Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ

06/02/201407:23(Xem: 17825)
Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ

Thanh_Am_Cuoc_Lu


Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ

Của Nhà Thơ Hàn Long Ẩn

Huỳnh Kim Quang


Con người tiếp cận, cảm thọ và nhận biết cuộc đời và thế giới chung quanh qua sáu phương cách như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, và thức nhận biết các pháp. Trong sáu phương cách đó, trừ thức là phương cách không cần trực tiếp với đối tượng ngoại giới, thì tai nghe tiếng là tiện lợi nhất, bởi vì tai có thể nghe được tiếng từ rất xa và không bị ngăn ngại nhiều như bốn cách còn lại kia.

Cũng chính vì vậy mà khi đức Phật nhờ chọn pháp tu tiện lợi cho đại chúng trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, Bồ Tát Đại Trí Văn Thù không ngần ngại chọn ngay pháp môn nhĩ căn viên thông của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhĩ căn viên thông là nghe thấu suốt các thứ tiếng của vạn vật bên ngoài, như tiếng người, tiếng thú, tiếng yêu, tiếng ghét, tiếng khổ, tiếng vui; rồi tiếng từ nội tâm bên trong, như tiếng tham, tiếng sân, tiếng si, và cả đến tiếng vô thanh nữa. Tất cả những thứ tiếng đó đều là thanh âm của cuộc lữ.

“Người cưỡi gió qua bờ sông sanh tử

Nghe thanh âm vang vọng ở quanh mình

Có tiếng khóc vô thanh sầu cuộc lữ

Giọt lệ buồn khép chặt mộng bình sinh…”

(Hàn Long Ẩn, Thanh Âm Cuộc Lữ)

Diện mạo của quán trọ cuộc đời và thân phận của khách lữ hành muôn đời vẫn thế, vẫn là vòng xoáy sanh tử chập chùng và nỗi buồn da diết, dù cho lữ khách chỉ ghé qua một lần hay trở lại cả ngàn lần thì cũng thế. Cho nên, đức Phật mới dạy rằng đời là khổ. Và nhà thơ Lý Bạch đã có lần thốt lên:

“Sinh vi quá khách

Tử vi quy nhân

Thiên địa nhất nghịch lữ

Đồng bi vạn cổ trần.”

(Sinh là khách qua đường, chết là người trở về, trời đất là quán trọ, cùng thương xót hạt bụi ngàn năm.”

Cảm nhận về thanh âm cuộc lữ là thế, và ai cũng có thể cảm nhận được, chỉ là cạn hay sâu, bi lụy hay tự tại thì còn tùy căn cơ và hoàn cảnh từng người. Nhưng mang thanh âm cuộc lữ vào thế giới ngôn ngữ thi ca thì không phải dễ. Khó ở chỗ là làm sao không đánh mất, không làm phai nhạt bản chất nguyên sơ của thanh âm cuộc lữ trong cõi ngôn ngữ thi ca, để cho người đọc cảm nhận như chính họ đang sống thực với thanh âm cuộc lữ ngoài đời. Muốn được vậy thì nhà nghệ thuật phải có đủ bản lãnh biến ngôn ngữ thi ca thành chính thanh âm cuộc lữ như thực. Nhà thơ Hàn Long Ẩn đã làm được điều đó một cách tuyệt vời.

Thật ra không có tiêu chuẩn khách quan nào cho bài thơ hay. Cùng một bài thơ có thể có nhiều cảm nhận khác nhau tùy theo người đọc. Điều quan trọng không thể thiếu nơi một bài thơ là cái chất rung cảm lòng người của nó, giống như khi những ngón tay lướt trên phím đàn thì cung bậc rung lên thành âm ba vi diệu chạm đến tận đáy sâu tâm thức người nghe.

