Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn 76

16/04/201317:37(Xem: 15010)
Cuốn 76

Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)

Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997

---o0o---

Tập 4

Cuốn 76

GIẢI THÍCH: PHẨM HỌC KHÔNG KHÔNG THỦ CHỨNG THỨ 60

(Kinh Ðại Bát Nhã phần 2 ghi: Phẩm Tập Cận Thứ 59)

KINH:Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ tát ma ha tát muốn hành Bát nhã ba la mật, làm sao học không tam muội? Làm sao chứng nhập không tam muội? Làm sao học vô tướng, vô tác tam muội? Làm sao chứng nhập vô tướng vô tác tam muội? Làm sao học bốn niệm xứ? Làm sao tu bốn niệm xứ? Cho đến làm sao tám thánh đạo phần? Làm sao tu tám thánh đạo phần?

Phật bảo Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát khi tu Bát nhã ba la mật nên quán sắc không, thọ, tưởng, hành, thức không; mười hai nhập, mười tám giới không; cho đến nên quán cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc không. Khi tu quán ấy khiến tâm không loạn. Bồ tát ma ha tát nếu tâm không loạn thời không thấy pháp ấy; nếu không thấy pháp ấy thời không khởi tâm chứng đắc, vì sao? Vì Bồ tát ấy khéo học tự tướng không, không có dư thừa, không có phân biệt, pháp chứng người chứng đều không thể thấy.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức thế Tôn! Như lời Phật dạy: "Bồ tát không nên khởi tâm chứng đắc pháp không". Bạch đức Thế Tôn! Tại sao Bồ tát trú trong pháp không mà không khởi tâm chứng đắc?

Phật bảo Tu bồ đề: nếu Bồ tát quán "Không" đầy đủ trước tiên nguyện rằng ta nay không nên khởi tâm chứng đắc pháp "không", khi ta học chẳng phải là khi ta chứng. Bồ tát không chuyên nhiếp tâm buộc ở trong các duyên, thế nên Bồ tát đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không thối thất,cũng không thủ chứng A la hán lậu tận. Này Tu bồ đề! Bồ tát như vậy là thành tựu pháp thiện diệu lớn, vì sao? Vì trú trong "không" ấy nghĩ rằng: Khi ta tu chẳng phải là khi ta chứng. Này Tu bồ đề! Bồ tát nên nghĩ như vầy, khi ta học Thí ba la mật chẳng phải là khi ta chứng. Khi ta học Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật; khi tu bốn niệm xứ cho đến khi tu tám thánh đạo phần, chẳng phải là khi ta chứng, khi tu "không" tam muội, vô tướng vô tác tam muội chẳng phải là khi chứng. Khi tu mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi của Phật chẳng phải khi chứng, khi ta học trí Nhất thiết chủng, chẳng phải là khi chứng đắc quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, đạo Bích chi Phật.

Như vậy Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật học quán không, trú trong không; học quán vô tướng, vô tác, trú trong vô tướng, vô tác. Tu bốn niệm xứ, không chứng bốn niệm xứ, cho đến tu tám thánh đạo phần, không chứng tám thánh đạo phần. Bồ tát ấy, tuy học ba mươi bảy đạo phẩm, tuy tu ba mươi bảy đạo phẩm mà không chứng quả Tu đà hoàn cho đến đạo Bích chi Phật. Này Tu bồ đề! Thí như tráng sĩ tráng kiện dũng mãnh, giỏi binh pháp, đủ sáu mươi bốn khả năng, cầm chắc binh khí, đứng vững không lay động, khéo các nghệ thuật, đoan chính, trong sạch, được mọi người yêu kính. Tạo ít sự nghiệp, được báo lợi nhiều, do nhân duyên ấy nên được mọi người cung kính, tôn trọng, tán thán; thấy người kính trọng lại càng vui mừng. Khi có chút nhân duyên phải đi đến xứ khác, đem theo người già yếu đi qua chỗ hiểm nạn, khủng bố; an ủi cha mẹ, hiểu dụ vợ con chớ có sợ hãi, tôi có thể đi qua đây, chắc chắn không có việc gì khổ nạn. Trên con đường hiểm nạn có nhiều kẻ oán tặc ẩn núp cướp hại, người kia nhờ có trí lực đầy đủ nên có thể vượt qua đường hiểm, trở về nhà không còn gặp giặc nạn, hoan hỷ, an vui.

Này Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, có tâm từ, bi, hỷ, xả đầy đủ cùng khắp đối với hết thảy chúng sanh. Bấy giờ Bồ tát trú bốn tâm vô lượng, đầy đủ sáu ba la mật mà không thủ chứng A la hán lậu tận; học trí nhất thiết chủng, tu ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô tác; khi ấy Bồ tát không theo tất cả tướng cũng không chứng vô tướng tam muội; vì không chứng vô tướng tam muội nên không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, thí như chim có hai cánh bay lượn giữa không mà không bị rơi, tuy ở trong không mà cũng không ở trong không. Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, học ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác, cũng không khởi tâm chứng đắc; vì không chứng đắc nên không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật. Chưa đầy đủ mười trí lực, đại từ đại bi, vô lượng Phật pháp, trí Nhất thiết chủng của Phật cũng không chứng ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác, thí như người mạnh học các phép bắn cung, giỏi nghệ thuật bắn, ngửa mặt bắn lên không trung, lại dùng mũi tên sau bắn mũi tên trước, mỗi mũi tên bám vào nhau không để rớt xuống, tùy ý tự tại; nếu muốn để rơi liền ngưng bắn mũi tên sau, tự nhiên rơi xuống đất. Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, tu hành Bát nhã ba la mật, nhờ sức phương tiện nên vì các thiện căn về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chưa đầy đủ, không khởi tâm chứng đắc thực tế; nếu thiện căn thành tựu, bấy giờ bèn khởi tâm chứng đắc thực tế. Vì thế nên Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật phải như vậy quán các pháp tướng.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Việc làm của Bồ tát ma ha tát rất khó, vì cớ sao? Vì tuy học các pháp tướng, học thực tế, học "như" học tự tướng không, và ba môn giải thoát mà hoàn toàn giữa đường không đọa lạc, việc ấy rất hiếm có.

