Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nói Hiệu Năng Của Chỉ Quán

17/04/201312:22(Xem: 11094)
Nói Hiệu Năng Của Chỉ Quán
Luận Chỉ Quán
Đại thừa Chỉ quán pháp môn: Chỉ quán của đại thừa
HT. Thích Trí Quang dịch giải
---o0o---

5


Nói Hiệu Năng Của Chỉ Quán
C1. Phân Khoa
C2. Giải Thích
D1. Căn Cứ Tánh Phân Biệt
Đ1. Nói Hiệu Năng Của Quán
Đ2. Nói Hiệu Năng Của Chỉ
D2. Căn Cứ Tánh Y Tha
Đ1. Nói Hiệu Năng Của Quán
Đ2. Nói Hiệu Năng Của Chỉ
D3. Căn Cứ Tánh Chân Thật
Đ1. Nói Hiệu Năng Của Quán
Đ2. Nói Hiệu Năng Của Chỉ
C3. Tổng Luận
D1. Luận Sự Diệt Trừ Chướng Ngại
D2. Luận Sự Huân Tập Vào Tâm
D3. Luận Về Địa Vị Chỉ Quán
D4. Tổng Kết
Phân Khoa

Nói Hiệu Năng Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Chương 4 nói hiệu năng (82) của chỉ quán. Chương này có 3 tiết: tiết 1 căn cứ tánh phân biệt để nói hiệu năng trừ chướng ngại được lợi ích của chỉ quán, tiết 2 căn cứ tánh y tha để nói hiệu năng trừ chướng ngại được lợi ích của chỉ quán, tiết 3 căn cứ tánh chân thật để nói hiệu năng trừ chướng ngại được lợi ích của chỉ quán.

Nói Hiệu Năng Của Quán
Căn Cứ Tánh Phân Biệt

Chính Văn.-

Tiết 1 căn cứ tánh phân biệt để nói hiệu năng của chỉ quán trừ chướng ngại được lợi ích, [thì trước nói về Quán]. Là hiểu rằng cái tâm thức "không biết vọng cảnh giả dối mà vọng chấp thật có", tâm thức ấy là mê mờ (vô minh), vọng tưởng, hiểu như vậy là Quán thành. Vì Quán thành nên trừ được mê mờ vọng tưởng trên mê mờ vọng tưởng. Mê mờ vọng tưởng trên mê mờ vọng tưởng là gì? Không biết mê mờ vọng tưởng là mê mờ vọng tưởng, đó là mê mờ; vì mê mờ này mà chấp là không mê mờ, đó là vọng tưởng. Lớp mê mờ vọng tưởng này do lớp mê mờ vọng tưởng trước mà sinh ra, nên gọi là mê mờ vọng tưởng trên mê mờ vọng tưởng. Thế nên người tu hành tuy chưa trừ được tâm thức "không biết vọng cảnh giả dối mà vọng chấp thật có", nhưng hiểu rằng tâm thức ấy là mê mờ vọng tưởng, thì thế là trừ được sự mê mờ vọng tưởng trên mê mờ vọng tưởng. Đó là trừ chướng ngại; nhờ sự trừ chướng ngại này mà có thể bước tới tu Chỉ, thì đó là được lợi ích.

Sự mê mờ vọng tưởng trên mê mờ vọng tưởng có thể đem ví dụ mà hiển thị. Như kẻ lầm hướng đông là hướng tây, và vọng chấp như thế, đó là một lớp mê lầm. Người khác nói anh đang mê lầm, bảo đông là tây, nhưng kẻ ấy vẫn nghĩ cái ta nhận định không phải mê lầm: vì không biết mà chấp không mê lầm như vậy, là mê lầm thêm nữa. Đó là trên mê lầm thêm một lớp mê lầm. Thì kẻ ấy bị hại gì? Bị cái hại chạy trái hướng và xa nhà. Nếu kẻ ấy dẫu chưa tỉnh ngộ nhưng biết tin lời người khác, tin biết nhận thức của mình là mê lầm, thì thế là không còn sự mê lầm trên mê lầm. Thì kẻ ấy được lợi gì? Được cái lợi dẫu mê lầm chưa tỉnh ngộ nhưng quay lại đúng hướng nhà mình.

[Người tu hành cũng vậy]. Tuy chưa biết các pháp là giả dối, nhưng hiểu được rằng"không biết vọng cảnh giả dối" là vô minh, và hiểu rằng "vọng chấp thật có" là vọng tưởng, hiểu được như vậy thì thường xuyên không còn tin vào sự vọng chấp của mình, có thể bước tới tu Chỉ, đi dần về Niết bàn. Trái lại, nếu không hiểu gì cả thì trôi theo dòng nước biển khổ, tăng thêm 3 loại độc tố, quay lưng và bỏ mất ngôi nhà Niết bàn vắng lặng. Đó là căn cứ tánh phân biệt đề nói hiệu năng của Quán trừ chướng ngại được lợi ích.

Nói Hiệu Năng Của Chỉ
Căn Cứ Tánh Phân Biệt

Chính Văn.-

Nay nói hiệu năng của Chỉ trừ chướng ngại được lợi ích trong tánh phân biệt. Là do Quán ở trên làm phương tiện, nên biết các pháp bản lai không thật có, cái chấp thật có bị đình chỉ, thì thế là trừ được vô minh trái mê mờ sự vật và trừ được vọng tưởng. Đối với tham và sân cũng dần dần kém mỏng; dẫu có tội lỗi mà không bị hạnh nghiệp ràng buộc; dẫu chịu đau khổ mà biết khổ không khổ. Đó là trừ chướng ngại. Rồi do Chỉ này mà thành tựu Quán trong tánh y tha sau đây, cái dụng của trí vô trần theo dõi tâm thức mà hiện hành, thì đó là được lợi ích. Đó là căn cứ tánh phân biệt để nói hiệu năng của Chỉ trừ chướng ngại được lợi ích.

