Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Kinh Hiền Ngu

26/11/201319:41(Xem: 25678)
12. Kinh Hiền Ngu
mot_cuoic_doi_tap_4
Kinh Hiền Ngu
(Bālapaṇḍitasuttaṃ)


Tôn giả Sāriputta nhận thấy bây giờ chư tăng quá đông, thánh phàm lẫn lộn. Những chuyện xảy ra như ở Kosambī, hai nhóm tỳ-khưu Paṇḍuka và Lohitaka ở Jetavana, hai nhóm tỳ-khưu Assaji và Punabbasuka ở Kiṭāgiri, dường như đã làm mất đức tin cho nhiều người. Vừa rồi lại chuyện tỳ-khưu Sudhammā nữa. Đằng sau những hiện tượng ấy là tâm địa của chúng. Những tâm địa chưa được tẩy sạch tham sân, phiền não kéo theo rều rác danh lợi, bản ngã, ngũ dục đã làm ác uế, ô tạp giáo pháp thanh tịnh. Nguy hại nhất là những kẻ sơ tu, đức tin đang còn non yếu sẽ bị lung lay hoặc bị lây nhiễm.

Đem ưu tư ấy bạch Phật thì được ngài hỏi lại:

- Hàng sa-môn sơ tu, hậu học bị lây nhiễm? Đúng rồi! Nhưng tại sao mà chúng lại bị rủ rê, kéo bè, kéo lũ, họp phe, họp nhóm, không phân định được tốt xấu, phải trái như thế? Lý do là bởi đâu, ông có biết không?

- Lý do là họ không phân biệt được kẻ tốt, người xấu, kẻ nên thân cận và người không nên thân cận.

- Đúng rồi, này con trai! Bây giờ, ông hãy cùng Moggallāna thông báo rộng rãi tất thảy tăng ni tại Sāvatthi để Như Lai thuyết một thời pháp quan trọng, nói về kẻ tốt, người xấu, người hiền, kẻ ngu ấy. Việc thứ hai là sau đó, hai ông phải thu xếp một hội chúng chừng năm trăm vị, trong đó có Ānanda, Nanda, Rāhula cùng thị giả Nigāta để cùng xuôi đông với Như Lai. Mùa mưa sắp tới, Như Lai không an cư ở đây, có lẽ tại đâu đó gần địa phận Vesāli, Māgadha hoặc Aṅga!

Thế là một hội chúng đông đúc chưa từng có được nhóm họp tại đại giảng đường chùa Jetavana, tràn ra khắp mọi hướng. Rồi đức Chánh Đẳng Giác, cất giọng phạm âm với tám tuyệt hảo như một trận mưa pháp đổ xuống không gian, vườn rừng, mặt đất và tâm địa học chúng đang khao khát, tầm cầu sự thật.

- Này, chư tăng ni đại chúng! Chiếc xe chuyển pháp của Như Lai đang chở nặng bảy học chúng; ở đấy, ngoại trừ những bậc lậu tận, những vị đã vào dòng; số còn lại thì lẫn lộn kẻ tốt, người xấu, bậc trí, kẻ ngu rất là phức tạp, rất khó nhận diện. Vậy làm sao để phân biệt? Hành tướng của kẻ xấu, người ngu như thế nào? Hành tướng của người tốt, bậc trí như thế nào?

Này, đại chúng! Một quốc gia muốn ổn định trật tự cho nhân sinh và xã hội thường có cái được gọi là cán cân công lý. Cái cán cân ấy sẽ lấy làm tiêu chuẩn, làm thước đo để phân biệt người xấu ác, kẻ gian ngoa để theo đó mà sửa trị, định tội án. Những người bán hàng họ thường có những dụng cụ đo lường để biết mà định giá. Họ có cái thưng, cái đấu, có những cân to, cân nhỏ, càng nhỏ thì dùng để cân ngọc, cân vàng, cân bạc. Những dụng cụ đo lường kia chính là tiêu chuẩn giá trị quy ước với nhau.

Này chư vị! Giáo pháp của Như Lai cũng có những thước đo, những tiêu chuẩn tương tợ vậy để phân biệt đâu là kẻ xấu ác, kẻ ngu si, người lành tốt và bậc trí hiền. Hãy nghe! Như Lai sẽ giảng nói.

Thế rồi, thời pháp hôm ấy đức Chánh Đẳng Giác đã dùng ngọn đèn trí tuệ cực sáng soi chiếu cho đại chúng thấy chân tướng, nhân và quả của hai hạng người kể trên để sống, để nhận diện cho khỏi lầm lạc, cho khỏi thấy sai, hiểu lệch.

Đầu tiên là kẻ xấu ác, người ngu. Chúng có ba đặc tướng, ba đặc điểm rất là rõ ràng, chân xác, ấy là suy nghĩ xấu ác, lời nói xấu ác và hành động xấu ác. Khi thấy một người có ba dấu hiệu ấy thì ta sẽ biết ngay, đây là kẻ xấu ác chớ không phải bậc trí hiền. Kẻ xấu ác ấy, ngay trong hiện tại này họ cảm thọ ba loại khổ ưu. Thế nào là ba?

Khi một người đã làm việc xấu ác như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, dối láo... thì tâm của người ấy luôn lo sợ, bất an, như lửa cháy ở trong lòng; đây là loại khổ ưu thứ nhất, người kia cảm thọ ngay trong hiện tại.

