Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I (TIẾT I)

16/04/201313:29(Xem: 8287)
Chương I (TIẾT I)

成唯識論

LUẬN THÀNH DUY THỨC

Bản dịch Việt

TUỆ SỸ

CHƯƠNG I.

BIỂU HIỆN CỦA THỨC

Nếu duy chỉ có thức, tại sao thế gian và các Thánh giáo đều nói có ngã và pháp?

Tụng nói:

ātmadharmopacāro hi vividho yaḥ pravartate/

vijñānapariṇāme’ sau pariṇāmaḥ sa ca tridhā // 1/

vipāko manyanākhyaś ca vijñaptir viṣayasya ca/ 2a-b

由假說我法 有種種相轉

彼依識所變 此能變唯三/1

謂異熟思量 及了別境識 /2a-b

Do giả thuyết ngã pháp

Hữu chủng chủng tướng chuyển

Bỉ y thức sở biến

Thử năng biến duy tam.

Các hình thái chuyển hiện sai biệt đều là giả thác như là ngã và pháp.[1]Chúng là hai biến thái của thức. [2]Sự biến thái [3]này có ba dạng. Đó là, dị thục, tư lương, và biểu thức của cảnh vực. [4]

TIẾT 1. NGÃ VÀ PHÁP

Ngã và pháp mà thế gian và Thánh giáo nói đến như là tồn tại, đó là sự giả lập chứ không phải là tự thể thực hữu. Ngã tức chủ tể.[5]Pháp là cái duy trì quỹ tắc. [6]Cả hai chuyển hiện dưới nhiều hình thái sai biệt.

Các hình thái sai biệt của ngã như hữu tình, sinh mạng,[7]v.v., và Dự lưu, Nhất lai, v.v. [8]

Các hình thái sai biệt của pháp như thực thể, phẩm tính, vận động, v.v.,[9]và uẩn, xứ, giới, v.v.

Chuyển hiện,[10]là tùy theo các duyên (điều kiện) mà xuất hiện với những khái niệm [11]khác biệt.

Các hình thái sai biệt nếu chỉ là ngoại hiện (giả thuyết) ấy y trên cái gì mà được quan niệm? Các hình thái sai biệt ấy y trên biến thái của thức[12]mà giả lập khái niệm.

Thức ở đây chỉ biểu thức.[13]Thức được nói trong đây cũng gồm cả tâm sở, vì chúng nhất định cùng tương ưng.

Biến thái,[14]là thể của thức biểu hiện thành hai phần ngoại hiện. [15]Bởi vì, tướng phần và kiến phần đều y tự chứng phần mà hiện khởi. Y trên hai phần này mà ngã và pháp được giả thiết. Hai phần này mà lìa thức thể thì không có gì làm sở y. [16]

Hoặc cho rằng nội thức chuyển tợ thành ngoại cảnh.[17]Do năng lực huân tập của sự phân biệt ngã và pháp, khi các thức sinh khởi, chúng biến tợ thành ngã pháp. Các hình thái ngã và pháp này tuy ở trong nội thức nhưng do phân biệt mà xuất hiện như là tợ ngoại cảnh. Các loại hữu tình từ thời vô thuỷ lấy đó làm đối tượng mà chấp là thực ngã và thực pháp. Như nhặm mắt, [18]chiêm bao. [19]Do tác động của nhặm mắt, chiêm bao, tâm xuất hiện với những hình thái đa dạng của tợ ngoại cảnh. Lấy đó làm đối tượng mà chấp rằng ngoại cảnh là thực hữu. Thực ngã và thực pháp, được quan niệm bởi hạng phàm ngu, là hoàn toàn không tồn tại. Nhưng tuỳ theo tưởng tượng sai lầm mà có khái niệm. Khái niệm đó được nói là giả. [20]Tợ ngã và tợ pháp vốn là biến thái của nội thức, tuy tồn tại nhưng không phải là tự thể thực ngã và thực pháp; do vì xuất hiện tương tợ nên nói là giả.

