Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

29. Tìm hiểu bút hiệu Mặc Giang, thi sĩ Mặc Giang và "chất hoa" trong thơ Mặc Giang

31/01/201206:22(Xem: 15096)
29. Tìm hiểu bút hiệu Mặc Giang, thi sĩ Mặc Giang và "chất hoa" trong thơ Mặc Giang

thichnhattan2TÌM HIỂU BÚT HIỆU MẶC GIANG, THI SĨ MẶC GIANG

VÀ “CHẤT HOA” TRONG THƠ MẶC GIANG

Đầu năm Kỷ Sửu – 2009

Trừng Sỹ


Để trở thành con người ý nghĩa, danh tiếng và hữu ích trong cuộc đời, ngoài cái tên thế danh ra, chúng ta có thêm một, hai hoặc ba cái tên khác nữa gọi là bút hiệu, đạo hiệu, biệt hiệu… Thế danh là cái tên gia đình do cha mẹ, người thân hoặc người thương của chúng ta đặt ra; Bút hiệu hay bút danh là cái tên viết văn hoặc viết thơ do chính mình thích và đặt ra. Đạo hiệu là cái tên đạo, cái tên pháp danh do Sư phụ hoặc thầy mình đặt ra. Biệt hiệu là cái tên riêng biệt, khác biệt do mình hoặc người khác đặt ra…

Trong bài viết này, bút hiệu và đạo hiệu được đề cập. Bút hiệu là Mặc Giang và Đạo hiệu là Nhật Tân, tên của một vị thi sĩ và tu sĩ. Bên cạnh bút hiệu và đạo hiệu, chúng ta tìm hiểu rõ “Chất Hoa” trong thơ Mặc Giang dưới đây. Theo các nhà tướng số học, cái tên có liên quan tới cái tâm và cái thân một phần. Cái tên ý nghĩa và đẹp đều có ảnh hưởng tới con người chúng ta không ít. Sau đây, người viết lần lượt đi vào định nghĩa và tìm hiểu các vấn đề trên.

Mặc Giang là một từ Hán Việt là bút hiệu của một thi sĩ. Mặc có nghĩa là tĩnh mịch, tĩnh lặng, bình thản, thanh thản, trầm lặng, yên lặng, trong lặng, lắng trong, sáng suốt, thấu suốt… Giang có nghĩa là sông, cũng có nghĩa là dòng nước của con sông. Ở trong ngữ cảnh này, Giang có nghĩa thứ hai. Mặc Giang có nghĩa là dòng nước trong lặng của con sông. Nhờ dòng nước trong, ta mới thấy được cá, cát, rác rến và lá cây. Nước trong chỉ cho cái tâm tĩnh lặng của thi sĩ. Nhờ tâm tĩnh lặng nên thi sĩ mới sáng tác ra rất nhiều bài thơ hay mang nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau như đạo Pháp, dân tộc, quê hương, làng xóm, vùng miền, cha mẹ…

Mặc Giang là bút hiệu của một nhà Sư, đạo hiệu là Nhật Tân. Nhật là ngày; Tân là mới. Nhật Tân có nghĩa là ngày mới. Với bút hiệu ‘Mặc Giang’, mỗi ngày mỗi ngày mới, thi sĩ sáng tác ra nhiều bài thơ mới để cống hiến cho đời và cống hiến cho đạo. Vậy, Mặc Giang vừa là nhà thơ thời đại vừa là nhà Sư nhập thế. Thơ của ông xuất hiện trong âm nhạc, ca nhạc và trên nhiều trang web điện tử khác nhau, đa dạng và phong phú bởi vì ông viết thơ bằng cái tâm hỷ tâm xả như nước lã, ngõ ngách nào thơ ông cũng chảy tới, vùng miền nào thơ ông cũng có mặt, không vụ lợi cá nhân. Ông viết thơ bằng cái tâm cộng đồng, cái tâm tập thể, cái tâm vô ngã vị tha, nên thơ ông đi vào đạo rất dễ và vào đời cũng không khó, đối tượng nào có đủ duyên bắt gặp thơ ông đều cũng ưa chuộng.