Những việc làm xấu ác ấy nếu bị mọi người phát giác, bị tội hình của luật pháp quốc gia thì sẽ như thế nào? Và người kia đã từng thấy có nhiều hình phạt khác nhau diễn ra trước mắt. Tội nhẹ thì bị đánh bằng roi, bằng gậy, bằng côn. Tội hơn thế một chút thì bị chặt tay, chặt chân, chặt cả tay lẫn chân, xẻo tai, cắt mũi. Tội nặng hơn thì bị hành phạt vạc dầu, hình phạt đốt tay, hình phạt lấy móc câu móc thịt, hình phạt cắt thịt thành hình đồng tiền, hình phạt tưới dầu sôi lên thân thể, hình phạt quăng tội nhân cho chó ăn, hình phạt đóng cọc lên thân, lên đầu, hình phạt lấy gươm chặt đầu... Chỉ mới nghĩ đến những hình phạt ấy, người xấu ác đã sợ hãi dựng cả tóc gáy, không rét mà run cầm cập; đây là loại khổ ưu thứ hai, người xấu ác phải chịu cảm thọ ngay trong hiện tại.

Từ khi làm việc xấu ác rồi, khi đi tới đi lui, khi ngồi nằm trên ghế, trên giường, những việc xấu ác kia cứ mãi ám ảnh người ấy, làm cho nặng nề tâm trí người ấy. Ví như, này chư vị! Vào những buổi chiều, khi con quạ đỏ ngã về tây, bóng của những đỉnh núi như treo đè, treo áp lên mặt đất; cũng tương tợ vậy, những việc xấu ác cứ mãi treo đè, treo áp lên người ấy. Với tâm đầy lo sợ, người ấy suy nghĩ: “Phải rồi, ta đã không biết làm những việc lành tốt, ta không biết sắm những chiếc áo giáp để ngăn chặn sự sợ hãi, ta đã làm những việc hung bạo, thất nhơn, ác đức, những việc xấu xa, tội lỗi, khi mạng chung, chắc chắn là ác thú, ác xứ, khổ xứ, đọa xứ, địa ngục sẽ chờ đón ta”. Vì suy nghĩ như vậy, người ấy rơi vào sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la... đôi khi rơi vào bất tỉnh. Đấy là loại khổ ưu thứ ba mà người xấu ác cảm thọ ngay trong hiện tại này.

Và quả đúng như vậy, này chư vị! Khi đã làm việc xấu ác với ba dấu ấn, ba đặc tướng rõ ràng là suy nghĩ ác, lời nói ác, hành động ác thì người ấy đã mở cửa ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục rồi. Mà nói đến địa ngục thì quả thật là tội báo cuối cùng, xứng đáng để dành cho những người cực độc ác, cực xấu ác, cực hung dữ, cực thô bạo, cực bạo tàn... Và có cả hằng trăm, hằng ngàn địa ngục kinh khiếp như vậy đang để dành cho người xấu ác.

Giảng đến ngang đây, đức Phật im lặng. Những người lành tốt thì cảm giác thân tâm mát mẻ, phỉ lạc. Những người đã lỡ làm việc xấu ác thì cảm giác thân tâm nóng nảy, bất an.

Tôn giả Ānanda đứng hầu một bên, đặt một yêu cầu rất đúng lúc:

- Xin đức Thế Tôn cho chúng đệ tử nghe về những ví dụ cụ thể để ai cũng có thể hình dung được cái khổ hình của địa ngục để sợ hãi mà lánh xa những việc làm xấu ác.

- Vài một thời, đức Phật giảng tiếp - Có một vị vua xử một tội án nghiêm trọng. Ông ta hét: “Buổi sáng, hãy đem tên tội nhân này ra pháp trường Đông môn, và đâm vào thân thể nó với một trăm ngọn giáo, không thừa một, không thiếu một”. Khi án lệnh đã được thực thi, lính ngục hình tâu báo là tội nhân chưa chết. Vua phán tiếp: “Hãy mang nó ra pháp trường nam môn, đâm thêm một trăm ngọn giáo nữa”. Tội nhân cũng chưa chết nên vua ra lệnh tiếp là đâm thêm một trăm ngọn giáo nữa ở pháp trường tây môn!

Với ba trăm ngọn giáo như thế, tội nhân kia có cảm thọ khổ ưu không, này Ānanda?

- Thưa, chỉ với một ngọn giáo cũng đã đau đớn rồi, huống hồ cả ba trăm ngọn giáo!

Chợt, đức Phật cúi xuống, đã có một cục đá nhỏ trong tay, ngài cầm lên rồi nói:

- Khối lượng của cục đá này so với khối lượng Himalaya, vua loài núi, cái nào to lớn hơn, này Ānanda?

- Cục đá ấy so với sự to lớn, hùng vĩ của vua loài núi thì có nghĩa gì, thấm tháp gì. Nó chỉ là hạt bụi. Vạn vạn lần, triệu triệu lần, tỷ tỷ lần không thể so sánh được, bạch đức Tôn Sư!

- Cũng vậy, này Ānanda! Cái cảm thọ khổ ưu của ba trăm ngọn giáo so với cảm thọ khổ ưu của địa ngục cũng tương tợ thế! Ba trăm ngọn giáo chỉ là hạt bụi mà địa ngục là Himalaya, vua loài núi. Vạn vạn lần, triệu triệu lần, tỷ tỷ lần là cảm thọ khổ ưu của địa ngục so sánh với cảm thọ khổ ưu của ba trăm ngọn giáo, các người phải hiểu như vậy, phải hình dung như vậy.

Trong hội chúng này, biết bao nhiêu kẻ xấu ác sẽ dựng cả tóc gáy khi hình dung thấy rõ những tội báo địa ngục kia?

Đức Phật còn giảng thêm chi tiết.

