Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IV - Phẩm Bốn Kệ

16/04/201312:13(Xem: 9376)
Chương IV - Phẩm Bốn Kệ

Kinh Tiểu Bộ

Chương IV - Phẩm Bốn Kệ

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(CLXXXVI) Nàgasamàla (Thera. 33)

Sanh trong thời đức Phật hiện tại, trong gia đình hoàng tộc Thích-ca, ngài quán sát tánh vô thường của sự vật và triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Ngài chứng minh chánh trí của ngài dựa trên kinh nghiệm riêng của ngài trong những bài kệ này:

267. Trang điểm, mặc áo đẹp,
Đeo vòng hoa, thơm nức,
Mùi thơm gỗ chiên đàn,
Giữa đám đông, đường lớn,
Một vũ nữ đang múa,
Múa lượn theo nhạc khí.


268. Ta vào thành, khất thực,

Đi ngang, ta thấy nàng
Trang điểm, mặc áo đẹp,
Gieo bẫy mồi thần chết.


269. Rồi ta tự tác ý,

Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán, ta an trú.


270. Và tâm ta giải thoát,

Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

(CLXXXVII) Bhagu (Thera. 33)

Sanh trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình dòng họ Sakya (Thích Ca), ngài xuất gia với Anuruddha và Kimbila, và sống gần làng Bàlakalona. Một ngày kia, khi ngài từ tinh xá ra ngoài để đối trị bịnh buồn ngủ, ngài té khi ngài bước lên đường kinh hành. Xem đấy để tự khích lệ, ngài tự chế ngự và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Từ đấy, sống thọ hưởng an lạc giải thoát Niết-bàn. Thế Tôn đến, tán thán cô độc của ngài và hỏi: 'Này Tỷ-kheo, sao cho đến nay, Thầy vẫn còn tinh tấn?'. Ngài trả lời, với những bài kệ như sau:

271. Bị buồn ngủ chi phối,
Ta ra khỏi tinh xá,
Lại lên đường kinh hành,
Tại đấy té xuống đất.


272. Xoa bóp cả chân tay,

Lại lên đường kinh hành,
Qua lại đường kinh hành,
Nội tâm ta định tỉnh.
Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.


273. Và tâm ta giải thoát

Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

(CLXXXVIII) Sabhiya (Thera. 33)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình con gái một hoàng tộc, người con gái này được cha mẹ giao cho một vị du sĩ hướng dẫn để nàng có thể học giáo lý và nếp sống tu hành. Sabhiya khi lớn lên cũng trở thành một du sĩ, học hỏi nhiều kinh kệ tụng, trở thành một nhà lý luận sắc bén, không ai sánh nổi. Dựng am bên cửa thành, ngài dạy học cho con cháu các hoàng tộc, ngài nghĩ ra hai mươi câu hỏi để ngài hỏi các vị tu sĩ và Bà-la-môn. Trong khi Sabhiyasutta, có ghi là một Bà-la-môn, từ cõi Tịnh cư thiên, đã nghĩ ra các câu hỏi ấy. Thế Tôn khi đi đến Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm, đã trả lời các câu hỏi và Sabhiya khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Khi ngài khuyên dạy các Tỷ-kheo đã theo phe Devadatta, ngài nói lên những bài kệ như sau:

274. Người khác không rõ biết,
Ta ở đây một thời,
Tại đây, bậc có trí,
Biết vậy sống tịnh chỉ.


275. Khi họ không rõ biết,

Họ làm như bất tử;
Khi họ rõ biết pháp,
Giữa bệnh, họ không bệnh.


276. Ai sở hành phóng đãng,

Cấm giới bị uế nhiễm,
Phạm hạnh đáng nghi ngờ,
Vị ấy chứng quả lớn,


277. Sống giữa đồng Phạm hạnh,

Không được trọng, tôn kính,
Vị ấy xa Diệu pháp,
Như trời xa đất liền.

(CLXXXIX) Nandaka (Thera. 33)

Trong thời Đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình có gia tộc, và được gọi là Nandaka. Ngài xuất gia, sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó khi đang sống trong an lạc giải thoát, ngài được bậc Đạo Sư dạy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni và khiến cho năm trăm vị chứng quả A-la-hán. Đức Phật ấn chứng cho ngài là vị khuyến giáo Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni đệ nhất.

Rồi một ngày kia, khi đi khất thực ở Sàvatthi, một nữ nhân trước kia lập gia đình với ngài, thấy ngài và cười lớn tiếng với một tâm bất chánh. Vị Trưởng lão thấy hành động của nàng liền dạy cho nàng về thân thể bất tịnh, với những bài kệ sau:

278. Gớm thay, vật hôi thối!
Đầy sắc mùi hôi tanh,
Vật sở hữu của ma,
chảy nhiều dòng nước,
Thân này có chín dòng,
Luôn luôn được tuôn chảy.


