Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 01

17/04/201312:03(Xem: 10429)
Phần 01

DUY THỨC HỌC

Tuệ Quang

Huyền-Cơ Phật-Học-Viện

---o0o---

Phần Thứ Nhất

TỔNG-QUÁT VỀ DUY-THỨC-HỌC

Trước khi nghiên-cứu quyển « Duy-Thức-Học » , ta thử tổng-quát các điều cốt-yếu trong sách này.

* * *

Duy-thức-học thành-lập trên căn-bản:

-« Thức bao-trùm hết mọi sự vật trong pháp-giới bao-la, trên khoảng thời-gian

vô-tận. »

Muốn tiện việc học, ta hãy giả-lập, chia làm hai phần chân, vọng:

-Về mặt « VỌNG » : Thức là trí-biết hẹp-hòi, nông-cạn của chúng-sinh.

-Về mặt « CHÂN » : Thức là trí-biết tuyệt-đối, bao-trùm pháp-giới của Phật.

Cũng gọi là trí, là chân-tâm, là Chân-lý v.v…

* * *

Nay ta đứng về mặt vọng, nghiên-cứu về vọng thức của chúng-sinh.

Tính đặc-biệt của thức là : PHÂN-BIỆT.

Phân-biệt mình, người, lớn, bé, tốt, xấu v.v…

Phân-biệt cảnh.

Đối với thức là bề trong, cảnh là bề ngoài.

* * *

Muốn tiện việc học, ta chia thức làm 8 phần :

Đó là 8 thức :

-5 thức đầu

-Thức thứ 6.

-Thức thứ 7.

-Thức thứ 8.

* * *

Năm thức đầu, chúng ta biết rất rõ. Khoa-học ngày nay gọi là ngũ-quan.
Đó là các phạm-vi thấy biết của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân-thể.

Mắt nhìn. Cái gì mắt thấy, gọi là TRẦN, hay CẢNH. Ví-dụ như lọ mực. Mắt gọi là CĂN, tức là cơ-quan hoạt-động để thu hình-ảnh. Lọ mực là CẢNH hay là TRẦN. Cái biết lọ mực là THỨC của con mắt, hay là NHÃN-THỨC.

Thân sờ-mó, đụng chạm. Nhất là tay sờ sự-vật biết nhẵn, trơn, nóng, lạnh, mềm, cứng v.v.. Ví dụ tay sờ cái mặt bàn. Taysờ là CĂN. Mặt bàn là TRẦN. Cái cảm giác trơn, lạnh là THỨC, nói rỏ hơn là TRẦN-THỨC.

Vậy chúng ta nương vào ngũ-quan để biết sự-vật.

* * *

Còn thức thứ 6, là tư-tưởng, phân-biệt, so-sánh, suy-luận, ngược giòng thời-gian tìm nhân, xuôi dòng tìm quả. Suy từ hẹp đến rộng, từ gần đến xa.

Đó là Ý-THỨC.

Ý-thức giao-thiệp với 5 thức trên, bao quát cả sự-vật. Tổng quát các điều tai nghe mắt thấy để hiểu rõ sự-vật.

Căn của ý-thức, gọi là ý. Tức là cả thần-kinh-hệ có liên-quan đến cái biết, đến trí thông-minh. Trần của ý-thức, gọi là PHÁP, tức là sự-vật. Một pháp tức là một sự-vật. Vật đó có thể có hình hay vô-hình, như những tư-tưởng thầm-kín trong lòng người.

Nhân-loại ngày nay nương vào ý-thức để tìm hiểu sư-vật, để xây-dựng cuộc-đời, để làm chủ vũ-trụ.

Ý-thức ngày nay phát-triển quá đáng.

Tóm-lại, 6 căn là : nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý ; tức là : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Sáu trần là : Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp ; tức là : Những hình ảnh mắt thấy ; những tiếng động, tĩnh tai nghe ; những mùi ngửi ; những vị lưỡi nếm ; những cảm-giác tay và thân sờ-mó, đụng-chạm. ; những sự-vật ý biết.

Tức là : Các phạm-vi thấy biết của mắt, của tai, của mũi, của lưỡi, của thân, của ý.

* * *

Khoa-hoc. Và tiểu-thừa chỉ biết 6 thức trên. Phật và các bồ-tát còn biết các thức thứ 7 và thứ 8. Khi đã tu-chứng lên cao, mới biết được hành-tướng của thức thứ 7.

