Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

40. Nhớ lại chuyện xưa (Phương Quỳnh - Diệu Thiện)

17/06/201408:02(Xem: 19995)
40. Nhớ lại chuyện xưa (Phương Quỳnh - Diệu Thiện)

Mỗi ngày ra vô phòng khách tôi luôn nhìn thấy món quà tuy nhỏ nhưng được chưng bày trang trọng gần những người thân yêu của mình trên mặt tủ. Một món quà mang ý nghĩa may mắn, đó là Búp Bê Matryoshka- búp bê Nga hay búp bê Babushka (búp bê lồng nhau hay búp bê làm tổ) của Hòa Thượng Thích Như Điển tặng cho tôi cách đây lâu lắm rồi sau chuyến hoằng pháp từ Nga về.

Nhớ lại lần đó khi cầm món quà trên tay lòng tôi chợt bồi hồi xúc động, nghĩ mình chỉ là hạt cát ngoài sa mạc thế mà từ nơi nước Nga xa xôi bận rộn Phật sự lại được Thầy nhớ đến, niềm vui càng dạt dào. Tôi cảm nhận dường như có một luồng ánh sáng từ bi rọi vào tâm tôi và niềm vui hạnh phúc đó đến nay vẫn còn và sẽ còn mãi. Giờ đây, nhân kỷ niệm lần thứ 50 xuất gia và hành đạo cùng sinh nhật lần thứ 65 của Thầy Phương Trượng; tôi muốn thưa cho Thầy rõ, món quà trân quý đó đã mang lại cho gia đình tôi thật nhiều may mắn sau này.

blank

(Bộ Mẹ 9 con và Bộ Mẹ 4 con Búp Bê Matryoshka, Nga)

Búp Bê Matryoshka bao gồm những búp bê rỗng ruột làm bằng gỗ, trong đó búp bê nhỏ nhất nằm trong lòng búp bê lớn hơn và cứ như vậy một mẹ 4 con; hay một mẹ 9 con… Tất cả đều mặc trang phục truyền thống nhiều màu sắc của Nga (Sarafan). Búp bê này do chính từ ý tưởng của nhà thiết kế Sergey Vasrlycvich Malyutin trang trí. Ý tưởng này dựa trên búp bê gỗ của Nhật vẽ (Thất phúc thần, Shichifuku-Jin) có ý nghĩa là 7 vị thần may mắn trong thần thoại Nhật Bản.

Năm 1900 bộ búp bê của Malyutin và Ziyozdochkin được nhận huy chương đồng của lễ hội Triễn Lãm Thế Giới ở Paris và từ đó nước Nga đã hình thành những cơ sở sản xuất búp bê Matryoshka đầu tiên này.

Sau đó vào tháng 7 năm 2011 tôi có nhân duyên tháp tùng phái đoàn hành hương theo Thầy và Sư Ông Thích Minh Tâm đến Sri Lanka để nhận giải thưởng danh dự do Hội Đồng Tăng Già và Thủ Tướng Sri Lanka trao tặng cho những người có công truyền bá Phật giáo ở hải ngoại. Trong lần chiêm bái những thắng tích Phật như Cội Bồ Đề đầu tiên được mang từ Ấn Độ về Tích Lan, và Đền Răng, tôi và một số chị em khác quên mang theo áo tràng, nên không được vào làm lễ. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên câu khiển trách nhẹ nhàng của Thầy „Người Phật tử đi lễ chùa thì lúc nào cũng phải nhớ mang theo áo tràng chứ, sao lại quên?!“. Cũng may, nhờ uy tín của Thầy Selawansa can thiệp nên tất cả đều được vào thăm Đền Răng Phật- một quốc bảo của Tích Lan.

Tôi còn nghe Phật tử Diệu Pháp kể lại vài chuyện vui buồn trong chuyến đi hành hương xứ Thái và xứ Phù Tang tháng 10 năm 2012 do Thầy Phương Trượng tổ chức. Thông lệ, phần ăn của chư Tăng Ni được dọn sẵn, nhưng một lần trước một bữa ăn trưa chúng tôi nghe Thầy ra lệnh chung „Mỗi người phải tự đi lấy phần ăn và rửa chén đũa của mình. Tôi cũng xếp hàng tự lấy thức ăn và rửa chén đũa như quý vị vậy!“. Sau đó có nhiều Phật tử thì thầm với nhau, đúng là phẩm hạnh của vị cao tăng có khác!

