Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cổ Thụ Trong Rừng Thiền (Bài viết tưởng niệm Hòa thượng Mật Hiển)

31/05/201211:49(Xem: 18137)
Cổ Thụ Trong Rừng Thiền (Bài viết tưởng niệm Hòa thượng Mật Hiển)

Hòa Thượng Tuệ Sỹ Toàn Tập


ht mat hien-5

Cổ Thụ Trong Rừng Thiền
(Bài viết tưởng niệm Hòa thượng Mật Hiển)







1.- 山有乔木
Sơn hữu kiều mộc.

Rừng già, vì trong đó có cổ thụ. Cây cao, bóng cả sừng sững giữa trời. Từ những mầm non mong manh, rồi chen chúc với cỏ dại, lau lách; năm tháng chồng chất bởi nắng, gió, nhiều khi giông bão. Những cây cối thuộc chủng loại thấp hèn bị đào thải dần, những cây đồng loại nhưng non yếu cũng lần hồi bị đào thải. Còn lại một mình trơ vơ, đứng thẳng, vươn ngọn lên cao.

Khu rừng ấy, thoạt đầu tiên chỉ là đám cỏ dại, chỉ đủ chỗ cho rắn rết bò trườn. Rừng không phải càng lúc càng bành trướng rộng theo chiều ngang dọc. Rừng lớn lên theo tầm vóc của các cây rừng cứng cõi chống lại sức tàn phá của khí hậu, của mưa lũ, cho đến con người. Cho đến lúc, từ những phương rất xa mà có thể trông thấy tàn ngọn của một cây cao. Rừng già, nhưng không cằn cỗi, thưa thớt. Cây cao không tiếp sức, cũng không vun bồi, và cũng không cần che chở cho những cây non yếu. Những gì non yếu đã bị gãy đổ, còn lại những gì cứng mạnh, tự mình vươn dậy để trưởng thành những đám cây con dưới bóng cây già. Bấy giờ, rừng không còn là đám cỏ dại, không còn là tập hợp của những cụm cây con, lùm cây thấp. Rừng già, và rồi là rừng thiêng, là một cõi oai hùng cho sư tử, hay hổ báo; đôi khi còn là chỗ cho các thần linh, thiện cũng có mà ác cũng có. Dù thiện hay ác, trong từng thời điểm nhất định, nơi đó là trú xứ của các Tiên nhân, là chốn hành Đạo của những bậc xuất thế, từ chốn thâm u làm ánh sáng soi đường cho sinh loại sinh tồn và tiến hóa, soi vào tận những nơi tối tăm, hiểm ác mà mặt trời rực rỡ kia không thể soi đến.

Thế nhưng, rừng già, rừng thiêng luôn luôn cũng là hình ảnh đáng kinh sợ cho loài người mà tâm tư vốn thấp kém, bị trùm kín trong ước muốn thấp hèn, bị trói buộc, bưng kín bởi cái thấy, cái nghe thiển cận. Bóng Người thấp thoáng đỉnh cao; nhưng, mây dày phủ kín, biết đâu mà tìm.

Những tàn cổ thụ như vậy, trải qua biết bao nhiêu đời, đã là biểu tượng tôn nghiêm cho rừng Thiền Việt nam. Tuy cũng có nhiều khi nước lũ cuốn theo rác bẩn tanh hôi từ nguồn cao cuồn cuộn đổ xuống tàn phá. Lớp cây con bị bật rễ, bị gãy ngang; cổ thụ vẫn đứng sững không hề uốn mình rạp xuống dưới sức ép hung tợn của giông bão. Người ta tưởng cổ thụ đã trụi lá trơ cành, chỉ chờ đợi khắc khoải trong bóng điêu tàn để khô héo dần rồi ngả gục; để cho rừng già thành bãi hoang chen chúc cỏ dại, cửa Thiền thành cửa chợ tập nập bọn giảo đồng:

山有乔松,隰有游龙。
不见子充,乃见狡童。

Sơn hữu kiều tùng, thấp hữu du long.
Bất kiến tử sung, nãi kiến giảo đồng (Kinh Thi).