- Này đại chúng! Địa ngục thì có địa ngục nhỏ, địa ngục lớn. Ở các địa ngục nhỏ, ví như bị tội báo với hình phạt năm cọc. Quỷ sứ lấy năm cọc sắt nung đỏ lần lượt đóng vào năm chỗ, đó là hai bàn tay, hai bàn chân và giữa ngực. Tội nhân nằm đấy, cảm thọ khổ ưu kịch liệt nhưng không chết do ác nghiệp còn duy trì. Quỷ sứ lấy năm cọc sắt nung đỏ ra, lại bắt tội nhân nằm xuống rồi lấy búa chặt người ấy ra từng khúc, từng khúc... Do ác nghiệp còn có năng lực duy trì nên tuy đau đớn kịch liệt, tội nhân vẫn không chết, hoàn thân trở lại. Quỷ sứ cột tội nhân vào một chiếc xe, chiếc xe kéo tội nhân chạy tới chạy lui trên mặt đất cháy đỏ rực, hừng hực... Rồi cứ thế, tội nhân tiếp tục bị hành hình như bị nấu trong vạc dầu đang sôi sùng sục, thân thể bị đảo ngược, đảo xuôi, đảo ngang, đảo dọc. Với hằng chục trọng hình khác nhau ở địa ngục nhỏ như vậy nhưng tội nhân vẫn không chết, sau đó, quỷ sứ quăng tội nhân vào địa ngục lớn. Cái địa ngục lớn này mênh mông, rộng lớn cả một trăm do-tuần có bốn góc, bốn cửa, chia đều thành hằng trăm, hàng ngàn khung khác nhau, xung quanh có tường sắt, mái lợp sắt lên trên; nền cũng bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực, hừng hực; rồi mỗi tội nhân nằm ở đấy, sống ở đấy cả ngàn năm, vạn năm, vạn vạn năm để nhận chịu quả báo khốc liệt, thống khổ vô cùng tận; và chỉ chấm dứt khổ hình khi nghiệp ấy chấm dứt.

Này đại chúng! Những địa ngục ấy là rất nhiều, đau khổ là rất nhiều, Như Lai không thể nói đầy đủ, kể hết cho đầy đủ được.

Lại có những chúng hữu tình thuộc loại bàng sanh, có hơi thở và ăn cỏ. Chúng ăn, nhai nghiền cỏ tươi và cỏ khô. Ví như ngựa, trâu, bò, lừa, dê, nai. Trước đây, người ngu hành ác nghiệp, thân hoại mạng chung, chúng sanh ra cộng trú với loài bàng sanh, loại hữu tình có hơi thở và ăn cỏ nầy.

Lại có những hữu tình cũng thuộc bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ xa, liền chạy tới, giành giật nhau và nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn ở đây! Chúng ta sẽ ăn ở đây!” Tương tợ như các bà-la-môn tế tự, ngửi được mùi lễ tế sanh, chạy đến, cũng nói to lên rằng: “Chúng ta sẽ ăn ở đây! Chúng ta sẽ ăn ở đây!” Đấy là heo, chó, gà, chó rừng... cùng vô lượng chúng sanh khác cùng chủng loại này.

Lại cũng có những chúng hữu tình có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối, chết trong bóng tối. Đấy con sùng, con dòi, con sâu đom đóm... cùng vô lượng chúng sanh khác cùng chủng loại này.

Cũng có những chúng hữu tình có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước và chết ở trong nước; đấy là các loại cá lớn nhỏ, là rùa, cá sấu... cùng vô lượng chúng sanh khác cùng chủng loại nầy.

Lại cũng có chúng hữu tình có hơi thở, sanh ra trong dơ uế, xú uế, già trong dơ uế, xú uế rồi chết trong dơ uế, xú uế... Rồi có loại chúng hữu tình sanh ra trong cá thúi, tử thi thúi, già trong cá thúi, tử thi thúi, chết trong cá thúi, tử thi thúi... Rồi trong ao rãnh, trong mương cống, trong hầm phân... Và cũng thật là vô lượng không thể kể xiết được.

Tất cả loại chúng sanh này muốn trở lại được thân người thì thật là khó thay, hy hữu thay! Ví như có người quăng xuống biển một tấm ván có khoét một lỗ tròn ở giữa. Tấm ván này sẽ bị sóng đánh, trôi giạt về mọi hướng bất định. Có một con rùa mù, hễ một trăm năm thì nó trồi đầu lên mặt nước một lần. Ôi! Thật là khó khăn làm sao, hy hữu làm sao, khi con rùa mù kia lúc trồi đầu lên lại lọt được vào cái lỗ khoét tròn ấy, có phải vậy không, này đại chúng?

- Đúng vậy, bạch đức Thế Tôn! Có thể với thời gian rất lâu dài không tính đếm được!

- Đúng vậy mà cũng không phải vậy! Đức Phật mỉm cười! Con rùa kia dù với thời gian lâu xa mới thò đầu được vào cái lỗ khoét tròn, nhưng việc ấy thật là quá mau, quá nhanh so với thời gian những chúng sanh đã trót rơi đọa vào ác xứ, khổ xứ, địa ngục mà muốn được trở lại thân người! Trở lại thân người còn khó khăn hơn thế nhiều.

Này chư tăng ni đại chúng! Tại sao lại như vậy? Vì những chúng sanh ấy trong quá khứ không có một chút phước nào, không có làm được một việc lành tốt nào, không có một chút công đức nào dầu nhỏ như hạt bụi dính trên đầu ngọn cỏ kusa nên chúng chỉ biết nhai nuốt lẫn nhau, ăn thịt kẻ yếu, lấn hiếp kẻ yếu, bức hại kẻ yếu. Giả dụ trải qua thời gian vô lượng chúng có được trở lại thân người thì sẽ sanh ra trong những gia đình thấp hèn, hạ liệt, cùng khổ. Ví như gia đình kẻ đi săn, gia đình kẻ đan tre, gia đình người làm xe, gia đình người đổ phân, gia đình kẻ bần cùng, khốn khổ không có cái uống, cái ăn, còn cái mặc thì cho đến một tấm vải che lưng cũng không có. Không những vậy, người ấy còn thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, bệnh hoạn, bị tật, bị què hay bị bại liệt. Còn nói gì đến vòng hoa, hương liệu, giường nằm hoặc những tiện nghi tối thiểu khác?