Nói Hiệu Năng Của Quán
Căn Cứ Tánh Y Tha

Chính Văn.-

Tiết 2 căn cứ tánh y tha để nói hiệu năng của chỉ quán trừ chướng ngại được lợi ích, thì trước nói về Quán. Quán này chính là Chỉ trong tánh phân biệt, mà vẫn khác chút ít. Khác thế nào? Chỉ trong tánh phân biệt biết các pháp giả dối nên diệt trừ vô minh, vô minh diệt trừ thì cái vọng tưởng chấp các pháp thật có cũng đình chỉ; sự diệt trừ do biết các pháp giả dối này chính là Quán của tánh y tha, chứ không gì khác, nên Chỉ của tánh phân biệt thành tựu là thành tựu Quán của tánh y tha. Nhưng Chỉ của tánh phân biệt vì biết các pháp giả dối nên diệt trừ cái vọng tưởng chấp các pháp thật có, và gọi là Chỉ; còn Quán của tánh y tha vì biết các pháp không thật có mà hiểu các pháp là giả dối, nhân duyên tập hợp phát khởi thì không phải không có hiện tượng của tâm thức, nên gọi là Quán. Chỉ của tánh phân biệt lấy sự phá bỏ vọng chấp thật có làm tôn chỉ, Quán của tánh y tha lấy sự thiết lập duyên khởi giả dối làm tôn chỉ, nên có khác nhau. Do vậy mà trừ chướng ngại thì như nhau mà được lợi ích thì hơi khác. Hơi khác thế nào? Là do Quán của tánh y tha làm phương tiện mà tiến tu, nhập vào Chỉ của tánh y tha, lại thành tựu các pháp tam muội như huyễn, như hóa, v/v, nên gọi là được lợi ích. Đó là căn cứ tánh y tha để nói hiệu năng của Quán trừ chướng ngại được lợi ích.

Nói Hiệu Năng Của Chỉ
Căn Cứ Tánh Y Tha

Chính Văn.-

Nay nói hiệu năng của Chỉ trừ chướng ngại được lợi ích trong tánh y tha. Là do Quán ở trên làm phương tiện mà biết tất cả hư trạng chỉ do cái Tâm duy nhất làm bản thể, thế nên hư trạng có là chẳng có: hiểu như vậy thì diệt trừ được vọng chấp đối với hư trạng, nên gọi là Chỉ. Do Chỉ này mà diệt trừ được vô minhmê mờ sự vật (vô minh trái) cùng với hư trạng; thêm nữa, vô minh trú địa (vô minh hạt) cũng dần dần giảm bớt, đó là trừ chướng ngại. Lại được thành tựu các pháp tam muội như huyễn, như hóa, v/v, lại được cái dụng của trí vô sinh hiện hành, lại thành tựu Quán của tánh chân thật, đó là được lợi ích. Hỏi, trong Quán của tánh y tha cũng nói được các pháp tam muội như huyễn, như hóa, v/v, trong Chỉ của tánh y tha cũng nói được các pháp tam muội như huyễn, như hóa, v/v, như vậy có khác gì không? Đáp, trong Quán được là được một phần, ở đây Chỉ được là được trọn vẹn; thêm nữa, trong Quán biết các pháp duyên khởi như huyễn hóa, còn trong Chỉ biết các pháp duyên khởi là vắng lặng, nghĩa là cũng như huyễn hóa, nên có khác nhau. Đó là căn cứ tánh y tha để nói hiệu năng của Chỉ trừ chướng ngại được lợi ích.

Nói Hiệu Năng Của Quán
Căn Cứ Tánh Chân Thật

Chính Văn.-

Tiết 3 căn cứ tánh chân thật để nói hiệu năng của chỉ quán trừ chướng ngại được lợi ích, thì cũng trước nói về Quán. Quán này chính là Chỉ của tánh y tha mà có hơi khác. Hơi khác thế nào? Chỉ của tánh y tha phải biết cácpháp duyTâm tạo ra, có là chẳng có, bản thể là Tâm, thế nên diệt trừ vọng chấp đối với hư trạng; nhưng biết các pháp bản thể là Tâm cũng là Quán của tánh chân thật, chứ không là gì khác, nên Chỉ của tánh y tha thành tựu là thành tựu Quán của tánh chân thật, không có tách rời. Thế nhưng Chỉ của tánh y tha biết duy Tâm mà chỉ lấy sự diệt trừ hư trạng làm tôn chỉ, còn Quán của tánh chân thật dẫu biết hư trạng chẳng có, nhưng lấy sự xác lập duy Tâm làm tôn chỉ, nên có khác nhau. Do vậy mà trừ chướng ngại thì đồng mà được lợi ích thì hơi khác. Hơi khác thế nào? Là do Quán này của tánh chân thật làm phương tiện mà có thể bước tới Chỉ của tánh này.

Hỏi, duy Tâm tạo ra, với chỉ là cái Tâm duy nhất, là một hay khác? Đáp, duy Tâm tạo ra là do Tâm phát khởi các pháp, chẳng có mà có, tức là thể chứng bằng cách từ thể khởi tướng. Còn chỉ là cái Tâm duy nhất là biết các pháp tướng được phát khởi có là chẳng có, bản thể là cái Tâm duy nhất, đó là thể chứng bằng cách diệt tướng nhập thể. Đó là căn cứ tánh chân thật để nói hiệu năng của Quán trừ chướng ngại được lợi ích.

Nói Hiệu Năng Của Chỉ
Căn Cứ Tánh Chân Thật

Chính Văn.-

Nay nói hiệu năng của Chỉ trừ chướng ngại được lợi ích trong tánh chân thật. Là do Quán ở trên làm phương tiện mà biết cái Tâm duy nhất là bản thể không thể phân biệt, từ xưa đến nay thường tự vắng lặng: hiểu như vậy thì sự biến động là phân biệt phải đình chỉ, nên gọi là Chỉ. Do Chỉ này mà diệt trừ vô minh trú địa và chủng tử của vọng tưởng, đó là trừ chướng ngại; và đại giác hiện tiền, đầy đủ Phật lực, đó là được lợi ích. Đó là căn cứ tánh chân thật để nói hiệu năng của Chỉ trừ chướng ngại được lợi ích.