Phật bảo Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát ấy vì không bỏ rơi chúng sanh nên phát thệ nguyện như vậy. Nếu Bồ tát ma ha tát ấy nghĩ rằng: "Ta không nên bỏ rơi chúng sanh, chúng sanh bị chìm trong pháp không có gì của chính nó, ta nên độ thoát". Bấy giờ liền vào ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác. Này Tu bồ đề! Nên biết Bồ tát ấy thành tựu sức phương tiện, tuy chưa được trí Nhất thiết chủng mà tu hành ba môn giải thoát ấy cũng không giữa đường thủ chứng thực tế.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nếu muốn quán các pháp thậm thâm, đó là nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến ba môn giải thoát. Bấy giờ Bồ tát nên sanh tâm như vầy: Các chúng sanh suốt đêm dài hành theo ngã tướng cho đến tướng kẻ biết, kẻ thấy, đắm nơi pháp sở đắc, ta vì dứt các tướng ấy cho chúng sanh, nên khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta sẽ thuyết pháp. Bấy giờ Bồ tát tu ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác cũng không thủ chứng thực tế (Niết bàn - N.D) vì không thủ chứng nên không rơi vào quả Tu đà hoàn cho đến Bích chi Phật. Này Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát ấy vì tâm muốn thành tựu thiện căn ấy nên không giữa đường khởi tâm chứng đắc thực tế, không mất bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần, không, vô tướng, vô tác và mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật. Khi ấy Bồ tát thành tựu hết thảy pháp trợ đạo cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không hao giảm. Bồ tát ấy nhờ có sức phương tiện, thường tăng ích pháp hành, các căn thông lợi hơn căn tánh A la hán, Bích chi Phật.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài đắm trước bốn điên đảo là tưởng thường, tưởng vui, tưởng sạch, tưởng ta; vì chúng sanh ấy nên ta cầu Nhất thiết trí, khi ta chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ vì chúng sanh nói pháp vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã. Bồ tát thành tựu tâm ấy do sức phương tiện tu hành Bát nhã ba la mật tuy không được tam muội của Phật, chưa đầy đủ mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế. Bấy giờ Bồ tát tu môn giải thoát vô tác, tuy chưa chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế (Niết bàn).

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài. đắm trước vào pháp sở đắc là ta, là chúng sanh, cho đến kẻ biết kẻ thấy, là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức; là mười hai nhập, là mười tám giới, là bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc; ta thật hành như vậy, như khi ta chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ khiến chúng sanh không có pháp sở đắc ấy. Bồ tát thành tựu tâm ấy nhờ sức phương tiện tu hành Bát nhã ba la mật, tuy chưa đầy đủ mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ, đại bi, mười tám pháp không chung của Phật, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế. Bấy giờ Bồ tát tu "không" tam muội đầy đủ.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát nghĩ rằng chúng sanh suốt đêm dài tập hành theo các tướng là tướng nam tướng nữ, tướng sắc tướng vô sắc; ta tập hành như vậy khi ta chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ khiến chúng sanh không có các tướng tội lỗi ấy. Tâm ấy thành tựu do sức phương tiện tu hành Bát nhã ba la mật, tuy chưa đầy đủ mười trí lực cho đến mười tám pháp không chung của Phật, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế. Bấy giờ Bồ tát tu vô tướng tam muội đầy đủ.

Tu bồ đề! Nếu Bồ tát học sáu ba la mật, học nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; học bốn niệm xứ cho đến ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác; học mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật. Thành tựu trí tuệ như vậy mà nếu còn đắm trước pháp tạo tác, hoặc còn ở trong ba cõi thời không có lẽ đó. Bồ tát ấy khi học pháp trợ đạo, hành pháp trợ đạo nên thử hỏi: Bồ tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao học pháp ấy, quán không nhưng không chứng thực tế? Vì không chứng nên không rơi vào quả Tu đà hoàn cho đến đạo Bích chi Phật; quán vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu, cũng không thủ chứng thực tế mà tu hành Bát nhã ba la mật, nên hỏi như vậy. Này Tu bồ đề! Nếu khi Bồ tát thử hỏi, mà Bồ tát ấy nếu đáp như vầy: Bồ tát chỉ nên quán "không", chỉ nên quán vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu; Bồ tát không nên học "không" vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu, không nên học pháp trợ đạo ấy.

Này Tu bồ đề! Nên biết Bồ tát ấy Phật chưa thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao? Vì người ấy không thể nói, không thể chỉ bày, không thể đáp về tướng sở học của Bồ tát chẳng thoái chuyển. Nếu Bồ tát ấy nói đưọc, chỉ bày được, đáp được về tướng sở học của Bồ tát chẳng thoái chuyển, thời nên biết Bố tát ấy đã tập học đạo Bồ tát, bước vào Bạt địa như các Bồ tát chẳng thoái chuyển khác.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn có thể có vị Bồ tát chưa được chẳng thoái chuyển mà đáp được như vậy chăng?

Phật dạy: Có. Bồ tát ấy hoặc nghe, hoặc không nghe sáu ba la mật, đều đáp được như vậy như Bồ tát chẳng thoái chuyển.

Tu bồ thưa: Bạch đức Thế Tôn, có nhiều Bồ tát cầu Phật đạo, mà ít có Bồ tát đáp được như vậy, như Bồ tát chẳng thoái chuyển, như trong hàng học đạo, vô học đạo.

Phật dạy Tu bồ đề: Như vậy! Như vậy! Bồ tát ấy rất ít, vì sao? Vì ít có Bồ tát được thọ ký tập hành địa vị chẳng thoái chuyển và Càn huệ, nếu được thọ ký thời người ấy có thể đáp như vậy, ngưòi ấy thiện căn sáng suốt, chư thiên và người đời không thể phá hoại.

LUẬN: Hỏi: học "không" chứng nhập "không" có sai khác gì?

Ðáp: Ðầu gọi là học "không", sau là chứng nhập "không", nhơn là học "không", quả là chứng nhập 'không", phương tiện là học "không", chứng đắc là nhập "không", vô tướng, vô tác, ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng như vậy. Ba môn giải thoát, ba mươi bảy pháp trợ đạo là con đường đi đến Niết bàn của Thanh văn, Bích chi Phật, Phật dạy Bồ tát nên đi con đường ấy. Tu bồ đề nghĩ rằng: Làm sao Bồ tát đi theo con đường Niết bàn ấy mà không thủ chứng Niết bàn? Phật dạy: Bồ tát quán hết thảy pháp sắc v.v... là không. Bồ tát ấy do vào sâu thiền định tâm không rối loạn, được sức trí tuệ mảnh lợi nên không thấy pháp không ấy, vì không thâý nên không có gì thủ chứng; còn hành Thanh văn, Bích chi Phật dứt ngã chấp, bỏ tâm ưa đắm, đi thẳng tới Niết bàn. Bồ tát khéo học tự tướng "không" đối với sắc pháp cho đến mảy bụi cũng không lưa lại vi tế nhất; đối với pháp vô sắc cho đến cũng không lưu lại một ý tưởng, đi thẳng vào rốt ráo không, cho đến không còn thấy pháp không ấy, để có thể chứng đắc.

Tuy Phật pháp như vậy, Tu bồ đề chưa hiểu ý Phật lại hỏi: Như lời Phật dạy, Bồ tát không nên thủ chứng pháp không, nay vào trong pháp không, làm sao không thủ chứng?

Phật đáp: Vì thâm nhập nên không thủ chứng; đầy đủ tức là thâm nhập, thí như cầm cây cỏ may, cầm lỏng thời xước tay, cầm chắc thì không xước, Bồ tát cũng như vậy, vì thâm nhập không, nên biết "không" cũng không, Niết bàn cũng không, nên không có gì chứng đắc.