Ai có thể nói gì về những gốc cổ thụ ấy, trong bóng soi của dòng nước khi trong, khi đục? Thế hệ học tăng chúng tôi trưởng thành trong bóng che chỡ của những gốc cổ thụ như vậy; có người nhận thức được điều đó, và cũng có người không hề nhận thức được; cũng không ít người bị nước lũ làm bật gốc, bị cuốn trôi theo dòng đời. Riêng những học tăng trưởng thành dưới bóng sơn môn Huế không ai lại không biết đến một trong những gốc cổ thụ như vậy của rừng Thiền, một thời bằng sự nghiêm khắc đã giữ gìn vững giềng mối của Tòng lâm. Khi hoài niệm về các bậc Cao tăng, như những gốc cây già che chở đàn cây non yếu, tôi nhớ đến hình bóng khắc khổ, uy nghiêm của Hòa Thượng Mật Hiển.


ht thien sieu

Quí Hòa Thượng đàm đạo nhân dịp Tết Tân Mùi, 1991
Từ trái sang phải: Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Hưng Dung,
Hòa Thượng Mật Hiển, Đại Đức Trí Tựu (thị giả Ôn Đôn Hậu), Hòa Thượng Đôn Hậu.



2.- 山不在高有僊則名
Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh.

Thanh u, nhàn tịnh; đó là cảm giác của những người du lãm đến các sơn môn. Trong hầu hết các bài thơ đề vịnh danh lam, từ Đường, Tống bên Tầu qua đến Lý, Trần bên Ta, đều có chung ấn tượng ấy. Núi Yên tử, trước đó nghìn năm vẫn vậy; sau đó nghìn năm cũng vẫn vậy; không vì thêm một chòi tranh, hay một nhà đá mà khác đi. Song, Yên tử quả thực có đổi khác trong lòng người; cho nên sỏi đá vô tri cũng có lúc trở thành niềm tự hào của một dân tộc, là hồn thiêng sông núi. Hồn thiêng ấy cũng chỉ thỉnh thoảng chợt sống dậy trong khoảng khắc, rồi lại rơi vào quên lãng, bởi người sống vẫn phải lăng xăng với trăm nghìn mối lợi để giành giựt giữa chợ đời. “Mù tỏa Lô sơn khói Chiết giang”; cảnh đẹp thực, mà chỉ đẹp cho các ngài văn học bưng chén trà, ngắm ánh trăng, bên khóm hoàng lan thơm ngát. Ngoài bờ đá kia, khói Triết giang lạnh cắt da; một ông câu rách rưới, ôm cần ngồi đợi mấy con cá ham ăn dại dột lượn đến đớp mồi. Sông núi đẹp vô tình, hiền lành đối với những người ít nhất có một vài phút nhàn hạ; lại cũng hiểm ác đối với vô số quần sinh khốn khổ vì lẽ sống thường nhật.

Đồi Dương xuân, trong trí nhớ, và trong trí tưởng tượng mông lung của tôi, ở một mõm đá nào đó, vào một thời nào đó, sáng tinh sương người ta có thể lần theo dấu vết của đôi bàn chân nhỏ bé nhưng đã chai sạn phong trần, đã phải hằng ngày trực diện với đói, no, sống chết. Một thời khác, ban đêm thì một nhóm người từ rừng sâu xuất hiện ban bố mệnh lệnh, quyết định sống hay chết cho người này hay người kia; ban ngày lại nhóm khác đến thay. Cùng một dân tộc, cùng gọi nhau là anh em dù bên này sông hay bên kia núi, nhưng khi gặp nhau thì dòng sông được tắm máu, bến cỏ lăn lóc xác người.

on tue sy-2

Dễ chừng suýt soát 40 năm tôi chưa được trở lại Trúc lâm, tuy cũng có lần trở lại để mong tìm lại vết tích xa xưa, nhưng sự vật biến thiên, mà lòng người chắc cũng đổi khác. Cái gì cao thì tất phải xa, càng cao lại càng xa ngoài tầm mắt. Cây đa bến cũ, con đò năm xưa; cảm hứng văn chương ấy có khi là hiện thực trong thi ca nhưng quá xa vời, không có thực trong đời thường.

Trong những năm đầu 60, khi tôi còn là chú tiểu lang bạt trong các tỉnh miền Nam; mà nói một cách khoa đại lên, thì ngồi ở các bến xe đò nhốn nháo nhiều hơn là ngồi trong các lớp học thanh tĩnh tại các chùa. Vì vậy, tôi biết rất ít về Phật giáo Huế; mặc dù cũng có thời gian ngắn sống ở Huế thời trẻ nít, sau những ngày mới hòa bình, khi đất nước mới chia hai; những ngày mà bọn con nít lên mười của chúng tôi nghe người lớn kể chuyện lội sông Bến Hải như là chuyện thần tiên hay kiếm hiệp.