Chuyện này đối với một số Phật tử có tham dự những chuyến hành hương không có gì lạ cả, vì bản tính của Thầy vốn rất hòa đồng với mọi người và cũng không có tâm phân biệt. Hơn nữa hầu như tất cả các chuyến hành hương có Thầy tham dự đều hanh thông và gặp nhiều may mắn. Nên phần đông Phật tử muốn tham dự những chuyến hành hương do Thầy tổ chức, nhất là những vị lớn tuổi, vì họ nghĩ rằng đi theo Thầy là được Long Thần Hộ Pháp hộ trì. Bồ Tát đến đâu là điều lành đến đó. Hơn nữa có Thầy, Thầy sẽ thông dịch được nhiều thứ tiếng mà Phật tử không thông thạo khi hành hương đến Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản...

Vào giữa năm 2012, sau khi dự lễ Giỗ Tổ tại chùa Bảo Quang, do Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm sáng lập, Thầy điện thoại muốn đến thăm gia đình chúng tôi. Lòng tôi vô cùng hân hoan nghĩ thầm sao lần này được Thầy dành thời gian quý báu cho gia đình mình. Chắc là phước lành sẽ đến. Thầy là người rất đúng giờ, nhưng lần này Thầy đến sớm hơn dự tính. Niềm vui không tả xiết khi Thầy và Thầy Thích Hạnh Giới đến nhà. Tôi lấy hộp trà đặc biệt được một người bạn mang từ Nhật về tặng còn nguyên, muốn đãi quý Thầy nhưng không biết cách pha chế. Thầy học ở Nhật lâu năm, nên Thầy đã chỉ dẫn cho chúng tôi một cách tường tận. Đây là lần đầu tiên tôi mới được tiếp chuyện với Thầy lâu hơn, mặc dầu nhà tôi làm việc chung với Thầy nhiều năm, nhưng mỗi lần gặp Thầy tôi chỉ chắp tay cúi đầu đảnh lễ và vấn an sức khỏe của Thầy vài câu rồi lui ra vì tôi biết Thầy không thích tiếp xúc với phụ nữ hơn 5 phút.

Trong lúc hàn huyên Thầy có hỏi thăm những vị lớn tuổi trước đây có sinh hoạt với chùa Bảo Quang. Chúng tôi có kể đến bác Anna Khiêm, vợ của bác cố Thiện Quang Trần Văn Quý nguyên là Bác Chi Hội Trưởng đầu tiên của Chi Hội Phật Tử Hamburg. Hiện nay bác Anna Khiêm đang mang chứng bệnh nan y vừa qua 2 ca mổ. Bà là người Thiên Chúa Giáo, nhưng rất tôn trọng đạo chồng, biết hòa đồng tôn giáo. Trước đây bà thường cùng với bác Thiện Quang đi chùa lễ Phật; điều đặc biệt nhất là sau nhiều năm chồng mất, bà vẫn tiếp tục giúp đỡ những công tác từ thiện của nhà thờ; cũng như bà vẫn cúng dường xây chùa, giúp Chư Tăng Ni và ủng hộ từ thiện giống như hồi bác Thiện Quang còn sinh tiền. Bà quan niệm rằng „Cho đi là còn lại, cho đi là nhận lại“ nên nhờ đó có lẽ con cháu hưởng được nhiều phước báu do ông bà để lại. Nghe chúng tôi kể Thầy muốn đến thăm bà ngay, nhưng rất tiếc bà vắng nhà. Thầy ghi số điện thoại và hứa sẽ gọi cho bà sau.

blank

(Hòa Thượng và ĐĐ Thích Hạnh Giới đến thăm gia đình)