Thức này chuyên về CHẤP NGÃ. Ví như con ốc cứ bo-bo bám lấy vỏ ốc của mình, cho là cả cuộc đời, cả vũ-trụ. Quý-báu lắm, không dám dời ra bao giờ.

Thức thứ bảy thầm-thầm chấp ngã, quá yêu ngã, tôn-thờ ngã, nên giữ chặt lấy, không dám dời ra.

Nó hay so-sánh, khởi ra yêu-ghét thiên-lệch, ví như người nhỏ-nhen, vừa ích-kỷ, vừa hay ghen-ghét, vừa tham-lam, vừa keo-kiệt, chỉ muốn vơ về mình.

Có tu-chứng cao, từ A-la-hán trở lên, mới thoát khỏi nô-lê cho thức này.Khi còn là chúng-sinh, ta bị nó ràng-buộc. Vậy nên biết chính nó làm ta khổ. Đừng a-tòng binh nó, mà nô-lệ mãi cho nó, không bao-giờ giải-thoát được.

Cái gốc khổ-não, cái gốc tội-lỗi, cái gốc mê-lầm, chính là thức thứ bảy.

Ta biết thế, tìm cách giải-thoát khỏi thức này, không chịu để nó lôi kéo. Hãy đi ngược với nó để chóng giải-thoát. Đó là : quán trí-vô-phân-biệt.

* * *

Phật lại biết một thức nữa, đó là thức thứ 8.

Thức này rất nhỏ-nhiệm. Có Phật mới biết được. Thức này chuyên-chú về CHỨA-NHÓM. Nó có đủ các hạt giống của tất cả sự-vật trong các cõi.

Các hạt giống đó do HUÂN-TẬP mà phát-triển. HUÂN nghĩa là ướp. Ví như chè để cạnh hoa. Chè đượm hương thơm của hoa.Nói rộng ra, đó là ảnh-hưởng của hoàn-cảnh. Hoàn-cảnh hay, ta được hay, Hoàn-cảnh dở, ta chịu ảnh-hưởng dở.

TẬP là tập mãi thành thói-quen. Đứa trẻ tập nhìn, tập nói, tập đi, tập viết, tập đọc, tâp chào, tập suy-nghĩ, tập lễ-độ v.v.

Chúng-sinh tập bao thứ thành thói quen. Nhưng, nên nhớ, ta đã có các hạt giống sẵn có từ bao kiếp trước, nên nay tập mới chóng thạo. chứ nếu không tập lâu lắm.

Ví dụ con gà con, nó vừa ở trứng chui ra, đã biết chạy đi tìm mồi, biết mổ hạt thóc, biết chạy trốn trước nguy-hiểm.

Ví dụ con cọp nhỏ, tuy tập bắt mồi, nhung tài năng, khuynh-hướng đã sẵn có từ cha truyền con nối.

* * *

Vậy thức thứ tám ví như cái kho. Các hạt giống nằm trong đó. Cảnh ngoài và các thức trước có huân-tập cái gì, nó giữ cái đó. Nếu được hoàn-cảnh tốt, các hạt giống tốt phát-triển, phát-triển mãi, thành hiện-hành, và hiên-hành lại phát-triển chủng-tử.

Một ngày kia, ta sẽ hoàn-toàn hiện-hành Phật.
Thức tứ 8 chỉ là cái kho, chứa giữ chủng-tử. Còn anh chấp là thức thứ 7, ví như người giữ kho, không cho ai lấy cái gì trong kho ra.

* * *

Áp-dụng : TU DUY-THỨC

1. - TU THEO CĂN.

Đã biết rõ thế, ta áp-dụng để tu, lợi-ích cho ta. Hãy tu theo căn.

Căn không phân-biệt. Ví-dụ : con mắt nhìn lọ mực. Trong thời-gian rất ngắn đầu-tiên, hình ảnh lọ mực vào con mắt. Con mắt nhận hình-ảnh đó, nhưng chưa phân-biệt.

Sau anh thức thứ 6 mới nắm lấy mà phân-biệt so-sánh đủ thứ…

Rồi anh thức thứ 7 mới sinh ra yêu, ghét, chê, khen v.v…

Vậy tu theo căn, như đứa trẻ sơ-sinh, rất ngây-thơ, không phân-biệt, ngày càng trong sạch.

Như gương soi các vật. Soi mà không phân-biệt. Cứ quan-sát như thế, không bị nô-lệ cho thức thứ 6 và thức thứ 7.