279. Chớ khinh miệt cổ nhân!

Chớ xúc phạm Như Lai,
Họ không tham thiên giới,
Còn nói gì cõi người.


280. Kẻ ngu, thiếu trí tuệ,

Tà ý, si bao phủ,
Kẻ ấy đầy tham đắm,
Bị ma quăng dây trói.


281. Những ai đã thoát ly,

Tham, sân và vô minh,
Đây họ không tham đắm,
Dây cắt, không trói buộc.

(CXC) Jambuka (Thera. 34)

Trong thời Đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình rất nghèo. Như trong đời trước, ngài dùng phân làm đồ ăn, và rời bỏ gia đình, làm vị tu khổ hạnh. Thực hành nhiều khổ hạnh, ăn từng hạt đậu một, được chấm trên đầu ngọn rơm. Ngài đã năm lăm tuổi khi đức Phật thấy ngài căn cơ thuần thục, như ngọn đèn đặt trong cài ghè, đi đến ngài, thuyết pháp và hóa độ cho ngài. Rồi Thế Tôn gọi: 'Hãy đến, này Tỷ-kheo' và cho ngài xuất gia. Rồi Jambuka phát triển thiền quán và Thế Tôn ấn chứng ngài chứng quả A-la-hán. Đây chỉ là sơ lược, trong đoạn sớ giải các câu kệ của Dhammapàda, câu chuyện được giải thích rộng rãi từ nơi câu; 'Ăn từng hạt đậu một, với ngọn rơm chấm đậu. Khi đến giờ mệnh chung, ngài nói lên rằng: dầu một lần sống theo tà hạnh, nhưng nếu dựa vào đức Phật tối thượng, ngài cũng có thể chứng quả như các đệ tử khác. Ngài nói lên những bài kệ:

282. Trải năm mươi lăm năm,
Thân đầy những bụi bặm,ʮ cơm tháng một lần,
Tóc râu ta nhổ sạch.


283. Ta đứng chỉ một chân,

Ta không dùng giường nằm,
Ta ăn phân phơi khô,
Ta không nhận lời mời.


284. Sở hành ta nhiều vậy,

Dẫn ta đến ác thú,
Bị nước lớn cuốn trôi,
Cho đến khi quy Phật.


285. Hãy nhìn Phật ta quy

Hãy nhìn Pháp, pháp nhĩ
Ba minh ta đạt được
Lời Phật dạy làm xong

(CXCI) Senaka (Thera. 34)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình, con trai người chị của Trưởng lão Kassapa ở Uruvela, và được đặt tên là Senaka. Khi học về văn hóa Vệ-đà Bà-la-môn, ngài ở với gia đình. Trong thời ấy dân chúng tổ chức hàng năm vào tháng Thaggumà (tháng ba) một lễ quán đảnh một bến nước, lễ ấy được gọi là Gayà melà (hay ngày trai giới Gayà).

Thế Tôn vì lòng thương tưởng đến những người có thể giáo hóa, ở lại gần bờ sông. Và khi quần chúng tụ họp lại, Senaka cũng đến, nghe bậc Đạo Sư thuyết giảng được cảm hóa xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Sau đó, suy tuởng đến sự thắng trận của mình, ngài cảm thấy hân hoan, và ứng khẩu nói lên những bài kệ này

286. Thật tốt lành cho ta,
Khi ở thành Gayà,
Trong tháng lễ mùa xuân,
Tháng tên Phagguna,
Ta thấy bậc Chánh Giác,
Thuyết Chánh pháp tối thượng.


287. Bậc có hào quang lớn,

Là Đạo Sư hội chúng,
Đạt được vị tối thắng,
Bậc lãnh đạo nhiếp chúng,
Chiến thắng giới Trời, Người,
Bậc thấy khó cân lường.


288. Đại long tượng, đại hùng,

Đại quang minh, vô lậu,
Mọi lậu hoặc đoạn tận,
Đạo Sư, không sợ hãi.


289. Lâu nay ta uế nhiễm,

Bị tà kiến trói buộc,
Nay chính Thế Tôn ấy,
Giải thoát Senaka,
Thoát khỏi mọi buộc ràng,
Được tự tại , giải thoát.

(CXCII) Sambhùta (Thera. 34)

Trong thời Đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình có giai cấp, và sau khi bậc Đạo Sư tịch diệt, ngài được Ananda giáo hóa, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ngài sống trong an lạc giải thoát, cho đến khi một trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, các Tỷ-kheo Vajjì đề xướng mười tà pháp bị Trưởng lão Niyasa và các Tỷ-kheo Kàlanndaka chống lại và một kỳ kiết tập được tổ chức với bảy trăm vị A-la-hán. Ngài Sambhùta, bị xúc động bởi hành động xuyên tạc Pháp và Luật, nói lên những bài kệ này và tuyên bố chánh trí của ngài:

290. Ai khi phải từ từ
Lại lội qua gấp gấp,
Ai khi phải lội gấp,
Lại từ từ lội qua,
Kẻ ngu thiếu chánh lý,
Đi đến cảnh khổ đau.