Thỉnh thoảng tìm thấy đâu đó một vài số báo Viên âm của Hội An nam Phật học, biết một số vị giảng sư danh tiếng của miền Trung; ấn tượng về Phật giáo Huế qua những trang sách, trang báo như thế, trong khi lưu lạc bụi đường như thế, bây giờ cũng thật khó mà mô tả được nó như thế nào. Trong đó, có một ấn tượng mà những chú tiểu bụi đường hình như rất lưu ý, nếu có ý tưởng một ngày nào đó hành cước về đất Thần kinh. Ở đó, có một vị Thầy nghiêm khắc, không chỉ với chúng điệu trong chùa, mà với bất cứ ai, gặp bất cứ đâu, tất nhiên bất cứ đâu trên đất Thừa thiên Huế, miễn là “đầu tròn áo vuông”, mà đi đứng không phải phép, phục sức không phải đạo, thì hãy coi chừng, bị phạt ngay tại chỗ. Chuyện kể dù thực hay hư cũng là cách điệu hóa một thời sinh hoạt Phật giáo Huế, với quy cũ Thiền môn nghiêm khắc.

Những lúc về Huế thăm bà con, tôi không có duyên may để phải cẩn thận cử chỉ đi đứng của mình giữa chỗ đông người, vì những chỗ tôi đi và đến bấy giờ là những nơi mà hầu như không hề tìm thấy dấu chân của các bậc cao tăng đại đức. Tất cả hiểu biết của tôi từ chỗ “dọc đường gió bụi” về bậc tông tượng của tòng lâm là như vậy, với tất cả sự tôn kính xa vời.

Lần đầu tiên tôi được hầu chuyện Ôn Trúc Lâm khoảng chừng sau 1963, khi Thượng tọa Giám viện, tức Hòa thượng Trí Thủ, khiến tôi ra Huế tham vấn Ôn Quy Thiện một số vấn đề, những công án Thiền chẳng hạn, trong văn học cổ Phật giáo Việt nam; nhân đó tôi cũng được nhắc nhở lên Trúc lâm bái phỏng ngài Mật Hiển. Ấn tượng đầu tiên của tôi không phải là hình ảnh vị Sư trưởng nghiêm khắc, dò xét cử chỉ môn sinh để trách phạt; thay vì thế, là nỗi buồn của người cha mất con. Ôn hỏi thăm tôi về người đệ tử trưởng. Huynh ấy được Ôn gởi cho Thầy Nhất Hạnh để theo học tại Vạn Hạnh, cùng chung với tôi một lớp. Huynh ấy có lẽ là người duy nhất được Ôn gởi đi tham phương hành cước, nói theo ngôn ngữ Thiền môn thời xưa; như cha già gởi con trẻ du học với tất cả thương yêu và hy vọng. Nhưng khi hay tin người đệ tử ấy do duyên đời chướng ngại nên thoái thất sơ tâm, tình thương yêu vẫn còn, mà kỳ vọng thì mất mát. Sự việc như thế không phải hiếm hoi trong nhà chùa. Song ở đây, trong đôi mắt mà trước kia tôi hằng có ấn tượng bởi cái nhìn nghiêm khắc, bất chợt thoáng bóng tiếc thương một chiếc lá đang bị cuốn theo chiều gió. Ấn tượng ấy bình thường mà cũng dị thường; tâm tư xúc cảm của người thường không dễ gì phô diễn thành lời cho chính xác.


ht mat hien
                                                           Hòa thượng Mật Hiển tại chánh điện chùa Trúc Lâm (ảnh 18/7/1989)