Hôm sau, bà Anna Khiêm kể cho tôi nghe: „Sáng nay chị được Thầy Phương Trượng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Chị vừa nói vừa khóc „chị vô cùng hạnh phúc và vui mừng đến độ không cầm được nước mắt. Chị nói: „Con xin đa tạ ơn Thầy đã nhớ đến con trong lúc con đau bệnh, Thầy có đến gần 5 – 7 ngàn đệ tử và không có nhiều thì giờ thế mà Thầy vẫn dành chút phước báu ban cho con…“. Rồi chị nói tiếp với tôi: „Thầy đúng là vị cao tăng đạo cao đức trọng, không phải ai cũng làm được như thế! Thầy là người có trí nhớ tuyệt vời và đầy ắp ân tình…“. Chị sung sướng gọi điện thoại kể vòng vòng cho các con và bạn bè nghe, cả những bạn đạo Thiên Chúa Giáo. Chị cảm thấy, Thầy đã đem lại cho chị một ân điển làm tăng thêm sức mạnh chống chọi với cơn bệnh. Đó tấm lòng Thầy là như thế. Tình thương của Thầy ban cho muôn phương bao la không giới hạn, chứ không phải như tin đồn „Thầy chỉ thương và quý những người có bằng cấp cao…“. Thật ra Thầy quan niệm „Tôi sẽ sống vì mọi người, hiểu và thông cảm cho tôi hay không thì cũng tùy hai chữ tùy duyên mà thôi“. Cũng như: „Trong cuộc đời này có nhiều người thương, nhưng không làm sao tránh khỏi kẻ ghen ghét, ganh tị được. Có lẽ nghịch duyên có từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay mới trổ bông“. Nhưng „Dầu khen hay chê tất cả cũng chỉ là sự tương đối và giả danh ở trong cuộc đời này mà thôi. Đi tìm cái tuyệt đối trong khắp thế gian này cũng sẽ không bao giờ có!“ (Pháp Ngữ, 2007).

Vào tháng 10.2013 chúng tôi gặp bà Lâm Tuyết là Tổng Thư Ký của Liên Hội Người Việt Canada, cũng là đồng Chủ tịch của Hội Bảo Tàng Thuyền Nhân Thế Giới tại thủ đô Ottawa, Canada. Bà là người có công vận động chính quyền Canada bảo lãnh 275 thuyền nhân Việt Nam cuối cùng bị kẹt lại gần 20 năm tại Phi luật Tân sang định cư tại Canada. Bà cũng được tặng thưởng Huy Chương Kỷ Niệm 60 năm trị vì cửa Nữ Hoàng Elizabeth II (Diamond Jubilee Medail) vào tháng 7.2012 tại Toronto và bà cũng nhận được Huy Chương People First Award của vùng Y Tế Calgary vì đã đóng góp xuất sắc những sáng kiến và tinh thần làm việc đồng đội trong công tác cũng như phục vụ dân chúng.

Trong lần gặp gỡ này tại thành phố cảng Hamburg, Đức Quốc, bà có gởi thư mời Thầy Thích Như Điển vào Ban Cố Vấn Quốc Tế của Hội Bảo Tàng Thuyền Nhân Thế Giới. Bà kể vào năm 1979, thời đó Thầy còn là Đại Đức cùng với Sư Ông Thích Minh Tâm sang tận Canada để thành lập chùa và truyền bá giáo lý Phật giáo đầu tiên. Hai Ngài đến vùng Montréal để hoằng pháp. Sau đó năm 1980 Thầy và Hòa Thượng Minh Tâm có đến thành lập cũng như lãnh đạo tinh thần cho chùa Quan Âm. Trước đó tại Montréal đã có chùa Liên Hoa và chùa Tam Bảo. Thời đó có một số sinh viên du học trước 75 có quen với một số Phật tử ở chùa Quan Âm, Ottawa và có mời Thầy đến lãnh đạo tinh thần. Sau này chùa Quan Âm do Thượng Tọa Trường Phước trụ trì nhưng mỗi năm Thầy vẫn được mời đến hoằng pháp.

Bà Lâm Tuyết còn tâm sự, đối với Phật tử Canada họ rất kính thương và quý trọng Thầy từ khi Thầy còn là vị Đại Đức trẻ. Ở Canada cũng có những vị Thầy tốt và giỏi, nhưng đối với Hòa Thượng Thích Như Điển là vị Thầy đặc biệt hơn- một vị Thầy „không biên giới“ và bà con ở Calgary xem Hòa Thượng như là một „huyền thoại“ vì đã hiểu rõ phát nguyện của Thầy là „… thể hiện lòng từ bi đến với tha nhân và dùng trí hiểu biết có được hướng dẫn tâm linh của mình và của người đi vào nẻo thiện“. Vì thế bà Lâm Tuyết và các vị trong Ban Chấp Hành muốn mời Hòa Thượng đến tham dự ngày lễ khánh thành Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Quốc Tế dự trù vào năm 2015.

