Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

RAXUN GAMZATÔP

19/01/201103:01(Xem: 7684)
RAXUN GAMZATÔP

bo-cong-anh

RAXUN GAMZATÔP

Thơ tám câu

* * *
Bài thơ tám câu, tám dòng chữ nhỏ,
Tám dòng sông miền núi trong lành.
Đường tới biển, tới thơ gian khó,
Nhưng hãy hòa với biển xanh.

Bài thơ tám câu, tám dòng chữ nhỏ,
Tám chàng trai miền núi yêu đời.
Các anh đi trên trăm đường gian khó,
Mũ của mình đừng để rơi!

* * *
Đỉnh núi cao, nhưng ta tưởng rất gần,
Đứng nhìn lên, nghĩ giơ tay với được.
Rồi ta leo, leo mỏi gối, bong gân -
Đá sắc, tuyết dày, đích vẫn còn phía trước.

Cũng thế làm thơ, trông như chẳng khó gì,
Nhưng cầm bút, ta mới hay không dễ.
Cắn bút hàng giờ, ta sẽ nghĩ, nhiều khi
Quả leo núi cũng không gay đến thế.

* * *
Trên đời này chỉ có ba bài hát
Đủ nói hết buồn vui thế giới tâm hồn.
Hay hơn cả là bài ca thứ nhất
Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con.

Bài thứ hai cũng là bài của mẹ,
Khi con trai mẹ chết, cánh tay già
Ôm xác con, hát một mình lặng lẽ...
Những bài hát trên đời là bài hát thứ ba.

* * *
Hãy ghi lên dao găm của anh
Tên trẻ thơ, để lần nào cũng vậy,
Rút dao ra, anh sẽ nhớ những gì
Anh quên khi nóng nẩy.

Hãy khắc lên báng súng của anh
Khuôn mặt mẹ, để lần nào cũng vậy,
Giơ súng lên - oán trách hay cầu xin -
Trong mắt bà anh thấy.

* * *
Trái tim chàng trai như ngọn lửa.
Cô gái ơi, nên nhớ điều này:
Có thể làm lửa tàn, lửa tắt,
Nhưng có thể bất ngờ cô bị cháy không hay.

Trái tim chàng trai như dao sắc.
Cô gái ơi, nên nhớ điều này:
Có thể làm dao cùn, làm dao rơi xuống đất,
Nhưng cũng xem chừng, cô có thể đứt tay.

* * *
Từ mây, như chim hàng đàn
Giữa tháng tư tuyết bay rất nhẹ.
Nhưng thấy đất, tuyết tan
Thành mưa rơi rất khẽ.

Từ xa, anh đến tìm em,
Giận dữ buồn, im lặng.
Nhưng anh tan như tuyết bên em,
Giữa tháng Tư trời nắng.

* * *
Hỡi Niềm vui, anh bay đâu vội thế?
Vào trái tim đang yêu!
Còn anh, vội đi đâu, Tuổi trẻ?
Vào trái tim đang yêu!

Các anh kia đi đâu. Thông minh, Sức mạnh?
Vào trái tim đang yêu!
Còn các anh đi đâu, Nỗi buồn, Bất hạnh?
Vào trái tim đang yêu!

* * *
Tuổi thơ, như nước trôi qua,
Nhưng trôi qua, tuổi thơ để lại
Cho loài người một bài ca,
Và bài ca sống mãi.

Tuổi xuân trôi qua như dòng sông.
Đã trôi là trôi mãi,
Nhưng chiến công anh hùng
Tuổi xuân để lại.

* * *
Anh không dám viết thơ về em
Vì anh sợ có chàng trai nào đấy
Tốt và trẻ hơn anh, cũng sẽ yêu em
Khi thấy anh khen em như vậy.

Anh không dám viết thơ về em
Vì anh sợ những gì anh viết đó,
Riêng về em và chỉ để cho em,
Người khác đọc cho người yêu của họ.

* * *
Ở ấn Độ người ta cho loài rắn
Xuất hiện đầu tiên trên đời.
Người miền núi cho đại bàng chắc hẳn
Có trước muôn loài khắp nơi.

Riêng tôi nghĩ: Chính loài người có trước
Rồi sau mới có các loài:
Một số thành đại bàng cất cánh,
Một số thành rắn độc ra oai.

* * *
Đời - tấm thảm, tôi là anh thợ dệt,
Nhưng là anh thợ tồi.
Tôi xấu hổ: đường thừa, múi đứt
Còn rất nhiều trong tấm thảm đời tôi.

Cuốn sách viết xong, nhưng viết dở -
Nhiều trang vô ích, không đâu.
Ôi bao giờ tôi trưởng thành, viết tốt,
Hay chỉ mãi bắt đầu?

* * *
Tôi đã đi nhiều nơi và thấy nhiều cái lạ -
Tranh, tượng, lâu đài - đông, bắc, tây nam -
Và người ta bảo tôi: Tất cả
Không có gì con người không làm!

Tôi đã đi và thấy trong lửa cháy
Tranh, tượng, lâu đài - đông , bắc, tây, nam -
Và người ta bảo tôi: Thế đấy,
Không có gì con người không làm!

* * *
Trong rừng nhiều sông, nhiều suối.
Suối và sông đầy nước trong,
Rủ nhau đến đây uống nước
Từng đàn mây xanh và mây hồng.