Với bút hiệu như vậy, với đạo hiệu như vậy và với cái tâm như vậy, ông đã và đang đóng góp rất nhiều bài thơ hay cho nhân thế. Thơ của Mặc Giang mang nhiều chủ đề khác nhau, đa dạng và phong phú, trong đó đối với người viết bài này, chủ đề nổi bật là chủ đề “Chất Hoa” trong thơ của ông. Trong bài thơ “Đóa Hoa Đạo Đức,” ông có đề cập tới hoa, ông viết thơ theo kiểu độc thoại vừa viết vừa trả lời:

“Đóa hoa đạo đức là hoa gì

Tìm khắp trần gian chẳng thấy chi

Tìm khắp chợ hoa, đều chẳng có

Chưa từng nghe nói đó hoa chi.

Đóa hoa đạo đức là hoa chi

Ai biết, làm ơn chỉ giúp đi

Ai cũng lắc đầu, nghe lạ quá

Xưa nay chẳng biết đó hoa gì.

Đạo đức đơm hoa, mới tuyệt kỳ

Mọc từ sân hận với mê si

Ươm phân phiền não, tưới ô uế

Mà kết thành hoa mới lạ hì.

Này này lẳng lặng lắng tai nghe

Lục dục thất tình thoát biển mê

Sen nở lìa bùn sao kiếm được

Là hoa đạo đức, khó chi hè.

… Đóa hoa đạo đức nở trong lòng

Chốt khóa ngục tù đã mở thông

Bốn biển không giam bờ ốc đảo

Thỏng tay vào chợ bước thong dong

Đóa hoa đạo đức nở tâm hồn

Tự độ độ tha nhưng xả buông

Nhân ngã trống không, lìa bỉ thử

Hư vô đâu có trói càn khôn

Đạo đức do mình, hãy tạo đi

Tự ươm, tự bón, đừng lo gì

Vun phân, tưới nước thường xuyên vậy

Thơm ngát hương lành chớ khó chi.

Nếu mình không có, chẳng ai cho

Đừng sống hoa hòe, xịt, trét, tô

Đừng bám bề ngoài mà vẽ phết

Da sần, mặt sũi, chóng tàn khô

Đóa hoa đạo đức ngát thanh lương

Độc thọ khai hoa vạn thọ hương

Như đóa vô ưu tuyệt diệu đó

Một phương lan tỏa đến muôn phương.

Đóa hoa đạo đức thật không lường

Như nước cam lồ rũ pháp vương

Sắc sắc không không bừng bát nhã

Đến nhà, còn chận hỏi chi đường.

Đóa hoa đạo đức ấy do anh

Do chị, do em, sống chí thành

Không khổ, không làm người khác khổ

Như mây trắng xóa giữa trời xanh

Đóa hoa đạo đức mỗi con người

Thân thiện hòa vang, kết đẹp tươi

Tiến bước trên con đường Tứ Thánh

Đóa hoa đạo đức mỉm môi cười.

(Mặc Giang – Đóa Hoa Đạo Đức – Tháng 10 – 2008)

Nhìn sự thật của sự vật bằng con mắt thiền quán, theo ý nghĩa tu tập, chúng ta biết rất rõ trong rác có hoa, trong phiền não có Bồ đề, trong khổ đau có hạnh phúc… Ngược lại, theo ý nghĩa không tu tập, trong hoa có rác, trong Bồ đề có phiền não, trong khổ đau có hạnh phúc…

Hoa và rác là nghĩa đen, nghĩa bóng của rác là các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, khổ đau… và nghĩa bóng của hoa là Bồ đề, hạnh phúc, an lạc, tự tại, giải thoát…

Trong hoa và trong rác đều có chất tàn phai, chất héo úa, chất vô thường, vô ngã, tươi mát, vững chãi, thảnh thơi, an lạc, giải thoát… Quá trình tu tập là quá trình chuyển hóa tham, sân, si, mạn, nghi…và là quá trình gặt hái những hoa trái an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.