Luận Sự Diệt Trừ Chướng Ngại

Chính Văn.-

Hỏi, khi diệt trừ chướng ngại là đối kháng mà trừ hay huân tập mà trừ? Đáp, không thể do đối kháng mà diệt trừ. Tại sao? Vì khi mê lầm thì chưa có hiểu biết, khi hiểu biết thì mê lầm đã mất, trước sau không gặp nhau nên không thể đối kháng mà trừ diệt. Như vậy, hiểu biết nổi lên thì mê lầm không nổi, nhưng trong bản thức vẫn còn chủng tử của mê lầm, nên hiểu biết mất đi thì lại nổi lên mê lầm. Nhưng trong lúc mỗi lần hiểu biết và mê lầm đổi nhau nổi lên, thì cái dụng của hiểu biết dần dần huân tập cho Tâm, thêm sức cho cái tính của hiểu biết để thành ra chủng tử của hiểu biết. Nên mỗi lúc cái dụng của hiểu biết huân tập thành chủng tử của hiểu biết, thì chính mỗi lúc ấy sự huân tập này làm cho chủng tử của mê lầm tổn bớt từng phần. Tựa như hơi thơm xông cho cái áo hôi, khi từng phần hơi thơm xông vào áo thì hơi hôi cũng từng phần tan mất. Chủng tử mê lầm cũng vậy, chủng tử hiểu biết từng phần thành tựu thì chủng tử mê lầm từng phần diệt trừ. Vì chủng tử mê lầm từng phần diệt trừ nên cái dụng của mê lầm dần dần yếu kém, trong khi chủng tử của hiểu biết từng phần tăng trưởng nên cái dụng của hiểu biết dần dần mạnh mẽ: như thế gọi là diệt trừ. Không như tiểu thừa nói diệt trừ là đối kháng. Nói như thế chỉ có lời nói mà không có đạo lý. Nhưng tiểu thừa cũng do sự huân tập mà diệt trừ, chỉ không biết đạo lý ấy mà thôi.

Luận Sự Huân Tập Vào Tâm

Chính Văn.-

Hỏi, khi hiểu biết huân tập Tâm là nhận thức Tâm mà huân tập được, hay còn lý do gì khác nữa mới huân tập được? Đáp, tất cả cái dụng của hiểu biết cũng như của mê lầm đều do Tâm mà phát khởi. Do ý nghĩa này, cái dụng của hiểu biết và của mê lầm đều không rời Tâm. Vì không rời Tâm nên khi khởi dụng thì chính thế là huân tập Tâm, chứ không có lý do gì khác nữa. Như cái dụng sóng không rời cái thể nước, nên sóng động thì chính thế là động nước, do vậy, sóng trước động là động nước mà nổi lên sóng sau. Sự huân tập của hiểu biết và của mê lầm cũng vậy, đối chiếu thì biết.

Luận Về Địa Vị Chỉ Quán

Chính Văn.-

Hỏi, chỉ quán của 3 tánh có hay không có địa vị? Đáp, [có] mà không cố định. Nói một chiều thì 10 Trú hoàn thành Chỉ của tánh phân biệt, 10 Hướng hoàn thành Chỉ của tánh y tha, Phật địa hòan thành Chỉ của tánh chân thật. Theo cách giải thích khác thì trước 10 Địa hoàn thành Chỉ của tánh phân biệt, trong 10 Địa hoàn thành Chỉ của tánh y tha, Phật địa hoàn thành chỉ của tánh chân thật. Thêm nữa, trước 10 Địa tùy cấp độ mà tu cả Chỉ của 3 tánh, trong 10 Địa cũng tu cả Chỉ của 3 tánh, Phật địa hoàn toàn cả Chỉ của 3 tánh. Lại thêm nữa, địa vị nào cũng tu hành Chỉ của 3 tánh. Chính phàm phu hiện thời, dầu mới phát tâm, mà cũng có thể tu hành chỉ của 3 tánh. Chỉ sự tu hành rõ rệt hay lờ mờ khác nhau, còn pháp tu thì không khác gì cả (83) .

Tổng Kết

Chính Văn.-

Lại nữa, nói chung về sự trừ chướng ngại được lợi ích của chỉ quán 3 tánh, thì Chỉ của 3 tánh mà thành là bỏ cái nết phàm phu, Quán của 3 tánh mà thành là bỏ cái nết thanh văn, và đó gọi là trừ chướng ngại. Chỉ của 3 tánh mà thành thì được cái vui vắng lặng, đó là tự lợi, Quán của 3 tánh mà thành thì được cái dụng duyên khởi, đó là lợi tha, và đó gọi là được lợi ích. Từ trên đến đây là đã nói xong chương 4 nói hiệu năng của chỉ quán.

Nói Hiệu Quả Của Chỉ Quán

C1. Chính Thuyết
D1. Nói Về Đại Dụng
Đ1. Nói Đại Dụng Toàn Thể
Đ2. Nói Đại Dụng Vô Trú
Đ3. Nói Đại Dụng Siêu Thoát
Đ4. Nói Đại Dụng Bất Nhị
D2. Nói Lại Sở Y
D3. Nói Lại Phương Tiện
C2. Chỉnh Cú
D1. Nói Về Tâm
D2. Nói Về Quán
D3. Nói Về Tu