Anh chờ em, anh chờ em đến
Bên suối và sông đầy nước trong.
Nhưng không thấy em đâu, 
Chỉ đến đây uống nước
Từng đàn mây xanh và mây hồng.

* * *
Nhìn hai người đang sung sướng yêu nhau,
Tôi cũng thấy như vui chung với họ
Và muốn gần tới đó
Thành ba người cùng sung sướng bên nhau.

Nhưng con chim không bao giờ ba cánh -
Tôi cô đơn lê bước trên đời,
Kéo theo mình một cánh khắp nơi.
Vâng, đau khổ là con chim một cánh.

* * *
Ở làng tôi có chàng trai
Lấy cô vợ tóc đen và đẹp.
Và đúng khi chàng trai hai mười -
Chiến tranh, hai người cách biệt.

Và vợ người anh hùng hai mươi
Giờ tóc bạc ngồi buồn trước ngõ.
Còn thằng con của hai người,
Nay đã già hơn bố!

* * *
Nhớ mang theo rượu, bánh thật nhiều -
Giữa đường còn chia cho bạn.
Con dao nào sắc nhất, nhớ mang theo -
Phòng khi với kẻ thù chạm trán.

Tôi lên đường, tôi yên tâm ra đi,
Chỉ mang theo bài ca chân thật -
Với bạn tôi, đó là rượu, bánh mì;
Với kẻ thù - là con dao sắc nhất.

* * *
Trời đang mưa ngoài cửa sổ phòng tôi.
Sấm đang vang ngoài cửa sổ phòng tôi.
Trong lòng tôi trào dâng một lúc:
Tức giận, tình yêu, đau thương, hạnh phúc.

Tôi trao đau thương cho bài ca.
Tôi đem tình yêu cho mọi nhà.
Và hạnh phúc, tôi dâng cho bạn.
Tôi chỉ giữ cho tôi tức giận.

* * *
Trên đời này tôi chẳng tốt hơn ai,
Nhưng ngày xưa em yêu tôi, vì thế
Em tưởng tôi siêu thường, như thể
Trên đời là tốt nhất là tôi.

Trên đời này tôi chẳng xấu hơn ai,
Nhưng bây giờ em không tin điều ấy.
Em chỉ thấy tôi sai, vì vậy
Trên đời này xấu nhất là tôi.

* * *
Mùa đông đang đến gần,
Các loài chim bắt đầu thấy lạnh,
Rủ nhau bay về nam lẩn tránh,
Dù suốt mùa hè ca ngợi quê hương.

Chỉ đại bàng vẫn ngồi im,
Lặng lẽ nhìn những vườn cây trụi lá.
Khi quê hương gặp những ngày băng giá,
Đại bàng không bỏ bay đi.

* * *
Bài thơ viết xong,
Nhưng hài lòng chớ vội.
Như tấm thảm dệt xong, - mũi nối
Và chỉ thừa cần cắt hết hai bên.

Bài thơ viết xong,
Như đám ruộng cày xong, vừa ý.
Nhưng hãy đi theo từng đường, xem kĩ -
Có thể còn đất sót không hay.

* * *
"Hỡi đại bàng bay trên sông, trên núi,
Các anh từ đâu, các anh là ai?"
"Chúng tôi là tim các chàng trai
Đã hi sinh, bây giờ mọc cánh".

"Hỡi những vì sao trong đêm lấp lánh,
Các anh là ai lặng lẽ trên trời?"
"Chúng tôi là mắt những người
Khóc các chàng trai hy sinh ngoài mặt trận".

* * *
Tình yêu với tôi như chiếc đàn:
Tình yêu là dây, tôi là hộp gỗ.
Tôi không biết vui mừng, đau khổ
Khi dây đàn không rung.

Tình yêu với tôi là con dao:
Tôi - vỏ đựng; tình yêu - lưỡi thép.
Thiếu tình yêu, chẳng bao giờ tôi đẹp,
Không ai cần đến tôi.

* * *
Tôi chẳng cần vàng, kim cương,
Khi chúng suốt đời chôn sâu dưới đất.
Cũng chẳng cần sao soi đường
Khi sao mây đen che khuất.

Anh sống trọn đời anh, hay mới chỉ bắt đầu.
Tôi cũng nói điều này tôi nghĩ:
Khi người khác đau buồn mà anh thấy không đau.
Thì đời anh, anh để phí!

* * *
Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên -
Từ xưa tới nay vẫn thế:
Thuốc độc, lòng tham, tiền
Có thể giết người ta rất dễ.

Nhưng tôi không hiểu một điều,
Vì sao, tôi không biết:
Rằng nhiều khi sự thật và tình yêu
Cũng có thể làm người ta chết.

* * *
Người mù không thấy gì.
Không phải vì đêm trời tối.
Và người nông dân chịu đói
Không phải lỗi cánh đồng.

Cũng như người chân đất mùa đông
Không nên trách tuyết băng quá lạnh.
Nếu ta gặp nhiều bất hạnh -
Người có lỗi là ta.

* * *
Trái đất chỉ là quả dưa
Cho một số người tham ăn chia, cắt.
Cho một số người, trái đất
Chỉ là quả bóng để giành nhau.

Nhưng trái đất với tôi
Không là bóng, là dưa, mà là khuôn mặt.
Tôi lau máu cho anh, khóc làm gì, trái đất,
Và dịu dàng, tôi hát anh nghe.

