31820)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]