Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06_Tuệ Sỹ trên ngỏ về im lặng (bài của nhà thơ Tâm Nhiên)

31/05/201211:49(Xem: 18394)
06_Tuệ Sỹ trên ngỏ về im lặng (bài của nhà thơ Tâm Nhiên)

on tue sy-20

TUỆ SĨ TRÊN NGÕ VỀ IM LẶNG
Tâm Nhiên


Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Đó là hai câu thơ mở đầu tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ. Quê quán Quảng Bình, sinh năm 1943, Tuệ Sỹ nhỏ hơn Phạm Công Thiện 2 tuổi, cũng là một bậc thiên tài xuất chúng, làu thông kinh điển Nguyên thủy, Đại thừa và nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali. Khi mới vừa 26 tuổi đã viết Triết Học Về Tánh Không làm chấn động giới văn nghệ sĩ, học giả, thiện tri thức Việt Nam thời bấy giờ. Cùng đứng tên trong nhóm chủ trương tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975, Tuệ Sỹ cũng là giáo sư giảng dạy Thiền Tông, Trung Quán Luận ở Đại học Vạn Hạnh và Cao đẳng Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, nổi bật lên như một hiện tượng độc đáo, gây bao nguồn cảm hứng cho những tâm hồn ưa thích thiền học, thi ca và phiêu lãng.“Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết mọi chân trời mới cũ, từ Đường thi Trung Hoa tới siêu thực Tây phương.” Bùi Giáng đã nhận định như thế về Tuệ Sỹ qua bài thơ Không Đề :

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng ?

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Trừ Bùi Giáng ra, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách, thẩm quyền bằng Phạm Công Thiện : “Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra, cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo, toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí.” Như vậy, chúng ta có thể gọi Tuệ Sỹ là một thiền sư thi sĩ với ý nghĩa trọn vẹn, tốt đẹp nhất của danh từ. Điều đó chứng tỏ qua những tác phẩm thâm viễn uyên áo, nhất là thể hiện qua phong cách sống đạm bạc, đơn sơ giản dị mà rất nghệ sĩ phóng khoáng, an nhiên tự tại. Khai mở thông lộ tự do cho con người, biết mỉm cười vô úy, trên tinh thần hạo nhiên chi khí đại bi tâm.

Năm 1973, Tuệ Sỹ vừa đúng 30 tuổi, viết Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, một tác phẩm thâm thúy, trữ tình lai láng, tràn đầy chất nhạc và thơ, mở ra con đường phong quang sáng tạo, ngạt ngào hương vị thi ca, hòa chan cả trời thơ bát ngát : “Đạt đến cõi thượng thừa của Thơ như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo, cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đọa thân tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó…

Thơ phát ra từ những khổ lụy và những nguyện ước khơi vơi của cuộc tồn sinh, từ độ đó, Thơ đi vào những thảm họa hoành sinh của lịch sử. Từ buổi bình minh, Thơ vang vọng những lời tình tự thiết tha, từ tiếng chim thư cưu nơi cồn cát đến những đêm dài trằn trọc… Thơ dấn bước đi vào cuộc lữ…”*

Tuệ Sỹ nói về cõi thơ Tô Đông Pha mà vô hình trung cũng dường như nói về cõi thơ của chính mình. Thật vậy, thế giới thi ca Tuệ Sỹ đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặng mà sấm sét, tĩnh toạ mà phiêu bồng. Đó là cõi thơ thống thiết, bi tráng vọng vang lên từ một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt với hồn thơ hoằng viễn, uyên mặc, u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm hùng :

Giữa thiên đường rong chơi lêu lổng
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu

Lời thơ hàm chứa một điều chi dữ dội, khốc liệt, khiến cho trời thơ bốc cháy niềm cô liêu tối hậu. Rồi trên những bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, thi nhân làm kẻ rong chơi từ thuở hồng hoang hỗn độn, phiêu hốt tang bồng, rong rêu lêu lổng trong cuộc mộng trần sa :