* * *
Đàn chim bay trên trời,
Tôi nhẩm đếm, nhìn theo từ mặt đất:
Một, hai, mười, ba mươi...
Nhưng đàn chim xa dần, bay mất.

Như đàn chim, năm tháng trôi qua,
Tôi nhẩm đếm, nhìn theo, suy nghĩ:
Năm, mười, ba mươi, ba ba...
Đàn chim đời tôi còn bao nhiêu nữa nhỉ?

* * *
Này, anh kia, cái anh chàng lưng rộng.
Xê ra, đừng che cửa phòng tôi!
Đừng đứng đấy, vào phòng tôi hắt bóng.
Xê ra, đừng che cửa phòng tôi.

Ở ngoài kia nào núi cao, thác chảy,
Nào mây bay, biển biếc, sóng dồi...
Thế mà anh... Chỉ lưng anh tôi thấy.
Xê ra, đừng che cửa phòng tôi!

* * *
Sao đại bàng, các anh bay đến đây,
Nơi quanh năm phủ tuyết?"
"Không phải chúng tôi đi trú rét,
Đây là vùng cao, và chúng tôi tự do".

"Sao các anh đến đây, bà con của tôi,
Nơi thiên nhiên ác thế?'
"Chúng tôi không tìm cái dễ
Đây là vùng cao, và chúng tôi tự do".

* * *
Lập chiến công phải chăng rất khó?
Cái khó hơn - anh phải sống suốt đời
Và khắp mọi nơi
Sao cho xứng với chiến công 
Trong một giây anh đã lập.

Khó hay không , thành thằng hèn, phản bội?
Sa ngã chỉ cần một giây,
Nhưng để xóa điều này,
Hay phải sống mang tiếng hèn 
Suốt đời - không dễ!

* * *
Người phụ nữ dịu dàng
Sinh ta ra trong giờ đẹp nhất,
Sao vẫn có điều này sự thật.
Rằng chúng ta tàn ác vẫn nhiều khi?

Trẻ thơ sống cùng ta,
Chìa cho ta những bàn tay tin cậy.
Ôi vì sao có điều vô lí vậy,
Rằng chúng ta tàn ác vẫn nhiều khi?

* * *
Con suối kia ngu ngốc đi đâu,
Khi ở đây đất nẻ khô, thiếu nước?
Sao vội vã lao về phía trước,
Nơi thiếu ngươi, nước đã tràn trề?

Ôi tim ta, tim ta đam mê,
Ngươi yêu ai? Người đáng yêu, ngươi ghét bỏ.
Sao cứ lao về một nơi nào đó,
Nơi đâu chắc tim cần cho kẻ khác như đây?

* * *
Suối vỗ vào chân núi đá.
Núi đã không nghe, hững hờ.
Tôi hiểu nỗi buồn con suối bị làm ngơ,
Nhưng nỗi buồn tôi ai hiểu?

Suối dằn vặt van xin,
Nhưng không hề lung lay núi đá.
Núi với người tôi yêu giống lạ -
Cái hững hờ đâu cũng như nhau.

* * *
Không quen nuông chiều, từ nhỏ
Tôi nếm đòn roi không thiếu thứ gì.
Vì tôi hư, nghịch, nhiều khi
Bố tôi beo tai tôi đau điếng.

Cũng thế bây giờ, thời gian
Nhiều khi xoắn tai tôi tím đỏ,
Như tôi xoắn tai đàn hôm nọ,
Khi đàn sai dây.

* * *
Rõ chàng trai không gặp may -
Trời mưa to, cứ đà này đến tối.
Đang phải gặp người yêu, rất vội,
Mà trời mưa, vâng, khổ thế trời mưa...

Đứng bên cổng nhà mình
Cô gái chờ người yêu như đã hẹn,
Nhưng mưa rơi, và chàng trai không đến,
Không lẽ chỉ vì mưa rơi?...

* * *
Đừng ném đá vào chim,
Nhất là khi chim đang ca mê mải.
Với người mình yêu, cô gái,
Đừng bao giờ bắt anh ta đau,

Lạnh lùng, nghiêm khắc với tôi,
Em buông một câu vô tình như vậy,
Và em cười, không hề hay điều ấy
Làm tôi đau, như đá ném vào chim.

* * *
Ngay xưa nhiều đêm tôi lê chân
Trên đá sắc, đôi chân tím đỏ.
Mẹ tôi ngồi bên cửa sổ
Thắp nến soi đường tôi đi.

Từ đấy, tôi đã đi nhiều nơi,
Nếm đủ mùi tuyết băng, mưa dội,
Nhưng ở đâu, ánh đèn kia le lói
Cũng soi đường tôi đi.

* * *
Tôi cố quên tuổi mình,
Không muốn nói: Tôi già, anh trẻ.
Mà biết đâu chẳng vì anh
Tóc tôi ngả màu sớm thế?

Tôi không kêu tuổi già.
Vâng, ích gì điều đó -
Khi cơn hiểm nghèo người bệnh khó qua,
Nhắc cái chết chỉ tăng thêm đau khổ!

* * *
Hạt cát nhỏ trong giày
Nhiều khi làm chân anh nhức nhối.
Hãy cởi ra, giũ ngay.
Để lâu, anh không đi nổi.

Tôi nói thật cùng anh, bạn thơ,
Rằng thơ anh tôi không đọc hết:
Rất nhiều câu quả như cát trong giày,
Làm tôi đau và mệt.