Một đôi khi ở lại trên chùa vài hôm, cảnh trí Trúc lâm khi ấy không có gì gọi là cuốn hút đối với tôi. Thật sự, cho đến bây giờ, dù cố gắng mà vẫn chưa có xúc cảm gì đặc biệt gọi là văn chương về một ít bài thơ đề vịnh cảnh chùa mà tôi được đọc. Âu cũng là cảm hứng cá biệt của từng người. Thế nhưng, từ một góc nhìn nào đó, Trúc lâm có những nét quyến rủ đặc biệt. Thiên nhiên ở đây, những cây rừng, dòng suối, hình như không hài hòa hay như tranh vẽ được mô tả theo luật thơ. Tôi muốn nói đến ấn tượng về một thiên nhiên cau có. Những cành cây lớn nhỏ chỉa ngang, chỉa dọc. Khe suối tuy cũng róc rách, nhưng những bờ cây gai góc gây cảm giác châm chích. Mọi thứ ở đây thường xuyên trong tình trạng gây hấn với nhau, nhưng cùng tồn tại và trưởng thành mà không hề có vẻ khuynh loát nhau, triệt hại nhau. Đấy là một thứ thiên nhiên nghịch lý, trái nghịch giữa xung đột và che chở; chống trái nhau mà lại y tựa nhau; hòa trong bất hòa. Trong đó, sinh vật được che chở trong giới hạn mà nó đi lại thích hợp và tùy thuận, nhưng cũng bị trừng phạt nghiêm khắc nếu vượt qua giới hạn an toàn nào đó. Thủa xưa, đức Phật nhiều lần đề cập đến các khu rừng mà thậm chí các đạo sỹ lánh đời cũng phải cảm thấy kinh sợ. Phật nói: những ai mà tâm tư còn ô nhiểm, khu rừng ấy thật là đáng kinh sợ.

Có lẽ hình ảnh Ôn Trúc lâm đối với tôi từ trước đã được phác họa theo chuyện kể của các thầy các chú từ miền Trung vào Nam. Rồi từ một điểm nhìn khác, đứng ngay giữa núi rừng Trúc lâm, ngay giữa gai góc châm chích, sự nghiêm khắc mà người ta thường có cảm giác lạnh lùng đáng sợ, đáng tránh, bất chợt được thấy là nơi che chở an toàn cho những bước chân non yếu, dễ bị cám dỗ và sa ngả trên đường đời.

Người ta kể trước chùa có hồ nước hình chữ S. Hồ nước thì tôi còn nhớ như in, nhưng hình chữ S thì không hiểu sao tôi quên mất, không còn chút ấn tượng gì. Áng chừng hình thể hồ nước như vậy do chính Ôn Trúc lâm tạo hình dáng, mà ngụ ý tất nhiên cũng khá rõ ràng. Thay vì không nhớ được hình dáng hồ nước, tôi lại nhớ đến mấy pho tượng nhỏ được biết do chính Ôn nắn. Tượng không đẹp, vì không theo tiêu chuẩn nghệ thuật nào cả; hoàn toàn tự phát theo cách nghĩ của người nghệ sỹ mà qua đó rất dễ nhận thấy là không nhìn cái đẹp của đời theo con mắt thế gian. Nghệ sỹ thường mơ ước sáng tạo, dựng lên hình ảnh thế giới của mình nhưng phải được mọi người chiêm ngưỡng. Người đạo sỹ cũng dựng lên một thế giới tĩnh lặng cho chính mình, nhưng không phải để cho người đời đến thưởng ngoạn, giải trí. Danh sỹ trí thức viết lên sách: “Để cho thân và danh này cùng mục nát với cỏ cây” rồi ký tên vào đó, rồi in và phổ biến sách ấy không chỉ muốn cho đời nay mà muốn cho cả nghìn đời sau đều biết ai đã nói câu ấy.

thichmathien



Sau hậu liêu của Ôn, tôi còn nhớ có treo một cặp sáo dọc. Tôi chưa hề được nghe Ôn thổi sáo. Vào đêm khuya, khi đứng trước sân chùa trong bóng âm u, tuy không thấy rõ hồ nước và con suối, nhưng cái tĩnh mịch khiến người ta dễ mường tượng âm hưởng của sáo len lỏi qua mấy lùm cây man dại. Những lúc ấy tôi muốn vào lấy trộm sáo của Ôn ra dạo vài khúc. Có những điều mà tư duy không thể vươn tới, duy chỉ bằng âm vận được sáng tạo theo ước lệ bởi cảm thức riêng biệt của con người. Không dễ gì tìm thấy tình cảm vừa u uất và ưu ái của thiên nhiên trên một cánh gai nhọn; cũng vậy, không dễ gì khám phá những nét đẹp bất chợt, phù du chung quanh một Lão Tăng trong dáng vẻ nghiêm khắc, làm biểu tượng cho quy cũ, mực thước của tăng già.