Ngoại cảnh tuỳ theo sự tưởng tượng mà được khái niệm, do đó không tồn tại; như thức.[21]Nội thức tất y nhân duyên mà sinh khởi, do đó không phải không tồn tại; như cảnh. Bằng điều này mà hai chấp tăng và giảm [22]bị bác bỏ.

Cảnh y trên nội thức mà được giả lập do đó chỉ tồn tại trong quy ước thế tục. Thức là sở y của giả cảnh nên cũng tồn tại trong thắng nghĩa.

Do đâu[23]để biết rằng thực không tồn tại ngoại cảnh duy chỉ có nội thức sinh khởi tương tợ ngoại cảnh? Vì thực ngã và thực pháp không thể nắm bắt được.



[1]Skt. ātma-dharma-upacāra, cận hành như là ngã và pháp; giả thuyết, giả lập, giả thi thiết, giả thác, hay ngoại hiện, như là ngã và pháp. Hán: giả thuyết ngã pháp.Thuật ký(tr.238a18): giả có hai, vô thể tùy tình giả: tự thể không tồn tại nhưng được khái niệm tùy theo sự tưởng tượng; hữu thể thi thiết giả, khái niệm cưỡng gán trên tự thể thể tồn tại.

[2]Skt. vijñānapariṇāma. Hán: thức sở biến. Trong bản dịch của Huy���n Trang, từ Skt.parimāṇa, tùy theo trường hợp, hoặc được dịch là sở biến, hoặc được dịch là năngbiến. T. 1587: thức chuyển.

[3]Skt. paramāṇa. Hán: năng biến. Xem cht. 16 trên.

[4]T.1587, ba năng duyên: quả báo thức, chấp thức, và trần thức.

[5]Cf. Pali, S. iii. 66: rūpaṃ bhikkhave anattā. rūpañca hidaṃ bhikkhave attā abhavissa nayidaṃ rūpaṃ ābādhāya saṃvatteyya, labbhetha ca rūpe – evaṃ me rūpam hotu, evaṃ me rūpaṃ mā ahosi, “Sắc là vô ngã. Nếu sắc là ngã, sắc này không bịnh, và các ngươi có the mong ước “mong sắc của tôi sẽ như vầy, sẽ không như vầy.”

[6]Kośa i. 2: svalakṣaṇadhāraṇād dharmaḥ, nói là pháp vì duy trì yếu tính của chính nó. Cf. Ht. (T29n1558, tr.1b9).

[7]Đại phẩm bát-nhã 2(La-thập, T8n223, tr.230c11), 16 biệt danh của ngã: chúng sinh , thọ giả , mạng giả, sinh giả, dưỡng dục giả, chúng số nhân , tác giả, sử tác giả, khởi giả , sử khởi giả, thọ giả, sử thọ giả, tri giả, kiến giả. Danh sách theo Huyền Trang,Đại bát nhã 406(T7n220, tr.29a29): hữu tình, mạng giả, sinh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ-đặc-già-la, ý sinh, nho đồng, tác giả, thọ giả, tri giả, kiến giả. Danh sách theoMahāvyutpatti ccviii. tīrthakātma-paryāyāḥ(danh mục về tự ngã của ngoại đạo):ātmā, sattva, jīva, jantu, poṣa, puruṣa, pudgala, manuja, mānava, kāraka, krāpaka, vedaka, jānaka, paśyaka, utthāpaka, samutthāpaka. Cf. Du-già 83(tr.764b12).

[8]Danh hiệu các Thánh giả Thanh văn, tám bậc Thánh hay 8 Bổ-đặc-già-la (aṣṭau pudgalāḥ): Dự lưu hướng (srota-āpatti-pratipannaka), Dự lưu quả (srota-āpanna), Nhất lai hướng (sakṛd-āgāmi-pratipannaka), Nhất lai quả (sakṛd-āgāmī), Bất hoàn hướng (āgāmi-pratipannaka), Bất hoàn quả (āgāmi), A-la-hán hướng (arhat-pratipannaka), A-la-hán quả (arhat).Xuyếu(p619b16): 27 bậc Hiến Thánh bao gồm cả Đại thừa và Tiểu thừa.