291. Lợi ích bị tổn giảm,

Như trăng vào thời đen,
Gặp phải sự ô nhục,
Chống đối các bạn bè.


292. Ai khi phải từ từ,

Lội qua rất từ từ,
Ai khi phải lội gấp,
Lội qua thật gấp gáp,
Kẻ trí có chánh lý,
Đi đến cảnh an lạc.


293. Lợi ích được viên mãn,

Như trăng vào thời sáng,
Được danh tiếng vinh dự,
Không chống đối bạn bè.

(CXCIII) Ràhula (Thera. 35)

Ngài là con của đức Phật và công chúa Yasodhàra, và được nuôi dưỡng với các hoàng tử khác. Trường hợp ngài xuất gia đã được ghi trong tập Khandhaka. Nhờ những lời dạy trong nhiều bài kinh, trí tuệ ngài thuần thục và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Suy tư đến sự thắng trận của mình, ngài nói lên chánh trí:

294. Nhờ ta được đầy đủ,
Hai đức tánh tốt đẹp,
Được bạn có trí gọi,
'Ra-hu-la may mắn'
Ta là con đức Phật,
Ta lại được Pháp nhãn.


295. Các lậu hoặc ta đoạn,

Không còn có tái sanh,
Ta là bậc La-hán,
Đáng được sự cúng dường.
Ba minh ta đạt được,
Thấy đuợc giới bất tử.


296. Bị dục làm mù quáng,

Bị lưới tà bao trùm,
Khát ái làm màn che,
Bao trùm che phủ kín.
Do phóng dật trói buộc,
Như cá mắc mắt lưới.


297. Ta vượt qua dục ấy,

Cắt đứt ma trói buộc,
Nhổ lên gốc khát ái,
Ta mát lạnh tịch tịnh.

(CXCIV) Candana (Thera. 35)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài tái sanh trong một gia đình giàu có và đặt tên là Candana, ngài sống một đời sống gia đình cho đến khi ngài được nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp. Và chứng quả Dự Lưu. Khi ngài sanh được một người con, ngài xuất gia, chọn lựa một đề tài thiền quán và sống ở trong rừng. Đi đến Sàvatthi để yết kiến bậc Đạo Sư, ngài ở trong một bãi tha ma, vợ ngài nghe tin ngài đến, liền trang điểm, đem con theo, nghĩ rằng: 'Với nhan sắc nàng có thể khiến ngài từ bỏ xuất gia'. Ngài thấy nàng từ xa đi đến nghĩ cách để thoát khỏi bị nàng cám dỗ, phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài thuyết giảng cho nàng, khiến nàng qui y và thọ các giới. Rồi ngài trở lui ở chỗ cũ của ngài. Khi các Tỷ-kheo bạn hỏi ngài: 'Các căn của bạn chói sáng, bạn đã chứng sự thực gì?'. Ngài nói lên quả chứng của mình, và với những bài kệ này, chứng minh chánh trí của mình.

298. Với vàng che phủ kín,
Chúng nữ tỳ vây quanh,
Mang theo đứa con thơ,
Người vợ đến với ta.


299. Thấy mẹ của con ta,

Từ xa đang đi đến,
Khéo trang điểm đẹp đẽ,
Như ma gieo bẫy mồi.


300. Rồi ta tự tác ý,

Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán, ta an trú.


301. Và tâm ta giải thoát,

Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

(CXCV) Dhammika (Thera. 35)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, tên là Dhammika. Khi Jetavana (Kỳ Viên) được dâng cúng, ngài khởi lòng tin, và xuất gia. Sống tại một tinh xá ở làng, ngài cảm thấy bất mãn và khó chịu đối với các công việc các Tỷ-kheo đến tinh xá. Do vậy các Tỷ-kheo đều bỏ đi và ngài làm chủ một mình một ngôi tinh xá. Một cư sĩ báo cáo sự việc lên bậc Đạo Su, bậc Đạo Sư cho gọi ngài lên để giải thích. Theo lời các Tỷ-kheo yêu cầu, ngài nói lên những bài kệ như sau:

302. Pháp che chở hộ trì,
Người hành trì Chánh pháp,
Pháp đem lại an lạc,
Cho người khéo hành pháp,
Đây là những lợi ích,
Khi pháp khéo hành trì,
Người hành trì Chánh pháp,
Không đi xuống ác thú.


303. Cả hai pháp, phi pháp,

Kết quả không giống nhau;
Phi pháp, dẫn địa ngục,
Pháp đưa đến cõi lành.


