Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sân Khấu Cuộc Đời (thơ)

28/08/201104:06(Xem: 7919)
Sân Khấu Cuộc Đời (thơ)
phong canh 4
SÂN KHẤU CUỘC ĐỜI

Đức Phật Tổ thường nói
Rằng chúng ta, con người,
Thực sự là bầy rối
Trên sân khấu cuộc đời.
Rằng chúng ta phải diễn
Rất nhiều vai khác nhau,
Dù muốn hay không muốn,
Toàn những vai buồn đau.
Cái đau của mất mát,
Mất tiền bạc, mất nhà.
Đau cả vì bệnh tật,
Để cuối cùng chúng ta,
Không một ai ngoại lệ,
Đều phải chui xuống mồ,
Đến lúc ấy có lẽ
Mới thoát khỏi buồn lo.
Vậy muốn tránh điều đó,
Ta phải làm thế nào?
Đức Phật nói: Đơn giản
Ta phải sống làm sao
Để không phải đóng kịch.
Cái sân khấu cuộc đời
Ta phải cố rời bỏ,
Sống đúng nghĩa làm người.
Nghĩa là ta quay lại
Với Sự Thật, Thiên Nhiên,
Với tư duy thông tuệ,
Cuối cùng là Sống Thiền.
Các trường phái đạo Phật
Phát triển lời khuyên này
Thành giáo lý chủ yếu
Cả mấy nghìn năm nay.

CHIẾC ĐÈN CỦA BÀ GIÀ HÀNH KHẤT
Có ông vua giàu có
Mời Đức Phật giảng kinh,
Cúng nghìn chiếc đèn lớn
Bày tỏ tấm lòng mình.
Cùng lúc, một bà lão
Sống bằng nghề ăn mày,
Cũng nghe Ngài giảng đạo,
Nghe xong, bà lão này
Với hai xu trong túi,
Mua chỉ được ít dầu,
Rót vào chiếc đèn nhỏ,
Dâng Ngài, cúi thấp đầu.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Vua thấy, lạ lùng sao,
Nghìn chiếc đèn vua tặng
Tắt hết từ lúc nào.
Còn chiếc đèn bé tí
Của bà lão ăn mày
Vẫn tiếp tục tỏa sáng.
Vua hỏi: “Sao thế này?”
Phật đáp: “Không quan trọng
Đèn nhỏ hay đèn to,
Dầu nhiều hay dầu ít,
Mà tấm lòng người cho.
Đèn sáng nhờ ánh sáng
Xuất phát từ tấm lòng.
Bố thí mà vô cảm
Thì cũng chỉ bằng không.”

TRUYỆN ÔNG BỐ GIÀU VÀ ANH CON NGHÈO

Ngày xưa có ông bố
Và anh con chia tay
Mỗi người đi một ngả,
Hẹn gặp nhau sau này.

Đúng mười năm sau đó
Ông bố thành rất giàu.
Anh con thì nghèo rớt,
Ăn bữa cháo, bữa rau.

Anh quá nghèo, xấu hổ,
Không đến gặp cha mình
Theo như lời đã hẹn.
Nghĩ mà thấy thương tình.

Tại cái số nó thế
Chứ anh không ham chơi,
Cần cù, không nghiện ngập,
Thế mà nghèo suốt đời.

Một hôm, vì đói quá
Anh ngửa tay xin ăn,
Lại xin đúng nhà bố,
May chỉ gặp gia nhân.

Đứng từ xa, ông bố
Đã nhận ra con mình.
Thấy thế, ông thương lắm,
Nhưng bấm bụng làm thinh.

Rồi ông cho người nói
Rằng có việc đang cần,
Nếu chịu khó làm việc,
Anh sẽ được nuôi ăn.

Anh con liền đồng ý,
Được đưa tới một nơi
Ở rất xa nơi ấy
Làm việc mấy năm trời.

Anh làm việc chăm chỉ,
Làm vất vả, không tiền
Chỉ được ăn no đủ,
Không một lời than phiền.

Bỗng một hôm ông chủ,
Cho gọi anh vào nhà.
Lần đầu tiên gặp mặt 
Giữa anh con và cha.

Lúc ấy đang có mặt
Đông đủ đại gia đình.
Ông chỉ anh và nói
Đây là con trai mình.

Ông kể chuyện ngày trước 
Hai cha con xa nhau,
Rồi anh con nghèo đói,
Còn ông thì rất giàu.

Và rằng ông thử thách 
Con mình mấy năm qua.
Anh đã vượt được nó,
Và nay ông tuổi già,

Đã làm sẵn di chúc
Để lại cho con trai
Hết những gì ông có,
Tức toàn bộ gia tài.

Anh con trai sung sướng, 
Chỉ còn biết đứng ngây.
Khi kể xong câu chuyện,
Đức Phật nói thế này:

“Kỳ thực, núi của ấy
Do anh ta làm ra.
Có điều chuyển cho bố
Để giữ cho anh ta.

Ta làm việc, có thể
Thành quả chưa có ngay.
Một khi làm việc tốt,
Nó sẽ đến sau này.”

TRUYỆN SƯ CỤ VÀ ĐỒ ĐỆ CỦA MÌNH

Xưa, có một sư cụ
Cùng đồ đệ của mình
Đi trên con đường vắng,
Mới được nửa hành trình.