Nói Đại Dụng Toàn Thể

Chính Văn.-

Chương 5 nói hiệu quả của chỉ quán, là Chỉ hoàn thành thì thể chứng cá tính viên dung bất nhị của Tâm, nên cùng chúng sinh đồng cái thân đồng nhất tướng dụng, trong đó 3 ngôi cực tôn một thể không ba, 2 mặt chân lý một vị không hai; rỗng rang sâu lắng, êm đềm sáng trong; diệu dụng mà không có tướng diệu dụng, hoạt động mà không có tướng hoạt động; như thế là vì các pháp bản lai bình đẳng, vì tâm thể pháp nhĩ là như vậy, và đó là cái thể pháp tánh sâu xa. Quán hoàn thành thì Tâm thể hiện cái dụng pháp giới vô ngại mà xuất sinh hết thảy cái dụng dơ bẩn và cái dụng trong sạch, trong đó có ra cúng phẩm lớn lao, tràn đầy vô biên thế giới, phụng hiến 3 ngôi cực tôn, và hiến cho 4 loại chúng sinh; cho đến hút gió, chứa lửa; phóng ánh sáng, động đại địa; kéo ngắn ra, thúc dài lại; hợp nhiều, chia một; biến thân hình khắp cả lục đạo, tỏa pháp âm khắp cả thập phương (84) ; thị hiện bằng 5 thông, giáo hóa bằng 3 luân; lên sinh đỉnh đầu Sắc giới, xuống ở tầng trời Đâu suất; gửi mình bằng pháp môn trí huyễn (85) , hiển linh theo đường lối phương tiện; chỉ 2 tay để nói độc tôn, đi 7 bước để tỏ chí cực; ngồi ngay trên đài hoa, suy nghĩ dưới cây báu; chiếu cao phổ nhãn đến cung điện 6 tầng trời, vang khắp viên âm đến 10 phương hướng; nơi thế giới Hoa tạng thì giăng đế võng (86) , nơi thế giới Sa ba thì bủa trăng sao (87) ; làm cho một thân hình mà chúng sinh thấy khác nhau, một tiếng nói mà chúng sinh nghe không đồng; sắc tướng rực rỡ, hào quang huy hoàng; bất diệt nơi núi Linh thứu mà nhập diệt giữa rừng Sa la; pháp thân trường tồn mà hóa thân diệt độ (88) ; như thế là vì sức mạnh huân tập của đại bi đại nguyện, vì các pháp thì pháp nhĩ do Tâm tạo tác, và đó là cái dụng duyên khởi sâu xa.

Nói Đại Dụng Vô Trú

Chính Văn.-

Lại nữa, Chỉ mà thành thì tâm trí bình đẳng, không ở sinh tử; Quán mà thành thì đức dụng duyên khởi, không nhập niết bàn. Chỉ mà thành thì trú đại niết bàn, Quán mà thành thì cư trú sinh tử giới.

Nói Đại Dụng Siêu Thoát

Chính Văn.-

Lại nữa, Chỉ mà thành thì không bị thói đời làm hoen ố, Quán mà thành thì không bị vắng lặng làm trì trệ. Chỉ mà thành thì hoạt dụng mà thường vắng lặng, Quán mà thành thì vắng lặng mà thường hoạt dụng.

Nói Đại Dụng Bất Nhị

Chính Văn.-

Lại nữa, Chỉ mà thành thì biết sinh tử là niết bàn, Quán mà thành thì biết niết bàn là sinh tử. Chỉ mà thành thì biết sinh tử với niết bàn cả 2 đều không thể thủ đắc, Quán mà thành thì biết lưu chuyển là sinh tử mà bất chuyển là niết bàn.

Nói Lại Sở Y

Chính Văn.-

Hỏi, khi Bồ tát chính nơi vắng lặng mà phát khởi hoạt dụng, thì trong 3 tánh, Bồ tát do tánh nào mà thành được? Đáp, Bồ tát do đạo lý tánh y tha nên có thể chính nơi vắng lặng mà phát khởi hoạt dụng. Ngoài tánh ấy, Bồ tát cũng sử dụng 2 tánh khác để hỗ trợ cho sự hóa độ. Ý nghĩa này thế nào? Là biết các pháp có tức chẳng có, nhưng lại biết không ngại gì chẳng có mà có, không phải không có pháp giả biểu hiện, tại sao, vì cái pháp duyên khởi thì pháp nhĩ là như vậy, thế nên Bồ tát thường ở trong định mà vẫn sinh tâm thương nghĩ đến chúng sinh. Bồ tát lại do Quán của tánh phân biệt mà biết chúng sinh chịu khổ não lớn, do Quán của tánh y tha mà trong tâm xuất sinh cái dụng hóa độ, do Quán của tánh chân thật mà biết chúng sinh với mình đồng một bản thể; do Chỉ của tánh phân biệt mà biết chúng sinh có thể trừ dơ bẩn được trong sạch, do Chỉ của tánh y tha mà không thấy người hóa độ và người được hóa độ, do Chỉ của tánh chân thật mà biết mình người bản lai thường trú đại niết bàn.

Nói Lại Phương Tiện

Chính Văn.-

Lại nữa, Bồ tát mới tu hành, muốn làm gì thì trước hết cần phải phát nguyện; kế đó tu Chỉ; rồi từ Chỉ khởi Quán, thì sau đó tùy ý làm gì cũng thành. Tại sao trước hết cần phải phát nguyện? Vì để nêu mục đích mong cầu mà xin sự da hộ của sức mạnh tối thượng. Tại sao cần phải tu Chỉ? Vì để biết các pháp toàn là không thật có, thế thì đối với mọi sự trở ngại đều theo ý nghĩ mà hết bế tắc. Tại sao từ Chỉ khởi Quán? Vì để biết các pháp toàn do Tâm làm ra, thế thì đối với các pháp muốn xây dựng gì cũng thành theo ý nghĩ. Đến như các vị Bồ tát tu tập đã lâu thì không như vậy, hễ ý nghĩ muốn làm là việc làm thành tựu theo ý nghĩ. Chư vị Phật đà lại càng không như vậy, không vin đối tượng mà vẫn chiếu soi, không mống suy nghĩ mà vẫn biết rõ, tùy chúng sinh đáng thấy đáng nghe như thế nào thì không tác ý mà sự ấy vẫn tự thành. Tựa như ngọc Ma ni không có ý nghĩ muốn làm lợi ích cho đời, nhưng vẫn tùy cảm triệu mà mưa xuống bảo vật khác nhau. Phật đà cũng vậy, làm gì cũng không tác ý mà vẫn thích ứng với chúng sinh đáng được ích lợi. Ấy là do sự huân tập thuần thục trong 3 đại vô số kiếp mà được như vậy, chứ không vì gì khác cả.