Thật vậy, trong đời sống hằng ngày, chúng ta khéo biết tận dụng thời gian thích hợp để tu tập, để làm việc thiện, nói việc thiện và nghĩ việc thiện để đem lại hoa trái lợi ích cho mình, lợi ích cho người và lợi ích cho tất cả, thì chúng ta có thể chuyển rác thành hoa, phiền não thành Bồ đề, và khổ đau thành hạnh phúc. Tu là để chúng ta thấy được hoa trong rác, Bồ đề trong phiền não, hạnh phúc trong khổ đau… Từ đó, chúng ta khơi dậy và đánh thức những hạt giống hoa, Bồ đề và hạnh phúc trong thân tâm ta bằng cách thực tập, nuôi dưỡng và tưới tẩm những lời nói ái ngữ và dễ thương, những lời nói chánh niệm và tỉnh giác trong từng phút từng giây đích thực của sự sống.

Tu không phải là một sớm một chiều mới thành công được mà cần phải trải qua thời gian năm tháng tu tập, rèn luyện, thử thách, kham nhẫn, chịu đựng và khắc phục mọi chướng duyên của cuộc sống. Quá trình tu tập giỏi là quá trình ôm ấp, nhận diện và chuyển hóa tâm hành bất thiện thành tâm hành thiện. Trong suốt cả cuộc đời, nhiệm vụ cao thượng của chúng ta là tu tập giải thoát các ràng buộc, là nuôi dưỡng lòng từ bi đối với mọi người và mọi loài và là chuyển hóa những bước đi, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ và việc làm của chúng ta cho thuần thục, thuần tịnh và thuần lạc để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông.

Trong quá trình thanh lọc và chuyển hóa, chúng ta không thể nào lìa rác phiền não mà chúng ta có thể thấy Bồ đề được. Dựa vào các phiền não để chúng ta tu tập, nhận diện, chuyển hóa chúng và tìm ra những hoa trái an lạc và hạnh phúc ngay trong thân và trong tâm chánh niệm và tỉnh giác của chúng ta. Chỉ cần áp dụng và thực tập lời Phật dạy một cách uyển chuyển, vững chãi và thảnh thơi trong từng trú xứ và trong từng thời gian thích hợp, thì chúng ta có thể chuyển hóa tà kiến thành chánh kiến, tà tư duy thành chánh tư duy, tà ngữ thành chánh ngữ, tà nghiệp thành chánh nghiệp, tà mạng thành chánh mạng, tà tinh tấn thành chánh tinh tấn, tà niệm thành chánh niệm, tà định thành chánh định, khổ đau thành hạnh phúc, vân vân và vân vân.

Dựa vào gương bụi để lau bụi để thấy được ánh sáng tuệ giác trong gương. Dựa vào con người tứ đại và ngũ uẩn để làm thơ làm văn để cống hiến cho đời và cống hiến cho đạo, để hướng tới hoa trái an lạc và hạnh phúc đích thực nơi tự thân và tha nhân ngay trong cuộc đời này.

Do vậy, lìa phiền não để kiếm Bồ đề điều đó không thể xảy ra, lìa khổ đau để kiếm hạnh phúc điều đó không thể kiếm được, lìa gương bụi để kiếm ánh sáng ngoài nó điều đó không thể xảy ra, lìa con người phàm phu để kiếm quả vị thánh bên ngoài con người chính nó điều đó không thể xảy ra.

Một người tu giỏi phải tìm thấy Bồ đề trong phiền não, hạnh phúc trong khổ đau, minh trong vô minh, chất liệu thánh trong con người phàm phu… Chúng ta hiểu và thực hành được như vậy, thì an lạc và hạnh phúc thấm nhuầm thân tâm.