Trong phần Lời Cuối của sách Dưới Cội Bồ Đề, Thầy có kể chuyện lạ đó là sự nhiệm mầu của đạo Phật. „Bình thường két rừng hay hoàng oanh, se sẻ, quạ, châu chấu, cào cào, Kangoorou ở rừng nó không dám đến gần người. Nhưng thời gian có các Thầy ở đó, mỗi sáng chim két thường hay đậu trên mái nhà liếc qua rồi liếc lại như tỏ ý biết nghe kinh, khi Thầy trở lại Đức, có cả 18 con bay lượn trước xe như để tiễn đưa các Thầy. Rồi năm sau Thầy trở lại núi đồi Đa Bảo, Úc châu thì những két ấy có màu sắc rất đẹp y như màu áo của Đức Phật A Di Đà mỗi sáng vẫn đến nghe kinh và trông có vẻ trìu mến lắm. Đến khi Thầy khởi đầu đi cũng có 3 con két thật đẹp vào tiễn chân Thầy và chú Hạnh Đức thật là bất khả tư nghì“.

Hàng Phật tử chúng tôi thật vô cùng xúc động khi đọc được những lời tâm nguyện của Thầy, và chỉ biết thành kính chắp tay cầu nguyện cho Thầy pháp thể khinh an để độ trì cho quần sanh: „Tôi nguyện mình là dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và nguyện mình là mặt đất để hứng chịu những sạch dơ của nhân thế“. Lời nguyện của Thầy đã đi vào lòng người. Đây chính là hai hạnh nguyện của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và hạnh nguyện của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cách cứu khổ của Ngài Quan Thế Âm là không phân biệt màu da ngôn ngữ. Cách cứu khổ của Ngài Địa Tạng là tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công oan ức thành một thế giới bình an.

Trong đời sống hằng ngày tôi cố gắng học theo Thầy

„Hãy yên lặng nghe những gì cần nghe và nói những gì cần nói“. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật có dạy „Dầu nói ngàn lời, nhưng không gì lợi ích, tốt hơn một câu có nghĩa nghe xong được tinh lạc“. Phật còn có dạy: „Trong 10 cái nghiệp của con người thì trong đó cái miệng đã chiếm bốn gần một nửa là vậy“:

1- Chuyện không nói có, chuyện có nói không,

2- Nói lời hung ác,

3- Nói lưỡi hai chiều,

4- Nói lời thêu dệt.

Khi về chùa Viên Giác tôi cũng được nghe Thầy Phương Trượng than rằng: „Có người đi chùa bòn từng chút phước, ngược lại có người đi chùa lại bòn từng chút tội!“. Thật đúng như vậy, tu cái miệng là tu nửa đời người.

Tôi cũng học được ở Thầy tánh nhẫn nhịn và lòng bao dung. Người ta muốn bôi nhọ Thầy, nhưng Thầy vẫn yên lặng, không tức giận, đôi khi Thầy lại cười nhẹ rồi Thầy bảo: „Người ta nói thì cứ nói, thời gian sẽ trả lời tất cả!“. Thầy đã dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

Trong năm 2012, có phái đoàn hoằng pháp Âu Châu đến giảng dạy cho Phật tử tại chùa Bảo Quang Hamburg. Lợi dụng những giờ nghỉ giải lao, một số học viên đã đến vấn an Thầy và nhờ Thầy giải thích thêm vài điểm chưa được thông suốt. Thầy hoan hỷ giải thích và tán thán tinh thần học đạo của bà con Phật tử địa phương. Chúng tôi nhận thấy Thầy hết sức vui vẻ và cởi mở khác với thái độ trang nghiêm trong giờ học hay trong khi làm việc.

Dịp này Phật tử Ngọc Huệ, tức chị Ba Kiệt ở Lüneburg, là một Phật tử thuần thành đã nhiều lần được nghe Thầy giảng pháp hay giảng dạy ở các khóa tu học, nhưng đây là lần đầu tiên chị được thưa chuyện với Thầy, nên chị vui sướng lắm. Dù ở xa chùa Bảo Quang Hamburg hơn 60 cây số, nhưng chị vẫn thường xuyên về công quả cho chùa trong những dịp lễ. Điều đặc biệt chị là người Việt gốc Hoa nhưng lại là độc giả trung thành của báo Viên Giác từ mấy mươi năm qua. Mỗi lần nhận được báo, chị tìm bài của Thầy Phương Trượng đọc trước. Chị cho biết nhờ đọc bài của Thầy mà chị hiểu thêm Phật pháp và biết thêm nhiều điều mới lạ ở các xứ khác.

blank

(Phật tử Ngọc Huệ và Diệu Thiện đang vấn an Thầy)

Đầu xuân Giáp Ngọ 2014 chúng tôi rất vui khi nhận được tập thơ Phương Hà do tác giả gởi tặng anh Phù Vân. Nhà thơ Phương Hà đang sống ở Bruxelles, Vương Quốc Bỉ. Năm nay anh đã ngoài 80. Tập thơ dày 400 trang xuất bản tại Hoa Kỳ là do những bạn bè thân thiết đã dành nhiều tình cảm quý mến cho anh để làm thành „Tập Thơ Phương Hà“.