Nói Về Tâm

Chính Văn.-

Tâm thì vốn trong sạch,
các pháp toàn là Tâm:
Tâm ấy là chúng sinh,
Tâm ấy Phật, Bồ tát;
sinh tử đã là Tâm,
niết bàn cũng là Tâm.
Tâm vốn là duy nhất,
vậy mà thành nhị biên,
thế nhưng nhị biên ấy
thật ra là bất nhị (89) .
Cái Tâm duy nhất ấy
rộng lớn như biển cả,
tính chất của Tâm ấy
xưa nay thường một vị,
thế nhưng có đủ hết
bao nhiêu là ý nghĩa,
nên Tâm là kho tàng
chánh pháp vô cùng tận.
Nói Về Quán
Chính Văn.-
Do vậy người tu hành
phải bất cứ lúc nào
cũng tự quán sát lấy
thân và tâm của mình,
biết thân và tâm ấy
toàn do nghiệp dơ bẩn
đã huân tập cho Tâm (90)
nên Tâm duyên khởi ra.
Đã biết chính do Tâm
y theo sự huân tập
tạo ra pháp thế gian (91) ,
thì phải biết bản thể
của tất cả chúng sinh
đều toàn là Tâm cả.
Lại phải nghĩ Tâm ấy
đã tùy theo huân tập
tạo ra pháp thế gian,
vậy nếu được huân tập
bằng cái nghiệp trong sạch
thì cũng chính Tâm ấy
quyết định sẽ tạo ra
quả vị của Phật đà.
Như thấy hình rắn vàng
biết là vàng làm ra,
thì biết bản chất nó
toàn là vàng ròng thật;
lại nghĩ vàng do thợ
làm thành hình con rắn,
thì biết rắn vàng ấy
tùy thợ thành tượng Phật.
Tâm như vàng ròng thật,
đủ 2 tính trái thuận,
tùy 2 nghiệp dơ sạch
mà biểu hiện phàm thánh
Nói Về Tu
Chính Văn.-
Vì thế phải cấp tốc
tu tập nghệp vô lậu
huân tập Tâm trong sạch
thì chóng thành Phật đức.
Do vậy ngay bây giờ
đừng khinh thường bản thân,
cũng đừng khinh thường người,
cuối cùng thành Phật cả.

Từ trên đến đây là đã nói xong chương 5 nói hiệu quả của chỉ quán. Và đến đây cũng đã tổng quát thuyết minh hoàn tất tất cả 5 chương nói về đạo lý chỉ quán.

Chỉ Việc
B1. Nói Chỉ Quán Lúc Lễ Bái
C1. Nói Quán
D1. Nói Quán Xét
D2. Nói Quán Tưởng
Đ1. Quán Tưởng Thân Phật
E1. Chính Thuyết
E2. Giải Nghi
G1. Nói Quán Tưởng Là Thật
G2. Nói Cảm ?ng Đều Thành
Đ2. Quán Tưởng Cúng Phẩm
C2. Nói Chỉ
C3. Nói Song Hành
B2. Nói Chỉ Quán Lúc Ăn Uống
C1. Nói Về Quán
D1. Quán Thô Biến Ra Tinh Và Quán Phổ Biến Hiến Cúng
D2. Quán Ít Biến Ra Nhiều
D3. Quán Loại Bỏ Tham Lam
C2. Nói Về Chỉ
B3. Nói Chỉ Quán Lúc Tiện Lợi
C1. Nói Về Quán
C2. Nói Về Chỉ
C3. Giải Nghi

Nói Quán Xét

Chính Văn.-

Sự lạy Phật cũng có chỉ quán. Quán mà lạy Phật là phải biết hết thảy chư Phật trong 10 phương 3 đời toàn cùng với ta đồng lấy Tâm làm bản thể. Nhưng chư Phật tu tập nghiệp trong sạch huân tập Tâm nên thành được quả trong sạch, biểu hiện khác nhau khắp trong 10 phương 3 đời. Mỗi đức Phật đều có đủ cái trí Nhất thế chủng, nên các Ngài là biển chánh biến tri, là biển đại từ bi, trong từng ý nghĩ, mỗi Ngài đều biết rõ tất cả tâm lý chính và tâm lý phụ của chúng sinh, đều muốn cứu độ tất cả chúng sinh. Một đức Phật như vậy, tất cả đức Phật cũng vậy. Thế nên người tu hành lúc hiến cúng, lúc lễ bái, lúc tán dương, lúc sám hối, lúc khuyến thỉnh, lúc tùy hỷ, lúc hồi hướng, lúc phát nguyện, đều nghĩ như vầy, tất cả chư Phật đều biết ta hiến cúng, đều nhận ta hiến cúng, cho đến đều biết ta phát nguyện, đều nhận ta phát nguyện. Tựa như một người đui mù bẩm sinh, ở giữa công chúng làm những cách hiến cho, thì dẫu không thấy công chúng mà biết công chúng thấy việc mình làm, nhận vật mình cho, y như sự hiến cho của người sáng mất, không khác gì cả. Người tu hành cũng vậy, dầu không thấy chư Phật mà biết chư Phật thấy việc mình làm, nhận mình sám hối, nhận mình hiến cúng. Biết như vậy thì chính là sự hiến cúng hiện diện, đồng đẳng chứ không khác gì người thật thấy chư Phật mà hiến cúng. Tại sao? Vì quán xét thấy được tâm Phật. Tâm Phật chính là đại từ bi.

Chính Thuyết

Chính Văn.-

Lại nữa, nếu người tu hành tưởng tượng được một đức Phật với thân tướng trang nghiêm, cho đến tưởng tượng được vô lượng chư Phật, trước mỗi Ngài đều tưởng thấy thân mình hiến cúng, lễ bái, thì đó cũng chính là sự hiến cúng hiện diện. Tại sao? Vì [tâm tưởng tượng Phật] thì tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật.

