Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Mười

16/04/201317:17(Xem: 9667)
Phẩm Mười

Kinh Tiểu Bộ

Phẩm Mười

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(LXXXI) Samitigutta (Thera. 12)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, tên là Samitigutta (hộ trì nhờ hòa khí). Nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia và chứng được giới thanh tịnh. Do kết quả nghiệp đời trước, ngài bị bệnh hủi, tay chân của ngài rơi xuống từng phần một, ngài sống trong một nhà bệnh.

Một hôm, Tôn giả Sàriputta đi thăm các người bệnh và hỏi thăm các bệnh nhân, thấy Samitigutta, Tôn giả cho một đề tài để thiền quán, nói rằng: 'Này Hiền giả, nếu nói về vấn đề năm thủ uẩn, thời toàn bộ khổ uẩn là một vấn đề cảm thọ. Và khi không có năm uẩn, thời không có đau khổ'. Nói xong, Tôn giả Sàriputta tiếp tục đi. Nhưng bệnh nhân Samigutta được phấn khởi với bài dạy ấy, triển khai thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Nhờ đó, ngài nhớ đến các hành ngài làm đời trước, khiến nay ngài phải mắc bệnh hủi. Và tán thán sự kiện này mọi việc đã được chấm dứt, ngài nói lên bài kệ:

81. Việc ác ta đã làm,
Trong các đời sống trước,
Ở đây chỉ cảm thọ,
Thọ lãnh từ nghiệp ấy,
Căn bản các nghiệp khác,
Thật sự không còn nữa.

(LXXXII) Kassapa (Thera. 12)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn thuộc Tây Bắc (Udicca-hahmanacsa) và được đặt tên là Kassapa. Cha ngài mất khi ngài còn nhỏ, mẹ ngài nuôi ngài lớn lên. Một ngày kia, ngài nghe đức Phật giảng ở Jetavana, ngay lúc ấy nhờ nghiệp duyên thuần thục, ngài chứng được Sơ quả. Ngài đi đến gặp mẹ và xin xuất gia.

Khi đức Phật an cư, làm lễ tự tứ xong, bắt đầu bộ hành, Kassapa muốn được đi theo Thế Tôn. Trước hết ngài đến xin phép bà mẹ và được mẹ cho phép đi với lời khuyên dạy như sau:

82. Hãy đi tại chỗ nào,
Khất thực nhận dễ dàng,
Những chỗ được an toàn,
Những chỗ không sợ hãi,
Tại những chỗ như vậy,
Này con, con hãy đi,
Chớ khiến cho đời con,
Sầu muộn bị va chạm.

Ngài suy nghĩ 'Mẹ ta muốn ta đến đến chỗ ta giải thoát khỏi phiền não, như vậy đây là dịp cho ta đạt được giải thoát hoàn toàn, không có sầu não buồn phiền'.

Rồi ngài cố gắng triển khai thiền quán, chứng quả A-la-hán. Vì rằng lời khuyên của mẹ giúp ngài tinh tấn hành trì chứng quả, nên ngài nói lại bài kệ ấy.

(LXXXIII) Sìha (Thera. 12)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Malla, trong gia đình hoàng tộc và được đặt tên là Sìha. Khi thấy đức Phật, ngài bị cảm hóa, đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bậc Đạo Sư biết được tâm tư của ngài, thuyết pháp cho ngài, ngài khởi lòng tin, xuất gia và lấy một đề tài vào trong rừng để thiền quán. Tâm tư của ngài bị nhiều đối tượng ám ảnh, ngài không thể thiền định, bậc Đạo Sư thấy vậy, liền nói lên với ngài bài kệ như sau:

83. Hỡi Sìha, hãy sống,
Không buông lung, phóng dật,
Ngày đêm không biếng nhác,
Kiên trì trong tu tập,
Hãy thực hành thiện pháp,
Gấp bỏ thân tích tụ.

Nhờ vậy ngài có thể triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Lúc nói lên chánh trí của mình, ngài đọc lại bài kệ trên.

(LXXXIV) Nita (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn và được đặt tên là Nita. Khi lớn lên, ngài nghĩ: 'Các tu sĩ Thích-ca thật may mắn, được cúng dường đầy đủ các vật cần dùng. Thật là một đời sống thoải mái, đời sống của một Tu sĩ'. Rồi ngài xin xuất gia để được sống thoải mái, không chú ý đến tu tập, ăn no, nói chuyện nhảm nhí, và ban đêm ngủ dài. Bậc Đạo Sư thấy được thiện duyên của ngài đời trước, nên nói lên bài kệ này để giáo giới ngài.