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô

Vì lêu lổng mười năm trời nói mộng
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn
Một sớm nọ nghe chim buồn đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần

Đất đỏ thắm nên lòng người hớn hở
Đá chưa mòn sao lòng dạ trơ vơ
Thành phố nọ bởi sương mù nắng quái
Nên mười năm quên bẵng mộng giang hồ

Cuộc rong rêu phiêu bạt, lãng tử giang hồ vô cùng tận đến nỗi quên bẵng hết những chuyện mộng mị chiêm bao, hồn thi nhân phóng khoáng, xuất thần lâng lâng rồi chợt bỗng hóa thân thành cánh chim én mùa xuân bay qua dòng sông chiều tàn hoang vắng hay làm cánh bướm chao nghiêng, tung lượn xôn xao giữa mưa nắng phong trần :

Một con én một đoạn đường lay lất
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao

Bóng ma gọi tên người mỗi sáng
Từng ngày qua từng tiếng vu vơ
Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ

Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trên cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa ?
Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng
Người vẫn đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm

Ngàn năm rồi mà sao vẫn còn mãi lạc loài, hỡi mây trắng miên du ? Nhà thơ chợt lặng thầm, trầm tư thắc mắc, chẳng biết chiếc lá vàng úa rụng xa mùa kia sẽ về đâu giữa phong ba, bão loạn ? Nhưng rồi bỗng thấy “năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” nên cứ mặc nhiên cho dòng thơ trôi chảy qua nghìn bến bờ xa lạ, nhòa nhạt hoang vu tận cuối bãi mịt mù. Trước cuộc dâu bể vô thường, đổi thay thời thế, thi nhân chạnh lòng trắc ẩn trong ngậm ngùi, khắc khoải, xót xa cho bao thân phận kiếp người phải hốt hoảng, kinh hoàng vượt trùng dương để tìm kế sinh tồn. Cưu mang, nung nấu một nỗi niềm tâm sự mênh mông, không biết bày tỏ cùng ai, nên chẳng biết nói gì hơn là để cho tiếng lòng ngân lên rưng rức những sầu thương vô hạn, trước bao lượn sóng cuồng phong chìm nổi giữa sinh tử ba đào :

Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi ! Mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình nước lạnh sao ?

Một bước đường xa xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy ngàn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phìm dương cầm hay máu xanh

Hình ảnh máu màu xanh bầm tím rơi xuống như mưa mù thảm đạm thật khiếp đảm làm sao, gợi ra bao cảnh xiêu hồn lạc vía ở địa ngục âm u, mù tăm tối. Ơi chao ! Địa ngục đó, chẳng phải ở dưới lòng đất sâu kín kia mà lại ở ngay trên mặt đất trần gian này mới đau đớn, rợn người khủng khiếp chứ ! Từ khi chứng kiến biết bao oan khiên nghiệt ngã, biết bao khổ lụy, đọa đày diễn ra một cách tàn bạo, vô nhân đạo, vô lương tâm trên khắp mọi miền trên thế giới, nhà thơ nhạy cảm của chúng ta đã thấm thía một nỗi buồn vạn cổ sầu trong vô lượng xót thương :

Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước
Cố quên mình là thân phận thần tiên

Cốt cách, phong vận của thi nhân vốn là ở cõi tự do tiêu sái, tiêu dao, bay bổng chất ngất một trời thần tiên, huy hoàng tráng lệ. Thế mà cũng đành phải cố quên đi tất cả, vì ma quỷ A tu la, tham sân si đã hiện hình như người, dùng bạo lực thâm độc, dốc hết tốc độ tham tàn, sân hận, si mê giáng xuống những tai ương thảm họa, trong cơn điên đảo loạn cuồng. Buồn quá phải không, buồn chết lặng, quặn lòng đau tê tái giữa chập chùng bóng tối u mê :

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ
Quỷ run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi
Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời

Lời thơ đồng vọng âm khí quỷ mị Lý Hạ, thấp thoáng ma quái Bồ Tùng Linh. Một khi đối diện với quỷ ma giữa ban ngày thì hầu hết chúng ta đều hãi hùng khiếp sợ, nhưng ở đây, kỳ lạ thay, giữa phủ trùm bóng đêm đen tối, rình rập thập tử nhất sinh, nhà thơ vẫn ngồi dạo cung đàn sinh tử một cách hào hùng vô uý, khi biết mình đang giáp mặt với đủ loại ma quân đang chập chùng vây khổn :

Bóng có rơi giật mình sửng sốt
Mặt đất rung Ma Quỷ rộn phương trời
Chút hơi thở mong manh trên dấu lặng
Đêm huyền vi giai điệu không lời

Ơi chao ! Một mình, một bóng lặng thầm lẫm liệt, hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, hỡi Tăng Triệu, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, hỡi Lý Hạ, Tô Đông Pha, Vương Duy, hỡi Thiện Tài, Duy Ma Cật, Thắng Man, hỡi Nietzsche, Hoelderlin, Heidegger…giữa điêu tàn, tan hoang trên mặt đất ? Thân gầy như hạc, như trúc nhưng hồn thơ vẫn vút bay lồng lộng chín tầng trời cao xanh bát ngát, rồi lặng hồn lắng nghe đồng vọng vang lên những lời kinh Hoa Nghiêm hùng tráng :

Trang phục bằng khôi giáp Nhẫn kiên cố
Thanh gươm Trí trong cánh tay Đại bi
Nguyện đấng Đại Hùng dũng mãnh hướng dẫn con
Trực diện chiến đấu với ma quân

Với cánh tay Đại bi cầm thanh gươm Đại trí, thi nhân còn mặc thêm áo giáp Vô sanh pháp nhẫn nữa thì cũng thừa sức dấn mình vào địa ngục trần gian, trực diện đương đầu với đảo điên, chuyển hóa ma vương, quỷ sứ đang quờ quạng, loạn cuồng trong bóng tối vô minh. Cuộc thế trận sinh tử kinh hồn, một lần tận tường giáp mặt là một lần thấu triệt lẽ vô thường, huyễn ảo quá đỗi mong manh trong cõi người ta và cũng chính từ đó, thi nhân mới phát Bồ đề tâm, phát đại nguyện thượng thừa, gánh vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường của nhân gian như chính lời Tuệ Sỹ tự nhắc nhở thì thầm : “Bồ đề tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng, không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ đề tâm, đó là ý chí kiên cường, bất khuất của một con người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc bởi tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. “Vui sướng gì, thích thú gì giữa ngọn lửa tam độc không ngừng thiêu đốt ? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm bó đuốc ?” Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ tát đạo chỉ là một con đường xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đường và Phật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày.”** Thi nhân thấy như vậy bằng đôi mắt sâu thẳm của chính mình nên vẫn thường thích nghi, tùy duyên nhẹ bước vào ra giữa ta bà đây đó :

Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ
Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh
Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ
Trời lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn

Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói
Ép thời gian thành rượu máu trong xanh
Rượu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi
Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh

Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao

Từ vô thủy đến vô chung, cuộc luân hồi khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phù trần, tận chốn miền thiên thu vi vu thổi tới giữa vạn đại miên trường :

Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Nghìn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Đan sa rã mộng phi thường
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh

Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô Môn Quan của thiền sư Vô Môn, do Trần Tuấn Mẫn dịch : “Nơi đây, sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết vẫn mãi bồng bềnh trong hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và huỷ diệt.” Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang huỷ diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, gây bao tang tóc não phiền, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn :

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào

Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao
Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu

Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu

Giọt máu nào phiêu lưu, giọt lệ nào phiêu lạc, trôi tan tác lao đao trong nỗi hao mòn tàn tạ, trong cơn gió lốc kinh hồn, rờn lạnh buốt xương da ? Đi là đi mất, đi biền biệt, biến tan như sợi khói mỏng manh giữa bầu trời cao rộng, không bao giờ trở lại nữa, nhưng vừa đi vừa ngắm nhìn, lắng nghe những tiếng gào kêu trầm thống của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại, rên siết trong bao đổ nát đoạn trường, dâu bể tan hoang đầy thảm hoạ tồn sinh, bức bách rợn ngần :

Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận
Lời ai ru trào máu lệ bi thương ?
Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương

Ai tóc trắng sững sờ trên tuyết lãnh
Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương
Viên đá nhỏ mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu vết hoang đường ?

Hoang đường nào còn in trên dấu vết lênh đênh ? Tên tuổi nào cô liêu đến bạc trắng cả mái đầu ? Sầu thế kỷ điêu linh nào cứ ngân dài mãi trong não nề thê thiết :

Tang thương một dải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn xa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu

Cô liêu, cô đơn, cô độc, cô lữ là bước đi kỳ cùng của người thi sĩ bi tráng dị thường. Bước đi chênh vênh, bên này cát bụi phù du, bên này bờ Thị Ngạn, xao xác cọng lau gầy sậy yếu lặng phất phơ. Thở cùng hương trái đắng và hương nắng buồn trong mắt biếc nhiều diệu vợi uyên tư :

Gà xao xác gọi hồn ta từ quá khứ
Về nơi đây cùng khốn với điêu linh
Hương trái đắng mùa thu buồn bụi đỏ
Ôi ngọt ngào đâu mái tóc em xinh

Từng tiếng lẻ loi buồn thống thiết
Nghe rộn ràng từ vết lở con tim
Từ nơi đó ta ghi lời vĩnh biệt
Nắng buồn ơi là đôi mắt ân tình

Còi xa vắng giữa trưa nào lạc lõng
Môi em hồng ta ước một vì sao
Trưa dài lắm nhưng lòng tay bé bỏng
Để vươn dài trên vầng trán em cao

Em ở đây chính là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời nếu nhìn từ chân đế, vốn là tuyệt trần chân mỹ, vốn là bất sinh bất diệt, vốn là Niết bàn, Tịnh độ vô lượng vô biên. Biết được điều đó, cho nên lòng thi nhân tự bao giờ vẫn khoan dung rộng lượng, thương yêu nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ, trong tận cùng dung nhiếp âm thầm, chia sẻ với muôn loài vạn vật trần ai :

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao

Vô biên, vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy ? Một tình yêu rộng rãi, đại bi tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút biển ngàn, sông núi giữa trời đất mênh mang :

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở Trường Sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông phương

Bản tình ca vô tận ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ, ở dọc đường quán trọ bơ vơ, bên làng mạc thôn ấp đìu hiu, cạnh ven rừng sơn dã hay quanh triền sông, thị trấn tiêu điều hoặc trên ghềnh suối truông ngàn, hoang vắng tịch liêu giữa những chiều sương khói chơi vơi, bềnh bồng trống trải :

Em trải áo trên hoa rừng man dại
Để hoa rừng nước cuộn biết yêu nhau
Nhưng nước cuộn xóa đời ta trên bãi
Để hoa rừng phong nhụy với ngàn lau

Em xỏa tóc cho cây khô sầu mộng
Để cây khô mạch suối khóc thương nhau
Ta cúi xuống trên nụ cười chín mọng
Cũng mơ màng như phố thị nhớ rừng sâu

Ta chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc chợt thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
Ta cúi xuống trên chân người bụi đỏ
Để nhìn sâu trong vết tích hoang đường
Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ
Để nhìn sâu trong ngọn nến tàn canh