Cùng chung một nguồn gốc, cùng một dân tộc, cùng thừa hưởng một di sản tinh thần đạo lý, Phật giáo Việt nam dần lan rộng trên khắp ba miền theo nhịp tiến của lịch sử, nhưng mỗi miền vẫn có sắc thái riêng biệt. Tuy cũng hành trì chung một giới bổn nhưng tòng lâm thanh quy mỗi miền vẫn có những nét riêng. Khi hoàn cảnh lịch sử thuận tiện, bốn chúng đệ tử Phật, với nhiều tông phái khác nhau, cùng hòa hiệp thành một giáo hội duy nhất, với danh nghĩa là Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, mà Ôn, tức Hòa thượng Mật Hiển được suy tôn vào ngôi vị Giám luật thuộc Viện Tăng thống. Trách nhiệm của ngài Giám luật là duy trì giềng mối và sách tấn việc hành trì giới luật của toàn thể Tăng già Việt nam, không phân biệt hệ phái. Trong cương vị đó, nhân cách của ngài Giám luật không chỉ đơn giản biểu lộ đức tu trì của cá nhân ngài, mà phản ảnh cụ thể tinh thần sinh hoạt của toàn thể Tăng già Việt nam, trong một thời điểm nhất định. Sự hiện diện của ngài có khi hữu hành, có khi vô hành, như cổ thụ trong rừng già; có khi đứng mà chịu giông bão để che chở những cây con; cũng có khi chỉ đứng trơ vơ đó. Nhưng sự hiện diện ấy, dù trong tình trạng hay hoàn cảnh nào, chính do sự hiện diện ấy mà khu rừng được kính trọng gọi là rừng già.

Đó là nói chung về uy đức của ngài Giám luật đối với toàn thể tăng trong toàn quốc. Riêng trong một địa phương cá biệt, như Thừa thiên-Huế là nơi sinh trưởng và hành đạo của ngài, sự hiện diện gần gũi ấy đã ảnh hướng nhất định đến sinh hoạt Thiền môn một thời. Không chỉ dừng lại ở một thời, mà ngay cả khi thời thế thay đổi, nhân tâm ly tán, Tăng-già có nguy cơ tan rã dưới sức ép đa dạng của xã hội, hình ảnh của ngài trong quá khứ vẫn hiện diện vô hành đủ uy đức để duy trì giềng mối Tăng luân, mặc dù có thể hầu hết tăng ni thế hệ hiện tại ở Huế khó có thể mường tượng được phong thái vừa nghiêm khắc vừa từ ái của ngài Giám luật trong quá khứ như thế nào. Thế hệ trưởng thành của chúng tôi trong hiện tại, dù trực tiếp hay gián tiếp tiếp nhận được sự giáo huấn giới luật của ngài, vẫn cảm nhận một cách cụ thể ấn tượng được che chở bởi thành trì giới luật mà chính ngài Giám luật là vị tướng quân đứng trấn giữ suốt trong những thời kỳ nhiễu nhương của đất nước và của đạo pháp. Tất cả chúng tôi, bất kể hiện đang đứng ở đâu trong hàng ngũ tăng già, đều có chung ấn tượng như vậy.

Phật dạy, tâm vô thường, pháp vô ngã. Mọi hình ảnh dù là của đấng Chí tôn cao cả, cho đến một lúc nào đó cùng phai nhạt trong lòng thế gian. Hình ảnh của Ôn có lẽ cũng phải mờ dần theo sự đi xuống của nhiều thế hệ tiếp nối, tùy theo dòng xoáy thăng trầm của đạo đức xã hội. Hình ảnh của Ôn, hình ảnh của ngài Giám luật của Giáo hội, của vị Tăng trưởng duy trì giềng mối Tăng luân, không thuần cố định bởi tầm vóc của một cá nhân, mà đó là biểu tượng của Tăng già giữa lòng thế tục, được hóa thân theo từng thời đại khác nhau, để duy trì mạng mạch của Chánh pháp tồn tại và thích ứng theo từng biến động của xã hội. Trong tôi, hình ảnh của ngài bất diệt, là ngọn giới đăng hóa thân nhiều kiếp, có thay đổi hình hài, nhưng giới thân và pháp thân vẫn không sinh không diệt. Ngọn giới đăng ấy vẫn tiếp tục soi đường cho thế hệ chúng tôi, những người đệ tử, hay những môn sinh trực tiếp hay gián tiếp của ngài, soi đường để chúng tôi vững chân và tự tin trên bước đường hành đạo đầy chông gai hiểm trở và gian trá này.