* Lại nữa, Bồ tát khi chưa vào không, suy nghĩ rằng: Ta nên quán xét khắp các pháp "không", chẳng nên không biết đầy đủ mà thủ chứng. Thế nên không chuyên tâm nhiếp niệm vào thiền, buộc nó ở trong cảnh duyên "không", vì sao? Vì nếu chuyên tâm buộc ở trong cảnh duyên "không" thời tâm mềm yếu, không thể từ "không" tự ra được.

Hỏi: trên nói sâu vào thiền định, không để tâm tán loạn, sao nay nói không chuyên tâm, nhiếp niệm?

Ðáp: Nay nói không chuyên tâm nhiếp niệm là vì khi mới vào, không thể tự đi ra được; trên nói sâu vào là vào đã sâu, biết "không" cũng "không", không để tâm ở vào việc khác, nên nói không tán loạn.

* Lại nữa, Bồ tát nên nghĩ rằng: Ta chưa đầy đủ 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, mười trí lực, bốn điều không sợ, các Phật pháp làm sao thủ chứng Niết bàn. Ta nay khi đang học, mỏng các phiền não, giáo hóa chúng sanh đưa vào Phật đạo, nếu ta được đầy đủ các Phật sự, khi ấy sẽ thủ chứng Niết bàn. Thế nên Bồ tát tuy vào ba cửa giải thoát mà không thủ chứng.

Trong đây nói thí dụ: Tráng sĩ là Bồ tát, cha mẹ thân tộc là chúng sanh khả độ, đường hiểm là ba cõi sanh tử, giặc ác là ma dân và các phiền não; khí cụ là năm thần thông và các sức phương tiện của Bồ tát, trở về chỡ cũ là con đường đi của Bồ tát, đứng vững không lay động là Bồ tát an trú rốt ráo không, dùng bốn tâm vô lượng vận chuyển chúng sanh khả độ đặt vào Niết bàn an vui. Khi ấy, hội chúng nghi rằng: Trong "không" không có gì, làm sao đi được? Thế nên Phật nói thí dụ con chim: Như chim bay giữa hư không, không nương tựa đâu hết mà bay xa không rớt.

* Lại nữa, Bồ tát chưa đầy đủ đạo Pháp, chưa đến Phật đạo, ở trung gian đó không thủ chứng, như chim chưa đến chỗ cần đến, trọn không ngừng bay giữa chừng. Học pháp không ấy để tự dứt phiền não và độ chúng sanh. Lại vì muốn rõ ràng nên nói thí dụ giỏi bắn, như người giỏi nghệ thuật bắn, cái cung là thiền định của Bồ tát; mũi tên là trí tuệ, hư không là ba cửa giải thoát, đất bằng là Niết bàn. Bồ tát dùng mũi tên trí tuệ bắn vào hư không ba cửa giải thoát, do sức phương tiện nên dùng mũi tên sau bắn vào mũi tên trước không để rớt xuống đất bằng Niết bàn. Vì chưa đầy đủ Phật sự là mười trí lực v.v... nên trọn không thủ chứng.

Tu bồ đề vui mừng bạch Phật rằng: Việc làm của Bồ tát rất khó, thật là hy hữu, đó là tu tập "không" mà không thủ chứng.

Phật dạy: Bồ tát ấy có bản nguyện khiến các chúng sanh được lìa khổ, vì tâm đại bi bản nguyện ấy bảo trì, nên tu tập không mà không thủ chứng.

* Lại nữa, nếu Bồ tát nghĩ rằng: Hết thảy chúng sanh ở trong khổ, vì bị điên đảo trói buộc chìm ở trong chỗ không có gì, khi ấy chính là khi tập hành ba cửa giải thoát. Nên biết Bồ tát ấy có sức phương tiện tập hành ba cửa giải thoát mà không bỏ chúng sanh. Lại nữa, Bồ tát muốn quán pháp thậm thâm là mười tám không, ba mươi bảy pháp trợ đạo, ba cửa giải thoát trước tiên nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài chấp trước tướng ngã v.v... hành giả nếu quán thẳng pháp thậm thâm thời hoặc được đạo Thanh văn, hoặc rơi vào tà kiến, vì không có tâm từ mẫn, và không thể sâu vào tự tướng không. Vì thế Bồ tát muốn quán pháp thậm thâm, trước tiên sanh bi tâm nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài tâm chấp tôi, ta, sinh ra các phiền não. Ðêm dài có nghĩa là lâu xa; vô lượng kiếp lại đây cái ta ấy chắc chắn không thể có được, chỉ là trống không hư dối điên đảo nên chịu các ưu não. Bồ tát thấy như vậy rồi, phát nguyện: " Ta sẽ vì chúng sanh mà thành Phật đạo, dứt cái điên đảo chấp ngã cho chúng sanh". Khi ấy chính là tập hành ba môn giải thoát mà không thủ chứng thực tế. (Niết bàn, Chân lý - N.D).Thiện căn ấy thành tựu, Bồ tát không thủ chứng thực tế, cũng không mất các công đức bốn thiền v.v... Bồ tát vì sâu vào "không" nên các căn mảnh lợi hơn hàng Nhị thừa. Ý nghĩa pháp bốn điên đảo như trên nói.

* Lại nữa, Bồ tát nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài chấp trước pháp sở đắc là ta, chúng sanh, cho đến hoặc chấp trước pháp tạo tác, hoặc ở ba cõi là không có lẽ đó. Ý nghĩ đều đồng với nghĩa quán không mà không thủ chứng.

Hỏi: Làm sao biết Bồ tát chưa đắc đạo mà có thể tập hành pháp không sâu xa ấy?

Ðáp: Trong kinh này tự nói nhân duyên, Bồ tát nên thử hỏi làm sao Bồ tát nên học không mà không thủ chứng? Nếu Bồ tát đáp rằng chỉ nên niệm không, nhứt tâm tập hành như Thanh văn, Bích chi Phật đạo chứ không chỉ học biết mà thôi, cho đến học vô sanh, vô sở hữu cũng như vậy. Nên biết Bồ tát ấy chưa được Phật thọ ký, vì sao? Vì không nói phương tiện học biết nên quán không. Nếu Bồ tát đáp cách khác, nên biết ấy là Bồ tát chẳng thoái chuyển, đã tập học vào Bạt địa: Tập học nghĩa là trước tập học biết không. Bạt địa là ở trong địa vị chẳng thoái chuyển, các phiền não mỏng.

Tu bồ đề nghe tướng trạng không thoái chuyển chẳng phải không thoái chuyển rồi bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Có thể có Bồ tát chưa được chẳng thoái chuyển mà đáp được như vậy chăng?

Phật dạy: Có. Có Bồ tát hoặc nghe sáu ba la mật, hoặc không nghe có thể đáp được như Bồ tát chẳng thoái chuyển. Hoặc nghe là chỉ nghe từ Phật dạy, tự mình chưa đầy đủ Bồ tát địa; hoặc nghe là tự suy nghĩ, nhớ nghĩ đúng, tuy chưa được vô sanh nhẫn mà có thể cầu các pháp tướng, đáp được như Bồ tát chẳng thoái chuyển.

Tu bồ đề thưa: Có nhiều người cầu Phật đạo mà ít ai đáp được như vậy, đáp như hàng Bồ tát chẳng thoái chuyển ở học địa, vô học địa. Chưa được vô sanh pháp nhẫn gọi là học địa; được vô sanh pháp nhẫn gọi là vô học địa.

