Hãy Để Tâm An Tĩnh
Hôm ấy đạo sư có việc ở làng quê hẻo lánh và đưa đệ tử đi theo. Cả hai
đều cuốc bộ. Dọc đường, đạo sư bảo đệ tử tạm nghỉ chân dưới một tàn cây xanh um, như cái dù lớn che nắng trưa chói chang. Cách đó xa xa là một dòng suối nhỏ chắn ngang.
Đạo sư bảo : “ Thầy khát. Nhờ con lấy dùm thầy chút nước. “
Đệ tử mau mắn xách vò, thoăn thoắt bước tới con suối. Đến nơi, anh tần ngần nhìn dòng nước, rồi nhìn sang bên bờ kia. Bắt gặp một đàn bò còn ướt lông, hiểu ra cớ sự, anh quay lại gặp sư phụ, bộc bạch : “Thưa thầy, người ta mới vừa dắt bò qua suối. Nước bị quậy lên đục ngầu nên con không dám…”
Đạo sư ôn tồn : “ Được con. Vậy mình chờ một chút”.
Khoảng mười lăm phút sau, đạo sư bảo : “Lấy nước đi con!”
Đệ tử sốt sắng xách vò trở lại bờ suối. Anh thấy nước bớt đục hơn,
nhưng vẫn chưa thể dùng được. Lập tức quay về chỗ sư phụ, anh áy náy nói :
“Thưa thầy, cũng chưa uống được đâu ạ.”
Đạo sư mỉm cười : “Không sao, con. Mình chờ thêm một chút nữa.”
Rồi ngài xếp bằng, hai bàn tay để lên lòng, sửa dáng cho thẳng lưng,
lim dim đôi mắt, yên lặng dưỡng thân dưới bóng râm của tàn cây.
Khoảng nửa giờ sau, đệ tử ấy trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong veo, có thể nhìn thấu lớp sỏi dưới đáy. Anh rón rén bước xuống để khỏi khấy động, và cố lựa chỗ tốt nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng thầy.
Đạo sư đón lấy cái vò, nhìn vào rồi bảo “Con xem. Làm thế nào con có được chỗ nước trong trẻo, mát ngọt này. Thật ra con chẳng làm gì cả. Con chỉ cần kiên nhẫn đợi cho cặn cáu có đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Tâm con cũng thế. Khi tâm con nổi sóng, điên đảo, con đừng toan tính cách này cách kia để cố dẹp yên nó. Con hãy cho nó đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Nên khi con giận ai, con đừng thèm nghĩ tới họ nữa, đừng ráng tranh cãi hơn thua. Con hãy hướng tư tưởng con sang việc khác. Tốt nhất là con làm thinh, giả mù, giả điếc và kiếm một chỗ mà ngồi thở đều đặn, nhẹ nhàng. Con chỉ tập trung vào hơi thở mà thôi.”
Đệ tử đáp: “Thưa thầy, nhưng thường đang lúc tâm trạng bất bình thì con
lại không nhớ được cách để thoát ra !”
Đạo sư gật đầu : “Phải đó con. Thế nên chỉ sau khi phạm sai lầm xong rồi thì mình mới biết là mình sai lầm. Nhưng như thế vẫn còn khá hơn là không nhận ra sai lầm mình vừa mắc phải. Mỗi một trạng huống trong đời tu của con là một bài thi khảo sát trình độ tiến hóa tâm linh của con. Nhưng khi con ở vào trạng huống đó, thì con không hề nhớ là mình đang được thi, đang được thử thách. Đến khi kịp nhớ ra thì con đã thua mất rồi, thi rớt rồi !”
Tâm Ngôn
Trước Khi...
Trước khi định nói điều gì
Ta nên học hạnh nhu mì lắng nghe,
Trước khi chỉ trích, cười chê
Ta nên nhìn lại tự phê phán mình.
Trước khi nổi giận, bất bình
Ngồi nghe hơi thở lặng nhìn tự tâm.
Trước khi cầu nguyện. Âm thầm
nhủ lòng dung thứ lỗi lầm tha nhân!
Trước khi giọt nước mắt lăn
Biết dừng chân, kẻo ăn năn muộn màng.
Trước khi tính chuyện đá vàng
Thử mua dây.. tự buộc ràng xem sao!
Trước khi nói chuyện trời cao
Xem đi dưới đất bước nào chông chênh.
Trước khi ước vọng nhìn lên
Môt lần ngó xuống có thêm thương đời .
Trước khi mua sắm, vẽ vời
Phải chăng.. cám dỗ gọi mời rủ rê ?
Trước khi hẹn ước, nguyện thề
Vấn lòng xem có vẹn bề trước, sau.
Trước khi muốn bỏ cuộc mau
Nhớ tâm nhiệt huyết buổi đầu dấn thân.
Trước khi từ biệt dương trần
Sống Cho đi, thể tri ân cuộc đời.
Trước khi muốn thấy ai cười
Đầu tiên hàm tiếu trên môi nở chào.
Trước khi muốn nếm ngọt ngào
Tình thương dâng hiến, gửi trao thật thà
Trước khi muốn thoát Ta bà
Nhớ chân thành niệm Di Đà nhất tâm.
Thích Tánh Tuệ
NGÓN ÚT
Những ngón tay lao xao
Tranh giành từng cấp bực
Ngón tay Giữa cao đầu
Bảo rằng tôi lớn nhất
Thôi đi anh trật lất
Ngón tay Trỏ cất lời
Tôi mới là quan trọng
Sai sử mọi việc đời
Chẳng phải đâu Ông ơi !
Tôi mới là chủ yếu
Ngón tay nhẫn đời người
Thiếu tôi ai lo liệu
Ngón tay Cái không chịu
Tất cả nói sai rồi
Tôi mới là số một
Sức mạnh về tôi thôi
Từng ngón tay cứ thế
Chẳng ai chịu ngường ai
Chỉ ngón Út lặng lẽ
Nhìn các anh thở dai
Khi bàn tay chấp lại
Trang nghiêm trước Phật Đài
Ngón Út đứng trước cả
Đối diện cùng Như Lai
Thích Tánh Tuệ