Dài dòng...
Tên thật : Nguyễn Kim Long
Tên trong thơ : Nguyễn Thanh Tâm (Mặc Phương Tử)
Nguyên quán: Đồng Sơn, Gò Công, Tiền Giang
Sinh năm 1952, về sau còn 1956.
Xuất thân từ gia đình làm nông
Lưu lạc đến Sàigòn, quận 4 từ năm 1964.
Đi học trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1,
phụ gia đình bán nước mía, bánh cam, chuối chiên, để tạm
sống trong thời nhiễu loạn.
Năm 1969 học và làm nghề ấn phẫm ở nhà in Phương
quận 1. Cũng trong năm nầy nhận ấn phẫm Tuần báo Đôi Mươi tại nhà in Nến Hồng, đường Cô Giang gần chợ Cầu Muối (Sg).
Năm 1970 nhận ấn phẫm tiểu thuyết của Nhà văn Dương Hà,
Kim Lệ tại nhựt báo Sống Mới đường Phạm Ngũ Lão Saigon.
Năm 1972 nhận ấn phẫm chương trình hoạt động của Bộ Y Tế
đường Trương Minh Giảng, Q.3, đến năm 1973 về lại báo Sống Mới, phụ trách sửa bản in tifo, cuối năm 1973 vì còn hiệu lực sắc lệnh tổng động viên, nên “thoát” vô chùa đầu năm 1974.
Năm 1977, tham dự khóa chuyên khoa kinh tạng Pali (Phật Giáo Nguyên Thủy). Năm 1992 lấy chứng chỉ đại học đại cương khoa Ngữ Văn trường Đại Học Tổng Hợp Tp, từ năm 1994-1995 hoạt động Ban Hoằng Pháp Thành Hội và TW Giáo Hội PGVN, năm 1994 là Hội Trưởng Hội Thơ Bến Nghé, đồng thời sinh hoạt nhịp cầu thơ báo Đại Đoàn Kết (phía Nam) và chấp bút trang thơ báo Thời Văn.v.v…
Đến năm 1996, tìm và tạm trú dưới mái chòi thơ bên bờ Suối Cạn, Tân Hiệp, Long Thành, Đồng Nai, Năm 1998 có thơ trong tuyển tập Thơ Tình VN & Thế Giới Chọn Lọc, do Ô. Khai Trí (nhà sách Khai Trĩ cũ) cùng nhóm nhà thơ đương thời thực hiện.
Có những tác phẫm in chung như :
Tập Thơ Giao Cảm – 1994, tập thơ Giai Điệu Bốn Câu – 2001,
tập thơ Bút Xưa 1, 2, 3 thể loại Đường Luật – 2001 và tập thơ
Phù Sa Của Gió – 2007.
Năm 2002 là Hội viên Hội VHNT Đồng Nai, có thơ trong tuyển tập 30 năm Đồng Nai (2005) và Tạp Chí Văn Nghệ Đồng Nai nhiều năm liền. Đền năm 2008 Ban Chấp Hành Hội ngang nhiên phủ nhận hội tịch mà không có văn bản thông báo lý do? (sau khi từ Hoa Kỳ trở về).
Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 1990 – 2009 có những tác phẫm được cấp giấy phép xuất bản in riêng như : Tập thơ Hoa Nắng – 1990, tập thơ Hương Đất – 1992, tập thơ Tình Biển – 1994, tập thơ Góc Nắng – 2007, tập thơ Ru Tình Hạt Bụi – 2009, còn lại tập Rót Chiều Vào Thơ, Tập thơ Cuối Mùa Nguyên Trăng và tuyển tập thơ Đường Luật cũng như Tuyển tập Tùy Bút, Tạp văn và Ký thì còn đang ở dạng bản thảo.
******
Và bây giờ, chúng tôi xin được thực hiện một tuyển tập, xem đây là một dấu ấn kỷ niệm đầy vui buồn trong thời sáng tác cùng với những bạn bè thi hữu trong giai đoạn đất nước lắm nhiễu nhương, cho đến khi quê hương không còn cảnh tàn phá đổ nát, chết chóc ly tán, khốn khổ điêu tàn của một thời tao loạn nay đã qua đi và cho tới tận bây giờ cũng vẫn còn không ít những nỗi đời đầy nghiệt ngả…! ngay trong lòng cuộc sống quê hương.!