* * *
"Anh có thể nói gì về người kia?"
Bạn của tôi lắc đầu khó hiểu:
"Với người này tôi không quen,
Giờ phải khen anh ta, tôi chịu".

"Anh có thể nói gì về người kia?"
Tôi hỏi một người khác.
"Với người này tôi không quen,
Tôi biết chê anh ta gì được?"

* * *
"Sao con chim hoạ mi
Không xuống đậu tay tôi đây rộng mở?
Chim không yêu, hay chim sợ?"
"Có thể chim yêu, nhưng chưa tin".

"Sao ở đâu và bao giờ cũng vậy,
Con sóc trốn tôi, lấm lét nhìn?
Sóc không yêu, hay không tin?"
"Có thể sóc yêu, nhưng sóc sợ".

* * *
Có cậu bé ra đời,
Tôi tưởng tôi vừa lọt lòng, khóc thế.
Người ta đi dự cưới, vui chơi,
Tôi tưởng tôi là chàng rể.

Ở đâu đây ngã xuống một chàng trai,
Bà mẹ già bên xác con đau khổ;
Ở đâu đây phụ nữ khóc ai,
Tôi tưởng tôi hi sinh nằm đó.

* * *
"Con sông quê hương của tôi
Qua nghìn dặm, nghìn năm nay anh chảy,
Gì đẹp nhát trên đời anh thấy,
Qua nghìn dặm và nghìn năm?"

"Qua nghìn năm và nghìn dặm đời tôi,
Cái tôi thấy, tôi cho đẹp nhất
Là tảng đá màu đen, gồ ghề, chân thật
Ở ngay đầu nguồn tôi".

* * *
Ở nước nào nhà thơ cũng kêu
Rằng thơ anh ta mọi người không hiểu.
Ở nước nào mẹ chồng cũng kêu
Rằng nàng dâu khinh bà, chua ngoa, bất hiếu.

Còn lái xe, tất cả trên đời
Anh nào cũng kêu công an khó dễ.
Ồ, thì ra loài người khắp nơi
Khác nhau ít, giống nhau nhiều là thế!

* * *
Tôi - nô lệ, mà thơ tôi là chủ.
Tôi còng lưng vất vả suốt ngày,
Làm quần quật, thơ còn cho chưa đủ,
Tối lên giường, mà giấc ngủ không hay.

Tôi là phu kéo xe, hai càng xe bóp chặt
Hai hông tôi, da chảy máu, tím bầm,
Đường thì xóc, hàng lại thêm chồng chất...
Cứ thế suốt ngày, cứ thế quanh năm.

* * *
Thầy bói cầm tay tôi,
Về hậu vận đời tôi, quả quyết:
"Cái mục đích anh theo đẹp tuyệt!
Nhưng xem chừng nhiều kẻ ghét, không ưa..."

Ồ, thầy bói xong chưa?
Lời thầy nói không gì mới lạ -
Ai mục đích cuộc đời cao cả
Mà không nhiều kẻ ghét, không ưa?

* * *
Ở Hirôsima người ta tin:
Ai nhiễm xạ vì bom nguyên tử,
Muốn khỏi bệnh, phải làm sao cắt đủ
Một nghìn con thiên nga.

Ôi trái đất đau buồn, hãy cắt
Và hãy tin điều này!
Đừng để cô bé Nhật trên tay
Cầm con chim cuối cùng, đã chết.

* * *
Tôi ngồi bên cửa sổ, trời mưa,
Trên mặt kính nước rơi từng giọt.
Sân đất, nóc nhà, núi cao chót vót -
Tất cả chìm trong mưa,

Tôi chẳng thấy gì trong mưa.
Ngoài phòng tôi chỉ một màu xám bụi,
Tôi nhắm mắt, không thấy nhà, thấy núi,
Chỉ thấy cuộc đời đã trôi qua...

* * *
Nước mắt lăn trên má nhà thơ.
Giọt niềm vui má phải.
Giọt đau buồn má trái,
Hai giọt căm thù và tình yêu.

Hai giọt hiền từ, long lanh
Khi chưa gặp nhau, rất nhỏ,
Nhưng gặp nhau, thành mưa giông, bão tố.
Căm thù gặp tình yêu là thơ.

* * *
Tôi muốn sao tất cả thật lòng
Trả lời tôi những câu này cởi mở:
Anh lạnh không ? - Không !
Anh đói không ? - Không !
Anh sợ không ? - Không sợ!

Và tôi đi, nơi đói khổ, đau buồn,
Tôi chỉ nghe những lời này cởi mở:
Anh lạnh ư? - Vâng!
Anh đói ư? - Vâng!
Anh sợ ư? - Rất sợ!

* * *
Trẻ khóc vì sao, ta không thể
Và không biết hỏi cách nào.
Hôm nay tôi buồn, cũng thế,
Không biết vì sao.

Cũng không biết vì sao
Gió và mưa hôm nay khang khác.
Cả giọng anh, tôi nghe như hơi lạc,
Cả mặt trời cũng không thế hôm nay...

* * *
Người ta đứng vỗ tay hoan hô,
Chúc mừng tôi thành công. Thú thật,
Tôi không vui, vì luôn luôn trước mắt
Tôi thấy hai người đang nhìn tôi, trách tôi.

Hai người kia - hai người kia và tôi
Chỉ là một. Họ theo tôi đây đó:
Một - cậu bé, chính là tôi ngày nhỏ.
Một - ông già, là tôi trong tương lai.