Trời nắng như đổ lửa.
Chẳng ai nói với ai.
Đồ đệ sau sư cụ,
Chiếc túi nặng trên vai.

Thấy nông dân cày ruộng,
Giun dế bị xới tung,
Chim sẻ sà xuống bắt,
Anh đau xót vô cùng.

“Kiếm ăn thật vất vả.
Thật bèo bọt kiếp người.
Ta sẽ tu thành phật
Để cứu giúp cõi đời.”

Ngay lập tức sư cụ
Bảo đưa túi cho ngài,
Mời anh ta đi trước,
Rồi khoác túi lên vai.

Anh đồ đệ không hiểu,
Nhưng buộc phải nghe lời.
Thế là anh đi trước,
Nhẹ nhàng và thảnh thơi.

Đường xa, trời vẫn nắng,
Nông dân vẫn làm đồng,
Mồ hôi chảy nhễ nhại,
Chim vẫn bay trên không.

Anh đồ đệ thấm mệt,
Nghĩ: “Quả thật đời này
Có quá nhiều đau khổ,
Muốn cứu, cứu sao đây?

Hay có lẽ tốt nhất,
Chỉ lo cứu lấy mình.
Làm sao ta có thể
Cứu đồng loại, chúng sinh?”

Sư cụ là La Hán,
Đọc được ý nghĩ người.
Ngài trả lại chiếc túi,
Lại đi trước, thảnh thơi.

Cứ thế, họ thay đổi,
Lúc người trước, người sau.
Cả hai đi lặng lẽ,
Nắng vẫn gắt trên đầu.

Cuối cùng người đồ đệ
Đánh bạo hỏi vì sao.
Sư cụ thong thả đáp:
“Hễ bất cứ lúc nào

Con nghĩ đến cứu độ
Cho toàn thể chúng sinh,
Con trở thành Bồ Tát,
Đi trước là hợp tình.

Nhưng lúc con ích kỷ
Muốn mình con thoát đau,
Con là người trần tục,
Nên phải đành đi sau.”

TRUYỆN HAI ĐẠO SĨ VÀ CÔ GÁI XINH ĐẸP

Có hai đạo sĩ nọ 
Đang cùng đi trên đường,
Bỗng gặp một cô gái
Xinh đẹp và dễ thương.

Cô gái ấy xinh đẹp
Ngồi bên dòng suối sâu,
Muốn sang bên kia suối
Mà tiếc chẳng có cầu.

Có việc, cần đi gấp,
Biết làm sao bây giờ?
Lội thì sợ ướt váy,
Nên cô đành cứ chờ.

Hay chuyện, hai đạo sĩ
Dừng lại, dáng phân vân,
Rồi một người trong họ
Dùng hai cánh tay trần

Bế cô vượt qua suối.
Rồi hai người lại đi.
Một người đã phạm giới,
Nhưng không ai nói gì.

Tối đến anh bạn trách
Sao dám bế đàn bà.
Người kia thản nhiên đáp,
Vô tư và thật thà:

“Ừ thì tôi phạm giới,
Chỉ một chốc mà thôi.
Vả lại tôi làm thế
Là chỉ để giúp người.

Còn anh, anh không giúp,
Nhưng lại bế cô ta
Từ bờ con suối ấy
Đến tận đây, tận nhà.

Câu chuyện này của Phật
Dạy ta hiểu: Đôi khi
Người thực sự phạm giới
Là người không làm gì.

TỲ KHEO U-TY-A

Xưa, ở thành Xá Vệ,
Có chàng U-ty-a,
Con một nhà giàu có,
Xin phép Phật xuất gia.

Được Đức Phật đồng ý,
Chàng trở thành tỳ kheo,
Đến sống trong tịnh xá
Cùng các nhà sư nghèo.

Chàng là người mộ đạo,
Tu luyện rất chuyên cần.
Chỉ có một điều nhỏ
Khiến chàng thấy khó khăn.

Là ngoài đời phải giữ
Chỉ năm giới mà thôi.
Với tỳ kheo, số giới
Là hai trăm năm mươi.

Chừng ấy điều cấm đoán
Làm chàng mụ cả đầu,
Không tài nào nhớ nổi,
Nên một thời gian sau

Chàng đem tâm tư ấy
Đến gặp Phật Thích Ca,
Xin phép được hoàn tục,
Quay về sống ở nhà.

“Hai trăm năm mươi giới -
Phật đáp, - con kêu nhiều.
Ta giảm xuống còn một,
Con vẫn làm tỳ kheo?”

U-ty-a đồng ý,
Xin phép lại quy y,
Háo hức mong được biết
Điều giới ấy là gì.

“Chỉ một giới duy nhất
Con phải nhớ từ nay.
Nhớ và luôn thực hiện,
Cả đêm cũng như ngày.

Đó là khi con nghĩ
Hay định làm điều gì.
Cả điều lớn, điều nhỏ,
Mọi lúc và mọi khi,

Con phải luôn tự hỏi:
Điều ấy tốt hay không?
Tốt thì làm, ngược lại,
Xấu thì dứt khoát không.”

Chỉ một giới, đơn giản.
Dễ nhớ, dễ thực hành:
Quyết không làm việc xấu.
Chỉ làm việc tốt lành.

Nhờ giữ được giới ấy,
Tỳ kheo U-ty-la
Chứng quả A La Hán,
Được theo hầu Thích Ca.

