Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Chuyện Chim Cút, Chuyện Khỉ Vượn

26/11/201320:45(Xem: 33761)
25. Chuyện Chim Cút, Chuyện Khỉ Vượn
mot_cuoic_doi_tap_4
Chuyện Chim Cút,
Chuyện Khỉ Vượn


Hết mùa mưa, những con chim trong khu rừng này chuẩn bị cất cánh tung bay thì gia chủ thương buôn Udaya phương xa trở về. Ông vô cùng hối hận không cung cấp, hộ độ vật thực như lời thỉnh cầu, để cho đức Phật và tăng chúng bị đói suốt mấy tháng qua.

Thấy đức Phật và tăng chúng ai cũng an nhiên và thanh thản không trách cứ ông lấy một câu, ông mới cảm thấy rõ ràng, giáo pháp thoát khổ đã lặn sâu vào trong những con người kỳ diệu này. Nó còn tỏa ra nơi dung sắc, nơi thái độ, nơi cử chỉ khiến cho không gian môi trường, chỗ họ sống, ở, nơi nào cũng ấm áp, mát mẻ và thanh bình.

Ông chảy nước mắt khi quan sát đức Phật và tăng chúng sống qua suốt mùa mưa ở dưới những cội cây không có cả một tiện nghi tối thiểu! Những bài pháp chân thực và sống động đang diễn ra trước mắt khiến ông quỳ sụp xuống, đảnh lễ và xin sám hối một lượt nữa. Sau đó, ông trân trọng thỉnh mời đức Phật và hội chúng đến tại tư gia để ông được đặt bát cúng dường vào ngày mai.

Đức Phật im lặng nhận lời. Đêm lưu trú cuối cùng ở đây, đức Phật giảng nói cho chư tăng nghe, là chư Phật quá khứ thường cho làm những cuộc lễ trước khi vào mùa an cư và sau khi hết mùa an cư. Nay vì một bộ luật đầy đủ chưa hình thành, vì nó sẽ từ từ hình thành trên lộ trình du hóa, nên chư tăng chỉ cần ngồi chồm hổm bên nhau, từng hai vị một để sám hối những tội mà mình đã vi phạm do thân khẩu ý bất tịnh, do cố ý hay do vô tình. Vị nhỏ hạ sám hối với người cao hạ và ngược lại, giống như mỗi tháng hai kỳ tại các tịnh xá.

Hôm sau, ông bà-la-môn Udaya-Verañjā và gia đình tổ chức một buổi cúng dường trọng thể với vật thực thượng vị trân quý. Hai vị đại đệ tử nhắc chừng mọi người nên thọ dụng chừng mực, vừa phải vì dễ sinh tháo dạ hoặc bội thực vì vừa trải qua nhiều tháng “bụng không ruột trống”!

Thấy ai nấy thọ thực đã xong, ông bà-la-môn quỳ xuống dâng cúng đức Phật một bộ tam y quý giá và chư tăng năm trăm vị là năm trăm bộ y như thế. Đức Phật thuyết một thời pháp khích lệ, trấn an, tăng trưởng đức tin cho toàn thể mọi người trong gia đình rồi cùng với hội chúng lên đường.

Lần này đức Phật đi chậm hơn, như đi để thư giãn, nghỉ ngơi vì ai cũng đeo mang thêm một bộ y mới, nặng và vì vừa ăn no. Thấy thị giả Meghiya ôm mang đồ đạc khá nhiều, tôn giả Ānanda sớt bớt cho ông ta một ít.

Đức Phật không trở lại khu rừng cũ mà theo bờ bắc con sông, đi mãi, đi mãi. Nhờ sau mùa mưa, đất trời mát mẻ, đức Phật và hội chúng như vừa đi vừa du ngoạn. Lộ trình có vẻ xa xôi này, đức Phật không ghé Soreyya, Saṅkassa, Kaṇṇakujja(1)mà tại bến Payāgatittha, ngài qua sông Gaṅgā rồi xuống Bārāṇasī.