Này đại chúng! Ví như có người đánh bạc. Chỉ mới đổ canh bạc đầu tiên, hắn ta đã mất của cải, tài sản, mất vợ, mất con, cuối cùng còn bị tù tội. Tuy nhiên, nhỏ bé thay là canh bạc ấy! Có một canh bạc to lớn hơn thế nhiều, thua “cháy túi” hơn thế nhiều, đấy là canh bạc của người ngu, canh bạc do suy nghĩ xấu ác, lời nói xấu ác, hành động xấu ác. Chính canh bạc này, sau khi thân hoại mạng chung, người ngu kia bị sanh vào khổ xứ, đọa xứ, ác xứ, địa ngục. Đây chính là địa xứ, là lãnh cư, là “ác báo, quả báo hoàn toàn viên mãn” dành cho kẻ ngu, người xấu ác vậy!

Giảng đến ngang đây, đức Phật lại nghỉ hơi, dành một chút thời gian cho đại chúng suy gẫm. Thấy vừa phải thời, đức Phật dạy tiếp:

- Đấy là nói về kẻ ngu, người xấu ác. Còn bậc trí hiền, người lành tốt thì sao? Cũng như trên, họ có ba đặc tướng, ba đặc điểm rất dễ nhận diện; đó là suy nghĩ lành tốt, lời nói lành tốt và hành động lành tốt. Khi thấy một người có ba dấu ấn ấy thì ta sẽ biết ngay đấy là bậc trí hiền, người lành tốt ngay tức khắc. Người ấy, chưa nói đến hạnh phúc tương lai, mà ngay trong hiện tại này đã được cảm thọ ba loại lạc hỷ. Thế nào là ba?

Khi một người đã làm được những việc lành tốt như từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ dối láo... thì tâm của người ấy luôn cảm giác thanh bình, an ổn, mát mẻ, an vui ở trong lòng; đây là loại lạc hỷ thứ nhất, người kia cảm thọ ngay trong hiện tại này.

Những việc làm lành tốt của người ấy, như những người cư sĩ thuần thành có giới, ai cũng thấy, ai cũng biết, giữa đêm đen cũng tỏa ra ánh sáng, trong bóng tối cũng tỏa ra mùi hương, thơm ngược cả chiều gió thổi nữa. Ngoài cảm giác thân tâm an lạc, người ấy còn biết rất rõ rằng, nhiều hình phạt khác nhau diễn ra trước mắt đối với kẻ xấu ác hoàn toàn, tuyệt đối không bao giờ xảy ra cho mình. Như tội bị đánh bằng roi, bằng gậy, bằng côn, tội bị chặt tay, chặt chân, chặt cả tay lẫn chân, xẻo tai, cắt mũi, tội bị hành phạt vạc dầu, hình phạt đốt tay, hình phạt lấy móc câu móc thịt, hình phạt cắt thịt thành hình đồng tiền, hình phạt tưới dầu sôi lên thân thể, hình phạt quăng tội nhân cho chó ăn, hình phạt đóng cọc lên thân, lên đầu, hình phạt lấy gươm chặt đầu... Tất thảy khổ hình ấy là hình phạt dành cho kẻ xấu ác, còn người lành tốt thì thoát khỏi chúng.

Khi nghĩ đến sự an lành, an toàn của mình như vậy, người ấy thân cảm một hạnh phúc dịu dàng, thanh lương; đây là loại lạc hỷ thứ hai, người lành tốt cảm thọ ngay trong hiện tại này.

Từ khi làm việc lành tốt rồi, khi đi tới đi lui, khi ngồi nằm trên ghế, trên giường, những việc lành tốt kia cứ hiện mãi trong tâm tư người ấy, cứ tạo nên hình ảnh đẹp trong tâm trí người ấy. Ví như, này chư vị! Vào những buổi chiều, khi con quạ đỏ ngả về tây, bóng của những đỉnh núi như treo đè, treo áp lên mặt đất; cũng tương tợ vậy, những việc lành tốt cứ mãi treo đè, treo áp lên người ấy. Với tâm đầy hân hoan, thỏa thích, người ấy suy nghĩ: “Phải rồi, ta đã biết làm những việc lành tốt, ta đã biết sắm những chiếc áo giáp để ngăn chặn sự sợ hãi, ta đã không làm những việc hung bạo, thất nhơn, ác đức, những việc xấu xa, tội lỗi; khi mạng chung, chắc chắn là thiện sanh, thiện thú, cõi người, cõi trời vinh quang và sang cả sẽ mở cửa chào đón ta”. Vì suy nghĩ như vậy, người ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, không rên la mà ngược lại, là đang thân cảm một hạnh phúc khó tả. Đấy là loại lạc hỷ thứ ba mà người lành tốt cảm thọ ngay trong hiện tại này.

Và quả đúng như vậy, này chư vị! Khi đã làm việc lành tốt với ba dấu ấn, ba đặc tướng rõ ràng là suy nghĩ lành tốt, lời nói lành tốt, hành động lành tốt thì người ấy đã mở cửa thiện thú, thiên giới rồi. Nếu có ai nói đúng đắn về vị ấy, nhắc đến vị ấy thì phải được xác nhận rằng, vị ấy đúng là người hiền lương, bậc trí. Mà giả dụ nói đến thiên giới thì quả thật nó tốt đẹp quá, khả ái quá, khả hỷ quá, thích ý quá, ai cũng thích thú, say mê vì nó là hoa trái, thiện báo cao sang xứng đáng để dành cho những người lành tốt, bậc trí biết tu tập, có giới tâm, giới tướng. Tuy nhiên, Như Lai chỉ nói sơ sơ, kể ra chút ít, chứ thật sự mà nói, thiên hỷ, thiên lạc thì có vô vàn, vô số, cực kỳ, khó so sánh, khó nói ra một cách tận tường và cụ thể. Tại sao vậy? Tương tợ như sự thống khổ của địa ngục vậy, hạnh phúc của thiên giới vi diệu tột cùng, người trần mắt thịt không thể tưởng tượng được đâu!