Nhưng đến tận bây giờ ! Khi ngồi lại nghĩ đến những người thân, bạn bè, thi hữu cùng có chung một niềm vui và nhiều tủi cực, thậm chí đến những ai không ưa thích…Thì nay, đã không ít người đi về cõi khác. Nhưng với ai còn lại, cũng cảm nghe mỏi mòn ngao ngán và lặng lẽ trên bước hoạn lộ tử sinh.
Bây giờ và mai đây, nếu có còn chăng là những điều mắt thấytai nghe… trong bối cảnh xã hội đích thực( rất thật), cho dù thời gian có qua đi bao lâu thế nữa. Nhưng, những gì vui buồn, còn mất, những nụ cười nát lệ, những hạnh phúc mong manh bởi bao tảng băng, tảng đá vô ý thức như đến từ hoang mạc nặng nề đã đè lên và kéo lê bao thân phận kiếp người !
Nhưng, tất cả… tất cả mọi sự vật hiện tượng, không gian, thờigian vẫn luôn theo cùng với vần thơ và vầng trăng lung linh huyền ảo soi mênh mang giữa cõi đời đầy Mộng-Thực nầy !
Tp.HCM,
NGUYỄN THANH TÂM
(Mặc Phương Tử)
Chiếc đò quê hương
Người đi qua
Kẻ lại về
Con đò chở nặng tình quê sớm chiều
Ngược xuôi
Xuôi ngược bao nhiêu
Hỏi lòng khách
Có ít nhiều nhớ thương ?
Khi nắng sớm
Lúc chiều sương
Giữa dòng trong đục
Đò nương mái chèo !
Về phố chợ xưa
tặng Vân, Yến
Phố chợ xưa,
Mẹ kể chuyện ngày xưa
Thuở quê hương nhóm ngòi binh lửa
Tuổi ngọc mẹ giờ rám nắng mưa.
Ngày xưa mẹ đã khổ đau nhiều
Tần tảo nuôi con những sớm chiều
Một gánh hai vai lưng áo bạc
Phận nghèo năm tháng bước cô liêu.
Cha con về một cõi bình yên
Mẹ thủ thân lo phận vợ hiền
Gió lạnh đêm đêm ngồi cắn lệ
Cung sầu rủ xuống giấc mơ duyên.
Xuân đi, xuân đến mấy xuân tàn
Mẹ đã oằn vai với thế gian
Trang trải nợ đời tình ấm lạnh
Đem cho con giấc mộng bình an.
Dòng đời lặng lẽ theo ngày tháng
Cuộc sống êm đềm nước chảy xuôi
Rồi bổng một hôm binh lửa dậy
Gây trong lê thứ lệ sầu rơi !
… Từ ấy mẹ con rời phố chợ
Tìm ra cuộc sống chốn Đô Thành.
- Mười mấy năm rồi, con đã lớn
Mẹ còn vắt lệ ướp tim thơ
Ru con vào giấc bình yên ngủ
Là kiếp tơ tằm, mẹ dệt tơ.
Tóc mẹ bây giờ sương điểm bạc
Gánh đời vơi nhẹ buổi chiều đưa
Đêm nay nguyệt xế phương trời cũ
Mẹ kể nghe về Phố Chợ Xưa…
Khách chiều hôm
Có một bà già hằng bữa thấy
Nắng vàng nghiêng xuống mỗi chiều hôm
Nợ đời còn nặng đôi vai gánh
Khập khễnh đường xa bước bước dồn.
Chiếc áo bà mang đã bạc nhiều
Đã từng vui khổ biết bao nhiêu
Đã từng… và đã từng đôi gánh
Buổi chợ làng xa những sớm chiều.
Mắt đã mờ theo mỗi bước đời
Trán hằn bao vết tóc sương phơi
Hoa xuân mấy độ trên môi thắm
Nhưng với thời gian đã nhạt rồi.
