Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ai Tư Vãn

18/07/201107:23(Xem: 34631)
Ai Tư Vãn
Cong Chua Ngoc HanGió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.

Nỗi lai lịch dễ hầu than thở

Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao ?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời !

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

Trăm ngàn dặm quản chi non nước;

Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.

Lượng che chở, vụng lầm nào kể.

Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,

Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.

Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế

Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,

Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.

Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,

Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.

Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,

Phương pháp nào đổi được cùng chăng ?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.

Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,

Kể sum vầy đã mấy năm nay ?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu ?

Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,

Biết cậy ai dập nỗi bi thương ?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.

Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,

Ngỡ hương trời bãng bãng còn đâu:
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,

Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa !

Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,

Mặt rồng sao cách gián lâu nay,
Có ai chốn ấy về đây,
Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành ?

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,

Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,

Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình !

Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,

Công đức dày, ngự vận càng lâu;
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.

Công dường ấy, mà nhân dường ấy,

Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công ?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng,
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.

Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,

Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.

Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,

Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.

Con trứng nước thương vì đôi chút,

Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;

Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,

Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,
Theo xa thôi lại theo gần,
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.

Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,

Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao !
Mơ màng thêm nỗi khát khao,
Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi ?

Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,

Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai ?
Xưa sao sớm hỏi khuya bày,
Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.

Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,

Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu ?
Xưa sao gang tấc gần chầu,
Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,

Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.
Nửa cung gẫy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ !

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,

Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.
Não người thay, cảnh tiên hương,
Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.

Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,

Thấy mênh mông những nước cùng mây,
Đông rồi thì lại trông tây:
Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.

Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,

Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.

Cậy ai có phép gì tới đó,

Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,
Này gương là của Hán cung
Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.

Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,

Bụng ai hoài vội ghẽ vì đâu ?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.

Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,

Nỗi sinh cơ có thấu cho không ?
Cung xanh đang tuổi ấu xung
Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương ?

Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm

Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,
U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.

Trong sáu viện ố đào, ủ liễu

Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê
Long đong xa cách hương quê,
Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ

Cất chân tay thương khó xiết chi.
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.

Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,

Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi ?
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng ?

Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,

Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,

Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy

Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu ?
Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao ?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,

Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.


Công Chúa Lê Ngọc Hân (1770-1799)


___


Lê Ngọc Hân (chữ Hán: 黎玉忻, 1770-1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu (北宮皇后) là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.[1]

Mục lục [ẩn]
1 Thân thế
2 Bắc cung hoàng hậu
3 Hoàng thái hậu yểu mệnh
4 Sự trả thù của nhà Nguyễn
5 Em gái
6 Xem thêm
7 Tham khảo
8 Chú thích
9 Liên kết ngoài
Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long [2]. Bà là con gái thứ 9 [3] của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, là người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), và là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.

Bắc cung hoàng hậu[sửa | sửa mã nguồn]
Tháng 5 năm 1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh"[2]. Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.

Vài ngày sau vua cha Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Lê Ngọc Hân nghĩ anh thân hơn cháu nên ủng hộ anh là Lê Duy Cận lên ngôi, nhưng bị tông tộc nhà Lê phản đối vì muốn lập hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ - con của thái tử Duy Vĩ bị chúa Trịnh Sâm giết hại - lên ngôi. Do áp lực của tông tộc, Ngọc Hân phải nghe theo. Lê Duy Kỳ được lập, tức là vua Lê Chiêu Thống.

Ít lâu sau bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.

Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức [4]

Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà. Bà viết bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.

Hoàng thái hậu yểu mệnh[sửa | sửa mã nguồn]
Quang Trung mất, Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên (hoặc Bùi Thị Nhạn) lên thay, tức là Cảnh Thịnh đế.

Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.

Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am văn tập.[5]

Và theo tộc phả họ Nguyễn Đình, đang khi triều Tây Sơn suy thoái, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23 tháng 12 năm 1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18 tháng 5 năm 1802), công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.

Sự trả thù của nhà Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]
Theo "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đình, năm 1804, bà Nguyễn Thị Huyền [6] vì thương con gái và hai cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, nên đã thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đưa về bản dinh (tức dinh Thiết lâm của bà). Ngày 16 tháng 7 năm 1804, bà cho an táng hài cốt bà Ngọc Hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là bãi Cây Đại hay bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

GS. Chu Quang Trứ dẫn theo Đại Nam thực lục cũng nói về việc này:

"Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích".
Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu nghi họ Lê đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có viên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ "ngụy Huệ". Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội, Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức [7].

Em gái[sửa | sửa mã nguồn]
Xem chi tiết: Lê Ngọc Bình
Em gái Lê Ngọc Hân là Lê Ngọc Bình, là con gái nhỏ nhất (thứ 23) của vua Lê Hiển Tông, là vợ của vua Cảnh Thịnh. Sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp (1795), Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho vua Cảnh Thịnh.

Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Ngọc Bình trở thành vợ vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh), sinh được hai hoàng tử nhà Nguyễn. Trong bộ sách Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực soạn vào năm Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852) đã chép như sau:

Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)...Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua...Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua...[8]
Khi nhà Tây Sơn mất, trong dân gian truyền tụng câu:

Số đâu có số lạ lùng
Con vua lại lấy hai chồng làm vua.
Năm 1941, tác giả Phạm Thường Việt, một lần nữa lại cho rằng người lấy vua Gia Long là Lê Ngọc Hân[9].

Tuy nhiên, qua Quốc sử di biên và một số tư liệu khác, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng người lấy vua Gia Long là Lê Ngọc Bình, em gái bà - người ít được biết đến hơn bà [10].

Do chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai bà đều sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, nghĩa là cả hai bà đều là "Hoàng hậu Phú Xuân". Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/01/2023(Xem: 4949)
Tự đoán tương lai chứ đừng đi xem bói ! Hạnh phúc do chính bạn thiết kế từ lâu Phí phạm thời gian khó tìm lại được đâu Chỉ đại phước duyên mới gặp chánh pháp!
26/01/2023(Xem: 4993)
Chút hoan hỷ khi phát hiện về pháp số Tinh thần Phật học của con số 23 Áp dụng chương các pháp từ kinh Tăng Chi ra Ôi, bao vi diệu ngầm chứa thật khó tả !
22/01/2023(Xem: 3466)
Ước nguyện đầu năm.
20/01/2023(Xem: 2546)
Chín bốn xuân xanh chửa thấy già Vẫn vui vẫn khỏe vẫn ngâm nga Cơm ngày hai bữa luôn ngon miệng Kinh tụng một thời trí sáng ra Ngủ dậy ăn rồi trưa lại ngủ Đà huân tập sẵn niệm Di Đà Xế chiều hóng mát chờ con cháu Buổi tối đông vui họp một nhà
20/01/2023(Xem: 3979)
Nguyên Xuân đang về …. …….khắp đó đây trong trời đất ! Thở hơi Xuân thưởng thức nửa thật, nửa hư Ngắm hoa Xuân …bao ý vị chợt nhất như Phải chăng là Huyền là Diệu … ……..như lời Đức Lão Tử (1)
20/01/2023(Xem: 3838)
Ông Nhâm Dần cởi vương bào về núi Bà Quý Mão hớn hở bước đăng quang Thềm năm mới chẳng thấy gì trong sáng Gió Bấc về gây xáo trộn nước Nam ! Con hỏi Ba, bao giờ có Xuân đẹp? Nếu có chăng chỉ đẹp ở tấm lòng Lấy chân thật cảm hóa nhân quần ấy Là người người còn hy vọng ước mong
19/01/2023(Xem: 5487)
Thủy khởi khải song phi Bất tri Xuân dĩ quy Nhất song bạch hồ điệp Phách phách sấn hoa phi. TGN phỏng dịch: Xuân Mai Sáng dậy nhìn song cửa, Chẳng hay Xuân đến rồi. Một đôi bướm trắng lượn Phơ phất cánh hoa rơi.
19/01/2023(Xem: 3467)
Nhìn Mẹ bên thầy Tâm Phương Lòng con cảm thấy thương thương mẹ hiền Chín mươi Mẹ vẫn là tiên Cho con sớm tối bình yên bên Người Bên Mẹ con khỏe Mẹ ơi Mẹ là thuốc bổ con thời khỏe ngay.
19/01/2023(Xem: 2777)
Thời gian vỗ cánh bay xa Vô thường chợt đến ai mà tránh đâu Cuộc đời là bắc nhịp cầu Tìm về chốn cũ niệm câu Di Đà Nguyện người ở cõi Ta Bà Cùng nhau tiến bước về nhà Lạc Bang Hồng trần đã quá gian nan Quê Hương Đức Phật muôn vàn thảnh thơi.
15/01/2023(Xem: 4154)
Thiệu Trị là vị hoàng đế thứ ba của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi khi tình hình đất đất nước đã đi vào ổn định, được thừa hưởng một di sản rất lớn, nền chính trị ổn định, vững chãi do vua Gia Long và Minh Mạng đã dày công vun đắp, cải cách và phát tiển. Vì vậy, trong thời gian 7 năm trị vì ngắn ngủi của mình, ông cũng không có cải cách gì mang tính đột phá mà chỉ là người tiếp nối đường lối trị nước của hai vị tiên vương như đúng tên của ông. Ngoài thành tựu về mặt văn học nghệ thuật, trong thời gian trị vì của vua Thiệu Trị còn nổi bậc lên với thành tựu về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên đá đã đạt đến trình độ đỉnh cao so với các đời vua trước.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]