* * *
Như đoàn tàu, chúng ta đến, rồi đi,
Đi mãi mãi, luôn ồn ào, vội vã.
Ga Cuộc Đời đón khách vẫn như xưa,
Bằng những cảnh sân ga hối hả.

Tôi là tàu, tôi đã đến, than ôi,
Đường lại giục, lại ra đi không nghỉ.
Hỡi đèn đỏ của sân ga, hãy cho,
Cho tôi đỗ lâu hơn thêm một tí.

* * *
Thế giới này tôi đã đi nhiều nơi,
Thấy nhiều sách tuyệt hay, hoàn hảo.
Nhưng cuốn sách vĩ đại của cuộc đời
Là trái đất, mới chỉ là bản thảo.

Nhiều lỗi sai trong cuốn sách địa cầu,
Nhiều vết bẩn, rất nhiều chương cay đắng...
Ôi giá gì được chữa, gọt từng câu,
Được chép lại hoàn toàn trên giấy trắng.

* * *
Đừng kiêu hãnh nhìn tôi như vậy,
Vì chính tôi kiêu hãnh cũng khá nhiều,
Rằng tôi biết tự tay tôi cày cấy,
Không kém những người có thể gọi rất kiêu.

Rằng trong ngực, trái tim tôi đang trẻ,
Rằng tôi yêu, ca cuộc sống yên lành...
Đừng kiêu hãnh nhìn tôi như thế,
Tôi từng kiêu cũng chẳng kém gì anh!.

* * *
Anh không phải là người buồn, cau có,
Nhưng vì em, không ít lúc đau lòng.
Khi tuyết phủ, đè lên cây dương nhỏ,
Cây phải uốn cành, run rẩy giữa mùa đông.

Anh không phải là người vui, hạnh phúc,
Nhưng bên em, anh sưởi ấm bao lần.
Khi bóng tối và tuyết tan, là lúc
Cây cựa mình, sống lại với mùa xuân.

* * *
Tôi không ngủ một mình - lên ngực,
Như người yêu, Lo lắng gối đầu.
Lúc Sung sướng, lúc Đau buồn thao thức,
Và bên thềm, Nỗi sợ đến từ lâu.

Tôi không dậy một mình - Lo lắng
Dậy đầu tiên, rồi tiếp đến Buồn rầu,
Rồi Sung sướng... Nhưng than ôi, lẳng lặng,
Nỗi sợ bên thềm đã đứng đợi từ lâu.

* * *
Nhà văn tiếc, nhà thơ buồn ngao ngán,
Dáng đăm chiêu, các bác học lắc đầu,
Lo Caxpiên đang mỗi ngày một cạn,
Nước lùi dần - nguyên cớ do đâu?

Riêng tôi thấy: Đó là điều vô lí -
Biển Caxpiên không thể cạn bao giờ
Cái rất đáng ta lo, suy nghĩ
Là một số tâm hồn đang héo lụi, mòn khô.

* * *
Con chim vừa đủ lông
Đã vội vàng bay đi, rời tổ.
Con người không ít khi đâu đó
Chôn xác mình nơi rất xa quê hương.

Chúng ta sống, khát khao lên đường.
Luôn đuổi theo ước mơ - cứ thế
Chúng ta chết như con chim non trẻ
Chết dọc đường vì đuối sức khi bay.

* * *
Ở làng tôi đã lâu lắm, từ xưa,
Vâng, lâu lắm, có một dòng suối nhỏ.
Và bầy trẻ tắm hôm nào ở đó
Đã lớn lên thành những ông già.

Nhưng dòng sông, dù năm tháng đi qua,
Trước cặp mắt của con người, vẫn trẻ.
Vẫn róc rách nói cười như đứa bé,
Chảy qua rừng, qua đá vẫn như xưa.

* * *
Nhà thơ ít biết niềm vui,
Trước đau khổ, nhà thơ không nhắm mắt.
Năm 41 tôi là Lêningrat,
Năm 45 là Hirôsima.

Tôi - người Tiệp ở Liđixa,
Người Pháp ở Ôrađua, và tôi - người Do Thái
Bị thiêu ở Trêbinca. Mãi mãi
Đám cháy nào cũng thiêu tôi thành than.

* * *
Không hiểu sao tôi bỗng nhớ bất ngờ
Câu chuyện cổ từ lâu đã thuộc:
Xưa có người con trai cầm tay
Dắt bà mẹ hai mắt mù tìm thuốc.

Họ lang thang khắp nơi, chàng trai
Tìm được thuốc, chữa lành cho mắt mẹ.
Trái đất mù, hãy chìa tay cho tôi,
Ta cùng đi - không thể mù như thế!

* * *
Đàn ta ơi, sao tiếng chẳng như xưa,
Không thánh thót, và nghe sao yếu nhẹ?
"Tiếng của tôi vẫn đúng, đẹp như xưa,
Tại bây giờ tai anh hư, có lẽ"

Đàn ta ơi, sao hát chẳng chân thành,
Không xúc động, làm ta thêm chán nản?
"Tôi hoàn toàn như trước, chỉ vì anh,
Vì tim anh bây giờ chai sạn".

* * *
Bài thơ về một tình yêu lớn
Thường ít khi dài,
Nhưng diễn tả một cảm tình nho nhỏ,
Rất nhiều người nói dai.