Thực vậy, mình là con người duyên sinh và giả hợp, dựa vào con người này, mình có thể kiếm được những giá trị châu báu, những quả vị an lạc và giải thoát của bậc thánh trong con người mà mình đã có. Quên và đánh mất con người, chúng ta không tìm thấy được những chất liệu ấy. Vậy, Bồ đề và hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi, an lạc và giải thoát được thanh lọc từ các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi…được tìm thấy từ nơi con người tu tập và chuyển hóa của chính mình.

“Đạo đức đơm hoa, mới tuyệt kỳ

Mọc từ sân hận với mê si

Ươm phân phiền não, tưới ô uế

Mà kết thành hoa mới lạ hì.

Đạo đức do mình, hãy tạo đi

Tự ươm, tự bón, đừng lo gì

Vun phân, tưới nước thường xuyên vậy

Thơm ngát hương lành chớ khó chi.

Đóa hoa đạo đức ấy do anh

Do chị, do em, sống chí thành

Không khổ, không làm người khác khổ

Như mây trắng xóa giữa trời xanh.”

Chúng ta biết hoa được làm bằng phấn sáp, dầu thơm, nước hoa…, hoa mau tàn phai và biến đổi. Hoa được làm bằng phân, rác, không khí, ánh sáng mặt trời, nhân công…, hoa bị vô thường chi phối. Nhưng hoa được làm bằng đạo đức ta gọi là hoa đạo đức, không bị vô thường chi phối; hoa được làm bằng sự tu tập, bằng uy nghi tế hạnh, bằng sự thực tập chánh niệm và tỉnh giác… không bị vô thường chi phối, vượt thoát thời gian và không gian, chất liệu của nó rất vững chãi và thảnh thơi đối với hành giả an lạc và giải thoát.

“Nếu mình không có, chẳng ai cho

Đừng sống hoa hòe, xịt, trét, tô

Đừng bám bề ngoài mà vẽ phết

Da sần, mặt sũi, chóng tàn khô.”

“Hương trong các loài hoa,

Không ngược bay chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay.”

(Kệ Pháp Cú số 54)

“Đóa hoa đạo đức ngát thanh lương

Độc thọ khai hoa vạn thọ hương

Như đóa vô ưu tuyệt diệu đó

Một phương lan tỏa đến muôn phương.”

Với cái nhìn tương tức, chúng ta biết hoa được làm bằng rác và sen được bằng bùn. Rời rác thì chẳng thấy hoa, rời bùn thì chẳng thấy sen. Sen làm từ bùn thì sen mới có giá trị. Hoa làm từ rác thì hoa mới thơm, đẹp và tươi mát. Dĩ nhiên, chúng còn phải phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa như phân bón, nhân công, nước, không khí, ánh sáng mặt trời…

Cũng vậy, Bồ đề được thanh lọc từ phiền não thì Bồ đề mới có giá trị tuệ giác. Dĩ nhiên, chúng ta phải trải qua quá trình tu tập và rèn luyện thân tâm của chúng ta cho thuần thục và hoàn hảo thì chúng ta có thể trở thành bậc đống lương cho đạo Pháp và cho dân tộc và có thể đem lại niềm tin vững chãi cho số đông.

Chúng ta biết mặc dù sen, bùn, hoa, rác… có vô thường, nhưng chúng ta dựa vào chúng để tìm thấy các ý nghĩa đích thực của nó. Bùn và rác ở đây chỉ cho thân tâm phiền não, vọng động, ô uế… Sen và hoa ở đây chỉ cho thân tâm an lạc, vững chãi và thảnh thơi của hành giả.

Quá trình tu tập là quá trình ôm ấp, nuôi dưỡng, nhận diện và chuyển hóa thân tâm phiền não, vọng động, ô uế… thành thân tâm an lạc, giải thoát, vững chãi và thảnh thơi. Thực vậy, một khi mà vô minh, phiền não và khổ đau được thanh lọc và thuần tịnh, thì ánh sáng tuệ giác, an lạc và hạnh phúc tỏa chiếu và hiển bày. Tu là để chúng ta đạt được ánh sáng tuệ giác, an lạc và hạnh phúc trong thân và trong tâm của mỗi chúng ta, từ đây chúng ta có thể đem ánh sáng tuệ giác, an lạc và hạnh phúc tới cho nhiều người.