Đây là 4 câu thơ trong bài „Có đến có đi“ sáng tác vào tháng 11, 12.2013:

Rồi mắt nhắm tay buông hồn thư giãn

Bởi bạn vàng thương tiếc gởi mang theo

Mà từ lâu mình cứ tưởng mình nghèo

Tình tri kỷ tri âm giàu vô hạn…

Anh nghĩ cuộc đời là vô thường, tuổi đã ngoài bát tuần không biết ra đi giờ phút nào nên anh muốn nhắn gởi với chúng tôi về người Thầy mà anh hằng kính phục. Chúng tôi mạo muội ghi lại một đoạn thư rất chân thành của nhà thơ muốn nhắn gởi đến Thầy Thích Như Điển.

Anh viết „Tập thơ ra đời cũng là cơ hội để tôi xin được tạ ơn Hòa Thượng Thích Như Điển- người Thầy tinh thần kính mến của tôi, cũng là đồng hương đồng quán xứ, Thầy ở Xóm Chùa, tôi Xóm Đình của làng Long Phước ngày xưa…

Cũng trên con đường tỉnh lộ về phía Tây độ 3 km có nhà thơ văn Trần Trung Đạo. Xa hơn độ 15 km là cố hương của anh Bùi Giáng…

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

Rượu hồng đào chưa nhắm đã say

Đêm nằm trên trán vắt tay

Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bậu theo.

(Ca dao xứ Quảng)

Thì ra là thế nên 35 năm trên xứ tuyết này, mỗi lần có văn nghệ bỏ túi Thầy chỉ muốn đóng góp ngâm nga bài „Cây đa chùa Viên Giác“ thơ của Trần Trung Đạo và bài thơ „Nhớ chùa“ của Hòa Thượng Thích Mãn Giác, bút hiệu Huyền Không.

Đọc qua những tác phẩm của Thầy cũng như nhìn thấy tận mắt cách hành xử của Thầy đối với đại chúng, nên tôi thấy có nhiều người lớn tuổi đã xác nhận và chọn Thầy là vị minh sư. Tôi cũng hiểu được Thầy là người luôn mang nặng ơn sâu nghĩa trọng, một bậc cao tăng thế mà vẫn luôn „Biết cảm ơn đời và nhớ ơn người“ cũng như trong Pháp Ngữ thầy viết: „Tôi không có lợi dụng ai hết, nhưng chỉ có lợi dụng thời gian để làm cho đời và đạo đẹp hơn mà thôi“.

*

Kính bạch Thầy,

Dù trước đây hơn 35 năm con đã quy y Tam Bảo ở Việt Nam, nhưng con chưa học được gì nhiều về Phật pháp từ Thầy Bổn Sư. Khi qua định cư ở Đức, gần 30 năm từ khi gặp Thầy con mới thực sự có dịp học hỏi những giáo lý căn bản của Phật giáo, nguyện tu sửa thân tâm mình để xứng đáng là người con Phật. Vì vậy trong thâm tâm con đã coi Thầy như là vị ân sư, một Thầy Bổn sư thứ hai của con vậy.

Kính bạch Thầy, con biết 50 năm hoằng dương Phật pháp của Thầy còn rất nhiều và nhiều người nhớ đến nữa… Riêng con luôn kính nguyện Chư Phật và Chư vị Bồ Tát gia hộ cho Thầy vô lượng an lạc, thêm 50 năm nữa tiếp tục hoằng pháp độ sanh để lèo lái con thuyền Bát Nhã đưa đàn hậu học chúng con đến bến bờ giải thoát.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Hamburg, mùa Phật Đản Pl.2558, tháng 4.2014