[9]Sáu bản thể tồn tại (padārtha: cú nghĩa) của Thắng luận (Vaiśeṣika): 1. thực (dravya), 2. đức (guṇa), 3. nghiệp (karma), 4. đồng (sāmānya), 5. dị (viśeṣa), 6. hòa hiệp (samavāya). Hoặc 10 cú nghĩa,Thắngtông thập cú nghĩa luận(T54n2138, tr.1262c16): như trên, thêm, 7. năng (śakti), 8. vô năng(aśakti), 9. câu phần(ubhayatobhāga), 10. vô thuyết (abhāva).

[10]Hán: chuyển; Skt.pravartate.Thuật ký(p240b19): “Chuyển tức khởi. Tùy theo các duyên mà hiện khởi các tướng ngã và pháp.”

[11]Hán: thi thiết, Thuật ký(tr. 240b16), đồng nghĩa với an lập, tức giả thuyết. Skt.prajñapti: khái niệm giả lập.

[12]Hán: thức sở chuyển biến; Skt. vijñānaparimāṇa.

[13]Hán: liễu biệt; Skt. vijñapti. Kośa i. 16:vijñānaṃprativijñaptiḥ: viṣayaṃviṣayaṃprativijñaptirupalabdhir, thức, cá biệt nhận thức, là biểu thức thủ đắc từng đối tượng riêng biệt.

[14]Skt. pariṇama.

[15]Thuât ký(242a25): An Huệ lập một phần; Thân Thắng, hai phần; Trần-na, ba phần; Hộ Pháp, bốn phần. Cf. Xu yếu(T43n1831, tr.609b4). Nghĩa đăng(674b6): An Huệ, căn cứ y tha khởi lập chỉ một phần.

[16]Thuật ký(T43n1830, tr.241a11), có hai trường hợp, hoặc kiến và tướng đồng chủng tử; hoặc khác chủng tử.Xu yếu(T43n1831, tr.620a14): thuyết của An Huệ, cả hai phần đều đồng chủng tử.ibid., tr. 620a7.

[17]Thuật ký(242a17): Quan điểm của Nan-đà và Thân Thắng, lập hai phần kiến và tướng.Nghĩa đăng(T43n1832, tr.680b27): dẫn Viên Trắc (Thành duy thức luận sớ), “Từ biến được giải thích bằng 2 phần và 3 phần. Theo đó, có 3 thuyết: 1. Lập 3 phần, giải thích của 8 Luận sư trong đó gồm An Huệ; trừ Hỏa Biện và Thân Thắng, hai người đồng thời với Thế Thân, lập 2 phần. 2. Giải thích bằng 3 phần, trừ An Huệ, còn lại như trên. 3. Gồm các Luận sư, trừ An Huệ. NhưngNghĩa đăng bác bỏ Viên Trắc, cho rằng không có đoạn văn nào nói An Huệ lập 3 phần; 2 phần cũng không thấy.

[18]Hán: hoạn. Thuật ký(243a9): “Như bị bịnh nhiệt, thị lực của mắt bị tổn hại, khiến tất cả màu đều thấy là vàng.”Hiển dương 11(532c7): “Như bị bịnh ca-mạt-la (Skt.kāmalā) làm tổn hoại nhãn căn, vật khôngphải màu vàng mà thấy là vàng.”

[19]Thuật ký(243a7): thí dụ này chỉ có giá trị đối với Kinh bộ. Hữu bộ cho rằng những gì được thấy trong chiêm bao cũng là thực cảnh, nên thí dụ bất thành.”

[20]Thuật ký(tr.243b7), thuộc vô thể tùy tình giả. Xem cth. 15 trên.

[21]Nhân minh lượng, dị dụ.

[22]Tăng giảm nhị chấp. Thuật ký(243c4): tăng chấp của ngoại đạo cho rằng cảnh thực hữu tồn tại ngoài tâm. Tổn giảm chấp, chấp Không một cách sai lầm, cho rằng thức cũng không tồn tại.

[23]Thuật ký(tr.244b17): văn, đại thể theo Hộ Pháp.

---o0o---

---o0o---
Nguồn: www.phatviet.net
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]