Nói Quán Tưởng Là Thật

Chính Văn.-

Hỏi, sự hiến cúng trước thật có đạo lý, có thể không khác sự hiến cúng hiện diện, còn sự tưởng tượng Phật mà hiến cúng thì không có đạo lý, vì sao, vì thật không thấy thân Phật, chỉ tưởng tượng mà thấy, thì đó là hình thái của vọng tưởng. Đáp, khi Phật còn ở đời, bao nhiêu người hiện diện thấy Ngài thì cũng là tự tâm của họ làm ra [đức Phật họ thấy]. Thế nên trong kinh đã nói Tâm tạo chư vị Như lai. Do ý nghĩ này, bây giờ tâm ta tưởng tượng làm ra Phật, cùng với người hiện diện thấy Phật, chỉ là một đạo lý.

Lại nữa, điều ấy đã hơn xa Thanh văn hiện diện thấy Phật. Tại sao? Vì đức Phật mà Thanh văn nhìn thấy thật do Tâm tạo, nhưng do vô minh mà họ tưởng lầm thấy sai, rằng đức Phật ấy ở ngoài, không do Tâm tạo, nên thế mới là điên đảo, không đúng với đạo lý tâm tánh duyên khởi. Do vậy, trong kinh đã nói Thanh văn thấy là thấy sai. Trong kinh lại nói, họ đi theo đường sai, không thể thấy Như lai. Như lai là chân như của Tâm, do huân tập duyên khởi mà biểu hiện quả báo, nên gọi là Như lai. Thanh văn cho Như lai ở ngoài Tâm, biệt lập với Tâm, nên kinh nói họ không thể thấy Ngài. Còn ta, chư Phật mà ta thấy tuy do tưởng tượng tạo ra, nhưng chính vì thế mà biết do tưởng niệm của ta huân tập cho Tâm, nên Tâm ấy biểu hiện chư Phật, vậy đức Phật ta thấy không phải ngoài Tâm, mà là hiện tướng của Tâm, có là chẳng có, chẳng có mà có, không phá họai vắng lặng, cũng không phá hoại duyên khởi, nên hơn sự hiện diện thấy Phật của Thanh văn.

Thêm nữa, nếu ta đem tưởng niệm huân tập Tâm, tâm tánh duyên khởi biểu hiện chư Phật, mà bị cho là vọng tưởng, thì Bồ đề đạo tràng hải hội bồ tát toàn do cái nghiệp thấy Phật huân tập cho Tâm, nên đức Lô xá na như lai hiện trong tâm ấy, vậy hải hội bồ tát kia cũng là vọng tưởng sao. Nếu đức Phật mà hải hội bồ tát ấy thấy là biểu hiện từ Tâm, khi thấy thì biết không phải ngoài Tâm, mà không phải vọng tưởng, thì chư Phật mà ta thấy cũng do Tâm biểu hiện, ta cũng biết không phải ngoài Tâm, thì sao lại cho là vọng tưởng? Và nữa, cái nghiệp thấy Phật mà hải hội bồ tát đã tu tập là do Tâm tạo ra, huân tập lại cho Tâm, thì nay sự tưởng niệm mà ta tưởng niệm chư Phật cũng là do Tâm tạo ra, huân tập lại cho Tâm, bên kia bên này như nhau, vậy bên kia không phải vọng tưởng thì bên này cũng là chân thật.

Nói Cảm ?ng Đều Thành

Chính Văn.-

Hỏi, nếu tất cả chư Phật toàn do Tâm chúng sinh tạo ra, thì thế làkhông có đức Phật thật xuất hiện thế giới? Đáp, không ngại gì chư Phật xuất hiện mà vẫn là Tâm chúng sinh tạo ra. Tại sao? Vì tất cả chư Phật và tất cả chúng sinh cùng do Tâm làm bản thể. Tâm ấy toàn thể làm ra một chúng sinh mà không ngại gì toàn thể làm ra tất cả phàm thánh. Như một chúng sinh do toàn thể Tâm tạo ra, thì mỗi một phàm thánh khác cũng đều như vậy, cùng thì gian và cùng bản thể mà không trở ngại gì nhau cả. Do vậy, nếu căn cứ một người để nói về Tâm, thì Tâm người ấy tạo ra tất cả phàm thánh. Trong phần bản thể như lai tạng đồng nhất và dị biệt đã giải thích ý nghĩa này rồi. Do ý nghĩa đã giải thích ấy, hết thảy chư Phật do Tâm ta tạo ra. Chỉ vì đạo lý thức chung với thức riêng nên dẫu Tâm ta tạo ra chư Phật mà vẫn có cái lẽ thấy với không thấy. Đạo lý này đã nói rõ trong phần thức chung với thức riêng.

Do đạo lý trên đây, tưởng tượng chư Phật thì sự tưởng tượng ấy huân tập cho Tâm, thích ứng với sự huân tập bi trí của chư Phật, nên trong Tâm biểu hiện các Ngài và tự mình thấy được. Đức Phật được biểu hiện ra đó là do cái nghiệp tưởng tượng Phật của ta thích ứng với nghiệp lợi tha của Phật, huân tập cho Tâm khởi lên, nên đức Phật đó là thức chung của ta. Vì là thức chung, nên, [đối với ta], đức Phật thật sự xuất thế và ta nhìn thấy. Nếu không có cái nghiệp thấy Phật thích ứng với nghiệp lợi tha của Phật huân tập cho Tâm, thì chư Phật dẫu là Tâm ta tạo ra mà ta vẫn thường không được thấy.

Như vậy, nếu chỉ căn cứ chư Phật để nói về Tâm thì Tâm Phật tạo ra chúng sinh, và chư Phật có cái lực bi trí huân tập cho Tâm nên thấy được tất cả chúng sinh. Nếu chỉ căn cứ chúng sinh để nói về Tâm thì chính Tâm chúng sinh tạo ra chư Phật, và chúng sinh có cái nghiệp thấy Phật huân tập cho Tâm nên thấy được chư Phật.