Bốn mươi tám bài thơ trong tập Thanh Âm Cuộc Lữ của nhà thơ Hàn Long Ẩn là bốn mươi tám cung bậc làm rung động lòng người khi chạm đến. Tôi đã trải qua cảm nhận lý thú này khi đọc đi đọc lại bốn mươi tám bài thơ của nhà thơ Hàn Long Ẩn trong tập thơ Thanh Âm Cuộc Lữ.

Quả thật vậy, đọc bài nào trong bốn mươi tám bài thơ của tập thơ Thanh Âm Cuộc Lữ, tôi cũng nghe vang lên âm ba của cuộc tồn sinh. Bốn mươi tám bài thơ trong tập Thanh Âm Cuộc Lữ chuyên chở đầy đủ những thanh âm của cuộc đời, từ tiếng khóc đến nụ cười, từ tình mẹ, tình yêu, tình người, tình đạo, đến tiếng nói trước khi giã từ cuộc chơi. Những thanh âm ấy không đơn điệu hay dập dìu một cung bậc mà biến hóa vô lượng, có lúc trầm xuống tận vực sâu của cuộc đời khổ lụy, có khi cao vút đến cõi bao la không cùng của tâm linh giải thoát. Xin hãy đọc bài thơ Thanh Âm Cuộc Lữ để nghe âm ba của cuộc đời ra sao.

Thanh Âm Cuộc Lữ

Người cưỡi gió qua bờ sông sanh tử

Nghe thanh âm vang vọng ở quanh mình

Có tiếng khóc vô thanh sầu cuộc lữ

Giọt lệ buồn khép chặt mộng bình sinh

Và đâu đó nụ cười chưa hé nụ

Bỗng vụt tan trên khóe miệng rưng rưng

Ai gào thét trong đêm dài lịch sử

Là hồn ma hay tiếng gọi non sông?

Những giai điệu phù du kiếp sống

Mãi dật dờ trong máu óc tim gan

Ta chối bỏ trần gian ảo mộng

Mà vẫn nghe...

Ray rứt...

Bến trăng ngàn...

Dù biết thanh âm cuộc lữ chỉ là giai điệu phù du của kiếp sống, nhưng một khi đã qua bờ sanh tử thì không thể nào xem như không, bởi lẽ trên bình diện tục đế, các pháp chẳng phải hoàn toàn không, giống như người nằm mộng thì cảnh trong mộng vẫn là thực. Bài thơ Như Vết Chim Bay trong Thanh Âm Cuộc Lữ nói lên ý nghĩa này.

Như Vết Chim Bay

Từ vô thỉ ta về trong cõi tạm

Thở hơi người mơ một giấc mơ chung

Rồi lặn ngụp trong vũng sầu ảo não

Nụ cười đâu mà giọt lệ khôn cùng?

Ừ, cuộc mộng, vì đời không thực có

Ừ, trần gian, dâu bể chẳng phải không

Tay xếp lại niềm chung riêng một xó

Thả hồn mình lơ lửng giữa mênh mông.

Ta tự ví tấm thân này bé bỏng

Đến và đi như những vết chim bay

Còn lại gì bên dòng sông tĩnh lặng?

Mộng trăm năm là mộng giữa ban ngày.

Có thể chúng ta đã biết cuộc đời này là mộng, nhưng trong cuộc sống thường nghiệm thì chúng ta lại hành xử như mọi thứ đều là thực. Chẳng phải vậy sao? Chúng ta luôn luôn chạy theo sự thôi thúc của tham, sân, si, cho nên, được thì mừng, mất thì khổ, khen thì vui, chê thì ghét… Nguyên do cũng vì chúng ta cho rằng được, mất, khen, chê đó là thực, không phải mộng. Nhưng thực ra tất cả đều là mộng, bởi vì “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán.” Đó là lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Tại sao chúng ta đang thức, đang tỉnh táo như thế này mà bảo là mộng? Tại sao chúng ta đang sống trong cảnh thực, biết đói để ăn, biết khát để uống, biết đau, biết buồn, biết khổ, biết tối ngủ và sáng thức dậy, mà bảo là mộng? Như thế phải chăng chúng ta đang nằm mộng giữa ban ngày? Đó là công án lớn của đời người.