Cũng như lần trước, tôn giả Ānanda lại thưa:

- Xin đức Thế Tôn cho chúng đệ tử nghe về những ví dụ cụ thể, có thể hình dung được những lạc hỷ của thiên giới để ai ai cũng vui thích tu tập, làm những việc lành tốt!

- Ừ, ví dụ thì được chứ! Này đại chúng tăng ni! Ai cũng có nghe đức vua Chuyển Luân có đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức, nhờ vậy ông ta thọ hưởng những hỷ lạc vi diệu. Bảy báu ấy là gì? Là thiên luân báu, voi báu, ngựa báu, mỹ nữ báu, ngọc báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Bốn như ý đức ấy là gì? Là dung sắc mỹ diệu, tuổi thọ thù thắng, khang kiện và thiểu bệnh, ai cũng kính tín, yêu mến. Hãy nghe! Như Lai sẽ tuần tự giảng nói đầy đủ để đại chúng có thể có ý niệm, hình dung về những sở hữu kỳ lạ ấy của đức vua.

Nói về thiên luân báu. Thiên luân báu là chiếc xe mà cõi người không thể có được, không thể suy nghĩ, thiết kế, vận hành được; nó là chiếc xe của cõi trời do phước hóa sanh, do phước sáng tạo ra.

Khi một vị vua có oai đức, giới hạnh, phước đức, và trí tuệ trùm thiên hạ thì tự động thiên luân báu hiện ra cho vị ấy. Nó hiện ra như thế nào chư vị có biết không?

Bất cứ đức vua bồ-tát nào cũng thọ trì bát quan trai giới. Vậy là đúng ngày thọ giới vào đêm trăng tròn, lúc bồ-tát tắm rửa, gội đầu lên đài cao có hương trầm đèn hoa để phát nguyện thọ giới thì thiên luân báu từ hư không chợt hiện ra với đầy đủ vành xe, trục xe với ngàn căm, thùng xe cùng những chi tiết bộ phận khác.

Chẳng biết chiếc xe trời này làm bằng chất liệu gì mà nó lóng lánh, ngời ngời, tỏa sáng nhiều màu sắc, hào quang thật bất khả tư nghị. Đức vua tự nghĩ: “Khi vị vua sát-đế-lỵ đăng quang rồi, đầy đủ giới, đức và trí rồi; vào ngày trăng tròn, khi lên đài cao phát nguyện thọ giới thì thiên luân báu hiện ra. Vậy là bắt đầu từ giờ phút ấy, đức vua ấy được tôn xưng là Chuyển luân Thánh vương”.

Thế rồi, như hiểu rõ thông lệ từ quá khứ, vị vua ấy đứng dậy, trật thượng y bên phải ra biểu tỏ sự tôn kính, tay cầm bình vàng đựng nước thơm, tưới lên xe báu rồi nói: “Hỡi thiên luân báu! Này bạn của ta! Rồi chúng ta sẽ đi khắp thế giới, chinh phục thế giới, đem lại hòa bình, hạnh phúc và an lạc cho thế giới!”

Đúng thời, lúc phải lẽ, ngự trên thiên luân báu sáng ngời, tối thượng, đức vua Chuyển Luân nói: “Hãy đi về phương đông, này thiên luân báu!” Lời vừa dứt, bên dưới thân xe như có một sức mạnh vô hình, vô khả tỷ, đẩy chiếc xe lao vút đi, về phương đông, dường như không dính vào đâu cả, không lay cũng không xóc.

Với uy lực như mặt trời trấn ngự giữa hư không, thiên luân báu với đức vua Chuyển Luân vừa dừng lại, cũng trấn ngự cả phương đông, xung quanh chợt đầy đủ bốn loại quân binh oai hùng, khí giới sáng lòa, cờ xí bay phất phới xa rộng đến chân trời.

Mấy chục tiểu quốc ở phương đông nghe tiếng, run sợ, toát mồ hôi, hàng hàng lớp lớp kéo đến bên chân thiên luân báu, cúi rập đầu xuống, đồng thanh hô lên: “Tâu thánh vương! Tất cả quốc độ phương đông đều là thuộc hạ của ngài, con cái của ngài, xin ngài ban cho lời giáo huấn!” Đức vua Chuyển Luân sáng ngời uy đức, lồng lộng giữa trời cao, rót lời tiếng vào tai họ: “Không có gì! Đừng có sợ hãi! Các ngươi đều là quyến thuộc của ta. Hãy sống với nhau cho lành tốt, phải biết giữ ngũ giới và dạy cho muôn dân biết giữ ngũ giới, biết chưa?” Họ vập đầu, đồng tán thán vang rân:“Thánh vương uy đức muôn trượng, trường thọ như mặt trời, sáng ngời như kim cương!”

Bình định xong phương đông, chiếc thiên luân báu chợt như được bao che một áo giáp vô hình, nó lặn xuống biển đông, xuất hiện ở phương nam rồi bình định hằng chục tiểu quốc tại đấy. Và rồi, phương tây, phương bắc cũng y như thế.

Này đại chúng! Thiên Luân báu sau khi chinh phục, bình định bốn phương, xa rộng cho đến hải biên, không đao, không trượng, không đổ một giọt máu, cả trái đất đều nguyện thọ trì ngũ giới, chiếc xe liền quay trở về kinh đô Kusāvāti(1)ngự tại chánh pháp đình trong trang bảo điện lộng lẫy trông tợ cõi trời.