Do những đạo lý đã nói trên đây, hễ tưởng tượng huân tập cho Tâm thì Tâm biểu hiện chư Phật và ta có thể thấy được. Đức Phật được thấy là đức Phật thật xuất thế. Không hiểu như vậy, cho đức Thích tôn là đức Phật thâểt ngoài Tâm, còn đức Phật do tâm tưởng tượng là đức Phâểt vọng tưởng làm ra, vọng chấp như vâểythì dẫu thấy đức Thích tôn cũng không hiểu gì về Ngài.

Quán Tưởng Cúng Phẩm

Chính Văn.-

Người tu hành đã biết chư Phật là Tâm tạo, thì cũng biết bản thân và cúng phẩm cũng từ Tâm chánh định mà xuất sinh. Do vậy, hãy tưởng tượng bản thân như cây đàn hương. Từ những lỗ chân lông của thân ấy xuất ra khói mây thơm. Mây này ngoài tầm nghĩ bàn, đầy cả mười phương thế giới. Ở trước mỗi đức Phật, mây này thành lầu đài thơm lớn. Trong lầu đài thơm ấy, vô số thiên tử thơm tay cầm hương liệu kỳ lạ và tinh tế, hiến cúng các đấng Tối thắng. Hoặc tưởng tượng bản thân có khắp mười phương quốc độ. Số lượng bản thân đồng đẳng số lượng chư Phật, đích thân hầu hạ các Ngài. Mỗi thân giống như Đại phạn thiên vương, sắc tướng tuyệt hảo, 5 bộ phận của thân ấy đều lạy xuống ngang chân Phật. Biết bản thân và cúng phẩm toàn do Tâm tạo, không vọng chấp có ở ngoài Tâm. Lại biết bao nhiêu cúng phẩm của chư vị Bồ tát đều ban cho chúng sinh để họ hiến cúng Phật. Thế nên cúng phẩm ấy cũng chính là của ta, ta biết ta có, và sẽ đem hiến cúng Phật. Rồi đem cúng phẩm của Tâm mình tạo ra, cùng với cúng phẩm được Bồ tát ban cho, xoay lại cho chúng sinh cả, để cùng nhau hiến cúng các đấng Tối thắng. Thâm nhập duyên khởi quán mới làm được như vậy. Và từ trên đến đây là nói xong về Quán mà lạy Phật.

Nói Chỉ

Chính Văn.-

Chỉ mà lạy Phật là phải biết chư Phật, bản thân, cúng phẩm, toàn do Tâm tạo, có là chẳng có, chỉ là cái Tâm duy nhất. Cũng không thủ đắc cái đối tượng Tâm duy nhất, tại sao, vì ngoài Tâm thì không có gì có thể thủ đắc Tâm. Huống chi có thủ đắc và được thủ đắc thì thế là hư vọng, thực chất không có. Lạy Phật mà như vậy thì gọi là Chỉ.

Nói Song Hành

Chính Văn.-

Thêm nữa, không được vì Chỉ này mà bỏ Quán trước. Phải chỉ quán song hành. Là dẫu biết chư Phật, bản thân, cúng phẩm, bản thể là cái Tâm duy nhất, nhưng chính từ Tâm ấy xuất ra cái dụng duyên khởi, hiến cúng phong phú. Hiến cúng phong phú mà lại biết liền có tức chẳng có, chỉ là cái Tâm duy nhất, bình đẳng, phi phân biệt. Thế nên trong kinh đã nói, hiến cúng khắp mười phương, vô lượng chư Như lai, mà Phật với bản thân không có tướng phân biệt. Đó là Chỉ và Quán song hành.

Quán Thô Biến Ra Tinh Và Quán Phổ Biến Hiến Cúng

Chính Văn.-

Sự ăn uống cũng có chỉ quán. Quán trong lúc ăn uống là khi mới được thực phẩm, thì vì để hiến cúng Phật nên nghĩ thực phẩm ấy là Tâm ta tạo ra. Ta nên quán tưởng thực phẩm thô sơ này thành thực phẩm thượng vị. Tại sao? Vì biết các pháp vốn từ Tâm mà sinh thì cũng do Tâm mà chuyển. Nghĩ như vậy rồi tưởng tượng đồ mình cầm thành bát thất bảo, ẩm thực phẩm trong đó thành thượng vị của chư thiên, hoặc thành cam lộ, thành cơm thơm, thành đường phèn, thành bơ sữa, thành những thực phẩm tương tự. Tưởng tượng như vậy rồi, cầm bát với ẩm thực phẩm đã tưởng tượng ấy bố thí tất cả chúng sinh, để họ cùng mình hiến cúng tất cả Tam bảo, bố thí tất cả tứ sinh, bình đẳng thọ thực. Hãy nghĩ chư Phật và hiền thánh đều biết ta và chúng sinh hiến cúng, đều nhận sự hiến cúng ấy. Hiến cúng như vậy rồi mới thọ thực. Thế nên trong kinh đã nói, đem một thực phẩm bố thí cho tất cả để cùng hiến cúng chư Phật và hiền thánh, sau đó mới ăn. Hỏi, đã hiến cúng Tam bảo rồi sao mình còn được ăn? Đáp, khi tưởng tượng bố thí chúng sinh để cùng hiến cúng Tam bảo thì đã tưởng tượng bố thí cho chúng sinh cùng thọ thực. Trong thân ta có tám mươi ngàn ký sinh trùng tức là chúng sinh, thế nên ăn cho chúng sống, không phải vì riêng mình.

Quán Ít Biến Ra Nhiều

Chính Văn.-

Lại tưởng tượng thực phẩm trong bát, mỗi hạt cơm thành ra một bát đầy những ẩm thực phẩm thượng hạng. Trong mỗi cái bát đã biến ra đó mỗi hạt cơm lại thành một bát ẩm thực phẩm thượng hạng nữa. Triển chuyển phát sinh như thế cho đến đầy cả mười phương thế giới, toàn là bát quí đựng đầy ẩm thực phẩm thượng hạng. Tưởng tượng như vầy rồi đem thực phẩm ấy bố thí cho chúng sinh để cùng họ hiến cúng Tam bảo, hiến cho tứ sinh. Tưởng tượng như vậy rồi thọ thực, cho ký sinh trùng trong thân mình no đủ.