Phương Quỳnh (Diệu Thiện)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/12/2021(Xem: 7028)
Đêm qua mơ… viếng thăm Huyền Không Sơn Thượng. Rừng thông Vạn Tùng Sơn hùng vĩ bao quanh Thư pháp đình, Thuỷ Nguyệt Đàm đẹp như tranh Kiến trúc Việt Cổ mộc mạc mang dáng dấp xứ Huế !
23/12/2021(Xem: 4601)
Rõ ràng trước mắt mà không hay Tìm kiếm loanh quanh nhọc tháng ngày Ở giữa chân mày nhìn ngó thẳng Bên trong tự tánh hiển bày ngay Thong dong đừng cố tìm lao nhọc Tự tại chớ lười sợ trật sai Cứ thế thời thời luôn thức tỉnh An bình tĩnh tại ở nơi đây
22/12/2021(Xem: 6790)
Phật khi còn tại thế gian Thường ngày đi khắp xóm làng nơi nơi Với hàng đệ tử của ngài Để cùng khất thực với người thiện tâm Giúp cho người gieo hạt mầm Vào trong ruộng phước vô ngần tốt tươi.
22/12/2021(Xem: 6567)
Kinh thành Xá Vệ sáng nay Phố phường nhộn nhịp đông đầy người đi Ngược xuôi tấp nập ngựa xe Toàn người quý phái muốn khoe sang giàu, Áo quần sặc sỡ đủ màu Cửa hàng khách khứa đua nhau ra vào
22/12/2021(Xem: 3931)
Mỗi dịp Giáng Sinh về nhớ bài kinh Thiên Sứ Bài thứ một ba không (130) trong Trung Bộ Kinh Phật chỉ dạy rồi suy ngẫm ... giật mình Ai trên đời ... chẳng được 5 Thiên Sứ từng báo động
22/12/2021(Xem: 4453)
Một lần hội ngộ ... bậc thiện hiền đáng kính, Ánh mắt từ bi... đúng của bậc chân tu Ngượng mình phàm phu.... mắt điên đảo tối mù Tự than trách ...khó thoát đời kiếp lữ !
22/12/2021(Xem: 10187)
Trong các khóa tu dù ngắn hay dài hạn, chúng ta cần nên giữ sự yên lặng. Chúng ta cần phải thực tập cho kỳ được sự im lặng. Bởi "Im lặng" là một phương pháp tạo cho ta có thêm nguồn nội lực phong phú hùng tráng. Đó là một sức mạnh trọng đại của tâm linh. Im lặng không có nghĩa là chúng ta không được quyền nói. Ta được phép nói, nhưng chỉ nói trong giới hạn khi cần thiết. Và chỉ nói trong phạm vi ái ngữ, yêu thương và hòa kính. Không nên nói những lời có ác ý công kích chỉ trích phê bình, gây bất hòa tổn hại cho nhau. Nói trong sự ôn hòa nhỏ nhẹ từ ái.
22/12/2021(Xem: 7618)
Từ xưa, thi ca là nguồn cảm hứng của bao văn nhân thi sĩ. Xúc cảnh sanh thơ, phơi bày những tâm sự, gởi gắm tất cả những tâm tình rạt rào chứa đựng những bi thiết, những hoạt cảnh của những xã hội đương thời mà tác giả hiện sống. Những cảm tác ấy, dệt thành đủ màu sắc hương vị. Nó xuất phát từ những tâm hồn cao thượng tự chứng, hay những tâm hồn bình thường mang nặng mặc cảm tự tôn, tự ty, hoặc bất mãn theo từng nếp nghĩ. Tất cả, đều tùy theo quan điểm của mỗi thi nhân. Song cho dù diễn tả dưới bất cứ dạng thức nào chăng nữa, tựu trung, cũng nhằm nói lên chiều hướng xây dựng xã hội, làm đẹp con người và cuộc đời. Mọi sắc thái hiện tượng của vũ trụ như: mây, nước, trăng, sao, núi non, chim kêu, suối chảy v.v…đều là những gợi cảnh nồng nàn mà thi nhân đã gởi lòng hòa điệu.
19/12/2021(Xem: 4230)
Khẩy từ địa ngục thâm u Diệu âm Bát Nhã thiên thu vọng đời Thiền ca đốn tiệm không lời Kim cang uy dũng chuyển dời núi non
16/12/2021(Xem: 8502)
A Di Đà kinh có dạy : “ Chúng sanh đời mạt pháp khó lòng tin tưởng “ Nên Thế Tôn từ bi khuyên trì niệm Hồng danh Sáu chữ nhất tâm ... đều được vãng sanh Tín thọ phụng hành, Chư thiên, Phi Nhân khen ngợi !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]