*
Câu chuyện này có thật,
Được chép trong Sách Kinh.
Từ đó ta có thể
Rút bài học cho mình.

Rằng năm giới Đạo Phật
Ngăn cái Tham Sân Si,
Rốt cục đều qui tụ
Ở nghĩ gì, làm gì.

Tóm lại: Không làm ác,
Chỉ làm điều tốt lành
Và hàng ngày thanh lọc
Các ý nghĩ của mình.

HOA SEN MỌC TỪ BÙN

Thời ấy, ở Xá Vệ
Có một người bình dân,
Thuộc vào hàng hạ đẳng,
Chuyên làm nghề gánh phân.

Như thường lệ, ngày nọ
Đức Phật đi vào thành
Để thuyết giáo Đạo Pháp.
Buổi sáng, nắng vàng chanh.

Không phân biệt giai cấp,
Không phân biệt nghèo giàu,
Ngài đi qua các phố,
Cả những đường hẻm sâu.

Người gánh phân nghèo ấy,
Có tên là Ni Đề,
Như mọi ngày, lúc đó
Đang đi gánh phân thuê.

Anh chàng nhìn thấy Phật,
Đứng thẫn thờ hồi lâu,
Chiêm ngưỡng khuôn mặt đẹp,
Vành hào quang trên đầu.

Tự nhiên anh chàng muốn
Được đến đứng thật gần,
Nhưng rụt rè, không dám,
Mặc cảm nghề gánh phân.

Hiểu được ý nghĩ ấy,
Phật bước về phía anh.
Anh hốt hoảng bỏ chạy,
E sợ điều không lành.

Đức Phật cười, liền hỏi:
“Vì sao con sợ ta?”
“Con nghèo hèn, - anh đáp -
Đẳng cấp Chiên Đà La.

Con chỉ được tiếp xúc
Với những người như con,
Và hết lòng phục dịch
Đẳng cấp Bà La Môn.”

Nghe thế, Phật giảng giải
Về giáo lý của Ngài,
Về bình đẳng, bác ái,
Rằng ai cũng như ai.

Ni Đề nghe, sung sướng.
Sung sướng nhất là khi
Được mời làm đệ tử
Của Đức Phật từ bi.

Sau đó anh theo Phật
Xuống tắm rửa dưới sông,
Rồi quay về tịnh xá,
Khi Ni Đề tắm xong.

Vậy là Phật đã nhận
Một người gánh phân nghèo,
Rồi được Ngài thâu nạp,
Cho trở thành tỳ kheo.

Do chuyên tâm tu luyện
Vị tỳ kheo mới này
Chứng quả A La Hán,
Trí dày, đức cũng dày.

*
Lại nói vua Xá Vệ,
Tức Ba Tư Nặc vương,
Bấy lâu nay khó hiểu
Sao nhiều người bình thường

Mà được Phật thâu nạp,
Như thằng Ni Đề này.
Đó là tiền lệ xấu,
Gây nhiều điều không hay.

Vua bèn đến tịnh xá,
Xin Phật đuổi Ni Đề,
Từ nay không còn nhận
Bọn nghèo hèn, nhà quê.

Khi đến nơi Phật ở,
Vua thấy một tỳ kheo,
Ngồi trên tảng đá lớn,
Mặc quần áo người nghèo.

Vua nhờ tỳ kheo ấy
Vào bẩm báo với Ngài.
Người kia chui vào đá
Mà không thấy ra ngoài.

Lát sau lại xuất hiện,
Cũng từ đá ngoi lên,
Báo Đức Phật đang đợi.
Vua rất đỗi ngạc nhiên.

Khi hầu chuyện Đức Phật,
Vua thành thật hỏi Ngài
Tỳ kheo chui xuyên đá
Đang ngồi kia là ai?

“Là Ni Đề La Hán,
Vốn là một thần dân
Của kinh thành Xá Vệ,
Chuyên làm nghề gánh phân.”

Ngài nói, dẫu nghèo khổ
Và đẳng cấp thấp hèn,
Nhưng cần cù, thông tuệ,
Đã tự mình vươn lên.

Rằng Ni Đề học đạo
Và khổ luyện lâu nay,
Chứng quả A La Hán
Nên mới có tài này.

Vua lặng im, suy nghĩ.
Phật ôn tồn nói thêm:
“Trong bùn có sen trắng,
Ngài có muốn cầm xem?”

Giờ thì vua đã hiểu
Cái thâm ý của Ngài,
Rằng cả người hèn mọn
Cũng không hề thua ai.

Rằng ở đời quan trọng
Là có tài, thông minh,
Chứ không phải đẳng cấp
Hay xuất thân của mình.

Vậy là vua Xá Vệ
Từ chỗ ghét thành yêu,
Tỳ kheo tài giỏi ấy,
Vốn anh gánh phân nghèo.

Gơn thê, vua xin Phật
Cho La Hán Ni Đề
Hôm sau vào thành nội
Giảng pháp cho vua nghe.

TIỀN KIẾP CỦA PHẬT THÍCH CA

Ngày xưa ở Ấn Độ
Có một vị vua già.
Tên ngài là A Dục,
Con là Câu Nà La.

Câu Nà La có nghĩa
Mắt chim câu hiền lành,
Vì thái tử nước ấy
Rất hiền và thông minh.