Đấy là sự xuất hiện của thiên luân báu. Rồi đức Phật kể tiếp về sự xuất hiện của voi báu.

Thiên tượng báu này là thuần chủng, thuần bạch, thần lực vi diệu, phi hành giữa hư không, có tên là Uposatha. Cứ mỗi buổi sáng, đức Chuyển luân Thánh vương ngự trên lưng thiên tượng báu tuần du khắp quả đất xa rộng cho đến bốn hải biên rồi trở lại kinh đô Kusāvāti vừa kịp giờ dùng điểm tâm sáng.

Thiên mã báu cũng diệu kỳ tương tợ thế. Thớt ngựa trời này cũng thuần chủng, đầu đen như quạ, bờm cũng đen sẫm(2), phần còn lại là sắc trắng bạch, có đại thần lực, phi hành giữa hư không, tên là Valāhaka. Khi đức Chuyển Luân ngự thiên mã báu này để tuần du khắp quả đất, trở lại kinh đô với thời gian cũng tương tợ thiên tượng báu vậy.

Châu ngọc báu xuất hiện cũng lạ kỳ như thế. Châu ngọc báu chính là lưu ly châu, có tám mặt, thuần chất, quang sáng, khó dũa, khó mài, khiết thanh, trong suốt, mỹ diệu và toàn hảo nhất. Hào quang của lưu ly châu này chiếu sáng như mặt trời rạng khắp một do-tuần vuông vức. Nếu đức vua dẫn bốn loại quân binh, đặt nó trên đầu quân kỳ thì có thể đi được dễ dàng trong đêm tối âm u. Thế là những ngôi làng ở xung quanh đều bắt đầu rục rịch thức dậy làm việc vì ai cũng tưởng là trời đã sáng rồi.

Thiên nữ báu xuất hiện lại càng kỳ diệu hơn thế nữa. Mỹ nhân này mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không đen, không trắng, vượt trên dung sắc loài người.

Này đại chúng! Thân xác mỹ nhân này êm dịu như nhung, như bông. Khi trời lạnh, da thịt mỹ nhân này lại trở nên ấm áp; khi trời nóng, da thịt mỹ nhân này lại trở nên rượi mát. Toàn thân nữ báu tỏa mùi hương chiên đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa sen. Nữ báu thường thức dậy sớm và đi ngủ sau đức vua, hành động, cử chỉ nào cũng khả ái, cũng làm cho vua thỏa thích, hỷ lạc. Nữ báu này không bao giờ có một tư tưởng bất tín nào đối với đức vua huống nữa là về thân thể(1). Đúng là vưu vật cổ kim hy hữu.

Còn cư sĩ báu? Vị cư sĩ báu này xuất hiện đến cho đức vua là để mang đến tài sản, của cải hoặc ngọc vàng cho đức vua, lúc ngài cần. Ông ta có thiên nhãn, do phước quả dị thục sanh, có thể nhìn rõ suốt khắp bốn phương và cả trong lòng quả đất.

Một hôm, đức vua rong chơi bằng thuyền giữa sông Gaṇgā, ngài chợt mỉm cười và nói với cư sĩ báu rằng: “Này cư sĩ! Ta cần vàng!” Cư sĩ báu đáp: “Tâu thánh vương! Ngài hãy cho thuyền ghé gần bờ nào cũng được”. Thế rồi, đến một nơi, cư sĩ báu thò hai tay xuống nước, kéo lên một ghè đầy cả vàng ròng! Thế đấy, bất kỳ chỗ nào, trên đất, dưới nước, bất cứ lúc nào đức vua muốn có ngọc vàng, châu báu gì, vị cư sĩ báu sẵn sàng đáp ứng cho đức vua ngay tức khắc.

Còn vị tướng quân báu thì ra sao? Vị tướng quân báu này có học thức, thông minh, sáng suốt, có mưu lược, trí tài, có khả năng quán xuyến, chăm lo, hướng dẫn, thao dượt, tập luyện, điều động, hành khiển cả bốn loại quân binh một cách tuyệt hảo, không chê vào đâu được. Có vị tướng quân báu này, đức vua chỉ còn lo việc đạo đức, an dân và gối cao nằm ngủ.

Đấy nói qua về bảy món báu, bây giờ là bốn như ý đức của vua Chuyển Luân.

Như ý đức thứ nhất, vị vua tối thượng này có dung sắc thù thắng, khả ái, cử chỉ thanh lịch, ngôn ngữ thanh tao, tính tình điềm đạm, tất thảy vượt thắng xa dung mạo loài người.

Như ý đức thứ hai, vị vua tối thượng này tuổi thọ lâu dài nhất, như cây tùng, như cây bách xanh biếc bốn mùa trên núi cao.

Như ý đức thứ ba suốt đời khang kiện, dường như không ho hen, cảm mạo, đau ốm gì cho đến hết tuổi già.

Như ý đức thứ tư là ai ai dù gần hay xa, gặp mặt hay không gặp mặt đều kính yêu và cảm mến; và ngược lại, đức vua cũng kính yêu và cảm mến sâu sắc tất cả thần dân của ngài.

Chuyện kể rằng, khi ngài đánh xe dạo chơi ngoài bốn cổng thành, các bà-la-môn và gia chủ trông thấy, họ đến gần bên rồi nói rằng: “Tâu thánh vương! Xin hãy cho xe đi chầm chậm để cho chúng tôi chiêm ngưỡng ngài lâu lâu hơn một chút!” Và chính ngài cũng thường dặn dò người đánh xe tương tợ vậy, để cho ngài nhìn ngắm phố thành, làng mạc và muôn dân.

Sau khi nói hết bảy món báu và bốn như ý đức xong, đức Thế Tôn kết luận, bằng cách đặt câu hỏi:

- Này đại chúng! Vua Chuyển luân Thánh vương có bảy món báu và bốn như ý đức như thế, thử hỏi đời sống ngũ dục của ông ta có cảm thọ lạc hỷ vi diệu không?