Đại bàng uốn một vòng rất đẹp
Rồi bay vào mây,
Nhưng chim sẻ đến đâu cũng chỉ
Líu ríu suốt ngày.

* * *
Tôi có nhiều ý hay,
Nhưng không kịp viết thành thơ lên giấy,
Đành cất kĩ chờ dịp sau viết vậy,
Như cất kĩ giấy tờ mang dấu mật vào ngăn.

Nhưng rồi tôi quên dần,
Không nhớ rõ ở đâu tôi cất.
Cứ thế nhiều ý hay tôi mất,
Chỉ may lắm đôi lần nhớ lại, viết thành thơ.

* * *
- Công việc gia đình ổn chứ, các ông?
- Vợ mà xấu thì như nhà nóc dột.
- Công việc gia đình ổn chứ, các ông?
- Vợ mà tốt thì mọi điều sẽ tốt.

- Công việc gia đình ổn chứ, các bà?
- Chồng mà xấu thì tha hồ nhăn nhó.
- Công việc gia đình ổn chứ, các bà?
- Chồng có tốt, chúng tôi vẫn khổ.

* * *
Những gì người ta tặng tôi,
Đaghextan thân yêu, tất cả
Huân chương và huy chương -
Tôi sẽ gắn lên ngực anh, núi đá.

Tôi sẽ dành cho anh những bài ca
Và những bài thơ hay nhất.
Hãy cho tôi áo xanh của rừng,
Và mũ tuyết trên đầu anh cao ngất.

* * *
Một nhà thơ viết bài thơ tặng vợ:
"Ôi em yêu, là ánh sáng, là sao đêm,
Khi em xa, anh đau buồn, anh tưởng nhớ,
Ôi sung sướng chừng nào khi anh ở bên em..."

Và ánh sáng, sao đêm, vợ nhà thơ lúc ấy
Hé cửa đi vào, đứng cạnh nhà thơ.
Nhà thơ quát: "Ồ, lại cô, gì vậy?
Mời cô đi, tôi bận việc, tôi nhờ..."

* * *
Anh muốn biết núi cao bao nhiêu
Mà trước anh lớn vậy?
Khó gì đâu, anh hãy hỏi tình yêu,
Tình yêu từng lên đấy.

Anh muốn hay đâu là đáy đại dương.
Bằng cách này, cách nọ?
Anh hãy nhờ tình yêu chỉ đường -
Tình yêu từng tới đó.

* * *
Tôi chưa từng thấy bếp nhà ai
Lửa cháy suốt đời không tắt.
Nhưng bạn sờ xem, trong ngực tôi
Lửa cháy suốt đời không tắt.

Chưa ai thấy làng nào suốt đêm
Đèn bao giờ cũng đỏ.
Trong mắt tôi bạn thấy, hãy nhìn xem,
Đèn làng tôi bao giờ cũng đỏ.

* * *
Nếu anh là đàn ông, hãy tin
Và giúp mọi người cùng tin như thế,
Rằng trái tim đàn ông rất khỏe,
Như băng đồi, con tuấn mã đang phi.

Còn em, phụ nữ, hãy chứng minh
Sao cho mọi người phải thấy
Rằng trong ngực em, quả vậy,
Một chiếc nôi đang đung đưa.

* * *
"Đời là xấu, đáng căm thù tất cả!"
Một nhà thơ nói thế, rồi qua đời.
Và giữa xuân xanh, cũng qua đời,
Một nhà thơ kêu: "Ôi, đời đẹp đẽ!"

Chỉ nhà thơ thứ ba không thế -
Vinh quang, bất tử, muôn đời sau,
Vì anh ta xấu gọi xấu, có gì đâu,
Và gì tốt, anh ta cho là tốt.

* * *
Trong chúng ta, nhiều người
Chức vụ, quyền hành đưa lên mây, lên gió.
Họ chỉ biết cấp dưới và cấp trên,
Bè bạn chân tình không có.

Ôi không lẽ một ngày kia, cả tôi
Cái quí nhất trong đời cũng chán,
Và vì chức vụ, quyền hành,
Tôi sẽ xa bè bạn?

* * *
Nằm trên cỏ, từ xa
Tôi ngắm làng tôi trong đêm yên tĩnh.
Và từ xa, muôn ánh đèn lấp lánh
Cái bật, cái mờ, cái tắt thi nhau...

Từ xa trong đêm lấp lánh đủ màu,
Đèn làng tôi chiếc xanh, chiếc đỏ,
Chiếc vụt sáng, chiếc tắt dần trong gió
Như tim những người quí nhất ở làng tôi.

* * *
Nếu bỗng nhiên tôi là thanh kim loại -
Đừng đem tôi đúc thành tiền.
Tôi không muốn trong túi người xủng xoẻng,
Hay vì tôi, người ta ghen.

Nếu bỗng nhiên tôi là thanh kim loại -
Hãy rèn tôi thành dao găm,
Để ngày thường tôi nằm yên trong vỏ,
Nhưng khi cần, giặc đến, tôi đâm.

* * *
Cô giáo trao tôi quả cầu trái đất.
Tôi chỉ sai nước nọ, nước này.
Nhưng tôi thấy như đang ôm vào ngực
Không phải hình cầu bằng giấy nhẹ trên tay.

Mà thu nhỏ trong tay tôi tất cả
Thế giới bao la vĩ đại, thấp hèn.
Và tôi nghe trong tim tôi tiếng sấm,
Tiếng động phố phường, tiếng súng nổ, người rên...