Vua là ông vua tốt.
Thái tử được dân yêu
Vì chàng rất khiêm tốn,
Trung thực, hiểu biết nhiếu.

Không may hoàng hậu chết,
Vua cưới thêm một người,
Đẹp thì rất xinh đẹp,
Nhưng độc ác, hợm đời.

Mụ rất ham quyền lực,
Không ngần ngại điều gì,
Thích thao túng mọi chuyện.
Tên mụ là Xích Di.

Bỗng nhiên vua lâm bệnh,
Các thầy thuốc bó tay,
Thế mà mụ tài giỏi
Cứu được vua lần này.

Suốt đời mụ mong ước
Con mụ nối ngôi cha,
Nên dễ hiểu, mụ ghét 
Thái tử Câu Nà La.

Nhân chữa vua khỏi bệnh,
Mụ xin được một ngày
Vua cho giữ quốc ấn.
Vua chiều mụ điều này.

Quốc ấn của vương quốc
Là vật bất ly thân,
Nó dùng để đóng dấu
Các lệnh truyền, công văn.

Mụ xúi dân làm loạn
Ở một thành phía Tây,
Khuyên vua cho thái tử
Đến cai trị nơi này.

Thế là chàng phải đến
Một nơi đầy hiểm nguy,
Bất chấp lời can gián
Của vợ, Ma Đa Vì.

Chàng vừa đi hôm trước
Thì hôm sau, lạ thay,
Có lệnh vua mật gửi
Các quan ở thành này.

Lệnh niêm phong, khẩn cấp,
Có quốc ấn triều đình,
Bắt móc mắt thái tử
Rồi bẩm báo về kinh.

Các quan thấy lệnh lạ
Chưa dám vội thi hành,
Mà đem trình thái tử.
Chàng đọc nó, giật mình,

Rồi đau buồn, chàng nói:
“Đây đúng lệnh vua cha,
Lại có thêm con dấu,
Vậy cứ móc mắt ta!”

Nhưng quả không ai nỡ.
Cuối cùng, một người say,
Sau khi được ban thưởng,
Đang tâm làm việc này.

Chàng còn bảo dân chúng
Nhất thiết không giúp chàng,
Vì lệnh cấm điều đó.
Dân thương khóc, bàng hoàng.

Thế là chàng thái tử
Ngồi giữa nắng một mình.
Con ngựa quí chàng cưỡi
Lặng lẽ chạy về kinh.

Vợ chàng nhìn thấy nó
Biết có chuyện không hay,
Liền báo vua A Dục,
Vua phái người đi ngay.

Thế là rõ mọi chuyện. 
Vua cho gọi Xích Di,
Lệnh phải đem xẻo thịt,
Xẻo hết, chẳng chừa gì.

Bỗng nhiên chàng thái tử
Lại bênh mụ, xin tha.
Chàng nói người lương thiện,
Chân tu và thật thà

Có thể bị trừng phạt
Vì tiền kiếp của mình.
Rồi chàng kể câu chuyện
Về cái ác, vô minh.

*
Ngày xưa, đã lâu lắm,
Một thợ săn vui mừng
Vì một lúc bắt được
Năm mươi con dê rừng.

Nhưng nếu giết tất cả,
Không mang hết thịt về
Nên quyết định móc mắt
Cả năm mươi con dê.

Vì bị mù nên chúng
Luôn quanh quẩn rất gần,
Chỉ chờ anh ta đến
Bắt từng con ăn dần.

“Tâu phụ hoàng, người ấy,
Móc mắt không ghê tay,
Chính là con kiếp trước,
Nên mới nông nỗi này.

Việc con bị móc mắt
Không hẳn tội Xích Di,
Vậy mong ngài suy xét
Mà tha chết cho dì.

Nếu những gì con kể
Mà ngài vẫn chưa tin
Và dùng dằng chưa quyết,
Thì xin mời ngài nhìn.”

Nói đoạn, chàng vái lạy,
Rồi ngồi xuống, uy nghi:
“Nếu lời tôi nói đúng,
Mắt sáng lại tức thì!”

Lập tức mắt thái tử
Trở lại sáng như xưa.
Xích Du bị đầy ải,
Chàng được nối ngôi vua.

Câu chuyện này có thật.
Thái tử Câu Nà La
Chính là người tiền kiếp 
Của Đức Phật Thích Ca.

TRUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ TỤNG KINH

Xưa, có một bà nọ,
Một hôm gặp sư thầy,
Nói: “Tôi không giác ngộ,
Dù tụng kinh hàng ngày.”

Sư thầy đáp: “Bà biết,
Tụng kinh chẳng khó gì.
Cái khó là phải tụng
Đều đặn và kiên trì.

Bà kia liền thú nhận,
Nói bận việc gia đình
Nên đôi lúc bắt buộc
Phải tạm ngừng tụng kinh.

Nhưng từ nay, bà hứa
Đều đặn tụng hàng ngày,
Quyết không để phân tán,
Theo lời dạy của thầy.

Một năm sau, bà đến:
“Bạch sư thầy, vì sao
Con làm như thầy dặn,
Mà chẳng ngộ chút nào?”

“Là vì, - sư thầy đáp, -
Bà thực sự tụng kinh,
Kiên nhẫn và đều đặn,
Nhưng ý nghĩ của mình

Vẫn còn bay đâu đó.
Vừa tụng kinh, trong đầu
Bà vừa lo đủ chuyện.
Thế thì quả còn lâu...”