Phật dạy: Ít! Vì sao ít? Có Bồ tát theo Phật được thọ ký, đã được Phật thọ ký rồi nên đáp được như vậy, vì sao? Vì thực tướng các pháp chỉ có Phật biết được cùng khắp, Phật biết người ấy đáp đúng như Pháp, nên huyền ký cho. Hàng Bồ tát ấy tuy ít mà thiện căn sáng suốt, có thể rộng làm lợi ích chúng sanh, không ai phá hoại được.

GIẢI THÍCH: PHẨM MỘNG THỆ THỨ 61

(Kinh Ma Ha Bát Nhã ghi: Phẩm Mộng Trung)

(Kinh Ðại Bát Nhã Phần 2 ghi: Phẩm Tăng Thượng Mạn Thứ 60)

KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Nếu Bồ tát ma ha tát cho đến trong mộng không tham địa vị Thanh văn, Bích chi Phật cũng không tham ba cõi, tuy quán các pháp như mộng, như huyễn, như tiếng vang, như sấm nắng, như hóa cũng không thủ chứng. Tu bồ đề! Nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, Tu bồ dề! Bồ tát ở trong mộng thấy Phật thuyết pháp cho số trăm ngàn vạn ức Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Trời, Rồng, Qủy, Thần, Khẩn na la v.v...; theo Phật nghe pháp liền hiểu đúng nghĩa, thực hành theo pháp, nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ở trong mộng thấy Phật 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, có hào quang lớn, vọt lên giữa hư không, thuyết pháp cho đại Tỳ kheo Tăng; hiện thần lực lớn, hóa làm hóa nhơn đi đến quốc độ Phật khác thi hành Phật sự. Nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát ở trong mộng thấy binh lính nổi lên phá làng xóm, hoặc thấy phá thành ấp hoặc thấy hỏa hoạn, hoặc thấy loài hổ lang sư tử dũng mãnh sát hại, hoặc thấy người muốn đến cấp cho cái đầu họ, hoặc thấy cha mẹ chết, anh em, chị em, và thân hữu tri thức chết. Thấy các việc sầu khổ như vậy mà không kinh, không sợ, cũng không ưu não, từ mộng thức đậy liền suy nghĩ: Ba cõi hư dối đều như mộng! Khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng sẽ vì chúng sanh nói ba cõi như mộng. Này Tu bồ đề! nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Làm sao biết Bồ tát chẳng thoái chuyển ấy khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong nước không có ba đường ác. Này Tu bồ đề! Nếu Bồ tát ở trong mộng thấy cảnh địa ngục, súc sinh, ngạ qủy liền nghĩ rằng: Ta sẽ siêng tinh tấn, khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến trong nước ta không có ba đường ác, vì sao? Vì mộng ấy và các pháp không hai không khác. Này Tu bồ đề! Nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ở trong mộng thấy lửa địa ngũc đốt chúng sanh, liền thề rằng: Nếu ta thực là bậc chẳng thoái chuyển, thời lửa ấy sẽ tắt! Lửa ấy liền tắt; nếu lửa địa ngục liền tắt thời đó là tướng trạng của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, nếu Bồ tát trong ban ngày thấy lửa nổi lên giữa thành quách liền nghĩ rằng: Ta ở trong mộng, thấy hành, loại, tướng, mạo chẳng thoái chuyển, nay ta thực có việc ấy, tự lập thệ rằng: Lửa ấy sẽ tắt. Nếu lửa ấy tắt thời nên biết Bồ tát ấy đã được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, an trú địa vị chẳng thoái chuyển. Nếu lửa không tắt, thời đốt một nhà, chừa một nhà, đốt một làng, chừa một làng. Này Tu bồ đề! Nên biết nhà bị đốt là vì nhân duyên của nghiệp phá pháp sâu dày. Vì thế nên đốt một nhà chừa một nhà, ấy là các chúng sanh đời nay chịu dư ương của nghiệp phá pháp nên bị đốt. Này Tu bồ đề! Do nhân duyên ấy, nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

Phật bảo Tu bồ đề: Nay sẽ lại vì ông nói hành, loại, tướng, mạo của địa vị chẳng thoái chuyển. Này Tu bồ đề! Hoặc nam tử, hoặc nữ nhơn bị hàng phi nhơn cầm giữ, khi ấy hàng Bồ tàt nghĩ rằng: Nếu ta được chư Phật quá khứ thọ ký, tâm ta thanh tịnh cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hành chánh đạo thanh tịnh, xa lìa tâm cầu Thanh văn, Bích chi Phật, xa lìa niệm cầu Thanh văn, Bích chi Phật, nên sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta chắc chắn đưọc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chứ chẳng phải không được; vô lượng chư Phật hiện tại trong mười phương quốc độ, không có điều gì không biết, không thấy, không hiểu, không chứng. Chư Phật biết thâm tâm của ta, thẩm định biết ta chắc chắn sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do thệ nguyện chí thành ấy nên thiện nam thiện nữ kia bị hàng phi nhơn cầm giữ, não hại, thì hàng phi nhơn ấy sẽ rời bỏ đi xa. Này Tu bồ đề! Nếu Bồ tát thệ nguyện như vậy, hàng phi nhơn không bỏ đi, thời nên biết Bồ tát ấy chưa được chư Phật quá khứ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu bồ đề! Bồ tát ấy thệ nguyện như vậy, nếu hàng phi nhơn bỏ đi, thời nên biết Bồ tát ấy đã được chư Phật quá khứ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu bồ đề! Do hành, loại. tướng mạo như vậy nên biết đó là tướng trạng chẳng thoái chuyển của Bồ tát chẳng thoái chuyển.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát xa lìa sáu Ba la mật và sức phương tiện, không tu hành lâu bốn niệm xứ cho đến không, vô tướng, vô tác tam muội, chưa vào Bồ tát vị, bị ma quấy nhiễu, Bồ tát thề rằng: Nếu ta thật được chư Phật thọ ký thời hàng phi nhơn ấy sẽ bỏ đi. Khi ấy ác ma liền khéo léo bảo kẻ phi nhơn bỏ đi. Ác ma có uy lực hơn hàng phi nhơn nên kẻ phi nhơn liền bỏ đi. Khi ấy Bồ tát nghĩ rằng vì nguyện lực của ta nên kẻ phi nhơn bỏ đi.