Thói-quen này phát-triển mãi, ta sẽ tu-chứng, sẽ gần chân-lý. Vì mắt ta trong-sạch, thấy sự-thực của sự-vật, tức là gần chân-lý.

Cái biết chưa bị các thức thứ 6 và thứ 7 làm xuyên-tạc theo nghiệp của chúng.

* * *

2. - TU THEO HIỆN-LƯỢNG.

Tu như thế là tu theo hiện-lượng, theo trực-giác. Trí biết trong sáng, như gương soi vật. Không có phân-biệt. Càng ngày càng trong, càng thuần, càng gần chân-lý.

* * *

3. - TU THEO TRÍ KHÔNG PHÂN-BIÊT.

Tu như thế tức là tu theo trí không phân-biệt.

Thói-quen không phân-biệt đi ngược với thói-quen phân-biệt của hai thức 6 và 7. Nó ngày càng giải-thoát ta. Dần dần ta được trí không phân-biệt, và tu-chứng lên cao…

* * *

4. – XA-LÌA CHẤP NGÃ VÀ CHẤP PHÁP, XA-LÌA NĂNG, SỞ.

Ta biết gốc mọi sự khổ, nguyên-nhân luân-hồi sinh-tử là anh thức thứ 7. Thức này chấp ngã.

Rồi đến thức thứ 6. Thức này chấp pháp, tức là cho sự-vật thực có, rồi yêu sự-vật, nô-lệ cho sự-vật.

Ta hãy quán : ly-huyễn.

Xa-lìa ngã va pháp. Mọi sự-vật đều huyễn. Cái gì ta yêu, ta quý, ta thiết-tha, cũng là huyễn. Xa lìa năng, sở. Không thấy có mình, có người, có hay, dở.

Cứ xa-lìa như thế mãi, sẽ tu-chứng.

* * *

Ta hãy luôn-luôn đối-phó với thức thứ 7. Nó thầm-thầm chấp ngã.

Khi ta chưa tu-chứng đến A-la-hán, nó vẫn đeo ta hoài.

Ta khó thoát nổi nó xui-dục.

Vậy hãy đề-phòng nó tìm cách hoành-hành.

Ta cứ yên-trí là bệnh ta còn nặng, còn phải chữa, còn phải đối-trị.

Ai bảo mình không chấp ngã là nhầm. Vì câu-sinh ngã-chấp rất nhỏ-nhiệm, rất khó trừ.

Đó là bệnh lâu đời của chúng-sinh.

* * *

Trên đây là những điều cốt-yếu để tu theo duy-thức. Học duy-thức có cái lợi là biết rõ tâm-lý mình và chúng-sinh, không lầm bênh-vực bệnh của mình. Như thế giúp nhiều cho sự tu-học.

Nhưng khi ta đã có căn-bản về duy-thức, nên học nhiều về pháp-tính, tức là các kinh liễu-nghĩa.

Muốn hiểu sâu quyển «Duy-Thức-Học »này, trước hết nên nghiên-cứu bộ «Phật giáo1»để có căn-bản về đạo Phật.

Rồi nên nghiên-cứu kinh «Lăng-nghiêm », ta càng sâu hiểu đạo.

Sau mới đọc quyển «Duy-thức-học3», này, mới hiểu rõ-ràng, và thêm căn-bản vững-chắc về pháp-tướng và pháp-tính.

Lại nên nghiên-cứu kinh «Duy-ma-cật4», để biết rộng thêm về các hạnh tu của Bồ-tát. Kinh này cảm-hóa ta, làm ta càng thêm cao-thượng, trong-sạch, từ-bi. Tâm-hồn càng mở rộng.

Rồi phát-tâm nghiên-cứu kinh « Viên-giác5», kinh cao nhất, quý nhất của đạo Phật, kết-tinh tất cả giáo-lý tối cao của Phật, về lý-thuyết cũng như về thực-hành.

Thế là ta đã có một căn-bản rất vững-chắc, sâu rộng vế đạo Phật. Ta có thể vững-vàng tu học, độ sinh. 1, 2, 3, 4 Những kinh sách này đều do Tuệ-Quang sáng-tác, hay dịch và bình-luận. Tủ-sách Phật-học xuất-bản.5 Kinh Viên-giác do cự Huyền-Cơ dịch. Tuệ-Quang dịch pháp văn
Vi tính: Viên Trí
Trình bày: Nhị Tường
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567