Thích Tuệ Sỹ






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/01/2022(Xem: 6673)
Thương làm sao ..đến thế gian này do nghiệp Tham, Sân, Si căn bản nguồn tội phát sinh Từ ngày học đạo …chỉ lo sửa chính mình Điều chỉnh hành vi, lời , ý …mong thành người Tốt
10/01/2022(Xem: 5158)
Thiền môn sớm tối vọng chuông đồng Chướng nghiệp tiêu trừ ánh đạo thông Bát nhã ngời soi tâm thức sáng Từ bi nhuần gội ý thân trong Chuyển mê khai ngộ truyền tâm ấn Mở oán trao ân tháo lao cung Gạn sạch sầu thương nương bến giác Để đời thanh thản tuệ soi đàng
08/01/2022(Xem: 4395)
Trên ngọn đồi cao của Taralga Bang New South Wales miền đông nước Úc Chỉ nghe gió thoảng líu lo chim hót Cảnh trí bao la bát ngát mây trời
07/01/2022(Xem: 4642)
Mười lăm năm -giấc ngủ trưa Bao nhiêu chìm nổi chẳng chừa nguồn vui Bao năm lưu lạc kiếp người " Cõi người ta " vẫn không nguôi tự tình Thăng trầm trong kiếp ba sinh Dấu hằn chấm hỏi -phận mình sao đang ? Sông lam lặng chiếc đò ngang
07/01/2022(Xem: 4043)
Tâm Linh Ánh Sáng Mười Phương, Nhân Duyên Kính Phật, Tâm Hương Di Đà. Pháp Âm Nối Gót Bảo Toà, Thênh Thang Mây Trắng, Hà Sa Chốn Tình.
07/01/2022(Xem: 4563)
Trông ra bốn biển năm châu Duyên thơ tao ngộ vàng thau tỏ tường Một người trăm vẻ thiện lương Bồ đề tâm nguyện tỏa hương tinh thần . Tiếng thơ ngọc chuốt vang ngân Tình thơ hồ điệp thiện chân nẻo về Rót tròn cung bậc tỉ tê Trường thiên BỤT CỦA BÉ – đưa về nẻo TÂM
07/01/2022(Xem: 4602)
Cuộc sống là một chuỗi dài giữa lý tưởng và hiện thực. Lý tưởng là điểm hẹn bình yên, trong khi hiện thực đầy dẫy rộn ràng và dạt dào yêu thương. Nhà thơ Hạnh Phương trên bước đường phụng sự lý tưởng đã có những bước đi nhẹ nhàng với nụ cười hiền thiện mà tâm hồn chan chứa yêu thương hy vọng trẻ trung. Nếu thơ là người, và người là nguồn cội của thơ thì Hạnh Phương là hiện thân của nguồn thơ mênh mông đa cảm, đa sắc màu. Thơ của anh chứa chan hy vọng, đầy ắp yêu thương, nhẹ nhàng như làn mây phiêu lãng, và thoang thoảng hương sen tinh khiết.
06/01/2022(Xem: 4389)
Chùa tôi nho nhỏ trong làng Dân chúng bao bọc với hàng cây xanh Trước chùa có cái sân banh Hè về trẻ nhỏ vây quanh nô đùa Chùa tôi hoa lá bốn mùa Xuân Về hoa nở gió đùa bướm bay
06/01/2022(Xem: 4313)
Mơ làn tiết mới quyện ngàn mơ, Chờ đến chùa thiêng khách ngóng chờ. Ánh đạo yên bình thêm tuệ ánh, Tơ lòng lắng dịu bớt tình tơ. Lý thông ứng biện mau hòa lý, Bờ giác nguyền trau sớm cập bờ. Cúi lạy cầu may thà chớ cúi, Ngờ kinh giáo pháp, khổ vì ngờ.
06/01/2022(Xem: 6944)
Trên đường dài có một bà Tay bồng đứa nhỏ đi xa mệt nhoài Cho nên bà muốn xả hơi Nghỉ chân dừng lại ngay nơi lề đường Rồi bà ngủ thiếp mơ màng Nào hay có kẻ lạ đương tới gần Tay cầm đường ngọt trắng ngần Đưa cho đứa nhỏ ham ăn vô cùng,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]