Vẫn biết mình nay sức mỏi mòn
Nhưng bà vẫn thấy thế là hơn
Vẫn đôi vai gánh …tình trang trải
Cho cuộc phù vân nát tủi hờn !
Trên chiếc lưng còng xuôi quảng vắng
Bà còn lặng lẽ dưới chiều sương
Chao ôi, cái kiếp tằm tơ ấy
Ngày tháng lòng se cát bụi đường !
Rồi từ hôm ấy cả lòng tôi
Nghĩ đến bà – như nghĩ cuộc đời…
Chiều nay không thấy bà đâu nữa,
Chỉ thấy mây ngàn lớp lớp trôi.!
Chiếc lá chiều buông
Ai có hay không, có biết không ?
Hồn ai vắng lạnh buổi chiều đông !
Bên thềm dìu dập người qua lại
Một lão già nua tê tái lòng !
Buông lời non nỉ để sầu tan
Cho vơi ngày tháng niềm u ẩn
Từng tiếng ca lùa theo phím loan.
Lão đã say sưa với “Thói Đời”
Nên rằng: ca mãi chẳng quên thôi
“…Đường nhân gian đày ải thương đau
Ai chưa qua chưa phải là người
Trong thói đời cười ra nước mắt…”
Tiếng đàn mỗi lúc ngân lanh lảnh
Điệu nhạc tuôn theo những ngón sầu
Lòng vẫn say sưa tràn sóng mắt
Nhạc theo lời vội vút lên mau:
“... Đoạn đường xưa ta đã đi qua
Ngày vui tới ta vẫn chờ…”
Đời lão ngần thôi, chỉ bấy nhiêu
Cầm ca rao bán quảng đường thiêu
Thương tâm, người để dăm đôi bạc
Gọi chút tình ai buổi xế chiều !
Đây một chiều đông trời trở lạnh
Phố buồn run rẩy ngọn đông phong
Mưa phun lất phất luồn trong gió
Mây vẫn từng không trôi trập trùng.
Tôi đứng lặng lòng trông dáng lão
Dạn dày mái tóc điểm pha sương
Khổ đau đã lắm đường nhân thế
Mà vẫn chưa tan nỗi hận trường !
Chén rượu cao lầu chếch choáng say
Trà mi những đóa đẹp lòng ai !
Đâu hay có kẻ bên thềm lạnh
Gìũa một chiều đông kiếp lạc loài.
Bên đường người lại dần thưa bớt
Phố vắng đưa về lối mộng êm
Giăng mắc đèn lên loang loáng nhạt
Lão còn thao thức với hồn đêm…
Thơ trước 1975.
Như là Tôi & Em
Kể từ cuối một mùa trăng
Em đi để lại lòng băng giá nầy
Đêm đêm gió lạnh chân mây
Đêm đêm
Nghe nỗi phương nầy bâng khuâng.
Mắt em cả một chiều buồn
Để tôi đi giữa hoàng hôn ngập ngừng
Tuyết sương ai đã lạnh lùng
Cô đơn ta cũng nghe chừng đâu đây !
Mắt buồn trông ngọn heo may
Cho bao nhung nhớ tự rày mênh mang
Như là nước nhớ trường giang
Như là cây nhớ lá vàng thu bay
Nhớ cung đàn buổi so giây
Tiếng thơ non nước ngân dài hồn hoa
Như Lầu Hoàng Hạc bay xa
Như lòng khách cũ, như là Tôi-Em.
Tặng bạn
gởi Phạm văn Long
Lâu lắm rồi, nay gặp lại anh
Sầu dâng chưa cạn buổi đầu xanh
Nỗi đau ngày tháng, mơ ngày tháng
Gió loạn thềm sương, nắng lướt mành.
Nhớ lúc cùng nhau dưới mái trường
Mong tìm chữ nghĩa dệt văn chương
Đuổi theo ngày tháng từng trang vở
Như khách giang hồ nợ bốn phương.
Rồi một ngày kia bên quán trọ
Đường trần ta hát khúc chia phôi
Mỗi người mỗi ngã phương sinh kế
Nên dãi dầu thân giữa chợ đời.