Quán Loại Bỏ Tham Lam

Chính Văn.-

Muốn loại bỏ tham lam thì khi được thực phẩm tốt, hãy tưởng tượng thành thực phẩm xấu mà ăn. Thường biết thực phẩm mà tốt xấu là toàn do Tâm tạo, hư trạng không thật. Làm sao biết được? Vì vừa rồi thực phẩm tốt trong bát, ta tưởng tượng là xấu thì thấy xấu, chính vì thấy là xấu nên biết thực phẩm vốn tốt cũng vậy, chỉ do Tâm tạo. Và đó là Quán lúc ăn uống.

Nói Về Chỉ
Nói Chỉ Quán Lúc Ăn Uống

Chính Văn.-

Chỉ trong lúc ăn uống là hãy xét thức ăn, người ăn, miệng ăn, lưỡi nếm, v/v, mỗi thứ toàn do Tâm tạo, chỉ là hư trạng của Tâm, có là chẳng có, bản thể chỉ là cái Tâm duy nhất. Cũng không thủ đắc cái Tâm duy nhất, tại sao, vì ngoài Tâm không có gì có thể thủ đắc Tâm ấy, huống chi có thủ đắc và được thủ đắc thì thế là hư vọng, thực chất không có. Đó là Chỉ lúc ăn uống.

Nói Về Quán
Nói Chỉ Quán Lúc Tiện Lợi

Chính Văn.-

Sự tiện lợi cũng có chỉ quán. Quán là lúc tiện lợi thì chính nơi chỗ dơ bẩn mà nghĩ đồ dơ bẩn là Tâm tạo, có là chẳng có, vậy ta nên tưởng tượng đồ dơ này thành đồ sạch. Tức thì tưởng tượng chỗ dơ bẩn thành hồ báu, kênh báu, trong đó đầy nước thơm hoặc bơ sữa. Tưởng tượng bản thân thành thân thất bảo, tiện lợi thải ra là sữa thơm, là mật ngọt, v/v. Tưởng tượng thành rồi mới đem cho chúng sinh, và cũng biết rằng đồ sạch ấy là duy Tâm tạo, hư trạng không thật. Đó là Quán lúc tiện lợi.

Nói Về Chỉ
Nói Chỉ Quán Lúc Tiện Lợi

Chính Văn.-

Chỉ lúc tiện lợi là biết cái chỗ dơ bẩn, và cái đồ dơ bẩn mà thân ta thải ra, là do quá khứ nghiệp dữ huân tập Tâm nên thành ra thấy tướng không sạch. Nhưng tướng không sạch này của Tâm có là chẳng có, chỉ là cái Tâm duy nhất, bình đẳng, phi phân biệt. Đó là Chỉ lúc tiện lợi.

Giải Nghi
Nói Chỉ Quán Lúc Tiện Lợi

Chính Văn.-

Hỏi, ở trên đã nói pháp dơ bẩn với pháp trong sạch toàn do Tâm tạo, nghĩa là do nghiệp quá khứ huân tập cho Tâm mà biểu hiện, thế thì làm sao hiện tại tưởng tượng biến đổi mà biến đổi tùy tâm? Đáp, Tâm đủ tính của các pháp, nhưngkhông có duyên tố thì không biểu hiện. Nên dơ bẩn trong nhà xí do nghiệp quá khứ mà biểu hiện, còn bơ sữa trong hồbáu không nghiệp quá khứ nên không biểu hiện. Nhưng nếu chuyên tâm tưởng tượng trong sạch thì thế là cái nghiệp của bơ sữa hồ báu huân tập cho Tâm, và hiện tượng trong sạch sinh ra. Cái tâm ghét bỏ đồ dơ, cái tâm tưởng tượng không còn đồ dơ, chính là duyên tố loại bỏ đồ dơ. Do duyên tố không dơ này huân tập cho Tâm nên cái tướng dơ bẩn mất theo. Đó là vì nghiệp quá khứ huân tập cho Tâm biểu hiện hư trạng, nhưng công sức hiện tại cũng có thể huân tập cho Tâm biểu hiện diệu dụng.

Nơi chỗ đại tiểu, sự tưởng tượng huân tập cho Tâm mà biến đổi như vậy, thì tất cả sự dơ bẩn và sự trong sạch khác cũng cần phải tưởng tượng mà huân tập cho Tâm, biến đổi tướng cũ, để hiện tại loại bỏ sự ghét ưa, mà xa ra có thể làm phương tiện cho ngũ thông. Nên người mới học tập thì sự chưa tùng tâm, nhưng nhắm mắt tưởng tượng, lâu ngày thuần thục, thì các pháp tùy nghĩ tưởng là cải biến. Còn các vị đại bồ tát, cho đến thánh giả tiểu thừa, tiên nhân ngũ thông, v/v/, đều có năng lực ngay nơi sự tướng mà cải biến, không mà ra có. Hỏi, các vị thánh giả biến hiện đủ cách mà tại sao người thấy người không? Đáp, do thức chung nên thấy, do thức riêng nên không thấy.

Hỏi, thần thông của bồ tát với thần thông của tiểu thừa có khác gì không? Đáp, thần thông tiểu thừa vì tưởng tượng mà thành, và vì thấy pháp ngoài Tâm, nên thần thông có giới hạn. Thần thông bồ tát do biết các pháp là do Tâm tạo, thần thông chỉ là hiện tướng của Tâm, ngoài Tâm không pháp, nên thần thông ấy vô giới hạn. Thêm nữa, bồ tát mới học tập thần thông cũng do tưởng tượng mà tu, nhưng chính lúc đó biết các pháp giai do Tâm tạo; còn tiều thừa chỉ do tưởng tượng mà tu, chỉ biết định lực, không biết Tâm tạo. Như vậy, lấy đạo lý mà nói, thì bên nào cũng là Tâm tạo, nhưng tiểu thừa không biết nên có khác nhau.

---o0o---


Chân thành cảm ơn ĐĐ Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử này

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]