* * *
Trẻ cứ ngày một lớn thêm
Tôi sờ sợ, nhưng sợ gì, không rõ.
Mỗi mùa xuân, hoa nở trắng bên thềm.
Tôi cũng sợ, nhưng sợ gì - không rõ.

Rồi hôm nay, tên lửa phóng lên trời.
Tôi lại sợ, nhưng sợ gì - không rõ.
Không có gì đáng sợ, thế mà tôi
Vẫn cứ sợ một cái gì đâu đó.

* * *
Trên thanh gươm của Samin,(1) tôi nhớ
Có khắc một câu rất hay:
“Ai đánh nhau, lo hậu quả sau này,
Là người không dũng cảm!”

Anh, nhà thơ, như Samin, hãy khắc
Lên bút anh cầm trên tay:
“Ai làm thơ, lo hậu quả sau này,
Là người không dũng cảm!”

(1)Nhà thơ, anh hùng dân tộc Ava.

* * *
Khóc khi gặp đau buồn là dễ.
Khi buồn đau, không khóc khó hơn nhiều.
Tai nạn khỏi mà kêu ca, cũng thế,
Không khó bằng kể đúng với người yêu.

Năm và tháng đến cùng ta như khách,
Nhưng nhiều khi - không hiểu lỗi bên nào -
Ta vui vẻ, ta đón chào, khen khách,
Nhưng khách về, ta nói xấu. Vì sao?

* * *
Tôi lại về với quê hương vùng cao,
Giờ mới lạ, hầu như không nhận nổi.
Tiếng cha ông trẻ hoàn toàn không nói.
Tiếng của tôi đang cũ, chết hàng ngày.

Có lẽ nào chúng tôi từ nay
Bằng tiếng cổ Ava, không hát vui, trò chuyện?
Biết làm sao - sông luôn về với biển,
Tuy biết rằng biển nuốt, xóa dòng sông.

* * *
Thành phố này khác thành phố kia.
Nhà cửa, con người, núi sông cũng vậy,
Nhưng ở đâu, bao giờ tôi cũng thấy
Nhà thơ, trẻ em và sinh viên giống nhau.

Nên phải chăng vì thế, từ lâu
Người tôi dễ cảm tình, thân mật -
Vâng, bất cứ nơi nào trên trái đất -
Là nhà thơ, trẻ em và sinh viên.

* * *
Người ta in từng tập lớn và dày
Các tác phẩm những nhà thơ đã chết,
Nhưng những người đang sống, xưa nay
Khó được in, và nếu in - rất ít.

Tôi đang sống, nên được in chưa nhiều ,
Mong các vị in cho thêm một ít,
Ngay bây giờ! Và thừa thiếu bao nhiêu,
Xin cứ trừ các tập in khi chết.

* * *
Không có ai cái gì cũng biết,
Chỉ có người tưởng biết hết mà thôi.
Và thực tình lắm lúc họ làm tôi
Phải kính phục vì bề ngoài của họ.

Ngày cả đến Puskin, Xôcrat
Cũng không hay mọi chuyện trên đời.
Nhưng nhiều khi phán xét vẫn là người
Tưởng duy nhất chỉ có mình là đúng.

* * *
Cuộc đời ta đang sống - con tàu
Nhỏ và yếu trước muôn trùng sóng dữ.
Mà hành khách phần đông là phụ nữ
Và trẻ con mới thấy biển lần đầu.

Sẽ thế nào, nếu thủy thủ đánh nhau.
Hay bất chợt gặp sóng gầm, bão tố?
Gì sẽ tới với con tàu bé nhỏ
Và những người không biết bơi?

* * *
Đám cưới thật to ở ấn Độ -
Chú rể được công kênh, tiếng nhạc vang nhà...
Nhưng bố mẹ phải mười năm chịu khổ
Góp nhặt từng đồng cho đám cưới anh ta.

Và cưới xong, than ôi, đôi bạn trẻ
Phải nai lưng trả nợ, kéo cày.
Với nhiều nước, giá tự do cũng thế,
Như đám cưới anh nghèo, đâu dễ trả xưa nay.

* * *
Tôi nhiều khi cứ nghĩ bầu trời
Không thật vững... Nhiều khi tôi cứ nghĩ
Nó đã già, rệu rạo, sắp rơi
Từng mảng lớn, đè lên tôi bẹp dí.

Nhưng nhìn núi, tôi yên tâm phần nào -
Những ngọn núi oai nghiêm sừng sững
Đang giơ tay nâng bầu trời lên cao,
Như cột đỡ mái nhà rất vững.

* * *
Ở miền núi, khi đàn ông đánh nhau,
Người phụ nữ rút chiếc khăn ở cổ
Ném xuống chân đàn ông - và họ
Để gươm rơi khỏi tay.

Hỡi phụ nữ trên trái đất này,
Cả khi năm châu chưa rút gươm khỏi vỏ.
Xin hãy ném những chiếc khăn đau khổ
Xuống chân đàn ông!

* * *
Ngày xưa ông cha tôi thong thả
Khắc lên dao găm bằng dao găm những gì
Hôm nay tôi cố bằng bút chì
Viết lên giấy, mà than ôi, viết dở.

Ngày xưa ông cha tôi cưỡi ngựa
Lên đường, chia tay người yêu,
Và lấy máu viết lên đá nhiều điều
Tôi cố viết hôm nay bằng mực.