304. Do vậy, đối Chánh pháp,

Khởi ý muốn hành trì,
Tâm tư sanh hoan hỷ,
Khéo thiện lai như vậy.
Vững trú trên Chánh pháp,
Đệ tử bậc Thiện Thệ,
Sáng suốt tiến bước lên,
Quy y bậc tối thượng.


305. Phá vỡ cội ung nhọt,

Nhổ lên lưới ái triền,
Luân hồi được đoạn tận,
Không còn có sanh y,
Như trăng vào ngày rằm,
Trong đêm thanh trong sáng.

Khi Thế Tôn dạy ba bài kệ trên, Dhammika trên chỗ ngồi phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Để nói lên quả chứng của mình cho bậc Đạo Sư rõ, ngài nói lên bài kệ cuối cùng để nói lên chánh trí của ngài.

(CXCVI) Sabbaka (Thera. 35)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn, ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa chọn một đề tài để thiền quán, ngài đi đến tinh xá Lonagiri, trên bờ sông Ajakaranì và tại đấy, sau một thời gian chứng quả A-la-hán. Đi đến Sàvatthi để yết kiến bậc Đạo Sư, ngài ở lại một thời gian và được bà con đón tiếp. Sau khi khuyên các bà con quy y và giữ giới, ngài muốn trở về chỗ cũ. Các bà con yêu cầu ngài ở lại để được bà con cúng dường, nhưng ngài nói cho họ rõ vì sao ngài đến đây, và sự ưa thích đời sống độc cư. Ngài nói lên bài kệ tán thán trú xứ của ngài:

306. Khi ta thấy con cò,
Trương đôi cánh trắng tinh,
Sợ hãi đám mây đen,
Tìm chỗ kín ẩn nấp;
Khi ấy chính con sông,
Ajakaranì,
Đem hoan hỷ cho ta.


307. Khi ta thấy con cò,

Trương đôi cánh trắng sạch,
Sợ hãi đám mây đen,
Tìm hang để ẩn nấp,
Nhưng tìm không có thấy.
Khi ấy chính con sông,
Ajakaranì,
Đem hoan hỷ cho ta.


308. Ai lại không thích thú,

Khi thấy ở tại đây,
Trên cả hai dãy bờ,
Có hàng cây Jambu,
Làm chói sáng bờ sông,
Sau lưng cái hang lớn.


309. Hãy nghe những con nhái,

Khéo thoát những đàn rắn,
Kêu lên niềm hoan hỷ,
Với tiếng kêu nhẹ nhàng:
Nay không phải là thời,
Buông thả với suối rừng,
Thật an ổn con sông
Ajakaranì,
Thoải mái và yên lành,
Thật an vui thích thú!

Rồi các bà con thuận để ngài đi. Vì ngài thích sống nhàn tịnh, đây trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.

(CXVII) Mudita (Thera 36)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân và được đặt tên là Mudita. Khi ngài đến tuổi trưởng thành , dòng họ ngài vì một vài nguyên nhân, bị vua chống đối Mudita, quá sợ vua nên bỏ chạy, đi vào rừng và sống gần trú xứ của một Trưởng lão đã chứng quả A-la-hán. Vị này thấy ngài quá sợ hãi, bảo ngài chớ có sợ. Ngài hỏi cần phải bao nhiêu thời gian mới khỏi tai nạn, vị A-la-hán nói cần phải bảy hay tám tháng, ngài nói ngài không thể đợi lâu như thế nên xin xuất gia. Vị Trưởng lão cho phép ngài được xuất gia. Ngài xuất gia, học đạo, khởi lòng tin, không còn sợ hãi nữa, và tu tập thiền quán. Chưa chứng được quả A-la-hán, ngài nguyện không rời khỏi tinh xá cho đến khi chứng quả và cuối cùng ngài đã thành công. Sau đó, ngài sống trong an lạc giải thoát, các Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh hỏi ngài làm sao ngài thành đạt được chí nguyện, ngài nói lên kinh nghiệm của ngài trong những bài kệ như sau:

310. Để cứu mạng sống ta,
Ta xuất gia tu hành,
Ta được thọ đại giới,
Nhờ vậy được lòng tin,
Ta kiên trì tinh tấn,
Hăng hái ta tiến bước.


311. Dầu thân này hủy hoại,

Từng miếng thịt tiêu mòn,
Đầu khớp xương hai gối,
-ng chân làm ta ngã.


312. Ta sẽ không ăn uống,

Không ra ngoài tinh xá,
Ta sẽ không nằm xuống,
Không nằm một bên hông,
Nếu mũi tên tham ái,
Chưa được rút nhổ lên.


313. Hạnh ta sống như vậy,;

Hãy nhìn ta tinh cần,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]