Vậy thì thanh âm cuộc lữ là gì trong cõi mộng trăm năm này? Xin hãy nghe nhà thơ Hàn Long Ẩn gõ nhịp ngôn ngữ thi ca mà hát nghêu ngao trên đỉnh cô phong thì sẽ rõ.

Hát Trên Đỉnh Cô Phong

Cất tiếng hát trên Cô Phong tuyệt đỉnh

Dắt mây về hội tụ giữa ngàn sao

Ta nhấn giọng gọi mùa thu trở lại

Chiếc lá nào bay chấp chới trên cao.

Nghêu ngao hát mà Tào Khê cuồn cuộn

Gánh phồn hoa, ôi sinh tử triền miên

Thì xin hỏi cọng lau bên bờ suối

Cuộc đi này còn dâu bể chung chiêng?

Đi đi nữa cho dài thêm cuộc lữ

Hát hát lên vang vọng bản trường ca

Dẫu ngày tháng vẫn hanh hao niềm cũ

Cõi ân tình đọng mấy giọt sương sa.

Ta làm kẻ tiều phu quên ngày tháng

Hát rong chơi bên dốc đá rừng cây

Từ hố thẳm dội lên lời âm vọng

Bản lai về diện mục ở đâu đây!

Cõi ân tình mà cũng chỉ là mấy giọt sương sa thì ngôn ngữ thi ca sao không phải là âm vọng dội lên từ hố thẳm! Hố thẳm là phạm trù triết lý vừa chuyên chở ý nghĩa của bản thể học, vừa mô tả diện mạo đích thực của hiện tượng luận mang sắc thái hiện sinh mà một thời làm sôi động sinh hoạt văn học nghệ thuật trên trường thế giới, và cũng vừa minh họa thực tướng vô tướng của vạn hữu bằng ngôn ngữ loài người. Một khi đã nghe tiếng vọng từ hố thẳm thì khách lữ hành không còn cách xa mấy với bản lai diện mục rồi. Có lẽ vậy. Mà biết đâu chừng ngay dưới chân của gã tiều phu quên ngày tháng kia lại chẳng là bản lai diện mục!

Trong cõi nhân gian tương đối, có con đường nào mà không dẫn đến điểm tận cùng, cũng như có cuộc sống nào mà không là sinh, già, bệnh, chết. Cuộc lữ ra đi trong cõi tử sinh mộng ảo rồi cũng có lúc phải quay về. Với nhà thơ Hàn Long Ẩn, cuộc lữ là cuộc chơi. Vốn biết là cuộc chơi cho nên, nhà thơ rất thản nhiên tự tại từ lúc đến cho tới lúc đi.

Lúc đến thì:

“Từ vô thỉ ta về trong cõi tạm

Thở hơi người mơ một giấc mơ chung.” (Như Vết Chim Bay)

Còn lúc đi thì:

“Trước khi về huyệt mộ hoang

Gửi nhân gian lại mấy hàng cho vui

Ừ thôi, là thế! Cuộc chơi

Ta yên ngủ giữa trùng khơi gió ngàn.” (Trước Khi Về)

Chắc hẳn đó chỉ là lời dự tri cho hành trình của cuộc lữ mà chưa là đích đến hiện thực, vì nhà thơ Hàn Long Ẩn còn trẻ lắm và Thầy còn tiếp tục làm thơ cho chúng ta đọc.

Mấy lời tán dương và cảm tạ nhà thơ Hàn Long Ẩn đã cống hiến cho nền thi ca Việt những bài thơ hay.

Xin trân trọng giới thiệu cùng người đọc tập thơ Thanh Âm Cuộc Lữ của nhà thơ Hàn Long Ẩn.