- Tâu! Rất nhiều người đồng thanh đáp - chỉ cần mỗi một món báu, nhân và duyên mỗi một món báu thôi đã cảm thọ lạc hỷ quá mong ước của đời người rồi, huống gì cả bảy món báu cộng thêm bốn như ý đức.

Đức Phật mỉm cười, giống như lần trước, ngài lấy ví dụ cục đá để so sánh với Himalaya:

- Cũng vậy, này đại chúng tăng ni! Cái cảm thọ lạc hỷ của đức Chuyển Luân là vi diệu như thế ấy, nhưng nếu đem so với lạc hỷ của thiên giới thì còn cách xa vạn trùng, tương tợ như khối lượng cục đá so với sự hùng vĩ của vua loài núi Himalaya vậy.

Nếu người ngu, kẻ xấu ác thì đi vào đọa xứ, khổ xứ thì người lành tốt, bậc trí hiền sẽ ngửa mặt mà đi đến cõi người. Thường thì vị ấy được sanh ra trong những gia đình cao quý. Ví như sát-đế-lỵ đại gia, bà-la-môn đại gia hoặc cư sĩ đại gia. Vị ấy thường giàu có, tài sản nhiều, tài nguyên nhiều, vàng và bạc phong phú, tài vật phong phú, lúa thóc phong phú. Lại nữa, vị ấy đẹp trai, khả ái, cử chỉ và ngôn ngữ đều thanh tao, lịch thiệp. Mọi vật dụng nhu cầu, tiện nghi sinh sống như vật thực, y áo, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, trú xứ, ánh sáng, nơi ăn ở thường thắng xa loài người. Đã vậy, vị ấy lại hiện rõ ba đặc tướng, ba đặc điểm, ấy là suy nghĩ lành tốt, nói lời lành tốt, hành động lành tốt.

Do nhân, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy có xe trời với đám mây lành ngũ sắc đến đón rước, đưa vị ấy lên thiên giới.

Này đại chúng! Ví như có người đánh bạc. Chỉ mới đổ canh bạc đầu tiên, hắn ta đã thắng được rất nhiều của cải, tài sản. Tuy nhiên, ti tiểu, hèn mọn thay là canh bạc ấy! Có một canh bạc vĩ đại, tuyệt vời hơn thế nhiều, thắng vượt hơn thế nhiều, đấy là canh bạc của bậc trí hiền, canh bạc do suy nghĩ lành tốt, lời nói lành tốt, hành động lành tốt. Chính canh bạc này, sau khi thân hoại mạng chung, người lành tốt, bậc trí hiền thênh thang đi vào thiên giới mà cảm thọ lạc hỷ ở đấy, hạnh phúc và an vui ở đấy bằng cả ngàn vạn lần đức Chuyển luân Thánh vương.

Đây chính là địa xứ, là lãnh cư, là cảnh giới, là “thiện báo, hoa trái hoàn toàn viên mãn” để dành cho những người lành tốt, bậc trí hiền!

Hãy thọ trì, chiêm nghiệm, hãy khôn ngoan lựa chọn cách sống để đem đến phúc lạc người, trời cho đời mình, đừng giải đãi, phóng dật nữa. Hãy tránh xa người ngu, kẻ xấu ác!

Thời pháp chấm dứt đã lâu mà âm ba như còn vang vang ở trong tâm thức của mọi người. Quả thật là nó đã đem đến lợi lạc cho nhiều người, nhất là chư tăng ni còn phàm, sau đó là hai hàng cận sự.

Hôm sau nữa, đức Phật lại cho triệu tập tăng ni rồi bảo ba vị ẩn sĩ tại khu rừng Gosiṇga thuyết lại sáu nguyên tắc sống đưa đến hòa hợp. Cả ba vị mặc dù đã học thuộc lòng, nhưng chưa quen thuyết giảng, nhìn thấy đại giảng đường quá đông đảo, họ đâm ra ngần ngại. Cuối cùng, đức Phật phải tóm tắt lại toàn bộ cho tôn giả Sāriputta nghe; và vị đại đệ tử ưu tú này đã thuyết lại rất đúng chính văn, lại còn trôi chảy, thông suốt nữa.

Các vị tôn giả Anuruddha, Kimbila, Nandiya chỉ biết đưa đôi mắt ngưỡng mộ, thán phục tột cùng nhìn vị huynh trưởng khả kính của mình.

Còn đức Phật thì mỉm cười, khen ngợi, ngài nói rất ấn tượng khi tôn giả Sāriputta đã bước ra bên ngoài giảng đường:

- Nếu Như Lai cật vấn Sāriputta về pháp trong một ngày, một đêm, bằng bao nhiêu câu hỏi, bằng bao nhiêu đoản ngôn thì ông ta cũng có thể đáp lại trong một ngày, một đêm bằng những câu trả lời, bằng những đoản ngôn khác nhau, chẳng thua gì Như Lai.

Nếu Như Lai cật vấn Sāriputta từ một đêm, một ngày cho đến bảy đêm, bảy ngày thì ông ta cũng có thể giải vấn bằng thời gian tương tợ như thế mà ngữ ngôn, đoản ngôn vẫn thông thuận, lưu loát, không hề ngập ngừng, không hề vấp váp dù từ, nghĩa hoặc ngữ căn, cú pháp phức tạp.

Này chư tỳ-khưu tăng ni! Những điều mà Sāriputta đã giảng nói hoặc chi tiết hoặc triển khai nội dung, các vị hãy như thế mà thọ trì vì nó cũng đồng, cũng giống hệt với Như Lai vậy!