84. Trọn đêm Thầy nằm ngủ,
Ban ngày thích tụ hội,
Kẻ ngu sống như vậy,
Sẽ đoạn khổ được sao?

Bị dao động bởi lời dạy của bậc Đạo Sư, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài, bằng cách lập lại bài kệ trên.

(LXXXV) Sunàga (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở làng Nàlaka, con một Bà-la-môn và bạn của Sàriputta trước khi Sàriputta xuất gia. Nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia, an trú trên thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Do vậy, khi ngài dạy cho các Tỷ-kheo, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ:

85. Thiện xảo tướng của tâm,
Biết vị ngọt viễn ly,
Hành thiền, niệm, thận trọng,
Chứng lạc không thế tục.

(LXXXVI) Nàgita (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ỏ Kapilavatthu, trong gia đình hoàng tộc Thích-ca, tên là Nàgita. Khi bậc Đạo Sư đến tại chỗ của ngài, Thế Tôn thuyết kinh Mật Hoàn, ngài khởi lòng tin, xuất gia không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi hân hoan với sự thật trong lời dạy của đức Phật, và sự chỉ đạo có hiệu quả của Chánh pháp, ngài nói lên bài kệ này:

86. Ngoài đây có ngoại đạo,
Họ dạy những con đường,
Không như con đường này,
Đưa đến quả Niết-bàn,
Thật khác, đức Thế Tôn,
Giáo giới hàng Tăng chúng,
Đạo Sư chỉ Niết-bàn,
Như thấy trên bàn tay.

(LXXXVII) Pavittha (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sống ở quốc độ Magadha, trong một gia đình Bà-la-môn, tánh thiên về đời sống ẩn sĩ, ngài trở thành một du sĩ. Sau khi học tập, ngài đi chỗ này chỗ khác, nghe Upatissa và Kolita (Sàriputta và Moggallàna) xuất gia theo đức Phật, nghĩ rằng giáo hội này phải tốt đẹp mới có những vị như vậy chấp nhận. Ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ này:

87. Thấy như thật các uẩn,
Mọi sanh hữu phá hủy,
Đoạn sanh tử luân hồi,
Nay không còn tái sanh.

(LXXXVIII) Ajjuna (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một nghị sĩ, được đặt tên là Ajjuna. Khi lớn lên, ngài liên hệ với phái Ni-kiền-tử, xuất gia trong tôn phái này khi còn trẻ, nghĩ rằng sẽ tìm được đạo giải thoát. Nhưng ngài không tìm được gì trong giáo hội ấy, ngài gặp bậc Đạo Sư, khởi lòng tin, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hân hoan trong quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ này:


88. Ta có thể tự mình,

Kéo nước từ đất liền,
Như nước lớn cuốn trôi,
Ta thể nhập sự thật.

(LXXXIX) Devasabha (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài là con của một hoàng tộc, lên ngôi vua khi còn trẻ. Nhưng khi tỉnh ngộ, ngài đi nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, từ bỏ ngôi vua, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Ngài hân hoan khi nghĩ đến những uế nhiễm ngài đã từ bỏ, và nói lên bài kệ này:

89. Vượt khỏi các bùn nhơ,
Từ vực thẳm trở về,
Thoát bọc lưu trói buộc,
Mọi kiêu mạn tiêu trừ.

(XC) Sàmidatta (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn, được đặt tên là Sàmidatta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe uy lực của đức Phật, và đi đến tinh xá với những cư sĩ để nghe bậc Thế Tôn thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm trong một thời gian, ngài không có nhiệt tâm tu tập, cuối cùng, lại được nghe đức Phật thuyết pháp, ngài trở nên phấn khởi, nhiệt tâm và chứng thực quả A-la-hán.

Về sau, các Tỷ-kheo hỏi ngài: 'Làm sao Hiền giả chứng được pháp Thượng nhân?' Và ngài nói lên hiệu năng của giáo pháp, sự tu chứng pháp và tùy pháp. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài trong bài kệ như sau:

90. Năm uẩn được rõ biết,
Tồn tại sẽ cắt đứt,
Vòng sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]