Người đàn bà chợt hiểu, 
Liền vội vã về ngay.
Bà không chỉ tụng niệm
Rất kiên nhẫn hàng ngày,

Mà chuyên tâm, chuyên ý
Vào lời niệm của mình,
Hoàn toàn không phân tán
Bởi những điều xung quanh.

Mấy năm sau, lần nữa
Bà đến gặp sư thầy,
Cúi thật thấp và nói:
“Hôm nay con đến đây

Để cảm ơn, từ biệt.
Nhờ thầy dạy mà con
Đã tu thành chính quả
Cả thể xác, tâm hồn.

Con tin con chắc chắn
Sẽ được lên Niết Bàn.
Tạm thời trên mặt đất
Thoát bể khổ trần gian.”

VẼ ÁC
Truyện ngắn
Chiếc hồ nhỏ nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo. Nước phẳng lặng, trong xanh, một thứ màu xanh lẫn lộn của nước, bầu trời tháng Tám và rừng thông mọc gần sát nước cả bốn phía, trừ phía đông, nơi có một chỗ thưa với con đường đất màu đỏ nhạt ngoằn ngoèo dẫn xuống hồ. Một vẻ đẹp thanh bình và cảm động, đến mức ông đứng ngây ra nhìn hồi lâu dù ở cái tuổi năm mươi của mình, ông đã đi nhiều và được chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú. Chốc chốc, từ sau những bụi cây rậm rạp xuất hiện vài chú hươu ngơ ngác. Hươu nhà, tất nhiên, nhưng không vì thế mà giảm phần nguyên sơ hoang dã. Cách đấy không xa, cũng khuất sau những tán cây rậm, ông thấy lác đác có mấy ngôi nhà với làn khói chiều mỏng tang vấn vương trên mái. Một cảnh điền viên hiếm thấy. Khó tin rằng chỉ mấy chục cây số đâu đó phía dưới là cảnh phố phường chật hẹp, ngột ngạt với trăm nghìn cái bon chen, lo lắng.
Cãi nhau với vợ, chán nản với công việc và bạn bè, ông bỏ Hà Nội lên đây tìm nơi yên tĩnh và có vẻ như cái hồ này là chỗ lý tưởng. Ông là một họa sĩ đã đứng tuổi, có tài, học hành rất bài bản, vẽ nhiều và vẽ giỏi, đặc biệt sở trường tả thực. Tuy nhiên, khó có thể nói ông nổi tiếng trong giới. Người ta biết, nể phục nhưng chẳng bao giờ đề cao ông, có lẽ một phần vì họ không làm được cái ông làm, là vẽ rất tỉ mỉ rất giống thật. Giữa thời nhố nhăng thật giả này, ông bị coi là cổ lỗ, là “thợ nhiếp ảnh”. Hiền lành nhưng yếu bản lĩnh, có thể nói nhu nhược, ông đâm ra hận mình, hận đời, có khi đến mức độc ác. Ông thất vọng cả việc đến người thân duy nhất trong nhà là bà vợ cũng không hiểu ông nốt. Chính vì cãi nhau với bà (không phải lần đầu) mà ông lên đây.
Hôm qua vợ ông đã dùng con dao thái thịt đâm mấy nhát vào bức sơn dầu khổ lớn ông mới vẽ xong, miêu tả vua Agamênôn, thống lĩnh quân đội Hy Lạp đang tự tay cầm kiếm dí vào cổ con gái yêu của mình là Iphighênia làm vật tế thần trong cuộc chiến tranh T’roa. (Ông say mê thần thoại Hy Lạp, La Mã và vẽ nhiều tranh khai thác từ nguồn này. Đấy cũng thêm một lý do khiến người ta không thích ông - lai Tây và xa lánh cuộc sống).Thành ra, theo truyền thuyết thì các thần ở đỉnh Ôlimpơ thương tình cứu sống Iphighênia, nhưng giờ đây nàng lại bị chính tay bà vợ ông đâm chết. Đâm đúng tim. Khi đau xót nhìn kỹ, ông có cảm giác như trái tim nàng đang rỉ máu thật.
Bị căn vặn vì sao, bà vợ ông chỉ đáp:
“Kinh lắm! Tôi không chịu nổi.”
“Nhưng đây là nghệ thuật.”
“Nghệ thuật hay không thì cảnh chém giết cũng đáng kinh tởm. Ông không biết vẽ gì tử tế hơn à?”
Ông không đáp, chỉ lẳng lặng xách túi ra đi.
Quanh hồ chỉ có một xóm nhỏ độ hơn chục nóc nhà, cũng sống yên bình, lặng lẽ như quang cảnh nơi này, bằng nghề nông và gần đây thêm nghề nuôi hươu lấy nhung. Ông dễ dàng tìm được nơi ông muốn. Đó là nhà một một cặp vợ chồng già, con cái lên thành phố làm việc nên thừa một phòng trống. Họ bảo ông cứ ở đấy, bao lâu cũng được. Nếu muốn, họ nấu riêng cho ông, còn không thì “mời bác ăn với vợ chồng tôi, thêm bát thêm đũa cho vui. Chuyện tiền nong không quan trọng.”