Bằng ánh mắt rực lửa từ tâm thâm cảm, nhà thơ nhìn sâu vào lòng đời với nụ cười bao dung rộng mở. Thở cùng điệu hát bản tình ca, nhã nhạc vang lừng trên núi rừng cô tịch hay giữa ngày hội lễ rộn ràng dưới phố thị xôn xao, nhà thơ đều lắng nghe trong từng khoảnh khắc lặng trầm, cảm nhận sâu xa vì biết chỉ là chiêm bao huyễn mộng, trong khói bụi chập chờn :

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao
Em là nàng thơ, là hình ảnh cuộc sống. Cuộc sống nếu nhìn từ tục đế thì đầy những thăng trầm, điêu linh, khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đế là sự thật thứ nhất mà Đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi, giống như nhà văn Hermann Hesse phát biểu : “Dù có bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này.” Nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt :

Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lửa
Ngồi đợi gió sang canh

Một hình một bóng cô đơn, ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, sẵn sàng chờ đợi một điều gì có thể xảy đến, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u buồn, xót xa sầu khôn tả, sầu cho kiếp người sớm nắng chiều mưa :

Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa
Người không đi sông núi có buồn đi
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi
Ta lên bờ nắng vỗ bờ róc rách
Gió ở đâu mà sông núi thì thầm
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
Ráng chiều xa ai thấy mộ sương dầm?

Ráng chiều xa bảng lảng, bóng hoàng hôn nhân loại đang phủ trùm vàng vọt xuống khắp vùng sông núi Đông phương. Cho dẫu đường đời giăng bẫy đầy nghịch cảnh, nhiều hầm hố cách ngăn, khó khăn trắc trở gì gì đi nữa, thi nhân vẫn nhận diện, tỉnh thức trước những sự kiện đang diễn biến, vì đã bừng ngộ thấy : “Ngay trong phiền não tức là Bồ đề, ngay trong những nguy hiểm đáng sợ hãi của sinh tử cũng chính là Niết bàn an ổn. Sợi dây bị tưởng lầm là con rắn, nhưng không phải hủy diệt sợi dây để diệt trừ ảo giác gây nên sợ hãi. Ngoài những gì vô thường được thấy, được kinh nghiệm bằng chính mắt, tai, mũi, lưỡi này, không tồn tại một thế giới chân thường, đại lạc hay đại ngã nào khác. Đó chính là thực tại Nhất nguyên tuyệt đối.”*** Phải chăng, đó là cái thấy bằng tuệ giác siêu việt ? Thể hiện một tâm hồn thượng đẳng, hoằng đại, thấu thị lẽ đời, lý đạo vô vi. Một khi nhà thơ có cái nhìn tuệ giác đó rồi thì những sầu khúc thê lương kéo dài trong đợi chờ não nuột, suốt mười lăm năm trường đọa đày kia cũng chẳng hề dao động mà vẫn như như một cách vô quái ngại :

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha…

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai như ánh chớp mây chiều

Chút thân bé bỏng dù có bị tù ngục, lưu đày vì sự ngộ nhận của thế lực vô minh, nhưng ngay trong dầu sôi lửa bỏng, trong đêm dài sinh tử đó, thi nhân đã nhập thần đại thiền định, thấu thị tất cả vạn pháp “như sương mai như ánh chớp mây chiều” làm vỡ bùng, rơi rụng bóng tối để rực ngời lên ánh phong quang tuệ giác. Một câu thơ lấy từ ý kinh Kim Cang : “Trùng trùng pháp hữu vi. Như huyễn mộng, bọt nước. Như ánh chớp, sương mai. Thường quán tưởng như thị.” Giữa trùng trùng vạn pháp, muôn loài vạn vật, núi sông rừng biển, thiên nhiên vũ trụ và con người đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như sương rơi… Phải tận tường thường xuyên quán chiếu thấy rõ ràng như thế. Chúng ta hãy nghe Tuệ Sỹ nói : “Tất cả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. Tôi đang tồn tại, đó là một hiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là một sự thực. Cái tôi đang đau khổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được định hình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản của ta, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta, ta là tài sản này, sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khi sông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ thì có kẻ trầm mình xuống sông hoặc treo cổ trên cành. Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, là không thực, người nghe có thể kinh hoàng như nghe sét đánh ngang tai. Tiếng sét đó là từ Kim Cang Bát Nhã. Duy có điều, mọi người đều mù, chỉ thấy bóng tối, mọi người đều điếc, chỉ nghe tiếng vo ve. Làm sao có thể thấy cái ta chỉ là ảo ảnh ? Làm sao nghe được tiếng sấm từ kinh Kim Cang ? Với những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, kinh Kim Cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi và chỉ cách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã.”

Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, đã thấy tất cả vạn pháp như ảo ảnh, mộng huyễn như vậy rồi thì hoát nhiên hiển lộ, bừng sáng lên một phương trời Tánh Không lồng lộng, không ngằn mé, cho nên hết thảy mọi khổ nạn, mọi điêu linh trầm thống đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “bản tình ca vô tận của Đông phương” thâm thúy dưới ngàn trăng sao, xao xuyến lặng huyền hòa. Tiếng đàn bất tuyệt miên man, réo rắt lặng hồn dưới bàn tay nghệ thuật điệu luyện, dìu dặt âm vang qua Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm thấm thiết mãi ngân nga từ cõi mộng không lời với một nụ cười sâu lắng tự tri :

Khói ơi ! Bay thấp xuống đi
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa

Vĩnh hằng chẳng ở đâu xa mà ngay trong mỗi sát na hiện tại, ở đây và bây giờ, ngay trong tiếng ve sầu hay từng nhịp thở nhẹ nhàng, từng phím đàn lặng lẽ giữa lòng phố bụi lao xao :

Ve mùa hạ chợt về thành phố
Khóm cây già che nắng hoang lương
Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ
Trên phím đàn lặng lẽ tàn hương
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương

Hương gì tan trên phím đàn phiêu hốt ? Vì sao “khóc mùa hè mà khô cả đại dương” ? Ngôn ngữ thi ca thường chứa nhiều ẩn dụ, tượng trưng, hàm súc như vậy, chúng ta tha hồ suy diễn, lãnh hội, cảm nhận theo đủ cách điệu riêng tư của mình thôi. Đọc thơ Tuệ Sỹ là ngao du phiêu lãng, bước dạo chơi vào một thế giới diêu mang, kỳ ảo vô vàn :

Một ngày chơi vơi đỉnh thác
Nghe bồn chồn tiếng gọi hư không
Giai điệu nhỏ dồn lên đôi mắt
Mặt hồ im ánh nước chập chờn
Mặt hồ im tảng màu man mác
Ảnh tượng mờ một chút sương trong
Quãng im lặng thời gian nặng hạt
Tôi nghe đời trong tấu khúc Thiên hoang

Tấu khúc Thiên hoang vang rền như Hòa Tấu Khúc Thứ 9 của Beethoven đồng vọng trong tận đáy lòng Không Tánh vô biên, khiến cho thi nhân tự mình thưởng thức hương vị cô liêu của cuộc sống diệu thường :

Tự tâm tự cảnh tự thành chương
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng
( Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức )

Nỗi cô đơn của Tuệ Sỹ cùng tương ứng với triết gia Nietzsche : “Hỡi cô đơn ! Quê hương của ta ! Ôi giọng nói của mi nói với ta nghe sao mà dịu dàng hân hoan đến vậy ! Chúng ta không thắc mắc nhau điều gì, không than thở nhau điều gì, thong dong chúng ta cùng vượt qua những cánh cửa mở rộng.” Đồng cảm với thiền sư Không Lộ :

Cắm cột am cao đất rắn rồng
Vi vu thân thế tuyệt đời ông
Đỉnh non có buổi leo lên thẳng
Gầm dài một tiếng lạnh hư không

Đồng điệu với Tuệ Trung Thượng Sỹ :