Đã mấy đông rồi, đông lại đông
Mấy mùa tan tác chạnh tơ lòng
Hôm nay gặp lại bên thềm lạnh
Giữa lúc đời đang chớm nắng hồng.
Ta bước lên đường đi tới mãi
Bây giờ và đến tự bao giờ !
Tình yêu, tình bạn, tình sông núi
Với cả cuộc đời với túi thơ.
Thơ trước 1975.
Hai bờ vực thẳm
Ta đứng giữa hai bờ vực thẳm
Bờ bên đây sâu hút đáy tâm hồn
Trông bên kia gió lùa mơn cỏ thắm
Tự ngàn đời ai biết nấm mồ chôn !
Nhưng ta xoay mình
Trông lại bờ vị trí
Cát sỏi ngờ đâu khẻ nhịp tiếng tâm tình
Ta vẫn đợi những điều ta đã nghĩ
Cuộc sống nào hơn khi ghé nụ cười xinh !
Bờ bên đây
Bờ bên kia
Ủy mị !
Ý thức gì ?
Khi có nghĩa thực hôm nay !
Vực thẳm là đâu
Khi ta đang ở nơi nầy
Đất nước
Con người
Chén cơm, manh áo
Tình yêu cuộc đời
Như cây cỏ yêu nhau .
Thơ trước 1975.
Áo bà ba xưa
tặng Băng Tâm
Vừa mới hôm nào em đã quen tôi
Tình bổng nở buổi ban chiều kỷ niệm
Ôi, một buổi ban chiều lên sắc tím
Tâm sự nào kể hết chuyện buồn vui.
Đời lữ thứ em ơi, tràn lối mộng !
Ta dừng chân bên quán trọ thời gian
Thơ bốc cháy nghe dồn lên nhịp sống
Và chia tay khi cuối một cung đàn.
Chiếc áo bà ba đẹp tình non nước
Túi gạo vơi đầy xuôi ngược bến đò ngang
Với niền tin, em luôn thầm mơ ước
Nước thôi nghèo, dân tộc hết lầm than.
Rồi quê hương kể từ thôi gió loạn
Ta gặp nhau giữa cát bụi Đô Thành
Nắng tinh khôi kết muôn màu tơ sáng
Chảy qua từng tim máu mộng hồn xanh.
Áo bà ba xưa bạc màu năm tháng
Nhưng em ơi, vẫn đẹp như hôm nào
Như khúc hát êm đềm, như nắng sáng
Như bài thơ và tình của trăng sao.
Sg, 1978
Chiều giao mùa
tặng Kha Tiệm Ly.
Anh ghé thăm tôi
Cuối chiều đông lạnh
Con chim khách trên cành đang cất giọng
Như đón chào người khách đến chiều nay.
Khách mới đến
Như từ lâu đã đến
Ngay bây giờ và cho cả ngày mai
Trông dáng anh với chiếc áo sờn vai
Của bao lớp bụi sương đời khổ lụy.
Đâu chén rượu men đời
Đâu mây ngàn gió ký
Đâu tình đời ấm lạnh
Đâu vui khổ đầy vơi.
Ta đi qua như một bữa cơm thôi
Mà vị ngọt chua cay lòng tự biết
Mà vị ngọt chua cay lòng chẳng thiết
Không nói ra nhưng vẫn có muôn lời.
Tâm sự mười năm về trước
Khói lửa tưng bừng đốt cháy quê hương
Những giọt lệ sầu đơn cắn vỡ
Để hoà tan trong tim máu tình thương.
Ai đã đi qua đoạn đường gió bụi
Mà không đậu chút tình trong giao buổi
Để bây giờ hiểu được chuyện đời thêm
Để bây giờ khi lắng xuống trời đêm
Nghe tiếng nói từng con tim nhân thế.
Vừa mới hôm nào mùa xuân bỏ ngõ
Bây giờ trước gió cánh mai đưa
Bên thềm sương người thơ còn đó
Cùng ta đối ẩm chuyện tình xưa.
Chiều nay đương hội giao mùa
Cánh hoa phong nhụy nở đùa sắc hương
Mai nầy đón gió ngàn phương
Cho lòng phơi phới trăm đường đầy xuân
Cho con chim khách gọi mừng
Khách xưa lối cũ nghe chừng đâu đây.