Trên đường đi hoặc tại những chỗ dừng chân, đức Phật thường có một số pháp thoại tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng chư tỳ-khưu trẻ. Ví như hôm ấy, lúc đi qua một đám đất mới cày, thấy có mấy con chim cun cút nô đùa, rượt đuổi nhau, đức Phật quay sang hỏi Rāhula:

- Này Rāhula! Mấy con chim cun cút kia trông có vẻ bình yên, thoải mái quá nhỉ?

- Tâu vâng!

- Tại sao chúng có được sự bình yên và thoải mái ấy, Rāhula có biết không?

- Vì đấy là quê hương, là trú xứ của gia đình chúng, bạch đức Thế Tôn!

- Là trú xứ của chúng! Hay lắm! Đức Phật khen ngợi như thế rồi nói tiếp - Rāhula biết không? Thuở xưa, ở ngọn đồi trước mặt, có một con cun cút bị một con chim ưng cái vồ bắt, nó than khóc như sau: “Ôi! Thật là đau xót cho tôi, là bất hạnh cho tôi, khi tôi đã không biết nghe lời cha khuyên, mẹ dạy! Nếu tôi mà nghe lời cha mẹ dạy bảo thì bà làm sao mà chụp bắt tôi được?” Chim ưng cái nghe vậy, ngạc nhiên hỏi: “Thế cha mẹ ngươi dạy làm sao?” Chim cút đáp:“Đừng có đi chơi xa, này con! Lúc nào cũng chỉ nên quanh quẩn nơi quê hương của mình, nơi trú xứ của mình thì suốt đời con sẽ được an toàn!” Chim ưng cái bất giác tò mò:“Vậy thì quê hương của ngươi, trú xứ của ngươi ở đâu, có thể chỉ cho ta xem với không?” Chim cút đáp:“Nơi chỗ đám đất vừa mới cày kia là chỗ an toàn của tôi đó!” Chim ưng cái nói:“Thôi được rồi! Nếu ta thả ngươi tại đám đất mới cày ấy, ngươi sẽ được an toàn chăng?” Chim cút gật đầu mạnh mẽ:“Nhất định rồi! Không những tôi sẽ được an toàn mà tôi còn có khả năng thách đấu ngang tài, ngang sức với bà nữa đó!” Nghe chọc tức, với sức vóc như thế mà đòi đánh, đòi đấm, chim ưng cái mang chim cút thả xuống đám đất mới cày:“Hãy đi, này oắt con! Lần này ta sẽ không tha mạng cho ngươi nữa đâu! Mày chạy đằng trời, ta cũng vồ chụp được!” Khi được thả ra, chim cút đứng trên một hòn đất cao, cất giọng thách thức: “Này bà! Có gan thì hãy đến đây! Hãy chiến đấu với ta!” Tức giận tràn hông, chim ưng cái lấy tất cả sức mạnh bình sinh, xếp xuôi đôi cánh rồi lao vút xuống mô đất. Trong lúc ấy, con chim cút khôn ngoan đã vội lẻn xuống, núp sâu dưới một khe đất. Thế là do sức lao quá mạnh, chim ưng cái va phải hòn đất cứng, bị bể ngực và chết liền tại chỗ!

Kể chuyện xong, đức Phật ngồi nghỉ dưới một cội cây rồi kết luận:

- Này chư tỳ-khưu! Con chim cun cút vì đi ra khỏi phạm vi giới hạn của mình, không phải là chỗ của mình, là chỗ của người khác, không phải là hành xứ của mình, trú xứ của mình nên sẽ gặp nhiều hiểm nguy, bất trắc. Chính đám đất cày mới là quê hương, là ngôi nhà cha mẹ, là trú xứ an toàn của con chim cun cút.