Dù chốn lầu son hay sơn lâm
Nơi nào cũng vậy vẫn an tâm
Nhân gian đều thấy ngàn non sáng
Ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm

Ở bất cứ nơi nào dù giữa heo hút rừng sâu hay ngay chốn phồn hoa đô hội đi chăng nữa thì người tự tri tự ngộ, kẻ sáng tạo đích thực vẫn tiêu dao vô ngại. Cái quan trọng không phải ở hình thức cư xử bên ngoài mà là bản tánh thanh tịnh sâu kín, là nguồn tâm thâm diệu bên trong lòng mình đó thôi. Nỗi cô đơn trầm hậu, xuất thần cất lên tiếng thơ ngân dài sâu thẳm lâm ly, thi nhân đã thưởng thức được hương vị cô liêu của đời sống nội tâm vi tế… Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì ? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh, ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thông tuệ siêu phàm ? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm, âm thanh thánh thót, nhẹ nhàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa kia ?

Chia lìa, chia ly, chia tay hay buông bỏ, buông xả hết thảy mọi sự thị phi, hỷ nộ ái ố dưới thành phố Sài Gòn hỗn độn, ồn động đủ thứ phù hoa, nhà thơ đã rời khỏi Thị Ngạn Am ở Gò Vấp gần ba năm nay rồi. Bây giờ, Tuệ Sỹ sống lang thang đúng nghĩa lang thang, hoàn toàn rỗng rang vô sự. Bước đi vô sở trú, vô sở cầu, vô sở đắc, lặng lẽ mở ra cuộc lữ tự do tự tại giữa đang là. Lẫn vào cảnh giới ta bà, hòa nhập cùng cát bụi phiêu du, Tuệ Sỹ thong dong trên ngõ về im lặng, thi nhân thường ẩn mình trên núi rừng Đamri hoang vắng tịch liêu, nằm phiêu dật giữa đất trời thanh lương hùng vĩ. Tuy nhiên cũng có lúc tiêu dao với mây trắng lặng lờ ở thung lũng Madagoui huyền ảo, lúc thì lên đồi Phương Bối ở vùng Đại Lão, Bảo Lộc uống trà với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, khi thì rờn lạnh theo sương ngàn xuôi về phố hoa Đà Lạt, ghé lại bên cầu sông nước Đại Ninh cùng dăm ẩn sĩ tâm tình, rồi bồng tênh xuống miền biển khơi Vạn Giã, Nha Trang muôn trùng bát ngát… Hát khúc vô thanh, phiêu diêu siêu thoát làm hồi phục những tiêu điều, hiu hắt dọc khắp ven đường thi sĩ bước đi qua. Đi bộ và chỉ đi bộ, độc hành ca bằng đôi chân trần, thấm đẫm gió sương dãi dầu mưa nắng :

Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu

Không phải phiêu lưu khám phá những phương trời viễn mộng như thi hào Tô Đông Pha mà cuộc lữ phiêu nhiên không mục đích, không chỗ trụ, không mong cầu chi hết đấy thôi. Phương trời lưu viễn chơi rong, thõng tay vào chợ, thở cùng điệu thở nhập cuộc thênh thang sáng tạo quá đỗi phiêu bồng thi ca… Hòa cùng nhịp bước lãng du của người thi sĩ kỳ tuyệt đó, tôi chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ : “Một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương…

Thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim bay từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính mệnh quê hương…

Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”

Bắt chước Phạm Công Thiện, tôi cũng muốn ca ngợi, tán thán Tuệ Sỹ, một thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại, vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động, rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi. Thôi thì chỉ xin đọc tặng bài thơ, khi một chiều bữa nọ, bất ngờ trùng ngộ thi nhân đang ẩn cư ở vùng biển xanh Vạn Giã, trong một ngôi cổ tự rêu phong trầm tịch mịch :