Vì không biết đó là do sức của ác ma, mà ỷ thị vào chứng cớ ấy nên khinh động, chê bai các Bồ tát khác nói rằng: "Ta đã được chư Phật thọ ký, còn ngươi chưa được". Dùng lời thề trống không ấy, không có sức phương tiện tu tập, nên sinh ra tăng thượng mạn. Vì việc ấy nên xa lìa Nhất thiết trí, xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu bồ đề! Nên biết người ấy rơi vào hai địa vị hoặc Thanh văn, Bích chi Phật, do nhân duyên của lời thề ấy nên khởi lên ma sự. Người ấy không thân cận, nương tựa thiện tri thức, không hỏi tướng trạng của chẳng thoái chuyển, nên bị ma trói buộc, càng thêm bền chắc, vì cớ sao? Vì Bồ tát ấy không tu hành lâu sáu ba la mật, không có sức phương tiện. Nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Này Tu bồ đề! Tại sao Bồ tát không tu hành lâu sáu ba la mật cho đến chưa vào Bồ tát vị, bị ác ma quấy nhiễu? Này Tu bồ đề! Ác ma biến hoá thành nhiều thân đến nói với Bồ tát rằng: "Ngươi ở chỗ Phật được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tên ngươi , tên cha ngươi như vậy, tên mẹ ngươi như vậy, tên anh em, chị em như vậy, tên cha mẹ bảy đời của ngươi như vậy, ngươi sanh ở nước ấy, thành ấy, xóm làng ấy". Nếu thấy Bồ tát tánh hạnh nhu hòa liền nói tiếp với Bồ tát rằng: Ngươi đời trước cũng nhu hòa; nếu thấy Bồ tát tánh hạnh bạo ngược liền nói: Ngươi đời trước cũng có tánh như vậy; nếu thấy Bồ tát tu hành tịch tịnh thời liền nói: Ngươi đời trước cũng tu hạnh tịch tịnh; nếu thấy Bồ tát mặc áo vá đi khất thực, sau giờ ngọ không uống thức ăn lỏng, một lần ngồi ăn, một bình bát xin ăn nơi người khác, nghỉ ở giữa gò mả, ở chỗ đất trống, dưới cây , thưòng ngồi không nằm, như trải tòa ngồi, chỉ dùng ba y, hoặc ít muốn, hoặc biết đủ,hoặc ở chỗ xa làng xóm, hoặc không dùng dầu xoa chân, hoặc ít nói năng. Liền nói với Bồ tát ấy rằng: Ngươi đời trước cũng có hạnh như vậy, vì sao? Vì ngươi nay có công đức khổ hạnh ấy nên biết ngươi đời trước cũng chắc chắn có công đức ấy. Bồ tát ấy nghe việc và tên họ đời trước của mình, nghe tán thán công đức khổ hạnh của mình, liền vui mừng sanh tâm kiêu mạn. Khi ấy ác ma nói với Bồ tát rằng: Ngươi có công đức như vậy, có tướng mạo như vậy, thật ngươi đã được chư Phật thọ ký Vô thưọng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu bồ đề! Ác ma hoặc làm Tỳ kheo mặc áo pháp, hoặc làm thân cư sĩ, hoặc làm thân cha mẹ đi đến chỗ Bồ tát nói như vậy: Ngươi đã được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao? Vì tưóng trạng công đức của bậc chẳng thoái chuyển, ngươi đã có đầy đủ. Này Tu bồ đề! Ta đã nói Bồ tát ấy vĩnh viễn thật không có hành, loại, tướng mạo của bậc chẳng thoái chuyển. Nên biết Bồ tát ấy bị ma cầm giữ. Vì sao? Vì Bồ tát ấy vĩnh viễn không có hành, loại, tướng mạo của bậc chẳng thoái chuyển, chỉ vì nghe danh tự nên sinh tâm kiêu mạn, khinh lộng chê bai người khác, Này tu bồ đề, ấy là Bồ tát bị ma cầm giữ, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát không tu hành lâu sáu Ba la mật, không biết tướng danh tự, không biết tướng sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ác ma đi đến nói rằng: Tương lai ông sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tên gọi như vậy, tùy theo bổn niệm người kia mà nói lên danh hiệu của nó. Vị Bồ tát không có trí, không có phương tiện liền nghĩ rằng: Ta đời trước cũng có danh hiệu thành Phật, người kia nói đúng như ý nghĩ của ta, lời người kia nói hợp với bản nguyện của ta, ta chắc chắn đã được Phật thọ ký. Này Tu bồ đề! Ta đã nói Bồ tát ấy vĩnh viễn không có hành, loại, tướng mạo của bậc chẳng thoái chuyển, chỉ vì chấp lấy danh tự suông mà khinh lộng chê bai người khác, vì thế nên xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ tát ấy xa lìa Bát nhã ba la mật, không có sức phương tiện, xa lìa thiện tri thức, tương đắc với ác tri thức, nên rơi vào hai địa vị Thanh văn và Bích chi Phật. Nếu nhiều lần qua lại trong đường sanh tử, vậy sau trở lại nương tựa Bát nhã ba la mật, hoặc gặp thiện tri thức thường theo dõi, thân cận, nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người ấy ở ngay thân này, nếu không hối cải liền, thời sẽ rơi vào hai địa vị hoặc A la hán hoặc Bích chi Phật.

Thí như Tỳ kheo đối với bốn trọng giới, nếu phạm một giới tức chẳng phải Sa môn, chẳng phải Thích tử. Người ấy hiện thân không được bốn quả Sa môn. Này Tu bồ đề! Tâm của Bồ tát đắm vào danh tự suông cũng như vậy, vì khinh lộng chê bai người khác, nên biết tội ấy nặng hơn tội phạm bốn trọng giới của Tỳ kheo, hơn nữa còn quá hơn tội ngũ nghịch. Vì đắm vào danh tự mà sanh tâm cao ngạo, khinh lộng chê bai người khác, nếu sanh tâm như vậy, nên biết tội ấy rất nặng, các ma sự vi tế về danh tự như vậy, hàng Bồ tát nên giác tri.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ở nơi chỗ xa vắng, không nhàn, núi chầm, ma đi đến chỗ Bồ tát, khen ngợi việc ở xa lìa xóm làng ấy rằng: "Thiện nam tử! Việc ngươi làm đúng theo lời Phật khen ngợi". Này Tu bồ đề! Ta không khen ngợi xa lìa là chỉ ở chỗ trống không, nhàn tịnh, núi chầm, khoáng đạt xa xôi.

Tu bồ đề thưa: Nếu chỗ trống không, nhàn tịnh, núi chầm, khoáng đạt xa xôi không phải là cách xa lìa, vậy lại có cách xa lìa khác thế nào?

Phật bảo Tu bồ đề: Nếu Bồ tát xa lìa tâm cầu Thanh văn, Bích chi Phật mà ở chỗ trống không, nhàn tịnh, núi chầm, khoáng đạt xa xôi thời đó là cách xa lìa được Phật khen ngợi. Này tu bồ đề! Cách xa lìa như vậy, Bồ tát nên phải ngày đêm thực hành các xa lìa ấy, đó gọi là Bồ tát tu hạnh xa lìa. Này Tu bồ đề! Nếu ác ma nói cách xa lìa là ở chỗ trống, không nhàn tịnh, núi chầm, khoáng đạt xa xôi, thì Bồ tát đó tâm vẫn ở chỗ huyên náo là vì không xa lìa tâm cầu Thanh văn, Bích chi Phật, không siêng tu Bát nhã ba la mật, Bồ tát ấy không thể đầy đủ tí Nhất thiết chủng. Bồ tát ấy hành theo cách xa lìa của ác ma nói, nên tâm không thanh tịnh, khinh khi Bồ tát khác ở gần thành thị mà tâm thanh tịnh, khinh khi không có sự huyên náo của Thanh văn, Bích chi Phật, cũng không có các tâm tạp ác khác; được đầy đủ thiền định, giải thoát, trí tuệ, thần thông. Bồ tát lìa Bát nhã ba la mật không có sức phương tiện, thời tuy ở chỗ cầm thú, qủy thần, la sát ở, xa ngoài trăm ngàn do tuần, trải qua hoặc một năm, trăm ngàn vạn ức năm, hoặc quá vạn ức năm mà không biết cách xa lìa của Bồ tát, đó là Bồ tát do cách xa lìa ấy, mà thâm tâm phát nguyện được Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, không hành tạp nhạp. Bồ tát tu ở chỗ huyên náo mà nương tựa, đắm trước tướng xa lìa, việc làm người ấy, Phật không chấp thuận hứa.