“Xóa màn đêm, ánh vừng đông tỏa rạng

Xóa vô minh, ngọc sáng chiếu minh châu

Hỡi nhân sinh, cùng nhau bước qua cầu

Đường thánh đức, ta về chân thiện mỹ.

“Này này lẳng lặng lắng tai nghe

Lục dục thất tình thoát biển mê

Sen nở lìa bùn sao kiếm được

Là hoa đạo đức, khó chi hè.

Đóa hoa đạo đức nở từ tâm

Thánh thiện nguồn căn kết nội hàm

Bóng tối không còn mây khuất nữa

Đêm trong bừng tỏa ánh trăng rằm.

Khi hoa đạo đức hay hoa từ bi đã đạt được rồi, thì thân và tâm ta rất an lạc và hạnh phúc, viên minh châu và tuệ giác trong ta hiển lộ. Từ đây, chúng ta vững chãi đi trên con đường bình an của các bậc Thánh, ta đi cùng với chính ta và ta đi cùng với tha nhân để làm hiển lộ pháp thân của nhiều người và để thắp sáng lên ánh sáng của chánh Pháp. Muốn thực hiện được như vậy, chúng ta phải chuyển hóa và tháo gỡ lục dục và thất tình bằng cách giữ thân và tâm chánh niệm và tỉnh giác, hơi thở vào và thở ra có ý thức…

Chúng ta biết lục dục và thất tình là những hạt giống tiêu cực nằm ở trong thân và trong tâm ta, chúng rọ rạy và biến chuyển trong từng sát na sự sống của chúng ta. Khi những hạt giống này khởi lên, dù là hạt giống thiện hoặc bất thiện, chúng ta cứ vững tâm tu tập để nhận diện và chuyển hóa chúng. Chúng ta bình thản những lời khen chê của thế gian. ‘Bậc trí như vách đá, gió cuồn nộ chẳng lay, lời tán dương công đức, không rung động đôi mày.’5

Là hành giả ngon lành, giữ tâm được như vậy, thì chúng ta bình thản và nhẹ nhàng làm các công việc lợi ích mà chúng ta cần làm, đang làm và sẽ làm để đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.

“Đóa hoa đạo đức mỗi con người

Thân thiện hòa vang, kết đẹp tươi

Tiến bước trên con đường Tứ Thánh

Đóa hoa đạo đức mỉm môi cười.”

Chúng ta biết một khi mà chúng ta an trú, hành trì và sống với lời Phật dạy trong từng giây từng phút, thân chúng ta an lạc, tâm chúng ta vững chãi, khi ấy hoa đạo đức trong ta hiển bày, chúng ta vững vàng đi trên con đường an lạc của Bụt, của Tổ và của các bậc thánh Tăng. Con đường an lạc mang nghĩa bóng thôi chứ thật ra là ta áp dụng và thực hành lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Đạt tới giai đoạn này rồi, chúng ta rất an nhiên và tự tại, chúng ta rất vững chãi và thảnh thơi, chúng ta có thể đem ánh đạo vàng tới cho số đông.

“Hoa ưu bát, ngát hương vườn chân lý

Hoa từ bi, thắm nhuận khắp muôn phương

Hỡi nhân sinh, mau cất bước lên đường

Chắp tay nguyện, Đạo Vàng tươi sáng mãi.”6

Tóm lại, qua những gì được đề cập ở trên, mỗi chúng ta là một bông hoa đạo đức, mỗi chúng ta là một đóa hoa từ bi, mỗi chúng ta là một thi si Mặc Giang và mỗi chúng ta là một thầy Nhật Tân để mỗi ngày chúng ta có thể hiến tặng một câu thơ, một đoạn thơ, một bài thơ và nhiều hơn nữa cho quê hương, cho đạo Pháp, cho dân tộc, cho mình, cho người và cho tất cả. Để kết thúc bài viết này, tác giả tập làm một vài câu thơ để biếu tặng quý vị xem nó dưới đây cho dzui.