Những phương trời viễn mộng đi
Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua
Đọa đày một thuở ta bà
Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng
Ôi ! Giấc mơ Trường Sơn rung
Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ
Kinh thiên động địa sững sờ
Đâu chân diện mục của thơ với thiền ?
Mặc như lôi ngồi tịch nhiên
Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm
Những điệp khúc cho dương cầm
Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm
Tâm Nhiên

________________________________________
* Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1973
** Tuệ Sỹ. Thắng Man Giảng Luận. Phương Đông xuất bản 2012
*** Tuệ Sỹ. Huyền Thoại Duy Ma Cật. Phương Đông xuất bản 2007 Thơ Tuệ Sỹ ( chữ nghiêng ), trích trong các tác phẩm:
Giấc Mơ Trường Sơn. An Tiêm xuất bản, Paris 2002
Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm. Phương Đông xuất bản 2009

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/11/2010(Xem: 6763)
Cảnh Thiền Thích Tâm Ngoạn Ngôi chùa đẹp ở phương xa Có thầy phục vụ vị tha ân cần Vui lòng thiện tín xa gần Một trời hạnh phúc, một lần viếng thăm
14/11/2010(Xem: 9285)
Thúy Kiều, con của viên ngoại họ Vương, người ở Bắc Kinh. Nàng yêu kiều diễm lệ, có một thái độ phong lưu, tính thích hào hoa, thích âm luật...
12/11/2010(Xem: 13555)
Đông tàn, tuyết rụng, ánh trời quang Cảnh vật dường như mới điểm trang. Cây cỏ thắm tươi... hoa nở đẹp
08/11/2010(Xem: 14512)
Đức Phật dạy các con phải tự độ Thường ngày đêm y giới luật tu hành Tham nhiễm rời giải thoát như trăng thanh Y pháp Phật tu hành tất giác ngộ.
07/11/2010(Xem: 8690)
Thổ Man Đầu xưa nay vẫn vậy Ngoài thành kia vùng vẫy ra sao Làm cho cây cỏ tiêu hao Thành kia vẫn thế biết bao tháng ngày Người ăn uống xưa nay vẫn thế Chỉ bày trò dâu bể ai hay Chớ chê sanh tử đường ngay Bao nhiêu vị đắng lẫn cay thấm dần.
06/11/2010(Xem: 23664)
Ẩn tu nào phải cố xa đời! Mượn cảnh u-nhàn học đạo thôi! Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi.
03/11/2010(Xem: 8678)
Để tạ ơn Tất cả chúng sinh là cha mẹ của tôi, Tôi thực hành tâm linh ở nơi này. Nơi chốn này như một hang ổ của những dã thú hung dữ; Trước cảnh tượng này, những người khác sẽ bị kích động đến độ phẫn nộ. Thực phẩm của tôi thì giống như thức ăn của những con heo và chó; Trước cảnh tượng này, những người khác sẽ phải xúc động đến độ nôn mửa. Thân thể tôi như một bộ xương; Trước cảnh tượng này một kẻ thù hung dữ sẽ phải khóc than.
02/11/2010(Xem: 12061)
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn từ núi lạnh đến biển im muôn thuở Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan Cười với nắng một ngày sao chóng thế Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ Bụi đường dài gót mỏi đi quanh Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
31/10/2010(Xem: 9354)
Giấc đời tỉnh hạt mù sương Chim về bên cửa Phật đường nghe kinh. Mới hay từ buổi vô tình Sắc-Không nào chẳng không hình huyển như.
29/10/2010(Xem: 11843)
Thơ Trong Tuyển Tập Thơ Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn) (Trích trong Đường Về Minh Triết; 1989-2005; NXB Văn Nghệ, 2007) --- * Nghìn Câu Thơ Tài Hoa Việt Nam (Bản tái bản lần 4; NXB Hội nhà văn, 2013) Không Đề Chất chứa những cằn nhằn Hồn lô nhô sỏi đá!... Chút lặng thầm hỉ xả Sỏi đá dậy hồn thơ…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]