Này Tu bồ đề! Ta nói cách xa lìa thật là Bồ tát không ở trong đó cũng không thấy tướng "xa lìa", vì sao? Vì chỉ thực hành hạnh không "xa lìa". Khi ấy ma đến ở giữa hư không khen ngợi rằng: "Lành thay! Lành thay! thiện nam tử, đó là cách xa lìa chơn chánh của Phật nói, ngươi thực hành hạnh xa lìa ấy mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác" Bồ tát ấy nghe như vậy, khởi niệm đắm trước hạnh xa lìa mà khinh dễ các Tỳ kheo thanh tịnh cầu Phật đạo cho là huyên náo, lấy huyên náo làm không huyên náo, lấy không huyên náo làm huyên náo, nên cung kính lại không cung kính, không nên cung kính lại cung kính. Bồ tát ấy nói rằng: "Kẻ phi nhơn nghĩ đến ta mà khen ngợi ta sở hành của ta là hạnh xa lìa chơn chánh, còn người ở gần thành thị thì ai đến khen ngợi ông!" Do nhân duyên ấy nên khinh các Bồ tát khác. Này Tu bồ đề! Nên biết đó là hạng Bồ tát Chiên đà la làm ô nhiễm các Bồ tát; người ấy tương tợ Bồ tát mà thật là giặc lớn giữa trời người, cũng là kẻ giặc trong hàng Sa môn mặc áo pháp. Ngươi như vậy, các ngươi cầu Phật đạo không nên thân cận, không nên cúng dường cung kính, vì sao? Này Tu bồ đề! Vì nên biết người ấy đã rơi vào tăng thượng mạn. Thế nên nếu Bồ tát muốn không bỏ Nhất thiết trí, muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhất tâm muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn lợi ích chúng sanh, thời không nên thân cận, cung kính, cúng dường người ấy. Pháp của Bồ tát là thường nên siêng cầu tư lợi, nhàm sợ thế gian, tâm thường xa lìa ba cõi, đối với người ấy nên khởi tâm từ, bi, hỷ, xả, ta tu Bồ tát đạo, không nên sinh các tội lỗi như vậy, nếu sinh hãy nên diệt gấp. Này Tu bồ đề! Bồ tát nên khéo giác tỉnh việc ấy, đối với việc ấy khéo tự mình ra khỏi.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát thâm tâm muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hãy nên thân cận, cung kính, cúng dường thiện tri thức.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức thế Tôn! Thế nào là thiện tri thức của Bồ tát?

Phật bảo Tu bồ đề: Các đức Phật là thiện tri thức Bồ tát, các Bồ tát cũng là thiện tri thức của Bồ tát, A la hán cũng là thiện tri thức của Bồ tát, sáu Ba la mật cũng là thiện tri thức của Bồ tát, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, cũng là thiện tri thức của Bồ tát. Như như, thực tế, pháp tánh cũng là thiện tri thức của Bồ tát.

Này Tu bồ đề! Sáu Ba la mật là Thế Tôn, sáu Ba la mật là đạo, sáu Ba la mật là ánh sáng lớn, sáu Ba la mật là ngọn đuốc, sáu Ba la mật là cứu vớt, sáu Ba la mật là trí, sáu Ba la mật là tuệ, sáu Ba la mật là cứu vớt, sáu Ba la mật là chỗ về, sáu Ba la mật là gò bãi, sáu Ba la mật là đạo rốt ráo, sáu Ba la mật là cha me. Bốn niệm xứ cho đén trí Nhất thiết chủng cũng như vậy, vì sao? Vì sáu Ba la mật và ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng là cha mẹ của chư Phật quá khứ, cũng là cha mẹ của chư Phật vị lai, hiện tại, vì sao? Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ trong sáu Ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo xuất sanh. Vì thế nên Bồ tát muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác chúng sanh, nên học sáu Ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo và bốn nhiếp pháp mà nhiếp thủ chúng sanh.

Những gì là bốn nhiếp pháp? Ðó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Này Tu bồ đề! Vì sự lợi ich ấy nên ta nói sáu Ba la mật và ba mươi bảy pháp trợ đạo là Thế Tôn của Bồ tát; là đạo, là ánh sáng lớn, là ngọn đuốc, là trí, là tuệ, là cứu vớt, là chỗ về, là gò bãi, là đạo rốt ráo, là cha mẹ của Bồ tát. Do lẽ ấy nên Bồ tát muốn không theo lời dạy của người khác, mà an trú muốn dứt hết nghi lầm cho chúng sanh, muốn nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh, nên học Bát nhã ba la mật, vì cớ sao? Vì trong Bát nhã ba la mật nói rộng các pháp, đó là chỗ Bồ tát nên học.

LUẬN - Hỏi: Trong phẩm "Chẳng thoái chuyển" đã nói rộng tướng trạng chẳng thoái chuyển, cớ sao nay nói lại?

Ðáp: Nghĩa Bát nhã ba la mật được nói đều là tướng trạng chẳng thoái chuyển, nhưng trong phẩm "chẳng thoái chuyển" nói nhiều việc ấy; còn trong các phẩm khác cũng có nhiều chỗ nói tướng trạng chẳng thoái chuyển nhưng không có thứ lớp. Có người nói: Vì chúng sanh hậu lai mà nói tướng trạng chẳng thoái chuyển với lời lẽ khác. Có người nói: Có hai thứ chẳng thoái chuyển: 1. Là đã được thọ ký; 2. Là chưa được thọ ký. Ðược thọ ký có hai:1. Là được thọ ký trong hiện tiền. 2. Là không được thọ ký trong hiện tiền. Không được thọ ký trong hiện tiền có hai:1. Là đầỳ đủ nhân duyên thọ ký. 2. Là chưa đầy đủ nhân duyên thọ ký. Ðầy đủ nhân duyên thọ ký là biết thực tướng các pháp, đầy đủ sáu Ba la mật; không đầy đủ nhân duyên thọ ký là chỉ biết thực tướng các pháp, được một phần Bát nhã ba la mật, còn các Ba la mật khác chưa đầy đủ. Bồ tát ấy có thể đối đáp như Bồ tát chẳng thoái chuyển, đây là tướng trạng chẳng thoái chuyển, được nói ở cuối phẩm trước. Thế nên thứ lớp nói: Trong mộng không tham hai địa Nhị thừa, nên tuy chưa đầy đủ pháp chẳng thoái chuyển cũng gọi là chẳng thoái chuyển, như vậy nên trong phẩm này thứ lớp nói. Bồ tát ấy trong ban ngày, thường tu tập ":không" nên ban đêm ở trong mộng cũng không tham ba cõi; người ấy thường tu hành tâm từ bi đối với chúng sanh, ưa vui Phật pháp, nên không tham Nhị thừa, hoặc khi mộng, khi thức đều quán các pháp như mộng, như huyễn. Bồ tát ấy tuy chưa được hiện tiền thọ ký, chưa đầy đủ các pháp khác, cũng được gọi là tướng trạng chẳng thoái chuyển, vì sao? Vì Bồ tát thoái chuyển ở hai nơi. 1. Là đắm trước cái vui của thế gian nên thoái chuyển. 2. Là thủ chứng Nhị thừa nên thoái chuyển. Còn Bồ tát tâm kiên cố, sâu vào "không" và có tâm từ bi, nên cho đến trong mộng cũng không tham ba cõi Nhị thừa, huống gì trong khi thức.