1984.
Chia tay
tặng Hải, Ngạn
Nhớ mùa thu cũ hôm nao ấy
Em đến thăm tôi một buổi chiều
Quán trọ thời gian đời viễn xứ
Tâm tình ấm lạnh bến cô liêu.
Bài thơ Lưu Niệm dễ nào quên
Em đã trao tôi chiều mông mênh
Tôi đáp bài thơ lưu niệm ấy
Gọi là ghi lại mối sơ duyên.
Kẻ ở Gò Công, kẻ Vĩnh Bình
Hai dòng Tiền Hậu đẹp quê mình
Bèo mây muôn dặm trời xuôi ngược
Hội chốn thành đô đón gió lành.
Thế rồi lặng lẽ bước thời gian
Nắng lướt thềm sương mộng lỡ làng
Em trở về quê lòng chẳng hẹn
Cho cây nhớ lá buổi thu tàn.
Ta gặp nhau rồi tạm biệt nhau
Giữa thời tao loạn biết tìm đâu !
Nỗi đau ngày tháng niềm quan tái
Non nước đìu hiu mối cảm sầu !
Thơ trước 1975.
Hoa trắng ngày xưa
tặng cô Chánh
(ghi theo lời kể)
Nhà ai vườn đương xuân
Nắng hồng lên lá thắm
Tháng ngày trôi âm thầm
Mắt người xanh biển mộng
Thuở ấy trời mênh mang
Tim ai tìm hơi thở
Thuở ấy hồn mênh mang
Lòng ai nghe hăm hở.
Một sớm bên bờ nắng
Gót ngọc người đi qua
Khách đâu chờ im lặng
Xin tặng người cánh hoa.
Cánh hoa … thơm lối nhỏ
Nụ cười trao trăm năm
Và duyên ai từ đó
Khúc hát về xa xăm.
Rồi đi vào nắng bụi
Rồi đi vào gió mưa
Tháng ngày xem mây nổi
Vui buồn những sớm trưa.
Bây giờ cây nặng trái
Vườn cũ nắng xôn xao
Và người xưa còn đó
Cành hoa trắng xưa đâu…?
1984.
Đồi chè Di Linh (Lâm Đồng)
Bát ngát chiều xa một góc trời
Đồi chè xanh mát cả lòng tôi
Nơi đây người vẫn quanh năm sống
Dưới mái tranh thơ cũng đủ rồi.
Cô hái chè ơi, giữa nắng chiều !
Nghiêng nghiêng chiếc nón gió hiu hiu
Mênh mông đi giữa đồi xanh ấy
Như cả tình xanh, ôi thật nhiều.!
Xứ lạ đường xa bao ngập ngừng
Đưa ngàn hoa đến một chiều xuân
Mây theo dặm khách, hương theo gió
Thơ cũng theo người mỗi bước chân.
Mai mốt rồi đây, đời tạm biệt
Khách về vẫn nhớ buổi xa xôi
Đồi xanh và bóng người xuân nữ
Với vị chè thơm đến cuộc đời.
Di Linh, 1986.
Hồ Than Thở (Đàlạt)
Ta dừng lại bên khung trời sương cát
Tự ngàn xưa mây lạnh xuống không gian
Hồ Than Thở ngậm ngùi dòng nước bạc
Để thương ai tình lỡ mộng xuân vàng.
Ta lặng ngắm bên hồ buông cánh liễu
Cố nhân ơi, lòng hận bởi vì đâu ?
Để ngàn xưa tiếng thông buồn muôn điệu
Và ngàn sau mây trắng vẫn thương sầu !
Có ai đến hỏi thăm Hồ Than Thở
Thì mây ngàn là nhân chứng ngàn xưa
Có thông reo là điệp khúc hương thừa
Có nước bạc là nấm mồ tuyệt vọng.
Ta không khóc cho mối tình hư ảo
Không vương sầu khi đời lắm tiêu pha
Ta chỉ gởi nỗi lòng tình nhân loại
Thương kiếp người còn đắm giữa phong ba.
Đàlạt, 1986.