Hai ngày đầu ông dạo lang thang quanh hồ và khu rừng lân cận. Mọi cái tuyệt vời, chẳng bị ai quấy rầy, thế mà thật lạ, sau phút choáng ngợp ban đầu, chiếc hồ và quang cảnh nên thơ nơi này chẳng làm ông thanh thản chút nào. Hình như ông còn thấy khó chịu, giận dữ một cách vô cớ. Có thể vì nó quá tương phản với tâm trạng ông chăng? Nhưng trở về Hà Nội thì ông không muốn vì ở đấy còn khó chịu hơn.
Sang ngày thứ ba ông bắt tay vào vẽ, một cách hậm hực, cay cú và giận dữ. Lại đề tài khai thác từ thần thoại Hy Lạp. Ông vẽ cảnh Prômêtê bị xiềng trên vách núi đá Côcadơ, và một con chim khổng lồ màu đen đang xé ngực moi tim chàng. Tuy nhiên, đáng lẽ vách núi dựng đứng phải ở bên bờ biển sóng vỗ dữ dội, thì không hiểu sao ông lại thay vào đó bằng chiếc hồ con yên tĩnh, thơ mộng này. Mà lại vẽ rất giống, rất chi tiết, có cả mấy con hươu, mấy hòn đá xếp thành hàng từ ngôi nhà ông đang trọ dẫn xuống hồ. Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông dành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xòe hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng. Ba giọt máu tươi rơi phía dưới. Màu đen lông chim và màu đỏ của máu thật tương phản nhau. Đôi mắt con chim tròn xoe, hau háu và hung dữ. Còn chàng Prômêtê cao thượng bị thần Dớt bắt chịu hình phạt này vì tội dám lấy trộm lửa thần mang xuống cho loài người thì chịu đựng một cách dũng cảm. Tay chân chàng bị xích vào vách núi bằng những sợi xích khổng lồ. Người chàng cuồn cuộn các bắp cơ, đôi mắt mở to kiêu hãnh, nhưng trong đấy cũng bộc lộ một nỗi đau ghê gớm. Nỗi đau của trái tim bị cái kìm nhọn mỏ chim cấu rứt từng mẩu.
Tất cả những chi tiết này được ông vẽ sinh động như thật. Chính ông cũng tự hài lòng với nghệ thuật của mình. Ông có cảm giác như nghe được hơi thở của Prômêtê, ngửi thấy mùi tanh của máu và bị đôi cánh khổng lồ của con chim chạm vào tay áo. Trong khi đấy, phía dưới lại là chiếc hồ con yên ả quen thuộc, có thật và nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo, nơi ông vẫn hàng ngày đi dạo. Tất nhiên ông biết sự trái khoáy của hai cảnh đó. Trong hội họa bố cục như vậy không chấp nhận được. Ông biết, nhưng đang bực mình, đang muốn phá phách, ông bất chấp điều ấy. Thậm chí ông còn lấy thế làm thích. Từ trong tranh con chim đen nhìn ông tán thưởng. Còn đôi mắt Prômêtê thì đầy vẻ đau đớn. Ông không dám nhìn lâu vào đôi mắt ấy vì hình như chúng oán trách ông. Cả chiếc hồ con cũng oán trách ông.
- Ấy chết, sao tay bác đầy máu thế? - Ông lão chủ nhà hỏi khi vào mời khách ăn trưa, cũng là lúc ông vừa thích thú ngắm bức tranh lần cuối và đang định bước ra ngoài.
- Đâu có, - ông họa sĩ cười. - Sơn vẽ đấy.
Rồi ông xòe cả hai tay cho ông lão xem. Trên các ngón tay ông quả thật máu chứ không phải sơn. Loãng hơn, tươi hơn. Ở đầu ngón trỏ tay phải có một giọt lớn sắp rơi xuống. Ông giật mình, vội chùi cả hai tay vào chiếc tạp dề trước bụng.
- Bác vẽ gì trông kinh thế này? - ông lão chủ nhà lại hỏi. - Sao để cho chim moi ruột gan người ta thế? Kinh quá!
Ông không đáp, chỉ gượng gạo cười vì vẫn chưa hết ngỡ ngàng với bàn tay dính máu.
- Bác vẽ cả chiếc hồ của chúng tôi nữa đấy à?
- Vâng. Cụ thấy có giống không?
- Có. Giống, nhưng... nhưng nó thế nào ấy. Nước ở đây bao giờ cũng trong xanh chứ không đỏ. Bác để máu rơi xuống hồ chúng tôi rồi. Tôi sợ lắm.
Ông họa sĩ lại giật mình ngạc nhiên. Chỗ nước phía dưới Prômêtê quả có màu đỏ thật, dù ông nhớ không hề vẽ như thế.
*
Chiều hôm đó ông dạo lâu hơn thường lệ, và lúc trở về do mệt, ông đi ngủ sớm. Trước khi lên giường, ông nhìn kỹ bức tranh lần nữa. Chỗ nước hồ đỏ ông vẽ lại mấy lần, cố bôi xanh thật nhiêu nhưng không hiểu sao chỉ lát sau lại hiện lên màu cũ. Prômêtê đang oán trách ông. Con chim đen trâng tráo nhìn ông với vẻ thích thú không che giấu. Nó là hiện thân Cái ác do chính ông tạo ra, thế mà giờ đây ông cảm thấy sờ sợ nó. Cảm giác sợ hãi mơ hồ ấy len cả vào giấc ngủ.