Cũng vậy, nơi chỗ không an toàn, nơi chỗ nhiều bất trắc, hiểm nguy của những tỳ-khưu sống trong giáo pháp của Như Lai chính là phố thị, làng mạc, thôn ấp, chợ búa, nơi có những sắc tướng, những âm thanh, những mùi vị... hấp dẫn, mê ly, khả ái, khả lạc... Chỗ ấy là mồ chôn tỳ-khưu, là vực thẳm của tỳ-khưu, là nguyên nhân khổ thú, đọa xứ của tỳ-khưu! Vậy hãy trở về núp trốn nơi trú xứ của mình, quê hương của mình, ngôi nhà cha mẹ của mình. Ấy là tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác. Ấy là tứ niệm xứ, là quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp, này chư tỳ-khưu!

Bài thuyết giáo của đức Phật gây những xúc động cực mạnh. Chợt nhiên, ai cũng có cảm giác là mình phải sống đời thu thúc, gìn giữ thân khẩu ý nhiều hơn nữa, đừng lỡ dại rong chơi vào nhưng nơi chốn không phải là của mình.

Chưa thôi, khi dừng chân tại một ngôi rừng có nhiều khỉ vượn, có bóng dáng, dấu tích của người thợ săn qua lại, đức Phật lại kể chuyện khác:

- Này chư tỳ-khưu! Có một loại bẫy sắt cột chặt vào gốc cây, bên trong, thợ săn đặt những mồi ăn thơm ngon cùng một loại nhựa đặc chế để bẫy khỉ vượn. Chú khỉ, vượn nào khôn ngoan, ít tham ăn, thì nó đứng quan sát một hồi, thấy có vẻ hiểm nguy thì nó tránh xa. Còn chú vượn khỉ nào ngu si, tham ăn, thấy thức ăn ngon là thò tay vào chụp, thì bàn tay liền bị dính vào đấy. Nó nghĩ:“Ta sẽ gỡ bàn tay ra”. Thế là bàn tay thứ hai bị dính luôn.“Ta sẽ gỡ cả hai bàn tay”. Nó giơ bàn chân vào nắm lấy, thế là cái chân cũng bị dính. Nó lấy bàn chân còn lại để gỡ thì cái chân kia cũng bị dính luôn. Cuối cùng, nó dùng miệng thì cái miệng nó cũng cùng chung số phận...

Này chư tỳ-khưu! Thế là chú khỉ, vượn ngu si, tham ăn kia bị dính một lúc năm chỗ, rơi vào bất hạnh, rơi vào thống khổ, nằm thành một đống, một cục, giao phó sanh mạng mình cho thợ săn muốn làm gì đó thì làm. Nó rên rỉ, nó than khóc, nó hối hận mình đã si mê, ngu dại tham ăn nhưng đã muộn rồi! Người thợ săn lấy dây túm buộc nó, mang về nhà, đâm chết nó rồi nướng nó trên đống than củi cháy lèo xèo, trở thành món ăn thích khẩu cho vợ chồng, con cái gia đình người thợ săn!

Cũng vậy, này chư tỳ-khưu! Hãy sống với trí tuệ để nhìn ngắm mọi sự, mọi vật. Hãy dè chừng những hiểm nguy, những bẫy sập đến từ thế giới sắc tướng, âm thanh... cùng những vị ngon, vị ngọt của chúng. Bao giờ cũng thấy biết như thật rằng vị ngọt là nguy hiểm, vì là nguy hiểm nên phải lìa khỏi chúng! Chớ để dính vào năm chỗ là sắc, thanh, hương, vị, xúc, vùng vẫy không được rồi nằm ở đấy thành một cục, một đống để cho ma vương túm lấy, buộc dây mang đi.

Hãy viễn ly tham. Hãy tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác. Hãy trở về nơi quê hương của mình, trú xứ của mình, nơi ngôi nhà an ổn, an toàn của cha mẹ mình, ấy là tứ niệm xứ, là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp vậy!