Có lẽ vì quá ưu ái, bằng lòng về người đệ tử trong thời pháp vừa rồi, đức Phật còn tán dương ưu điểm khác nữa của Sāriputta:

- Chư vị có biết không! Sāriputta lại còn có đầy đủ năm đức tính của một một vị giảng sư, pháp sư. Chính nhờ năm đức tính ấy mà ông ta lăn bánh xe pháp một cách vô ngại. Khi Sāriputta thuyết giảng thì trên thế gian này, dầu là uy lực của chư thiên, ma vương, phạm vương hay tất thảy giáo chủ bà-la-môn cộng lại đều không thể phá rối, làm cho đảo điên hay tạo nên chướng ngại được. Năm đức tính ấy là gì?

Một là luôn hướng đến lợi ích cao thượng, nhưng khi thuyết thì lại tuần tự, thứ lớp, từ thấp lên cao(1), từ cạn vào sâu.

Hai là luôn y cứ vào pháp, chú trọng vào pháp, lấy pháp làm trọng tâm, làm tiêu điểm từ đó mà triển khai lần ra.

Thứ ba là thuyết hết lòng, nhiệt tình vì tâm từ mẫn muốn cho mọi người nghe hiểu giáo pháp để họ tu tập cho được an vui, lợi lạc. Ở đây còn có nghĩa là không che giấu pháp, luôn thuyết với bàn tay rộng mở.

Thứ tư là thuyết không vì danh vọng hay lợi dưỡng, lại không mong cầu được đền đáp, trả ân, trả nghĩa.

Thứ năm là thuyết không đụng chạm đến ai hết, không khen mình, chê người; chỉ thuyết đúng pháp, chơn chánh pháp, chơn thực pháp để những ai mắt ít bụi rác thì nghe theo, tin theo, tu theo còn những ai không có duyên thì thôi.

Khi về trú xứ của mình, tôn giả Mahā Kassapa cũng nói với đệ tử của mình:

- Các ông nên thường đến tôn giả Sāriputta mà nghe pháp. Sau khi nghe vị ấy thuyết rồi, các ông sẽ cảm thấy như mình vừa được thưởng thức một món ăn thượng vị, vi diệu, nó làm cho cái lỗ tai và cho cả cái đầu óc của các ông hoan hỷ và thông sáng ra nhiều đấy!


(1)Là kinh thành cũ của nước Mallā, sau này là Kusinārā. Đây là đức Phật kể lại một tiền thân của mình, có tên là Mahāsudassana, khi ngài làm vua Chuyển Luân ở đây, tại quốc độ này, kinh thành này.

(2)Pāḷi Proper Names Dictionary cũng ghi: Crow-black (đầu đen như quạ) và dark mane (bờm đen sẫm).

(1)Đoạn này dựa theo Kinh hiền ngu - Trung bộ kinh, tập 3 của Hòa thượng Minh Châu.

(1)Anupubbīkathaṃ: Thuyết từ từ, từ thấp lên cao... Còn được gọi là pháp thuận thứ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/03/2011(Xem: 7084)
Một tia sáng bừng lên như ngôi sao năm cánh trong tim anh, tim chị, tim em và trong cả tim tôi...
01/03/2011(Xem: 8797)
Lạy phật con xin sám hối nếu đời nầy còn mắc tội tiền thân tuy tự xét mình chẳng làm chi nên tội hay có tội ngập đầu mà ký ức quên chăng...
26/02/2011(Xem: 7058)
Quen tay cắm hoa cúc hoa hồng Chiều cuối năm cắm cành vạn thọ Chắp tay run lời khấn nhỏ Ông bà nội ngoại ngủ yên.
26/02/2011(Xem: 6527)
Ta đi nghễu nghến giữa đời Bỗng dưng một tiếng chuông rơi… giật mình. Cổng chùa ta đứng lặng thinh Nghe hoàng hôn với bình minh nhập nhằng.
21/02/2011(Xem: 8925)
Khói mây liễu mộng, ngoại trần chơi Trăng nước hoa gương, gẫm lại cười Nhân ái đề huề, sao tỏ rạng...
21/02/2011(Xem: 10317)
chẳng phải là bài thơ hẹn ước chẳng phải là ý tưởng vẽ vời mà mùa xuân năm nay lại như cánh gió hân hoan đi về...
21/02/2011(Xem: 10511)
cánh rất mỏng chim đường bay rồi chẳng tới bởi mù sa hớt hải đuổi bên chân
19/02/2011(Xem: 11765)
Hết lòng trân quí và ghi nhớ ân đức sâu dầy của sư Sán Nhiên đã biên soạn và hiệu đính tập sách này, cũng như đã hoan hỷ cho phép Hội Thiện Đức ấn tống nhằm góp phần vào công cuộc hoằng hóa Phật pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người. Hội Thiện Đức xin biết ơn sự ủng hộ tinh thần và tán thán sự phát tâm đóng góp tịnh tài của quý Phật tử và ân nhân cho công trình ấn tống này. Xin tri ân chị Thân Thục & anh Thân Phúc đánh máy tập sách; anh Thân Hòa trình bày sách bao gồm thiết kế bìa sách; anh Chúc Giới, anh Thiện Tánh, cùng anh Chúc Tùng cung cấp tài liệu và hình ảnh; Tâm Hân Huệ thỉnh ý sư Sán Nhiên; chị Tâm Thiện, chị Chơn Hạnh Bạch, chị Diệu Âm, Thân Hồng, cùng anh chị Lê Lộc (Lancaster, PA) phụ giúp sổ sách, liên lạc, và kêu gọi cho quỹ ấn tống.
19/02/2011(Xem: 10028)
Lá xanh cõng nắng sang mùa Phất phơ sương khói hiên chùa gọi nhau Làm thơ, hoa cỏ chụm đầu...
13/02/2011(Xem: 30323)
Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa Vội vàng sum họp vội chia xa. Vội ăn, vội nói rồi vội thở Vội hưởng thụ mau để vội già.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567