Trằn trọc mãi hồi lâu mới thiếp đi, bỗng ông chợt tỉnh vì nghe có tiếng động lạ. Tiếng phành phạch như tiếng quạt nan đập vào tường. Ông lấy làm lạ nhưng vẫn nằm yên. Hình như tiếng chim vỗ cánh, loại chim lớn, mà ngay bên cạnh. Sao lại thế được nhỉ? Chim nào vào đây và vào cách nào khi các cửa đều đóng kín? Tiếng động còn kéo dài thêm mấy giây nữa rồi im bặt, như thể con chim, nếu quả đúng đó là chim, đã bỏ bay đi.
Ông rón rén nhỏm dậy bật đèn và không tin vào mắt mình. Nơi trước đây là hình con chim đen bây giờ trơ toan trắng. Ông ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, lặng người không biết phải làm gì. Nỗi sợ âm ỉ suốt ngày lúc này làm đầu đầu óc ông tê cứng. Một chuyện phi lý không thể tin nổi, nhưng cái chuyện phi lý ấy đang xẩy ra trước mặt và ông không thể không tin. Ông ghé mắt nhìn lại, sờ cả tay vào lớp vải. Vâng, chỉ lớp vải trắng thô ráp. Thân hình lực lưỡng của Prômêtê bây giờ bị rách thêm một miếng to, trông càng dễ sợ. Cuối cùng, như chợt hiểu ra điều gì, ông vội lấy bút, pha màu rồi cắm cúi vẽ. Bộ ngực lực lưỡng của Prômêtê được chắp vá lại dần cho đến khi trên tranh chỉ còn lại mình chàng nguyên vẹn. Không có con chim Thần ác, không có trái tim bị xé vụn và những dòng máu đỏ. Ông cảm thấy đỡ sợ phần nào. Prômêtê nhìn ông với đôi mắt biết ơn.
Hôm sau, trời mới rạng, cả hai ông bà chủ nhà đã đến đập mạnh cửa phòng ông.
- Bác họa sĩ! Dậy đi! Bác họa sĩ! Đêm qua nhà chúng tôi mất hai con hươu.
- Việc này liên quan gì đến tôi? - Ông khó chịu nói, khi ra mở cửa cho họ. - Hay hai cụ nghi tôi ăn trộm?
- Ăn trộm thì không, nhưng liên quan thì có đấy.
- Tôi không hiểu...
- Tôi nghi con này! - ông lão bước thêm mấy bước, chỉ vào bức tranh. Con chim đen xuất hiện trở lại từ bao giờ trên chính bức tranh mới vẽ lại đêm qua.
Cố giấu ngạc nhiên, ông hoạ sĩ hỏi:
- Vì sao?
- Vì ở đây xưa nay chưa bị mất trộm cái gì. Vì đêm qua tôi nghe tiếng nó kêu, bay lượn quanh nhà. Bây giờ ngoài hồ còn sót lại ít thịt nó ăn chưa hết, in rõ móng vuốt của nó. Bác theo tôi ra xem thì biết.
Vẫn bộ quần áo ngủ nhàu nát trên người, ông họa sĩ theo họ ra hồ. Một góc hồ nước đỏ lòm vì máu của một phần ba con hươu chưa ăn hết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
- Suốt đêm qua tôi không ngủ được, - bà già luôn im lặng, bây giờ lên tiếng. - Tim tôi đau nhói, cứ như bị ai lấy kìm rứt từng tí một...
- Cả bà cũng thế à? - ông chồng vội quay sang phụ theo. - Tôi cũng không ngủ được. Cũng bị đau ngực. Chính là do con chim đó! Chính nó!
*
Trưa hôm ấy, khi ăn xong trở lại phòng, ông họa sĩ thấy bức tranh đã bị ai lấy dao cắt nát, đúng chỗ con chim đen. Miếng vải bị cắt gấp xuống, làm thân hình nó méo mó, cổ bị chém đứt cùng chiếc mỏ sắc nhọn và đôi mắt háu đói độc ác.
Ông họa sĩ đứng im nhìn tác phẩm của mình, thờ ơ, không thương xót.
Một lúc sau ông già lại xuất hiện. Ông có vẻ bình tĩnh hơn, thậm chí hơi chút ngượng nghịu. Ông lúng túng ngồi xuống, tự tay pha ấm trà, rót vào chén đưa cho khách rồi hắng giọng hai lần, nói:
- Dân quê chúng tôi quen nói thẳng. Có gì không phải, bác bỏ quá cho. Số là... thực tình chúng tôi không muốn bác ở lại đây thêm nữa. Xin bác dọn đi nơi khác thật xa và càng sớm càng tốt. Bác biết đấy, nơi này vốn yên bình, giản dị, thế mà bác đến làm xáo trộn hết bằng những cái khủng khiếp kia. - Ông hất đầu về phía bức tranh.
- Vâng, hai cụ đã có ý thế thì tôi xin đi, tất nhiên. Tôi đi ngay bây giờ. Có điều, xin hai cụ hiểu cho, tôi là người hiền lành, chưa làm ác điều gì với ai bao giờ. Tôi chỉ là anh họa sĩ vẽ vời nhăng nhít, một việc làm thiết tưởng cũng vô hại.
Ông già trầm ngâm một chốc rồi nói, giọng buồn buồn:
- Nhưng ông vẽ ác. Vẽ ác cũng gần như làm việc ác vậy.