(1)Theo ngài Huyền Tráng - từ Saṅkassa đến Kaṇṇakujja dài khoảng 200 dặm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/10/2014(Xem: 13371)
Nói thiệt, tôi chẳng biết ông Lê Hựu Hà nghĩ gì khi viết bảy chữ này. Nhưng tôi đã xem đó như một đề nghị rất Phật giáo. Tôi chưa hề là một thiền sinh nghiêm túc, nói gì là thiền sư. Tôi chỉ là kẻ lãng du trong cõi Phật pháp và thỉnh thoảng ghé chơi dăm khu vườn văn nghệ như một cách nghỉ chân. Và chính bảy chữ đó của người nhạc sĩ họ Lê từ lâu đã là một khẩu quyết cho tôi những khi nghe, đọc, ngắm nhìn cái gì đó tình cờ bắt gặp. Chẳng hạn tôi đã yêu ca dao Việt Nam từ những lời rất lạ.
08/10/2014(Xem: 10897)
Chiều nay nắng ghé sân chùa Đậu lung linh đủ để vừa đề thơ Nắng vờn vạt áo thiền sư Hình như nắng thích phù du đường trần
07/10/2014(Xem: 10537)
Hạnh phúc thay khi Tăng già hòa hợp Cùng “Về nguồn” để “Hiệp Kỵ” vinh danh Bảy kỳ qua tố chức được viên thành Nay Pháp Bảo Úc châu kỳ thứ tám Chư Tôn Đức Tăng Ni đều đồng cảm Trông mong ngày hội ngộ để sẻ chia Những mưu toan áp lực muốn cắt lìa
07/10/2014(Xem: 10576)
Năm xưa ở nơi này, Đại chúng hội về đây, Lạc thành và Đại hội, Bốn chúng thật đủ đầy. Rồi cũng hai năm trước, Ghé thăm trước khi về, Mọi chuyện còn dang dỡ, Tuy nhiên cũng Ô-kê.
07/10/2014(Xem: 9915)
Tuyệt trần hoa nở chào đêm Vườn sau ứ rác nhũn mềm nhớp nhơ Trăng soi ma mị mập mờ Triêu dương tôi đón vần thơ nắng hiền.
06/10/2014(Xem: 12903)
Đêm mơ tôi hái được trăng Cài lên ngực áo lam vầng vàng hoe Mang trăng trên áo tôi về Ghim nơi áo trắng miền quê học trò Chập chờn bừng mắt giữa mơ Mẹ ngồi bên ánh đèn mờ cắt may
06/10/2014(Xem: 16296)
Thông thường, trong một tác phẩm văn học nghệ thuật, lời Tựa mở đầu bao giờ cũng được tác giả tự bộc bạch, thổ lộ, diễn bày rất cẩn trọng dài dòng, để người đọc dễ lãnh hội sâu vào nội dung tác phẩm đó, nhưng với Triều Nguyên thì lại hoàn toàn khác hẳn, khi viết Tựa cho tập thơ đầu tay Bay Đi Hạt Cát của mình, thi sĩ chỉ có một câu duy nhất, thật vô cùng giản dị : “Sa mạc buồn thương hạt cát bay đi…” Giản dị đơn sơ mà độc đáo, thể hiện một cốt cách đặc thù riêng biệt trên con đường sáng tạo, ngao du qua những phương trời ngôn ngữ thi ca quá mộng dập dìu.
04/10/2014(Xem: 9758)
Chân Tăng giảng lý Đạo suốt thông Đáp ân Phật Tổ trọn tấm lòng Khiến người hiểu thấu hành cách sống Hướng đường Giải Thoát bước thong dong.
04/10/2014(Xem: 10880)
Sau Bức Màn Mây Thả mây bay về núi đồi Thênh thang vùng trời Vô Niệm Còn nguyên đó dáng ai ngồi Nhìn hoa môi cười chúm chím
02/10/2014(Xem: 12596)
Đây là một bài thơ rất nổi tiếng của Kenji Miyazawa (1896-1933)*: Nhà phía đông có đứa trẻ ốm, Ta sang săn sóc, Nhà phía tây có bà mẹ gầy, Ta mang cho túi gạo, Nhà phía nam có người đang chết, Ta sang khuyên đừng sợ, Nhà phía bắc đang kiện cáo nhau, Ta sang can thôi bỏ đi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com