* Lại nữa, nếu Bồ tát trong mộng thấy Phật thuyết pháp ở giữa đại chúng trời, người, đó là nghĩa thực tướng các pháp. Bồ tát biết nghĩa ấy tâm hợp với pháp.

* Lại nữa, Pháp bí mật của chư Phật, Bồ tát trong mộng được thấy, đó là thấy thân Phật vô lượng quá núi Tu di, sắc vàng Diêm phù đề, tự trang nghiêm với 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, phóng ra vô lượng hào quang, phạm âm thuyết pháp; lại từ lỗ chân lông trên thân, biến ra vô lượng hóa Phật đi đến mười phương dùng sức phương tiện, thi hành Phật sự, độ thoát chúng sinh. Bấy giờ Bồ tát ấy thấy sức thần thông của Phật, nên thâm tâm trong sạch, hỏi Phật pháp, biết được thực tướng các pháp, ấy gọi là chẳng thoái chuyển. Bồ tát ấy thường tập hành rốt ráo không, nên các phiền não chấp ta và của ta bị bẻ mỏng, cho đến đối vói tự thân không tiếc, huống gì kẻ thân thích khác. Vì nhân duyên ấy nên nếu trong mộng thấy hoặc tự thân, hoặc cha mẹ, hoặc bị giết, hoặc chết, và làng xóm bị phá hoại cũng không ưu não sợ hãi. Khi thức dậy suy nghĩ: Như trong mộng không chết mà thấy chết, không sợ mà thấy sợ, hết thảy ba cõi đều như vậy, chứ dâu chỉ trong mộng. Khi ta thành Phật sẽ vì chúng sanh nói các pháp rốt ráp không, như mộng.

* Lại nữa, có Bồ tát khi gieo trồng nhân duyên về cõi nưóc thanh tịnh nguyện rằng: Ta trong thời gian bao nhiêu chứa nhóm công hạnh làm cõi nước thanh tịnh. Tu tập tâm ấy, nên trong mộng nếu thấy chúng sanh ba đường ác, liền được tâm ấy, khi ta thành Phật khiến cõi nước ta cho đến không có danh tự ba đường ác.

* Lại nữa, Bồ tát thường tu tâm từ bi, nên trong mộng thấy lửa địa ngục đốt chúng sinh liền thề, lửa liền tắt; khi thức dậy giữ lấy tưóng ấy, nều thấy lửa thiệt đốt thành quách liền nghĩ rằng: Ta trong mộng có thể làm tắt lửa, thời lửa này cũng sẽ tắt, vì cớ sao? Vì Phật nói cảnh mộng và thức không khác nhau. Do Bồ tát ở trong vô lượng kiếp tu tập phước đức, được thật tướng các pháp nên qủy thần, long vương giúp đỡ làm tắt lửa. Trong đó có thứ lửa không tắt mà đốt cháy một nhà chừa một nhà, đó là vì chúng sinh tội nặng, sức phước đức và trí tuệ của Bồ tát không thể dứt tội nặng ấy vì đó là tội phá pháp. Pháp đây là Bát nhã ba la mật. Sư lợi ích cũa các pháp khác không sánh kịp Bát nhã ba la mật, thế nên phá Bát nhã ba la mật mắc tội nặng. Do sức thệ nguyện của Bồ tát nên lửa không thứ lớp đốt cháy, chỉ vì tội nặng không thể cứu, chứ không ngại gì tướng trạng chẳng thoái chuyển. Bị kẻ phi nhơn cầm giữ cũng như lửa chú thuật. Có Bồ tát chưa biết vô sinh pháp nhẫn, nghe nói đọc câu chú chẳng thoái chuyển, qủi bỏ đi, liền đọc chú. Bồ tát ấy tự mình chưa có sức, ác ma đến khiến qủy thần bỏ đi, lại tự ỷ thị cho là do sức của mình. Vì có lỗi lầm như vậy nên Phật dạy phải giác tĩnh.

* Lại nữa, Bồ tát chưa vào chính vị, ác ma hiện các loại hình, theo tâm niệm của Bồ tát đi đến nói rằng: Ông dã được thọ ký, ông có tướng ấy, chỉ vì mắt thịt nên không biết. Do nhân duyên đó, nên Bồ tát sinh tâm tăng thượng mạn, khinh miệt người khác.

* Lại nữa, Bồ tát không ngộ được thực tướng các pháp, không biết năm uẩn hòa hợp bèn có ra tướng danh tự. Ác ma đi đến thọ ký cho rằng: Ông sẽ làm Phật, danh tự như vậy. Bồ tát ấy suy nghĩ, ta vốn có ý nghĩ về danh tự ấy, nay ma nói đồng với sở nguyện của ta, chắc chắn chư Phật thọ ký cho ta thế nên sanh tâm kiêu mạn, khinh các đại Bồ tát khác. Do nhân duyên ấy nên xa lìa đạo Vô thượng, khi chịu tôi xong, lại rơi vào hàng Nhị thừa. Nếu ngay thân này biết sám hối, thời sau khi đền tội xong sẽ trở lại nương tưạ Bát nhã ba la mật được làm Phật, vì cớ sao? Nếu để qua thân khác mới sám hối thời tội càng nặng khó dứt, không được làm Phật. Tâm Bồ tát ấy đắm trước vào danh tự suông, mắc tội nặng, nên Phật nói thí dụ về bốn trọng cấm; phá trọng cấm; phá trọng cấm ấy thời hiện thân không được thành bốn đạo quả, vì cớ sao? Vì trong bốn trọng cấm, tội đại vọng ngữ là tự xưng ta là A la hán; còn trong kinh này, đắm trước theo danh từ thọ ký mà tự cho mình sẽ làm Phật, nên tội nặng hơn phạm bốn trọng cấm.

Quá hơn tội ngũ nghịchlà như trong phẩm ÐỊA NGỤC đã nói về tội phá hoại Bát nhã ba la mật.