*
Leo ngược hết con đường quanh co màu đỏ gạch, ông dừng lại thở, đưa mắt nhìn lần cuối chiếc hồ nhỏ xinh đẹp phía dưới. Nó đã lấy lại được vẻ thanh bình thơ mộng vốn có. Cạnh ngôi nhà nhỏ không xa mặt nước có hai chấm đen nhỏ. Đó là ông bà già đã cho ông ở nhờ nửa tháng qua. Có thể họ đang vẫy tay tiễn ông. Cũng có thể họ đứng đấy canh chừng có phải ông thực sự đi chưa. Rồi ông quay người, chậm chạp bước về phía đường nhựa, nơi có xe về Hà Nội. Trong đầu ông chẳng có gì ngoài nỗi buồn mơ hồ và cảm giác xấu hổ của người vừa làm điều xấu bị người khác đuổi đi. Bên tai văng vẳng câu nói chất phác mà chua cay của ông già:
“Nhưng ông vẽ ác. Vẽ ác cũng gần như làm việc ác vậy.”
Hà Nội, 2003
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/03/2024(Xem: 233)
Tôi là tôi, rất thực Một người Việt Nam Luân lưu dòng máu rồng tiên Chào đời giữa binh lửa oan khiên Lớn khôn nhờ lời ru mật đắng của mẹ hiền Tâm dưỡng nuôi từ khí thiêng Ung đúc hơn mấy ngàn năm văn hiến
12/03/2024(Xem: 566)
Mùng bốn tháng hai lại về …., (1) đệ tử bốn phương kính mừng chúc thọ Sư Phụ Ngài đã buông gánh nặng ngàn đời thật rất lâu Làm chủ mọi hoàn cảnh mình, hưởng pháp vị nhiệm mầu Tâm niệm an lành, từng sát na phát khởi Giữa pháp giới mênh mông, như “trăng soi đêm tối”
11/03/2024(Xem: 208)
Bước vào không gian khai mở suốt cuộc quán chiếu, về khoảng đời với một hành trang nhân gian và đạo pháp, thượng sĩ đã trải dài tâm thức và bước chân hành trì trong bao nhiêu đạo kiếp, để gói trọn như lời rao giảng trong thi nghiệp KHOẢNG ĐỜI này. Thi tập ẩn hiện cuộc phiêu du trong hiện kiếp phù trần vừa xuyên suốt trải qua, vừa gạn lọc ý
11/03/2024(Xem: 169)
Đây là tập thứ 5 trong tuyển thơ Quê chiều của thi sĩ - thiền sư Thích Đồng Bổn. Đọc thi phẩm này, trong tôi chợt hiện lên hai hình ảnh - âm thanh hòa quyện: tiếng diều đêm vi vút và tiếng suối thơ dạt dào. Đêm vắng, trời dẫu trong, vằng vặc trăng cũng khó thấy cánh diều, chỉ tiếng sáo diều bổng trầm vọng lại. Phải tĩnh tâm, phải lắng hồn mới thấu được thanh âm đồng quê ấy. Còn suối thơ trong trẻo, lặng lẽ mà kiên tâm, đi xa để trở về, khởi nguồn cho sự hòa kết đạo - đời, tạo duyên cho bao gặp gỡ của những chân tâm truy tầm cái đẹp trong cõi tịnh.
11/03/2024(Xem: 569)
Lần lần tóc bạc da gà, Chân đi lóng cóng bộ là cò ma. Dầu cho vàng, ngọc đầy nhà, Khó mà tránh khỏi cái già bệnh suy Dầu cho nghìn món vui gì? Vô thường rốt cuộc cũng thì bỏ đi. Chỉ có đường tắt tu trì. A Di Đà Phật ấy thì đem theo.
10/03/2024(Xem: 503)
Biển lung linh biển tình biển nhớ. Biển vỗ về biển chở mối thương yêu. Biển hiu hiu sóng nhẹ gió muôn chiều. Cho liễu rủ bóng dừa nghiêng xõa tóc. Biển thông lộ cho đoàn con vượt thoát. Đường Tự Do rộng mở cuối chân trời. Nắng cao lên lồng lộng gió căng hơi. Vững tay lái ta xa rời cõi chết.
06/03/2024(Xem: 1144)
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Quán đại nguyện độ khắp chúng sanh Quán tự tại viên thông trí hạnh Thí vô uý quảng đại lợi sanh.
24/02/2024(Xem: 420)
Bạn ơi, Do sự tiến bộ vượt bực của y khoa. Ngành phẫu thuật như một bà tiên huyền diệu. Biến người xấu thành người đẹp dễ dàng. Mắt một mí biến thành hai mí. Da ngăm ngăm biến thành da trắng nõn nà. Lông mày chổi xể biến thành lông mày cong vút.
22/02/2024(Xem: 1201)
Dân gian thường có câu: " “Cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng". Rằm tháng Giêng của năm nay Xuân Giáp Thìn (hay ngày 15/1 Âm lịch năm Giáp Thìn 2024) rơi vào thứ Bảy ngày 24/2/2024.
22/02/2024(Xem: 385)
Con đứng trên đỉnh đồi Nghe nhạc điệu mười phương Phương nào phương trần thế Phương nào phương thiên đường. Từ tâm vang tiếng niệm A Di Đà lạc bang Từ tâm vang hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567