Hoa đạo đức thấm nhuần trong tâm trí,

Hoa từ bi thấm đượm cả non sông.

Mỗi chúng ta là mỗi nhà thi sĩ,

Tặng cho đời những hoa trái thơm ngon.

Dù mai đây xa cách vạn dặm đường,

Chúng ta mãi là người con của Bụt,

Đem ánh sáng từ bi cho đạo Pháp

Đem tình thương trang trải khắp muôn phương.

Dù gian lao cực khổ biết dường nào,

Nhưng vững chãi là vượt qua tất cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/04/2014(Xem: 23697)
Giọt sương long lanh đọng trên cành Nắng mai rọi chiếu sáng long lanh Hững hờ một lúc tan trong gió Kiếp người mấy giọt sương mong manh?
13/04/2014(Xem: 11060)
Phật tánh Phật tánh bao trùm khắp chúng sanh Nếu ai không quyết chí tu hành Lang thang muôn kiếp trầm luân mãi Dính mắc nhất thời khổ lụy nhanh Phản quan tự kỷ tiêu trừ nghiệp Vọng ngoại cầu chân khó đạt thành Có tu ắt chứng lòng thanh thản Giải thoát an vui sống thiện lành
13/04/2014(Xem: 11550)
Có người đứng giữa đôi bờ Bao lần tự hỏi.. biết giờ về đâu? Quay qua ngó lại, bạc đầu.. Ngập ngừng, bịn rịn, chìm sâu giữa đời.
13/04/2014(Xem: 17078)
Vui thay ! Phật ra đời ! Cho người được làm Người Cho Người cùng làm Phật Du hí thần thông ơi !
13/04/2014(Xem: 14510)
Kính mừng Đại lễ VESAK Phật lịch 2558 Do Tổ chức Văn Hóa Giáo Dục Liên Hiệp Quốc tỗ chức tại Việt Nam Ngày Phật Đản ngày người được sống Từng phút giây thanh tịnh bình yên Từng hơi thở trời xanh cao rộng Tự thân mình giới thể trang nghiêm.
13/04/2014(Xem: 20105)
Hôm nay Phật Đản trở về Ta Bà hiện cảnh hoàng quê năm nào Từ trời Đâu Xuất trên cao Hộ Minh Bồ Tát nguyện vào Phật (ứng) thân. Ma Gia mộng ứng điềm lành Voi ngà sáu chiếc hóa sanh Thánh hiền Bảy đóa sen quý kim liên Ưu đàm một đóa Thánh hiền Đản sanh.
13/04/2014(Xem: 10250)
Hai chiếc bình trống rỗng Một đậy nắp một không Thả hai bình xuống biển Một chiếc nổi bềnh bồng
13/04/2014(Xem: 10137)
Có khi nào gió hỏi Gió thổi từ phương nao Có khi nào đá hỏi Đá có tự thuở nào Có khi nào sông hỏi Nước từ đâu chảy về Có khi nào trăng hỏi Đêm sao dài lê thê
12/04/2014(Xem: 38787)
Một là tội tạo từ xưa Nặng thì thành nhẹ, nhẹ trừ tiêu luôn Hai là được các thiện thần Dẹp tan hoạn nạn tai ương ngục tù Ba là tránh mọi hận thù Giải oan đời trước cũng như đời này Bốn là hùm rắn có vây
09/04/2014(Xem: 12585)
Có Xuân nào, Không mai vàng trước ngõ Không câu đối giao mùa, Tỉnh thức – Xuân từ đó… Giọt sương trong – Phật Thừa !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]