Cali, những ngày vào đông 2012.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2010(Xem: 23506)
Ẩn tu nào phải cố xa đời! Mượn cảnh u-nhàn học đạo thôi! Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi.
03/11/2010(Xem: 8515)
Để tạ ơn Tất cả chúng sinh là cha mẹ của tôi, Tôi thực hành tâm linh ở nơi này. Nơi chốn này như một hang ổ của những dã thú hung dữ; Trước cảnh tượng này, những người khác sẽ bị kích động đến độ phẫn nộ. Thực phẩm của tôi thì giống như thức ăn của những con heo và chó; Trước cảnh tượng này, những người khác sẽ phải xúc động đến độ nôn mửa. Thân thể tôi như một bộ xương; Trước cảnh tượng này một kẻ thù hung dữ sẽ phải khóc than.
02/11/2010(Xem: 11840)
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn từ núi lạnh đến biển im muôn thuở Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan Cười với nắng một ngày sao chóng thế Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ Bụi đường dài gót mỏi đi quanh Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
31/10/2010(Xem: 9138)
Giấc đời tỉnh hạt mù sương Chim về bên cửa Phật đường nghe kinh. Mới hay từ buổi vô tình Sắc-Không nào chẳng không hình huyển như.
29/10/2010(Xem: 11592)
Thơ Trong Tuyển Tập Thơ Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn) (Trích trong Đường Về Minh Triết; 1989-2005; NXB Văn Nghệ, 2007) --- * Nghìn Câu Thơ Tài Hoa Việt Nam (Bản tái bản lần 4; NXB Hội nhà văn, 2013) Không Đề Chất chứa những cằn nhằn Hồn lô nhô sỏi đá!... Chút lặng thầm hỉ xả Sỏi đá dậy hồn thơ…
29/10/2010(Xem: 9961)
May I be free from enmity and danger, May I be free from mental suffering, May I be free from physical suffering
28/10/2010(Xem: 13898)
Một thương chú tiểu dễ thương Hai thương chú tiểu chọn đường đi tu Ba thương sớm tối công phu Bốn thương chú học và tu đàng hoàng Năm thương chú tiểu nhẹ nhàng Sáu thương chú tiểu đoan trang nụ cười
23/10/2010(Xem: 11825)
Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng này đã rời ngôi vua, và vài năm sau trở thành một nhà sư và đã để lại một di sản Thiền Tông bây giờ vẫn còn phát triển để trở thành dòng Thiền lớn nhất tại Việt Nam. Ngài tên là Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của Nhà Trần và là vị sáng lập Dòng Thiền Trúc Lâm.
22/10/2010(Xem: 15011)
Vào khoảng các năm 1972–1974, Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, thường được Tăng Ni-Phật tử gọi cung kính gần gũi là “Ôn Già Lam”, đang trong thời gian dài hoằng pháp tại Nha Trang và các tỉnh miền Trung, Ôn tạm an trú trên chùa Hải Đức, nơi có Phật học viện Trung Phần, trên ngọn đồi Trại Thủy. Khoảnh vườn và thềm hiên phía trước tịnh thất của Ôn dần dà trở thành một hoa viên nho nhỏ với nhiều cây cảnh hoa lá đẹp lạ, là nhờ ở bàn tay chăm sóc thương yêu của một vị cao tăng đức độ nhân từ.
21/10/2010(Xem: 10428)
Bướm bay vườn cải hoa vàng , Hôm nay chúng ta cùng đọc với nhau bài Bướm bay vườn cải hoa vàng. Bài này được sáng tác trước bài trường ca Avril vào khoảng năm tháng. Viết vào đầu tháng chạp năm 1963. Trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng chúng ta thấy lại bông hoa của thi sĩ Quách Thoại một cách rất rõ ràng. Đứng yên ngoài hàng dậu Em mỉm nụ nhiệm mầu Lặng nhìn em kinh ngạc Vừa thoáng nghe em hát Lời ca em thiên thâu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]