* * *
Chảo bốc mùi thơm, nhưng thức ăn chưa chín.
Ngon hay không - chưa nên nói lúc này,
Vì qua mùi trong gió thoảng bay
Không thể biết cái ngon của lưỡi.

Cũng thế khi nghe đàn, hãy đợi
Dù đàn hay, xin chớ vội nói gì -
Không thể khen bài hát một khi
Chưa nghe lời của nó.

* * *
Chỉ cái hôm nay còn thuộc chúng ta ,
Những gì đã qua - ta không thể giữ.
Khi ta buồn, lưu luyến cái hôm qua,
Thời gian biến tương lai thành quá khứ.

Vâng, thời gian không thương tiếc cái gì,
Trắng trợn cướp ta ngày đêm, ấy vậy
Mà không hề có bộ luật nào ghi
Các điều khoản trị thời gian tội ấy.

* * *
Ta - trên đất, và bóng ta cũng thế,
Bám theo chân trong bụi bẩn, và rồi
Ta dẫm bóng, nhưng dẫm tan đâu dễ -
Bóng chỉ không còn khi ta chết mà thôi.

Tháng và năm trôi qua, cứ vậy
Ta già thêm. Là cái bóng đời này,
Thời gian chờ một hôm nào đấy
Xua bóng mình khỏi thế giới hôm nay.

* * *
Cái buồn, cái vui tôi gặp nhiều đây đó,
Và tùy theo - tôi khóc, hoặc tôi cười.
Nhưng với thời gian, đôi khi đau khổ
Là cái lúc đầu tôi những tưởng niềm vui.

Cứ thế nhiều khi thành công thành thất bại,
Buồn thành vui lẫn lộn... Hay là
Ta không biết, hoặc là không tồn tại
Ranh giới đau buồn và hạnh phúc đời ta?

* * *
Nếu mỗi cây là một ngày,
Và cả cuộc đời là rừng cây,
Thì bao nhiêu cây đang còn, 
Bao nhiêu cây đã chặt
Trong rừng cây đời tôi?

Nếu mỗi con ngựa là một ngày,
Và cuộc đời là cả bầy,
Thì bao nhiêu con đang còn, 
Bao nhiêu con đã chạy
Khỏi đàn ngựa đời tôi?

*****************************
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/01/2024(Xem: 1136)
Hello có nghĩa Xin chào Goodbye tạm biệt, thì thào Whisper Lie nằm, Sleep ngủ, Dream mơ Thấy cô gái đẹp See girl beautiful I want tôi muốn, kiss hôn Lip môi, Eyes mắt ... sướng rồi ... oh yeah! Long dài, short ngắn, tall cao Here đây, there đó, which nào, where đâu
20/01/2024(Xem: 902)
Nhòa AN sống khổ mãi trông đời, Sáng lặng, thêm AN trải khắp trời. Hoa thắm đẹp nào …AN cảnh rộn, Cõi huyền AN chẳng… lạc niềm rơi. Hòa cùng thế tỉnh duyên AN pháp, Chứng rõ thời AN phận nhẹ người. Tà kiến khó AN trao chánh niệm Ngà thân hiển nét rạng AN cười
17/01/2024(Xem: 1284)
Có hay đâu, Mùa xuân đang đến ! Khi ta còn dong ruỗi gió sương Bước thời gian trôi về muôn bến, Bóng chiều xa khuất nẽo quê hương.
16/01/2024(Xem: 1900)
Vườn thiền tĩnh mịch gió vờn hoa Chuông vẳng bên song lặng ác tà Nghiệp thiện vun trồng cây hạnh nở Đường lành dạo bước lối thiền qua Trăng huyền chiếu sáng trên ao diệu Phật bảo ngời soi dưới tháp ngà Mộng ảo tan dần khơi suối ngọc Trần duyên nghiệp lực bỗng vơi xa!
10/01/2024(Xem: 1779)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
09/01/2024(Xem: 784)
Gát chuyện hơn thua giữa thế tình Lòng trong trí sáng chuyển vô minh An yên nhiếp niệm về chân tính Lặng lẽ hồi tâm hướng diệu kinh Lễ Phật quay đầu khơi suối tịnh Tham thiền định ý mở nguồn linh Trần lao vọng tưởng tiêu vong bịnh Thanh thản đêm ngày giũ nhục vinh.
03/01/2024(Xem: 1608)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 1859)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
21/12/2023(Xem: 1511)
Thoắt đã hai năm Thầy về đất Phật Hăm Ba+Hăm Bốn / Mười Hai_ Đại tường Để triêm ân cố Sư Bà viện chủ Cung nghinh Chư Tôn Đức đến Phật đường Giữ mãi trong con về những hình ảnh Đã từng làm thị giả ở bên Thầy Giọng nói tiếng cười như đang bên cạnh Ánh mắt nhìn trìu mến vẫn còn đây...
15/12/2023(Xem: 1781)
Học lịch sử để biết Nhân quá khứ Quả hiện tiền rất thời sự gay go Cứ quây quần tìm giải thoát, tự do Xuôi dòng chảy theo cơ đồ vận nước Và Đạo Pháp thuận theo đời xuôi ngược Lúc Bắc phương vô chiếm được miền Nam Nhiều người vui nhưng lắm kẻ lầm than Bắt Chư Tăng phải nhập trần hoàn tục
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567