Ma sự vi tế: Tế là không trái ý kia, tùy theo bản nguyện của người kia giúp thành tâm niệm họ; Bồ tát ấy chưa pháp chẳng thoái chuyển, bị ma dối gạt nói đã được; đó là ma sự vi tế. Hàng Bồ tát lợi căn nên giác tĩnh trừ bỏ xa lìa.

* Lại nữa, Bồ tát ở chỗ xa lìa làng xóm, ác ma đi đến khen ngợi rằng: "Ngươi có thể xa lìa thân tộc, bạn đồng học, một mình ở giữa rừng sâu, hành Phật đạo, ấy là đạo hạnh của vị chơn Bồ tát". Bồ tát nghe lời nói ấy sanh tâm kiêu mạn, khinh các Bồ tát khác đang ở giữa đại chúng. Vì việc ấy nên xa lìa Phật đạo, rơi vào Nhị thừa. Phật dùng mọi cách, quở trách Bồ tát ấy là giặc là Chiên đà la v.v... như trong kinh này nói, không nên thân cận hạng người ấy. Phật nói xa lìa là tâm xa lìa Nhị thừa, ba cõi, ấy là "chơn xa lìa". Như trong kinh nói rộng về các ma sự vi tế như ậy, hãy nên giác tĩnh mà xa lìa.

* Lại nữa, Bồ tát thâm tâm muốn cầu được đạo Vô thượng; thâm tâm là nhứt tâm, là tâm chuyên nhứt, tâm cẩn trọng, tâm ưa Phật đạo, vượt ra ngoài cái vui thế gian, nên thân cận thiện tri thức, vì cớ sao? Vì có hai nhân duyên được vô thượng đạo: 1. Là trong. 2. Là ngoài. Trong là nhớ nghĩ, tư duy, trù lượng các pháp mộc cách đúng đắn; ngoài là thiện tri thức. Phật ở nhiều nơi nói về tướng mạo thiện tri thức , thế nên Tu bồ đề hỏi Phật: Thế nào là thiện tri thức của Bồ tát? Phật đáp: Chư Phật, đại Bồ tát và Thanh văn là thiện tri thức của Bồ tát; sáu Ba la mật cho đến trí Nhất thiết chủng, như như, pháp tánh, thực tế cũng là thiện tri thức. Vì các pháp ấy có thể làm thàn tựu sự việc Bồ tát nên nói sáu Ba la mật v.v... là thiện tri thức. Ba hạng Thánh nhơn lấy sáu Ba la mật ấy, khiến Bồ tát phụng hành, được làm Phật. Thế nên pháp và người, chung gọi là thiện tri thức.

Hỏi: Phật và Bồ tát, sáu Ba la mật có thể làm thành Bồ tát nên là thiện tri thức, còn Tiểu thừa đạo thì khác, làm sao cùng làm thiện tri thức được?

Ðáp: Có người Tiểu thừa đời trước cầu Phật đạo nên có lợi căn, tuy là Tiểu thừa mà có tâm thương xót, xem xét họ có thể thành Ðại thừa nên vì họ nói pháp Ðại thừa, biết báo ân Phật, khiến cho giống Phật không dứt. Như Xá lợi phất trong 60 kiếp cầu Phật đạo, tuy thoái chuyển là A la hán, nhưng cũng có trí tuệ lợi căn có thể vì hàng Bồ tát nói pháp Ðại thừa. Tu bồ đề thường tu hạnh vô tánh tam muội, thường có tâm từ bi đối với chúng sanh nên cũng có thể giáo hóa hàng Bồ tát về pháp Ðại thừa. Như Ma Ha Ca Diếp dùng sức thần thông duy trì thân này cho đến ngày Phật Di lặc ra đời, ở núi Cửu túc đi ra, làm nhân duyên đắc đạo cho đại chúng. Những việc như vậy rất nhiều.

Hỏi: Sáu ba la mật thu nhiếp hết các pháp, sao nay còn nói riêng ba mươi bảy pháp trợ đạo cho đến "như như, pháp tánh, thật tế"?

Ðáp: Sáu Ba la mật là nói lược, bốn niệm xứ v.v... là nói rộng, giải thích sáu Ba la mật. Sáu ba la mật là sơ đạo của Bồ tát, hơi xa, còn ba mươi bảy pháp trợ đạo là nhân duyên gần. Trong sáu Ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật rất lớn; thí như tuy có nhiều sao sáng, mà mặt trời, mặt trăng sáng hơn. Trong hai Ba la mật ấy, bốn niệm xứ và mười trí lực của Phật rất thù diệu, có thể làm lợi ích lớn, hiện đời làm cho người ta đắc đạo, còn trì giới, bố thí v.v... không sánh bằng. Nói riêng về pháp vô vi, như như, pháp tánh, thật tế, vì là chân thật không hư dối, nên có thể thành Bồ tát sự. Tu bốn niệm xứ, ngộ được như như, pháp tánh khiến Bồ tát ra khỏi hư dối nên gọi là thiện tri thức.

* Lại nữa, sáu Ba la mật như Phật không khác, hiện tại Phật dùng pháp ấy độ người, nên gọi là Thế Tôn. Lời Thế Tôn nói không thể hoại, lời của sáu Ba la mật nói cũng không thể hoại, thế nên nói sáu Ba la mật là Thế Tôn. Ðó là đạo, tu theo đạo ấy đi thẳng vào vô lượng Phật pháp. Những lời nói trong sáu Ba la mật, người biết trù lượng tư duy phân biệt thường tu hành thời được trí tuệ lớn, phá các vô minh thế gian, thế nên nói sáu Ba la mật là ánh sáng lớn, là đuốc lớn, là trí, là tuệ, là cứu vớt, là chỗ về, là gò bãi, là đạo rốt ráo như trên nói.

Bát nhã ba la mật là mẹ, năm Ba la mật kia là cha hợp lại nói sáu Ba la mật là cha mẹ, như sáu Ba la mật nói về bốn niệm xứ cũng như vậy. Trong kinh này nói nhân duyên sáu Ba la mật cũng là cha mẹ của chư Phật mười phương ba đời. Sáu Ba la mật là pháp tự lợi. người tu hành muốn lấy sáu Ba la mật giáo hóa chúng sanh, nghiêm tịnh cõi Phật, nên lấy bốn nhiếp pháp thủ chúng sinh. Tự lợi, lợi tha như vậy nên Phật nói sáu Ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo là Thế Tôn, là đạo. Thế nên Bồ tát nếu muốn không tùy theo giáo lý khác, không tùy theo giáo lý khác là tự biết thực tướng các pháp, cho đến gặp ma biến làm thân Phật đi đến nói khác với pháp thực tướng cũng không tin, không theo. Tự được Bồ tát đạo, dần dần đầy đủ Phật pháp, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, được Phật đạo nên có thể dứt nghi lầm cho chúng sinh; nếu muốn được đạo ấy nên học Bát nhã. Trong Bát nhã ba la mật nói đủ các việc thế gian, xuất thế gian, hoặc lớn hoặc nhỏ.

( Hết cuốn 76 theo bản Hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]